Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự ở Āḷavī, tại nơi trú ngụ của Dạ-xoa Āḷavaka. Khi ấy, Dạ-xoa Āḷavaka đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Này Sa-môn, hãy đi ra.”“Này đạo hữu, tốt lắm.” Đức Thế Tôn đã đi ra.
“Này Sa-môn, hãy đi vào.”“Này đạo hữu, tốt lắm.” Đức Thế Tôn đã đi vào.
Đến lần thứ nhì, Dạ-xoa Āḷavaka đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Này Sa-môn, hãy đi ra.”“Này đạo hữu, tốt lắm.” Đức Thế Tôn đã đi ra.
“Này Sa-môn, hãy đi vào.”“Này đạo hữu, tốt lắm.” Đức Thế Tôn đã đi vào.
Đến lần thứ ba, Dạ-xoa Āḷavaka đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Này Sa-môn, hãy đi ra.”“Này đạo hữu, tốt lắm.” Đức Thế Tôn đã đi ra.“Này Sa-môn, hãy đi vào.”“Này đạo hữu, tốt lắm.” Đức Thế Tôn đã đi vào.
Đến lần thứ tư, Dạ-xoa Āḷavaka đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Này Sa-môn, hãy đi ra.”
“Này đạo hữu, vậy thì Ta sẽ không đi ra. Điều gì mà ngươi cần làm thì ngươi hãy làm điều ấy đi.”
“Này Sa-môn, ta sẽ hỏi ông câu hỏi, nếu ông không trả lời ta, thì ta sẽ khuấy động tâm của ông, hoặc ta sẽ chẻ đôi trái tim của ông, hoặc ta sẽ nắm ở hai bàn chân rồi ném qua bên kia sông Gaṅgā.”
“Này đạo hữu, Ta quả không nhìn thấy người nào trong thế gian tính luôn cõi của chư Thiên, cõi Ma Vương, cõi Phạm Thiên, cho đến dòng dõi Sa-môn, Bà-la-môn, các hạng chư Thiên và loài người mà có thể khuấy động tâm của Ta, hoặc có thể chẻ đôi trái tim của Ta, hoặc có thể nắm ở hai bàn chân rồi ném qua bên kia sông Gaṅgā. Này đạo hữu, tuy vậy ngươi hãy hỏi điều mà ngươi muốn.”Khi ấy, Dạ-xoa Āḷavaka đã nói với đức Thế Tôn bằng lời kệ rằng:
183. "Cái gì ở thế gian này là của cải hạng nhất đối với con người?Cái gì được khéo thực hành đem lại sự an lạc?Cái gì quả thật là ngọt ngào hơn cả trong số các vị nếm?Sống cách nào người ta đã gọi là đời sống hạng nhất?"
184. "Đức tin ở thế gian này là của cải hạng nhất đối với con người.Giáo Pháp được khéo thực hành đem lại sự an lạc.Chân thật quả thật là ngọt ngào hơn cả trong số các vị nếm.Sống với trí tuệ người ta đã gọi là đời sống hạng nhất."
185. "Làm thế nào vượt qua cơn lũ? Làm thế nào vượt qua biển cả? Làm thế nào khắc phục khổ đau? Làm thế nào trở nên thanh tịnh?"
186. "Nhờ đức tin vượt qua cơn lũ. Nhờ không xao lãng vượt qua biển cả. Nhờ tinh tấn khắc phục khổ đau. Nhờ trí tuệ trở nên thanh tịnh."
187. "Làm thế nào đạt được trí tuệ? Làm thế nào kiếm được tài sản?Làm thế nào thành đạt tiếng tăm? Làm thế nào kết giao bạn hữu?Từ đời này đến đời khác, làm thế nào không sầu muộn sau khi chết?"
188. "Trong khi có niềm tin vào Giáo Pháp của các bậc A-la-hán nhằm đạt đến Niết Bàn, nhờ vào sự mong mỏi lắng nghe, người không xao lãng, sâu sắc đạt được trí tuệ.
189. Người có việc làm phù hợp, có trách nhiệm, năng động, kiếm được tài sản. Nhờ vào sự chân thật thành đạt tiếng tăm. Trong khi bố thí kết giao các bạn hữu.
190. Người nào, sống tại gia có đức tin, sở hữu bốn pháp này: chân thật, chính trực, kiên trì, xả thí, người ấy chắc chắn không sầu muộn sau khi chết.
191. Này, ngươi cũng hãy hỏi số đông các Sa-môn và Bà-la-môn về các điều khác, nếu có điều nào đó là tốt hơn sự chân thật, sự tự chế ngự, sự xả thí, và sự kham nhẫn."
192. "Vì sao con lại phải hỏi số đông các Sa-môn và Bà-la-môn? Hôm nay con đây biết rõ điều nào là việc lợi ích ở thời vị lai.
193. Quả thật vì lợi ích cho con mà đức Phật đã đi đến cư ngụ ở Āḷavī. Hôm nay con đây biết rõ vật đã được bố thí ở nơi nào là có quả báu lớn lao.
194. Con đây sẽ du hành từ làng này đến làng nọ, từ phố này đến phố khác, kính lễ đấng Toàn Giác và tính chất thánh thiện của Giáo Pháp."Khi được nói như vậy, Dạ-xoa Āḷavaka đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, thật là tuyệt vời! Bạch Ngài, thật là tuyệt vời! Bạch Ngài, giống như người có thể lật ngửa vật đã được úp lại, mở ra vật đã bị che kín, chỉ đường cho kẻ lạc lối, đem lại cây đèn dầu nơi bóng tối (nghĩ rằng): ‘Những người có mắt sẽ nhìn thấy được các hình dáng;’ tương tự như thế Pháp đã được đức Thế Tôn giảng rõ bằng nhiều phương tiện. Bạch Ngài, con đây xin đi đến nương nhờ đức Thế Tôn Gotama, Giáo Pháp, và Tăng Chúng tỳ khưu. Xin đức Thế Tôn chấp nhận con là nam cư sĩ đã đi đến nương nhờ kể từ hôm nay cho đến trọn đời.”
Dứt Kinh Āḷavaka.
Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada