“Thưa ngài Nāgasena, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Này các tỳ khưu, điều này là không hợp lý và không có cơ sở, là việc hai bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác có thể sanh lên trong một thế giới không trước không sau, sự kiện này không được biết đến!’ Thưa ngài Nāgasena, tất cả các đức Như Lai, trong khi thuyết giảng đều thuyết giảng ba mươi bảy pháp góp phần trong việc giác ngộ, trong khi giảng giải đều giảng giải bốn Chân Lý cao thượng, trong khi huấn luyện đều huấn luyện về ba sự học tập, trong khi chỉ dạy đều chỉ dạy sự thực hành về không xao lãng. Thưa ngài Nāgasena, nếu tất cả các đức Như Lai đều có sự thuyết giảng thống nhất, sự giảng giải thống nhất, sự huấn luyện thống nhất, sự chỉ dạy thống nhất, vì lý do gì hai đức Như Lai không sanh lên trong cùng một thời điểm? Thế gian này được phát sáng với việc sanh lên của vị Phật cho dầu chỉ một vị, nếu có thêm vị Phật thứ nhì, với hai luồng ánh sáng thế gian này có thể được phát sáng nhiều hơn thế nữa. Và hai đức Như Lai, trong khi giáo giới có thể giáo giới một cách thoải mái, [trong khi chỉ dạy, có thể chỉ dạy một cách thoải mái].[1] Về việc này, xin ngài hãy nói cho trẫm lý do, theo đó trẫm có thể dứt khỏi sự nghi ngờ.”
“Tâu đại vương, mười ngàn thế giới này, có sự nâng đỡ chỉ một vị Phật, nâng đỡ đức hạnh của chỉ một đức Như Lai. Nếu vị Phật thứ nhì sanh lên, mười ngàn thế giới này không thể nâng đỡ, có thể lay động, rúng động, nghiêng qua, hạ thấp xuống, uốn cong, phân tán, tiêu tan, tiêu hoại, tiến đến việc bị hoại diệt.
Tâu đại vương, giống như chiếc thuyền là có sự nâng đỡ một người, khi có một người bước lên thì có thể đạt được sự yên ổn. Khi người thứ nhì đi đến có cùng tuổi tác, vóc dáng, thọ mạng, kích thước, ốm mập, toàn bộ cơ thể tứ chi tương đương người kia, rồi người ấy bước lên chiếc thuyền ấy. Tâu đại vương, phải chăng chiếc thuyền ấy cũng có thể nâng đỡ cả hai người?”
“Thưa ngài, không đúng. Nó có thể lay động, rúng động, nghiêng qua, hạ thấp xuống, uốn cong, phân tán, tiêu tan, tiêu hoại, tiến đến việc bị hoại diệt, có thể chìm xuống nước.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế mười ngàn thế giới này, có sự nâng đỡ chỉ một vị Phật, nâng đỡ đức hạnh của chỉ một đức Như Lai. Nếu vị Phật thứ nhì sanh lên, mười ngàn thế giới này không thể nâng đỡ, có thể lay động, rúng động, nghiêng qua, hạ thấp xuống, uốn cong, phân tán, tiêu tan, tiêu hoại, tiến đến việc bị hoại diệt.
Tâu đại vương, hoặc là giống như người nam ăn thức ăn theo như ý thích. Người ấy, sau khi chứa đầy món ăn được ưa thích đến tận cổ họng, được thỏa mãn, căng phồng, đầy ứ, không còn chỗ chứa, bị làm mệt, bị như cây gậy không khom xuống được, rồi lại ăn thức ăn chừng ấy thêm lần nữa. Tâu đại vương, phải chăng người nam ấy có thể được thoải mái?”
“Thưa ngài, không được. Đã được ăn một lần thôi cũng có thể chết.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế mười ngàn thế giới này, có sự nâng đỡ chỉ một vị Phật, nâng đỡ đức hạnh của chỉ một đức Như Lai. Nếu vị Phật thứ nhì sanh lên, mười ngàn thế giới này không thể nâng đỡ, có thể lay động, rúng động, nghiêng qua, hạ thấp xuống, uốn cong, phân tán, tiêu tan, tiêu hoại, tiến đến việc bị hoại diệt.”
“Thưa ngài Nāgasena, phải chăng quả đất lay động với gánh nặng Giáo Pháp quá tải?”
“Tâu đại vương, ở đây hai chiếc xe hàng có thể được chứa đầy châu báu đến ngang miệng, sau khi lấy châu báu từ một chiếc xe hàng rồi đổ vào chiếc xe hàng kia. Tâu đại vương, phải chăng chiếc xe kéo ấy có thể chứa đựng châu báu của hai chiếc xe kéo?”
“Thưa ngài, không thể. Thậm chí ổ trục bánh xe của nó có thể nứt, các cây căm của nó có thể bị gãy, vành bánh xe của nó có thể sụm xuống, trục xe của nó có thể bị gãy.”
“Tâu đại vương, phải chăng chiếc xe hàng bị gãy đổ với gánh nặng châu báu quá tải?”
“Thưa ngài, đúng vậy.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế quả đất lay động với gánh nặng Giáo Pháp quá tải. Tâu đại vương, hơn nữa lý do này được đưa ra để làm rõ năng lực của vị Phật. Xin đại vương hãy lắng nghe lý do xác đáng khác nữa cho trường hợp ấy, mà vì lý do ấy hai vị Chánh Đẳng Giác không thể sanh lên trong cùng một thời điểm: [Tâu đại vương, nếu hai vị Chánh Đẳng Giác sanh lên trong cùng một thời điểm,][2] Sự tranh cãi giữa hội chúng của hai vị ấy có thể sanh khởi: ‘Phật của các vị, Phật của chúng tôi,’ rồi có thể bị sanh ra hai nhóm. Tâu đại vương, giống như sự tranh cãi giữa hội chúng của hai vị quan đại thần có quyền lực có thể sanh khởi: ‘Quan đại thần của các vị, quan đại thần của chúng tôi,’ rồi bị sanh ra hai nhóm. Tâu đại vương, tương tợ y như thế nếu hai vị Chánh Đẳng Giác sanh lên trong cùng một thời điểm, sự tranh cãi giữa hội chúng của hai vị ấy có thể sanh khởi: ‘Phật của các vị, Phật của chúng tôi,’ rồi có thể bị sanh ra hai nhóm. Tâu đại vương, đây còn là một lý do, mà vì lý do ấy hai vị Chánh Đẳng Giác không thể sanh lên trong cùng một thời điểm.
Tâu đại vương, xin đại vương hãy lắng nghe thêm lý do khác nữa, mà vì lý do ấy hai vị Chánh Đẳng Giác không sanh lên trong cùng một thời điểm.
Tâu đại vương, nếu hai vị Chánh Đẳng Giác có thể sanh lên trong cùng một thời điểm, thì lời nói rằng: ‘Đức Phật là cao cả’ có thể là sai trái, thì lời nói rằng: ‘Đức Phật là lớn nhất’ có thể là sai trái, thì lời nói rằng: ‘Đức Phật là hạng nhất’ có thể là sai trái, thì lời nói rằng: ‘Đức Phật là nổi bật’ —(như trên)— ‘Đức Phật là tối thượng’ —nt— ‘Đức Phật là quý cao’ —nt— ‘Đức Phật là không người sánh bằng’ —nt— ‘Đức Phật là không kẻ tương đương’ —nt— ‘Đức Phật là không người đối xứng’ —nt— ‘Đức Phật là không kẻ tương tợ’ —nt— ‘Đức Phật là không người đối thủ’ có thể là sai trái. Tâu đại vương, xin đại vương hãy chấp nhận theo ý nghĩa đây cũng là lý do, mà vì lý do ấy hai vị Chánh Đẳng Giác không thể sanh lên trong cùng một thời điểm.
Tâu đại vương, thêm nữa tính chất tự nhiên về bản thể của chư Phật Thế Tôn là chỉ một vị Phật sanh lên ở thế gian. Bởi vì lý do gì? Bởi vì tính chất vĩ đại về các đức hạnh của đức Phật Toàn Tri.
Tâu đại vương, vật khác cũng là vĩ đại ở thế gian, vật ấy là chỉ có một. Tâu đại vương, quả đất là vĩ đại, nó chỉ có một. Biển cả là vĩ đại, nó chỉ có một. Núi Chúa Sineru là vĩ đại, nó chỉ có một. Không gian là vĩ đại, nó chỉ có một. (Chúa Trời) Sakka là vĩ đại, vị ấy chỉ có một. Ma Vương là vĩ đại, vị ấy chỉ có một. Đại Phạm Thiên là vĩ đại, vị ấy chỉ có một ở thế gian. Nơi nào chúng sanh lên, thì nơi ấy không còn chỗ cho cái khác. Tâu đại vương, vì thế đức Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác sanh lên ở thế gian chỉ có một vị.”
“Thưa ngài Nāgasena, câu hỏi đã khéo được giảng giải bằng các ví dụ, với các lý kẽ. Ngay cả người không khôn ngoan sau khi lắng nghe điều này cũng có thể trở nên hoan hỷ, người có đại trí tuệ như là trẫm thì đâu có điều gì. Thưa ngài Nāgasena, tốt lắm! Trẫm chấp nhận điều này đúng theo như vậy.”
Câu hỏi về việc sanh lên của hai vị Phật là thứ nhất.
*****
Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada