“Thưa ngài Nāgasena, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Căn nhà của người thợ gốm Ghaṭīkāra, có mái che là bầu trời, đã tồn tại suốt cả ba tháng, và đã không bị nước mưa.’ Và thêm nữa, Ngài đã nói rằng: ‘Cốc liêu của đức Như Lai Kassapa bị mưa dột.’ Thưa ngài Nāgasena, tại sao cốc liêu của đức Như Lai Kassapa, bậc có thiện căn đầy đủ như thế, lại bị mưa dột? Oai lực ấy của đức Như Lai là điều đáng được ao ước. Thưa ngài Nāgasena, nếu căn nhà của người thợ gốm Ghaṭīkāra, có mái che là bầu trời, đã không có mưa dột, như thế thì lời nói rằng: ‘Cốc liêu của đức Như Lai Kassapa bị mưa dột’ là sai trái. Nếu cốc liêu của đức Như Lai Kassapa bị mưa dột, như thế thì lời nói rằng: ‘Căn nhà của người thợ gốm Ghaṭīkāra, có mái che là bầu trời, đã không có mưa dột’ cũng là sai trái. Câu hỏi này cũng có cả hai khía cạnh, được dành cho ngài. Nó nên được giải quyết bởi ngài.”

“Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Căn nhà của người thợ gốm Ghaṭīkāra, có mái che là bầu trời, đã tồn tại suốt cả ba tháng, và đã không bị nước mưa.’ Và Ngài đã nói rằng: ‘Cốc liêu của đức Như Lai Kassapa bị mưa dột.’ Tâu đại vương, người thợ gốm Ghaṭīkāra là người có giới hạnh, có thiện pháp, có thiện căn đầy đủ, đang nuôi dưỡng cha mẹ mù lòa già yếu. (Các tỳ khưu) không có mặt của vị ấy, còn chưa có hỏi ý, đã lấy đi cỏ (lợp mái) ở nhà của vị ấy rồi che mái cho cốc liêu của đức Thế Tôn. Vị ấy, với việc lấy đi cỏ (lợp mái) ấy, đã đạt được niềm vui không bị lay chuyển, không bị dao động, khéo được ổn định, bao la, không thể sánh bằng, và còn làm sanh lên tâm hoan hỷ không thể ước lượng hơn thế nữa: ‘Ôi, quả nhiên đức Thế Tôn, bậc tối thượng ở thế gian, đã vô cùng tin tưởng ở ta!’ Do việc ấy, quả thành tựu hiện tiền đã sanh lên cho vị ấy. Tâu đại vương, bởi vì đức Như Lai không bị dao động vì chừng ấy sự xáo trộn.  

Tâu đại vương, giống như núi chúa Sineru cũng không rúng động không dao động bởi sự dồn dập của hàng trăm ngàn cơn gió; đại dương, biển cả cao quý và ưu tú, cũng không tràn đầy, không đi đến sự xáo trộn vì hàng trăm vạn trăm ngàn con sông lớn. Tâu đại vương, tương tợ y như thế đức Như Lai không bị dao động vì chừng ấy sự xáo trộn.

Tâu đại vương, hơn nữa về việc cốc liêu của đức Như Lai bị mưa dột, việc ấy là vì lòng thương tưởng đối với số đông nhân loại. Tâu đại vương, trong khi xem xét hai điều lợi ích này, các đức Như Lai không sử dụng vật thiết yếu được tự mình hóa hiện ra: -Chư Thiên và nhân loại (nghĩ rằng): ‘Bậc Đạo Sư này là bậc đáng cúng dường hạng nhất’ sẽ dâng cúng vật thiết yếu đến đức Thế Tôn và sẽ được hoàn toàn giải thoát khỏi mọi cảnh giới khổ đau -Chớ để những kẻ khác trách móc rằng: ‘Những vị này phô diễn điều kỳ diệu và tầm cầu sinh kế.’ Trong khi xem xét hai điều lợi ích này, các đức Như Lai không sử dụng vật thiết yếu được tự mình hóa hiện ra.

Tâu đại vương, nếu (Chúa Trời) Sakka hoặc đấng Brahmā, hoặc tự thân (đức Thế Tôn) làm cho cốc liêu ấy hết mưa dột thì có thể có điều đáng nói; chính việc làm ấy là có sự sai trái, có sự khiển trách rằng: ‘Những người này gây ra chuyện rồi mê hoặc thế gian, làm việc có tính chất dư thừa.’ Do đó, việc làm ấy là đáng bị chê trách. Tâu đại vương, các đức Như Lai không cầu xin vật chất. Do việc không cầu xin vật chất ấy, các Ngài không đáng bị quở trách.”

“Thưa ngài Nāgasena, tốt lắm! Trẫm chấp nhận điều này đúng theo như vậy.”

Câu hỏi về Ghaṭīkāra là thứ bảy.

*****



Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada