“Là người hiểu biết về tranh luận, biết cách biện luận, rất thông minh, sắc sảo, Milinda đã đến gặp Nāgasena nhằm phân tích về trí tuệ.
Trong khi sống dưới bóng che của vị ấy, trong khi hỏi đi hỏi lại, sau khi trí thông minh đã được mở ra, đức vua cũng đã trở thành vị thông hiểu Tam Tạng.
Sau khi đã đi đến nơi thanh vắng, trong khi suy gẫm về chín thể loại trọn đêm, đức vua đã nhận thấy những câu hỏi khó tháo gỡ, có sự bắt bẻ.
Trong Giáo Pháp của đấng Pháp Vương, có lời nói có tính giảng giải, có lời nói về sự liên hệ, có lời nói về bản chất.
Do không hiểu được ý nghĩa của chúng, về những vấn đề đối chọi trong lời dạy của đấng Chiến Thắng, vào thời vị lai xa xôi, sẽ có sự tranh cãi về chúng.
Vậy thì sau khi đã có niềm tin vào vị thuyết giảng, ta sẽ khiến cho các vấn đề đối chọi được chia chẻ. Trong ngày vị lai, người ta sẽ giải thích theo đường lối đã được giải thích của vị ấy.”
Sau đó, lúc đêm đã tỏ bình minh đã rạng, đức vua Milinda đã gội đầu, chắp tay lên ở trán, tưởng niệm đến chư Phật Toàn Giác quá khứ vị lai và hiện tại, đã thọ trì tám phận sự hành trì rằng: “Từ hôm nay cho đến bảy ngày sắp tới của trẫm, trẫm sẽ thọ trì tám đức tính, sẽ thực hành pháp đạo sĩ. Trong khi có pháp đạo sĩ đã được hoàn thành, trẫm đây sẽ làm cho vị thầy dạy học được hài lòng và sẽ hỏi các câu hỏi có tính chất đối chọi.” Sau đó, đức vua Milinda đã bỏ đi cặp vải thường nhật, đã cởi ra các đồ trang sức, rồi mặc vào tấm vải ca-sa, buộc búi tóc của người tu ở trên đầu, đạt đến trạng thái của vị hiền sĩ, và thọ trì tám đức hạnh là: “Bảy ngày này, trẫm không chỉ bảo công việc triều chính, không sanh khởi tâm liên hệ dến ái luyến, không sanh khởi tâm liên hệ với sân hận, không sanh khởi tâm liên hệ đến si mê, có lối cư xử nhã nhặn với kẻ nô bộc, người làm, người hầu hạ, hộ trì thân khẩu, hộ trì toàn diện luôn cả sáu xứ, hướng tâm vào việc tu tập từ ái.” Rồi đức vua đã thọ trì tám đức hạnh này, đã thiết lập tâm ý vào chính tám đức hạnh ấy, đã không đi ra bên ngoài, và đã trải qua bảy ngày. Vào ngày thứ tám, khi đêm đã tỏ, sau khi dùng buổi điểm tâm rất sớm, đức vua Milinda, với mắt nhìn xuống, với lời nói cân nhắc, với bốn oai nghi khéo được ổn định, với tâm không tán loạn, mừng rỡ, phấn chấn, tịnh tín, đã đi đến gặp trưởng lão Nāgasena, sau khi đê đầu đảnh lễ hai bàn chân của vị trưởng lão rồi đã đứng ở một bên nói điều này:
“Thưa ngài Nāgasena, trẫm có vấn đề cần thảo luận với ngài, không muốn có người thứ ba nào khác ở nơi ấy, là ở chỗ trống vắng, ở khu rừng tách biệt đạt được tám điều kiện thích hợp cho các vị Sa-môn, tại đó câu hỏi ấy sẽ được hỏi, tại đó trẫm sẽ không giữ bí mật, sẽ không dấu giếm, trẫm xứng đáng để nghe điều được giấu kín khi sự thảo luận tốt đẹp đã đạt đến. Vấn đề ấy nên được xem xét thậm chí bằng ví dụ. Giống như là điều gì? Thưa ngài Nāgasena, giống như trái đất vĩ đại là xứng đáng cho việc cất giấu khi việc cất giấu xảy đến, thưa ngài Nāgasena, tương tợ y như thế trẫm xứng đáng để nghe điều được giấu kín khi sự thảo luận tốt đẹp đã đạt đến.”
Sau đó, đức vua đã đi vào khu rừng rậm tách biệt cùng với vị thầy và đã nói điều này: “Thưa ngài Nāgasena, ở đây người có ý định thảo luận có tám nơi cần xa lánh. Người có sự hiểu biết không thảo luận ở những nơi ấy. Vấn đề dầu đã được thảo luận sẽ bị đổ vỡ, không thành tựu. Là tám nơi nào?
Nơi không bằng phẳng nên được xa lánh,
có sự lo sợ nên được xa lánh,
nơi có gió mạnh nên được xa lánh,
nơi được che kín nên được xa lánh,
nơi của chư Thiên nên được xa lánh,
đường lộ nên được xa lánh,
chỗ qua lại nên được xa lánh,
bến nước nên được xa lánh,
tám nơi này nên được xa lánh.”
Vị trưởng lão đã nói rằng: “Có điều sai trái gì ở nơi không bằng phẳng, có sự lo sợ, có gió mạnh, được che kín, ở nơi của chư Thiên, ở đường lộ, ở chỗ qua lại, ở bến nước?”
“Thưa ngài Nāgasena, vấn đề được thảo luận ở nơi không bằng phẳng sẽ tản mạn, tiêu tan, nhỏ giọt, không thành tựu.
Ở nơi có sự lo sợ thì tâm ý bị khuấy động. Khi bị khuấy động thì không theo dõi vấn đề một cách đúng đắn.
Ở nơi có gió mạnh thì âm thanh không rõ.
Ở nơi được che kín thì nhiều người đứng nghe lén.
Ở nơi của chư Thiên vấn đề được thảo luận trở thành nghiêm trọng.
Ở đường lộ vấn đề được thảo luận trở thành vô bổ.
Ở chỗ qua lại trở nên thất thường.
Ở bến nước trở nên lộ liễu.
Vậy ở đây là:
Nơi không bằng phẳng, có sự lo sợ, có gió mạnh, được che kín, được chư Thiên ngự, đường lộ, chỗ qua lại, bến nước, tám nơi này nên được xa lánh.”
“Thưa ngài Nāgasena, có tám hạng người này, trong khi thảo luận, họ làm hỏng vấn đề được thảo luận. Là tám hạng nào? Hạng có tánh ái luyến, hạng có tánh sân, hạng có tánh si, hạng có tánh ngã mạn, hạng tham lam, hạng lười biếng, hạng suy nghĩ một chiều, hạng ngu dốt. Tám hạng người này làm hỏng vấn đề được thảo luận.”
Vị trưởng lão đã nói rằng: “Những người ấy có sự sai trái gì?”
“Thưa ngài Nāgasena, hạng có tánh ái luyến làm hỏng vấn đề được thảo luận do tác động của sự ái luyến. Hạng có tánh sân làm hỏng vấn đề được thảo luận do tác động của sân. Hạng có tánh si làm hỏng vấn đề được thảo luận do tác động của si. Hạng có tánh ngã mạn làm hỏng vấn đề được thảo luận do tác động của ngã mạn. Hạng tham lam làm hỏng vấn đề được thảo luận do tác động của tham. Hạng lười biếng làm hỏng vấn đề được thảo luận do sự lười biếng. Hạng suy nghĩ một chiều làm hỏng vấn đề được thảo luận do sự suy nghĩ một chiều. Hạng ngu dốt làm hỏng vấn đề được thảo luận do sự ngu dốt.
Vậy ở đây là:
Hạng bị ái luyến, sân hận, si mê, ngã mạn, tham lam, lười biếng là tương tợ, có suy nghĩ một chiều, và ngu dốt. Các hạng người này làm hư hỏng vấn đề.”
“Thưa ngài Nāgasena, chín hạng người này bộc lộ, không gìn giữ điều bí mật đã được thảo luận. Là chín hạng nào? Hạng có tánh ái luyến, hạng có tánh sân, hạng có tánh si, hạng hèn nhát, hạng nặng về vật chất, phụ nữ, hạng nghiện ngập, hạng vô căn, trẻ con.”
Vị trưởng lão đã nói rằng: “Những người ấy có sự sai trái gì?”
“Thưa ngài Nāgasena, hạng có tánh ái luyến bộc lộ, không gìn giữ điều bí mật đã được thảo luận do tác động của sự ái luyến.
Hạng sân hận bộc lộ, không gìn giữ điều bí mật đã được thảo luận do tác động của sân.
Hạng si mê bộc lộ, không gìn giữ điều bí mật đã được thảo luận do tác động của si.
Hạng hèn nhát bộc lộ, không gìn giữ điều bí mật đã được thảo luận do tác động của sự sợ hãi.
Hạng nặng về vật chất bộc lộ, không gìn giữ điều bí mật đã được thảo luận vì lý do vật chất.
Phụ nữ bộc lộ, không gìn giữ điều bí mật đã được thảo luận do tánh hay thay đổi.
Hạng nghiện ngập bộc lộ, không gìn giữ điều bí mật đã được thảo luận do tánh thèm rượu.
Hạng vô căn bộc lộ, không gìn giữ điều bí mật đã được thảo luận do tánh không kiên quyết.
Trẻ con bộc lộ, không gìn giữ điều bí mật đã được thảo luận do tánh lao chao.
Vậy ở đây là:
Hạng bị ái luyến, sân hận, si mê, hèn nhát, xem trọng vật chất, phụ nữ, kẻ nghiện ngập, vô căn, và thứ chín là trẻ nít.
Chín hạng người này ở trên đời là hay thay đổi, bị dao động, chao đảo, vì những người này điều bí mật đã được thảo luận mau chóng trở thành phổ biến.”
“Thưa ngài Nāgasena, tánh giác tiến triển, đi đến chín muồi do tám lý do. Do tám lý do gì?
Do sự tiến triển của tuổi tác, tánh giác tiến triển, đi đến chín muồi.
Do sự tiến triển của danh tiếng, tánh giác tiến triển, đi đến chín muồi.
Do học hỏi, tánh giác tiến triển, đi đến chín muồi.
Do sự sống gần gũi với vị lãnh đạo tinh thần, tánh giác tiến triển, đi đến chín muồi.
Do sự chú tâm đúng đắn, tánh giác tiến triển, đi đến chín muồi.
Do sự bàn luận, tánh giác tiến triển, đi đến chín muồi.
Do sự phục vụ với lòng thương, tánh giác tiến triển, đi đến chín muồi.
Do sống ở xứ sở thích hợp, tánh giác tiến triển, đi đến chín muồi.
Vậy ở đây là:
Do tuổi tác, danh tiếng, học hỏi, do sống với vị lãnh đạo tinh thần, (chú tâm) đúng đắn, do bàn luận, do sự phục vụ với lòng thương, và do sống ở xứ sở thích hợp.
Tám sự việc này làm cho tánh giác được rõ ràng. Những người nào có các điều này được hiện hữu thì tánh giác của họ được đánh thức.”
“Thưa ngài Nāgasena, phần lãnh thổ này được xa lánh tám điều sai trái đối với các nhà tư tưởng. Và trẫm ở thế gian là người bạn tối thắng của các nhà tư tưởng, trẫm có sự gìn giữ điều được bí mật. Trẫm sẽ gìn giữ điều được bí mật cho đến khi nào trẫm còn sống. Và tánh giác của trẫm đã đạt đến sự tiến triển nhờ vào tám lý do. Hiện nay người học trò thực hành đúng đắn như trẫm là khó kiếm được. Các vị thầy có hai mươi lăm đức tính của vị thầy đối với người học trò. Vị thầy nên thực hành đúng đắn các đức tính ấy. Là hai mươi lăm đức tính nào?
Thưa ngài, ở đây đối với người học trò vị thầy:
nên thiết lập sự hộ trì một cách thường xuyên liên tục,
nên biết sự thân cận hay không thân cận,
nên biết tình trạng xao lãng hay không xao lãng,
nên biết về trường hợp cho phép nằm,
nên biết về sự bệnh hoạn,
nên biết vật thực đã được nhận hay chưa được nhận,
nên biết về cá tánh,
nên phân phát vật đã có ở bình bát,
nên an ủi rằng: ‘Chớ lo sợ, điều tốt lành sẽ đến cho con,’
nên biết về sự tiếp xúc: ‘Nó tiếp xúc với nhân vật này,’
nên biết về sự tiếp xúc ở trong làng,
nên biết về sự tiếp xúc ở trong chỗ cư ngụ,
không nên cười đùa giỡn hớt với người ấy,
sau khi nhìn thấy yếu điểm nên nhẫn nại,
nên là người có hành động thận trọng,
nên là người có hành động không nhỏ mọn,
nên là người có hành động không khuất lấp,
nên là người có hành động không thừa thãi,
nên thiết lập tâm của người đào tạo rằng: ‘Ta đào tạo người này về các ngành nghề,’
nên thiết lập tâm về sự tiến triển: ‘Làm thế nào để người này không thể bị suy giảm?’
nên thiết lập tâm: ‘Ta đào tạo người này trở nên mạnh mẽ với sự mạnh mẽ của việc học tập,’
nên thiết lập tâm từ,
không nên bỏ rơi trong các trường hợp bất hạnh,
không nên xao lãng việc cần làm,
nên sách tấn bằng pháp khi (học trò) bị lỗi lầm.
Thưa ngài, đây là hai mươi lăm đức tính của vị thầy được dành cho vị thầy. Xin ngài hãy thực hành đúng đắn đối với trẫm bằng các đức tính này. Thưa ngài, có điều hoài nghi đã sanh khởi đến trẫm: Có những câu hỏi đối chọi đã được thuyết giảng bởi đấng Chiến Thắng. Vào thời vị lai xa xôi, sẽ nảy sanh sự tranh cãi về chúng, và vào thời vị lai xa xôi, các bậc giác ngộ như ngài sẽ khó đạt được. Xin ngài hãy cho ý kiến về những câu hỏi ấy của trẫm vì sự bắt bẻ của các học thuyết khác.”
Vị trưởng lão đã chấp thuận rằng: “Tốt lắm,” rồi đã làm sáng tỏ về mười đức tính cư sĩ dành cho người cư sĩ.
“Tâu đại vương, mười đức tính cư sĩ này là dành cho người cư sĩ. Là mười đức tính gì? Tâu đại vương, ở đây người cư sĩ:
là cùng vui cùng khổ với hội chúng,
có Pháp là chủ,
yêu thích việc san sẻ tùy theo khả năng,
sau khi nhìn thấy sự suy đồi ở Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng thì nỗ lực cho sự phát triển,
là người có chánh kiến, xa rời lễ hội náo nhiệt, không tuyên bố theo giáo chủ khác thậm chí vì nguyên nhân mạng sống,
thân và khẩu của người này được gìn giữ,
có sự vui thích trong sự hợp nhất, ưa thích sự hợp nhất, là người không ganh tỵ, và không thực hành giáo pháp theo cách dối trá,
đã đi đến nương nhờ vào đức Phật,
đã đi đến nương nhờ vào Giáo Pháp,
đã đi đến nương nhờ vào Hội Chúng.
Tâu đại vương, mười đức tính cư sĩ này là dành cho người cư sĩ.
Tất cả mười đức tính ấy được tìm thấy ở đại vương. Điều ấy được gắn bó, được đạt đến, là thích đáng, là phù hợp đối với đại vương là việc sau khi nhìn thấy sự suy đồi ở Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng thì đại vương mong muốn sự phát triển. Tôi cho phép đại vương. Đại vương hãy hỏi tôi một cách thoải mái.”
Dứt Lời Giảng về Phần Mở Đầu các Câu Hỏi Đối Chọi.
--ooOoo--
Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada