Đức vua Milinda đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, người đi tái sanh thì cũng chính là người ấy, hay là người khác?

Vị trưởng lão đã nói rằng: “Không phải là người ấy, mà cũng không phải là người khác.”

“Xin ngài cho ví dụ.”

“Tâu đại vương, đại vương nghĩ gì về điều này? Khi đại vương còn nhỏ, trẻ thơ, bé bỏng, nằm ngửa, có phải chính đứa bé ấy là đại vương hiện nay đã được trưởng thành?”

“Thưa ngài, không phải. Đứa nhỏ, trẻ thơ, bé bỏng, nằm ngửa ấy là khác, trẫm hiện nay trưởng thành là khác.”

“Tâu đại vương, trong khi là như vậy thì cũng sẽ không có người gọi là ‘mẹ,’ cũng sẽ không có người gọi là ‘cha,’ cũng sẽ không có người gọi là ‘thầy,’ cũng sẽ không có người gọi là ‘nghệ nhân,’ cũng sẽ không có người gọi là ‘bậc giới đức,’ cũng sẽ không có người gọi là ‘bậc trí.’ Tâu đại vương, phải chăng người mẹ của bào thai mới tượng là khác, người mẹ của bào thai thời kỳ thứ hai là khác, người mẹ của bào thai thời kỳ thứ ba là khác, người mẹ của bào thai thời kỳ thứ tư là khác, người mẹ của người con lúc bé là khác, người mẹ của người con trưởng thành là khác, người học nghề là người khác, người thạo nghề là người khác, người làm việc ác là người khác, người có tay chân bị chặt là người khác?”

“Thưa ngài, không phải. Thưa ngài, nếu được nói như vậy thì ngài có thể đáp lại điều gì?”

Vị trưởng lão đã nói rằng: “Tâu đại vương, chính tôi đã là đứa nhỏ, trẻ thơ, bé bỏng, nằm ngửa, chính tôi hiện nay đã được trưởng thành, tất cả các sự việc ấy được tổng hợp chung lại nương vào chính thân xác này.”

“Xin ngài cho ví dụ.”

“Tâu đại vương, giống như một người nào đó thắp sáng ngọn đèn, có phải ngọn đèn có thể chiếu sáng trọn đêm?”

“Thưa ngài, đúng vậy. Nó có thể chiếu sáng trọn đêm.”

“Tâu đại vương, vậy có phải ngọn lửa ở canh đầu là ngọn lửa ở canh giữa?”

“Thưa ngài, không phải.”

“Tâu đại vương, vậy có phải cây đèn ấy ở canh đầu là khác, cây đèn ở canh giữa là khác, cây đèn ở canh cuối là khác?”

“Thưa ngài, không phải. Nó được chiếu sáng trọn đêm nương vào chính cây đèn ấy.”

 “Tâu đại vương, tương tợ y như thế sự diễn tiến của pháp được liên kết lại. Sanh lên là cái khác, hoại diệt là cái khác, được liên kết như là không trước không sau. Vì thế, không phải là người ấy, mà cũng không phải là người khác, tâm thức trước đi đến sự kết hợp với tâm thức sau.”

“Xin ngài cho ví dụ.”

“Tâu đại vương, giống như sữa tươi được vắt ra sau một thời gian thì trở thành sữa chua, từ sữa chua trở thành sữa đông, từ sữa đông trở thành sữa trong. Tâu đại vương, vậy thì người nào nói như vầy: ‘Vật nào là sữa tươi chính vật ấy là sữa chua, chính vật ấy là sữa đông, chính vật ấy là sữa trong;’ tâu đại vương, trong khi nói như thế có phải là người ấy nói đúng?”

 “Thưa ngài, không đúng. Vật được tạo thành là nương vào chính sữa tươi ấy.”

“Tâu đại vương, tương tợ y như thế sự diễn tiến của pháp được liên kết lại. Sanh lên là cái khác, hoại diệt là cái khác, được liên kết như là không trước không sau. Vì thế, không phải là người ấy, mà cũng không phải là người khác, tâm thức trước đi đến sự kết hợp với tâm thức sau.”

“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”

Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, người nào không tái sanh, có phải người ấy biết rằng: ‘Ta sẽ không tái sanh’?”

“Tâu đại vương, đúng vậy. Người nào không tái sanh, người ấy biết rằng: ‘Ta sẽ không tái sanh.’”

“Thưa ngài, làm sao biết?”

“Tâu đại vương, nhân nào duyên nào đưa đến việc tái sanh, do sự chấm dứt của nhân ấy duyên ấy nên người ấy biết rằng: ‘Ta sẽ không tái sanh.’”

“Xin ngài cho ví dụ.”

“Tâu đại vương, giống như người nông dân gia chủ, sau khi cày đất và gieo hạt, có thể làm đầy kho lúa; người ấy vào lúc khác không cày đất không gieo hạt, rồi thọ dụng thóc lúa đã được tích trữ hoặc phân phát hoặc sử dụng tùy duyên, tâu đại vương, có phải người nông dân gia chủ ấy biết rằng: ‘Ta sẽ không làm đầy kho lúa’?”

“Thưa ngài, đúng vậy. Có thể biết được.”

“Làm sao biết được?”

“Nhân nào duyên nào đưa đến việc làm đầy kho lúa, do sự chấm dứt của nhân ấy duyên ấy nên người ấy biết rằng: ‘Ta sẽ không làm đầy kho lúa của ta.’”

“Tâu đại vương, tương tợ y như thế nhân nào duyên nào đưa đến việc tái sanh, do sự chấm dứt của nhân ấy duyên ấy nên người ấy biết rằng: ‘Ta sẽ không tái sanh.’”

“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”

Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, trí sanh lên cho người nào, thì tuệ sanh lên cho người ấy phải không?”

“Tâu đại vương, đúng vậy. Trí sanh lên cho người nào, thì tuệ sanh lên cho người ấy.”

“Thưa ngài, có phải cái nào là trí thì chính cái ấy là tuệ?”

“Tâu đại vương, đúng vậy. Cái nào là trí thì chính cái ấy là tuệ.”

“Thưa ngài, chính trí ấy chính tuệ ấy được sanh lên cho người nào, có phải người ấy còn mê mờ, hay không còn mê mờ?”

“Tâu đại vương, còn mê mờ về lãnh vực nào đó, không còn mê mờ về lãnh vực nào đó.”

“Thưa ngài, còn mê mờ về lãnh vực gì, không còn mê mờ về lãnh vực gì?”

“Tâu đại vương, còn mê mờ về những lãnh vực nghề nghiệp chưa được biết trước đây, hoặc về những địa phương chưa được đi đến trước đây, hoặc về những tên gọi và điều quy định chưa được nghe trước đây.”

“Không còn mê mờ về lãnh vực gì?”

“Tâu đại vương, điều nào đã được xử lý bởi tuệ ấy tức là ‘vô thường’ hoặc là ‘khổ não’ hoặc là ‘vô ngã,’ thì không còn mê mờ về lãnh vực ấy.”

“Thưa ngài, vậy thì sự si mê của người này đi đâu?”

“Tâu đại vương, vào lúc trí được sanh lên, thì si mê diệt mất ngay tại chỗ ấy.”

“Xin ngài cho ví dụ.”

“Tâu đại vương, giống như người nào đó mang cây đèn vào căn nhà tối tăm, do đó bóng tối diệt mất, ánh sáng hiện ra; tâu đại vương, tương tợ y như thế vào lúc trí được sanh lên, thì si mê diệt mất ngay tại chỗ ấy.”

“Thưa ngài, vậy thì tuệ đi đâu?”

“Tâu đại vương, tuệ sau khi làm xong phận sự của nó thì diệt mất ngay tại chỗ ấy. Tuy nhiên, điều đã được xử lý bởi tuệ ấy tức là ‘vô thường’ hoặc là ‘khổ não’ hoặc là ‘vô ngã’ thì không diệt mất.”

“Thưa ngài Nāgasena, điều mà ngài đã nói là: ‘Tuệ sau khi làm xong phận sự của nó thì diệt mất ngay tại chỗ ấy,’ và ‘điều đã được xử lý bởi tuệ ấy tức là ‘vô thường’ hoặc là ‘khổ não’ hoặc là ‘vô ngã’ thì không diệt mất,’ xin ngài cho ví dụ về điều ấy.”

“Tâu đại vương, giống như người nào đó có ý định gởi đi bức thơ vào ban đêm, có thể cho gọi người thơ ký đến, bảo đem lại cây đèn rồi bảo viết bức thơ. Khi bức thơ đã được viết xong thì có thể cho làm tắt cây đèn, mặc dầu cây đèn đã được làm tắt, bức thơ vẫn không biến mất; tâu đại vương, tương tợ y như thế tuệ sau khi làm xong phận sự của nó thì diệt mất ngay tại chỗ ấy, và điều đã được xử lý bởi tuệ ấy tức là ‘vô thường’ hoặc là ‘khổ não’ hoặc là ‘vô ngã’ thì không diệt mất.”

“Xin ngài cho thêm ví dụ.”

“Tâu đại vương, giống như ở các xứ sở ở phương Đông, người ta để năm chum nước dọc theo từng nhà một để dập tắt hỏa hoạn. Khi căn nhà bị bốc cháy thì ném năm chum nước ấy ở phía bên trên căn nhà, do đó ngọn lửa được dập tắt. Tâu đại vương, có phải những người ấy sẽ khởi ý rằng: ‘Chúng ta sẽ làm công việc dập tắt lửa với năm chum nước ấy lần nữa?’”

“Thưa ngài, không phải. Đã xong rồi với năm chum nước ấy. Còn việc gì với năm chum nước ấy?”  

“Tâu đại vương, năm chum nước là như thế nào thì ngũ quyền gồm có tín quyền, tấn quyền, niệm quyền, định quyền, tuệ quyền nên được xem xét như vậy. Những người ấy là như thế nào thì hành giả nên được xem xét như vậy. Ngọn lửa là như thế nào thì các phiền não nên được xem xét như vậy. Ngọn lửa được dập tắt bởi năm chum nước như thế nào thì các phiền não được dập tắt bởi năm quyền là như vậy. Các phiền não đã được dập tắt thì không xuất hiện lại nữa. Tâu đại vương, tương tợ y như thế tuệ sau khi làm xong phận sự của nó thì diệt mất ngay tại chỗ ấy, và điều đã được xử lý bởi tuệ ấy tức là ‘vô thường’ hoặc là ‘khổ não’ hoặc là ‘vô ngã’ thì không diệt mất.”

“Xin ngài cho thêm ví dụ.”

“Tâu đại vương, giống như người thầy thuốc lấy năm loại thuốc rễ cây đi đến gặp người bệnh. Sau khi nghiền nát năm loại thuốc rễ cây ấy rồi cho người bệnh uống để loại trừ các sự khó chịu nhờ vào năm loại thuốc rễ cây ấy. Tâu đại vương, có phải người thầy thuốc ấy sẽ khởi ý rằng: ‘Ta sẽ làm công việc chữa trị với năm loại thuốc rễ cây ấy lần nữa?’”

“Thưa ngài, không phải. Đã xong rồi với các loại thuốc rễ cây ấy. Còn việc gì với các loại thuốc rễ cây ấy?”

“Tâu đại vương, năm loại thuốc rễ cây là như thế nào thì ngũ quyền gồm có tín quyền, tấn quyền, niệm quyền, định quyền, tuệ quyền nên được xem xét như vậy. Người thầy thuốc là như thế nào thì hành giả nên được xem xét như vậy. Căn bệnh là như thế nào thì các phiền não nên được xem xét như vậy. Người bị bệnh là như thế nào thì phàm nhân nên được xem xét như vậy. Khi sự khó chịu của căn bệnh được loại trừ nhờ vào năm loại thuốc rễ cây rồi người bệnh được hết bệnh như thế nào thì các phiền não được loại trừ nhờ vào năm quyền là như vậy, và các phiền não đã được loại trừ thì không xuất hiện lại nữa. Tâu đại vương, tương tợ y như thế tuệ sau khi làm xong phận sự của nó thì diệt mất ngay tại chỗ ấy, và điều đã được xử lý bởi tuệ ấy tức là ‘vô thường’ hoặc là ‘khổ não’ hoặc là ‘vô ngã’ thì không diệt mất.”

“Xin ngài cho thêm ví dụ.”

“Tâu đại vương, giống như người chiến sĩ tham gia chiến trận cầm lấy năm mũi tên lao vào chiến trận để đánh bại đội quân địch, vị ấy có thể phóng năm mũi tên ấy ở chiến trận và nhờ chúng đội quân địch bị phá tan; tâu đại vương, có phải người chiến sĩ tham gia chiến trận ấy sẽ khởi ý rằng: ‘Ta sẽ làm công việc bắn tên với năm mũi tên ấy lần nữa?’”

“Thưa ngài, không phải. Đã xong rồi với năm mũi tên ấy; còn việc gì với năm mũi tên ấy?”

“Tâu đại vương, năm mũi tên là như thế nào thì ngũ quyền gồm có tín quyền, tấn quyền, niệm quyền, định quyền, tuệ quyền nên được xem xét như vậy. Người chiến sĩ tham gia chiến trận là như thế nào thì hành giả nên được xem xét như vậy. Đội quân địch là như thế nào thì các phiền não nên được xem xét như vậy. Đội quân địch bị phá tan bởi năm mũi tên như thế nào thì các phiền não bị phá tan bởi năm quyền là như vậy, và các phiền não đã bị phá tan thì không xuất hiện lại nữa. Tâu đại vương, tương tợ y như thế tuệ sau khi làm xong phận sự của nó thì diệt mất ngay tại chỗ ấy, và điều đã được xử lý bởi tuệ ấy tức là ‘vô thường’ hoặc là ‘khổ não’ hoặc là ‘vô ngã’ thì không diệt mất.”

“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”

Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, người nào không tái sanh, người ấy còn nhận biết thọ khổ nào đó phải không?”

Vị trưởng lão đã nói rằng: “Còn nhận biết thọ nào đó, không nhận biết thọ nào đó.”

“Nhận biết thọ gì, không nhận biết thọ gì?”

“Tâu đại vương, nhận biết thọ thuộc về thân, không nhận biết thọ thuộc về tâm.”

“Thưa ngài, nhận biết thọ thuộc về thân là thế nào, nhận biết thọ thuộc về tâm là thế nào?”

“Nhân nào duyên nào đưa đến việc sanh lên thọ khổ thuộc về thân, do sự chưa chấm dứt của nhân ấy duyên ấy nên người ấy nhận biết thọ khổ thuộc về thân. Nhân nào duyên nào đưa đến việc sanh lên thọ khổ thuộc về tâm, do sự chấm dứt của nhân ấy duyên ấy nên người ấy không nhận biết thọ khổ thuộc về tâm. Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Người ấy nhận biết một thọ, thuộc về thân không thuộc về tâm.’”

“Thưa ngài Nāgasena, người ấy nhận biết thọ khổ thuộc về thân, tại sao người ấy không viên tịch Niết Bàn?”

“Tâu đại vương, đối với A-la-hán không có sự bám níu hay sự ghét bỏ. Và các vị A-la-hán không hủy diệt điều chưa chín tới. Các bậc trí chờ đợi sự chín muồi. Tâu đại vương, điều này cũng đã được trưởng lão Sāriputta, vị Tướng Quân Chánh Pháp, nói đến:

Tôi không vui thích sự chết, tôi không vui thích sự sống, và tôi trông chờ thời điểm, giống như người làm công trông chờ tiền lương.

Tôi không vui thích sự chết, tôi không vui thích sự sống, và tôi trông chờ thời điểm, tỉnh giác, có niệm.’”

“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”

Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, các thọ lạc là thiện, hay là bất thiện, hay là không xác định?”

“Tâu đại vương, có thể là thiện, có thể là bất thiện, có thể là không xác định.”

“Thưa ngài, nếu là thiện thì không khổ, nếu là khổ thì không phải là thiện, ‘vừa là thiện vừa là khổ’ không xảy ra.”

“Tâu đại vương, đại vương nghĩ gì về điều này? Trường hợp đặt xuống khối sắt được nung đỏ ở bàn tay của người đàn ông, ở bàn tay thứ nhì đặt xuống cục tuyết lạnh, tâu đại vương, phải chăng cả hai vật ấy đều có thể gây bỏng?”

“Thưa ngài, đúng vậy. Cả hai vật ấy đều có thể gây bỏng.”

“Tâu đại vương, có phải cả hai vật ấy đều nóng?”

“Thưa ngài, không phải.”

“Tâu đại vương, có phải cả hai vật ấy đều lạnh?”

“Thưa ngài, không phải.”  

“Đại vương hãy nhận biết lời bắt bẻ. Nếu vật được nung đỏ gây bỏng, tuy nhiên không phải cả hai vật ấy đều là nóng, vì thế không xảy ra. Nếu vật lạnh gây bỏng, tuy nhiên không phải cả hai vật ấy đều là lạnh, vì thế không xảy ra. Tâu đại vương, vậy thì tại sao cả hai vật ấy đều gây bỏng? Không phải cả hai vật ấy đều là nóng, không phải cả hai vật ấy đều là lạnh, mà là một nóng, một lạnh. Vậy mà cả hai vật ấy đều gây bỏng, vì thế không xảy ra.”

“Thưa ngài, trẫm không có khả năng để trò chuyện với nhà diễn thuyết như ngài. Thưa ngài, lành thay xin ngài nói về ý nghĩa.”

Do đó, vị trưởng lão đã giúp cho đức vua Milinda hiểu được bằng sự thuyết giảng liên quan đến Vi Diệu Pháp: “Tâu đại vương, đây là sáu hỷ tâm liên quan thế tục, sáu hỷ tâm liên quan xuất ly, sáu sân tâm liên quan thế tục, sáu sân tâm liên quan xuất ly, sáu xả liên quan thế tục, sáu xả liên quan xuất ly; đây là sáu nhóm sáu. Hơn nữa, ba mươi sáu thọ thuộc quá khứ, ba mươi sáu thọ thuộc vị lai, ba mươi sáu thọ thuộc hiện tại, sau khi gom lại đặt chung lại với nhau thì có một trăm lẻ tám thọ.”

“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”

Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, ai đi tái sanh?”

Vị trưởng lão đã nói rằng: “Tâu đại vương, danh sắc đi tái sanh.”

“Có phải chính danh sắc này đi tái sanh?”

“Tâu đại vương, không phải chính danh sắc này đi tái sanh. Tâu đại vương, tuy nhiên con người tạo nghiệp thiện hoặc ác với danh sắc này, do nghiệp ấy mà danh sắc khác đi tái sanh.”

“Thưa ngài Nāgasena, nếu không phải chính danh sắc này đi tái sanh, không lẽ người ấy sẽ được thoát khỏi các nghiệp ác?”

Vị trưởng lão đã nói rằng: “Nếu không đi tái sanh thì có thể thoát khỏi các nghiệp ác. Tâu đại vương, và chính vì đi tái sanh mà không được thoát khỏi các nghiệp ác.”

“Xin ngài cho ví dụ.”

“Tâu đại vương, giống như người nào đó lấy trộm trái xoài của người nào khác, người chủ trái xoài bắt lấy chính người ấy rồi đem trình diện đức vua: ‘Tâu bệ hạ, các trái xoài của thần bị người này lấy trộm.’ Người ấy nói như vầy: ‘Tâu bệ hạ, thần không lấy trộm các trái xoài của người này. Các trái xoài đã được người này trồng là các trái khác, các trái xoài đã bị thần lấy trộm là các trái khác. Thần không đáng bị hình phạt.’ Tâu đại vương, phải chăng người ấy đáng bị hành phạt?”

“Thưa ngài, đúng vậy. Đáng bị hành phạt.”

“Vì lý do gì?”

“Thưa ngài, cho dầu người ấy có thể nói như thế, người ấy có thể chối bỏ trái xoài trước, vẫn đáng bị hành phạt với trái xoài sau.”

“Tâu đại vương, tương tợ y như thế con người tạo nghiệp thiện hoặc ác với danh sắc này, do nghiệp ấy mà danh sắc khác đi tái sanh, do đó không được thoát khỏi các nghiệp ác.”

“Xin ngài cho thêm ví dụ.”  

“Tâu đại vương, giống như người nào đó lấy trộm lúa sāli —(như trên)— lấy trộm mía của người nào khác, —(như trên)— Tâu đại vương, giống như người nào đó vào mùa đông đốt ngọn lửa, sau khi sưởi ấm đã không dập tắt rồi ra đi. Sau đó, ngọn lửa ấy đốt cháy ruộng lúa của người khác. Người chủ ruộng bắt lấy chính người ấy rồi đem trình diện đức vua: ‘Tâu bệ hạ, ruộng của thần bị người này đốt cháy.’ Người ấy nói như vầy: ‘Tâu bệ hạ, thần không đốt cháy ruộng của người này. Ngọn lửa thần quên dập tắt ấy là khác, ngọn lửa đốt cháy ruộng của người này là khác. Thần không đáng bị hình phạt.’ Tâu đại vương, phải chăng người ấy đáng bị hành phạt?”

“Thưa ngài, đúng vậy. Đáng bị hành phạt.”

“Vì lý do gì?”

“Thưa ngài, cho dầu người ấy có thể nói như thế, người ấy có thể chối bỏ ngọn lửa trước, vẫn đáng bị hành phạt với ngọn lửa sau.”

“Tâu đại vương, tương tợ y như thế con người tạo nghiệp thiện hoặc ác với danh sắc này, do nghiệp ấy mà danh sắc khác đi tái sanh, do đó không được thoát khỏi các nghiệp ác.”

“Xin ngài cho thêm ví dụ.”

“Tâu đại vương, giống như người nào đó cầm lấy cây đèn rồi leo lên căn gác và sử dụng nó. Cây đèn trong khi được đốt cháy có thể đốt cháy cỏ, cỏ trong khi được đốt cháy có thể đốt cháy căn nhà, căn nhà trong khi được đốt cháy có thể đốt cháy ngôi làng, dân làng bắt lấy chính người ấy rồi nói như vầy: ‘Này ông, tại sao ông đốt cháy ngôi làng?’ Người ấy nói như vầy: ‘Này các ông, tôi không đốt cháy ngôi làng. Ngọn lửa của cây đèn mà tôi đã sử dụng ánh sáng là khác, ngọn lửa đã đốt cháy ngôi làng là khác.’ Trong khi tranh cãi, họ đã đi đến gặp bệ hạ. Tâu đại vương, đại vương có thể chấp nhận lời giải thích của ai?”

“Thưa ngài, của dân làng.”

“Vì lý do gì?”

“Thưa ngài, cho dầu người ấy có thể nói như thế, tuy nhiên ngọn lửa ấy đã phát khởi chính từ đó.”

“Tâu đại vương, tương tợ y như thế cho dầu danh sắc cận tử là khác, danh sắc trong sự đi tái sanh là khác, tuy nhiên danh sắc ấy đã phát khởi chính từ đó. Vì thế không được thoát khỏi các nghiệp ác.”

“Xin ngài cho thêm ví dụ.”

“Tâu đại vương, giống như người nào đó hỏi cưới cô con gái còn nhỏ, sau khi dâng vật đính hôn rồi ra đi. Cô gái ấy sau này trưởng thành đến tuổi thành hôn. Sau đó có người đàn ông khác dâng vật đính hôn rồi cử hành đám cưới. Người kia trở lại và nói như vầy: ‘Này ông, vì sao ông dẫn đi người vợ của tôi?’ Người ấy nói như vầy: ‘Này ông, tôi không dẫn đi người vợ của ông. Cô con gái còn nhỏ trẻ tuổi đã được ông hỏi cưới và dâng vật đính hôn là cô khác, cô con gái trưởng thành đến tuổi thành hôn được tôi hỏi cưới và dâng vật đính hôn là cô khác.’ Trong khi tranh cãi, họ đã đi đến gặp bệ hạ. Tâu đại vương, đại vương có thể chấp nhận lời giải thích của ai?”  

“Thưa ngài, của người trước.”

“Vì lý do gì?”

“Thưa ngài, cho dầu người ấy có thể nói như thế, tuy nhiên cô gái ấy trưởng thành phát khởi chính từ đó.”

“Tâu đại vương, tương tợ y như thế cho dầu danh sắc cận tử là khác, danh sắc trong sự đi tái sanh là khác, tuy nhiên danh sắc ấy đã phát khởi chính từ đó. Vì thế không được thoát khỏi các nghiệp ác.”

“Xin ngài cho thêm ví dụ.”

“Tâu đại vương, giống như người nào đó mua lọ sữa tươi từ tay của người chăn bò, sau khi để lại ở tay của chính người ấy rồi ra đi (nói rằng): ‘Ngày mai, tôi sẽ nhận lấy rồi khởi hành.’ Ngày hôm sau, sữa tươi ấy có thể trở thành sữa chua. Người kia đi đến và nói như vầy: ‘Hãy trao cho tôi lọ sữa tươi.’ Người chăn bò trao sữa chua. Người kia nói như vầy; ‘Tôi không mua sữa chua từ tay của ông. Hãy trao cho tôi lọ sữa tươi.’ Người ấy nói như vầy: ‘Bộ ông không biết sữa tươi của ông đã trở thành sữa chua?’ Trong khi tranh cãi, họ đã đi đến gặp bệ hạ. Tâu đại vương, đại vương có thể chấp nhận lời giải thích của ai?”

“Thưa ngài, của người chăn bò.”

“Vì lý do gì?”

“Thưa ngài, cho dầu người ấy có thể nói như thế, tuy nhiên sữa chua ấy phát khởi chính từ đó.”

“Tâu đại vương, tương tợ y như thế cho dầu danh sắc cận tử là khác, danh sắc trong sự đi tái sanh là khác, tuy nhiên danh sắc ấy đã phát khởi chính từ đó. Vì thế không được hoàn toàn thoát khỏi các nghiệp ác.”

“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”

Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, có phải ngài sẽ không đi tái sanh?”

“Tâu đại vương, thôi đi. Điều gì với việc hỏi điều ấy? Không phải tôi đã nói trước đây là: ‘Tâu đại vương, nếu tôi còn chấp thủ tôi sẽ tái sanh. Nếu tôi không còn chấp thủ thì tôi sẽ không đi tái sanh’?”

“Xin ngài cho ví dụ.”

“Tâu đại vương, giống như người nào đó làm việc phục vụ cao quý đến đức vua, đức vua hoan hỷ ban cho phần thưởng. Với phần thưởng ấy, người ấy đạt được, có được, hưởng được năm phần dục lạc. Nếu người ấy tuyên bố với mọi người rằng: ‘Đức vua không đền đáp cho tôi.’ Tâu đại vương, phải chăng người ấy có sự hành xử đúng đắn?”

“Thưa ngài, không phải.”

“Tâu đại vương, tương tợ y như thế điều gì cho đại vương với việc hỏi điều này? Không phải tôi đã nói trước đây là: ‘Tâu đại vương, nếu tôi còn chấp thủ tôi sẽ tái sanh. Nếu tôi không còn chấp thủ thì tôi sẽ không đi tái sanh’?”

“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”

Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, điều mà ngài đã nói là ‘danh sắc,’ ở nơi ấy cái gì là danh, cái gì là sắc?

“Tâu đại vương, ở nơi ấy cái nào thô thiển cái ấy là sắc. Ở nơi ấy những pháp nào vi tế, là tâm và sở hữu tâm, cái ấy là danh.”

“Thưa ngài Nāgasena, vì lý do gì không chỉ riêng danh đi tái sanh, hoặc không chỉ riêng sắc (đi tái sanh)?”

“Tâu đại vương, các pháp này nương tựa lẫn nhau, sanh lên chung với nhau.”

“Xin ngài cho ví dụ.”

“Tâu đại vương, giống như không có mầm trứng ở con gà mái thì cũng không có quả trứng. Và trong trường hợp ấy, cái nào là mầm trứng, và cái nào là quả trứng, cả hai vật này nương tựa lẫn nhau, chúng có sự sanh lên chung với nhau. Tâu đại vương, tương tợ y như thế ở nơi ấy nếu không có danh thì cũng không có sắc. Ở nơi ấy cái nào là danh, cái nào là sắc, cả hai cái này cũng nương tựa lẫn nhau, chúng có sự sanh lên chung với nhau. Như vậy hành trình[2]diệu vợi này được tạo nên.”

“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”

Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, điều mà ngài đã nói là ‘hành trình diệu vợi,’ hành trình này gọi là gì?

“Tâu đại vương, quá khứ là hành trình, vị lai là hành trình, hiện tại là hành trình.”

“Thưa ngài, phải chăng hành trình là hiện hữu?”

“Tâu đại vương, cũng có loại hành trình là hiện hữu, cũng có loại hành trình là không hiện hữu.”

“Thưa ngài, loại nào là hiện hữu, loại nào là không hiện hữu?”

“Tâu đại vương, các hành quá khứ, đã qua khỏi, bị hoại diệt, bị biến đổi, loại hành trình ấy không hiện hữu. Các pháp tạo quả và các pháp có nhân tạo quả, chúng ban cho sự đi tái sanh ở nơi khác, loại hành trình ấy là hiện hữu. Các chúng sanh chết đi rồi sanh lên ở nơi khác, loại hành trình ấy là hiện hữu. Các chúng sanh chết đi rồi không sanh lên ở nơi khác, loại hành trình ấy là không hiện hữu. Và các chúng sanh nào viên tịch Niết Bàn, loại hành trình ấy là không hiện hữu, là sự viên tịch Niết Bàn.”

“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”

Phẩm Hành Trình là thứ nhì.

(Trong phẩm này có chín câu hỏi)

*****



Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada