(I) (91) Ðầy Ðủ (1)

1.- Này các Tỷ-kheo, có năm đầy đủ này. Thế nào là năm?

2.Tín đầy đủ, giới đầy đủ, nghe đầy đủ, thí đầy đủ, tuệ đầy đủ.

Này các Tỷ-kheo, đây là năm đầy đủ.

II (92) Ðầy Dủ (2)

1.- Này các Tỷ-kheo, có năm đầy đủ này. Thế nào là năm?

2.Giới đầy đủ, định đầy đủ, tuệ đầy đủ, giải thoát đầy đủ, giải thoát tri kiến đầy đủ.

Này các Tỷ-kheo, đây là năm đầy đủ.

(III) (93) Trả Lời

1.- Này các Tỷ-kheo, có năm cách trả lời về chánh trí này. Thế nào là năm?

2.đần độn, vì ngu si, trả lời về chánh trí; vì ác dục, vì bị dục chi phối, trả lời về chánh trí, vì kiêu mạn, vì tâm tán loạn trả lời về chánh trí; vì tăng thượng mạn, trả lời về chánh trí; vì hoàn toàn chơn chánh, trả lời về chánh trí.

Này các Tỷ-kheo, có năm cách trả lời về chánh trí này.

(IV) (94) Lạc Trú

1.- Này các Tỷ-kheo, có năm lạc trú này. Thế nào là năm?

2.Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo ly dục, ly pháp bất thiện, chứng đạt và an trú Sơ Thiền, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ, làm cho tịnh chỉ tầm và tứ... chứng đạt và an trú Thiền thứ hai... Thiền thứ ba... Thiền thứ tư... do đoạn tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt, và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát.

Này các Tỷ-kheo, những pháp này là năm lạc trú.

(V) (95) Bất Ðộng

1.- Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không bao lâu thể nhập vào bất động. Thế nào là năm?

2.Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đạt được nghĩa vô ngại giải, đạt được pháp vô ngại giải, đạt được từ vô ngại giải, đạt được biện tài vô ngại giải, quán sát tâm như đã giải thoát.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không bao lâu thể nhập vào bất động.

(VI) (96) Nghe Pháp

1.- Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo thực hành Niệm hơi thở vô hơi thở ra, không bao lâu thể nhập vào bất động. Thế nào là năm?

2.Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo muốn không có nhiều, công việc không có nhiều, nuôi sống dễ dàng, khéo tri túc với những nhu yếu ở đời, ăn uống ít, không chuyên lo về bao tử; ít thụy miên, chuyên chú trong giác tỉnh; nghe nhiều, thọ trì nhiều, tích lũy điều đã nghe; các pháp nào sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn, tán thán Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh, các pháp ấy, Tỷ-kheo đã nghe nhiều, đã nắm giữ, đã ghi nhớ nhờ đọc nhiều lần, chuyên ý quán sát, khéo thành tựu nhờ chánh kiến; quán sát tâm như đã được giải thoát.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thực hành Niệm hơi thở vô hơi thở ra, không bao lâu thể nhập vào bất động.

(VII) (97) Nói Chuyện

1.- Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập Niệm hơi thở vô hơi thở ra, không bao lâu thể nhập vào bất động. Thế nào là năm?

2.Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo muốn không có nhiều, việc làm không có nhiều, nuôi sống dễ dàng, khéo tri túc với những nhu yếu ở đời; ăn uống ít, không chuyên lo về bao tử; ít thụy miên, chuyên chú vào giác tỉnh; đối với các câu chuyện nghiêm trang, khai tâm, như câu chuyện về ít dục, câu chuyện về tri túc, câu chuyện về viễn ly, câu chuyện về không hội họp, câu chuyện về tinh cần tinh tấn, câu chuyện về giới, câu chuyện về định, câu chuyện về tuệ, câu chuyện về giải thoát, câu chuyện về giải thoát tri kiến, các câu chuyện ấy, vị ấy có được không khó khăn, có được không mệt nhọc, có được không phí sức; vị ấy quán sát tâm như đã được giải thoát.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo tu tập Niệm hơi thở vô hơi thở ra, không bao lâu thể nhập vào bất động.

(VIII) (98) Rừng

1.- Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo làm cho sung mãn Niệm hơi thở vô hơi thở ra, không bao lâu thể nhập vào bất động. Thế nào là năm?

2.Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo muốn không có nhiều, việc làm không có nhiều, nuôi sống dễ dàng, khéo tri túc với những nhu yếu ở đời; ăn uống ít, không chuyên lo về bao tử, ít thụy miên, chuyên chú vào giác tỉnh; sống ở trong rừng, sống tại các sàng tọa xa vắng; quán sát tâm như đã được giải thoát.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo làm cho sung mãn Niệm hơi thở vô hơi thở ra, không bao lâu thể nhập vào bất động.

(IX) (99) Con Sư Tử.

1.- Con sư tử, này các Tỷ-kheo, vào buổi chiều, từ hang đi ra, sau khi từ hang đi ra, nó duỗi chân; sau khi nó duỗi chân, nó ngó xung quanh cả bốn phương; sau khi nó ngó xung quanh cả bốn phương, ba lần nó rống tiếng rống con sư tử; sau khi ba lần rống tiếng rống con sư tử, nó ra đi tìm mồi. Nếu nó vồ bắt con voi, nó vồ bắt rất cẩn thận, chu đáo, không phải không cẩn thận, chu đáo. Nếu nó vồ bắt con thủy ngưu, nó vồ bắt rất cẩn thận, chu đáo, không phải không cẩn thận, chu đáo. Nếu nó vồ bắt con báo, nó vồ bắt rất cẩn thận, chu đáo, không phải không cẩn thận, chu đáo. Nếu nó vồ bắt các con vật nhỏ khác như thỏ hay mèo, nó vồ bắt rất cẩn thận, chu đáo, không phải không cẩn thận, chu đáo. Vì cớ sao? "Mong rằng uy lực của ta không có thất bại".

2.Con sư tử, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với bậc A-la-hán Chánh Ðẳng Giác. Khi Như Lai thuyết pháp cho hội chúng, tức là rống tiếng rống con sư tử. Này các Tỷ-kheo, nếu Như Lai thuyết pháp cho các vị Tỷ-kheo, Như Lai thuyết pháp hết sức cẩn thận, chu đáo, không phải không cẩn thận, chu đáo. Nếu Như Lai thuyết pháp cho các vị Tỷ-kheo Ni, Như Lai thuyết pháp hết sức cẩn thận, chu đáo, không phải không cẩn thận, chu đáo. Nếu Như Lai thuyết pháp cho các hàng nam cư sĩ, Như Lai thuyết pháp hết sức cẩn thận, chu đáo, không phải không cẩn thận, chu đáo. Nếu Như Lai thuyết pháp cho các hàng nữ cư sĩ, Như Lai thuyết pháp hết sức cẩn thận, chu đáo, không phải không cẩn thận, chu đáo. Nếu Như Lai thuyết pháp cho các hàng phàm phu , cho các người bắt chim hay xin ăn, Như Lai thuyết pháp hết sức cẩn thận, chu đáo, không phải không cẩn thận, chu đáo. Vì cớ sao? Vì Như Lai là bậc tôn trọng Pháp, này các Tỷ-kheo, là bậc tôn kính Pháp.

(X) (100) Kakudha

1.Một thời, Thế Tôn trú ở Kosambì, tại khu vườn Ghosita. Lúc bấy giờ Kakudha, người Koliya, là thị giả của Tôn giả Mahàmoggallàna vừa mệnh chung và sanh ra với một thân do ý tạo, thân ấy với tự thể có được (to rộng) ví như hai hay ba thửa ruộng làng ở Magadha. Vị ấy, với tự thể như vậy, không làm cho tự mình hay làm cho người khác bị bệnh. Rồi Thiên tử Kakudha đi đến Tôn giả Mahàmoggallàna; sau khi đến, đảnh lễ Tôn giả Mahàmoggallàna rồi đứng một bên. Thiên tử Kakudha thưa với Tôn giả Mahàmoggallàna:

- Thưa Tôn giả, Devadatta có khởi lên ý muốn như sau: "Ta sẽ lãnh đạo chúng Tăng". Với tâm khởi lên như vậy, thưa Tôn giả, thần thông của Devadatta bị thối thất.

Thiên tử Kakudha nói lên như vậy, nói như vậy xong, đảnh lễ Tôn giả Mahàmoggallàna, thân phía hữu hướng về ngài rồi biến mất tại chỗ. Rồi Tôn giả Mahàmoggallàna đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Mahàmoggallàna bạch Thế Tôn:

- Bạch Thế Tôn, Kakudha, người xứ Koliya, là thị giả của con, mệnh chung không bao lâu, sanh ra với thân do ý tạo thành, thân ấy với tự thể có được (to rộng) ví như hai hay ba thửa ruộng làng ở Magadha. Vị ấy với tự thể như vậy, không làm cho tự mình hay làm cho người khác bị bệnh. Rồi Thiên tử Kakudha đi đến con; sau khi đến, đảnh lễ con rồi đứng một bên. Sau khi đứng một bên, bạch Thế Tôn, Thiên tử Kakudha thưa với con: "Thưa Tôn giả, Devadatta có khởi lên ý muốn như sau: "Ta sẽ lãnh đạo chúng Tăng". Với tâm khởi lên như vậy. Thưa Tôn giả, thần thông của Devadatta bị thối thất". Thiên tử Kakudha, bạch Thế Tôn, nói lên như vậy. Nói như vậy xong, đảnh lễ con, rồi thân phía hữu hướng về con rồi biến mất.

- Này Moggallàna, có phải Thầy với tâm của mình biết được tâm của Thiên tử Kakudha rằng: "Ðiều gì Thiên tử Kakudha nói lên, tất cả đều là như vậy, không thể khác được"?

- Bạch Thế Tôn, với tâm của con, con biết được tâm của Thiên tử Kakudha rằng: "Ðiều gì Thiên tử Kakudha nói lên, tất cả đều là như vậy, không thể khác được".

- Này Moggallàna, hãy phòng hộ lời nói này! Này Moggallàna, hãy phòng hộ lời nói này. Nay kẻ ngu si ấy sẽ tự mình thấy rõ tự mình. Này Moggallàna, có năm bậc Ðạo sư này có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là năm?

2.Ở đây, này Moggallàna, có vị Ðạo sư, giới không thanh tịnh lại tự cho rằng: "Ta có giới thanh tịnh. Giới của ta thanh tịnh, chói sáng, không có uế nhiễm". Nhưng các đệ tử biết về vị ấy như sau: "Tôn giả Ðạo sư này có giới không thanh tịnh, lại tự nghĩ rằng: "Ta có giới thanh tịnh. Giới của ta thanh tịnh, trong sáng, không uế nhiễm". Nếu ta tin cho các cư sĩ biết như vậy, thời vị Ðạo sư sẽ không bằng lòng. Và nếu vị ấy không bằng lòng, thời chúng ta sẽ xử sự như thế nào mới được". Và vị ấy nhận được các vật dụng nhu yếu như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Những gì tự ngã sẽ làm, tự ngã sẽ được biết do việc làm ấy. Như vậy, này Moggallàna, các đệ tử che chở giới cho bậc Ðạo sư, và bậc Ðạo sư như vậy chờ đợi các đệ tử che chở về giới cho mình.

3.Lại nữa, này Moggallàna ở đây có bậc Ðạo sư mạng sống không thanh tịnh, lại tự cho rằng: "Ta có mạng sống thanh tịnh. Mạng sống của ta thanh tịnh chói sáng, không có uế nhiễm". Nhưng các đệ tử biết về vị ấy như sau: "Vị Tôn giả Ðạo sư này có mạng sống không thanh tịnh, lại tự nghĩ rằng: "Ta có mạng sống thanh tịnh. Mạng sống của ta thanh tịnh, trong sáng, không uế nhiễm". Nếu chúng ta tin cho các cư sĩ biết như vậy, thời vị Ðạo sư ấy không bằng lòng, và nếu vị ấy không bằng lòng, thời chúng ta sẽ xử sự như thế nào mới được". Và vị ấy nhận được các vật dụng nhu yếu như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Những gì tự ngã sẽ làm, tự ngã sẽ được biết do việc làm ấy. Như vậy, này Moggallàna, các đệ tử che chở mạng sống cho bậc Ðạo sư, và bậc Ðạo sư như vậy chờ đợi các đệ tử che chở mạng sống cho mình.

4.Lại nữa, này Moggallàna, ở đây có bậc Ðạo sư thuyết pháp không thanh tịnh, lại tự cho rằng: "Ta thuyết pháp thanh tịnh. Thuyết pháp của ta thanh tịnh, chói sáng, không có uế nhiễm". Nhưng các đệ tử biết về vị ấy như sau: "Tôn giả Ðạo sư này thuyết pháp không thanh tịnh, lại tự nghĩ rằng: "Ta thuyết pháp thanh tịnh. Thuyết pháp của ta thanh tịnh, trong sáng, không uế nhiễm". Nếu chúng ta tin cho các cư sĩ biết như vậy, thời vị Đạo sư ấy sẽ không bằng lòng. Và nếu vị ấy không bằng lòng, thời chúng ta sẽ xử sự như thế nào mới được". Và vị ấy nhận được các vật dụng nhu yếu như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Những gì tự ngã sẽ làm, tự ngã sẽ được biết do việc làm ấy. Như vậy, này Moggallàna, các đệ tử phòng hộ sự thuyết pháp cho bậc Ðạo sư, và bậc Ðạo sư như vậy chờ đợi các đệ tử che chở thuyết pháp cho mình.

5.Lại nữa, này Moggallàna, ở đây có bậc Ðạo sư trả lời không thanh tịnh, lại tự cho rằng: "Ta trả lời thanh tịnh. Trả lời của ta thanh tịnh, chói sáng, không có uế nhiễm". Nhưng các đệ tử biết về vị ấy như sau: "Tôn giả Ðạo sư này trả lời không thanh tịnh, lại nghĩ rằng: "Ta trả lời thanh tịnh. Trả lời của ta thanh tịnh, chói sáng, không uế nhiễm". Nếu chúng ta tin cho các cư sĩ biết như vậy, thời vị Ðạo sư ấy sẽ không bằng lòng và nếu vị ấy không bằng lòng, thời chúng ta sẽ xử sự như thế nào mới được". Và vị ấy nhận được các vật dụng nhu yếu như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Những gì tự ngã sẽ làm, tự ngã sẽ được biết do việc làm ấy. Như vậy, này Moggallàna, các đệ tử che chở trả lời cho bậc Ðạo sư, và bậc Ðạo sư như vậy chờ đợi các đệ tử che chở trả lời cho mình.

6.Lại nữa, này Moggallàna, ở đây có bậc Ðạo sư tri kiến không thanh tịnh, lại tự cho rằng: "Ta có tri kiến thanh tịnh. Tri kiến của ta thanh tịnh, chói sáng, không có uế nhiễm". Nhưng các đệ tử biết về vị ấy như sau: "Tôn giả Ðạo sư này tri kiến không thanh tịnh, lại tự nghĩ rằng: "Ta có tri kiến thanh tịnh. Tri kiến của ta thanh tịnh, trong sáng, không có uế nhiễm". Nếu chúng ta tin cho các cư sĩ biết như vậy, thời vị Ðạo sư sẽ không bằng lòng và nếu vị ấy không bằng lòng, thời chúng ta sẽ xử sự như thế nào mới được". Và vị ấy nhận được các vật dụng nhu yếu như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Những gì tự ngã sẽ làm, tự ngã sẽ được biết do việc làm ấy. Như vậy, này Moggallàna, các đệ tử che chở tri kiến cho bậc Ðạo sư, và bậc Ðạo sư như vậy chờ đợi các đệ tử che chở tri kiến cho mình.

7.Này Moggallàna, Ta có giới thanh tịnh, và Ta tự biết: "Giới của Ta thanh tịnh, trong sáng, không có uế nhiễm". Các đệ tử không có che chở Ta về giới, và Ta không có chờ đợi các đệ tử che chở Ta về giới. Mạng sống của Ta thanh tịnh, Ta tự rõ biết: "Mạng sống của Ta thanh tịnh, trong sáng, không có uế nhiễm". Các đệ tử không có che chở Ta về mạng sống, và Ta không có chờ đợi các đệ tử che chở cho Ta về mạng sống. Thuyết pháp của Ta thanh tịnh, Ta tự rõ biết: "Thuyết pháp của Ta thanh tịnh, Ta tự rõ biết: "Thuyết pháp của Ta thanh tịnh, trong sáng, không có uế nhiễm". Các đệ tử không có che chở Ta về thuyết pháp và Ta không có chờ đợi các đệ tử che chở Ta về thuyết pháp. Các câu trả lời của Ta thanh tịnh, Ta tự rõ biết :" Các câu trả lời của Ta thanh tịnh, trong sáng, không có uế nhiễm". Các đệ tử không có che chở Ta về các câu trả lời, và Ta không có chờ đợi các đệ tử che chở Ta về các câu trả lời. Tri kiến của Ta thanh tịnh, Ta tự rõ biết: "Tri kiến của Ta thanh tịnh, trong sáng, không có uế nhiễm". Các đệ tử không có che chở Ta về tri kiến, và Ta không có chờ đợi các đệ tử che chở Ta về tri kiến.



Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada