Xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Trụ trì: Tỳ khưu Thiện Minh (0903 870 370).

Lịch sử Thiền viện Thiện Minh

Thiền viện Thiện Minh tọa lạc tại ấp Phú An, xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Nằm giữa cù lao An Bình. Cù lao này hiện nay rất thơ mộng và thiên nhiên ưu ái, hai bên bao bọc bởi sông Tiền và sông Hậu, vườn cây ăn trái sum suê. Khoảng 15 năm qua, cù lao này thu hút rất nhiều khách Tây phương đến tham quan ngắm cảnh và dã ngoại. Thiền viện Thiện Minh hiện nay do Đại đức Giáo sư Tiến Sĩ Thích Thiện Minh làm viện chủ kiêm trụ trì. Để tìm hiểu về ngôi thiền viện này, chúng ta cần tìm hiểu một số lãnh vực như sau:

 

  1. Vài nét lịch sử.

Đầu năm 2008, ĐĐ Thiện Minh về thăm quê hương và cha mẹ, ông bà trong dịp đầu năm. Đặc biệt là thăm bà ngoại 95 tuổi và bà có phát tâm hiến 2000 m2 đất cổ mộ để làm chùa, thờ Phật và gia tiên. ĐĐ Thiện Minh hoan hỷ nhận và hứa làm tốt. Thế là ngày 6/10/2008, tiến hành hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho ĐĐ Thiện Minh, thế danh Nguyễn Văn Sáu. Đến ngày 4/10/2008, chính thức ĐĐ Thiện Minh đứng sổ đỏ 2000 m2 đất.

Mùa xuân năm 2009, ĐĐ Thiện Minh, TN Quang Giới, và gia đình đã chính thức động thổ xây thiền viện Thiện Minh với diện tích xây dựng 12 x 22 m, 1 lầu. Từ lúc khởi công cho đến hoàn thành khoảng 5 tháng. Sau khi hoàn thành, ngày 14/8/2010, ĐĐ Thiện Minh thỉnh 1 pho tượng Phật và 2 pho tượng Phật khất thực bằng đồng về tôn thờ tại chánh điện. Từ khi tượng Phật về, bà con Phật tử hoan hỷ đến thắp hương, tụng kinh mỗi ngày. Nhận thấy nơi đây thích hợp để gia nhập cơ sở này vào Giáo hội Phật giáo tỉnh Vĩnh Long để sinh hoạt thuần túy tôn giáo.

Ngày 3/9/2010, HT Thích Thiện Pháp – Phó tổng Thư ký kiêm Chánh văn phòng 2 – có công văn 316 DT.HĐTS giới thiệu ĐĐ Thiện Minh đến Sở nội vụ Ban Tôn giáo Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Vĩnh Long liên hệ để đăng ký thiền viện Thiện Minh sinh hoạt tôn giáo.

Ngày 11/9/2010, ĐĐ Thiện Minh đệ đơn đưa cơ sở Phật giáo Thiền viện Thiện Minh trực thuộc tỉnh hội Phật giáo tỉnh Vĩnh long.

5/11/2010, Phó Chủ tịch Lê Thanh Xuân ký quyết định theo công văn số 2427/QĐ-UBND về việc chuyển cơ sở Thiền viện Thiện Minh trực thuộc GHPGVN tỉnh Vĩnh Long.

2/11/2010, HT Thích Đắc Pháp – Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Vĩnh Long ký quyết định theo công văn số 187/QĐ-BTS về việc công nhận cơ sở thờ tự Thiền viện Thiện Minh trực thuộc hội Phật giáo tỉnh Vĩnh Long.

12/2/2011, tổ chức lễ kết giới sīma và khánh thành Thiền viện Thiện Minh. Đến tham dự, về phía GHPGVN có HT Thích Thiện Tâm, TT Thích Bửu Chánh, HT Thích Thiện Nhân, HT Thích Thiện Pháp, HT Thích Trí Đức, HT Đào Như, HT Tăng Định, v.vv… Về phía Ban Trị sự Phật giáo tỉnh có HT Thích Đắc Pháp – Trưởng ban, HT Thích Như Tước – Phó ban, NS Như Liên – Phó ban. Về phía chính quyền có ông Nguyễn Văn Sang – Phó giám đốc Sở nội vụ, trưởng ban Tôn giáo, bà Dương Như Thủy- Trưởng phòng Phật giáo, ông Trần Minh Cảnh-Bí thư xã Bình Hòa Phước; hơn 100 chư tăng và khoảng 300 Phật tử đến tham dự.

8/1/2015, HT Thích Như Tước – trưởng ban TSGHPGVN tỉnh Vĩnh Long ký quyết định theo công văn số 15/QĐ-BTS bổ nhiệm ĐĐ Thiện Minh thế danh Nguyễn Văn Sáu đảm nhiệm trụ trì cơ sở thờ tự Thiền viện Thiện Minh tọa lạc ấp Phú An, xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.

 

  1. Kiến trúc

Tham quan thiền viện Thiện Minh, vào cổng bên phải là tháp thờ Thánh tăng Đại Lộc Sīvali, bên tay trái là tháp thờ Thánh tăng Trí Tuệ Sariputta giúp cho bà con Phật tử đến cầu nguyện Thánh tăng Đại Lộc để may mắn hanh thông, giàu sang phú quý; lại cầu nguyện cúng dường Thánh tăng trí tuệ Sariputta để giúp chúng ta có trí tuệ thông minh sáng suốt. Hai tháp này không lớn, chiều cao khoảng 2.5 m, kiến trúc làm theo dạng cổ lầu. Vào bên trong là chánh điện có 2 tầng, tầng dưới là tăng xá, phòng khách. Tầng trên là chánh điện thờ Phật. Chánh giữa là thờ tượng Đức Phật Thích Ca bằng đồng cao 2.5m, hai bên là 2 pho tượng Phật đi bát bằng đồng cao 1m. Bên trái thờ HT Tăng trưởng Thích Siêu Việt, bổn sư ĐĐ Thiện Minh. Bên phải thờ ông ngoại, bà ngoại, liệt sĩ Trần Văn Đèo, gia đình chủ đất cũng là họ bên ngoại. Kiến trúc chánh điện cũng làm theo dạng cổ lầu, lợp ngói, hoa văn họa tiết hình bánh xe pháp, long, lân, quy, phụng. Đặc biệt, mặt tiền chánh điện 2 bên là cầu thang lên viếng chánh điện trang trí 9 đầu rồng tượng trưng cho tỉnh Cửu Long mà nay là địa danh của tỉnh Vĩnh Long vì sông Mê Kông còn gọi là sông cái thượng nguồn của nó là Tây Tạng đổ qua Trung Quốc, Miến Điện, Lào, Thái và Campuchia và đổ ra 9 tỉnh miền Tây nam bộ, rồi đổ ra biển đông bằng 9 cửa là: Đại, Tiểu, Bát Sát, Hàm Luông, v.vv… 9 cửa này theo địa lý và dân gian gọi là Cửu Long. Phía sau chánh điện là nhà bếp. Hai bên hông chánh điện là dãy nhà ăn để phục vụ Phật tử trong những dịp lễ hội. Đối diện chánh điện là thiền đường có diện tích 10 x 30m để phục vụ cho lễ hội, là nơi sinh hoạt Phật pháp, tổ chức khóa tu.

Sau thiền đường có khoảng 2 công đất đã nới rộng diện tích chùa sau này. Chung quanh 2 công đất này là 1 dòng sông có 1 pho tượng Thích Ca ban phước được tôn trí để cho Phật tử viếng chùa để đi dạo quanh khu đất, xem bông hoa, lạy Phật để nhằm thư giản tâm linh. Khu vườn này, những ngày lễ hội mùng 5 tết, rằm tháng giêng, rằm tháng 7, và 27/9 Phật tử dạo quanh để thư giản tâm linh.

Tóm lại, kiến trúc Thiền viện Thiện Minh không phải là một kiến trúc hoành tráng như những già lam đại tự khác. Hoa văn kiến trúc họa tiết cũng đơn điệu nhưng nhìn vào hài hòa sâu lắng, mang hồn dân tộc Việt Nam giúp người viếng cảnh chùa cảm thấy nhẹ nhàng, ấm cúng và gần gũi

 

  1. Những lễ hội

Nghi lễ và lễ hội gắn liền đời sống tâm linh. Chùa, già lam, thiền viện, ngoài việc là nơi cư ngụ của tăng ni tu học còn phải tổ chức những lễ hội nhằm để phương tiện hóa hướng dẫn cho người tại gia đến viếng chùa, tham dự lễ nhằm để chuyển hóa và thay đổi thân tâm. Thiền viện Thiện Minh có những lễ hội như sau:

–          Mùng 5 tết lễ đặt bát hội và cúng giỗ liệt sĩ Trần Văn Đèo. Lễ hội này quy tụ khoảng 50 tăng ni và hàng ngàn Phật tử đến tham dự lễ đặt bát hội. Đây là một nghi thức đặc biệt trong Phật giáo Nguyên Thủy nhằm tại điều kiện cho Phật tử Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Vĩnh Long… nhằm đặt bát cúng dường cho chư tăng nhân dịp đầu năm. Đồng thời gia đình của ĐĐ Thiện Minh và bên ngoại đặt bát cúng dường cho chư tăng để hồi hướng phước cho liệt sĩ Trần Văn Đèo hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ năm 1969.

–          Đại lễ rằm tháng giêng. Theo Phật giáo Nguyên Thủy, rằm tháng giêng có 2 ý nghĩa. Một là đại hội Thánh tăng có 1250 vị tỳ khưu ‘thiện lai tỳ khưu’. Hai là Đức Phật tuyên hứa và khẳng định với Ma Vương thời gian nhập diệt vào rằm tháng 4. Kỷ niệm ngày đại lễ này, buổi sáng trai tăng, thuyết pháp, tụng kinh; buổi tối tụng kinh, thuyết pháp và chiêm bái xá lợi.

–          Đại lễ Tam hợp Vesak đản sanh, thành đạo, niết bàn. Buổi sáng trai tăng, thuyết pháp, độ ngọ. Buổi chiều tụng kinh, ngồi thiền, chiêm bái xá lợi. 

–          Mùng 10 tháng 6 âm lịch, lễ dâng y nhập hạ cho chư tăng. Trong PGNT, trước khi chư tăng nhập hạ, Đức Phật cho phép 1 tháng cử hành lễ Dâng y tắm mưa nhập hạ. Các chùa Phật giáo Nguyên Thủy chọn 1 ngày trong 1 tháng để hàng tại gia cư sĩ tổ chức dâng y và tứ vật dụng để tiễn chư tăng trước khi nhập hạ. Thiền viện Thiện Minh chọn ngày 10/6 hàng năm

–          Lễ nhập hạ. Ngày 16/6 vào lúc 6h chiều tất cả các chùa theo Phật giáo Nguyên Thủy đều cử hành lễ an cư kiết hạ. Trước khi cử hành lễ, chư tăng làm lễ Tam bảo, phát nguyện nghi thức phát nguyện an cư kiết hạ liên tục 3 tháng tại trú xứ, không được ra khỏi chùa ngoại trừ những lý do đặc biệt như cha mẹ, thầy tổ bịnh, v.vv… Nếu có nhu cầu đặc biệt chỉ được đi 6 ngày và trở về vào ngày thứ 7.

–          Lễ hội rằm tháng 7, Vu Lan mùa báo hiếu. Buổi sáng trai tăng, thuyết pháp và độ ngọ. Lễ này không có trong sử liệu của Phật giáo theo truyền thống Nguyên Thủy nhưng cử hành lễ theo truyền thống dân tộc nhằm để Phật tử cúng dường trai tăng để hồi hướng phước báu đến cha mẹ quá vãng và cầu an đến cha mẹ còn tại tiền.

–          Lễ hội dâng y Kaṭhina. Ngày 27/9 âm lịch là ngày tổ chức dâng y kaṭhina cho chư tăng. Lễ hội này chỉ tổ chức buổi sáng gồm có lễ bái Tam bảo, thuyết pháp, nhiễu Phật 3 vòng, nghi thức dâng y và thọ y, huê trai tăng, dùng cơm và hoàn mãn. Lễ hội này thường có 1 thí chủ xin tài trợ các chi phí để cúng dường cho ngày đại lễ còn gọi là thí chủ dâng y Kaṭhina. Lễ hội này được xem như là ngày tết của chư tăng, ni. Ngày này chư Phật tử đến dâng y cho chư tăng và dịp này dâng y thay đổi y phục mới. Lễ hội này quy tụ tăng ni và Phật tử khoảng 500 người.

–          Lễ sám hối. Ngày 15 và 30 hàng tháng, thiền viện Thiện Minh vào lúc 5h chiều đến 7h tối tổ chức lễ sám hối lệ. Sám hối là hình thức cho người Phật tử đến tụng kinh sám hối nhằm nhắc lại tụng kinh sám hối, ngồi thiền, niệm Phật, xin giới lại. Đây là hình thức hối lỗi của cư sĩ tại gia nhằm làm mới lại sau những ngày vất vả với công việc và thân khẩu ý không được thanh tịnh và trong sạch.

–          Thời khóa công phu. Thiền viện Thiện Minh có 2 thời công phu. Buổi sáng 5h, buổi chiều 5h. Thường mỗi thời công phu có 3 nội dung: lễ bái tam bảo, tụng kinh theo ngày, hồi hướng.

–          Nghi thức cúng ngọ. 11h trưa hằng ngày là tăng, ni thiền viện cúng ngọ, tụng kinh chúc phúc cho thí chủ đặt bát cúng dường và tụng kinh quán tưởng trước khi ăn, đang khi ăn và sau khi ăn. Đó là những thời khóa tu tập của tăng ni nhằm để nhắc nhở, huân tập đời sống phạm hạnh cho được tốt đẹp.

 

  1. Những hoạt động Thiền viện Thiện Minh

Thiền viện đã chính thức hoạt động từ năm 2010. 6 năm so với kiếp người thì quá ngắn ngủi nhưng trong 6 năm trôi qua có những thành tựu đáng kể như sau.

Về hoạt động từ thiện đã trao khoảng 12 căn nhà tình thương, trao tặng khoảng 40 chiếc xe đạp cho những học sinh nghèo, tạo điều kiện phụ giúp cho học sinh cấp 1, 2 đi tham quan Suối Tiên, Vũng Tàu, Đại Nam. Trao khoảng 150 suất học bổng cho học sinh cấp 2, 3 trường Bình Hòa Phước, trường Hòa Ninh. Mỗi năm phát khoảng 500 phần quà vào dịp tháng 7 và dịp tết, mỗi phần quà trị giá khoảng 200 ngàn. 14/8 hàng năm phát khoảng 500 phần bánh trung thu cho trẻ em địa phương tại thiền viện và xã Bình Hòa Phước. 19/7 tổ chức văn nghệ để phục vụ cho đồng bào Phật tử địa phương. Thành lập một đội mai táng để lo hậu sự cho bà con có hoàn cảnh neo đơn trong 4 xã cù lao, cho rất nhiều áo quan cho người nghèo khó. Đội mai táng có khoảng hơn 20 thanh niên để giúp hậu sự cho bà con cô bác khi cần thiết.

Về tổ chức khóa tu. Ngày 20 âm lịch hàng tháng có tổ chức khóa tu thiền niệm Phật có khoảng hơn 200 tăng ni tu học 1 ngày. Mỗi kỳ tu đến nay đã được 65 tháng. Mỗi khóa tu có tổ chức thuyết Pháp, quy y Tam bảo, ngồi thiền niệm Phật và chia sẽ Phật pháp. Có nhiều giảng sư nổi tiếng được mời đến để thuyết pháp như TT Bửu Chánh, TT Chánh Định, TT Thiện Minh, TT Sơn Ngọc Huynh, TT Minh Đạt, TT Giác Giới, TT Minh Nhẫn, DD phước Tiến, DD Minh Đức, ….

Tóm lại, Thiền viện Thiện Minh tuy mới thành lập nhưng đã để lại dấu ấn vượt thời gian, hoạt động xã hội và lan tỏa trong đời sống của cộng đồng Phật tử khá tốt và hướng dẫn cho bà con phương pháp tu tập hằm chuyển hóa thay đổi, là nơi tăng, ni tu học. Tại đây đã có hơn 10 vị xuất gia tỳ khưu và sa di, có gần hơn 250 cư sĩ tại gia quy y tam bảo, là nơi khách tây phương đến viếng chùa, lạy Phật, chụp ảnh rất đông, dường như ngày nào cũng có khách tây đến viếng. Thời khóa công phu chiều có hơn 20 Phật tử đến tụng niệm. Thiền viện Thiện Minh là một địa chỉ giới thiệu triết lý Phật giáo không những người Phật tử ở địa phương mà còn cả những người khách tây.

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app