Sau khi đã nghe, tuệ về sự thu thúc là trí về yếu tố tạo thành giới là (có ý nghĩa) thế nào?

Có năm loại giới: giới có sự thanh tịnh giới hạn, giới có sự thanh tịnh không giới hạn, giới có sự thanh tịnh toàn vẹn, giới có sự thanh tịnh chưa được tuyệt đối, giới có sự thanh tịnh tĩnh lặng.

Ở đây, giới có sự thanh tịnh giới hạn là thế nào? Là đối với các điều học đã được giới hạn của những người chưa tu lên bậc trên; đây là giới có sự thanh tịnh giới hạn.

Giới có sự thanh tịnh không giới hạn là thế nào? Là đối với các điều học không được giới hạn của những người đã tu lên bậc trên; đây là giới có sự thanh tịnh không giới hạn.

Giới có sự thanh tịnh toàn vẹn là thế nào? Là của các phàm nhân hoàn thiện, gắn bó với các thiện pháp, có sự thực hành đầy đủ các phần đã được giới hạn dành cho bậc hữu học, không xem trọng thân thể và sanh mạng, có mạng sống đã được buông bỏ; đây là giới có sự thanh tịnh toàn vẹn.

Giới có sự thanh tịnh chưa tuyệt đối là thế nào? Là của bảy hạng hữu học; đây là giới có sự thanh tịnh chưa tuyệt đối.

Giới có sự thanh tịnh tĩnh lặng là thế nào? Là của các vị Thinh Văn của đức Như Lai có các lậu hoặc đã được đoạn tận, của các vị Phật Độc Giác, của các đức Như Lai A-la-hán Chánh Đẳng Giác; đây là giới có sự thanh tịnh tĩnh lặng.

Có loại giới bị hạn chế, có loại giới không bị hạn chế.

Ở đây, loại giới bị hạn chế ấy là thế nào? Có loại giới bị hạn chế vì lợi, có loại giới bị hạn chế vì danh, có loại giới bị hạn chế vì thân quyến, có loại giới bị hạn chế vì chi phần (thân thể), có loại giới bị hạn chế vì mạng sống.

Giới bị hạn chế vì lợi ấy là thế nào? Ở đây, có người do nhân lợi, do duyên lợi, do động cơ lợi vi phạm điều học đã được thọ trì; đây chính là giới bị hạn chế vì lợi.

Giới bị hạn chế vì danh ấy là thế nào? Ở đây, có người do nhân danh vọng, do duyên danh vọng, do động cơ danh vọng vi phạm điều học đã được thọ trì; đây chính là giới bị hạn chế vì danh.

Giới bị hạn chế vì thân quyến ấy là thế nào? Ở đây, có người do nhân thân quyến, do duyên thân quyến, do động cơ thân quyến vi phạm điều học đã được thọ trì; đây chính là giới bị hạn chế vì thân quyến.

Giới bị hạn chế vì chi phần (thân thể) ấy là thế nào? Ở đây, có người do nhân chi phần (thân thể), do duyên chi phần (thân thể), do động cơ chi phần (thân thể) vi phạm điều học đã được thọ trì; đây chính là giới bị hạn chế vì chi phần (thân thể).

Giới bị hạn chế vì mạng sống ấy là thế nào? Ở đây, có người do nhân mạng sống, do duyên mạng sống, do động cơ mạng sống vi phạm điều học đã được thọ trì; đây chính là giới bị hạn chế vì mạng sống.

Các giới có hình thức như vậy là bị sứt mẻ, bị đổ vỡ, có các vết lấm, có các đốm nhơ, không làm cho giải thoát, không được bậc trí ngợi khen, bị tiêm nhiễm, không đưa đến định, không là các nền tảng cho sự không ăn năn, không là các nền tảng cho sự hân hoan, không là các nền tảng cho hỷ, không là các nền tảng cho tịnh, không là các nền tảng cho lạc, không là các nền tảng cho định, không là các nền tảng cho sự biết và thấy đúng theo thực thể, không đưa đến sự nhàm chán toàn diện, sự ly tham ái, sự diệt tận, sự an tịnh, thắng trí, sự giác ngộ hoàn toàn, Niết Bàn; đây là giới bị hạn chế ấy.

Giới không bị hạn chế ấy là thế nào? Có giới không bị hạn chế vì lợi, có giới không bị hạn chế vì danh, có giới không bị hạn chế vì thân quyến, có giới không bị hạn chế vì chi phần (thân thể), có giới không bị hạn chế vì mạng sống.

Giới không bị hạn chế vì lợi ấy là thế nào? Ở đây, có người do nhân lợi, do duyên lợi, do động cơ lợi vẫn không khởi tâm vi phạm điều học đã được thọ trì, vậy vị ấy sẽ vi phạm điều gì? Đây chính là giới không bị hạn chế vì lợi.

Giới không bị hạn chế vì danh ấy là thế nào? Ở đây, có người do nhân danh vọng, do duyên danh vọng, do động cơ danh vọng vẫn không khởi tâm vi phạm điều học đã được thọ trì, vậy vị ấy sẽ vi phạm điều gì? Đây chính là giới không bị hạn chế vì danh.

Giới không bị hạn chế vì thân quyến ấy là thế nào? Ở đây, có người do nhân thân quyến, do duyên thân quyến, do động cơ thân quyến vẫn không khởi tâm vi phạm điều học đã thọ trì, vậy vị ấy sẽ vi phạm điều gì? Đây chính là giới không bị hạn chế vì thân quyến.

Giới không bị hạn chế vì chi phần (thân thể) ấy là thế nào? Ở đây, có người do nhân chi phần (thân thể), do duyên chi phần (thân thể), do động cơ chi phần (thân thể) vẫn không khởi tâm vi phạm điều học đã được thọ trì, vậy vị ấy sẽ vi phạm điều gì? Đây chính là giới không bị hạn chế vì chi phần (thân thể).

Giới không bị hạn chế vì mạng sống ấy là thế nào? Ở đây, có người do nhân mạng sống, do duyên mạng sống, do động cơ mạng sống vẫn không khởi tâm vi phạm điều học đã được thọ trì, vậy vị ấy sẽ vi phạm điều gì? Đây chính là giới không bị hạn chế vì mạng sống.

Các giới có hình thức như vậy là không bị sứt mẻ, không bị đổ vỡ, không có các vết lấm, không có các đốm nhơ, làm cho giải thoát, được các bậc trí ngợi khen, không bị tiêm nhiễm, đưa đến định, là các nền tảng cho sự không ăn năn, là các nền tảng cho sự hân hoan, là các nền tảng cho hỷ, là các nền tảng cho tịnh, là các nền tảng cho lạc, là các nền tảng cho định, là các nền tảng cho sự biết và thấy đúng theo thực thể, đưa đến sự nhàm chán toàn diện, sự ly tham ái, sự diệt tận, sự an tịnh, thắng trí, sự giác ngộ hoàn toàn, Niết Bàn. Đây là giới không bị hạn chế ấy.

Giới là gì? Có bao nhiêu loại giới? Giới có nguồn sanh khởi là gì? Giới có sự liên kết với bao nhiêu pháp?

Giới là gì? Sự cố ý là giới, thuộc về tâm là giới, sự thu thúc là giới, sự không vi phạm là giới.

Có bao nhiêu loại giới? Có ba loại giới: thiện giới, bất thiện giới, vô ký giới.

Giới có nguồn sanh khởi là gì? Thiện giới có nguồn sanh khởi là các tâm thiện, bất thiện giới có nguồn sanh khởi là các tâm bất thiện, vô ký giới có nguồn sanh khởi là các tâm vô ký.

Giới có sự liên kết với bao nhiêu pháp? Giới có sự liên kết với sự thu thúc, giới có sự liên kết với sự không vi phạm, giới có sự liên kết với sự cố ý đã sanh lên trong trường hợp như thế.

Sự giết hại sanh mạng theo ý nghĩa thu thúc là giới, theo ý nghĩa không vi phạm là giới. Trộm cắp theo ý nghĩa thu thúc là giới, theo ý nghĩa không vi phạm là giới. Hành động sai trái trong các dục theo ý nghĩa thu thúc là giới, theo ý nghĩa không vi phạm là giới. Nói láo theo ý nghĩa thu thúc là giới, theo ý nghĩa không vi phạm là giới. Nói đâm thọc theo ý nghĩa thu thúc là giới, theo ý nghĩa không vi phạm là giới. Nói độc ác theo ý nghĩa thu thúc là giới, theo ý nghĩa không vi phạm là giới. Nói nhảm nhí theo ý nghĩa thu thúc là giới, theo ý nghĩa không vi phạm là giới. Tham ác theo ý nghĩa thu thúc là giới, theo ý nghĩa không vi phạm là giới. Sân độc theo ý nghĩa thu thúc là giới, theo ý nghĩa không vi phạm là giới. Tà kiến theo ý nghĩa thu thúc là giới, theo ý nghĩa không vi phạm là giới.

Do sự thoát ly, sự ước muốn trong các dục theo ý nghĩa thu thúc là giới, theo ý nghĩa không vi phạm là giới. Do sự không sân độc, sự sân độc theo ý nghĩa thu thúc là giới, theo ý nghĩa không vi phạm là giới. Do sự nghĩ tưởng đến ánh sáng, sự lờ đờ buồn ngủ ...(như trên)... Do sự không tản mạn, sự phóng dật ...(như trên)... Do sự xác định pháp, sự hoài nghi ...(như trên)... Do trí, vô minh ...(như trên)... Do sự hân hoan, sự không hứng thú theo ý nghĩa thu thúc là giới, theo ý nghĩa không vi phạm là giới.

Do sơ thiền, các pháp ngăn che ...(như trên)... Do nhị thiền, tầm tứ ...(như trên)... Do tam thiền, hỷ ... Do tứ thiền, lạc và khổ ... Do sự chứng đạt không vô biên xứ, sự nghĩ tưởng về sắc, nghĩ tưởng về bất bình, nghĩ tưởng về sự khác biệt ... Do sự chứng đạt thức vô biên xứ, sự nghĩ tưởng về không vô biên xứ ... Do sự chứng đạt vô sở hữu xứ, sự nghĩ tưởng về thức vô biên xứ ... Do sự chứng đạt phi tưởng phi phi tưởng xứ, sự nghĩ tưởng về vô sở hữu xứ ...(như trên)...

Do quán xét về vô thường, sự nghĩ tưởng về thường còn ...(như trên)... Do quán xét về khổ, sự nghĩ tưởng về lạc ...(như trên)... Do quán xét về vô ngã, sự nghĩ tưởng về ngã ... Do quán xét về nhàm chán, sự vui thích ... Do quán xét về ly tham ái, tham ái ... Do quán xét về diệt tận, nhân sanh khởi ... Do quán xét về từ bỏ, sự nắm giữ ... Do quán xét về đoạn tận, sự nghĩ tưởng về sự tiếp nối ... Do quán xét về biến hoại, (nghiệp) tích lũy ... Do quán xét về chuyển biến, sự nghĩ tưởng về vững chắc ... Do quán xét về vô tướng, hiện tướng ... Do quán xét về vô nguyện, sự nguyện ước ... Do quán xét về không tánh, sự cố chấp ... Do minh sát các pháp bằng thắng tuệ, sự cố chấp trong việc chấp giữ mãnh lực (của lòng ham muốn là thường còn) ... Do quán xét về sự biết và thấy đúng theo thực thể, sự cố chấp vào sự lầm lẫn ... Do quán xét về tai hại, sự cố chấp vào sự nương tựa ... Do quán xét về phân biệt rõ, sự không phân biệt rõ ...(như trên)... Do quán xét về ly khai, sự cố chấp vào sự ràng buộc ...(như trên)...

Do Đạo Nhập Lưu, các phiền não thuần về tà kiến ...(như trên)... Do Đạo Nhất Lai, các phiền não thô thiển ... Do Đạo Bất Lai, các phiền não có tính chất vi tế ... Do Đạo A-la-hán, toàn bộ phiền não theo ý nghĩa thu thúc là giới, theo ý nghĩa không vi phạm là giới.

Năm loại giới: Đối với việc giết hại mạng sống, sự dứt bỏ là giới, sự ngăn ngừa là giới, sự cố ý là giới, sự thu thúc là giới, sự không vi phạm là giới. Các giới có hình thức như vậy đưa đến sự không ăn năn của tâm, đưa đến sự hân hoan, đưa đến hỷ, đưa đến tịnh, đưa đến tâm vui mừng, đưa đến sự rèn luyện, đưa đến sự tu tập, đưa đến hành động được sung mãn, đưa đến việc thực hiện được đầy đủ, đưa đến điều thiết yếu, đưa đến điều phụ trợ, đưa đến sự vẹn toàn, đưa đến sự nhàm chán toàn diện, đưa đến ly tham ái, đưa đến sự diệt tận, đưa đến sự an tịnh, đưa đến thắng trí, đưa đến sự giác ngộ hoàn toàn, đưa đến Niết Bàn.

Sự thanh tịnh do thu thúc đối với các giới có hình thức như vậy là thắng giới. Tâm trụ vào sự thanh tịnh do thu thúc không đi đến tản mạn, sự thanh tịnh do không tản mạn là thắng tâm. (Hành giả) nhận thấy một cách đúng đắn sự thanh tịnh do thu thúc, nhận thấy một cách đúng đắn sự thanh tịnh do không tản mạn, sự thanh tịnh trong sự nhận thấy là thắng tuệ. Ở đây, việc nào có ý nghĩa thu thúc, việc ấy là sự học tập về thắng giới. Ở đây, việc nào có ý nghĩa không tản mạn, việc ấy là sự học tập về thắng tâm. Ở đây, việc nào có ý nghĩa nhận thấy, việc ấy là sự học tập về thắng tuệ.  

Trong khi hướng tâm đến ba sự học tập này, vị ấy học tập. Trong khi nhận biết, vị ấy học tập. Trong khi nhận thấy, vị ấy học tập. Trong khi quán xét lại, vị ấy học tập. Trong khi khẳng định tâm, vị ấy học tập. Trong khi hướng đến đức tin, vị ấy học tập. Trong khi ra sức tinh tấn, vị ấy học tập. Trong khi thiết lập niệm, vị ấy học tập. Trong khi tập trung tâm, vị ấy học tập. Trong khi nhận biết bởi tuệ, vị ấy học tập. Trong khi biết rõ điều cần được biết rõ, vị ấy học tập. Trong khi biết toàn diện điều cần được biết toàn diện, vị ấy học tập. Trong khi dứt bỏ điều cần được dứt bỏ, vị ấy học tập. Trong khi tu tập điều cần được tu tập, vị ấy học tập. Trong khi tác chứng điều cần được tác chứng, vị ấy học tập.

Năm loại giới: Đối với trộm cắp ...(nt)... Đối với hành động sai trái trong các dục ...(nt)... Đối với lời nói láo ... Đối với lời nói đâm thọc ... Đối với lời nói độc ác ... Đối với lời nói nhảm nhí ... Đối với tham ác ... Đối với sân độc ... Đối với tà kiến ...(như trên)...

Do sự thoát ly, đối với ước muốn trong các dục ...(như trên)... Do sự không sân độc, đối với sân độc ... Do sự nghĩ tưởng đến ánh sáng, đối với sự lờ đờ buồn ngủ ... Do sự không tản mạn, đối với sự phóng dật ... Do sự xác định pháp, đối với sự hoài nghi ... Do trí, đối với vô minh ... Do sự hân hoan, đối với sự không hứng thú ...(như trên)...

Do sơ thiền, đối với các pháp ngăn che ...(như trên)... Do nhị thiền, đối với tầm tứ ...(như trên)... Do tam thiền, đối với hỷ ... Do tứ thiền, đối với lạc và khổ ... Do sự chứng đạt không vô biên xứ, đối với sự nghĩ tưởng về sắc, nghĩ tưởng về bất bình, nghĩ tưởng về sự khác biệt ... Do sự chứng đạt thức vô biên xứ, đối với sự nghĩ tưởng về không vô biên xứ ... Do sự chứng đạt vô sở hữu xứ, đối với sự nghĩ tưởng về thức vô biên xứ ... Do sự chứng đạt phi tưởng phi phi tưởng xứ, đối với sự nghĩ tưởng về vô sở hữu xứ ...(như trên)...

Do quán xét về vô thường, đối với sự nghĩ tưởng về thường còn ...(như trên)... Do quán xét về khổ não, đối với sự nghĩ tưởng về lạc ... Do quán xét về vô ngã, đối với sự nghĩ tưởng về ngã ... Do quán xét về nhàm chán, đối với sự vui thích ... Do quán xét về ly tham ái, đối với tham ái ... Do quán xét về diệt tận, đối với nhân sanh khởi ... Do quán xét về từ bỏ, đối với sự nắm giữ ... Do quán xét về đoạn tận, đối với sự nghĩ tưởng về sự tiếp nối ... Do quán xét về biến hoại, đối với (nghiệp) tích lũy ... Do quán xét về chuyển biến, đối với sự nghĩ tưởng về sự vững chắc ... Do quán xét về vô tướng, đối với hiện tướng ... Do quán xét về vô nguyện, đối với sự nguyện ước ... Do quán xét về không tánh, đối với sự cố chấp ... Do minh sát các pháp bằng thắng tuệ, đối với sự cố chấp trong việc chấp giữ mãnh lực (của lòng ham muốn là thường còn) ... Do quán xét về sự biết và thấy đúng theo thực thể, đối với cố chấp vào sự lầm lẫn ... Do quán xét về tai hại, đối với sự cố chấp vào sự nương tựa ... Do quán xét về phân biệt rõ, đối với sự không phân biệt rõ ... Do quán xét về ly khai, đối với sự cố chấp vào sự ràng buộc ...(như trên)...  

Do đạo Nhập Lưu, đối với các phiền não thuần về tà kiến ...(nt)... Do Đạo Nhất Lai, đối với các phiền não thô thiển ...(nt)... Do Đạo Bất Lai, đối với các phiền não có tính chất vi tế ...(nt)... Do Đạo A-la-hán, đối với toàn bộ phiền não sự dứt bỏ là giới, sự ngăn ngừa là giới, sự cố ý là giới, sự thu thúc là giới, sự không vi phạm là giới. Các giới có hình thức như vậy đưa đến sự không ăn năn, đưa đến sự hân hoan, đưa đến hỷ, đưa đến tịnh, đưa đến tâm vui mừng, đưa đến sự rèn luyện, đưa đến sự tu tập, đưa đến hành động được sung mãn, đưa đến việc thực hiện được đầy đủ, đưa đến điều thiết yếu, đưa đến điều phụ trợ, đưa đến sự vẹn toàn, đưa đến sự nhàm chán toàn diện, đưa đến ly tham ái, đưa đến sự diệt tận, đưa đến sự an tịnh, đưa đến thắng trí, đưa đến sự giác ngộ hoàn toàn, đưa đến Niết Bàn.

Đối với các giới có hình thức như vậy, sự thanh tịnh do thu thúc là thắng giới. Tâm đã được trụ vào sự thanh tịnh do thu thúc không đi đến tản mạn, sự thanh tịnh do không tản mạn là thắng tâm. (Hành giả) nhận thấy một cách đúng đắn sự thanh tịnh do thu thúc, nhận thấy một cách đúng đắn sự thanh tịnh do không tản mạn, sự thanh tịnh trong sự nhận thấy là thắng tuệ. Ở đây, việc nào có ý nghĩa thu thúc, việc ấy là sự học tập về thắng giới. Ở đây, việc nào có ý nghĩa không tản mạn, việc ấy là sự học tập về thắng tâm. Ở đây, việc nào có ý nghĩa nhận thấy, việc ấy là sự học tập về thắng tuệ.

Trong khi hướng tâm đến ba sự học tập này, vị ấy học tập. Trong khi nhận biết, vị ấy học tập. Trong khi nhận thấy, ... Trong khi quán xét lại, ... Trong khi khẳng định tâm, ... Trong khi hướng đến đức tin, ... Trong khi ra sức tinh tấn, ... Trong khi thiết lập niệm, ... Trong khi tập trung tâm, ... Trong khi nhận biết bởi tuệ, ... Trong khi biết rõ điều cần được biết rõ, ... Trong khi biết toàn diện điều cần được biết toàn diện, ... Trong khi dứt bỏ điều cần được dứt bỏ, ... Trong khi tác chứng điều cần được tác chứng, vị ấy học tập. Trong khi tu tập điều cần được tu tập, vị ấy học tập.

Điều ấy, theo ý nghĩa đã được biết (thì gọi) là trí, theo ý nghĩa nhận biết (thì gọi) là tuệ. Vì thế, được nói rằng: “Sau khi đã nghe, tuệ về sự thu thúc là trí về yếu tố tạo thành giới.”

Phần giải thích ‘Trí về yếu tố tạo thành giới.’

 



Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada