“Thưa ngài Nāgasena, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến:
‘(Vật thực do) việc ngâm nga các bài kệ sẽ không được Ta thọ dụng. Này Bà-la-môn, đối với những vị đang xem xét thì việc ấy không phải là Pháp. Chư Phật khước từ việc ngâm nga các bài kệ. Này Bà-la-môn, việc ấy là cách hành xử khi Giáo Pháp hiện hữu.’
Và thêm nữa, đức Thế Tôn trong khi thuyết giảng Giáo Pháp có phương pháp, trong khi giảng giải theo thứ lớp, trước tiên hết giảng giải bài thuyết về bố thí, kế đến là bài thuyết về giới. Sau khi lắng nghe lời giảng giải của đức Thế Tôn ấy, vị chúa tể của tất cả các thế giới, chư Thiên và nhân loại chuẩn bị và dâng cúng vật thí. Vật thí ấy đã được gởi đến cho Ngài và các đệ tử thọ dụng.
Thưa ngài Nāgasena, nếu điều đã được nói bởi đức Thế Tôn là: ‘(Vật thực do) việc ngâm nga các bài kệ sẽ không được Ta thọ dụng,’ như thế thì lời nói rằng: ‘Đức Thế Tôn giảng giải bài thuyết về bố thí trước tiên’ là sai trái. Nếu Ngài giảng giải bài thuyết về bố thí trước tiên, như thế thì lời nói rằng: ‘(Vật thực do) việc ngâm nga các bài kệ sẽ không được Ta thọ dụng’ cũng là sai trái. Vì lý do gì? Thưa ngài, vị nào đó, là bậc xứng đáng cúng dường, giảng giải cho hàng tại gia bài thuyết về quả thành tựu của việc bố thí vật thực, sau khi lắng nghe bài giảng về Giáo Pháp của vị ấy, họ có tâm tịnh tín rồi liên tục dâng cúng vật thí. Các vị nào thọ dụng vật thí ấy, tất cả các vị ấy thọ dụng (vật thực do) việc ngâm nga các bài kệ. Câu hỏi này cũng có cả hai khía cạnh, khôn khéo, thâm sâu, được dành cho ngài. Nó nên được giải quyết bởi ngài.”
“Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến:
‘(Vật thực do) việc ngâm nga các bài kệ sẽ không được Ta thọ dụng. Này Bà-la-môn, đối với những vị đang xem xét thì việc ấy không phải là Pháp. Chư Phật khước từ việc ngâm nga các bài kệ. Này Bà-la-môn, việc ấy là cách hành xử khi Giáo Pháp hiện hữu.’
Và đức Thế Tôn giảng giải bài thuyết về bố thí trước tiên. Hơn nữa, điều ấy là việc làm của tất cả các đức Như Lai, trước hết bằng bài thuyết về bố thí, các Ngài làm cho tâm (người nghe) được thích thú vào việc ấy, sau đó khiến cho (người nghe) gắn bó vào giới. Tâu đại vương, giống như đối với những đứa trẻ còn nhỏ, người ta trước tiên hết cho chúng những món đồ chơi, như là móc câu, gậy ngắn, cối xay, vật đong đo, xe kéo, cây cung, sau đó gắn bó chúng theo hành động của mỗi đứa. Tâu đại vương, tương tợ y như thế đức như Lai trước tiên hết làm cho tâm (người nghe) được thích thú bằng bài thuyết về bố thí sau đó khiến cho (người nghe) gắn bó vào giới.
Tâu đại vương, hoặc là giống như người thầy thuốc đối với những người bệnh, trước tiên hết cho uống dầu bốn năm ngày để tạo ra sức mạnh để làm cho mềm, sau đó cho thuốc xổ. Tâu đại vương, tương tợ y như thế đức như Lai trước hết làm cho tâm được thích thú bằng bài thuyết về bố thí sau đó khiến cho gắn bó vào giới.
Tâu đại vương, tâm của những người bố thí, của những thí chủ là nhu thuận, dịu dàng, mềm mại. Nhờ cây cầu và đường đi của việc bố thí ấy, những người ấy tiến đến gần bờ bên kia của biển cả luân hồi nhờ vào con thuyền của sự bố thí. Do đó, đối với những người ấy trước hết Ngài chỉ dạy về nền tảng của nghiệp, nhưng không vì điều ấy mà phạm vào sự yêu cầu.”
“Thưa ngài Nāgasena, điều mà ngài nói là ‘yêu cầu,’ vậy thì các sự yêu cầu ấy có bao nhiêu loại?”
“Tâu đại vương, đây là hai sự yêu cầu: Yêu cầu bằng thân và yêu cầu bằng khẩu. Trong trường hợp ấy, có sự yêu cầu bằng thân là có tội, có sự yêu cầu bằng thân là không có tội; có sự yêu cầu bằng khẩu là có tội, có sự yêu cầu bằng khẩu là không có tội. Sự yêu cầu bằng thân nào là có tội? Ở đây, một vị tỳ khưu nào đó đi đến các gia đình, đứng ở chỗ không thích hợp, rồi đứng lì tại chỗ; đây là sự yêu cầu bằng thân có tội. Các bậc Thánh không thọ dụng vật đã được yêu cầu ấy. Và theo quan điểm của các bậc Thánh, nhân vật ấy bị chê bai, bị khi dễ, bị khinh miệt, bị chê trách, bị xem thường, không được đếm xỉa đến, bị xem là ‘có sự nuôi mạng bị hư hỏng.’
Tâu đại vương, còn có điều khác nữa, ở đây một vị tỳ khưu nào đó đi đến các gia đình, đứng ở chỗ không thích hợp, nhướng cổ, nhìn soi mói với cái nhìn của loài công (nghĩ rằng): ‘Như vậy thì những người này sẽ nhìn thấy.’ Và do việc ấy, những người ấy nhìn thấy; đây là sự yêu cầu bằng thân có tội. Các bậc Thánh không thọ dụng vật đã được yêu cầu ấy. Và theo quan điểm của các bậc Thánh, nhân vật ấy bị chê bai, bị khi dễ, bị khinh miệt, bị chê trách, bị xem thường, không được đếm xỉa đến, bị xem là ‘có sự nuôi mạng bị hư hỏng.’
Tâu đại vương, còn có điều khác nữa, ở đây một vị tỳ khưu nào đó yêu cầu bằng quai hàm, hoặc bằng lông mày, hoặc bằng ngón cái; đây là sự yêu cầu bằng thân có tội. Các bậc Thánh không thọ dụng vật đã được yêu cầu ấy. Và theo quan điểm của các bậc Thánh, nhân vật ấy bị chê bai, bị khi dễ, bị khinh miệt, bị chê trách, bị xem thường, không được đếm xỉa đến, bị xem là ‘có sự nuôi mạng bị hư hỏng.’
Sự yêu cầu bằng thân nào là không có tội? Ở đây, một vị tỳ khưu nào đó đi đến các gia đình, có niệm, được định tĩnh, có sự tỉnh giác, đi đến chỗ đứng cũng như ở nơi không phải chỗ đứng theo lời chỉ dạy, rồi đứng tại chỗ, ở những người có ý định bố thí thì đứng (chờ), ở những người không có ý định bố thí thì bước đi; đây là sự yêu cầu bằng thân không có tội. Các bậc Thánh thọ dụng vật đã được yêu cầu ấy. Và theo quan điểm của các bậc Thánh, nhân vật ấy được khen ngợi, được ca tụng, được tán dương, được xem là ‘có hạnh giảm thiểu, có sự nuôi mạng trong sạch.’
Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn, vị Trời vượt trội các vị Trời, nói đến:
‘Các bậc có trí tuệ không cầu xin, các bậc Thánh chê trách việc cầu xin. Các bậc Thánh đứng theo quy định, việc ấy là sự cầu xin của các bậc Thánh.’
Sự yêu cầu bằng khẩu nào là có tội? Tâu đại vương, ở đây vị tỳ khưu yêu cầu các vật dụng là y, vật thực, chỗ ngụ, và thuốc men chữa bệnh bằng lời nói theo nhiều cách; đây là sự yêu cầu bằng khẩu có tội. Các bậc Thánh không thọ dụng vật đã được yêu cầu ấy. Và theo quan điểm của các bậc Thánh, nhân vật ấy bị chê bai, bị khi dễ, bị khinh miệt, bị chê trách, bị xem thường, không được đếm xỉa đến, bị xem là ‘có sự nuôi mạng bị hư hỏng.’
Tâu đại vương, còn có điều khác nữa, ở đây một vị tỳ khưu nào đó nói như vậy khiến cho những người khác nghe được: ‘Tôi có sự cần dùng với vật này.’ Và do lời nói ấy, do việc làm cho những người khác nghe được, lợi lộc phát sanh đến vị ấy; đây là sự yêu cầu bằng khẩu có tội. Các bậc Thánh không thọ dụng vật đã được yêu cầu ấy. Và theo quan điểm của các bậc Thánh, nhân vật ấy bị chê bai, bị khi dễ, bị khinh miệt, bị chê trách, bị xem thường, không được đếm xỉa đến, bị xem là ‘có sự nuôi mạng bị hư hỏng.’
Tâu đại vương, còn có điều khác nữa, ở đây một vị tỳ khưu nào đó thông báo cho hội chúng với việc loan tin bằng khẩu rằng: ‘Nên dâng cúng vật như vầy và như vầy đến các vị tỳ khưu.’ Và do việc ấy, những người ấy nghe theo lời nói rồi mang lại vật đã được thông báo; đây là sự yêu cầu bằng khẩu có tội. Các bậc Thánh không thọ dụng vật đã được yêu cầu ấy. Và theo quan điểm của các bậc Thánh, nhân vật ấy bị chê bai, bị khi dễ, bị khinh miệt, bị chê trách, bị xem thường, không được đếm xỉa đến, bị xem là ‘có sự nuôi mạng bị hư hỏng.’
Tâu đại vương, quả là trưởng lão Sāriputta, trong lúc bị bệnh vào ban đêm khi mặt trời đã lặn, trong khi được trưởng lão Mahāmoggallāna hỏi về thuốc chữa bệnh, đã nói ra lời. Do việc nói ra lời ấy của vị ấy, thuốc chữa bệnh đã phát sanh. Rồi trưởng lão Sāriputta (nghĩ rằng): ‘Do việc nói ra lời của ta mà thuốc chữa bệnh này đã được phát sanh. Chớ để cho sự nuôi mạng của ta bị hư hỏng,’ do sự lo âu về việc làm hư hỏng sự nuôi mạng nên đã từ chối, đã không sử dụng thuốc chữa bệnh ấy. Sự yêu cầu bằng khẩu như vậy cũng có tội. Các bậc Thánh không thọ dụng vật đã được yêu cầu ấy. Và theo quan điểm của các bậc Thánh, nhân vật ấy bị chê bai, bị khi dễ, bị khinh miệt, bị chê trách, bị xem thường, không được đếm xỉa đến, bị xem là ‘có sự nuôi mạng bị hư hỏng.’
Sự yêu cầu bằng khẩu nào là không có tội? Tâu đại vương, ở đây vị tỳ khưu khi có duyên cớ rồi yêu cầu thuốc chữa bệnh ở các gia đình đã được thỉnh cầu và ở thân quyến; đây là sự yêu cầu bằng khẩu không có tội. Các bậc Thánh thọ dụng vật đã được yêu cầu ấy. Và theo quan điểm của các bậc Thánh, nhân vật ấy được khen ngợi, được ca tụng, được tán dương, được xem là ‘có hạnh giảm thiểu, có sự nuôi mạng được trong sạch,’ và được cho phép bởi các đức Như Lai, bậc A-la-hán, đấng Chánh Đẳng Giác.
Tâu đại vương, trái lại việc đức Như Lai đã từ chối bữa ăn của Bà-la-môn Kasībhāradvāja, bữa ăn ấy được phát sanh do việc gây rối, việc tháo gỡ, việc lôi kéo, việc phê bình, và việc công kích. Do đó, đức Như Lai đã khước từ, đã không sử dụng phần vật thực ấy.”
“Thưa ngài Nāgasena, có phải chư Thiên luôn luôn rắc dưỡng chất của cõi trời vào bình bát trong lúc đức Như Lai đang thọ thực, hay là đã rắc vào ở hai món là ở món thịt lợn rừng và ở món cơm sữa ngọt mà thôi?”
“Tâu đại vương, trong lúc đức Như Lai thọ thực chư Thiên luôn luôn cầm lấy dưỡng chất của cõi trời, đứng gần bên, rồi rắc vào những nắm cơm mỗi một lúc được đưa lên (miệng). Tâu đại vương, giống như trong lúc đức vua đang ăn, người đầu bếp của vua cầm lấy món xúp, đứng gần bên, rồi rưới xúp vào mỗi một nắm cơm. Tâu đại vương, tương tợ y như thế trong lúc đức Như Lai thọ thực chư Thiên luôn luôn cầm lấy dưỡng chất của cõi trời, đứng gần bên, rồi rắc vào những nắm cơm mỗi một lúc được đưa lên (miệng).
Tâu đại vương, thậm chí ở Verañjā trong lúc đức Như Lai đang thọ thực những hạt lúa mạch khô khan, chư Thiên cũng tuần tự tẩm ướt (chúng) với dưỡng chất của cõi trời rồi đem lại. Nhờ thế, cơ thể của đức Như Lai đã được bồi bổ.”
“Thưa ngài Nāgasena, thật là điều lợi ích đối với chư Thiên ấy, là các vị đã thường xuyên, liên tục thể hiện sự nỗ lực trong việc chăm sóc thân thể của đức Như Lai. Thưa ngài Nāgasena, tốt lắm! Trẫm chấp nhận điều này đúng theo như vậy.”
Câu hỏi giảng về vật thực do việc ngâm nga các bài kệ là thứ chín.
*****
Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada