“Thưa ngài Nāgasena, ngài nói rằng: ‘Đức Như Lai là đấng Toàn Tri.’ Và thêm nữa, ngài nói rằng: ‘Khi hội chúng tỳ khưu đứng đầu là Sāriputta và Moggallāna bị đức Như Lai giải tán, các vị dòng Sakya ở tại Cātumā và Phạm Thiên Sahampati đã nhắc đến ví dụ về hạt giống và ví dụ về con bê nhỏ khiến cho đức Thế Tôn tin tưởng, tha thứ, và đã tỏ vẻ hài lòng.’
Thưa ngài Nāgasena, phải chăng đức Như Lai đã không biết đến các ví dụ ấy, và nhờ vào các ví dụ ấy mà đức Như Lai đã được thích thú, tha thứ, an tịnh, và đã tỏ vẻ hài lòng? Thưa ngài Nāgasena, nếu đức Như Lai đã không biết đến các ví dụ ấy, như thế thì đức Phật không là đấng Toàn Tri. Nếu biết, như thế thì Ngài đã ép buộc dời đi, đã giải tán, không có ý định tìm hiểu, như thế thì lòng thương xót không hiện hữu ở Ngài. Câu hỏi này cũng có cả hai khía cạnh, được dành cho ngài. Nó nên được giải quyết bởi ngài.”
“Tâu đại vương, đức Như Lai là đấng Toàn Tri. Và nhờ vào các ví dụ ấy mà đức Thế Tôn đã tin tưởng, thích thú, tha thứ, an tịnh, và đã tỏ vẻ hài lòng. Tâu đại vương, đức Như Lai là đấng Pháp Chủ. Nhờ vào các ví dụ đã được chính đức Như Lai công bố ấy mà các vị đã làm cho đức Như Lai được vừa ý, vui vẻ, tin tưởng. Và tin tưởng vào các vị ấy, đức Như Lai đã nói lời tùy hỷ rằng: ‘Tốt lắm!’
Tâu đại vương, hoặc là giống như người đàn bà nhờ vào tài sản của chính mình dành cho người chồng mà làm cho chồng được vừa ý, vui vẻ, tin tưởng. Và người chồng nói với cô ấy lời tùy hỷ rằng: ‘Tốt lắm!’ Tâu đại vương, tương tợ y như thế nhờ vào các ví dụ đã được chính đức Như Lai công bố ấy mà các vị dòng Sakya ở tại Cātumā và Phạm Thiên Sahampati đã làm cho đức Như Lai được vừa ý, vui vẻ, tin tưởng. Và tin tưởng vào các vị ấy, đức Như Lai đã nói lời tùy hỷ rằng: ‘Tốt lắm!’
Tâu đại vương, hoặc là giống như người thợ cạo, trong lúc trang điểm cái đầu của đức vua, nhờ vào cái lược vàng của chính mình dành cho đức vua mà làm cho đức vua được vừa ý, vui vẻ, tin tưởng. Và tin tưởng vào người ấy, đức vua nói lời tùy hỷ rằng: ‘Tốt lắm!’ rồi ban thưởng theo như ước muốn. Tâu đại vương, tương tợ y như thế nhờ vào các ví dụ đã được chính đức Như Lai công bố ấy mà các vị dòng Sakya ở tại Cātumā và Phạm Thiên Sahampati đã làm cho đức Như Lai được vừa ý, vui vẻ, tin tưởng. Và tin tưởng vào các vị ấy, đức Như Lai đã nói lời tùy hỷ rằng: ‘Tốt lắm!’
Tâu đại vương, hoặc là giống như người đệ tử sau khi nhận lấy đồ ăn khất thực đã được mang lại cho thầy tế độ, trong khi dâng lên cho thầy tế độ mà làm cho thầy tế độ được vừa ý, vui vẻ, tin tưởng. Và tin tưởng vào người ấy, thầy tế độ nói lời tùy hỷ rằng: ‘Tốt lắm!’ Tâu đại vương, tương tợ y như thế nhờ vào các ví dụ đã được chính đức Như Lai công bố ấy mà các vị dòng Sakya ở tại Cātumā và Phạm Thiên Sahampati đã làm cho đức Như Lai được vừa ý, vui vẻ, tin tưởng. Và tin tưởng vào các vị ấy, đức Như Lai sau khi nói lời tùy hỷ rằng: ‘Tốt lắm!’ rồi đã thuyết giảng Giáo Pháp đưa đến sự hoàn toàn giải thoát mọi khổ đau.”
“Thưa ngài Nāgasena, tốt lắm! Trẫm chấp nhận điều này đúng theo như vậy.”
Câu hỏi về bản thể toàn tri của đức Như Lai là thứ mười.
Phẩm về Trí Toàn Tri là thứ tư.
(Trong phẩm này có mười câu hỏi)
--ooOoo--
Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada