Thưa ngài Nāgasena, tại sao mặt trời chiếu sáng thô tháo vào mùa lạnh, nhưng không như thế vào mùa nắng?

“Tâu đại vương, vào mùa nắng bụi bặm không bị tiêu hoại. Các bụi phấn, bị khuấy động bởi gió, đi vào không trung, thậm chí ở không trung mây là vô cùng dày đặc, và gió lớn thổi mạnh hơn. Tất cả các điều ấy với nhiều nguồn khác nhau, được tổng hợp lại, che chắn các tia sáng của mặt trời. Vì thế, vào mùa nắng mặt trời chiếu sáng yếu ớt.

Tâu đại vương, trái lại vào mùa lạnh, ở phía bên dưới, trái đất thì lạnh. Ở phía bên trên, đám mây lớn được lắng đọng lại, bụi bặm thì yên tịnh. Và bụi phấn di chuyển vô cùng êm ả ở không trung, bầu trời không có mây đen, và gió thổi vô cùng yếu ớt. Do sự lắng đọng của những việc này, các tia sáng của mặt trời là trong trẻo, khi mặt trời được thoát khỏi việc bị tổn hại, ánh sáng của nó chiếu sáng cực kỳ. Tâu đại vương, ở đây điều này là lý do mà với lý do ấy mặt mặt trời chiếu sáng thô tháo vào mùa lạnh, không như thế vào mùa nắng.”

“Thưa ngài, mặt trời, khi được thoát khỏi tất cả các tai ương thì chiếu sáng thô tháo, khi đồng hành cùng các đám mây, v.v... thì không chiếu sáng thô tháo.”

Câu hỏi về sự chiếu sáng của mặt trời là thứ mười.

Phẩm không chướng ngại là phẩm thứ nhì.

(Ở phẩm này có mười câu hỏi)

--ooOoo--

 

[1] Được thêm vào từ văn bản Pāli của Miến Điện và Anh quốc (ND).

[2] Được thêm vào từ văn bản Pāli của Miến Điện và Anh quốc (ND).

[3] Câu kệ này được thấy ở Theragāthāpāḷi - Trưởng Lão Kệ, do trưởng lão Abhibhūta nói lên (TTPV 31, trang 91, câu kệ 256).

[4] Đoạn này được thêm vào từ văn bản của Miến Điện và PTS của Anh quốc (ND).

[5] Tội cực nặng là từ dịch của từ pārājika ở văn bản Pāli. Tuy nhiên, tội pārājika chỉ dành riêng cho tỳ khưu (4 điều) và tỳ khưu ni (8 điều), không thấy được áp dụng cho người tại gia; vì thế không xác định được bao gồm những tội nào. Có 2 bản dịch tiếng Anh ghi là: tội giết mẹ, tội giết cha, tội giết A-la-hán, tội làm nhơ tỳ khưu ni, tội làm chảy máu (đức Phật), nhưng không xác quyết. Vì thế tạm dịch tội pārājika ở trường hợp này là tội cực nặng.

[6] Lẽ ra nên dịch là ‘người tại gia có giới hạnh tồi’ và ‘Sa-môn có giới hạnh tồi’ (ND).

[7] Hattha (cánh tay) là đơn vị đo chiều dài, bằng o,5 mét. Như vậy, là 50 mét và 100 mét.

[8] Ở tài liệu Saddhammasaṅgaha - Diệu Pháp Yếu Lược có lời giải thích chi tiết về chín thể loại này như sau: “Thế nào là có chín phần khi nói về Thể (aṅga)? Bởi vì toàn bộ gồm có chín hình thức khác biệt, đó là sutta, geyya, veyyākaraṇa, gāthā, udāna, itivuttaka, jātaka, abbhūtadhamma, vedalla. Trong trường hợp này, Ubhatovibhaṅga, Niddesa, Khandhaka, Parivāra, các bài kinh Maṅgalasutta, Ratanasutta, Nalakasutta, Tuvaṭakasutta trong Suttanipāta - Kinh Tập, và các lời dạy của đấng Như Lai có tựa đề là Kinh (suttaṃ) thì được xếp vào thể SUTTA. Các bài Kinh có xen các bài kệ vào được biết là thể GEYYA; đặc biệt toàn bộ Thiên Có Kệ (Sagāthāvagga) trong Kinh Tương Ưng Bộ là thể GEYYA. Toàn bộ Tạng Vi Diệu Pháp, các bài kinh không có xen các bài kệ, và các lời dạy khác của đức Phật không thuộc tám loại trên được xếp vào thể VEYYĀKARAṆA. Kinh Pháp Cú, Trưởng Lão Tăng Kệ, Trưởng Lão Ni Kệ, các bài có tên là kinh nhưng chỉ là kệ trong Suttanipāta - Kinh Tập thì được xếp vào thể GĀTHĀ. Tám mươi hai bài kinh liên quan đến các bài kệ do tuệ giác hoan hỷ được xếp vào thể UDĀNA. Một trăm mười hai bài kinh được giới thiệu bằng: “Vuttaṃ h’ etaṃ Bhagavatā ti” (Đức Thế Tôn thuyết về điều ấy như vầy) thì được xếp vào thể ITIVUTTAKA. Năm trăm năm mươi bài kinh Bổn Sanh bắt đầu bằng Bổn SanhApannaka được xếp vào thể JĀTAKA. Tất cả các bài kinh liên quan đến pháp kỳ diệu phi thường và được giới thiệu như sau: “Này các tỳ khưu, có bốn pháp kỳ diệu phi thường ở Ānanda,” được xếp vào thể ABBHŪTADHAMMA. Tất cả các bài kinh được hỏi và được liên tục ghi nhận trong sự hiểu biết và hoan hỷ như các bài kinh Cullavedalla, Mahāvedalla, Sammādiṭṭhi, Sakkapañhā, Saṅkhāra-bhājaniya, Mahāpuṇṇama, v.v…được xếp vào thể VEDALLA. Như thế khi đề cập đến Thể thì có chín phần” (Saddhammasaṅgaha - Diệu Pháp Yếu Lược, Chương I, câu 28).

[9] Các tội theo thứ tự là: saṅghādisesa 6, saṅghādisesa 5, pācittiya 37 (thọ thực lúc sái thời) và 85 (đi vào làng lúc sái thời), pācittiya 36, pācittiya 35 (ND).



Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada