Thưa ngài Nāgasena, Giáo Pháp này của đức Như Lai là vĩ đại, có lõi, cao quý, tối thượng, ưu tú, không thể sánh bằng, thanh thịnh, vô nhiễm, trong trắng, không chê trách được, không thích hợp để cho người vẫn còn tại gia xuất gia. Người tại gia sau khi đã hướng dẫn đến một quả vị, khi nào có sự không quay trở lại nữa, khi ấy mới nên cho người ấy xuất gia. Vì lý do gì? Những người này vẫn còn là người xấu, sau khi xuất gia ở đây, trong Giáo Pháp trong sạch, sẽ quay lui, trở lại đời sống tại gia tầm thường. Với việc đi ngược trở lại của những người này, đám đông dân chúng này suy nghĩ như vầy: ‘Giáo Pháp này của Sa-môn Gotama quả là rỗng không, khiến những người này quay lui.’ Ở đây, điều này là lý do.”

“Tâu đại vương, giống như hồ nước được tràn đầy nước sạch, không dơ, mát mẻ, rồi người nào đó bị lấm lem, bị vấy bụi bặm và bùn đất sau khi đi đến hồ nước ấy không tắm rửa, rồi quay lui, vẫn còn bị lấm lem. Tâu đại vương, trong trường hợp ấy dân chúng nên chê trách ai, kẻ bị lấm lem hay là hồ nước?”

“Thưa ngài, dân chúng nên chê trách kẻ bị lấm lem rằng: ‘Người này sau khi đi đến hồ nước ấy không tắm rửa, rồi quay lui, vẫn còn bị lấm lem. Làm sao hồ nước tự nó sẽ tắm rửa cho kẻ không có ý định tắm rửa này? Vậy có điều sai trái gì đối với hồ nước?’”

“Tâu đại vương, tương tợ y như thế đức Như Lai đã tạo ra hồ nước cao quý là Chánh Pháp, được tràn đầy nước cao quý là sự giải thoát (nghĩ rằng): ‘Những người nào đó bị lấm lem bụi bặm phiền não, có suy tư, có trí tuệ, những người ấy sau khi tắm rửa ở đây sẽ tẩy sạch tất cả các phiền não.’ Nếu người nào đó sau khi đi đến hồ nước Chánh Pháp cao quý ấy không tắm rửa, rồi quay lui, trở lại đời sống tại gia tầm thường, vẫn còn phiền não. Dân chúng sẽ chê trách chính kẻ ấy rằng: ‘Người này sau khi xuất gia trong Giáo Pháp của đấng Chiến Thằng, không đạt được chỗ đứng ở nơi ấy nên đã trở lại đời sống tại gia tầm thường. Làm sao Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng sẽ tự mình làm trong sạch kẻ không thực hành này được? Vậy có điều sai trái gì đối với Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng?’

Tâu đại vương, hoặc là giống như người nam bị bệnh trầm trọng, sau khi gặp người thầy thuốc giải phẩu, rành rẽ về nguyên nhân gây bệnh, có sự chữa trị hiệu quả và lâu dài, lại không cho chữa trị, rồi quay lui, vẫn còn bị bệnh. Trong trường hợp ấy dân chúng nên chê trách ai, kẻ bị bệnh hay là người thầy thuốc?”

“Thưa ngài, dân chúng nên chê trách kẻ bị bệnh rằng: ‘Người này sau khi gặp người thầy thuốc giải phẩu, rành rẽ về nguyên nhân gây bệnh, có sự chữa trị hiệu quả và lâu dài, lại không cho chữa trị, rồi quay lui, vẫn còn bị bệnh. Làm sao người thầy thuốc tự mình sẽ chữa trị cho kẻ không chịu để cho chữa trị này? Vậy có điều sai trái gì đối với người thầy thuốc?’”

“Tâu đại vương, tương tợ y như thế đức Như Lai đã bỏ vào bên trong cái hộp Giáo Pháp phương thuốc Bất Tử có khả năng làm yên lặng toàn bộ tất cả căn bệnh phiền não (nghĩ rằng): ‘Những người nào đó bị hành hạ bởi căn bệnh phiền não, có suy tư, có trí tuệ, những người ấy sau khi uống vào phương thuốc Bất Tử này sẽ làm yên lặng mọi căn bệnh phiền não.’ Nếu người nào đó sau khi không uống vào phương thuốc Bất Tử ấy, rồi quay lui, trở lại đời sống tại gia tầm thường, vẫn còn phiền não. Dân chúng sẽ chê trách chính kẻ ấy rằng: ‘Người này sau khi xuất gia trong Giáo Pháp của đấng Chiến Thằng, không đạt được chỗ đứng ở nơi ấy nên đã trở lại đời sống tại gia tầm thường. Làm sao Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng sẽ làm trong sạch kẻ không thực hành này được? Vậy có điều sai trái gì đối với Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng?’

Tâu đại vương, hoặc là giống như người nam bị đói, sau khi đi đến nơi phân phát vật thực phước thiện lớn lao, lại không ăn vật thực ấy, rồi quay lui, vẫn còn bị đói. Trong trường hợp ấy dân chúng nên chê trách ai, kẻ bị đói hay là vật thực phước thiện?”

“Thưa ngài, dân chúng nên chê trách kẻ bị đói: ‘Người này, bị hành hạ bởi cơn đói, sau khi nhận lãnh vật thực phước thiện không ăn, rồi quay lui, vẫn còn bị đói. Làm sao vật thực tự nó sẽ đi vào miệng của kẻ không ăn này được? Vậy có điều sai trái gì đối với vật thực?’”

“Tâu đại vương, tương tợ y như thế đức Như Lai đã để vào bên trong cái hộp Giáo Pháp món vật thực Niệm Đặt Ở Thân cao quý tột bậc, yên tịnh, an toàn, hảo hạng, bất tử, ngọt ngào tột bậc (nghĩ rằng): ‘Những người nào đó bị đói ở nội phần do phiền não, có tâm bị chế ngự bởi tham ái, có suy tư, có trí tuệ, những người ấy sau khi thọ dụng vật thực này sẽ xa lìa tất cả tham ái ở dục giới, sắc giới, và vô sắc giới.’ Nếu người nào đó sau khi không ăn vật thực ấy, rồi quay lui, trở lại đời sống tại gia tầm thường, vẫn còn bị ràng buộc bởi tham ái. Dân chúng sẽ chê trách chính kẻ ấy rằng: ‘Người này sau khi xuất gia trong Giáo Pháp của đấng Chiến Thằng, không đạt được chỗ đứng ở nơi ấy nên đã trở lại đời sống tại gia tầm thường. Làm sao Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng sẽ làm trong sạch kẻ không thực hành này được? Vậy có điều sai trái gì đối với Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng?’

Tâu đại vương, nếu đức Như Lai cho xuất gia chỉ riêng người tại gia (nào) đã được hướng dẫn đến một quả vị, thế chẳng phải việc xuất gia này nhằm đưa đến việc dứt bỏ phiền não hay đưa đến sự thanh tịnh? Và không có việc gì cần phải làm với việc xuất gia? Tâu đại vương, giống như người nam sau khi cho đào cái hồ nước bằng hàng trăm lao động rồi thông báo đến tập thể như vầy: ‘Này quý ông, chớ để bất cứ những ai bị lấm lem bước xuống hồ nước này của tôi. Hãy để cho những người có bụi bặm dơ dáy đã được tẩy uế, trong sạch, đã kỳ cọ vết nhơ bước xuống hồ nước này.’ Tâu đại vương, phải chăng những người có bụi bặm dơ dáy đã được tẩy uế, trong sạch, đã kỳ cọ vết nhơ ấy là có việc cần làm với cái hồ nước ấy?”

“Thưa ngài, không đúng. Với mục đích nào mà những người ấy đi đến hồ nước ấy, việc cần làm ấy của những người ấy đã được làm ở tại nơi khác rồi. Họ còn có việc gì với hồ nước ấy?”

“Tâu đại vương, tương tợ y như thế nếu đức Như Lai cho xuất gia chỉ riêng người tại gia (nào) đã được hướng dẫn đến một quả vị, chính ở trường hợp ấy việc cần phải làm của những người ấy đã được làm xong. Họ còn có việc gì với việc xuất gia? Tâu đại vương, hoặc là giống như người thầy thuốc giải phẩu, người phục vụ tín cẩn của các vị ẩn sĩ, có sự ghi nhớ các chú thuật và các đoạn kệ ngôn đã được nghe, không là kẻ ngớ ngẩn, rành rẽ về nguyên nhân gây bệnh, có sự chữa trị hiệu quả và lâu dài, sau khi gom lại các loại thuốc men làm yên lặng tất cả các căn bệnh rồi thông báo đến tập thể như vầy: ‘Này quý ông, chớ để bất cứ những ai có bệnh đi đến gặp tôi. Hãy để cho những người không có bệnh không ốm đau đi đến gặp tôi.’ Tâu đại vương, phải chăng những người không có bệnh, không ốm đau, được toàn vẹn, được hưng phấn ấy là có việc cần làm với người thầy thuốc ấy?”

“Thưa ngài, không đúng. Với mục đích nào mà những người ấy đi đến người thầy thuốc ấy, việc cần làm ấy của những người ấy đã được làm ở tại nơi khác rồi. Họ còn có việc gì với người thầy thuốc ấy?”

“Tâu đại vương, tương tợ y như thế nếu đức Như Lai cho xuất gia chỉ riêng người tại gia (nào) đã được hướng dẫn đến một quả vị, chính ở trường hợp ấy việc cần phải làm của những người ấy đã được làm xong. Họ còn có việc gì với việc xuất gia?

Tâu đại vương, hoặc là giống như người nam nào đó, sau khi cho chuẩn bị bữa ăn hàng trăm đĩa cơm sữa, rồi thông báo đến tập thể như vầy: ‘Này quý ông, chớ để bất cứ những ai bị đói đi đến nơi phát chẩn này. Hãy để cho những người đã được ăn no, được thỏa mãn, được thừa thãi, no nê, cường tráng, đầy đủ đi đến nơi phát chẩn này.’ Tâu đại vương, phải chăng những người đã ăn xong, được thỏa mãn, được thừa thãi, no nê, cường tráng, đầy đủ ấy là có việc cần làm với bữa ăn ấy?”

“Thưa ngài, không đúng. Với mục đích nào mà những người ấy đi đến nơi phát chẩn ấy, việc cần làm ấy của những người ấy đã được làm ở tại nơi khác rồi. Họ còn có việc gì với nơi phát chẩn ấy?”

“Tâu đại vương, tương tợ y như thế nếu đức Như Lai cho xuất gia chỉ riêng người tại gia (nào) đã được hướng dẫn đến một quả vị, chính ở trường hợp ấy việc cần phải làm của những người ấy đã được làm xong. Họ còn có việc gì với việc xuất gia? Tâu đại vương, phải chăng những người nào trở lại đời sống tại gia tầm thường, những người ấy phô bày năm đức tính không thể so sánh ở Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng. Năm đức tính nào? Họ phô bày tính chất vĩ đại của lãnh địa, phô bày tính chất thanh tịnh không ô nhiễm, phô bày tính chất không sống chung với những kẻ ác, phô bày tính chất khó thấu triệt, phô bày tính chất cần được bảo vệ với nhiều sự thu thúc.

Họ phô bày tính chất vĩ đại của lãnh địa là như thế nào? Tâu đại vương, giống như người nam không có tài sản, dòng dõi thấp kém, tầm thường, thấp thỏi về trí tuệ, sau khi đạt được vương quốc rộng lớn, không bao lâu sau sẽ sụp đổ, tiêu hoại, suy giảm về danh vọng, không thể duy trì vương quyền. Vì lý do gì? Vì tính chất vĩ đại của vương quyền. Tâu đại vương, tương tợ y như thế những người nào đó là tầm thường, không có phước báu đã tạo, thấp thỏi về trí tuệ, xuất gia trong Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng, những người ấy trong khi không thể duy trì việc xuất gia cao quý và tối thượng ấy, không bao lâu sau từ Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng họ sụp đổ, tiêu hoại, suy giảm, trở lại đời sống tại gia tầm thường, không thể duy trì Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng. Vì lý do gì? Vì tính chất vĩ đại của lãnh địa Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng. Họ phô bày tính chất vĩ đại của lãnh địa là như thế ấy.

Họ phô bày tính chất thanh tịnh không ô nhiễm là như thế nào? Tâu đại vương, giống như nước ở lá sen sẽ phân tán, tiêu tan, tiêu hoại, rồi mất dạng, không bám níu. Vì lý do gì? Vì tính chất thanh tịnh không ô nhiễm của loài sen. Tâu đại vương, tương tợ y như thế những người nào đó là gian trá, giả dối, cong quẹo, quanh co, có quan điểm không ổn định, xuất gia trong Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng, những người ấy không bao lâu sau từ Giáo Pháp thanh tịnh không ô nhiễm, không gai góc, trong trắng, cao quý, và ưu tú, sẽ phân tán, tiêu tan, tiêu hoại, không trụ vững, không bám níu, trở lại đời sống tại gia tầm thường. Vì lý do gì? Vì tính chất thanh tịnh không ô nhiễm ở Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng. Họ phô bày tính chất thanh tịnh không ô nhiễm là như thế ấy.

Họ phô bày tính chất không sống chung với những kẻ ác là như thế nào? Tâu đại vương, giống như biển cả không sống chung với xác chết, nghĩa là khi ở trong biển cả có xác chết, nó tức thời đưa xác chết ấy vào bờ hoặc hất lên đất liền. Vì lý do gì? Vì việc cư trú của các chúng sanh to lớn ở nơi biển cả. Tâu đại vương, tương tợ y như thế những người nào đó có bản tánh không thu thúc, vô liêm sỉ, không nghiêm chỉnh, có sự tinh tấn yếu ớt, biếng nhác, ô uế, đê tiện, xuất gia trong Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng, những người ấy không bao lâu sau sẽ lìa khỏi Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng, khỏi nơi cư trú của các chúng sanh to lớn, các bậc A-la-hán, vô nhiễm, lậu tận, không cộng trú, và trở lại đời sống tại gia tầm thường. Vì lý do gì? Vì tính chất không sống chung với những kẻ ác ở Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng. Họ phô bày tính chất không sống chung với những kẻ ác là như thế ấy.

Họ phô bày tính chất khó thấu triệt là như thế nào? Tâu đại vương, giống như những người nào đó là cung thủ, không thành thạo, không được học tập, không rành nghề, không tập trung tâm, trong khi không thể xuyên thủng đầu của cọng tóc, buông rơi (cung), bỏ đi. Vì lý do gì? Vì tính chất tinh vi, tế nhị, khó xuyên thủng của đầu cọng tóc. Tâu đại vương, tương tợ y như thế những người nào đó có tuệ tồi, ngu xuẩn, ngớ ngẩn, si mê, điệu bộ chậm chạp, xuất gia trong Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng, những người ấy trong khi không thể xuyên thủng việc thấu triệt ấy đối với bốn Chân Lý vô cùng tinh vi, tế nhị, buông rơi Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng, bỏ đi, không bao lâu sau trở lại đời sống tại gia tầm thường. Vì lý do gì? Vì tính chất vô cùng tinh vi, tế nhị, khó thấu triệt của bốn Chân Lý. Họ phô bày tính chất khó thấu triệt là như thế ấy.

Họ phô bày tính chất cần được bảo vệ với nhiều sự thu thúc là như thế nào? Tâu đại vương, giống như người nam nào đó đi đến gần bãi chiến trường lớn lao vĩ đại rồi bị bao vây chung quanh khắp các hướng chính hướng phụ bởi đội quân địch, sau khi nhìn thấy người tay cầm gươm đang tiến đến gần thì hoảng sợ, thối lui, quay trở lại, đào tẩu. Vì lý do gì? Vì nỗi sợ hãi trong việc bảo vệ các tiền tuyến của cuộc chiến đấu đa dạng. Tâu đại vương, tương tợ y như thế những người nào đó, có bản tánh không thu thúc, vô liêm sỉ, không nghiêm chỉnh, không nhẫn nại, thất thường, bị dao động, hay thay đổi, là những người ngu dốt, xuất gia trong Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng, những người ấy trong khi không thể bảo vệ trọn vẹn điều học có nhiều loại, thì thối lui, quay trở lại, đào tẩu, không bao lâu sau thì trở lại đời sống tại gia tầm thường. Vì lý do gì? Vì tính chất cần được bảo vệ sự thu thúc có nhiều loại thuộc Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng. Họ phô bày tính chất cần được bảo vệ với nhiều sự thu thúc là như thế ấy.

Tâu đại vương, ở bụi hoa nhài trâu, dầu là hạng nhất trong số các loài hoa mọc ở đất bằng, cũng có những bông hoa bị sâu ăn, những chồi non ấy, bị quắn lại, rồi rơi rụng chính vì sự hư hoại. Nhưng không vì chúng bị rơi rụng mà bụi hoa nhài bị xem thường. Những bông hoa nào còn tồn tại ở nơi ấy, chúng tỏa khắp các hướng chính phụ với hương thơm chân chánh. Tâu đại vương, tương tợ y như thế những người nào sau khi xuất gia trong Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng rồi trở lại đời sống tại gia tầm thường, những người ấy trong Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng có giới không còn phẩm chất và hình tướng, ví như những bông hoa nhài bị sâu ăn, mất đi màu sắc và hương thơm, không thể đưa đến sự phát triển trọn vẹn. Nhưng không vì việc trở lại đời sống tại gia tầm thường của những người ấy mà Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng bị xem thường. Các vị tỳ khưu nào còn tồn tại ở nơi ấy, các vị ấy tỏa khắp thế gian luôn cả cõi Trời với hương thơm cao quý của giới.

Tâu đại vương, có loại lúa sāli tên là karumbhaka, sau khi mọc lên ở khoảng giữa của các giống lúa sāli gạo đỏ không bị èo oặt, rồi bị tiêu hoại lúc còn ở giai đoạn giữa chừng. Nhưng không vì việc bị tiêu hoại của loại lúa ấy mà giống lúa sāli gạo đỏ bị xem thường. Những lúa sāli nào còn tồn tại ở nơi ấy, chúng là vật thực của đức vua. Tâu đại vương, tương tợ y như thế những người nào sau khi xuất gia trong Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng rồi trở lại đời sống tại gia tầm thường, những người ấy, ví như karumbhaka ở khoảng giữa của các loại lúa sāli gạo đỏ, sau khi tăng trưởng không đạt đến sự phát triển trọn vẹn ở Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng, rồi trở lại đời sống tại gia tầm thường từ ở chính khoảng giữa. Nhưng không vì việc trở lại đời sống tại gia tầm thường của những người ấy mà Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng bị xem thường. Các vị tỳ khưu nào còn tồn tại ở nơi ấy, các vị ấy là thích đáng đối với phẩm vị A-la-hán.

Tâu đại vương, viên bảo ngọc ma-ni, vật ban cho điều ước, có một phần sần sùi sanh khởi. Nhưng không vì việc bị sanh khởi phần sần sùi ở chỗ ấy mà viên bảo ngọc ma-ni bị xem thường. Phần nào ở chỗ ấy của viên bảo ngọc ma-ni là trong suốt, phần ấy có sự tạo ra niềm vui thích cho dân chúng. Tâu đại vương, tương tợ y như thế những người nào sau khi xuất gia trong Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng rồi trở lại đời sống tại gia tầm thường, những người ấy là lớp vỏ ngoài sần sùi ở Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng. Nhưng không vì việc trở lại đời sống tại gia tầm thường của những người ấy mà Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng bị xem thường. Các vị tỳ khưu nào còn tồn tại ở nơi ấy, các vị ấy có sự tạo ra niềm vui thích cho chư Thiên và nhân loại.

Tâu đại vương, trầm hương màu đỏ chánh tông có một phần bị hư hỏng, [không có mùi thơm. Nhưng không vì việc ấy mà trầm hương màu đỏ bị xem thường.][4] Phần nào ở chỗ ấy là không hư hỏng, có mùi thơm, phần ấy xông khói, tỏa khắp xung quanh. Tâu đại vương, tương tợ y như thế những người nào sau khi xuất gia trong Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng rồi trở lại đời sống tại gia tầm thường, những người ấy ở Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng, ví như phần bị hư hỏng ở giữa lõi trầm hương màu đỏ, đáng được quăng bỏ. Nhưng không vì việc trở lại đời sống tại gia tầm thường của những người ấy mà Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng bị xem thường. Các vị tỳ khưu nào còn tồn tại ở nơi ấy, các vị ấy bôi xức thế gian luôn cả cõi Trời với mùi thơm của trầm hương quý giá là giới.”

“Thưa ngài Nāgasena, tốt lắm! Bằng lý lẽ thích đáng với mỗi một trường hợp, tương xứng với mỗi một trường hợp, sự không có lỗi lầm đã được ghi nhận, Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng với bản thể tối thượng đã được làm sáng tỏ. Thậm chí trong khi trở lại đời sống tại gia tầm thường, những người ấy cũng làm sáng tỏ chính bản thể tối thượng thuộc về Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng.”

Câu hỏi về việc trở lại đời sống tại gia tầm thường là thứ năm.

*****



Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada