1.“Thưa ngài Nāgasena, có phải Niết Bàn là thuần lạc, hay bị xen lẫn khổ?”
“Tâu đại vương, Niết Bàn là thuần lạc, không bị xen lẫn khổ.”
“Thưa ngài, chúng tôi không tin lời nói ấy: ‘Niết Bàn là thuần lạc.’ Thưa ngài Nāgasena, trong trường hợp này chúng tôi đối lập lại như vầy: ‘Niết Bàn bị xen lẫn khổ.’ Và chúng tôi chấp nhận lý do ở đây rằng: ‘Niết Bàn bị xen lẫn khổ.’ Lý do ở đây là điều nào?
Thưa ngài Nāgasena, đối với những người tầm cầu Niết Bàn thì sự khổ hạnh, sự hành xác của thân và của tâm được nhìn thấy, sự thận trọng trong việc đứng đi ngồi nằm và thức ăn, sự chống chọi lại cơn buồn ngủ, sự chế ngự đối với các đối tượng của giác quan, sự dứt bỏ tài sản, lúa gạo, thân quyến, và bạn bè yêu quý. Những người nào ở thế gian được lạc thú, được cung phụng lạc thú, những người ấy, thậm chí tất cả, làm cho các giác quan được thích thú, được quen thuộc với năm loại dục; làm cho mắt được thích thú, được quen thuộc với sắc có biểu hiện tốt đẹp, nhiều loại, làm hài lòng, làm thích ý; làm cho tai được thích thú, được quen thuộc với thinh có biểu hiện tốt đẹp, nhiều loại, của tiếng ca tiếng đàn, làm hài lòng, làm thích ý; làm cho mũi được thích thú, được quen thuộc với hương có biểu hiện tốt đẹp, nhiều loại, của bông hoa, trái cây, lá cây, vỏ cây, rễ cây, lõi cây, làm hài lòng, làm thích ý; làm cho lưỡi được thích thú, được quen thuộc với vị có biểu hiện tốt đẹp, nhiều loại, của vật nhai, vật ăn, vật nhấm nháp, vật uống, vật nếm, làm hài lòng, làm thích ý; làm cho thân được thích thú, được quen thuộc với xúc có biểu hiện tốt đẹp, nhiều loại, trơn tru, mịn màng, mềm mại, êm dịu, làm hài lòng, làm thích ý; làm cho ý được thích thú, được quen thuộc với các suy nghĩ và chú tâm, nhiều loại, thiện và ác, đẹp và xấu, làm hài lòng, làm thích ý.
Còn ngài thì tiêu diệt, phá hoại, chặt đứt, bẻ gãy, ngăn chặn, ngưng lại việc làm cho quen thuộc ấy của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Vì thế, thân cũng bị bực bội, tâm cũng bị bực bội, khi thân bị bực bội thì cảm nhận thọ khổ thuộc thân, khi tâm bị bực bội thì cảm nhận thọ khổ thuộc tâm. Chẳng phải du sĩ ngoại đạo Māgandiya trong lúc chê trách đức Thế Tôn cũng đã nói như vầy: ‘Sa-môn Gotama có sự hành hạ chúng sinh.’ Ở đây, điều này là lý do mà với lý do ấy trẫm nói rằng: ‘Niết Bàn bị xen lẫn khổ.’”
2.“Tâu đại vương, Niết Bàn hẳn nhiên không bị xen lẫn khổ. Niết Bàn là thuần lạc. Tâu đại vương, còn điều mà ngài đã nói rằng: ‘Niết Bàn là khổ,’ khổ ấy không gọi là Niết Bàn. Tuy nhiên, điều đó là phần xảy ra trước của việc chứng ngộ Niết Bàn, điều ấy là sự tìm kiếm Niết Bàn. Tâu đại vương, Niết Bàn quả là thuần lạc, không bị xen lẫn khổ. Tôi sẽ nói về lý do của trường hợp ấy. Tâu đại vương, đối với các vị vua, có phải có lạc của vương quyền?”
“Thưa ngài, đúng vậy. Có lạc của vương quyền.”
“Tâu đại vương, phải chăng lạc của vương quyền ấy bị xen lẫn khổ?”
“Thưa ngài, không đúng.”
“Tâu đại vương, vậy thì tại sao khi biên thùy dấy loạn, nhằm việc ngăn chận những kẻ sống ở vùng biên thùy ấy, các vị vua ấy, được tùy tùng bởi các quan đại thần, tướng lãnh, nhân công, binh lính, ra đi viễn chinh, bị quấy nhiễu bởi ruồi muỗi gió nắng, chạy khắp ở mặt đất bằng phẳng và gồ ghề, rồi tiến hành trận chiến lớn, và có sự hoài nghi về mạng sống?”
“Thưa ngài Nāgasena, điều ấy không gọi là lạc của vương quyền. Điều đó là phần xảy ra trước của việc tầm cầu lạc của vương quyền. Thưa ngài Nāgasena, các vị vua, sau khi tầm cầu vương quyền một cách cực khổ, thì hưởng thụ lạc của vương quyền. Thưa ngài Nāgasena, lạc của vương quyền không bị xen lẫn khổ là như vậy; lạc của vương quyền ấy là cái khác, khổ là cái khác.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế Niết Bàn là thuần lạc, không bị xen lẫn khổ. Tuy nhiên, những người nào tầm cầu Niết Bàn thì họ khiến cho thân và tâm khốn khổ, thận trọng về việc đứng đi ngồi nằm và thức ăn, chống chọi lại cơn buồn ngủ, chế ngự đối với các đối tượng của giác quan, buông bỏ thân xác và mạng sống; sau khi tầm cầu Niết Bàn một cách cực khổ, thì hưởng thụ Niết Bàn, thuần lạc. Ngay khi các kẻ đối nghịch bị tiêu diệt, các vị vua hưởng thụ lạc của vương quyền. Tâu đại vương, Niết Bàn là thuần lạc, không bị xen lẫn khổ, là như vậy; Niết Bàn là cái khác, khổ là cái khác.
3.Tâu đại vương, hãy lắng nghe thêm lý do khác nữa: ‘Niết Bàn là thuần lạc, không bị xen lẫn khổ; Niết Bàn là cái khác, khổ là cái khác.’ Tâu đại vương, có cái gọi là lạc của nghề nghiệp đối với các vị thầy về nghề nghiệp?”
“Thưa ngài, đúng vậy. Có cái gọi là lạc của nghề nghiệp đối với các vị thầy về nghề nghiệp.”
“Tâu đại vương, phải chăng lạc của nghệ thuật ấy bị xen lẫn khổ?”
“Thưa ngài, không đúng.”
“Tâu đại vương, vậy thì tại sao đối với các vị thầy thì những người (học trò) ấy khiến cho thân khốn khổ với việc đảnh lễ, đứng dậy, mang nước lại, quét nhà, cung cấp gỗ chà răng, nước rửa mặt, với việc dọn dẹp rác rưởi, thoa bóp, tắm rửa, chăm sóc bàn chân, với việc hành xử thuận theo tâm của người khác sau khi buông tâm của mình, với việc ngủ một cách khổ cực, với thức ăn không đều đặn?”
“Thưa ngài Nāgasena, điều ấy không gọi là lạc của nghề nghiệp. Điều đó là phần xảy ra trước của việc tầm cầu nghề nghiệp. Thưa ngài Nāgasena, các vị thầy, sau khi tầm cầu nghề nghiệp một cách cực khổ, thì hưởng thụ lạc của nghề nghiệp. Thưa ngài Nāgasena, như vậy lạc của nghề nghiệp là cái khác, khổ là cái khác.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế Niết Bàn là thuần lạc, không bị xen lẫn khổ. Tuy nhiên, những người nào tầm cầu Niết Bàn thì họ khiến cho thân và mạng sống khốn khổ, thận trọng về việc đứng đi ngồi nằm và thức ăn, chống chọi lại cơn buồn ngủ, chế ngự đối với các đối tượng của giác quan, buông bỏ thân xác và mạng sống; sau khi tầm cầu Niết Bàn một cách cực khổ, thì hưởng thụ Niết Bàn, thuần lạc, tợ như các vị thầy hưởng thụ lạc của nghề nghiệp. Tâu đại vương, Niết Bàn là thuần lạc, không bị xen lẫn khổ, là như vậy; Niết Bàn là cái khác, khổ là cái khác.”
“Thưa ngài Nāgasena, tốt lắm! Trẫm chấp nhận điều này đúng theo như vậy.”
Câu hỏi về tính chất không bị xen lẫn khổ của Niết Bàn là thứ chín.
*****
Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada