Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, đối với các pháp được gom chung thành một bản thể này, có thể nào lần lượt tách rời và chỉ ra sự khác biệt của chúng: ‘cái này là xúc, cái này là thọ, cái này là tưởng, cái này là tư, cái này là thức, cái này là tầm, cái này là tứ’?

“Tâu đại vương, đối với các pháp được gom chung thành một bản thể này, không thể nào lần lượt tách rời và chỉ ra sự khác biệt của chúng: ‘cái này là xúc, cái này là thọ, cái này là tưởng, cái này là tư, cái này là thức, cái này là tầm, cái này là tứ.’”

“Xin ngài cho ví dụ.”

“Tâu đại vương, giống như người đầu bếp của đức vua thực hiện món súp hoặc nước chấm, người ấy nêm sữa, nêm muối, nêm gừng, nêm thìa là, nêm tiêu, nêm các gia vị khác vào trong món đó, đức vua nói với người ấy như vầy: ‘Hãy đem cho trẫm nước chấm vị sữa, hãy đem cho trẫm nước chấm vị muối, hãy đem cho trẫm nước chấm vị gừng, hãy đem cho trẫm nước chấm vị thìa là, hãy đem cho trẫm nước chấm vị tiêu, hãy đem cho trẫm nước chấm đã được nêm tất cả các thứ.’ Tâu đại vương, đối với các vị nếm được gom chung thành một bản thể ấy, có thể nào lần lượt tách rời và mang lại nước chấm có vị chua, hoặc có vị mặn, hoặc có vị đắng, hoặc có vị cay, hoặc có vị chát, hoặc có vị ngọt không?”

“Thưa ngài, đối với các vị nếm được gom chung thành một bản thể ấy, không thể nào lần lượt tách rời và mang lại nước chấm có vị chua, hoặc có vị mặn, hoặc có vị đắng, hoặc có vị cay, hoặc có vị chát, hoặc có vị ngọt được, mặc dầu chúng hiện diện với đặc điểm riêng của từng vị một.

“Tâu đại vương, tương tợ y như thế đối với các pháp được gom chung thành một bản thể này, không thể nào lần lượt tách rời và chỉ ra sự khác biệt của chúng: ‘cái này là xúc, cái này là thọ, cái này là tưởng, cái này là tư, cái này là thức, cái này là tầm, cái này là tứ,’ mặc dầu chúng hiện diện với đặc điểm riêng của từng pháp một.”

“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”

Vị trưởng lão đã nói rằng: “Tâu đại vương, muối có thể được nhận biết bằng mắt không?

“Thưa ngài, đúng vậy. Có thể được nhận biết bằng mắt.”

“Tâu đại vương, có đúng là đại vương biết một cách chắc chắn?”

“Thưa ngài, phải chăng có thể được nhận biết bằng lưỡi?”

“Tâu đại vương, đúng vậy. Có thể được nhận biết bằng lưỡi.”

“Thưa ngài, phải chăng nhận biết tất cả các loại muối bằng lưỡi?”

“Tâu đại vương, đúng vậy. Nhận biết tất cả các loại muối bằng lưỡi.”

 “Thưa ngài, nếu nhận biết tất cả các loại muối bằng lưỡi, tại sao những con bò mang muối lại bằng các xe kéo? Không lẽ có thể mang lại chỉ riêng muối thôi?”

“Tâu đại vương, không thể mang lại chỉ riêng muối thôi. Các vật được gom chung thành một bản thể này có bản chất khác biệt về lãnh vực, và muối có tính chất nặng nề.”

“Tâu đại vương, phải chăng có thể cân muối bằng cân?”

“Thưa ngài, đúng vậy. Có thể.”

“Tâu đại vương, không có thể cân muối bằng cân. Tính chất nặng nề (của muối) được cân bằng cân.”

“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”

Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, có phải năm xứ[1] được sanh lên do các việc làm khác nhau, hay là do một việc làm?”

 “Tâu đại vương, chúng được sanh lên do các việc làm khác nhau, không phải do một việc làm.”

“Xin ngài cho ví dụ.”

“Tâu đại vương, đại vương nghĩ gì về điều này? Năm loại hạt giống gieo ở một cánh đồng, đối với các loại hạt giống khác nhau phải chăng các quả khác nhau được sanh lên?”

“Tâu đại vương, đúng vậy. Chúng được sanh lên.”

“Tâu đại vương, tương tợ y như thế năm xứ được sanh lên do các việc làm khác nhau, không phải do một việc làm.”

“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”

Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, vì lý do gì mà toàn thể loài người là không giống nhau, những kẻ này yểu thọ, các kẻ khác trường thọ, những kẻ này nhiều bệnh, các kẻ khác ít bệnh, những kẻ này có sắc xấu, các kẻ khác có sắc tốt, những kẻ này có ít quyền lực, các kẻ khác có nhiều quyền lực, những kẻ này có ít của cải, các kẻ khác có nhiều của cải, những kẻ này có gia tộc hạ tiện, các kẻ khác có gia tộc thượng lưu, những kẻ này có tuệ tồi, các kẻ khác có tuệ?”

Vị trưởng lão đã nói rằng: “Tâu đại vương, vì sao tất cả các cây cối là không giống nhau, những cây này là chua, các cây khác là mặn, những cây này là đắng, các cây khác là cay, những cây này là chát, các cây khác là ngọt?”

“Thưa ngài, trẫm nghĩ là vì việc làm khác nhau của hạt giống.”  

“Tâu đại vương, tương tợ y như thế vì việc làm khác nhau của các nghiệp mà toàn thể loài người là không giống nhau, những kẻ này yểu thọ, các kẻ khác trường thọ, những kẻ này nhiều bệnh, các kẻ khác ít bệnh, những kẻ này có sắc xấu, các kẻ khác có sắc tốt, những kẻ này có ít quyền lực, các kẻ khác có nhiều quyền lực, những kẻ này có ít của cải, các kẻ khác có nhiều của cải, những kẻ này có gia tộc hạ tiện, các kẻ khác có gia tộc thượng lưu, những kẻ này có tuệ tồi, các kẻ khác có tuệ. Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Này người thanh niên, chúng sanh là các chủ nhân của nghiệp, là những kẻ thừa tự của nghiệp, có nghiệp là căn nguyên, có nghiệp là thân quyến, có nghiệp là nơi nương tựa, nghiệp phân loại các chúng sanh tức là theo tính chất hạ liệt hay cao quý.’”

“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”

Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, ngài nói rằng: ‘Làm cách nào để cho khổ này diệt và khổ khác không thể sanh lên? Tâu đại vương, sự xuất gia của chúng tôi là với mục đích ấy.’ Có lợi ích gì với việc đã tinh tấn trước đây? Chẳng phải là nên tinh tấn trong thời hiện tại hay sao?

Vị trưởng lão đã nói rằng: “Tâu đại vương, sự tinh tấn trong thời hiện tại thì chưa làm được việc, sự tinh tấn trước đây thì đã làm được việc.”

“Xin ngài cho ví dụ.”

“Tâu đại vương, đại vương nghĩ gì về điều này? Phải chăng khi nào đại vương bị khát thì khi ấy đại vương mới bảo đào giếng nước, mới bảo đào hồ nước (nghĩ rằng): ‘Ta sẽ uống nước’?”

“Thưa ngài, không đúng.”

“Tâu đại vương, tương tợ y như thế sự tinh tấn trong thời hiện tại thì chưa làm được việc, sự tinh tấn trước đây thì đã làm được việc.”

“Xin ngài cho thêm ví dụ.”

“Tâu đại vương, đại vương nghĩ gì về điều này? Phải chăng khi nào đại vương thèm ăn thì khi ấy đại vương mới bảo cày ruộng, mới bảo trồng lúa sāli, mới bảo đem thóc lại (nghĩ rằng): ‘Ta sẽ thọ dụng bữa ăn’?”

“Thưa ngài, không đúng.”

“Tâu đại vương, tương tợ y như thế sự tinh tấn trong thời hiện tại thì chưa làm được việc, sự tinh tấn trước đây thì đã làm được việc.”

“Xin ngài cho thêm ví dụ.”

“Tâu đại vương, đại vương nghĩ gì về điều này? Phải chăng khi nào đại vương lâm trận thì khi ấy đại vương mới bảo đào hào, mới bảo đắp lũy, mới bảo xây cổng thành, mới bảo làm vọng gác, mới bảo đem lại thóc, khi ấy đại vương mới rèn luyện về voi, mới rèn luyện về ngựa, mới rèn luyện về xe, mới rèn luyện về cung, mới rèn luyện về gươm?”

“Thưa ngài, không đúng.”

“Tâu đại vương, tương tợ y như thế sự tinh tấn trong thời hiện tại thì chưa làm được việc, sự tinh tấn trước đây thì đã làm được việc. Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến:  

Người biết việc nào lợi ích cho mình thì nên làm việc ấy trước. Không có ý nghĩ như kẻ đánh xe bò, bậc thông minh sáng trí nên cố gắng.

Giống như kẻ đánh xe bò từ bỏ con đường lớn bằng phẳng đi vào con đường gồ ghề, bị gãy trục xe rồi bực bội.

Như vậy, sau khi xa lìa Chánh Pháp, xu hướng theo phi pháp, kẻ ngu bị rơi vào miệng thần chết, sầu muộn như kẻ bị gãy trục xe vậy.’”

“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”

Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, ngài nói rằng: ‘Lửa địa ngục nóng dữ dội hơn lửa bình thường. Một hòn đá nhỏ bé được ném vào trong lửa bình thường, trong khi bị đốt cháy trọn ngày vẫn không bị tiêu hoại, còn tảng đá thậm chí lớn bằng ngôi nhà mái nhọn được ném vào trong lửa địa ngục liền bị tiêu hoại trong giây lát.’ Trẫm không tin lời nói này. Hơn nữa, ngài còn nói như vầy: ‘Chúng sanh nào sanh ra ở nơi ấy, trong khi bị nung nấu ở địa ngục thậm chí trong nhiều ngàn năm, vẫn không bị tiêu hoại,’ trẫm cũng không tin lời nói này.”

Vị trưởng lão đã nói rằng: “Tâu đại vương, đại vương nghĩ gì về điều này? Các loài như cá đao cái, cá sấu cái, rùa cái, công mái, bồ câu mái, phải chăng chúng ăn các hòn đá và các hạt cát cứng rắn?”

“Thưa ngài, đúng vậy. Chúng ăn.”

“Vậy có phải các thứ này khi đã đi vào bên trong bao tử ở bụng của chúng thì bị tiêu hoại?”

“Thưa ngài, đúng vậy. Chúng bị tiêu hoại.”

“Vậy còn bào thai ở trong bụng của các loài thú cái ấy cũng bị tiêu hoại?”

“Thưa ngài, không đúng.”

“Vì lý do gì?”

“Thưa ngài, trẫm nghĩ do tác động của nghiệp khiến chúng không bị tiêu hoại.”

“Tâu đại vương, tương tợ y như thế do tác động của nghiệp khiến chúng sanh ở địa ngục, trong khi bị nung nấu ở địa ngục thậm chí trong nhiều ngàn năm, vẫn không bị tiêu hoại; họ sanh ra ngay tại nơi ấy, lớn lên ngay tại nơi ấy, chết đi ngay tại nơi ấy. Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Cho đến khi nào nghiệp ác ấy còn chưa được diệt tận thì chúng sanh địa ngục ấy vẫn không chết.’”

“Xin ngài cho thêm ví dụ.”

“Tâu đại vương, đại vương nghĩ gì về điều này? Các loài như sư tử cái, cọp cái, beo cái, chó cái, phải chăng chúng cũng ăn các khúc xương và các miếng thịt cứng rắn?”

“Thưa ngài, đúng vậy. Chúng ăn.”  

“Vậy có phải các thứ này khi đã đi vào bên trong bao tử ở bụng của chúng thì bị tiêu hoại?”

“Thưa ngài, đúng vậy. Chúng bị tiêu hoại.”

“Vậy còn bào thai ở trong bụng của các loài thú cái ấy cũng bị tiêu hoại?”

“Thưa ngài, không đúng.”

“Vì lý do gì?”

“Thưa ngài, trẫm nghĩ do tác động của nghiệp khiến chúng không bị tiêu hoại.”

“Tâu đại vương, tương tợ y như thế do tác động của nghiệp khiến chúng sanh ở địa ngục trong khi bị nung nấu ở địa ngục thậm chí trong nhiều ngàn năm, vẫn không bị tiêu hoại.”

“Xin ngài cho thêm ví dụ.”

“Tâu đại vương, đại vương nghĩ gì về điều này? Các phụ nữ như các cô mảnh mai xứ Yona, các cô mảnh mai dòng Sát-đế-lỵ, các cô mảnh mai dòng Bà-la-môn, các cô gia chủ mảnh mai, phải chăng họ cũng ăn các vật nhai và các miếng thịt cứng rắn?”

“Thưa ngài, đúng vậy. Họ ăn.”

“Vậy có phải các thứ này khi đã đi vào bên trong bao tử ở bụng của họ thì bị tiêu hoại?”

“Thưa ngài, đúng vậy. Chúng bị tiêu hoại.”

“Vậy còn bào thai ở trong bụng của những phụ nữ ấy cũng bị tiêu hoại?”

“Thưa ngài, không đúng.”

“Vì lý do gì?”

“Thưa ngài, trẫm nghĩ do tác động của nghiệp khiến chúng không bị tiêu hoại.”

“Tâu đại vương, tương tợ y như thế do tác động của nghiệp khiến chúng sanh ở địa ngục trong khi bị nung nấu ở địa ngục thậm chí trong nhiều ngàn năm, vẫn không bị tiêu hoại; họ sanh ra ngay tại nơi ấy, lớn lên ngay tại nơi ấy, chết đi ngay tại nơi ấy. Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Cho đến khi nào nghiệp ác ấy còn chưa được diệt tận thì chúng sanh địa ngục ấy vẫn không chết.’”

“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”

Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, ngài nói rằng: ‘Đại địa cầu này được tồn tại ở nước, nước được tồn tại ở gió, gió được tồn tại ở hư không.’ Trẫm cũng không tin lời nói này.”

Vị trưởng lão đã lấy nước bằng bình đựng nước rồi giúp cho đức vua Milinda hiểu được rằng: “Tâu đại vương, nước này được nâng đỡ bởi gió như thế nào thì nước kia cũng được nâng đỡ bởi gió như thế ấy.”

“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”

Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, có phải sự diệt tận là Niết Bàn?

“Tâu đại vương, đúng vậy. Sự diệt tận là Niết Bàn.”

“Thưa ngài Nāgasena, sự diệt tận là Niết Bàn nghĩa là thế nào?”

“Tâu đại vương, quả là tất cả những kẻ phàm phu ngu dốt thích thú tán thưởng, bám víu vào các nội và ngoại xứ. Chúng thả trôi theo dòng chảy ấy, không hoàn toàn thoát khỏi sự sanh, sự già, sự chết, các sự sầu bi khổ ưu não, tôi nói rằng chúng không hoàn toàn thoát khỏi khổ. Tâu đại vương, còn vị Thánh đệ tử, có sự học hỏi, không thích thú không tán thưởng, không bám víu vào các nội và ngoại xứ. Trong khi vị ấy không thích thú không tán thưởng, không bám víu vào các nội và ngoại xứ, ái bị diệt tận; do sự diệt tận của ái, có sự diệt tận của thủ; do sự diệt tận của thủ, có sự diệt tận của hữu; do sự diệt tận của hữu, có sự diệt tận của sanh; do sự diệt tận của sanh, già chết sầu bi khổ ưu não bị diệt tận. Như thế là sự diệt tận của toàn bộ khổ uẩn này. Tâu đại vương, sự diệt tận là Niết Bàn nghĩa là như vậy.”

“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”

Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, có phải tất cả đều đạt được Niết Bàn?

“Tâu đại vương, không phải tất cả đều đạt được Niết Bàn. Tâu đại vương, người nào thực hành chân chánh biết rõ các pháp cần được biết rõ, biết toàn diện các pháp cần được biết toàn diện, dứt bỏ các pháp cần được dứt bỏ, tu tập các pháp cần được tu tập, chứng ngộ các pháp cần được chứng ngộ, người ấy đạt được Niết Bàn.”

“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”

Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, người nào chưa đạt được Niết Bàn, có phải người ấy biết được Niết Bàn là an lạc?

“Tâu đại vương, đúng vậy. Người nào chưa đạt được Niết Bàn, người ấy vẫn biết được Niết Bàn là an lạc.”

“Thưa ngài Nāgasena, trong khi không đạt được Niết Bàn làm thế nào lại biết được Niết Bàn là an lạc?”

“Tâu đại vương, đại vương nghĩ gì về điều này? Đối với những người có tay chân không bị chặt đứt, tâu đại vương, có phải họ có thể biết được sự chặt đứt tay chân là đau đớn.”

“Thưa ngài, đúng vậy.”

“Làm thế nào họ có thể biết được?”

“Thưa ngài, sau khi lắng nghe tiếng rên rỉ của những người khác có tay chân bị chặt đứt, họ biết được sự chặt đứt tay chân là đau đớn.”

“Tâu đại vương, tương tợ y như thế sau khi lắng nghe những người đã thấy được Niết Bàn mà biết được Niết Bàn là an lạc.”

“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”

Phẩm Niết Bàn là thứ tư.

*****



Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada