“Thưa ngài Nāgasena, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Này các tỳ khưu, không nên tự kết liễu bản thân;[1] vị nào tự kết liễu thì nên được hành xử theo pháp.’ Và thêm nữa, ngài nói rằng: ‘Ở bất cứ nơi nào, trong khi thuyết giảng Giáo Pháp cho các đệ tử, đức Thế Tôn thuyết giảng Giáo Pháp bằng nhiều phương tiện nhằm cắt đứt hoàn toàn đối với sanh, đối với già, đối với bệnh, đối với chết. Bởi vì bất cứ vị nào vượt qua sanh-già-bệnh-chết, Ngài ca ngợi vị ấy với lời ca ngợi cao cả nhất.’ Thưa ngài Nāgasena, nếu điều đã được nói bởi đức Thế Tôn là: ‘Này các tỳ khưu, không nên tự kết liễu bản thân; vị nào tự kết liễu thì nên được hành xử theo pháp,’ như thế thì lời nói rằng: ‘Ngài thuyết giảng Giáo Pháp nhằm cắt đứt hoàn toàn đối với sanh, đối với già, đối với bệnh, đối với chết’ là sai trái. Nếu Ngài thuyết giảng Giáo Pháp nhằm cắt đứt hoàn toàn đối với sanh, đối với già, đối với bệnh, đối với chết, như thế thì lời nói rằng: ‘Này các tỳ khưu, không nên tự kết liễu bản thân; vị nào tự kết liễu thì nên được hành xử theo pháp’ cũng là sai trái. Câu hỏi này cũng có cả hai khía cạnh, được dành cho ngài. Nó nên được giải quyết bởi ngài.”

“Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Này các tỳ khưu, không nên tự kết liễu bản thân; vị nào tự kết liễu thì nên được hành xử theo pháp.’ Ở bất cứ nơi nào, trong khi thuyết giảng Giáo Pháp cho các đệ tử, đức Thế Tôn thuyết giảng Giáo Pháp bằng nhiều phương tiện nhằm cắt đứt hoàn toàn đối với sanh, đối với già, đối với bệnh, đối với chết. Tuy nhiên trường hợp ấy là có lý do, mà với lý do ấy đức Thế Tôn đã khước từ và đã khuyến khích.”  

“Thưa ngài Nāgasena, vậy thì ở đây có lý do gì mà với lý do ấy đức Thế Tôn đã khước từ và đã khuyến khích?”

“Tâu đại vương, người có giới, đầy đủ về giới, giống như liều thuốc giải trong việc tiêu diệt chất độc phiền não của chúng sanh, giống như phương thuốc làm dịu xuống cơn bệnh phiền não của chúng sanh, giống như nước trong việc tẩy trừ bụi bặm phiền não của chúng sanh, giống như viên ngọc quý ma-ni trong việc ban phát tất cả các sự thành tựu cho chúng sanh, giống như chiếc thuyền trong việc vượt lên trên bốn dòng lũ của chúng sanh, giống như người hướng dẫn đoàn xe trong việc vượt qua bãi sa mạc tái sanh của chúng sanh, giống như làn gió trong việc dập tắt sức nóng của ngọn lửa gồm ba loại cho chúng sanh, giống như cơn mưa lớn trong việc làm tràn đầy tâm ý của chúng sanh, giống như người thầy trong việc rèn luyện điều tốt đẹp cho chúng sanh, giống như người hướng dẫn khéo léo trong việc chỉ ra đạo lộ an toàn cho chúng sanh. Tâu đại vương, người có hình thức như thế là có nhiều đức tính, có vô số đức tính, có vô lượng đức tính, có một khối đức tính, có một đống đức tính, là người làm lợi lạc cho chúng sanh, tâu đại vương, vì lòng thương tưởng chúng sanh (nghĩ rằng): ‘Chớ để người có giới bị tiêu hoại,’ đức Thế Tôn đã quy định điều học: ‘Này các tỳ khưu, không nên tự kết liễu bản thân; vị nào tự kết liễu thì nên được hành xử theo pháp.’ Tâu đại vương, ở đây điều này là lý do mà với lý do ấy đức Thế Tôn đã khước từ.

Tâu đại vương, điều này cũng đã được vị trưởng lão Kumārakassapa, vị Pháp sư có tài hùng biện, trong lúc đang làm sáng tỏ về thế giới khác cho đức vua Pāyāsi: ‘Thưa bệ hạ, các vị Sa-môn, Bà-la-môn có giới, có thiện pháp, tồn tại thời gian dài lâu như thế nào thì họ thực hành vì sự lợi ích cho nhiều người, vì sự an lạc cho nhiều người, vì lòng tương tưởng thế gian, vì sự tốt đẹp, vì sự lợi ích, vì sự an lạc cho chư Thiên và loài người như thế ấy.’

Vậy thì vì lý do gì mà đức Thế Tôn đã khuyến khích? Tâu đại vương, sanh cũng là khổ, già cũng là khổ, chết cũng là khổ, sầu muộn cũng là khổ, than vãn cũng là khổ, khổ đau cũng là khổ, ưu phiền cũng là khổ, thất vọng cũng là khổ, sự liên hệ với những gì không yêu thích cũng là khổ, sự xa lìa với những gì yêu thích cũng là khổ, cái chết của mẹ cũng là khổ, cái chết của cha cũng là khổ, cái chết của anh em trai cũng là khổ, cái chết của chị em gái cũng là khổ, cái chết của con cũng là khổ, cái chết của vợ cũng là khổ, mất mát về thân quyến cũng là khổ, mất mát vì bệnh tật cũng là khổ, mất mát về tài sản cũng là khổ, mất mát về giới cũng là khổ, mất mát về kiến thức cũng là khổ, sợ hãi vì đức vua cũng là khổ, sợ hãi vì trộm cướp cũng là khổ, sợ hãi vì kẻ thù cũng là khổ, sợ hãi vì vật thực khó khăn cũng là khổ, sợ hãi vì lửa cũng là khổ, sợ hãi vì nước cũng là khổ, sợ hãi vì sóng nước cũng là khổ, sợ hãi vì nước xoáy cũng là khổ, sợ hãi vì cá sấu cũng là khổ, sợ hãi vì cá dữ cũng là khổ, sợ hãi vì sự quở trách của bản thân cũng là khổ, sợ hãi vì sự quở trách của người khác cũng là khổ, sợ hãi vì hình phạt cũng là khổ, sợ hãi vì khổ cảnh cũng là khổ, sợ hãi vì e ngại tập thể cũng là khổ, sợ hãi vì sự nuôi mạng cũng là khổ, sợ hãi vì sự chết cũng là khổ, việc đánh đập bằng những cây gậy cũng là khổ, việc đánh đập bằng những cây roi cũng là khổ, việc đánh đập bằng những cây đoản côn cũng là khổ, việc chặt bàn tay cũng là khổ, việc chặt bàn chân cũng là khổ, việc chặt bàn tay và bàn chân cũng là khổ, việc cắt tai cũng là khổ, việc xẻo mũi cũng là khổ, việc cắt tai và xẻo mũi cũng là khổ,  

việc (nhúng vào) hũ giấm chua cũng là khổ, việc cạo đầu bôi vôi cũng là khổ, việc đốt lửa ở miệng cũng là khổ, việc thiêu sống cũng là khổ, việc đốt cháy ở bàn tay cũng là khổ, việc lột da thành sợi cũng là khổ, việc mặc y phục vỏ cây cũng là khổ, việc kéo căng thân người ở trên đất cũng là khổ, việc xiên da thịt bằng lưỡi câu cũng là khổ, việc khoét thịt thành đồng tiền cũng là khổ, việc chà xát với chất kiềm cũng là khổ, việc quay tròn ở trên thập tự giá cũng là khổ, việc ngồi ở ghế rơm cũng là khổ, việc rưới bằng dầu sôi cũng là khổ, việc cho những con chó gặm cũng là khổ, việc đặt trên giáo nhọn lúc còn sống cũng là khổ, việc chặt đầu bằng gươm cũng là khổ.[2] Tâu đại vương, người bị luân hồi gánh chịu các khổ đau nhiều thứ vô số loại có hình thức như thế.

Tâu đại vương, giống như nước tích lũy ở núi Hi-mã-lạp ngập tràn ở các viên đá, sỏi, cát nhám, vực nước xoáy, ghềnh, thác, vật chướng ngại, vật ngăn cản, rễ cây, cành lá ở sông Gaṅgā, tâu đại vương, tương tợ y như thế người bị luân hồi gánh chịu các khổ đau nhiều thứ vô số loại có hình thức như thế.

Tâu đại vương, khổ đau thì bị xoay chuyển, an lạc (Niết Bàn) thì không bị xoay chuyển. Tâu đại vương, trong khi giải thích rõ về đức tính của sự không bị xoay chuyển và nguy hiểm của sự bị xoay chuyển, vì sự chứng ngộ pháp không bị xoay chuyển, vì sự vượt qua sanh-già-bệnh-chết mà đức Thế Tôn đã khuyến khích. Tâu đại vương, ở đây điều này là lý do mà với lý do ấy đức Thế Tôn đã khuyến khích.”

“Thưa ngài Nāgasena, tốt lắm! Câu hỏi đã khéo được tháo gỡ. Lý do đã được giảng giải rõ ràng. Trẫm chấp nhận điều này đúng theo như vậy.”

Câu hỏi về việc tự kết liễu bản thân là thứ năm.

*****



Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada