Tĩnh tại

Bởi vậy, hãy buông xả, hãy buông xả mọi thứ, ngoại trừ sự giác tỉnh. Đừng bị đánh lừa trước những hình ảnh hay âm thanh phát sinh trong tâm khi đang thiền định. Hãy buông xả chúng. Đừng bám chấp bất kỳ đối tượng bên ngoài nào. Hãy chỉ an trụ trong sự tỉnh giác bất nhị này. Đừng lo lắng về quá khứ hay tương lai. Hãy tĩnh tại và con sẽ đạt tới cảnh giới không có tăng hay giảm, không có thoái thất hay ngăn ngại, ở đó chẳng có gì để bám chấp hay chấp thủ cả. Tại sao? Bởi vì không còn bản ngã, không còn tôi, của tôi. Tất cả mọi thứ đã được buông xả.

Đức Phật dạy chúng ta phải buông xả mọi thứ theo cách này, đừng mang bất cứ điều gì theo cả. Hãy chỉ biết, thấy biết và buông xả.

Thấu đạt Giáo Pháp, con đường đến giải thoát khỏi vòng sinh và tử là nhiệm vụ mà mỗi chúng ta phải tự mình làm. Bởi vậy, hãy không ngừng buông xả và thấu hiểu giáo pháp. Hãy nỗ lực, tinh tiến thiền định. Đừng bị xao nhãng, đừng lo lắng về gia đình của con. Ngay lúc này gia đình con là gia đình con, nhưng trong tương lai họ cũng trong hoàn cảnh như như lúc này. Chẳng có ai trên thế giới này có thể trốn thoát khỏi cái chết. Đức Phật dạy chúng ta hãy buông xả mọi thứ không có một tự tính cố hữu. Nếu biết buông xả, con sẽ thấy được chân lý, và đương nhiên là ngược lại. Đó là cách sự vật tồn tại và điều này đúng với mọi người trên thế gian này. Bởi vậy hãy đừng xao lãng và đừng bám chấp bất kỳ đối tượng nào.

Thậm chí nếu thấy mình cứ khởi những dòng suy nghĩ, cũng ổn thôi, miễn là con biết suy nghĩ một cách trí tuệ. Không suy nghĩ với sự si mê. Nếu suy nghĩ về con cái của mình, hãy nghĩ tới chúng bằng trí tuệ. Bất kỳ đối tượng nào mà tâm thức hướng tới, hãy suy tư và thấy biết chúng bằng trí tuệ, tỉnh thức về bản chất thật của chúng. Nếu con thấy biết mọi điều bằng trí tuệ, con có thể buông xả chúng, khi ấy sẽ không còn khổ đau. Bản chất của tâm là trong sáng, rực rỡ, hoan hỷ và an bình, và không bị ngăn ngại bởi những phiền não. Ở thời điểm này con có thể thực hành để đạt tới trạng thái đó thông qua hơi thở.

Đây là công việc của riêng chính con, không ai làm thay được. Hãy để những người khác làm công việc của chính họ. Con có bổn phận và trách nhiệm của riêng mình và con không phải đảm nhận thay cho bất kỳ ai trong gia đình cả. Đừng trói buộc mình với bất kỳ bổn phận nào của người khác. Hãy buông xả. Sự buông xả sẽ làm an định dòng tâm con. Trách nhiệm duy nhất của con ngay lúc này là an định và làm an bình dòng tâm. Hãy để mọi thứ cho người khác. Hình sắc, âm thanh, mùi vị… hãy để lại chúng cho người khác. Hãy để mọi thứ phía sau và làm, viên mãn công việc của mình. Dù bất kỳ tư tưởng nào phát sinh trong tâm như nỗi lo sợ đau đớn, lo sợ cái chết, lo lắng về người này hay người kia, hay bất kỳ thứ gì, con hãy nói với chúng rằng “hãy đừng làm phiền ta nữa. Ngươi không còn là bổn phận của ta nữa. Hãy không ngừng nói với chúng như vậy khi thấy chúng khởi hiện trong tâm.

Thế giới là trạng thái tinh thần đang không ngừng kích động tới con lúc này: “Con người này sẽ làm điều gì? Khi tôi chết, ai sẽ chăm sóc chúng? Họ sẽ chăm sóc như thế nào? Đây là tất cả những gì là thế giới. Ngay cả một ý niệm khởi sinh sợ chết hay sợ đau cũng là thế giới. Hãy ném bỏ thế giới đó đi! Thế giới là cách thức nó đang tồn tại. Nếu con để cho nó khởi hiện trong dòng tâm và chi phối tâm thức, con sẽ không thể nhìn thấu được bản chất của nó. Bởi vậy bất kỳ điều gì khởi hiện trong tâm, hãy đơn giản nói: “Đây không phải là bổn phận của tôi. Nó là vô thường, bất mãn và ngã chấp.”

 

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app