“Thưa ngài Nāgasena, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến ở bài giảng Pháp về quy luật tự nhiên: ‘Ngay trong thời quá khứ, mẹ cha của các đức Bồ Tát là được xác định, cội cây Bồ Đề là được xác định, các vị Thinh Văn hàng đầu là được xác định, người con trai là được xác định, vị thị giả là được xác định.’ Và thêm nữa, ngài nói rằng: ‘Khi ngự ở tập thể Chư Thiên Tusitā, đức Bồ Tát quán xét tám điều quán xét chánh yếu: Quán xét về thởi điểm, quán xét về châu lục, quán xét về xứ sở, quán xét về gia tộc, quán xét về người mẹ, quán xét về tuổi thọ, quán xét về tháng (thời gian trụ thai), quán xét về việc xuất ly.’ Thưa ngài Nāgasena, khi trí chưa được chín muồi thì không có sự giác ngộ. Khi trí đã chín muồi thì không thể chờ đợi dầu chỉ trong nháy mắt. Trí đã chín muồi sẽ không bị vượt qua. Tại sao đức Bồ Tát quán xét thời điểm rằng: ‘Ta tái sanh vào thời điểm nào?’ Khi trí chưa được chín muồi thì không có sự giác ngộ. Khi trí đã chín muồi thì không thể chờ đợi dầu chỉ trong nháy mắt. Tại sao đức Bồ Tát quán xét gia tộc rằng: ‘Ta tái sanh vào gia tộc nào?’ Thưa ngài Nāgasena, nếu mẹ cha của các đức Bồ Tát là được xác định ngay trong thời quá khứ, như thế thì lời nói rằng: ‘Quán xét về gia tộc’ là sai trái. Nếu (đức Bồ Tát) quán xét về gia tộc, như thế thì lời nói rằng: ‘Mẹ cha của các đức Bồ Tát là được xác định ngay trong thời quá khứ’ cũng là sai trái. Câu hỏi này cũng có cả hai khía cạnh, được dành cho ngài. Nó nên được giải quyết bởi ngài.”
“Tâu đại vương, mẹ cha của các đức Bồ Tát là được xác định ngay trong thời quá khứ, và đức Bồ Tát quán xét về gia tộc. Nhưng quán xét về gia tộc như thế nào? Quán xét về gia tộc như vầy: ‘Những người nào là mẹ cha của ta, có phải những người ấy là Sát-đế-lỵ hay là Bà-la-môn?’
Tâu đại vương, sự việc chưa xảy đến nên được xem xét trước đối với tám hạng. Đối với tám hạng nào? Tâu đại vương, đối với thương buôn, hàng hóa mua bán nên được xem xét trước. Đối với con voi chúa, con đường chưa đi đến nên được xem xét trước bằng vòi. Đối với người đánh xe bò, bến nước cạn chưa đi đến nên được xem xét trước. Đối với người thuyền trưởng, bến tàu chưa đi đến nên được xem xét trước rồi mới nên cho thuyền tiến vào. Đối với người thầy thuốc, nên xem xét trước về tuổi thọ rồi mới nên đến gần người bệnh. Đối với cây cầu để vượt qua, nên biết trước về tình trạng bền hay yếu rồi mới nên bước lên. Đối với vị tỳ khưu, nên quán xét trước về thời gian (thọ thực) còn chưa trôi qua rồi mới nên thọ dụng thức ăn. Đối với các đức Bồ Tát, nên xem xét trước về gia tộc là gia tộc Sát-đế-ly hay là gia tộc Bà-la-môn. Tâu đại vương, đối với tám hạng này thì sự việc chưa xảy đến nên được xem xét trước.”
“Thưa ngài Nāgasena, tốt lắm! Trẫm chấp nhận điều này đúng theo như vậy.”
Câu hỏi về quy luật tự nhiên đối với đức Bồ Tát là thứ tư.
*****
Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada