1.“Thưa ngài Nāgasena, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Này Ānanda, các ngươi chớ bị bận rộn với việc cúng dường nhục thân của Như Lai.’
Và thêm nữa, Ngài đã nói rằng:
‘Các ngươi hãy cúng dường xá-lợi của bậc đáng được cúng dường. Làm như vậy, các ngươi từ chốn này sẽ đi đến cõi trời.’
Thưa ngài Nāgasena, nếu đức Như Lai đã nói rằng: ‘Này Ānanda, các ngươi chớ bị bận rộn với việc cúng dường nhục thân của Như Lai,’ như thế thì lời nói rằng: ‘Các ngươi hãy cúng dường xá-lợi của bậc đáng được cúng dường. Làm như vậy, các ngươi từ chốn này sẽ đi đến cõi trời’ là sai trái. Nếu đức Như Lai đã nói rằng: ‘Các ngươi hãy cúng dường xá-lợi của bậc đáng được cúng dường. Làm như vậy, các ngươi từ chốn này sẽ đi đến cõi trời,’ như thế thì lời nói rằng: ‘Này Ānanda, các ngươi chớ bị bận rộn với việc cúng dường nhục thân của Như Lai’ cũng là sai trái. Câu hỏi này cũng có cả hai khía cạnh, được dành cho ngài. Nó nên được giải quyết bởi ngài.”
2.“Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Này Ānanda, các ngươi chớ bị bận rộn với việc cúng dường nhục thân của Như Lai.’ Và thêm nữa, Ngài đã nói rằng: ‘Các ngươi hãy cúng dường xá-lợi của bậc đáng được cúng dường. Làm như vậy, các ngươi từ chốn này sẽ đi đến cõi trời.’ Tuy nhiên, điều đã được nói ấy: ‘Này Ānanda, các ngươi chớ bị bận rộn với việc cúng dường nhục thân của Như Lai’ không dành cho tất cả, mà chỉ liên quan đến các người con trai của đấng Chiến Thắng.
Tâu đại vương, điều này, tức là việc cúng dường, không phải là việc làm của những người con trai của đấng Chiến Thắng. Việc quán sát về các hành, tác ý đúng đường lối, quan sát về bốn sự thiết lập niệm, nắm lấy điều tinh túy của đề mục, sự chiến đấu với các phiền não, sự bám theo mục đích của mình, điều này là việc cần phải làm của những người con trai của đấng Chiến Thắng. Cúng dường là việc nên làm đối với các thành phần còn lại là chư Thiên và nhân loại.
Tâu đại vương, giống như đối với các vị hoàng tử ở trên quả đất thì có các môn học về voi, ngựa, xe, cung, gươm, viết chữ, quản lý, binh thư, lắng nghe, khéo tiếp nhận, chiến đấu, động viên là công việc cần phải làm; còn đối với các thành phần còn lại như các thương buôn và nô lệ phàm phu thì việc trồng trọt, buôn bán, chăn giữ trâu bò là việc cần phải làm. Tâu đại vương, tương tợ y như thế việc này, tức là việc cúng dường, không phải là việc làm của những người con trai của đấng Chiến Thắng. Việc quán sát về các hành, tác ý đúng đường lối, quan sát về bốn sự thiết lập niệm, nắm lấy điều tinh túy của đề mục, sự chiến đấu với các phiền não, sự bám theo mục đích của mình, điều này là việc cần phải làm của những người con trai của đấng Chiến Thắng. Cúng dường là việc nên làm đối với các thành phần còn lại là chư Thiên và nhân loại.
3.Tâu đại vương, hoặc là giống như đối với các thanh niên Bà-la-môn thì các môn học như (bốn bộ Vệ Đà) Rig-Veda, Yajur-Veda, Sāma-Veda, Atharva-Veda, tướng số, truyền thống, truyền thuyết, từ vựng, nghi thức, sự phân tích âm từ, cú pháp, văn phạm, cấu trúc ngôn ngữ, hiện tượng, giấc mơ, điềm báo hiệu, sáu chi phần (của kinh Vệ Đà), nguyệt thực, nhật thực, sự di chuyển che khuất của các thiên thể, sự tranh giành ảnh hưởng của các vì sao, sự xuất hiện, sự rơi của thiên thể, sự động đất, sự bừng sáng ở các phương, bầu khí quyển, thiên văn học, tương lai của thế gian, điềm báo từ loài chó, điềm báo từ loài thú, điểm báo từ vị trí của các vì sao, hiện tượng bị xáo trộn, tiếng kêu của các loài chim là việc cần phải làm; còn đối với các thành phần còn lại như các thương buôn và nô lệ phàm phu thì việc trồng trọt, buôn bán, chăn giữ trâu bò là việc cần phải làm.
Tâu đại vương, tương tợ y như thế việc này, tức là việc cúng dường, không phải là việc làm của những người con trai của đấng Chiến Thắng. Việc quán sát về các hành, tác ý đúng đường lối, quan sát về bốn sự thiết lập niệm, nắm lấy điều tinh túy của đề mục, sự chiến đấu với các phiền não, sự bám theo mục đích của mình, điều này là việc cần phải làm của những người con trai của đấng Chiến Thắng. Cúng dường là việc nên làm đối với các thành phần còn lại là chư Thiên và nhân loại. Tâu đại vương, do đó đức Như Lai (nghĩ rằng): ‘Chớ để những người này vướng bận về những việc không phải là phận sự. Hãy để những người này gắn bó với những công việc của chính mình’ nên đã nói rằng: ‘Này Ānanda, các ngươi chớ bị bận rộn với việc cúng dường nhục thân của Như Lai.’ Tâu đại vương, nếu đức Như Lai không nói điều này, thì các vị tỳ khưu sau khi nhận lấy y và bình bát của mình rồi làm chỉ mỗi việc cúng dường đức Phật.”
“Thưa ngài Nāgasena, tốt lắm! Trẫm chấp nhận điều này đúng theo như vậy.”
Câu hỏi về sự cúng dường đức Phật là thứ bảy.
*****
Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada