“Thưa ngài Nāgasena, ngài đã nói rằng: ‘Bất cứ việc gì cần phải làm đối với đức Như Lai, tất cả các việc ấy đã được hoàn tất ở ngay tại gốc cây Bồ Đề. Đối với đức Như Lai, không có việc gì cần phải làm thêm nữa, hoặc sự tích lũy thêm đối với việc đã làm.’ Và ba tháng thiền tịnh này được ghi nhận. Thưa ngài Nāgasena, nếu bất cứ việc gì cần phải làm đối với đức Như Lai, tất cả các việc ấy đã được hoàn tất ở ngay tại gốc cây Bồ Đề. Đối với đức Như Lai, không có việc gì cần phải làm thêm nữa, hoặc sự tích lũy thêm đối với việc đã làm, như thế thì lời nói ‘ba tháng thiền tịnh’ là sai trái. Nếu có ba tháng thiền tịnh, như thế thì lời nói ‘bất cứ việc gì cần phải làm đối với đức Như Lai, tất cả các việc ấy đã được hoàn tất ở ngay tại gốc cây Bồ Đề’ cũng là sai trái. Không có thiền tịnh đối với người có việc cần phải làm đã được làm xong, thiền tịnh là chỉ riêng đối với người có việc cần phải làm. Giống như chỉ riêng đối với người bị bệnh thì có việc cần phải làm với thuốc men, còn đối với người không bị bệnh thì có việc gì với thuốc men? Chỉ riêng đối với người đói thì có việc cần phải làm với thức ăn, còn đối với người không đói thì có việc gì với thức ăn? Thưa ngài Nāgasena, tương tợ y như thế không có thiền tịnh đối với người có việc cần phải làm đã được làm xong, thiền tịnh là chỉ riêng đối với người có việc cần phải làm. Câu hỏi này cũng có cả hai khía cạnh. Nó được dành cho ngài, nên được giải quyết bởi ngài.”
“Tâu đại vương, bất cứ việc gì cần phải làm đối với đức Như Lai, tất cả các việc ấy đã được hoàn tất ở ngay tại gốc cây Bồ Đề. Đối với đức Như Lai, không có việc gì cần phải làm thêm nữa, hoặc sự tích lũy thêm đối với việc đã làm, và đức Như Lai có thiền tịnh ba tháng. Tâu đại vương, thiền tịnh quả là có nhiều công đức. Tất cả các đức Như Lai đều thiền tịnh rồi mới đạt đến bản thể Toàn Tri. Trong khi nhớ lại đức tính đã được thực hiện tốt đẹp ấy, các Ngài tiến hành thiền tịnh. Tâu đại vương, giống như người nam đã nhận được ân huệ, đã đạt được của cải nhờ vào sự thân cận đức vua. Trong khi nhớ lại đức tính đã được thực hiện tốt đẹp ấy, gã liên tục đi đến phục vụ đức vua. Tâu đại vương, tương tợ y như thế tất cả các đức Như Lai đều thiền tịnh rồi mới đạt đến bản thể Toàn Tri. Trong khi nhớ lại đức tính đã được thực hiện tốt đẹp ấy, các Ngài tiến hành thiền tịnh.
Tâu đại vương, hoặc là giống như người nam bị nhiễm bệnh, khổ sở, có bệnh trầm trọng, sau khi đến gặp người thầy thuốc thì thành tựu sự an vui. Trong khi nhớ lại đức tính đã được thực hiện tốt đẹp ấy, gã thường xuyên đi đến gặp người thầy thuốc. Tâu đại vương, tương tợ y như thế tất cả các đức Như Lai đều thiền tịnh rồi mới đạt đến bản thể Toàn Tri. Trong khi nhớ lại đức tính đã được thực hiện tốt đẹp ấy, các Ngài tiến hành thiền tịnh.
Tâu đại vương, hơn nữa đây là hai mươi tám đức tính của thiền tịnh. Trong khi thấy rõ những đức tính này, các đức Như Lai tiến hành thiền tịnh. Hai mươi tám đức tính gì? Tâu đại vương, ở đây thiền tịnh hộ trì bản thân người đang thiền tịnh, làm tăng trưởng tuổi thọ, ban cho sức mạnh, lấp lại tội lỗi, loại trừ điều tai tiếng, đem lại danh tiếng, xua đi sự không hứng thú, cung cấp sự hứng thú, loại trừ sự sợ hãi, làm sanh lên sự tự tin, loại trừ sự lười biếng, tạo ra sự tinh tấn, loại trừ sự tham đắm, loại trừ sự sân hận, loại trừ sự si mê, tiêu diệt sự ngã mạn, phá vỡ sự suy tư, làm cho tâm chuyên nhất, làm cho tâm được trong sáng, sanh ra sự tươi vui, tạo sự kính trọng, làm cho đạt được sự lợi ích, tạo sự cung kính, khiến cho thành tựu hỷ, tạo sự hân hoan, làm cho thấy được bản thể của các sự tạo tác, diệt trừ sự nối liền với việc tái sanh, ban cho toàn bộ Sa-môn hạnh. Tâu đại vương, đây là hai mươi tám đức tính của thiền tịnh. Trong khi thấy rõ những đức tính này, các đức Như Lai tiến hành thiền tịnh.
Tâu đại vương, hơn nữa với ý muốn tận hưởng sự an tịnh, an lạc, sự hứng thú trong việc chứng đạt, các đức Như Lai tiến hành thiền tịnh với ý định dứt khoát. Tâu đại vương, các đức Như Lai tiến hành thiền tịnh vì bốn lý do. Vì bốn lý do gì? Tâu đại vương, các đức Như Lai tiến hành thiền tịnh vì tính chất an lạc của việc cư trú, các đức Như Lai tiến hành thiền tịnh nhằm sự gia tăng đức hạnh của việc không phạm lỗi lầm, các đức Như Lai tiến hành thiền tịnh vì đường lối trọn vẹn của bậc Thánh, các đức Như Lai tiến hành thiền tịnh vì đã được tán dương, khen ngợi, ca tụng của tất cả chư Phật. Tâu đại vương, các đức Như Lai tiến hành thiền tịnh vì bốn lý do này. Tâu đại vương, như thế các đức Như Lai tiến hành thiền tịnh không phải vì có việc gì cần phải làm, không phải vì sự tích lũy thêm đối với việc đã làm. Quả vậy, các đức Như Lai tiến hành thiền tịnh vì thấy được tính chất đặc biệt về đức tính (của thiền tịnh).”
“Thưa ngài Nāgasena, tốt lắm! Trẫm chấp nhận điều này đúng theo như vậy.”
Câu hỏi về tính chất không việc gì cần phải làm thêm nữa là thứ chín.
*****
Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada