11.Vào một thời điểm khác nữa, khi ta là vị Bà-la-môn tên gọi Saṅ-kha. Có ý định băng qua đại dương, ta đã đi đến bến tàu.
12.Tại nơi ấy, ta đã nhìn thấy ở phía bên kia đường một vị Phật Độc Giác, là bậc không bị kẻ khác hàng phục, đang đi ở con đường xa vắng, trên mặt đất gồ ghề, nóng bỏng.
13.Sau khi nhìn thấy vị ấy ở phía bên kia đường, ta đã suy xét về sự việc này: “Đây là phước điền đã được thành tựu đến cho người mong cầu phước báu.”
14.Cũng giống như người nông phu nhìn thấy thửa ruộng có triển vọng thu hoạch lớn, người ấy không gieo hạt giống ở nơi ấy (nghĩa là) người ấy không có nhu cầu về thóc lúa.
15.Tương tợ như thế, là người có mong cầu về phước báu, sau khi nhìn thấy phước điền cao quý tối thượng, nếu ta không thể hiện hành động ở phước điền ấy thì ta không phải là người mong cầu về phước báu.
16.Giống như vị quan đại thần mong muốn có uy quyền đối với những người trong cung mà không ban cho những người ấy tài sản và thóc gạo thì sẽ bị suy giảm về uy quyền.
17.Tương tợ như thế, là người có mong cầu về phước báu sau khi nhìn thấy bậc cao thượng xứng đáng để cúng dường, nếu ta không dâng cúng vật thí đến vị ấy thì ta sẽ bị suy giảm về phước báu.
18.Sau khi suy nghĩ như thế, ta đã cởi ra đôi dép, rồi đảnh lễ ở hai bàn chân của vị ấy, và đã cúng dường dù và dép.
19.Mặc dầu ta có cơ thể mảnh mai và được nuôi dưỡng cẩn thận gấp trăm lần so với vị ấy, tuy nhiên trong khi làm tròn đủ hạnh bố thí, ta cũng đã cúng dường đến vị ấy như thế.
Hạnh của (đức Bồ-tát) Saṅkha là phần thứ nhì.
Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada