1.“Thưa ngài Nāgasena, ngài nói rằng: ‘Đức Như Lai xua đi điều bất lợi và đem lại điều lợi ích cho tất cả chúng sanh.’ Và thêm nữa, ngài còn nói rằng: ‘Trong khi bài Pháp Ví Dụ Về Đống Lửa[1] đang được thuyết giảng, máu nóng đã trào ra từ miệng của các tỳ khưu có số lượng sáu mươi vị.’ Thưa ngài, trong khi đức Như Lai đang thuyết giảng bài Pháp Ví Dụ Về Đống Lửa, Ngài đã xua đi điều lợi ích và đem lại điều bất lợi cho các tỳ khưu có số lượng sáu mươi vị. Thưa ngài Nāgasena, nếu đức Như Lai xua đi điều bất lợi và đem lại điều lợi ích cho tất cả chúng sanh, như thế thì lời nói rằng: ‘Trong khi bài Pháp Ví Dụ Về Đống Lửa đang được thuyết giảng, máu nóng đã trào ra từ miệng của các tỳ khưu có số lượng sáu mươi vị’ là sai trái. Nếu trong khi bài Pháp Ví Dụ Về Đống Lửa đang được thuyết giảng, máu nóng đã trào ra từ miệng của các tỳ khưu có số lượng sáu mươi vị, như thế thì lời nói rằng: ‘Đức Như Lai xua đi điều bất lợi và đem lại điều lợi ích cho tất cả chúng sanh’ cũng là sai trái. Câu hỏi này cũng có cả hai khía cạnh, được dành cho ngài. Nó nên được giải quyết bởi ngài.”
2.“Tâu đại vương, đức Như Lai xua đi điều bất lợi và đem lại điều lợi ích cho tất cả chúng sanh. Trong khi bài Pháp Ví Dụ Về Đống Lửa đang được thuyết giảng, máu nóng đã trào ra từ miệng của các tỳ khưu có số lượng sáu mươi vị. Tuy nhiên, điều ấy không phải do việc đã làm của đức Như Lai, mà do việc đã làm của bản thân chính các vị ấy.”
“Thưa ngài Nāgasena, nếu đức Như Lai không thuyết giảng bài Pháp Ví Dụ Về Đống Lửa, phải chăng máu nóng có thể trào ra từ miệng của các vị ấy?”
“Tâu đại vương, không thể. Tâu đại vương, đối với các vị đã thực hành sai trái ấy thì sau khi lắng nghe bài Pháp của đức Thế Tôn có sự nóng nảy đã sanh khởi. Do sự nóng nảy ấy của các vị ấy mà máu nóng đã trào ra từ miệng.”
“Thưa ngài Nāgasena, như thế thì do việc đã làm của chính đức Như Lai mà máu nóng đã trào ra từ miệng của các vị ấy. Trong trường hợp ấy chính đức Như Lai là tác nhân đưa đến sự tổn hại cho những vị ấy. Thưa ngài Nāgasena, giống như câu chuyện con rắn đi vào hang mối, rồi có người đàn ông nọ cần dùng đất nên phá vỡ gò mối rồi đem đất đi. Do việc đem đất đi của người ấy làm lấp lại các lỗ hổng của gò mối. Và con rắn, ở ngay tại chỗ ấy, trong khi không đạt được hơi thở vào nên bị chết. Thưa ngài, không lẽ con rắn đi đến sự chết vì việc đã làm của người ấy?”
“Tâu đại vương, đúng vậy.”
“Thưa ngài Nāgasena, tương tợ y như thế trong trường hợp ấy chính đức Như Lai là tác nhân đưa đến sự tổn hại cho những vị ấy.”
3.“Tâu đại vương, đức Như Lai trong khi thuyết giảng Giáo Pháp không thể hiện sự ưa thích hay ghét bỏ. Được thoát khỏi hẳn sự ưa thích hay ghét bỏ, Ngài thuyết giảng Giáo Pháp. Trong khi Giáo Pháp đang được thuyết giảng như vậy, tại nơi ấy những người nào thực hành đúng đắn thì được giác ngộ, trái lại những người nào thực hành sai trái thì rơi xuống. Tâu đại vương, giống như người đàn ông trong lúc làm lay động cây xoài, cây mận, hoặc cây cam thảo, thì ở nơi ấy những trái nào có phẩm chất, có sự gắn bó chắc chắn, thì còn tồn tại ở chính nơi ấy không bị tổn hại; trái lại, ở nơi ấy những trái nào có cuống hay cọng bị thối rữa thì rơi xuống. Tâu đại vương, tương tợ y như thế đức Như Lai trong khi thuyết giảng Giáo Pháp không thể hiện sự ưa thích hay ghét bỏ. Được thoát khỏi hẳn sự ưa thích hay ghét bỏ, Ngài thuyết giảng Giáo Pháp. Trong khi Giáo Pháp đang được thuyết giảng như vậy, tại nơi ấy những người nào thực hành đúng đắn thì được giác ngộ, trái lại những người nào thực hành sai trái thì rơi xuống. Tâu đại vương, hoặc là giống như người nông dân có ý định gieo hạt bắp nên cày thửa ruộng. Khi người ấy đang cày thì hàng trăm ngàn cỏ dại bị chết. Tâu đại vương, tương tợ y như thế đức Như Lai đã được thoát khỏi hẳn sự ưa thích hay ghét bỏ, Ngài thuyết giảng Giáo Pháp để giác ngộ các chúng sanh có tâm ý đã được chín muồi. Trong khi Giáo Pháp đang được thuyết giảng như vậy, tại nơi ấy những người nào thực hành đúng đắn thì được giác ngộ; trái lại những người nào thực hành sai trái thì rơi xuống, ví như các cỏ dại ấy bị chết. Tâu đại vương, hoặc là giống như những người ép cây mía bằng máy ép vì nguyên nhân nước cốt. Khi những người ấy đang ép cây mía, những con sâu bọ nào đi vào miệng máy ép thì bị ép nát. Tâu đại vương, tương tợ y như thế đức Như Lai ép máy ép Giáo Pháp để giác ngộ các chúng sanh có tâm ý đã được chín muồi. Tại nơi ấy những người nào thực hành sai trái thì bị chết giống như các con sâu bọ.”
4.“Thưa ngài Nāgasena, không lẽ các tỳ khưu ấy bị rơi xuống vì sự thuyết giảng Giáo Pháp ấy?”
“Tâu đại vương, phải chăng người thợ đẽo gỗ trong khi bảo vệ khúc cây thì làm cho ngay thẳng và hoàn toàn trơn tru?”
“Thưa ngài, không đúng. Người thợ đẽo gỗ sau khi bỏ đi chỗ hư hỏng rồi mới làm cho khúc cây ngay thẳng và hoàn toàn trơn tru.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế đức Như Lai trong khi (chỉ lo) bảo vệ hội chúng thì không thể giác ngộ các chúng sanh có khả năng giác ngộ; sau khi loại ra các chúng sanh thực hành sai trái như vậy rồi mới giác ngộ các chúng sanh có khả năng giác ngộ này. Tâu đại vương, hơn nữa những người thực hành sai trái ấy rơi xuống do việc đã làm của bản thân. Tâu đại vương, giống như cây chuối, cây tre, con la khi thành quả được tạo ra bởi bản thân[2]thì bị chết, tâu đại vương, tương tợ y như thế những người thực hành sai trái ấy bị chết, và rơi xuống do việc đã làm của bản thân. Tâu đại vương, giống như những kẻ trộm gánh chịu sự móc mắt, đặt trên giáo nhọn, chặt đầu do việc đã làm của bản thân, tâu đại vương, tương tợ y như thế những người thực hành sai trái ấy bị chết và rơi khỏi Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng do việc đã làm của bản thân.
Tâu đại vương, đối với các tỳ khưu số lượng sáu mươi vị có máu nóng đã trào ra từ miệng, điều ấy không phải do việc đã làm của đức Thế Tôn, không phải do việc đã làm của những người khác, khi ấy là do việc đã làm của chính bản thân các vị ấy. Tâu đại vương, giống như người ban bố thuốc bất tử cho tất cả dân chúng, những người ấy sau khi ăn vào thuốc bất tử trở thành vô bệnh, sống lâu, có thể thoát khỏi tất cả các tai họa. Rồi có người nam khác sau khi ăn vào thuốc ấy theo cách hành xử ẩu tả có thể gánh lấy cái chết. Tâu đại vương, phải chăng người cho thuốc bất tử do nguyên cớ ấy có thể đạt đến tội lỗi nào đó?”
“Thưa ngài, không đúng.”
5.“Tâu đại vương, tương tợ y như thế đức Như Lai ban bố món quà Giáo Pháp là sự Bất Tử đến cho chư Thiên và nhân loại ở mười ngàn thế giới. Những chúng sanh nào có khả năng thì được giác ngộ nhờ vào Giáo Pháp Bất Tử, trái lại những chúng sanh nào không có khả năng thì chúng bị chết, bị rơi xuống bởi vì Giáo Pháp Bất Tử. Tâu đại vương, vật thực duy trì mạng sống cho tất cả chúng sanh. Một số người ăn vật thực bị chết vì cơn thổ tả. Tâu đại vương, phải chăng người bố thí vật thực ấy do nguyên cớ ấy có thể đạt đến tội lỗi nào đó?”
“Thưa ngài, không đúng.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế đức Như Lai ban bố món quà Giáo Pháp là sự Bất Tử đến cho chư Thiên và nhân loại ở mười ngàn thế giới. Những chúng sanh nào có khả năng thì được giác ngộ nhờ vào Giáo Pháp Bất Tử, trái lại những chúng sanh nào không có khả năng thì bị chết, bị rơi xuống bởi vì Giáo Pháp Bất Tử.”
“Thưa ngài Nāgasena, tốt lắm! Trẫm chấp nhận điều này đúng theo như vậy.”
Câu hỏi về sự ban phát điều lợi ích đến tất cả chúng sanh là thứ nhì.
*****
Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada