Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, có phải thân thể đối với các bậc xuất gia là đáng yêu?

Tâu đại vương, thân thể đối với các bậc xuất gia là không đáng yêu.”

“Thưa ngài, vậy tại sao ngài lại nâng niu, quyến luyến?”

“Tâu đại vương, khi đại vương tham gia chiến trận, có phải đôi khi vào lúc nào đó đại vương có bị tên bắn?”

“Thưa ngài, đúng vậy.”

“Tâu đại vương, vậy có phải vết thương ấy được bôi cao, được thoa dầu, và được băng bó bằng miếng vải mềm?”

“Thưa ngài, đúng vậy. Nó được bôi cao, được thoa dầu, và được băng bó bằng miếng vải mềm.”

“Tâu đại vương, phải chăng vết thương là đáng yêu đối với đại vương nên được bôi cao, được thoa dầu, và được băng bó bằng miếng vải mềm?”

“Thưa ngài, vết thương quả là không đáng yêu đối với trẫm. Tuy nhiên, nhằm mục đích làm lành da thịt nên nó được bôi cao, được thoa dầu, và được băng bó bằng miếng vải mềm.”

“Tâu đại vương, tương tợ y như thế thân thể đối với các bậc xuất gia là không đáng yêu, và các bậc xuất gia chăm nom thân thể mà không bị bám víu nhằm nâng đỡ việc thực hành Phạm hạnh. Tâu đại vương, thân thể ví như vết thương đã được đức Thế Tôn đề cập đến. Vì thế, các bậc xuất gia chăm nom thân thể như là (chăm sóc) vết thương mà không bị bám víu. Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến:

Được bao bọc bởi lớp da ẩm ướt, vết thương lớn có chín cửa (cửu khiếu) rỉ ra xung quanh những mùi hôi thối, không trong sạch.’”

“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”

Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, có phải đức Phật là vị biết tất cả, thấy tất cả?

“Tâu đại vương, đúng vậy. Đức Thế Tôn là vị biết tất cả, thấy tất cả.”

“Thưa ngài Nāgasena, vậy thì tại sao đức Thế Tôn đã quy định điều học cho các đệ tử theo từng điều một?”

“Tâu đại vương, có người thầy thuốc nào của ngài biết được toàn bộ dược phẩm ở trái đất này không?”

“Thưa ngài, đúng vậy. Có.”

“Tâu đại vương, phải chăng người thầy thuốc ấy cho người bệnh uống thuốc khi thời điểm đã đến, hay là khi thời điểm chưa đến?”

“Thưa ngài, vị ấy cho người bệnh uống thuốc khi thời điểm đã đến, không phải khi thời điểm chưa đến.”

“Tâu đại vương, tương tợ y như thế đức Thế Tôn là vị biết tất cả, thấy tất cả; ngài không quy định điều học cho các đệ tử khi không phải là thời điểm. Khi thời điểm đã đến, ngài mới quy định điều học cho các đệ tử, cho đến trọn đời không nên vượt qua.”

“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”

Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, có phải đức Phật hội đủ ba mươi hai tướng của bậc đại nhân và được phân biệt với tám mươi tướng phụ, có sắc vàng, có làn da như là vàng, có hào quang một sải tay?

“Tâu đại vương, đúng vậy. Đức Thế Tôn hội đủ ba mươi hai tướng của bậc đại nhân và được phân biệt với tám mươi tướng phụ, có sắc vàng, có làn da như là vàng, có hào quang một sải tay.”

“Thưa ngài, có phải cha mẹ của đức Phật cũng hội đủ ba mươi hai tướng của bậc đại nhân và được phân biệt với tám mươi tướng phụ, có sắc vàng, có làn da như là vàng, có hào quang một sải tay?”

“Tâu đại vương, không phải.”

“Thưa ngài Nāgasena, trong khi là như vậy thì không thể nào đức Phật sanh lên được hội đủ ba mươi hai tướng của bậc đại nhân và được phân biệt với tám mươi tướng phụ, có sắc vàng, có làn da như là vàng, có hào quang một sải tay. Hơn nữa, con trai là giống mẹ hay bà con bên mẹ, hoặc con trai là giống cha hay bà con bên cha.”

Vị trưởng lão đã nói rằng: “Tâu đại vương, có loại hoa sen nào có trăm cánh không?”

“Thưa ngài, đúng vậy. Có.”

“Vậy xuất xứ của nó là từ đâu?”

“Nó sanh ra ở trong bùn, sống ở trong nước.”

“Tâu đại vương, phải chăng hoa sen có sắc, hoặc có mùi, hoặc có vị tương tợ như bùn?”

“Thưa ngài, không đúng.”

“Vậy thì phải chăng hoa sen có sắc, hoặc có mùi, hoặc có vị tương tợ như nước?”

“Thưa ngài, không đúng.”

“Tâu đại vương, tương tợ y như thế đức Thế Tôn hội đủ ba mươi hai tướng của bậc đại nhân và được phân biệt với tám mươi tướng phụ, có sắc vàng, có làn da như là vàng, có hào quang một sải tay.”

“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”

Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, có phải đức Phật là người hành Phạm hạnh?

“Tâu đại vương, đúng vậy. Đức Thế Tôn là người hành Phạm hạnh.”

“Thưa ngài Nāgasena, chính vì điều ấy có phải đức Phật là học trò của Phạm Thiên?”

“Tâu đại vương, đại vương có con voi đầu đàn không?”

“Thưa ngài, đúng vậy. Có.”

“Tâu đại vương, phải chăng con voi ấy đôi khi vào lúc nào đó rống tiếng rống như là của loài cò?”

“Thưa ngài, đúng vậy. Nó có rống.”

“Tâu đại vương, chính vì điều ấy có phải con voi ấy là học trò của những con cò?”

“Thưa ngài, không đúng.”

“Tâu đại vương, có phải Phạm Thiên có tánh giác?”

“Thưa ngài, có tánh giác.”

“Tâu đại vương, chính vì điều ấy Phạm Thiên là học trò của đức Thế Tôn.”

“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”

Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, có phải việc tu lên bậc trên là tốt?

“Tâu đại vương, đúng vậy. Việc tu lên bậc trên là tốt.”

“Thưa ngài, vậy đối với đức Phật có việc tu lên bậc trên, hay là không có?”

“Tâu đại vương, đức Thế Tôn đã tu lên bậc trên ở cội cây Bồ Đề với trí biết tất cả. Đối với đức Thế Tôn không có việc tu lên bậc trên được ban cho bởi những người khác. Tâu đại vương, giống như việc đức Thế Tôn quy định điều học cho các đệ tử, cho đến trọn đời không nên vượt qua.”

Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”

Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, người khóc vì việc qua đời của mẹ và người khóc vì sự yêu mến Pháp, trong hai người đang khóc ấy nước mắt của ai là liều thuốc, nước mắt của ai không phải là liều thuốc?

Tâu đại vương, nước mắt của một người là nóng nảy, do tham sân si, có vấy bụi, của một người là mát mẻ, do hỷ và thiện tâm, không có vấy bụi. Tâu đại vương, cái nào mát mẻ cái ấy là liều thuốc, cái nào nóng này cái ấy không phải là liều thuốc.”

“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”

Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, cái gì là sự khác biệt ở người có tham ái và ở người đã lìa tham ái?

“Tâu đại vương, một người là bị dính mắc, một người không bị dính mắc.”

“Thưa ngài, điều gì gọi là dính mắc, và không dính mắc?”

“Tâu đại vương, một người có mong cầu, một người không có mong cầu.”

“Thưa ngài, trẫm thấy như vầy: Người có tham ái và người đã lìa tham ái, cả hai hạng này đều ưa thích vật thực loại cứng loại mềm tốt đẹp và không ưa thích bất cứ loại nào xấu.”

“Tâu đại vương, người chưa lìa tham ái thọ dụng vật thực có sự nhận biết về mùi vị, có sự nhận biết về tham ái ở mùi vị, còn người đã lìa tham ái thọ dụng vật thực có sự nhận biết về mùi vị nhưng sự nhận biết về tham ái ở mùi vị là không có.”

“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”

Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, tuệ trú ở nơi nào?

“Tâu đại vương, không ở nơi nào cả.”

“Thưa ngài Nāgasena, như vậy thì không có tuệ.”

“Tâu đại vương, gió trú ở nơi nào?”

“Thưa ngài, không ở nơi nào cả.”

“Tâu đại vương, như vậy thì không có gió.”

“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”

Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, điều mà ngài đã nói là ‘luân hồi,’ luân hồi ấy là gì?

“Tâu đại vương, người sanh ra ở nơi đây, chết ngay tại nơi đây; chết tại nơi đây, sanh lên ở nơi khác; sanh ra ở nơi kia, chết ngay tại nơi kia; chết tại nơi kia, sanh lên ở nơi khác. Tâu đại vương, luân hồi là như vậy.”

“Xin ngài cho ví dụ.”

“Tâu đại vương, giống như người nào đó sau khi ăn trái xoài chín rồi ươm trồng cái hột, từ đó cây xoài nảy mầm, lớn lên, rồi cho các trái. Rồi người ấy sau khi ăn trái xoài chín cũng từ đó rồi ươm trồng cái hột, cũng từ đó cây xoài nảy mầm, lớn lên, rồi cho các trái. Như vậy, điểm tận cùng của các cây này không được biết đến. Tâu đại vương, tương tợ y như thế người sanh ra ở nơi đây, chết ngay tại nơi đây; chết tại nơi đây, sanh lên ở nơi khác; sanh ra ở nơi kia, chết ngay tại nơi kia; chết tại nơi kia, sanh lên ở nơi khác. Tâu đại vương, luân hồi là như vậy.”

“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”

Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, nhờ vào cái gì mà hồi tưởng lại việc đã làm từ lâu trong quá khứ?

“Tâu đại vương, nhờ vào trí nhớ.”

“Thưa ngài Nāgasena, thế chẳng phải hồi tưởng lại là bằng tâm, không phải bằng trí nhớ?”

“Tâu đại vương, đại vương có nhận biết được rằng sau khi làm một việc cần làm nào đó rồi quên lửng không?”

“Thưa ngài, đúng vậy.”

“Tâu đại vương, phải chăng vào thời điểm ấy ngài là không có tâm?”

“Thưa ngài, không đúng. Vào thời điểm ấy trẫm đã không có trí nhớ.”

“Tâu đại vương, vậy tại sao ngài đã nói như vầy: ‘hồi tưởng lại là bằng tâm, không phải bằng trí nhớ’?”

“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”

Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, toàn bộ trí nhớ được sanh lên là thuộc về chủ quan hay trí nhớ là thuộc về khách quan?

“Tâu đại vương, trí nhớ được sanh lên vừa thuộc về chủ quan, trí nhớ vừa thuộc về khách quan.”

“Thưa ngài Nāgasena, chính vì như thế phải chăng toàn bộ trí nhớ là thuộc về chủ quan, không có trí nhớ thuộc về khách quan?”

“Tâu đại vương, nếu không có trí nhớ thuộc về khách quan thì những người thợ học nghề không có cái gì cần phải làm đối với các lãnh vực về nghề nghiệp, đối với các lãnh vực về học tập, hoặc đối với các tư liệu về kiến thức; không có nhu cầu về các thầy dạy học. Tâu đại vương, bởi vì có trí nhớ thuộc về khách quan mà có việc cần phải làm đối với các lãnh vực về nghề nghiệp, đối với các lãnh vực về học tập, hoặc đối với các tư liệu về kiến thức; và có nhu cầu về các thầy dạy học.”

“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”

Phẩm Trí Nhớ là thứ sáu.

(Trong phẩm này có mười một câu hỏi)

*****



Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada