“Thưa ngài Nāgasena, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Khi cố tình nói dối thì phạm tội pārājika.’ Và thêm nữa, Ngài đã nói rằng: ‘Khi cố tình nói dối thì phạm tội nhẹ với việc sám hối trong sự hiện diện của một vị.’ Thưa ngài Nāgasena, vậy thì ở đây có điều gì khác nhau? Lý do gì mà do một lời nói dối thì bị đứt đoạn và do một lời nói dối lại có được sự sửa chữa? Thưa ngài Nāgasena, nếu đức Thế Tôn đã nói rằng: ‘Khi cố tình nói dối thì phạm tội pārājika,’ như thế thì lời nói rằng: ‘Khi cố tình nói dối thì phạm tội nhẹ với việc sám hối trong sự hiện diện của một vị’ là sai trái. Nếu đức Như Lai đã nói rằng: ‘Khi cố tình nói dối thì phạm tội nhẹ với việc sám hối trong sự hiện diện của một vị,’ như thế thì lời nói rằng: ‘Khi cố tình nói dối thì phạm tội pārājika’ cũng là sai trái. Câu hỏi này cũng có cả hai khía cạnh, được dành cho ngài. Nó nên được giải quyết bởi ngài.”

“Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Khi cố tình nói dối thì phạm tội pārājika.’ Và Ngài đã nói rằng: ‘Khi cố tình nói dối thì phạm tội nhẹ với việc sám hối trong sự hiện diện của một vị.’ Và điều ấy là nặng hay nhẹ tùy theo mức độ của sự việc. Tâu đại vương, đại vương nghĩ gì về điều này? Ở đây, có kẻ tung cú đấm bằng bàn tay vào người khác, đại vương xét xử hình phạt gì đối với kẻ ấy?”

“Thưa ngài, nếu người kia nói: ‘Tôi không tha thứ,’ thì chúng tôi sẽ bảo kẻ không được tha thứ ấy mang lại một đồng tiền.”  

“Tâu đại vương, trái lại ở đây nếu chính kẻ ấy tung cú đấm bằng bàn tay vào đại vương, thì kẻ ấy chịu hình phạt gì?”

“Thưa ngài, đối với kẻ ấy trẫm có thể bảo chặt bàn tay, cũng có thể bảo chặt bàn chân, có thể bảo chặt theo lối xử trảm đến tận cái đầu, cũng có thể cho tịch thu toàn bộ nhà cửa của kẻ ấy, và thủ tiêu hai bên nội ngoại cho đến bảy đời.”

“Tâu đại vương, vậy thì ở đây có điều gì khác nhau? Lý do gì mà trong việc đấm bằng bàn tay vào một người thì chịu hình phạt nhẹ một đồng tiền, còn trong việc đấm bằng bàn tay vào đại vương thì chịu sự bị chặt bàn tay, sự bị chặt bàn chân, cho đến việc bị chặt theo lối xử trảm đến tận cái đầu, sự tịch thu toàn bộ nhà cửa, sự thủ tiêu hai bên nội ngoại cho đến bảy đời.”

“Thưa ngài, do sự cách biệt giữa loài người.”

“Tâu đại vương, tương tợ y như thế việc cố tình nói dối là nặng hay nhẹ tùy theo mức độ của sự việc.”

“Thưa ngài Nāgasena, tốt lắm! Trẫm chấp nhận điều này đúng theo như vậy.”

Câu hỏi về tính chất nặng nhẹ của lời nói dối là thứ ba.

*****



Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada