Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, có phải đức Phật đã được ngài nhìn thấy?

“Tâu đại vương, không.”

“Vậy có phải đức Phật đã được các vị thầy của ngài nhìn thấy?”

“Tâu đại vương, không.”

“Thưa ngài Nāgasena, như vậy thì không có đức Phật.”

“Tâu đại vương, vậy sông Ūhā ở núi Hi-mã-lạp có được ngài nhìn thấy không?”

“Thưa ngài, không.”

“Vậy có phải sông Ūhā đã được cha của ngài nhìn thấy?”

“Tâu đại vương, không.”

“Tâu đại vương, như vậy thì không có sông Ūhā.”

“Thưa ngài, có mà. Mặc dầu sông Ūhā không được trẫm nhìn thấy, sông Ūhā cũng không được cha của trẫm nhìn thấy, nhưng mà có sông Ūhā.”

“Tâu đại vương, tương tợ y như thế mặc dầu đức Thế Tôn không được tôi nhìn thấy, đức Thế Tôn cũng không được các vị thầy của tôi nhìn thấy, nhưng mà có đức Thế Tôn.”

“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”

Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, có phải đức Phật là vô thượng?

“Tâu đại vương, đúng vậy. Đức Phật là vô thượng.”

“Thưa ngài Nāgasena, làm thế nào ngài biết được ‘Đức Phật là vô thượng’ khi chưa từng được thấy trước đây?”

“Tâu đại vương, đại vương nghĩ gì về điều này? Với những người mà biển cả chưa từng được thấy, tâu đại vương, có phải những người ấy có thể biết được biển—nơi mà năm con sông lớn này, tức là Gaṅgā, Yamunā, Aciravatī, Sarabhū, Mahī thường xuyên, liên tục đổ vào— là rộng lớn, sâu thẳm, không thể đo đạc, khó thăm dò, luôn cả sự thiếu hụt hay tràn đầy của nó cũng không được nhận ra?”

“Thưa ngài, họ có thể biết được.”

“Tâu đại vương, tương tợ y như thế sau khi nhìn thấy các vị Thinh Văn vĩ đại viên tịch Niết Bàn, tôi biết được ‘Đức Thế Tôn là vô thượng.’”

“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”

Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, có thể biết được ‘Đức Phật là vô thượng’?

“Tâu đại vương, đúng vậy. Có thể biết được ‘Đức Phật là vô thượng.’”

“Thưa ngài Nāgasena, làm thế nào có thể biết được ‘Đức Phật là vô thượng.’”

“Tâu đại vương, vào thời trước đây đã có vị thầy về văn tự tên là Trưởng Lão Tissa. Vị ấy từ trần đã trải qua nhiều năm, vì sao mà vị ấy vẫn được biết đến?”

“Thưa ngài, nhờ vào văn tự.”

“Tâu đại vương, tương tợ y như thế người nào thấy Pháp người ấy thấy đức Thế Tôn. Tâu đại vương, bởi vì Pháp đã được thuyết giảng bởi đức Thế Tôn.”

“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”

Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, có phải Pháp đã được ngài nhìn thấy?

“Tâu đại vương, các vị đệ tử cần phải thực hành theo sự hướng dẫn của đức Phật, theo điều quy định bởi đức Phật, cho đến trọn đời.”

“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”

Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, có phải tái sanh không phải là chuyển sang?

“Tâu đại vương, đúng vậy. Tái sanh không phải là chuyển sang.”

“Thưa ngài Nāgasena, tái sanh không phải là chuyển sang nghĩa là thế nào? Xin ngài cho ví dụ.”

“Tâu đại vương, giống như người nào đó thắp sáng cây đèn từ cây đèn (khác), tâu đại vương, phải chăng cây đèn ấy được chuyển sang từ cây đèn (kia)?”

“Thưa ngài, không phải.”

“Tâu đại vương, tương tợ y như thế tái sanh không phải là chuyển sang.”

“Xin ngài cho thêm ví dụ.”

“Tâu đại vương, có phải ngài biết rõ là trong lúc còn niên thiếu đã có câu thơ nào đó được học ở người thầy dạy về thơ?”

“Thưa ngài, đúng vậy.”

“Tâu đại vương, phải chăng câu thơ đó được chuyển sang từ người thầy?”

“Thưa ngài, không phải.”

“Tâu đại vương, tương tợ y như thế tái sanh không phải là chuyển sang.”

“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”

Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, có phải sự hiểu biết có thể đạt được?

Vị trưởng lão đã nói rằng: “Tâu đại vương, theo ý nghĩa tuyệt đối sự hiểu biết không thể đạt được.”

“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”

Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, có phải có chúng sanh nào từ thân này chuyển sang thân khác?

“Tâu đại vương, không phải.”

“Thưa ngài Nāgasena, nếu không có việc từ thân này được chuyển sang thân khác, không lẽ sẽ được thoát khỏi các nghiệp ác?”

“Tâu đại vương, đúng vậy. Nếu không tái sanh thì sẽ được thoát khỏi các ngiệp ác. Tâu đại vương, chính vì tái sanh mà không được hoàn toàn thoát khỏi các nghiệp ác.”

“Xin ngài cho ví dụ.”

“Tâu đại vương, giống như người nào đó lấy trộm trái xoài của người khác, có phải người ấy đáng bị hành phạt?”

“Thưa ngài, đúng vậy. Người ấy đáng bị hành phạt.”

“Tâu đại vương, quả là người ấy đã không lấy trộm các trái xoài đã được trồng bởi người kia, tại sao lại đáng bị hành phạt?”

“Thưa ngài, những trái xoài ấy được sanh lên có điều kiện. Do đó, người ấy đáng bị hành phạt.”

“Tâu đại vương, tương tợ y như thế người tạo nghiệp tốt đẹp hoặc không tốt đẹp với danh sắc này, do nghiệp ấy danh sắc khác tái sanh. Vì thế mà không được hoàn toàn thoát khỏi các nghiệp ác.”

“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”

Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, nghiệp thiện hoặc bất thiện được tạo ra bởi danh sắc này, vậy các nghiệp ấy trú ở đâu?

“Tâu đại vương, các nghiệp ấy theo sau tợ như bóng có sự không xa lìa (hình) vậy.”

“Thưa ngài, có thể nào chỉ cho thấy các nghiệp ấy là: ‘Các nghiệp ấy trú ở chỗ này’ không?”

“Tâu đại vương, không thể nào chỉ cho thấy các nghiệp ấy là: ‘Các nghiệp ấy trú ở chỗ này hay ở chỗ này.’”

“Xin ngài cho ví dụ.”

“Tâu đại vương, đại vương nghĩ gì về điều này? Những cây nào có các trái chưa trổ, có thể nào chỉ cho thấy các trái của chúng là: ‘Các trái ấy trú ở chỗ này hay ở chỗ này’ không?”

“Thưa ngài, không.”  

“Tâu đại vương, tương tợ y như thế khi sự diễn tiến còn chưa bị cắt đứt thì không thể nào chỉ cho thấy các nghiệp ấy là: ‘Các nghiệp ấy trú ở chỗ này hay ở chỗ này.’”

“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”

Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, có phải người nào tái sanh thì người ấy biết được rằng: ‘Ta sẽ tái sanh’?

“Tâu đại vương, đúng vậy. Người nào tái sanh thì người ấy biết được rằng: ‘Ta sẽ tái sanh.’”

“Xin ngài cho ví dụ.”

“Tâu đại vương, giống như người nông dân gia chủ sau khi gieo xuống các hạt giống ở đất, trong khi trời mưa điều hòa thì biết được rằng: ‘Thóc lúa sẽ được tạo ra.”

“Thưa ngài, đúng vậy. Có thể biết được.”

“Tâu đại vương, tương tợ y như thế người nào tái sanh thì người ấy biết được rằng: ‘Ta sẽ tái sanh.’”

“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”

Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, có phải là có đức Phật?

“Tâu đại vương, đúng vậy. Có đức Phật.”

“Thưa ngài, có thể nào chỉ cho thấy đức Phật là ‘chỗ này hay chỗ này’ không?”

“Tâu đại vương, đức Thế Tôn đã viên tịch Niết Bàn ở cảnh giới Niết Bàn không còn dư sót. Không thể nào chỉ cho thấy đức Thế Tôn là ‘chỗ này hay chỗ này.’”

“Xin ngài cho ví dụ.”

“Tâu đại vương, đại vương nghĩ gì về điều này? Ngọn lửa của đống lửa lớn đang cháy đã bị diệt tắt, có thể nào chỉ cho thấy ngọn lửa ấy là ‘chỗ này hay chỗ này’ không?”

“Thưa ngài, không.” Ngọn lừa ấy đã tắt, đã đi đến trạng thái không còn được nhận biết.”

“Tâu đại vương, tương tợ y như thế đức Thế Tôn đã viên tịch Niết Bàn ở cảnh giới Niết Bàn không còn dư sót. Đức Thế Tôn đã diệt tắt, không thể nào chỉ cho thấy là ‘chỗ này hay chỗ này. Tâu đại vương, tuy nhiên có thể chỉ cho thấy đức Thế Tôn bởi tổng thể các Pháp. Tâu đại vương, bởi vì Pháp đã được thuyết giảng bởi đức Thế Tôn.”

“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”

Phẩm Đức Phật là thứ năm.

*****



Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada