“Thưa ngài Nāgasena, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến:

Sợ hãi sanh ra từ sự thân thiết, bụi bặm sanh ra từ nhà ở, không nhà ở không thân thiết, quả thật điều ấy là quan điểm của bậc hiền trí.’[22]

Và thêm nữa, Ngài đã nói rằng: ‘Nên cho xây dựng trú xá đẹp, nên thỉnh các bậc nghe nhiều (học rộng) ngụ tại nơi ấy.’[23]

Thưa ngài Nāgasena, nếu điều đã được nói bởi đức Như Lai là: ‘Sợ hãi sanh ra từ sự thân thiết, bụi bặm sanh ra từ nhà ở, không nhà ở không thân thiết, quả thật điều ấy là quan điểm của bậc hiền trí,’ như thế thì lời nói rằng: ‘Nên cho xây dựng trú xá đẹp, nên thỉnh các bậc nghe nhiều (học rộng) ngụ tại nơi ấy’ là sai trái.

Nếu điều đã được nói bởi đức Như Lai là: ‘Nên cho xây dựng trú xá đẹp, nên thỉnh các bậc nghe nhiều (học rộng) ngụ tại nơi ấy,’ như thế thì lời nói rằng: ‘Sợ hãi sanh ra từ sự thân thiết, bụi bặm sanh ra từ nhà ở, không nhà ở không thân thiết, quả thật điều ấy là quan điểm của bậc hiền trí’ cũng là sai trái. Câu hỏi này cũng có cả hai khía cạnh, được dành cho ngài. Nó nên được giải quyết bởi ngài.”

“Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Sợ hãi sanh ra từ sự thân thiết, bụi bặm sanh ra từ nhà ở, không nhà ở không thân thiết, quả thật điều ấy là quan điểm của bậc hiền trí.

Và Ngài đã nói rằng: ‘Nên cho xây dựng trú xá đẹp, nên thỉnh các bậc nghe nhiều (học rộng) ngụ tại nơi ấy.’

Tâu đại vương, điều đã được đức Thế Tôn nói là: ‘Sợ hãi sanh ra từ sự thân thiết, bụi bặm sanh ra từ nhà ở, không nhà ở không thân thiết, quả thật điều ấy là quan điểm của bậc hiền trí,’ điều ấy là lời nói về bản thể, là lời nói không thiếu sót, là lời nói không thay đổi, (điều ấy) tương xứng với Sa-môn, thích hợp với Sa-môn, thích đáng với Sa-môn, xứng đáng với Sa-môn, (việc ấy) là hành xứ của Sa-môn, là cách thức của Sa-môn, là pháp hành của Sa-môn.

Tâu đại vương, giống như con nai, là loài thú rừng, trong khi lang thang ở rừng cây, rừng rậm, không chỗ ngụ, không nhà ở, thì ngủ (nơi nào) theo như ý thích, tâu đại vương, tương tợ y như thế vị tỳ khưu nên suy tư rằng: ‘Sợ hãi sanh ra từ sự thân thiết, bụi bặm sanh ra từ nhà ở, không nhà ở không thân thiết, quả thật điều ấy là quan điểm của bậc hiền trí.’

Tâu đại vương, trái lại về điều đã được đức Thế Tôn nói là: ‘Nên cho xây dựng trú xá đẹp, nên thỉnh các bậc nghe nhiều (học rộng) ngụ tại nơi ấy,’ điều ấy đã được đức Thế Tôn nói trong khi xem xét về hai lợi ích. Hai điều nào? Việc gọi là bố thí trú xá được tất cả chư Phật ngợi khen, đồng ý, tán dương, ca tụng rằng: ‘Những người ấy sau khi dâng cúng vật thí về trú xá ấy thì sẽ hoàn toàn giải thoát khỏi sanh-già-chết.’ Đây là lợi ích thứ nhất trong việc bố thí trú xá.  

Còn có điều khác nữa, trong khi trú xá được hiện hữu thì các tỳ khưu ni sẽ có được nơi gặp gỡ các vị (tỳ khưu) có kinh nghiệm, đối với những người có ước muốn tiếp kiến thì việc tiếp kiến sẽ là việc dễ dàng đạt được, việc khó tiếp kiến sẽ xảy ra khi không có trú xứ. Đây là lợi ích thứ nhì trong việc bố thí trú xá. Trong khi xem xét về hai lợi ích này, đức Thế Tôn đã nói rằng: ‘Nên cho xây dựng trú xá đẹp, nên thỉnh các bậc nghe nhiều (học rộng) ngụ tại nơi ấy.’ Trong trường hợp ấy, người con trai của đức Phật không nên biến chỗ ngụ thành nhà ở.”

“Thưa ngài Nāgasena, tốt lắm! Trẫm chấp nhận điều này đúng theo như vậy.”

Câu hỏi về sự thân thiết là thứ nhất.

*****



Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada