Thưa ngài Nāgasena, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Này các tỳ khưu, các ngươi hãy sống có sự vui thích ở pháp không chướng ngại, có sự thích thú ở pháp không chướng ngại.’ Pháp không chướng ngại ấy là pháp nào?”

“Tâu đại vương, quả vị Nhập Lưu là pháp không chướng ngại, quả vị Nhất Lai là pháp không chướng ngại, quả vị Bất Lai là pháp không chướng ngại, quả vị A-la-hán là pháp không chướng ngại.”

“Thưa ngài Nāgasena, nếu quả vị Nhập Lưu là pháp không chướng ngại, quả vị Nhất Lai, quả vị Bất Lai, quả vị A-la-hán là pháp không chướng ngại, vậy thì tại sao các vị tỳ khưu này lại đọc tụng, lại học hỏi về (chín thể loại:) suttaṃ, geyyaṃ, veyyākaraṇaṃ, gāthā, udānaṃ, itivuttakaṃ, jātakaṃ, abbhutadhammaṃ, vedallaṃ,[8] lại bị chướng ngại vì công trình mới, vì việc bố thí, và vì việc cúng dường? Không lẽ các vị lại tiến hành công việc đã bị đấng Chiến Thắng từ khước?”

“Tâu đại vương, những vị tỳ khưu nào đọc tụng, học hỏi về (chín thể loại:) suttaṃ, geyyaṃ, veyyākaraṇaṃ, gāthā, udānaṃ, itivuttakaṃ, jātakaṃ, abbhutadhammaṃ, vedallaṃ, bị chướng ngại vì công trình mới, vì việc bố thí, và vì việc cúng dường, tất cả những vị ấy làm nhằm đạt được pháp không chướng ngại.

Tâu đại vương, những vị nào được trong sạch tự bản chất, có sự huân tập đã được trải qua ở thời quá khứ, những vị ấy trong một chập tâm thì có được pháp không chướng ngại. Trái lại, những vị tỳ khưu nào với tầm nhìn có nhiều bụi, những vị ấy có được pháp không chướng ngại với các sự gắng sức này.

Tâu đại vương, giống như một người nam sau khi gieo hạt giống ở thửa ruộng, rồi trồng trọt cây lúa bằng sức mạnh và nỗ lực của bản thân, không cần tường thành và hàng rào. Một người nam (khác) sau khi gieo hạt giống ở thửa ruộng, thì đi vào rừng chặt cành cây và nhánh cây làm hàng rào và tường, rồi trồng trọt cây lúa; trong trường hợp ấy việc tầm cầu hàng rào và tường thành của người ấy là vì mong muốn đạt được cây lúa. Tâu đại vương, tương tợ y như thế những vị nào được trong sạch tự bản chất, có sự huân tập đã được trải qua ở thời quá khứ, những vị ấy trong một chập tâm thì có được pháp không chướng ngại, tợ như người nam có sự trồng trọt cây lúa không cần hàng rào và tường thành. Trái lại, những vị tỳ khưu nào với tầm nhìn có nhiều bụi, những vị ấy có được pháp không chướng ngại với các sự gắng sức này, ví như người nam có sự trồng trọt cây lúa sau khi đã làm hàng rào và tường thành.

Tâu đại vương, hoặc là giống như có chùm trái ở ngọn cây xoài cao to vĩ đại, rồi một người nào đó, có thần thông, sau khi đi đến nơi ấy có thể hái trái của cây ấy. Trái lại, tại nơi ấy người nào không có thần thông, người ấy chặt cành cây và dây leo rồi buộc thành cái thang, nhờ nó leo lên cây ấy, rồi hái trái; trong trường hợp ấy, việc tầm cầu cái thang của người ấy là vì mong muốn đạt được trái cây.  

Tâu đại vương, tương tợ y như thế những vị nào được trong sạch tự bản chất, có sự huân tập đã được trải qua ở thời quá khứ, những vị ấy trong một chập tâm thì có được pháp không chướng ngại, tợ như người có thần thông hái được trái cây. Trái lại, những vị tỳ khưu nào với tầm nhìn có nhiều bụi, những vị ấy chứng ngộ các Chân Lý với các sự gắng sức này, tợ như người nam hái được trái cây nhờ vào cái thang.

Tâu đại vương, hoặc là giống như một người nam là ngưòi làm theo chỉ tiêu, chỉ một mình đi đến gặp người chủ rồi hoàn thành chỉ tiêu. Một người (khác) có tài sản, phát triển đồ chúng nhờ vào năng lực của tài sản, rồi hoàn thành chỉ tiêu cùng với đồ chúng; trong trường hợp ấy việc tầm cầu đồ chúng của người ấy là vì mong muốn đạt được chỉ tiêu. Tâu đại vương, tương tợ y như thế những vị nào được trong sạch tự bản chất, có sự huân tập đã được trải qua ở thời quá khứ, những vị ấy trong một chập tâm thì đạt được bản thể năng lực ở sáu Thắng Trí ví như người nam một mình thực hiện việc thành tựu chỉ tiêu. Trái lại, những vị tỳ khưu nào với tầm nhìn có nhiều bụi, những vị ấy hoàn thành mục tiêu của bản thể Sa-môn với các sự gắng sức này, tợ như người nam thực hiện việc thành tựu chỉ tiêu cùng với đồ chúng.

Tâu đại vương, việc đọc tụng cũng có nhiều lợi ích, việc học hỏi cũng có nhiều lợi ích, việc xây dựng công trình mới cũng có nhiều lợi ích, việc bố thí cũng có nhiều lợi ích, việc cúng dường cũng có nhiều lợi ích cho những người này, những người nọ có công việc cần phải làm.

Tâu đại vương, giống như người nam hầu cận đức vua, có công việc đã được hoàn thành nhờ vào các quan đại thần, nhân công, binh lính, người giữ cổng, lính gác, quần thần, dân chúng, đối với người ấy khi công việc cần làm chưa đạt được thì tất cả những người ấy đều là những sự trợ giúp. Tâu đại vương, tương tợ y như thế việc đọc tụng cũng có nhiều lợi ích, việc học hỏi cũng có nhiều lợi ích, việc xây dựng công trình mới cũng có nhiều lợi ích, việc bố thí cũng có nhiều lợi ích, việc cúng dường cũng có nhiều lợi ích cho những người này, những người nọ có công việc cần phải làm.

Tâu đại vương, nếu tất cả đều được thanh tịnh ở dòng dõi, có thể không có việc cần phải làm với việc chỉ dạy. Tâu đại vương, và bởi vì có việc cần phải làm với việc lắng nghe. Tâu đại vương, trưởng lão Sāriputta, có thiện căn đã được tích lũy liên quan đến vô lượng kiếp, không thể đếm được, đã đạt đến tột đỉnh của trí tuệ, ngay cả vị ấy không có sự lắng nghe cũng không thể đạt được sự diệt tận các lậu hoặc. Tâu đại vương, vì thế việc lắng nghe cũng có nhiều lợi ích, việc đọc tụng, việc học hỏi cũng như thế. Vì thế, việc đọc tụng và học hỏi là pháp không chướng ngại, là pháp không tạo tác.”

“Thưa ngài Nāgasena, câu hỏi đã được giải quyết khéo léo. Trẫm chấp nhận điều này đúng theo như vậy.”

Câu hỏi về pháp không chướng ngại là thứ nhất.

*****



Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada