(I) (51) Tâm Của Mình (1)
1.Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Ở đây, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:
- Này các Tỷ-kheo.
- Bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
2.Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo, không thiện xảo trong hành tướng tâm người khác, thời cần phải nguyện rằng: "Ta sẽ thiện xảo trong hành tướng tâm của ta." Như vậy, các Tỷ-kheo các Thầy cần phải học tập. Và này các Tỳ kheo, như thế nào, Tỷ-kheo thiện xảo trong hành tướng tâm của mình?
3.Ví như, này các Tỷ-kheo, một người đàn bà hay một người đàn ông, còn trẻ, trong tuổi thanh niên, tánh ưa trang điểm, quán sát hình ảnh mặt mình trong tấm gương thanh tịnh trong sáng, hay trong một bát nước trong. Nếu thấy trên mặt có hột bụi hay dấu nhớp gì, người ấy cố gắng đoạn trừ hột bụi hay dấu nhớp ấy. Nếu không thấy hột bụi hay dấu nhớp, người ấy hoan hỷ, thỏa mãn: "Thật lợi đắc cho ta! Ta thật là trong sạch! " Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo quán sát như vậy, được nhiều lợi ích trong các thiện pháp. "Có phải ta sống nhiều với tham? Có phải ta sống nhiều với không tham? Có phải ta sống nhiều với tâm có sân? Có phải ta sống nhiều với tâm không có sân? Có phải ta sống nhiều với hôn trầm thụy miên chi phối, hay ta sống nhiều với hôn trầm thụy miên được từ bỏ? Có phải ta sống nhiều với trạo cử, hay ta sống nhiều với không trạo cử? Có phải ta sống nhiều với nghi ngờ, hay ta sống nhiều vượt qua được nghi ngờ? Có phải ta sống nhiều với phẫn nộ, hay ta sống nhiều không bị phẫn nộ? Có phải ta sống nhiều với tâm bị ô nhiễm, hay ta sống nhiều với tâm không bị ô nhiễm? Có phải ta sống nhiều với thân nhiệt nóng, hay ta sống nhiều với thân không nhiệt nóng? Có phải ta sống nhiều với biếng nhác, hay ta sống nhiều với tinh tấn, tinh cần? Có phải ta sống nhiều với không định tĩnh, hay ta sống nhiều với định tĩnh? "
4.Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo quán sát như vậy, biết rằng: "Ta sống nhiều với tâm tham; ta sống nhiều với tâm sân; ta sống nhiều với tâm bị hôn trầm thụy miên chi phối; ta sống nhiều với trạo cử; ta sống nhiều với nghi ngờ; ta sống nhiều với phẫn nộ; ta sống nhiều với tâm bị nhiễm ô; ta sống nhiều với thân nhiệt nóng; ta sống nhiều với biếng nhác; ta sống nhiều với không định tĩnh", thời Tỷ-kheo ấy cần phải quyết định, ước muốn, tinh tấn, nỗ lực, dõng mãnh, bất thối, chánh niệm, tỉnh giác để đoạn tận các pháp ác bất thiện ấy. Ví như, này các Tỷ-kheo, khi khăn bị cháy, hay khi đầu bị cháy, cần phải quyết định, ước muốn, tinh tấn, nỗ lực, dõng mãnh, bất thối, chánh niệm, tỉnh giác để dập tắt khăn hay đầu bị cháy ấy. Cũng vậy này Tỷ kheo, Tỷ kheo ấy cần phải quyết định, ước muốn, tinh tấn, nỗ lực, dõng mãnh, bất thối, chánh niệm, tỉnh giác để đoạn tận các pháp bất thiện ấy.
5.Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo quán sát như vậy biết rằng: "Ta sống nhiều với tâm không tham, ta sống nhiều với tâm không sân, ta sống nhiếu với tâm không hôn trầm thụy miên; ta sống nhiều với tâm không trạo cử; ta sống nhiều với tâm nghi ngờ được vượt qua; ta sống nhiều với tâm không phẫn nộ; ta sống nhiều với tâm không nhiễm ô; ta sống nhiều với thân không nhiệt nóng; ta sống nhiều với tâm tinh tấn, tinh cần; ta sống nhiều với tâm định tĩnh", thời Tỷ-kheo ấy, sau khi an trú trong các thiện pháp ấy, rồi hơn nữa cần chú tâm đoạn diệt các lậu hoặc.
(II) (52) Tâm Của Mình (2)
1.Rồi Tôn giả Sàriputta nói với các Tỷ-kheo:
- Này chư Hiền giả!
- Thưa vâng Tôn giả.
Các Vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Sàriputta. Tôn giả Sàriputta nói như sau: (giống như kinh trước, chỉ khác đây là Tôn giả Sàriputta nói với các Tỷ-kheo).
(III) (53) Ðứng Một Chỗ
1.- Này các Tỷ-kheo, Ta không tán thán đứng một chỗ trong các thiện pháp, còn nói gì tổn giảm. Này các Tỷ-kheo, Ta tán thán tăng trưởng trong các thiện pháp, không đứng một chỗ, không tổn giảm. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tổn giảm trong các thiện pháp, đứng một chỗ, không tăng trưởng?
2.Ở đây, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo đang cố gắng để đạt được lòng tin, giới đức, nghe nhiều, bố thí, biện tài với trí tuệ. Các pháp ấy đối với vị này đứng một chỗ, không tăng trưởng. Này các Tỷ-kheo, Ta gọi như vậy là tổn giảm trong các thiện pháp, đứng một chỗ, không tăng trưởng. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là tổn giảm trong các thiện pháp, đứng một chỗ, không tăng trưởng. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là đứng một chỗ trong các thiện pháp, không tổn giảm, không tăng trưởng?
3.- Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo cố gắng để đạt được lòng tin, giới đức, nghe nhiều, bố thí và biện tài với trí tuệ. Những pháp ấy đối với vị này, không tổn giảm, không tăng trưởng. Này các Tỷ-kheo, Ta gọi như vậy là đứng một chỗ trong các thiện pháp, không tổn giảm, không tăng trưởng. Như vậy, này các Tỷ kheo là đứng một chỗ trong các thiện pháp, không tổn giảm, không tăng trưởng. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tăng trưởng trong các thiện pháp, không đứng một chỗ, không tổn giảm?
4.Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo cố gắng để đạt được lòng tin, giới đức, nghe nhiều, bố thí và biện tài với trí tuệ. Những pháp ấy đối với vị này không đứng một chỗ, không tổn giảm. Này các Tỷ-kheo, Ta gọi như vậy là tăng trưởng trong các thiện pháp, không đứng một chỗ, không tổn giảm. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là tăng trưởng trong các thiện pháp, không đứng một chỗ, không tổn giảm.
5.Này các Tỷ-kheo, dầu Tỷ-kheo không thiện xảo trong hành tướng tâm người khác, thời cần phải nguyện rằng: "Ta sẽ thiện xảo trong hành tướng tâm của ta". Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học tập. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo thiện xảo trong hành tướng tâm của mình? (như kinh 51, từ đoạn số 3, 4, 5).
(VI) (54) Tịnh Chỉ
1.- Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo không thiện xảo trong hành tướng tâm của người khác, thời cũng phải nguyện rằng: "Ta sẽ thiện xảo trong hành tướng tâm của ta". Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học tập. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo thiện xảo trong hành tướng tâm của mình?
2.Ví như, này các Tỷ-kheo, một người đàn bà hay một người đàn ông, còn trẻ, trong tuổi thanh niên, ưa muốn trang điểm, quán sát hình ảnh mặt mình trong tấm gương thanh tịnh trong sáng, hay trong một bát nước trong. Nếu thấy trên mặt có một hột bụi hay dấu nhớp gì, người ấy cố gắng đoạn trừ hột bụi ấy hay dấu nhớp ấy. Nếu không thấy hột bụi hay dấu nhớp, người ấy hoan hỷ thỏa mãn: "Thật lợi đắc cho ta! Ta thật là trong sạch! ". Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo quán sát như vậy được nhiều lợi ích trong các thiện pháp: "Có phải ta được lợi đắc nội tâm tịnh chỉ, hay ta không được lợi đắc nội tâm tịnh nhỉ? Có phải ta được tăng thượng tuệ pháp quán, hay không được tăng thượng tuệ pháp quán?
3.Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo trong khi quán sát, biết như sau: "Ta có được nội tâm tịnh chỉ, nhưng ta không được tăng thượng tuệ pháp quán", thời này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sau khi an trú nội tâm tịnh chỉ, cần phải nỗ lực để đạt cho được tăng thượng tuệ pháp quán ấy; sau một thời gian, đạt được nội tâm tịnh chỉ và được tăng thượng tuệ pháp quán.
4.Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo trong khi quán sát, biết như sau: "Ta có được tăng thượng tuệ pháp quán, nhưng không có được nội tâm tịnh chỉ", thời này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sau khi an trú tăng thượng tuệ pháp quán, cần phải nỗ lực để đạt cho được nội tâm tịnh chỉ. Vị ấy sau một thời gian, đạt được tăng thượng tuệ pháp quán và chứng được nội tâm tịnh chỉ.
5.Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo trong khi quán sát, biết như sau: "Ta không có được nội tâm tịnh chỉ. Ta không có được tăng thượng tuệ pháp quán", thời này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy cần phải quyết định, ước muốn, tinh tấn, nỗ lực, dõng mãnh, bất thối, chánh niệm, tỉnh giác để đạt cho được các thiện pháp. Ví như, này các Tỷ-kheo, khi khăn bị cháy hay khi đầu bị cháy, cần phải quyết định, ước muốn, tinh tấn, nỗ lực, dõng mãnh, bất thối, chánh niệm, tỉnh giác để dập tắt khăn hay đầu bị cháy ấy. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo cần phải quyết định, ước muốn, tinh tấn, nỗ lực, dõng mãnh, bất thối, chánh niệm, tỉnh giác để đạt cho được các thiện pháp ấy. Vị ấy trong một thời gian khác, đạt được nội tâm tịnh chỉ và đạt được tăng thượng tuệ pháp quán.
6.Nhưng này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo trong khi quán sát biết như sau: "Ta có được nội tâm tịnh chỉ, ta có được tăng thượng tuệ pháp quán", thời này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy sau khi an trú trong các thiện pháp ấy, cần phải nỗ lực, chú tâm để đoạn diệt các lậu hoặc nữa.
7.Này các Tỷ kheo, ta nói, y có hai loại: nên sử dụng và không nên sử dụng. Này các Tỳ kheo, Ta cũng nói, đồ ăn khất thực có hai loại: nên sử dụng và không nên sử dụng. Này các Tỳ Kheo, Ta cũng nói, sàng tọa có hai loại: nên sử dụng và không nên sử dụng.. Ta cũng nói, làng, thị trấn có hai loại: nên sử dụng và không nên sử dụng.. Này các Tỳ kheo, Ta cũng nói, quốc độ có hai loại: nên sử dụng và không nên sử dụng.. Này các Tỷ kheo. Ta cũng nói, người có hai loại: nên sử dụng và không nên sử dụng.
8.Này các Tỳ kheo, Ta nói, y có hai loại: nên sử dụng và không nên sử dụng, như vậy được nói đến. Do duyên gì được nói đến như vậy?
Ở đây, nếu biết được y áo nào: "Y áo này, được ta sử dụng, các pháp bất thiện tăng trưởng, các pháp thiện tổn giảm", thời y áo như vậy không nên sử dụng. Ở đây, nếu biết được y áo nào: "Y áo này, được ta sử dụng, các pháp bất thiện tổn giảm, các thiện pháp tăng trưởng", thời y áo như vậy nên sử dụng.
Này các Tỳ-kheo, Ta nói rằng, y có hai loại: nên sử dụng và không nên sử dụng, như vậy được nói đến. Do duyên này được nói đến như vậy.
9.Này các Tỳ Kheo, Ta nói rằng, đồ ăn khất thực có hai loại: nên sử dụng và không nên sử dụng, như vậy được nói đến. Do duyên gì được nói đến như vậy?
Ở đây, nếu biết được đồ ăn khất thực nào: "Ðồ ăn khất thực này được ta sử dụng, các pháp bất thiện tăng trưởng, các pháp thiện tổn giảm", thời đồ ăn khất thực như vậy không nên sử dụng. Ở đây, nếu biết được đồ ăn khất thực nào: "Ðồ ăn khất thực này được ta sử dụng, các pháp bất thiện tổn giảm, các thiện pháp tăng trưởng", thời đồ ăn khất thực như vậy nên sử dụng.
Này các Tỳ-kheo, Ta nói rằng, đồ ăn khất thực có hai loại: nên sử dụng và không nên sử dụng, như vậy được nói đến. Do duyên này được nói đến như vậy.
10.Này các Tỳ-Kheo, Ta nói rằng, sàng tọa có hai loại: nên sử dụng và không nên sử dụng, như vậy được nói đến. Do duyên gì được nói đến như vậy?
Ở đây, nếu biết được sàng tọa nào: "Sàng tọa này được ta sử dụng, các pháp bất thiện tăng trưởng, các pháp thiện tổn giảm", thời sàng tọa như vậy không nên sử dụng. Ở đây, nếu biết được sàng tọa nào: "Sàng tọa này được ta sử dụng, các pháp bất thiện tổn giảm, các pháp thiện tăng trưởng", thời sàng tọa như vậy nên sử dụng.
Này các Tỳ-kheo, Ta nói rằng, sàng tọa có hai loại: nên sử dụng và không nên sử dụng, như vậy được nói đến. Do duyên gì được nói đến như vậy?
11.- Này các Tỳ-kheo, Ta nói rằng, làng, thị trấn có hai loại: nên sử dụng và không nên sử dụng, như vậy được nói đến. Do duyên gì được nói đến như vậy?
Ở đây, nếu biết được làng, thị trấn nào: "Làng, thị trấn này được ta sử dụng, các pháp bất thiện tăng trưởng, các pháp thiện bị tổn giảm", thời làng, thị trấn như vậy không nên sử dụng. Ở đây, nếu biết được làng, thị trấn nào: "Làng, thị trấn được ta sử dụng, các pháp bất thiện tổn giảm, các pháp thiện tăng trưởng", thời làng, thị trấn như vậy nên sử dụng.
Này, các Tỳ-kheo, Ta nói rằng, làng, thị trấn có hai loại: nên sử dụng và không nên sử dụng, như vậy được nói đến. Do duyên này được nói đến như vậy.
12.Này các Tỳ-kheo, Ta nói rằng, quốc độ có hai loại: nên sử dụng và không nên sử dụng, như vậy được nói đến. Do duyên gì được nói đến như vậy?
Ở đây, nếu biết được quốc độ nào: "Quốc độ này được ta sử dụng, các pháp bất thiện tăng trưởng, các thiện pháp tổn giảm", thời quốc độ như vậy không nên sử dụng. Ở đây, nếu biết được quốc độ nào: "Quốc độ này được ta sử dụng, các pháp bất thiện tổn giảm, các thiện pháp tăng trưởng", thời quốc độ như vậy nên sử dụng.
Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng, quốc độ có hai loại: nên sử dụng và không nên sử dụng, như vậy được nói đến. Do duyên này được nói đến như vậy.
13.Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng, người có hai loại: nên sử dụng và không nên sử dụng, như vậy được nói đến. Do duyên gì được nói đến như vậy?
Ở đây, nếu biết được người nào: "Người này được ta sử dụng, các pháp bất thiện tăng trưởng, các pháp thiện tổn giảm", thời người như vậy không nên sử dụng. Ở đây, nếu biết được người nào: "Người này được ta sử dụng, các pháp bất thiện tổn giảm, các pháp thiện tăng trưởng", thời người như vậy nên sử dụng. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng, người có hai loại: nên sử dụng và không nên sử dụng, như vậy được nói đến. Do duyên này được nói đến như vậy.
(V) (55) Tổn Giảm
1.Ở đây, Tôn giả Sàriputta gọi các Tỷ-kheo:
- Này chư Hiền Tỷ-kheo.
- Thưa vâng, Hiền giả.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Sàriputta. Tôn giả Sàriputta nói như sau:
2.- Có người bản tánh là tổn giảm, có người bản tánh là không tổn giảm, này chư Hiền, được nói đến như vậy. Cho đến như thế nào, này chư Hiền, người bản tánh là tổn giảm được Thế Tôn nói đến? Cho đến như thế nào, này chư Hiền, người bản tánh là không tổn giảm được Thế Tôn nói đến?
- Thưa Hiền giả, chúng tôi đi từ xa đến để được hiểu rõ ý nghĩa lời nói này từ Tôn giả Sàriputta. Lành thay, nếu ý nghĩa lời nói này được Tôn giả Sàriputta nói lên. Sau khi nghe Tôn giả Sàriputta, các Tỷ-kheo sẽ thọ trì.
- Vậy này chư Hiền, hãy nghe và khéo tác ý, ta sẽ nói:
- Thưa vâng, Hiền giả.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Sàriputta. Tôn giả Sàriputta nói như sau:
- Cho đến như thế nào, này chư Hiền, người bản tánh là tổn giảm được Thế Tôn nói đến?
3.Ở đây, này chư Hiền, Tỷ-kheo không nghe pháp chưa được nghe, và pháp đã được nghe đi đến bị quên; các pháp trước kia tâm đã có cảm xúc, những pháp ấy không được hiện hành, và không thức tri những pháp chưa được thức tri. Cho đến như vậy, này chư Hiền, người bản tánh là tổn giảm được Thế Tôn nói đến. Nhưng này chư Hiền, cho đến như thế nào, này chư Hiền, người bản tánh là không tổn giảm được Thế Tôn nói đến?
4.Ở đây, này chư Hiền, Tỷ-kheo nghe pháp chưa được nghe, và các thiện pháp được nghe không có quên đi. Và những pháp nào trước kia tâm đã có cảm xúc, những pháp ấy được hiện hành, và thức tri những pháp chưa được thức tri. Cho đến như vậy, này chư Hiền, là người bản tánh không bị tổn giảm được Thế Tôn nói đến.
5.Này chư Hiền, nếu Tỷ-kheo không thiện xảo trong hành tướng tâm của người khác, thời cũng phải nguyện rằng: "Ta sẽ thiện xảo trong hành tướng tâm của ta". Như vậy, này chư Hiền, chư Hiền cần phải học tập. Và này chư Hiền, thế nào là Tỷ-kheo thiện xảo trong hành tướng tâm của mình?
6.Ví như, này chư Hiền, một người đàn bà hay một người đàn ông, còn trẻ, trong tuổi thanh niên, tánh ưa trang điểm, quán sát hình ảnh mặt của mình trong tấm gương thanh tịnh trong sáng, hay trong một bát nước trong, nếu thấy trên mặt có hột bụi hay dấu nhớp gì, người ấy cố gắng đoạn trừ hột bụi hay dấu nhớp ấy. Nếu không thấy hột bụi hay dấu nhớp người ấy hoan hỷ thỏa mãn: "Thật lợi đắc cho ta! Ta thật là trong sạch! ". Cũng vậy, này chư Hiền, Tỷ-kheo có quán sát như vậy, được nhiều lợi ích trong các thiện pháp: "Có phải ta sống nhiều với không tham, không biết trong ta có pháp này hay không có? Có phải ta sống nhiều với tâm không sân? Không biết trong ta có pháp này hay không có? Có phải ta sống nhiều với hôn trầm thụy miên đã từ bỏ? Không biết trong ta có pháp này hay không có? Có phải ta sống nhiều với không trạo cử? Không biết trong ta có pháp này hay không có? Có phải ta sống nhiều với nghi ngờ đã được vượt qua? Không biết trong ta có pháp này hay không có? Có phải ta sống nhiều với không phẫn nộ? Không biết trong ta có pháp này hay không có? Có phải ta sống nhiều với tâm không nhiễm ô? Không biết trong ta có pháp này hay không có? Có phải ta có được nội tâm pháp hỷ? Không biết trong ta có pháp này hay không có? Có phải ta đã được nội tâm an chỉ? Không biết trong ta có pháp này hay không có? Có phải ta đã có được tối thắng tuệ pháp quán? Không biết trong ta có pháp này hay không có? "
7.Này chư Hiền, nếu vị Tỷ-kheo trong khi quán sát, không thấy có trong tự ngã tất cả thiện pháp này, thời Tỷ-kheo ấy cần phải quyết định ước muốn, tinh tấn, nỗ lực, dõng mãnh, bất thối và chánh niệm, tỉnh giác, để có được tất cả thiện pháp này. Ví như, này chư Hiền, khi khăn bị cháy hay khi đầu bị cháy, cần phải quyết định, ước muốn, tinh tấn, nỗ lực, dõng mãnh, bất thối và chánh niệm, tỉnh giác, để dập tắt khăn hay đầu bị cháy ấy. Cũng vậy, này chư Hiền, Tỷ-kheo ấy cần phải quyết định, ước muốn, tinh tấn, nỗ lực, dũng mãnh, bất thối, chánh niệm, tỉnh giác, để có được tất cả thiện pháp này.
8.Này chư Hiền, nếu Tỷ-kheo trong khi quán sát, thấy trong tự ngã có một số thiện pháp và không thấy có một số thiện pháp, thời này chư Hiền, đối với các thiện pháp nào vị ấy thấy có trong tự ngã, vị ấy an trú trong các thiện pháp ấy. Ðối với các thiện pháp nào, vị ấy không thấy có trong tự ngã, vị ấy cần phải quyết định, ước muốn, tinh tấn, nỗ lực, dõng mãnh, bất thối và chánh niệm, tỉnh giác để có được tất cả thiện pháp này. Ví như, này chư Hiền, khi khăn bị cháy hay khi đầu bị cháy, cần phải quyết định, ước muốn, tinh tấn, nỗ lực, dõng mãnh, bất thối và chánh niệm, tỉnh giác để dập tắt khăn hay đầu bị cháy ấy. Cũng vậy, này chư Hiền, nếu Tỷ-kheo, trong khi quán sát, thấy trong tự ngã có một số thiện pháp, thời an trú trong các thiện pháp ấy. Còn đối với các thiện pháp vị ấy không thấy trong tự ngã, vị ấy cần phải quyết định, ước muốn, tinh tấn, nỗ lực, dõng mãnh, bất thối và chánh niệm, tỉnh giác để có được các thiện pháp ấy.
9.Này chư Hiền, nếu Tỷ-kheo trong khi quán sát, thấy tất cả pháp này đều có trong tự ngã, thời này chư Hiền, Tỷ-kheo ấy sau khi an trú trong tất cả thiện pháp này, cần phải nỗ lực chú tâm để đoạn diệt các lậu hoặc.
(VI) (56) Tưởng (1)
1.- Này các Tỷ-kheo, mười tưởng này được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến quả lớn, lợi ích lớn, thể nhập vào bất tử, lấy bất tử làm cứu cánh. Thế nào là mười?
2.Tưởng bất tịnh, tưởng chết, tưởng nhàm chán trong các món ăn, tưởng không hoan hỷ đối với tất cả thế giới, tưởng vô thường, tưởng khổ trên vô thường, tưởng vô ngã trên khổ, tưởng đoạn tận, tưởng ly tham, tưởng đoạn diệt.
Này các Tỷ-kheo, mười tưởng này, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến quả lớn, lợi ích lớn, thể nhập vào bất tử, lấy bất tử làm cứu cánh.
(VII) (57) Tưởng (2)
1.- Này các Tỷ-kheo, có mười tưởng này, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến quả lớn, lợi ích lớn, thể nhập vào bất tử, lấy bất tử làm cứu cánh. Thế nào là mười?
2.Tưởng vô thường, tưởng vô ngã, tưởng chết, tưởng nhàm chán trong các món ăn, tưởng không hoan hỷ đối với tất cả thế giới, tưởng xương, tưởng trùng ăn, tưởng xanh bầm, tưởng nứt nẻ, tưởng trương phồng.
Này các Tỷ-kheo, mười tưởng này được tụ tập, được làm cho sung mãn, đưa đến quả lớn, lợi ích lớn, thể nhập vào bất tử, lấy bất tử làm cứu cánh.
(VIII) (58) Lấy Căn Bản Nơi Thế Tôn
1.- Này các Tỷ-kheo, nếu các du sĩ ngoại đạo có thể hỏi như sau: "Này chư Hiền, tất cả pháp lấy gì làm căn bản? Tất cả pháp lấy gì làm sanh khởi? Tất cả pháp lấy gì làm tập khởi? Tất cả pháp lấy gì làm chỗ quy tụ? Tất cả pháp lấy gì làm thượng thủ? Tất cả pháp lấy gì làm tăng thượng? Tất cả pháp lấy gì làm tối thượng? Tất cả pháp lấy gì làm lõi cây? Tất cả pháp lấy gì làm chỗ thể nhập? Tất cả pháp lấy gì làm cứu cánh? " Ðược hỏi vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy trả lời các du sĩ ngoại đạo ấy như thế nào?
- Bạch Thế Tôn, đối với chúng con, pháp lấy Thế Tôn làm căn bổn, lấy Thế Tôn làm lãnh đạo, lấy Thế Tôn làm nương tựa... Thật lành thay, bạch Thế Tôn, nếu nghĩa của lời nói này được Thế Tôn nói lên! Sau khi nghe Thế Tôn nói, các Tỷ-kheo sẽ thọ trì.
- Vậy này các Tỷ-kheo, hãy nghe và khéo tác ý, Ta sẽ nói.
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
2.- Này các Tỷ-kheo, nếu các du sĩ ngoại đạo hỏi như sau: "Này chư Hiền, tất cả pháp lấy gì làm căn bản? Tất cả pháp lấy gì làm sanh khởi? Tất cả pháp lấy gì làm tập khởi? Tất cả pháp lấy gì làm chỗ quy tụ? Tất cả pháp lấy gì làm thượng thủ? Tất cả pháp lấy gì làm tăng thượng? Tất cả pháp lấy gì làm tối thượng? Tất cả pháp lấy gì làm lõi cây? Tất cả pháp lấy gì làm chỗ thể nhập? Tất cả pháp lấy gì làm cứu cánh? "
Ðược hỏi vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy có thể trả lời như sau: "Tất cả pháp lấy dục làm căn bản. Tất cả pháp lấy tác ý làm sanh khởi. Tất cả pháp lấy xúc làm tập khởi. Tất cả pháp lấy thọ làm chỗ quy tụ. Tất cả pháp lấy định làm thượng thủ. Tất cả pháp lấy niệm làm tăng thượng. Tất cả pháp lấy tuệ làm tối thượng. Tất cả pháp lấy giải thoát làm lõi cây. Tất cả pháp lấy bất tử làm chỗ thể nhập. Tất cả pháp lấy Niết-bản làm cứu cánh."
Này các Tỷ-kheo, được hỏi vậy, các Thầy có thể trả lời các du sĩ ngoại đạo ấy như vậy.
(IX) (59) Xuất Gia
1.- Do vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học tập như sau:
2."Tâm chúng ta sẽ được thực hành tích tập như khi xuất gia; các pháp bất thiện được sanh không có chinh phục tâm và không tồn tại; tâm chúng ta sẽ được thực hành tích tập với tưởng vô thường; tâm chúng ta sẽ được thực hành tích tập với tưởng vô ngã; tâm chúng ta sẽ được thực hành tích tập với tưởng bất tịnh; tâm chúng ta sẽ được thực hành tích tập với tưởng nguy hại; sau khi biết được thế giới thăng bằng và không thăng bằng, tâm chúng ta sẽ được thực hành tích tập với tưởng ấy. Sau khi biết được thế giới sanh khởi và đoạn diệt, tâm chúng ta sẽ được thực hành tích tập với tưởng ấy. Sau khi biết được thế giới tập khởi và chấm dứt, tâm chúng ta sẽ được thực hành tích tập với tưởng ấy; tâm chúng ta sẽ được thực hành tích tập với tưởng đoạn tận; tâm chúng ta sẽ được thực hành tích tập với tưởng ly tham, và tâm chúng ta sẽ được thực hành tích tập với tưởng đoạn diệt."
Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học tập.
3.Khi nào, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo được tâm thực hành tích tập như khi xuất gia, và các pháp bất thiện sanh khởi không chinh phục tâm và không tồn tại, và tâm được thực hành tích tập với tưởng vô thường, và tâm được thực hành tích tập với tưởng vô ngã, và tâm được thực hành tích tập với tưởng nguy hại; sau khi biết thế giới thăng bằng và không thăng bằng, tâm được thực hành tích tập với tưởng ấy. Sau khi biết thế giới sanh khởi và đoạn diệt, tâm được thực hành tích tập với tưởng ấy. Sau khi biết thế giới tập khởi và chấm dứt, tâm được thực hành tích tập với tưởng ấy; tâm được thực hành tích tập với tưởng đoạn tận; tâm được thực hành tích tập với tưởng ly tham; tâm được thực hành tích tập với tưởng đoạn diệt.
Ðối với vị ấy, một trong hai quả này được chờ đợi, chánh trí ngay trong hiện tại hay nếu có dư y, chứng được Bất hoàn.
(X) (60) Girimananda
1.Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn của ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, Tôn giả Girimànanda bị bịnh, khổ đau, bị trọng bịnh. Rồi Tôn giả Ananda đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:
2.- Tôn giả Girimànanda, bạch Thế Tôn, bị bệnh, khổ đau, bị trọng bệnh. Lành thay, nếu Thế Tôn đi đến Tôn giả Girimànanda, vì lòng từ mẫn.
- Này Ananda, nếu Thầy đi đến Tỷ-kheo Girimànanda và đọc lên mười tưởng, thời sự kiện này có thể xảy ra: Tỷ-kheo Girimànanda sau khi được nghe mười tưởng, bệnh của vị ấy có thể được thuyên giảm ngay lập tức! Thế nào là mười?
3.Tưởng vô thường, tưởng vô ngã, tưởng bất tịnh, tưởng nguy hại, tưởng đoạn tận, tưởng từ bỏ, tưởng đoạn diệt, tưởng nhàm chán đối với tất cả thế giới, tưởng vô thường trong tất cả hành, tưởng niệm hơi thở vô hơi thở ra. Và này Ananda, thế nào là tưởng vô thường?
4.Ở đây, này Ananda, Tỷ-kheo đi đến ngôi rừng, hay đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, quán sát như sau: "Sắc là vô thường, thọ là vô thường, tưởng là vô thường, hành là vô thường, thức là vô thường." Như vậy vị ấy trú, tùy quán vô thường, trong năm thủ uẩn này. Này Ananda, đây gọi là tưởng vô thường. Và này Ananda, thế nào là tưởng vô ngã?
5.Ở đây, này Ananda, Tỷ-kheo đi đến khu rừng hay đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, quán sát như sau: "Mắt là vô ngã, các sắc là vô ngã; tai là vô ngã, các tiếng là vô ngã; mũi là vô ngã, các hương là vô ngã; lưỡi là vô ngã, các vị là vô ngã; thân là vô ngã, xúc là vô ngã; ý là vô ngã, các pháp là vô ngã." Này Ananda, đây gọi là tưởng vô ngã. Và này, Ananda thế nào là tưởng bất tịnh?
6.Ở đây, này Ananda, Tỷ-kheo quán sát thân này từ bàn chân trở lên, từ đỉnh tóc trở xuống, được da bao bọc, đầy những vật bất tịnh sai biệt như: "Trong thân này có tóc, lông, móng, răng, da, thịt, dây gân, xương, tủy, thận, quả tim, gan, hoành cách mô, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, bụng, phân, mật, đàm (niêm dịch), mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, mỡ da, nước miếng, nước mũi, nước ở khớp xương, nước tiểu". Như vậy, vị ấy trú quán bất tịnh trong thân này. Này Ananda, đây gọi là tưởng bất tịnh. Và này Ananda, thế nào là tưởng nguy hại?
7.Ở đây, này Ananda, Tỷ-kheo đi đến khu rừng, đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, quán sát như sau: "Nhiều khổ là thân này, nhiều sự nguy hại. Như vậy trong thân này, nhiều loại bệnh khởi lên. Ví như bệnh đau mắt, bệnh đau về tai, bệnh đau mũi, bệnh đau lưỡi, bệnh đau thân, bệnh đau đầu, bệnh đau vành tai, bệnh đau miệng, bệnh đau răng, bệnh ho, bệnh suyễn, bệnh sổ mũi, bệnh sốt, bệnh già yếu, bệnh đau yếu, bệnh đau bụng, bất tỉnh, kiết lỵ, bệnh đau bụng quặn, bệnh thổ tả, bệnh hủi, bệnh ung nhọt, bệnh ghẻ lở, bệnh ho lao, bệnh trúng gió, bệnh da, bệnh ngứa, bệnh da đóng vảy, bệnh hắc lào lang ben, bệnh ghẻ, bệnh huyết đảm (mật trong máu), bệnh đái đường, bệnh trĩ, bệnh mụt nhọt, bệnh ung nhọt ung loét, các bệnh khởi lên do mật, bệnh khởi lên từ đàm, niêm dịch, các bệnh khởi lên từ gió; bệnh do hòa hợp các thể dịch sinh ra; các bệnh do thời tiết sinh ra, các bệnh do làm việc quá độ sanh, các bệnh do sự trùng hợp các sự kiêng; các bệnh do nghiệp thuần thục, lạnh, nóng, đói, khát, đại tiện, tiểu tiện". Như vậy, vị ấy sống, quán sự nguy hại trong thân này. Này Ananda, đây gọi là các tưởng nguy hại. Và này Ananda, thế nào là tưởng đoạn tận?
8.Ở đây, này Ananda, Tỷ-kheo, không có chấp nhận dục tầm đã sanh, từ bỏ, tẩy sạch, chấm dứt, đi đến không sanh trưởng; không có chấp nhận sân tầm đã sanh, từ bỏ, tẩy sạch, chấm dứt, đi đến không sanh trưởng; không có chấp nhận hại tầm... đã sanh...; không có chấp nhận các ác bất thiện pháp tiếp tục khởi lên, từ bỏ, tẩy sạch, chấm dứt, đi đến không sanh trưởng. Này Ananda, đây được gọi tưởng đoạn tận. Và này Ananda, thế nào là từ bỏ?
9.Ở đây, này Ananda, Tỷ-kheo đi đến khu rừng, hay đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, suy xét như sau: "Ðây là an tịnh, đây là thù thắng, tức là sự an chỉ tất cả hành, sự từ bỏ tất cả sanh y, ái diệt, ly tham, Niết bàn. Và này Ananda, thế nào là tưởng đoạn diệt?
10.Ở đây, này Ananda, Tỷ-kheo đi đến khu rừng, hay đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, suy xét như sau: "Ðây là an tịnh, đây là thù thắng, tức là sự an chỉ tất cả hành, sự từ bỏ tất cả sanh y, ái diệt, ly tham, Niết bàn". Và này Ananda, thế nào là tưởng không ưa thích trong tất cả thế giới?
11.Ở đây, này Ananda, phàm ở đời có những chấp thủ phương tiện, tâm quyết định, thiên kiến, tùy miên nào, Tỷ-kheo từ bỏ chúng, không ưa thích, không chấp thủ. Này Ananda, đây gọi là tưởng không hoan hỷ đối với tất cả thế giới. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tưởng vô thường trong tất cả hành?
12.Ở đây, này Ananda, Tỷ-kheo bực phiền, xấu hổ, nhàm chán đối với tất cả hành. Này Ananda, đây gọi là tưởng vô thường trong tất cả hành. Và này Ananda, thế nào là tưởng niệm hơi thở vào, hơi thở ra?
13.Ở đây, này Ananda, Tỷ-kheo đi đến khu rừng hay đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, ngồi kiết-già, lưng thẳng, để niệm trước mặt. Chánh niệm, vị ấy thở vô; chánh niệm, vị ấy thở ra. Thở vô dài, vị ấy rõ biết: "Tôi thở vô dài". Thở ra dài, vị ấy rõ biết: "Tôi thở ra dài", Hay thở vô ngắn, vị ấy rõ biết "Tôi thở vô ngắn"; hay thở ra ngắn, vị ấy rõ biết: "Tôi thở ra ngắn". "Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "An tịnh thân hành, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "An tịnh thân hành, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "Cảm giác hỷ thọ, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Cảm giác hỷ thọ, tôi sẽ thở ra," vị ấy tập. "Cảm giác lạc thọ, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Cảm giác lạc thọ, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "Cảm giác tâm hành, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Cảm giác tâm hành, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "An tịnh tâm hành, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "An tịnh tâm hành, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "Cảm giác về tâm, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Cảm giác về tâm, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "Với tâm hân hoan, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Với tâm hân hoan, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "Với tâm định tĩnh, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Với tâm định tĩnh, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "Với tâm giải thoát, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Với tâm giải thoát, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "Quán vô thường, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Quán vô thường, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "Quán ly tham, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Quán ly tham, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "Quán đoạn diệt, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Quán đoạn diệt, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "Quán từ bỏ, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Quán từ bỏ, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. Này Ananda, đó là niệm hơi thở vô, hơi thở ra.
14.Này Ananda, nếu Thầy đi đến Tỷ-kheo Girimànanda và đọc lên mười tưởng này, sự kiện này có xảy ra: Tỷ-kheo Girimànanda, sau khi nghe mười tưởng này, bệnh của vị ấy được thuyên giảm ngay lập tức".
15.Rồi Tôn giả Ananda, sau khi học thuộc từ Thế Tôn mười tưởng này, đi đến Tôn giả Girimànanda, sau khi đến, nói lên với Tôn giả Girimànanda mười tưởng này. Và Tôn giả Girimànanda, sau khi nghe mười tưởng này, bệnh của vị ấy được thuyên giảm ngay lập tức. Tôn giả Girimànanda, được thoát khỏi bệnh ấy. Ðược đoạn tận như vậy là chứng bệnh ấy của Tôn giả Girimànanda.
Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada