Kính lễ đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, đấng Chánh Biến Tri!
PHẦN NGOẠI THUYẾT
“Vị vua ấy tên là Milinda ở kinh thành Sāgalā đã đi đến gặp Nāgasena, ví như dòng sông Gaṅgā đi đến với biển cả.
Sau khi đi đến gần vị có sự thuyết giảng tài hoa, vị đang cầm ngọn đuốc xua tan bóng tối, đức vua đã hỏi những câu hỏi khôn khéo, đa dạng, đưa đến sự xác quyết hay phủ nhận.
Các câu hỏi và luôn cả các câu trả lời được gắn liền với ý nghĩa thâm sâu. Chúng đi vào trái tim, làm thoải mái lỗ tai, là phi thường, khiến nổi da gà.
Được thâm nhập vào Vi Diệu Pháp và Luật, được tồn tại ở mạng lưới của Kinh, các lời giảng giải của ngài Nāgasena là đa dạng với các ví dụ và các cách suy luận.
Xin quý vị hãy gom trí tuệ vào đây, hãy làm tâm ý được vui vẻ, và hãy lắng nghe những câu hỏi khôn khéo khơi dậy những chỗ có sự nghi ngờ.”
*****
Việc ấy được nghe như thế này: Có thành phố tên Sāgalā, trung tâm thương mãi của những người xứ Yonaka, được lộng lẫy với sông và núi, có lãnh thổ và địa thế đáng yêu, được vẹn toàn với các khu vườn, công viên, rừng cây, hồ nước, đầm sen, đáng được say mê với những con sông, núi non, rừng thẳm, được tạo nên bởi những người có học thức, có các kẻ chống đối và thù nghịch đã bị tiêu diệt, không còn bị chướng ngại, tháp canh và cổng thành có nhiều loại, đa dạng, vững chắc, có vô số mái vòm và vọng gác cao sang, nội thành được bao quanh với hào sâu và thành lũy màu trắng, đường lộ, đường băng ngang, ngã tư, bồn binh khéo được bố trí, bên trong cửa tiệm đầy ắp vô số loại hàng hóa quý giá khéo được chưng bày, được rạng rỡ với hàng trăm phước xá các loại, được điểm tô với hàng trăm ngàn ngôi nhà sang trọng tương tợ như đỉnh núi tuyết, được đông đúc với những voi, ngựa, xe cộ, và người bộ hành, được qua lại với những đám người nam nữ xinh đẹp, có dân chúng chen chúc, có thường dân, Sát-đế-lỵ, Bà-la-môn, thương nhân, và nô lệ, được gắn liền với sự giao hảo của nhiều hạng Sa-môn và Bà-la-môn, được tới lui bởi nhiều hạng người thông thái, nam nhân, và anh hùng, có đủ các hạng cửa hàng vải vóc của các xứ Kāsi, Koṭumbara, v.v... được tỏa ngát các hương thơm từ nhiều cửa hiệu bông hoa xinh đẹp các loại khéo được bày biện, được tràn trề với nhiều loại châu ngọc quyến rũ, được lai vãng bởi đám thương buôn lịch lãm ở các cửa tiệm được chưng bày khéo léo hướng ra các phương, được tràn đầy với các đồng tiền kahāpaṇa, bạc, vàng, tiền kaṃsa, và đá quý, là nơi chốn của tài sản lưu trữ đang lấp lánh, có bắp, lúa, của cải, và vật sở hữu dự phòng dồi dào, có phòng chứa và kho hàng đầy ắp, có nhiều cơm nước, có vô số các loại vật thực cứng, mềm, đáng nếm, đáng uống, đáng thưởng thức, tương tợ như ở Uttarakuru, có vụ thu hoạch sung mãn như là ở Ālakamandā thành phố của chư Thiên.
Nên dừng ở đây và nói đến nghiệp quá khứ của hai người họ. Và trong khi thuyết giảng, nên phân chia và thuyết giảng thành sáu phần, tức là: Sự Liên Hệ Trong Quá Khứ, Câu Hỏi của Đức Vua Milinda, Câu Hỏi về Hành Tướng, Câu Hỏi Đối Chọi, Câu Hỏi (giảng bằng sự) Suy Luận, Câu Hỏi Giảng về Các Ví Dụ. Ở đây, Câu Hỏi của Đức Vua Milinda gồm hai phần là Câu Hỏi về Hành Tướng và Câu Hỏi Cắt Đứt sựPhân Vân; Câu Hỏi Đối Chọi cũng gồm có hai phần là Đại Phẩm và Câu Hỏi Giảng về Vị Hành Giả. Sự Liên Hệ Trong Quá Khứ là nghiệp quá khứ của hai người ấy.
*****
SỰ LIÊN HỆ TRONG QUÁ KHỨ
Nghe nói ở thời quá khứ, trong khi Giáo Pháp của đức Thế Tôn Kassapa đang vận hành, có hội chúng tỳ khưu đông đảo cư ngụ tại một trú xứ cạnh dòng sông. Tại nơi ấy, các vị tỳ khưu, được thành tựu về phận sự và giới hạnh, sau khi thức dậy vào lúc sáng sớm, cầm lấy các chổi dài cán, trong lúc suy tưởng về ân đức Phật, các vị quét sân và gom rác thành đống. Khi ấy, có một vị tỳ khưu đã nói với một vị sa di rằng: “Này sa di, hãy đến. Hãy đổ bỏ rác này.” Vị ấy vẫn bước đi như là không nghe. Trong khi được gọi đến lần thứ nhì, rồi đến lần thứ ba, vị ấy vẫn bước đi như là không nghe. Do đó, vị tỳ khưu ấy (nghĩ rằng): “Sa di này khó dạy,” rồi nổi giận, và đã ban cho cú đánh bằng cái cán chổi. Do đó, vị (sa di) ấy, vừa khóc lóc vì sợ hãi vừa đổ bỏ rác, đã lập nên lời phát nguyện thứ nhất rằng: “Do nghiệp phước thiện của việc đổ bỏ rác này, cho đến khi tôi đạt được Niết Bàn, trong khoảng thời gian ấy, tại mỗi nơi được lần lượt sanh ra, mong rằng tôi có đại quyền lực, có đại oai lực như là mặt trời lúc giữa trưa.” Sau khi đổ bỏ rác, vị ấy đã đi đến bến sông để tắm. Sau khi nhìn thấy làn sóng của dòng sông đang rì rào, vị ấy cũng đã lập nên lời phát nguyện thứ nhì rằng: “Do nghiệp phước thiện của việc đổ bỏ rác này, cho đến khi tôi đạt được Niết Bàn, trong khoảng thời gian ấy, tại mỗi nơi được lần lượt sanh ra, mong rằng tôi có tài ứng đối được sanh lên đúng trường hợp, có tài ứng đối không bị ngập ngừng như là làn sóng này vậy.” Vị tỳ khưu ấy, sau khi cất cây chổi ở phòng để chổi, cũng đang đi đến bến sông để tắm. Sau khi nghe được lời phát nguyện của vị sa di, vị ấy đã suy nghĩ rằng: “Cũng vì bị tác động bởi ta nên người này phát nguyện như thế. Có phải là sẽ không ảnh hưởng đến ta?” và đã lập nên lời phát nguyện rằng:
“Cho đến khi tôi đạt được Niết Bàn, trong khoảng thời gian ấy, tại mỗi nơi được lần lượt sanh ra, mong rằng tôi có tài ứng đối không bị ngập ngừng như là làn sóng ở sông này vậy. Mong rằng tôi có khả năng để gỡ rối, để tháo gỡ mọi sự ứng đối về câu hỏi được hỏi đi hỏi lại bởi người này.” Cả hai người ấy, trong khi luân hồi giữa chư Thiên và loài người, đã trải qua một khoảng thời gian giữa hai vị Phật. Và vị trưởng lão Moggalliputtatissa đã được đức Phật của chúng ta nhìn thấy như thế nào, thì hai người này cũng đã được nhìn thấy như thế: “Khi năm trăm năm đã trôi qua kể từ khi sự viên tịch Niết Bàn của Ta, những người này sẽ tái sanh.” Và đã được xác định rằng: “Pháp và Luật nào đã được thực hiện một cách vi tế và đã được thuyết giảng bởi Ta, hai người này sẽ làm cho Pháp và Luật ấy được tháo gỡ, được rõ ràng bằng phương thức hỏi đáp và sự đúng đắn về ví dụ so sánh, rồi sẽ hệ thống lại.”
Trong hai người ấy, vị sa-di đã trở thành đức vua tên Milinda ở thành Sāgala thuộc xứ Jambudīpa (Ấn Độ), là người sáng trí, kinh nghiệm, thông minh, có năng lực trong thời quá khứ hiện tại và vị lai, là người hành động có suy xét trong lúc thực hiện mọi công việc rèn luyện và phô diễn. Và vị này có nhiều học thuật đã được học như là: sự hiểu biết do lắng nghe, sách dạy về âm thanh, tính toán, ứng dụng, học thuật về hướng dẫn và phân biệt, thiên văn, âm nhạc, y khoa, bốn bộ Vệ Đà, cổ thư, sử học, chiêm tinh học, ảo thuật, chú thuật, lý luận, chiến đấu, âm luật, hải dương học, và Phật ngôn là mười chín. Đức vua là nhà tranh luận khó sánh bằng, khó khuất phục, được xem là hàng đầu trong số đông các vị giáo chủ. Trong toàn cõi xứ Jambudīpa, không có ai sánh bằng đức vua Milinda về sức mạnh, nhanh nhẹn, dũng cảm, và trí tuệ. Đức vua là người giàu sang, có nhiều tài sản, nhiều của cải, vô số binh lực và xe cộ.
Vào một ngày nọ, đức vua Milinda rời khỏi thành với ước muốn xem xét nơi đóng quân và dàn binh của bốn binh chủng gồm vô số binh lực và xe cộ. Sau khi cho kiểm điểm quân đội ở ngoại thành, đức vua ấy vốn là người mở đầu câu chuyện và hứng thú việc khơi mào cuộc mạn đàm với các triết gia và các nhà ngụy biện, đã nhìn mặt trời rồi nói với các quan đại thần rằng: “Ngày hãy còn dài, chúng ta sẽ làm gì nếu đi vào thành ngay bây giờ? Có vị Sa-môn hoặc Bà-la-môn nào là người sáng trí, có hội chúng, có đồ chúng, là giáo thọ sư của tập thể, tự xưng là A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, có khả năng để chuyện trò với trẫm để giải tỏa điều nghi hoặc?” Khi được nói như vậy, năm trăm người xứ Yonaka[1] đã nói với đức vua rằng: “Tâu đại vương, có sáu vị thầy là Pūraṇa Kassapa, Makkhalī Gosāla, Nigaṇṭha Nātaputta, Sañjaya Bellaṭṭhiputta, Ajita Kesakambalī, Kakudha Kaccāyana.[2] Các vị ấy có hội chúng, có đồ chúng, là giáo thọ sư của tập thể, được biết tiếng, có danh vọng, là các giáo chủ, được nhiều người đánh giá cao. Tâu đại vương, xin đại vương hãy đi đến, hãy hỏi họ câu hỏi, hãy giải tỏa điều nghi hoặc.”
Khi ấy, được tháp tùng bởi năm trăm người xứ Yonaka, đức vua Milinda đã bước lên cỗ xe ngựa cao quý, loại phương tiện di chuyển tuyệt hảo, đi đến gặp Pūraṇa Kassapa, sau khi đến đã tỏ vẻ thân thiện với Pūraṇa Kassapa, sau khi trao đổi lời xã giao thân thiện rồi đã ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, đức vua Milinda đã nói Pūraṇa Kassapa điều này:
- Thưa thầy Kassapa, ai bảo hộ thế gian?
- Tâu đại vương, trái đất bảo hộ thế gian.
- Thưa thầy Kassapa, nếu trái đất bảo hộ thế gian, thế thì vì sao chúng sanh đi đến địa ngục vô gián lại đi ngang qua trái đất trước rồi mới đi đến địa ngục vô gián?
Được nói như vậy, Pūraṇa không những đã không thể nuốt trôi mà cũng không thể ói ra được, chỉ ngồi ủ rũ, im lặng, trầm ngâm.
Sau đó, đức vua Milinda đã nói với Makkhalī Gosāla điều này: - Thưa thầy Gosāla, có các nghiệp thiện và bất thiện không? Có quả thành tựu của các nghiệp đã được làm tốt và đã được làm xấu không?
- Tâu đại vương, không có các nghiệp thiện và bất thiện, không có quả thành tựu của các nghiệp đã được làm tốt và đã được làm xấu. Tâu đại vương, những người nào ở đời này dòng dõi Sát-đế-lỵ, những người ấy đi đến đời sau cũng sẽ là dòng dõi Sát-đế-lỵ. Những người nào dòng dõi Bà-la-môn, thương buôn, nông phu, hạ tiện, hốt rác, những người ấy đi đến đời sau cũng sẽ là dòng dõi Bà-la-môn, thương buôn, nông phu, hạ tiện, hốt rác, thì có điều gì là bởi các nghiệp thiện và bất thiện?
- Thưa thầy Gosāla, nếu những người ở đời này là dòng dõi Sát-đế-lỵ, Bà-la-môn, thương buôn, nông phu, hạ tiện, hốt rác, những người ấy đi đến đời sau cũng sẽ là dòng dõi Sát-đế-lỵ, Bà-la-môn, thương buôn, nông phu, hạ tiện, hốt rác, không có điều gì được tạo nên bởi các nghiệp thiện và bất thiện. Thưa thầy Gosāla, như thế thì những người nào ở đời này bị chặt tay thì đi đến đời sau cũng sẽ bị chặt tay, những người nào bị chặt chân thì cũng sẽ bị chặt chân, những người nào bị xẻo tai thì cũng sẽ bị xẻo tai phải không ạ?
Được nói như vậy, Gosāla đã im lặng. Khi ấy, đức vua Milinda đã khởi ý điều ý: “Xứ Jambudīpa quả thật trống trơn! Xứ Jambudīpa quả thật vô nghĩa! Không có Sa-môn hoặc Bà-la-môn nào có khả năng để chuyện trò với trẫm để giải tỏa điều nghi hoặc?”
Sau đó, đức vua Milinda đã nói với các quan đại thần rằng: “Đêm trăng trong quả thật đáng yêu! Phải chăng hôm nay chúng ta nên đi đến gặp vị Sa-môn hoặc Bà-la-môn để hỏi câu hỏi? Vị nào có khả năng để chuyện trò với trẫm để giải tỏa điều nghi hoặc?” Được nói như vậy, các quan đại thần đã im lặng, đứng yên, ngước nhìn khuôn mặt của đức vua.
Vào lúc bấy giờ, thành Sāgala đã vắng bóng các Sa-môn, Bà-la-môn, gia chủ sáng trí trong mười hai năm. Nghe tin “các vị Sa-môn, Bà-la-môn, gia chủ sáng trí trú ngụ” ở nơi nào, đức vua đi đến nơi ấy và hỏi các vị ấy câu hỏi. Không có khả năng để làm hài lòng đức vua với câu trả lời cho câu hỏi, tất cả các vị ấy ra đi đến nơi này hoặc nơi khác. Những người nào không ra đi đến phương trời khác, tất cả bọn họ ở lại, giữ thái độ im lặng. Còn các vị tỳ khưu, phần đông thì đi đến dãy Hi-mã-lạp-sơn. Vào lúc bấy giờ, có một trăm koṭi (một tỷ) vị A-la-hán cư ngụ tại cao nguyên Rakkhita, núi Hi-mã-lạp.
Lúc đó, đại đức Assagutta với thiên nhĩ giới đã nghe được lời nói của đức vua Milinda. Ngài đã cho triệu tập hội chúng tỳ khưu tại đỉnh núi Yugandhara và đã hỏi các vị tỳ khưu rằng: “Này các sư đệ, có vị tỳ khưu nào có năng lực để chuyện trò với đức vua Milinda để giải tỏa điều nghi hoặc?” Được nói như vậy, một trăm koṭi vị A-la-hán đã im lặng. Các vị đã im lặng khi được hỏi đến lần thứ nhì, đến lần thứ ba. Khi ấy, đại đức Assagutta đã nói với hội chúng tỳ khưu điều này: “Này các sư đệ, ở cõi trời Đao Lợi, về phía đông của lâu đài Vejayanta, có cung điện tên là Ketumatī. Nơi ấy, có vị Thiên tử tên Mahāsena cư ngụ. Vị ấy có năng lực để chuyện trò với đức vua Milinda để giải tỏa điều nghi hoặc.” Khi ấy, một trăm koṭi vị A-la-hán đã biến mất ở ngọn núi Yugandhara và hiện ra ở cõi trời Đao Lợi. Thiên chủ Sakka đã nhìn thấy các vị tỳ khưu ấy từ đàng xa đang tiến đến, sau khi nhìn thấy đã đi đến gặp đại đức Assagutta, sau khi đi đến đã đảnh lễ đại đức Assagutta rồi đứng một bên. Khi đã đứng một bên, Thiên chủ Sakka đã nói với đại đức Assagutta điều này: “Bạch ngài, đại chúng tỳ khưu đã ngự đến. Tôi là người của tu viện của hội chúng. Có nhu cầu về điều gì? Có việc gì tôi cần phải làm?” Khi ấy, đại đức Assagutta đã nói với Thiên chủ Sakka điều này: “Tâu đại vương, vị vua này tên Milinda tại thành Sāgala, xứ Jambudīpa, là nhà tranh luận khó sánh bằng, khó khuất phục, được xem là hàng đầu trong số đông các vị giáo chủ. Ông ta đi đến gặp hội chúng tỳ khưu hỏi câu hỏi theo học thuyết về tà kiến và đã gây khó khăn cho hội chúng tỳ khưu.” Khi ấy, Thiên chủ Sakka đã nói với đại đức Assagutta điều này: “Bạch ngài, vị vua Milinda này đã chết đi từ nơi này rồi tái sanh vào loài người. Bạch ngài, có vị Thiên tử này tên là Mahāsena cư ngụ ở cung điện Ketumatī. Vị ấy có năng lực để chuyện trò với đức vua Milinda để giải tỏa điều nghi hoặc. Chúng ta sẽ thỉnh cầu vị Thiên tử ấy về việc tái sanh vào thế giới loài người.”
Khi ấy, Thiên chủ Sakka đã dẫn đầu hội chúng tỳ khưu đi vào cung điện Ketumatī, ôm chầm lấy Thiên tử Mahāsena rồi đã nói điều này: “Này Thiên tử, hội chúng tỳ khưu thỉnh cầu Thiên tử về việc tái sanh vào thế giới loài người.” “Bạch ngài, tôi không có mục đích gì ở thế giới loài người. Thế giới loài người là căng thẳng bởi nhiều công việc. Bạch ngài, tôi sẽ là người lần lượt chứng đạt cao hơn rồi sẽ Niết-bàn ngay tại đây, nơi Thiên giới.” Trong khi Thiên chủ Sakka thỉnh cầu đến lần thứ nhì, đến lần thứ ba, Thiên tử Mahāsena cũng đã nói như vầy: “Bạch ngài, tôi không có mục đích gì ở thế giới loài người. Thế giới loài người là căng thẳng bởi nhiều công việc. Bạch ngài, tôi sẽ là người lần lượt chứng đạt cao hơn rồi sẽ Niết-bàn ngay tại đây, nơi Thiên giới.”
Khi ấy, đại đức Assagutta đã nói với Thiên tử Mahāsena điều này: “Thưa Thiên tử, trong lúc xem xét thế gian này gồm cả chư Thiên, chúng tôi nhận thấy rằng không ai khác ngoại trừ ngài có được khả năng để đập đổ luận thuyết của đức vua Milinda để nâng đỡ Giáo Pháp. Thưa Thiên tử, hội chúng tỳ khưu thỉnh cầu ngài. Lành thay, bậc thiện nhân! Xin ngài hãy hạ sanh vào thế giới loài người, xin ngài hãy nâng đỡ và ban bố Giáo Pháp của đấng Thập Lực.” Được nói như vậy, Thiên tử Mahāsena (nghĩ rằng): “Nghe nói ta sẽ có khả năng để đập đổ luận thuyết của đức vua Milinda để nâng đỡ Giáo Pháp” đã trở nên mừng rỡ, phấn chấn, rất là phấn khởi, và đã bày tỏ sự chấp thuận: “Bạch đại đức, thật tốt đẹp thay! Tôi sẽ tái sanh vào thế giới loài người.”
Sau đó, khi đã hoàn thành công việc cần làm ở Thiên giới, các vị tỳ khưu ấy đã biến mất giữa chư Thiên ở cõi trời Đao Lợi và hiện ra ở cao nguyên Rakkhita, núi Hi-mã-lạp. Khi ấy, đại đức Assagutta đã nói với hội chúng tỳ khưu điều này: “Này các sư đệ, trong hội chúng tỳ khưu có vị tỳ khưu nào đã không đi đến cuộc hội họp?” Được nói như vậy, có vị tỳ khưu nọ đã nói với đại đức Assagutta điều này: “Bạch ngài, có đại đức Rohaṇa cách đây bảy ngày đã đi vào núi Hi-mã-lạp và nhập thiền diệt, xin ngài hãy phái sứ giả đi đến gặp vị ấy.” Đúng vào giây phút ấy, đại đức Rohaṇa cũng vừa xuất khỏi thiền diệt (biết rằng): “Hội chúng chờ đợi ta” nên đã biến mất ở núi Hi-mã-lạp và hiện ra ở cao nguyên Rakkhita, phía trước một trămkoṭi vị A-la-hán. Khi ấy, đại đức Assagutta đã nói với đại đức Rohaṇa điều này: - Này sư đệ Rohaṇa, trong khi lời dạy của đức Phật đang suy tàn, không lẽ đệ không nhận thấy các việc cần phải làm của hội chúng?
- Bạch ngài, tôi đã thiếu sự quan tâm.
- Này sư đệ Rohaṇa, chính vì điều ấy đệ hãy thực hành hình phạt.
- Bạch ngài, tôi sẽ làm gì?
- Này sư đệ Rohaṇa, ở sườn núi Hi-mã-lạp có ngôi làng Bà-la-môn tên là Kajaṅgalā. Người Bà-la-môn tên Sonuttara cư ngụ tại nơi đó. Người con trai của ông sẽ được sanh ra; đứa bé trai tên là Nāgasena. Này sư đệ Rohaṇa, chính vì điều ấy đệ hãy đi vào khất thực ở gia đình ấy trong thời gian bảy năm mười tháng. Sau khi đi vào khất thực, đệ hãy tiếp độ đứa bé trai Nāgasena rồi cho xuất gia. Và khi đứa bé trai đã xuất gia thì đệ sẽ được thoát khỏi hình phạt. Vị ấy đã nói như vậy.
Đại đức Rohaṇa cũng đã chấp thuận rằng: “Lành thay!” Còn về Thiên tử Mahāsena sau khi từ Thiên giới chết đi đã chấp nhận sự tiếp nối (tái sanh) trong bụng người vợ của Bà-la-môn Sonuttara. Có ba điều kỳ diệu phi thường đã xuất hiện cùng lúc với việc chấp nhận sự tiếp nối (tái sanh): Các vật dụng chiến đấu đã phát lên ngọn lửa, trái cây đầu mùa chín tới, có đám mây lớn đã đổ mưa.
Về phần đại đức Rohaṇa, kể từ việc chấp nhận sự tiếp nối (tái sanh) của vị Thiên tử, trong khi đi vào khất thực ở gia đình ấy trong thời gian bảy năm mười tháng, đã không nhận được một muỗng cơm, hay là một vá canh, hoặc là sự đảnh lễ, sự chắp tay, hay là hành động thích hợp, dầu là một ngày. Khi ấy, đại đức đã nhận được chỉ là sự chửi rủa, chỉ là sự mắng nhiếc. Dầu là chút ít lời nói: “Này ông, ông hãy đi đi” cũng đã không có người nói. Tuy nhiên, khi đã đến hạn kỳ bảy năm mười tháng, vào một ngày nọ đại đức đã nhận được chút ít lời nói: “Này ông, ông hãy đi đi.”[3] Đúng vào ngày hôm ấy, cũng chính người Bà-la-môn, trong khi đi trở về do công việc bên ngoài, đã gặp vị trưởng lão ở lối ngược chiều và đã nói rằng: - Này ông xuất gia, ông đã đi đến nhà của chúng tôi chưa?
- Này ông Bà-la-môn, đúng vậy. Tôi đã đi đến.
- Vậy có phải ông đã nhận được cái gì đó?
- Này ông Bà-la-môn, đúng vậy. Tôi đã nhận được.
Người Bà-la-môn với tâm ý hoan hỷ[4] đã đi về nhà và hỏi rằng: “Mấy người đã cho vị xuất gia ấy vật gì đó phải không?” - “Chúng tôi đã không cho bất cứ vật gì.” Vào ngày kế, người Bà-la-môn đã ngồi ngay tại cửa nhà (nghĩ rằng): “Hôm nay, ta sẽ bắt bẻ vị xuất gia về việc nói dối.” Vào ngày kế, vị trưởng lão đã đến tại cửa nhà của người Bà-la-môn. Sau khi nhìn thấy vị trưởng lão, người Bà-la-môn đã nói như vầy: “Hôm qua, ông đã không nhận được bất cứ vật gì ở nhà chúng tôi mà lại nói là ‘Đã nhận được.’ Chẳng lẽ nói dối là thích đáng đối với các ông hay sao?” Vị trưởng lão đã nói rằng: “Này ông Bà-la-môn, trong bảy năm mười tháng chúng tôi đã không nhận được ở nhà của ông dầu là chút ít lời nói: ‘Này ông, ông hãy đi đi,’ còn hôm qua tôi đã nhận được chút ít lời nói: ‘Này ông, ông hãy đi đi.’ Vì có liên quan đến chút ít lời nói nhã nhặn này mà tôi đã nói như thế.” Người Bà-la-môn đã suy nghĩ rằng: “Những người này sau khi nhận được dầu là chút ít lời nói nhã nhặn mà lại ca tụng ở giữa mọi người là: ‘Chúng tôi đã nhận được.’ Vậy thì sau khi nhận được bất cứ loại vật thực cứng hoặc vật thực mềm nào khác, vì lẽ gì mà họ lại không ca tụng?” Sau khi phát khởi niềm tin, ông ta đã bảo bố thí một muỗng cơm và thức ăn phù hợp từ bữa cơm được chuẩn bị sẵn cho việc sử dụng của bản thân, rồi đã nói rằng: “Ngài sẽ nhận được vật thực này vào mọi lúc.” Kể từ ngày kế, sau khi nhìn thấy sự trầm tĩnh của vị trưởng lão trong khi đi đến, người Bà-la-môn càng phát khởi niềm tin nhiều hơn nữa và đã thỉnh cầu vị trưởng lão việc thọ thực bữa ăn tại nhà của mình một cách thường xuyên. Vị trưởng lão đã nhận lời bằng thái độ im lặng. Mỗi một ngày, sau khi làm phận sự về thọ thực, trong khi từ giã vị trưởng lão đều thuyết giảng chút ít Phật ngôn rồi mới ra đi.
Quả nhiên, đến hạn kỳ mười tháng người nữ Bà-la-môn ấy cũng đã sanh ra người con trai. Tên của đứa bé đã là “Nāgasena.” Đứa bé từ từ lớn lên, và đã sanh được bảy năm. Khi ấy, người cha của đứa bé trai Nāgasena đã nói với đứa bé trai Nāgasena điều này:
- Này Nāgasena thương, con cần phải học các môn học ở gia tộc Bà-la-môn này.
- Cha yêu quý, những điều gì gọi là các môn học ở gia tộc Bà-la-môn này?
- Này Nāgasena thương, ba bộ Vệ Đà gọi là các môn học. Các học thuật còn lại gọi là học thuật.
- Cha yêu quý, như thế thì con sẽ học.
Sau đó, người Bà-la-môn Sonuttara đã trao một ngàn đồng là phần lương của vị thầy cho người thầy giáo Bà-la-môn, rồi cho sắp xếp cái giường nhỏ ở một bên tại một căn phòng bên trong tòa nhà dài, rồi đã nói với người thầy giáo Bà-la-môn điều này:
- Thưa vị Bà-la-môn, thầy hãy cho đứa bé trai này đọc tụng các chú thuật.
- Này bé trai thương, như thế thì con hãy học các chú thuật.
Rồi người thầy giáo Bà-la-môn đọc tụng. Đối với đứa bé trai Nāgasena, chỉ với một lần đọc thì ba bộ Vệ Đà đã được đi vào tâm, đạt được giọng, khéo được nắm bắt, khéo được xác định, khéo được tác ý. Chỉ cần một lần, kiến thức về ba bộ Vệ Đà cùng các từ vựng và nghi thức, luôn cả âm từ với sự phân tích, và truyền thống là thứ năm, đã sanh khởi đến đứa bé. Nó đã biết về cú pháp, về văn phạm, và đã không thiếu về phần triết học và các tướng trạng của bậc đại nhân.
Khi ấy, đứa bé trai Nāgasena đã nói với người cha điều này:
- Cha yêu quý, ở gia tộc Bà-la-môn này còn có các môn cần phải học nào thù thắng hơn thế này, hay là chỉ chừng này thôi?
- Này Nāgasena thương, ở gia tộc Bà-la-môn này không còn có các môn cần phải học nào thù thắng hơn thế này. Chỉ chừng này là cần phải học thôi.
Sau đó, khi đã trả lời cuộc kiểm tra của thầy giáo, đứa bé trai Nāgasena đã từ tòa nhà dài bước xuống, tâm tự khiển trách về cuộc sống trong thời gian qua, rồi đã đi đến nơi thanh vắng trầm tư. Trong khi xem xét phần đầu, phần giữa, và phần cuối đối với học thuật của mình, nó đã không nhìn thấy cốt lõi, dầu là chút ít, ở phần đầu, phần giữa, hay phần cuối. (Nghĩ rằng): “Các bộ Vệ Đà này quả là rỗng không! Các bộ Vệ Đà này quả thật vô nghĩa, không có cốt lõi, thiếu đi cốt lõi!” nó đã trở nên ân hận, không hoan hỷ.
Vào lúc bấy giờ, đại đức Rohaṇa ngồi tại trú xứ Vattaniya đã dùng tâm biết được ý nghĩ suy tầm của đứa bé trai Nāgasena, nên đã quấn y, trùm y, rồi cầm lấy bình bát và y biến mất ở trú xứ Vattaniya rồi hiện ra ở phía trước ngôi làng Bà-la-môn Kajaṅgalā. Đứa bé trai Nāgasena, đứng ở cánh cổng ra vào căn nhà của mình, đã nhìn thấy đại đức Rohaṇa từ đàng xa đang đi lại, sau khi nhìn thấy đã hoan hỷ, phấn khởi, vui mừng, sanh tâm phỉ lạc (nghĩ rằng): “Có lẽ vị xuất gia này có thể biết được cái gì đó là cốt lõi” nên đã đi đến gần đại đức Rohaṇa, sau khi đến gần đã nói với đại đức Rohaṇa điều này:
- Thưa ông, ông là ai mà cạo đầu mặc y ca-sa như vầy?
- Này cậu bé, ta được gọi là bậc xuất gia.
- Thưa ông, với việc gì mà ông được gọi là bậc xuất gia?
- Là bậc xuất gia để loại bỏ các điều ô nhiễm xấu xa. Này cậu bé, với điều ấy mà ta được gọi là bậc xuất gia.
- Thưa ông, vì lý do gì mà tóc của ông không giống như (tóc) của những người khác?
- Này cậu bé, sau khi nhìn thấy mười sáu điều vướng bận này, ta đã cạo bỏ râu tóc trở thành bậc xuất gia. Mười sáu điều gì? Sự vướng bận về trang điểm, sự vướng bận về trau chuốt, sự vướng bận về xức dầu, sự vướng bận về gội rửa, sự vướng bận về tràng hoa, sự vướng bận về chất thơm, sự vướng bận về thuốc bôi, sự vướng bận về thuốc harīṭaka, sự vướng bận về thuốc āmalaka, sự vướng bận về nhuộm tóc, sự vướng bận về buộc tóc, sự vướng bận về chải tóc, sự vướng bận về thợ hớt tóc, sự vướng bận về gỡ tóc rối, sự vướng bận về chấy rận, khi các sợi tóc bị rụng nhiều người buồn rầu, than vãn, rên rỉ, đấm ngực khóc lóc, rơi vào mê muội. Này cậu bé, bị rối rắm trong mười sáu điều vướng bận này, loài người xao lãng tất cả các học thuật vô cùng tinh tế.
- Thưa ông, vì lý do gì mà ngay cả các vải quàng của ông cũng không giống như (các vải quàng) của những người khác?
- Này cậu bé, các vải quàng xinh đẹp, được nương tựa vào lòng ham muốn, là các biểu hiện của hàng tại gia. Những lo sợ nào đó được sanh lên từ vải vóc, những điều ấy không có ở việc mặc vải ca-sa. Vì điều ấy mà ngay cả các vải quàng của ta cũng không giống như (các vải quàng) của những người khác.
- Thưa ông, ông có biết cái gọi là các học thuật?
- Này cậu bé, có chứ. Ta biết các học thuật. Chú thuật hạng nhất ở thế gian, ta cũng biết.
- Thưa ông, có thể nào ban điều ấy cho tôi không?
- Này cậu bé, được chứ. Có thể.
- Như thế thì ông hãy ban cho tôi đi.[5]
- Này cậu bé, không phải lúc. Chúng ta hãy đi khất thực ở xóm nhà.
Khi ấy, đứa bé trai Nāgasena đã cầm lấy bình bát từ tay của đại đức Rohaṇa rồi hướng dẫn đi vào nhà, sau đó đã tự tay làm hài lòng và toại ý đại đức Rohaṇa với thức ăn hảo hạng loại cứng loại mềm. Đến khi đại đức Rohaṇa đã thọ thực xong, bàn tay đã rời khỏi bình bát, cậu bé đã nói điều này: “Thưa ông, bây giờ ông hãy ban chú thuật cho tôi đi.”
“Này cậu bé, khi nào con không còn sự vướng bận, và thuyết phục được mẹ cha cho phép, rồi khoác vào hình tướng xuất gia mà ta đã đạt được, đến khi ấy ta sẽ ban cho,” vị trưởng lão đã đáp lại.
Sau đó, đứa bé trai Nāgasena đã đi đến gặp mẹ cha và nói rằng: “Thưa mẹ cha, vị xuất gia này nói rằng: ‘Ta biết chú thuật hạng nhất ở thế gian.’ Nhưng ông không ban cho kẻ không xuất gia trong sự chứng minh của mình. Con sẽ xuất gia trong sự chứng minh của vị này và sẽ học chú thuật ấy.”
Khi ấy, mẹ cha của đứa bé nghĩ rằng: “Hãy để cho con trai của chúng ta cũng xuất gia rồi học chú thuật. Học xong rồi thì quay trở về,” và đã cho phép rằng: “Này con, hãy học đi.” Sau đó, đại đức Rohaṇa đã dẫn đứa bé trai Nāgasena đi đến trú xứ Vattaniya, rồi Vijambhavatthu, sau khi đi đến trú xứ Vijambhavatthu đã ngụ lại một đêm rồi đi đến cao nguyên Rakkhita, sau khi đi đến đã cho đứa bé trai Nāgasena xuất gia giữa một trăm koṭi vị A-la-hán. Và khi đã được xuất gia, đại đức Nāgasena đã nói với đại đức Rohaṇa điều này: “Bạch ngài, hình tướng của ngài con đã đạt được. Bây giờ xin ngài hãy ban chú thuật cho con.” Khi ấy, đại đức Rohaṇa đã suy nghĩ rằng: “Ta nên hướng dẫn Nāgasena cái gì trước, Kinh hay Vi Diệu Pháp?” rồi đã hướng dẫn Vi Diệu Pháp trước (nghĩ rằng): “Nāgasena này quả là sáng trí, có thể học Vi Diệu Pháp một cách thoải mái.”
Và đại đức Nāgasena chỉ với một lần đọc đã rành rẽ tất cả Tạng Vi Diệu Pháp ấy (tức là) bộDhammasaṅgaṇī (Pháp Tụ) gồm có nhóm ba, nhóm hai như là “các pháp thiện, các pháp bất thiện, các pháp vô ký,” bộ Vibhaṅga (Phân Tích) gồm có mười tám chương phân tích khởi đầu là chương Phân Tích về Uẩn, bộ Dhātukathā (Chất Ngữ) được phân loại thành mười bốn phần khởi đầu là phần “yếu hiệp bất yếu hiệp,” bộ Puggalapaññatti (Nhân Chế Định) được phân loại thành sáu phần khởi đầu là phần “uẩn chế định, xứ chế định,” bộ Kathāvatthu (Ngữ Tông) được phân loại sau khi đã tổng hợp một ngàn bài giảng: “năm trăm bài giảng về học thuyết của phái mình, năm trăm bài giảng về học thuyết của phái khác,” bộ Yamaka (Song Đối) được phân loại thành mười phần khởi đầu là phần “căn song, uẩn song,” bộ Paṭṭhāna(Vị Trí) được phân loại thành hai mươi bốn phần khởi đầu là phần “nhân duyên, cảnh duyên.” Đại đức Nāgasena đã nói rằng: “Bạch ngài, xin hãy dừng lại. Chớ giảng thêm nữa. Con sẽ đọc chỉ với chừng này.” Sau đó, đại đức Nāgasena đã đi đến gặp một trăm koṭi vị A-la-hán, sau khi đi đến đã nói với một trăm koṭi vị A-la-hán điều này: “Bạch các ngài, sau khi xếp vào trong ba câu này là ‘các pháp thiện, các pháp bất thiện, các pháp vô ký,’ con sẽ giảng chi tiết toàn bộ Tạng Vi Diệu Pháp.”
- Nāgasena, lành thay! Con hãy giảng.
Khi ấy, đại đức Nāgasena đã giảng chi tiết bảy bộ sách trong bảy tháng. Quả đất đã gầm lên. Chư Thiên đã ban lời tán thưởng: “Lành thay!” Các Phạm Thiên đã vỗ tay. Các bột trầm hương của cõi trời và các bông hoa mạn-đà-la của cõi trời đã đổ mưa.
Sau đó, khi đại đức Nāgasena được tròn đủ hai mươi tuổi, một trăm koṭi vị A-la-hán đã cho tu lên bậc trên ở cao nguyên Rakkhita. Và khi đã được tu lên bậc trên, đại đức Nāgasena vào cuối đêm ấy lúc rạng đông đã quấn y trùm y rồi cầm bình bát và y, trong khi cùng với thầy tế độ đi vào làng để khất thực, đã sanh khởi ý nghĩ suy tầm như vầy: “Thầy tế độ của ta quả là rỗng không! Thầy tế độ của ta quả là ngu dốt! Ông đã bỏ qua phần còn lại về lời dạy của đức Phật và đã hướng dẫn ta Vi Diệu Pháp trước.”
Khi ấy, đại đức Rohaṇa, sau khi dùng tâm biết được ý nghĩ suy tầm của đại đức Nāgasena, đã nói với đại đức Nāgasena điều này: “Này Nāgasena, con đã suy tầm về ý nghĩ suy tầm không thích đáng. Này Nāgasena, hơn nữa điều này quả là không thích đáng đối với con.” Khi ấy, đại đức Nāgasena đã khởi ý điều này: “Thật là kỳ diệu! Thật là phi thường! Thầy tế độ của ta biết được ý nghĩ suy tầm bằng tâm. Thầy tế độ của ta quả là sáng trí. Hay là ta nên xin ngài thứ lỗi?”
Khi ấy, đại đức Nāgasena đã nói với đại đức Rohaṇa điều này: “Bạch ngài, xin ngài thứ lỗi cho con. Con sẽ không suy tầm như thế nữa.” Khi ấy, đại đức Rohaṇa đã nói với đại đức Nāgasena điều này: “Này Nāgasena, chỉ với chừng ấy thì ta không thứ lỗi cho con đâu. Này Nāgasena, có thành phố tên là Sāgala. Tại nơi ấy, có đức vua tên Milinda cai trị vương quốc. Ông ta hỏi câu hỏi theo học thuyết về tà kiến và đã gây khó khăn cho hội chúng tỳ khưu. Nếu con đi đến nơi đó, cải hóa, và tạo niềm tin cho đức vua ấy; được vậy thì ta sẽ thứ lỗi cho con.”
Đại đức Nāgasena đã nói rằng: “Bạch ngài, xin hãy để yên một đức vua Milinda. Bạch ngài, nếu tất cả các đức vua ở toàn cõi Jambudīpa đi đến để hỏi con câu hỏi, con sẽ trả lời và vạch rõ mọi điều ấy. Bạch ngài, xin ngài thứ lỗi cho con;” khi được trả lời: “Ta không thứ lỗi” thì đã nói rằng: “Bạch ngài, như thế thì ba tháng này con sẽ sống nương nhờ vào vị nào?” “Này Nāgasena, đại đức Assagutta này cư ngụ tại trú xứ Vattaniya. Này Nāgasena, con hãy đi đến gặp đại đức Assagutta, sau khi đi đến hãy đê đầu đảnh lễ hai bàn chân của đại đức Assagutta với lời thăm hỏi của ta. Và con hãy nói với vị ấy như vầy: ‘Bạch ngài, thầy tế độ của con xin đê đầu đảnh lễ hai bàn chân của ngài, và hỏi thăm về sự ít bệnh, ít đau, trạng thái nhẹ nhàng, khỏe mạnh, sống thoải mái (của ngài). Thầy tế độ của con đã gởi con đến sống hầu cận ngài trong ba tháng.’
Và khi được hỏi: ‘Thầy tế độ của con là vị nào,’ thì con nên đáp rằng: ‘Bạch ngài, gọi là trưởng lão Rohaṇa.’ Khi được hỏi: ‘Ta đây tên gì?’ thì con nên đáp rằng: ‘Bạch ngài, thầy tế độ của con biết tên của ngài.’” “Bạch ngài, xin vâng.” Và đại đức Nāgasena, sau khi đảnh lễ đại đức Rohaṇa, đã hướng vai phải nhiễu quanh, rồi cầm lấy bình bát và y, trong khi tuần tự du hành đã đi đến trú xứ Vattaniya nơi đại đức Assagutta, sau khi đi đến đã đảnh lễ đại đức Assagutta rồi đứng một bên. Khi đã đứng một bên, đại đức Nāgasena đã nói với đại đức Assagutta điều này: “Bạch ngài, thầy tế độ của con xin đê đầu đảnh lễ hai bàn chân của ngài. Và người dặn dò như vầy. Người hỏi thăm về sự ít bệnh, ít đau, trạng thái nhẹ nhàng, khỏe mạnh, sống thoải mái (của ngài). Bạch ngài, thầy tế độ của con đã gởi con đến sống hầu cận ngài trong ba tháng.” Khi ấy, đại đức Assagutta đã nói với đại đức Nāgasena điều này: “Con tên gì?” “Bạch ngài, con tên Nāgasena.” “Thầy tế độ của con tên gì?” “Bạch ngài, Thầy tế độ của con gọi là Trưởng Lão Rohaṇa.” “Ta đây tên gì?” “Bạch ngài, thầy tế độ của con biết tên của ngài.” “Này Nāgasena, tốt lắm! Hãy đem cất bình bát và y.” “Bạch ngài, lành thay!” rồi đã đem cất bình bát và y, rồi vào ngày kế tiếp, đã quét phòng, đã đem lại nước rửa mặt và tăm xỉa răng. Vị trưởng lão đã quét lại chỗ đã được quét, đã đổ đi nước ấy rồi đem lại nước khác, và đã dời đi gỗ chà răng ấy rồi lấy gỗ chà răng khác. Ngài đã không trao đổi chuyện trò. Sau khi đã làm như vậy bảy ngày, vào ngày thứ bảy ngài đã hỏi lần nữa. Khi được đại đức Nāgasena trả lời y như thế, ngài đã cho phép việc cư trú mùa mưa.
Vào lúc bấy giờ, có một đại tín nữ đã hộ độ đại đức Assagutta thời gian ba mươi năm. Khi ấy, vào cuối thời điểm ba tháng, đại tín nữ ấy đã đi đến gặp đại đức Assagutta, sau khi đến đã nói với đại đức Assagutta điều này: “Bạch sư, có vị tỳ khưu nào khác hầu cận sư không?” “Này đại tín nữ, có vị tỳ khưu tên Nāgasena hầu cận chúng tôi.”
- Bạch sư Assagutta, như thế thì xin sư cùng với vị Nāgasena hãy nhận lời bữa thọ trai vào ngày mai.
Đại đức Assagutta đã nhận lời bằng thái độ im lặng. Sau đó, vào cuối đêm ấy lúc rạng đông, đại đức Assagutta đã quấn y trùm y rồi cầm bình bát và y cùng với đại đức Nāgasena là vị Sa-môn hầu cận đã đi đến tư gia của người đại tín nữ, sau khi đi đến đã ngồi xuống ở chỗ ngồi đã được xếp đặt.
Khi ấy, người đại tín nữ ấy đã tự tay làm hài lòng và toại ý đại đức Assagutta và đại đức Nāgasena với thức ăn hảo hạng loại cứng loại mềm. Sau đó, khi đại đức Nāgasena đã thọ thực xong bàn tay đã rời khỏi bình bát, đại đức Assagutta đã nói với đại đức Nāgasena điều này: “Này Nāgasena, con hãy nói lời tùy hỷ cho người đại tín nữ,” nói xong điều ấy đã rời chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.
Sau đó, người đại tín nữ ấy đã nói với đại đức Nāgasena điều này: “Bạch sư Nāgasena, tôi đã lớn tuổi. Hãy nói lời tùy hỷ cho tôi với bài giảng Pháp thâm thúy.” Khi ấy, đại đức Nāgasena đã nói lời tùy hỷ cho người đại tín nữ ấy với bài giảng Vi Diệu Pháp thâm thúy, vượt trên thế gian, liên quan đến không tánh. Khi ấy, ngay tại chỗ ngồi ấy, Pháp nhãn không nhiễm bụi trần, không vết nhơ đã sanh khởi đến người đại tín nữ ấy: “Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt.” Còn đại đức Nāgasena, sau khi nói lời tùy hỷ cho người đại tín nữ ấy, trong khi quán xét lại Pháp do mình thuyết giảng, đã khởi sự việc minh sát, và trong khi đang ngồi ngay tại chỗ ngồi ấy, đã thành tựu quả Nhập Lưu. Khi ấy, đại đức Assagutta, ngồi ở ngôi nhà tròn, sau khi biết được việc đạt thành Pháp nhãn của cả hai người đã thốt lời tán thưởng rằng: “Lành thay, lành thay! Này Nāgasena, với một phát bắn mũi tên mà hai thân thể to lớn đã bị vỡ tung.” Và nhiều ngàn chư Thiên đã thốt lời tán thưởng: “Lành thay!”
Sau đó, đại đức Nāgasena đã từ chỗ ngồi đứng dậy đi đến gặp đại đức Assagutta, sau khi đi đến đã đảnh lễ đại đức Assagutta rồi ngồi xuống một bên. Khi đại đức Nāgasena đã ngồi xuống một bên, đại đức Assagutta đã nói với đại đức Nāgasena điều này:
- Này Nāgasena, con hãy đi đến Pāṭaliputta. Ở thành phố Pāṭaliputta, tại tu viện Asoka, có đại đức Dhammarakkhita cư ngụ. Con hãy học lời dạy của đức Phật trong sự chứng minh của vị ấy.
- Bạch ngài, từ đây đến thành phố Pāṭaliputta là bao xa?
- Này Nāgasena, một trăm do-tuần.
- Bạch ngài, đường đi quả là xa. Trên đường đi, vật thực khó kiếm. Con sẽ đi thế nào?
- Này Nāgasena, con hãy đi. Trên đường đi, con sẽ nhận được đồ ăn khất thực gồm có cơm gạo ngon không có hạt đen, nhiều canh, nhiều thức ăn.
- Bạch ngài, xin vâng. Sau khi đảnh lễ đại đức Assagutta và hướng vai phải nhiễu quanh, đại đức Nāgasena đã cầm lấy bình bát và y, rồi ra đi du hành về phía Pāṭaliputta.
Vào lúc bấy giờ, nhà triệu phú người Pāṭaliputta cùng với năm trăm cỗ xe đang di chuyển ở con đường dẫn đến Pāṭaliputta. Nhà triệu phú người Pāṭaliputta đã nhìn thấy đại đức Nāgasena từ đàng xa đang tiến đến, sau khi nhìn thấy đã quay năm trăm cỗ xe trở lại và tiến đến gần đại đức Nāgasena, sau khi đến gần đã đảnh lễ đại đức Nāgasena rồi nói rằng: “Bạch sư, sư đi đâu?” “Này gia chủ, Pāṭaliputta.” “Tốt quá, thưa sư! Chúng tôi cũng đi Pāṭaliputta. Sư hãy thoải mái đi cùng chúng tôi.”
Sau đó, nhà triệu phú người Pāṭaliputta có được niềm tin vào bốn oai nghi của đại đức Nāgasena nên đã tự tay làm hài lòng và toại ý đại đức Nāgasena với thức ăn hảo hạng loại cứng loại mềm. Đến khi đại đức Nāgasena đã thọ thực xong bàn tay đã rời khỏi bình bát, ông ta đã cầm lấy một chiếc ghế thấp rồi ngồi xuống một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, nhà triệu phú người Pāṭaliputta đã nói với đại đức Nāgasena điều này:
- Bạch sư, sư tên gì?
- Này gia chủ, tôi tên Nāgasena.
- Bạch sư, vậy sư có biết lời dạy của đức Phật không?
- Này gia chủ, tôi có biết các câu về Vi Diệu Pháp.
- Bạch sư, thật là lợi ích cho chúng ta! Bạch sư, thật khéo đạt được cho chúng ta! Bạch sư, con cũng thích Vi Diệu Pháp, sư cũng chuyên về Vi Diệu Pháp. Bạch sư, thỉnh sư nói về các câu Vi Diệu Pháp.
Khi ấy, đại đức Nāgasena đã thuyết giảng Vi Diệu Pháp cho nhà triệu phú người Pāṭaliputta. Ngay trong khi đang lần lượt thuyết giảng, Pháp nhãn không nhiễm bụi trần, không vết nhơ đã sanh khởi đến nhà triệu phú người Pāṭaliputta: “Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt.” Sau đó, nhà triệu phú người Pāṭaliputta đã cho năm trăm cỗ xe đi trước, còn bản thân đi phía sau. Ông ta đã dừng lại ở đường rẽ hai không xa thành Pāṭaliputta, rồi nói với đại đức Nāgasena điều này: “Bạch sư Nāgasena, đường này dẫn đến tu viện Asoka. Bạch sư, còn đây là tấm mền len quý báu của tôi, bề dài mười sáu cánh tay, bề rộng tám cánh tay. Bạch sư, vì lòng thương tưởng xin sư hãy thọ nhận tấm mền len quý báu này.” Đại đức Nāgasena vì lòng thương tưởng đã thọ nhận tấm mền len quý báu ấy. Khi ấy, nhà triệu phú người Pāṭaliputta được hoan hỷ, phấn khởi, vui mừng, sanh tâm phỉ lạc, đã đảnh lễ đại đức Nāgasena, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi.
Sau đó, đại đức Nāgasena đã đi đến tu viện Asoka gặp đại đức Dhammarakkhita, sau khi đi đến đã đảnh lễ đại đức Dhammarakkhita, và nói về lý do đi đến của mình. Sau đó, trong sự chứng minh của đại đức Dhammarakkhita, đại đức Nāgasena đã học Tam Tạng, lời dạy của đức Phật, về phần văn tự chỉ với một lần đọc trong ba tháng, rồi thêm ba tháng nữa chú tâm về phần ý nghĩa. Khi ấy, đại đức Dhammarakkhita đã nói với đại đức Nāgasena điều này:
- Này Nāgasena, cũng giống như người chăn bò bảo vệ con bò, còn những kẻ khác thưởng thức hương vị (sản phẩm) của bò, này Nāgasena tương tợ y như thế, mặc dù đang thuộc lòng Tam Tạng, lời dạy của đức Phật, con không hưởng được phần của bản thể Sa-môn.
- Bạch ngài, hãy là vậy. Với chừng này là đủ rồi.
Rồi ngay trong ngày ấy, đêm ấy, đại đức Nāgasena đã đạt được phẩm vị A-la-hán cùng với các Tuệ Phân Tích. Cùng với việc thâm nhập Chân Lý của đại đức Nāgasena, tất cả chư Thiên đã ban lời tán thưởng: “Lành thay.” Trái đất đã gầm lên. Các Phạm Thiên đã vỗ tay. Các bột trầm hương của cõi trời và các bông hoa mạn-đà-la của cõi trời đã đổ mưa.
Vào lúc bấy giờ, một trăm koṭi vị A-la-hán đã tụ hội tại cao nguyên Rakkhita núi Hi-mã-lạp, và đã phái sứ giả đi đến gặp đại đức Nāgasena (nói rằng): “Nāgasena hãy đến. Chúng tôi có ý muốn gặp Nāgasena.” Khi ấy, sau khi nghe được lời nói của người sứ giả, đại đức Nāgasena đã biến mất ở tu viện Asoka và đã hiện ra ở cao nguyên Rakkhita núi Hi-mã-lạp, phía trước một trăm koṭi vị A-la-hán. Khi ấy, một trăm koṭi vị A-la-hán đã nói với đại đức Nāgasena điều này: “Này Nāgasena, đức vua Milinda này gây khó khăn cho hội chúng tỳ khưu với việc hỏi câu hỏi theo học thuyết về tà kiến. Này Nāgasena, thật tốt đẹp thay! Con hãy đi và cải hóa Milinda.”
“Bạch các ngài, xin hãy để yên một đức vua Milinda. Bạch các ngài, nếu tất cả các đức vua ở toàn cõi Jambudīpa đi đến để hỏi con câu hỏi, con sẽ trả lời và vạch rõ mọi điều ấy. Bạch các ngài, các ngài hãy đi đến thành phố Sāgala, không phải lo sợ.”
Sau đó, các vị tỳ khưu trưởng lão đã làm cho thành phố Sāgala trở thành quầng ánh sáng màu y ca-sa với sự di chuyển ngược xuôi của các vị ẩn sĩ. Vào lúc bấy giờ, đại đức Āyupāla trú ngụ tại tự viện Saṅkheyya.
Khi ấy, đức vua Milinda đã nói với các quan đại thần rằng: “Đêm trăng trong quả thật đáng yêu! Phải chăng hôm nay chúng ta nên đi đến gặp vị Sa-môn hoặc Bà-la-môn để hỏi câu hỏi? Vị nào có khả năng để chuyện trò với trẫm để giải tỏa điều nghi hoặc?” Được nói như vậy, năm trăm người xứ Yonaka đã nói với đức vua rằng: “Tâu đại vương, có vị trưởng lão tên Āyupāla thông Tam Tạng, là vị nghe nhiều, kinh điển được truyền thừa. Hiện nay, vị ấy trú ngụ tại tự viện Saṅkheyya. Tâu đại vương, xin đại vương hãy đi đến đại đức Āyupāla và hỏi câu hỏi.”
“Này các khanh, như thế thì các khanh hãy thông báo đến ngài đại đức.” Sau đó, một nhà tiên tri đã phái sứ giả đi đến gặp đại đức Āyupāla (nói rằng): “Thưa ngài, đức vua Milinda có ý muốn gặp đại đức Āyupāla.” Đại đức Āyupāla cũng đã nói như vầy: “Như thế thì ngài hãy đến.”
Sau đó, được tháp tùng bởi năm trăm người xứ Yonaka, đức vua Milinda đã bước lên cỗ xe ngựa cao quý đi đến tự viện Saṅkheyya gặp đại đức Āyupāla, sau khi đến đã tỏ vẻ thân thiện với đại đức Āyupāla, sau khi trao đổi lời xã giao thân thiện rồi đã ngồi xuống một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, đức vua Milinda đã nói với đại đức Āyupāla điều này: “Bạch ngài Āyupāla, sự xuất gia của ngài là với mục đích gì? Và mục đích tột cùng của ngài là gì?” Vị trưởng lão đã nói rằng: “Tâu đại vương, sự xuất gia có mục đích thực hành Giáo Pháp và thực hành sự bình lặng.”
- Bạch ngài, có người tại gia nào cũng có sự thực hành Giáo Pháp, (và sự thực hành pháp bình lặng)?
- Tâu đại vương, có chứ. Cũng có người tại gia có sự thực hành Giáo Pháp và có sự thực hành pháp bình lặng. Tâu đại vương, trong khi đức Thế Tôn chuyển vận Bánh Xe Pháp ở thành Bārāṇasī, Isipatana, nơi vườn nai, đã có sự lãnh hội Giáo Pháp của mười tám koṭi vị Phạm Thiên. Còn sự lãnh hội Giáo Pháp của chư Thiên thì vượt qua cách thức tính đếm. Tất cả những vị ấy đều là người tại gia, không phải bậc xuất gia.
Tâu đại vương, và hơn nữa, trong khi bài Kinh Mahāsamaya đang được thuyết giảng, trong khi bài Kinh Mahāmaṅgala đang được thuyết giảng, trong khi bài Kinh Samacittapariyāyađang được thuyết giảng, trong khi bài Kinh Rāhulovāda đang được thuyết giảng, trong khi bài Kinh Parābhava đang được thuyết giảng bởi đức Thế Tôn, đã có sự lãnh hội Giáo Pháp của chư Thiên vượt lên trên cách thức tính đếm. Tất cả những vị ấy đều là người tại gia, không phải bậc xuất gia.[6]
Đức vua Milinda đã nói rằng: “Bạch ngài Āyupāla, như thế thì sự xuất gia của ngài là vô nghĩa; do kết quả của nghiệp ác đã làm trong quá khứ mà các Sa-môn Thích tử xuất gia và gìn giữ các pháp từ khước.[7] Bạch ngài Āyupāla, những vị tỳ khưu (hành pháp) một chỗ ngồi (khi thọ thực), có lẽ trong quá khứ họ là những kẻ đạo tặc đoạt lấy tài sản của những người khác, sau khi cướp đoạt các tài sản của những người khác mà ngày nay, do kết quả của nghiệp ấy, họ trở thành các vị (hành pháp) một chỗ ngồi (khi thọ thực), không chấp nhận thọ thực lúc này lúc khác, nhiều chỗ ngồi. Đối với những vị ấy thì chẳng có giới hạnh, chẳng có khổ hạnh, chẳng có Phạm hạnh. Bạch ngài Āyupāla, những vị tỳ khưu (hành pháp) ngụ ở ngoài trời, có lẽ trong quá khứ họ là những kẻ đạo tặc tàn phá xóm làng, sau khi tiêu hủy các căn nhà của những người khác mà ngày nay, do kết quả của nghiệp ấy, họ trở thành các vị (hành pháp) ngụ ở ngoài trời, không chấp nhận thọ dụng các chỗ trú ngụ. Đối với những vị ấy thì chẳng có giới hạnh, chẳng có khổ hạnh, chẳng có Phạm hạnh. Bạch ngài Āyupāla, những vị tỳ khưu (hành pháp) về oai nghi ngồi (không nằm), có lẽ trong quá khứ họ là những kẻ đạo tặc cướp đường, sau khi bắt giữ các khách đi đường, trói lại, rồi bắt họ ngồi xuống mà ngày nay, do kết quả của nghiệp ấy, họ trở thành các vị (hành pháp) về oai nghi ngồi (không nằm), không chấp nhận được phép nằm. Đối với những vị ấy thì chẳng có giới hạnh, chẳng có khổ hạnh, chẳng có Phạm hạnh.”
Được nói như vậy, đại đức Āyupāla đã im lặng, không đáp lại điều gì. Khi ấy, năm trăm người xứ Yonaka đã nói với đức vua Milinda điều này: “Tâu đại vương, vị trưởng lão là bậc sáng trí, tuy nhiên ngài không tự tin nên không đáp lại điều gì.” Sau đó, khi nhìn thấy đại đức Āyupāla có thái độ im lặng, đức vua Milinda đã vỗ tay, reo lên, rồi nói với những người xứ Yonaka điều này: “Xứ Jambudīpa quả thật trống trơn! Xứ Jambudīpa quả thật vô nghĩa! Không có Sa-môn hoặc Bà-la-môn nào có khả năng để chuyện trò với trẫm để giải tỏa điều nghi hoặc?”
Sau đó, đức vua Milinda, trong khi quan sát toàn thể hội chúng ấy, đã nhìn thấy những người Yonaka không bị sợ hãi, không có trạng thái bối rối, nên đã khởi ý điều này: “Ta nghĩ rằng chắc chắn là có vị tỳ khưu sáng trí nào khác có khả năng để chuyện trò với ta để giải tỏa điều nghi hoặc nên những người xứ Yonaka này không có trạng thái bối rối.” Khi ấy, đức vua Milinda đã nói với những người xứ Yonaka điều này: “Này các khanh, có vị tỳ khưu sáng trí nào khác có khả năng để chuyện trò với trẫm để giải tỏa điều nghi hoặc?”
Vào lúc bấy giờ, đại đức Nāgasena được vây quanh bởi tập thể Sa-môn, là vị có hội chúng, có đồ chúng, là giáo thọ sư của tập thể, được biết tiếng, có danh vọng, được nhiều người đánh giá cao, là vị sáng trí, kinh nghiệm, thông minh, khôn khéo, hiểu biết, rành mạch, nghiêm chỉnh, tự tin, nghe nhiều, thông Tam Tạng, hiểu biết sâu sắc, trí đã được khai mở, kinh điển được truyền thừa, tuệ phân tích đã được khai mở, rành rẽ pháp học về lời dạy của bậc Đạo Sư gồm chín thể loại, đã đạt đến sự toàn hảo, thiện xảo trong việc thâm nhập lời thuyết giảng về ý nghĩa của Giáo Pháp trong lời dạy của đấng Chiến Thắng, có tài ứng đối linh hoạt không bị ngập ngừng, có sự thuyết giảng phong phú, có sự phát biểu khéo léo, là vị khó sánh bằng, khó khuất phục, khó trội hơn, khó chèn, khó ép, không lao chao ví như biển cả, không dao động ví như núi chúa, dứt bỏ dục vọng, xua đi tăm tối, phát ra ánh sáng, là diễn giả hùng hồn, gây xáo trộn tập thể của các vị có đồ chúng khác, khuất phục các giáo chủ tà giáo khác, đối với các tỳ khưu, các tỳ khưu ni, các cận sự nam, các cận sự nữ, các vua chúa, các quan đại thần của đức vua thì được tôn vinh, được cung kính, được sùng bái, được cúng dường, được nể nang, nhận được các vật dụng về y phục vật thực chỗ trú ngụ và thuốc men chữa bệnh, đã đạt được đỉnh cao về lợi lộc và đỉnh cao về danh vọng, đang trình bày sự quý báu về lời dạy của đấng Chiến Thắng gồm chín thể loại đến những bậc hiểu biết lớn tuổi đang tập trung lắng nghe, đang chỉ ra con đường Giáo Pháp, đang nắm giữ ngọn đèn Giáo Pháp, đang nâng lên tòa lâu đài Giáo Pháp, đang hy sinh sự cống hiến cho Giáo Pháp, đang nâng đỡ biểu hiệu của Giáo Pháp, đang nâng lên ngọn cờ Giáo Pháp, đang làm vang lên tiếng tù và của Giáo Pháp, đang vỗ trống Giáo Pháp, đang rống tiếng rống sư tử, đang gầm tiếng gầm của vị Trời Inda (tiếng sấm), đang làm hài lòng toàn bộ thế gian với việc đã thốt lên giọng nói ngọt ngào, với việc đã trùm lên mạng lưới tia sét của trí tuệ, với việc đã mang nặng dòng nước thương yêu, với trận mưa lớn về sự Bất Tử của Giáo Pháp, trong khi tuần tự du hành qua làng mạc thị trấn kinh thành đã ngự đến thành phố Sāgala. Ở nơi ấy, đại đức Nāgasena ngụ tại tự viện Saṅkheyya cùng với tám chục ngàn vị tỳ khưu. Vì thế, đã có lời rằng:
“Là vị nghe nhiều, có sự thuyết giảng phong phú, khôn khéo, và tự tin, và thiện xảo về thời điểm, có tài ứng đối, và thông thái.
Và các tỳ khưu thông Tam Tạng, cùng với các vị thông năm bộ Kinh, và luôn cả các vị thông bốn bộ Kinh, các vị ấy tôn vinh Nāgasena.
Nāgasena là vị có tuệ thâm sâu, thông minh, biết được Đạo và không phải là Đạo, đã đạt đến mục đích tối thượng, có sự tự tin.
Được các vị tỳ khưu khôn khéo, có lời nói chân thật ấy tháp tùng, trong khi du hành qua làng mạc thị trấn, đã đi đến Sāgala.
Từ đó, Nāgasena đã ngụ tại tự viện Saṅkheyya. Giống như con sư tử ở ngọn núi, vị ấy thuyết giảng cho nhiều người.”
Khi ấy, vị Devamantiya đã nói với đức vua Milinda điều này: “Tâu đại vương, xin đại vương hãy chờ đợi. Tâu đại vương, xin đại vương hãy chờ đợi. Tâu đại vương, có vị trưởng lão tên Nāgasena là bậc sáng trí, kinh nghiệm, thông minh, nghiêm chỉnh, tự tin, nghe nhiều, có sự thuyết giảng phong phú, có tài ứng đối khôn khéo, đã đạt đến sự toàn hảo trong các tuệ phân tích về ý nghĩa, về các pháp, về ngôn từ, và về phép biện giải. Hiện nay, vị ấy ngụ tại tự viện Saṅkheyya. Tâu đại vương, xin đại vương hãy đi đến, hãy hỏi đại đức Nāgasena câu hỏi. Vị ấy có khả năng để chuyện trò với đại vương để giải tỏa điều nghi hoặc.”
Khi ấy, đức vua Milinda, chợt nghe đến tên “Nāgasena,” đã có sự sợ hãi, đã có sự khiếp đảm, đã có nổi da gà. Khi ấy, đức vua Milinda đã nói với Devamantiya điều này: “Này khanh, có phải ngài tỳ khưu Nāgasena có khả năng để chuyện trò với trẫm?” “Tâu đại vương, vị ấy có khả năng để chuyện trò với cả vị Trời Inda, Yama, Varuṇa, Kuvera, Pajāpati, Suyāma, các vị hộ trì cõi Trời Đẩu Suất, luôn cả Đại Phạm Thiên là bậc cha ông, thì có gì với loài người?”
Khi ấy, đức vua Milinda đã nói với Devamantiya điều này: “Này Devamantiya, như thế thì khanh hãy phái sứ giả đi đến gặp ngài đại đức.” “Tâu bệ hạ, xin vâng.” Rồi Devamantiya đã phái sứ giả đi đến gặp đại đức Nāgasena (nói rằng): “Bạch ngài, đức vua Milinda có ý muốn gặp đại đức Nāgasena.” Đại đức Nāgasena cũng đã nói rằng: “Như thế thì vị ấy hãy đến.”
Sau đó, được tháp tùng bởi năm trăm người xứ Yonaka, đức vua Milinda đã bước lên cỗ xe ngựa cao quý cùng với đội quân binh đi đến tự viện Saṅkheyya gặp đại đức Nāgasena. Vào lúc bấy giờ, đại đức Nāgasena đang ngồi ở ngôi nhà tròn cùng với tám mươi ngàn vị tỳ khưu. Đức vua Milinda đã nhìn thấy hội chúng của đại đức Nāgasena từ đàng xa, sau khi nhìn thấy đã nói với Devamantiya điều này: “Này Devamantiya, hội chúng đông đảo này là của ai vậy?” “Tâu đại vương, là hội chúng của đại đức Nāgasena.” Lúc đó, sau khi nhìn thấy hội chúng của đại đức Nāgasena từ đàng xa, đức vua Milinda đã có sự khiếp đảm, đã có nổi da gà. Khi ấy, đức vua Milinda, tợ như con voi bị bao vây bởi những con tê giác, tợ như con rồng bị bao vây bởi những con kim-sỉ-điểu, tợ như con chó rừng bị bao vây bởi những con trăn, tợ như con gấu bị bao vây bởi những con trâu rừng, tợ như con ếch bị đuổi theo bởi con rắn, tợ như con nai bị đuổi theo bởi con báo, tợ như con rắn bị chạm trán người bắt rắn, tợ như con chuột bị chạm trán con mèo, tợ như con yêu tinh bị chạm trán thầy trừ tà, tợ như mặt trăng đi vào miệng của Rāhu (bị nguyệt thực), tợ như con rắn bị sa vào giỏ, tợ như con chim bị rơi vào lồng, tợ như con cá bị dính vào lưới, tợ như con người bị đi lạc vào rừng có thú dữ, tợ như loài Dạ-xoa phạm lỗi đối với Thiên Vương Vessavaṇa, tợ như vị Thiên tử có tuổi thọ bị cạn kiệt, trở nên sợ hãi, kinh hoàng, dáo dác, rúng động, lông dựng đứng lên, thất thần, lo âu, tâm bị tán loạn, nhụt ý, sau khi lấy lại sự can đảm (nghĩ rằng): “Chớ để người này xem thường ta,” đức vua đã nói với Devamantiya điều này: “Này Devamantiya, khanh chớ giới thiệu đại đức Nāgasena cho trẫm, trẫm sẽ nhận biết Nāgasena dầu chưa được nói ra.”
“Tâu đại vương, lành thay! Xin đại vương hãy tự nhận biết.”
Vào lúc bấy giờ, đại đức Nāgasena là ở nơi hội chúng tỳ khưu của ngài gồm bốn mươi ngàn vị tỳ khưu kém thâm niên ở phía trước và bốn mươi ngàn vị tỳ khưu thâm niên hơn ở phía sau. Khi ấy, trong khi quan sát toàn thể hội chúng tỳ khưu ấy từ phía trước từ phía sau và ở chính giữa, đức vua Milinda đã nhìn thấy từ ở đàng xa đại đức Nāgasena đang ngồi ở giữa hội chúng tỳ khưu tợ như cho sư tử có bờm, không chút sợ hãi khiếp đảm, không bị nổi da gà, không sợ hãi thẹn thùng, sau khi nhìn thấy đã nhận ra nhờ vào sự biểu hiện: “Người này đây chính là Nāgasena.” Khi ấy, đức vua Milinda đã nói với Devamantiya điều này: “Này Devamantiya, có phải vị ấy chính là đại đức Nāgasena?” “Tâu đại vương, đúng vậy. Vị ấy chính là đại đức Nāgasena. Tâu đại vương, thật là tốt đẹp! Đại vương đã nhận ra vị Nāgasena.” Vì thế, đức vua đã trở nên hớn hở: “Dầu không được nói, trẫm đã nhận ra được Nāgasena.” Lúc đó, sau khi đã nhìn thấy đại đức Nāgasena, đức vua Milinda đã có sự sợ hãi, đã có sự khiếp đảm, đã có nổi da gà. Vì thế, có lời nói rằng:
“Sau khi nhìn thấy Nāgasena được thành tựu tánh hạnh, đang khéo được rèn luyện trong sự rèn luyện tối thượng, đức vua đã nói lời nói này:
‘Ta đã gặp nhiều nhà thuyết giáo, đã tham dự nhiều cuộc bàn luận, ta đã không có sự sợ hãi như thế này, như là sự run sợ của ta ngày hôm nay.
Sự thất bại chắc chắn sẽ xảy ra cho ta ngày hôm nay, khi tâm không được tập trung như vầy, và chính phần thắng sẽ là của Nāgasena.’”
Dứt Phần Ngoại Thuyết.
--ooOoo--
[1] Nhiều học giả xác định Yonaka là một vùng thuộc nước Greece (Hy Lạp).
[2] Sáu vị này là đồng thời với đức Phật Gotama, nhiều học giả đã lưu ý và luận về điểm này.
[3] Sự xưng hô ở đây và các câu đối thoại bên dưới đều dùng ngôi thứ nhất và thứ hai số nhiều.
[4] Văn bản của Miến Điện và của Pali Text Society đã ghi là không hoan hỷ (anattamano).
[5] Cậu bé xưng hô với đại đức Rohaṇa bằng ngôi thứ hai số ít, trong khi ở phần trước người cha xưng hô bằng ngôi thứ hai số nhiều (ND).
[6] Chú thích về các bài Kinh đã được trích dẫn:
- Mahāsamayasutta: là bài Kinh số 20 của Trường Bộ.
- Mahāmaṅgalasutta: được tìm thấy ở hai nơi là Kinh Tập, chương II, bài kinh số 4, và Tiểu Tụng, phần V.
- Samacittapariyāyasutta: Ở Tăng Chi Bộ, có chương Samacittavagga ở phần pháp 2 chi.
- Rāhulovādasutta: Ở Trung Bộ, có ba bài kinh mang tựa Rāhulovāda là kinh Ambalaṭṭhikarāhulovādasuttaṃ (số 61), Mahārāhulovādasuttaṃ (số 62), và Cūḷarāhulovādasuttaṃ (số 147).
- Parābhavasutta: Có hai bài kinh mang cùng tên parābhasuttaṃ, ở Tăng Chi Bộ, phần pháp 7 chi, chương III, và ở Kinh Tập, chương I, bài kinh số 6.
[7] Đã được dịch âm là thu đông, đầu đà (dhutaṅga).
Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada