Thưa ngài Nāgasena, cái gì là sự phân biệt giữa người tại gia phá giới[6] và của Sa-môn phá giới? Cái gì là sự khác biệt? Có phải cả hai hạng này đều có cảnh giới tái sanh giống nhau? Có phải cả hai đều có quả thành tựu giống nhau? Hay là có cái gì đó khác nhau?

“Tâu đại vương, mười đức tính này của vị Sa-môn phá giới là dư thừa cho sự phân biệt với người tại gia phá giới. Và sự cúng dường được trong sạch hơn bởi mười lý do. Mười đức tính nào của vị Sa-môn phá giới là dư thừa cho sự phân biệt với người tại gia phá giới?

Tâu đại vương, ở đây vị Sa-môn phá giới có sự tôn kính đức Phật; có sự tôn kính Giáo Pháp; có sự tôn kính Hội Chúng; có sự tôn kính những vị hành Phạm hạnh; ra sức trong việc đọc tụng và học hỏi; có nhiều sự lắng nghe (đa văn); tâu đại vương, vị có giới bị hỏng, có giới tồi, đi đến tập thể cũng thể hiện tư cách; gìn giữ thân khẩu vì sợ sự chê trách; tâm của vị này có sự hướng đến việc nỗ lực; đã đến gần bản thể Sa-môn của vị tỳ khưu; tâu đại vương, trong khi làm điều ác vị Sa-môn phá giới thực hiện một cách giấu diếm. Tâu đại vương, giống như người nữ có chồng lén lút rồi thực hiện việc sái quấy một cách vô cùng bí mật. Tâu đại vương, tương tợ y như thế trong khi làm điều ác vị Sa-môn phá giới thực hiện một cách giấu diếm. Tâu đại vương, mười đức tính này của vị Sa-môn phá giới là dư thừa cho sự phân biệt với người tại gia phá giới.

Sự cúng dường được trong sạch hơn bởi mười lý do nào? Sự cúng dường được trong sạch do việc mang lớp vỏ bọc không tội lỗi; sự cúng dường được trong sạch do việc mang đặc điểm đầu cạo tóc, là biểu hiện Sa-môn của ẩn sĩ; sự cúng dường được trong sạch do việc đã tham gia vào cuộc hội họp của Hội Chúng; sự cúng dường được trong sạch do việc đi đến nương nhờ đức Phật, Giáo Pháp, và Hội Chúng; sự cúng dường được trong sạch do việc đã cư ngụ ở tập thể có khuynh hướng nỗ lực; sự cúng dường được trong sạch do việc tầm cầu tài sản Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng; sự cúng dường được trong sạch do việc thuyết giảng Giáo Pháp cao quý; sự cúng dường được trong sạch vì mục đích tối hậu là việc đi đến hòn đảo Giáo Pháp; sự cúng dường được trong sạch do có quan điểm hoàn toàn chánh trực về: ‘Đức Phật là cao cả;’ sự cúng dường được trong sạch do việc thọ trì ngày Uposatha. Tâu đại vương, sự cúng dường được trong sạch hơn bởi mười lý do này.

Tâu đại vương, vị Sa-môn phá giới, mặc dầu bị phạm tội rõ ràng, cũng làm trong sạch sự cúng dường của các thí chủ. Tâu đại vương, giống như nước, mặc dầu sền sệt, cũng tẩy sạch bùn, lầy, bụi bặm, vết dơ. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị Sa-môn phá giới, mặc dầu bị phạm tội rõ ràng, cũng làm trong sạch sự cúng dường của các thí chủ.  

Tâu đại vương, hoặc là giống như nước nóng, mặc dầu đã được đun sôi dữ dội, cũng dập tắt được đám lửa lớn đang bốc cháy. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị Sa-môn phá giới, mặc dầu bị phạm tội rõ ràng, cũng làm trong sạch sự cúng dường của các thí chủ.

Tâu đại vương, hoặc là giống như thức ăn, mặc dầu vô vị, cũng xua đi sự suy nhược vì cơn đói. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị Sa-môn phá giới, mặc dầu bị phạm tội rõ ràng, cũng làm trong sạch sự cúng dường của các thí chủ.

Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn, vị Trời vượt trội các vị Trời, nói đến ở lời giải thích về sự phân loại cúng dường ở đoạn Varalañchaka (Dấu Ấn Cao Quý) thuộc Majjhimanikāya (Trung Bộ) rằng:

Người nào có giới hạnh dâng cúng vật thí (do của cải) đã đạt được hợp pháp đến những kẻ có giới hạnh tồi với tâm khéo tịnh tín, trong khi có đức tin thì quả của nghiệp là tột bực; sự cúng dường ấy được trong sạch về phía người thí chủ.’”

“Thưa ngài Nāgasena, thật là kỳ diệu! Thưa ngài Nāgasena, thật là phi thường! Chúng tôi đã hỏi câu hỏi có chừng ấy, thì ngài, trong khi giải thích nó bằng những ví dụ, bằng những lý lẽ, đã khiến cho vị ngọt của Bất Tử được lắng nghe. Thưa ngài, giống như người đầu bếp hoặc học trò của người đầu bếp, sau khi nhận được chừng ấy thịt thì đã sửa soạn với nhiều vật liệu các loại khác nhau, rồi làm ra món ăn cho đức vua. Thưa ngài Nāgasena, tương tợ y như thế chúng tôi đã hỏi câu hỏi có chừng ấy, thì ngài đã khi giải thích nó bằng những ví dụ, bằng những lý lẽ, và đã khiến cho vị ngọt của Bất Tử được lắng nghe.”

Câu hỏi về giới hạnh tồi là thứ tám.

*****



Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada