1. Vô Minh (Avijjà)

Ðiểm thảo luận đầu tiên là Vô Minh, Avijjà (sanskrit là avidyà). Moha, si mê, và annàna không thông suốt hay không có tri kiến, cùng đồng nghĩa với Avijjà.

Vô Minh (Avijjà) là gì? Ðó là không có tri kiến của bậc Chánh Giác. Nói cách khác, là không thông hiểu Tứ Diệu Ðế. Ðó cũng là không thông hiểu Thập Nhị Nhân Duyên, hay pháp Tùy Thuộc Phát Sanh. Do sự không thông suốt ấy người vô minh duy trì những quan kiến sai lầm, thấy vô thường là vĩnh cửu trường tồn, xem đau khổ là thích thú, vô ngã là linh hồn trường cửu, không có Thần Linh Tạo Hóa mà cho rằng có, ô nhiễm thấy là thanh tịnh và giả cho là thật. Hơn nữa, vô minh là không nhận ra được bản chất kết hợp của ngũ uẩn (pancakkhandha) hay tâm và thân, danh và sắc.

Vô Minh hay si mê, ảo kiến, là một trong những căn nguyên sanh ra tất cả mọi ô nhiễm, tất cả hành động bất thiện (akusala). Tất cả những ý niệm sai lầm có thể quan niệm được đều là hậu quả của Vô Minh. Không thể có hành động nào, dầu biểu lộ dưới hình thức tư tưởng, lời nói, hay việc làm (thân, khẩu, ý) mà không tùy thuộc nơi, và không phát sanh do Vô Minh. Vì lẽ ấy Vô Minh được kể là vòng khoen đầu tiên của sợi lòi tói Thập Nhị Nhân Duyên (Paticca-Samuppàda). Tuy nhiên, Vô Minh không phải là một khởi điểm đầu tiên, hay là khởi nguyên cùng tột của muôn loài vạn vật. Chắc chắn nó không phải là Nguyên Nhân Ðầu Tiên. Trong tư tưởng Phật Giáo không thể có quan niệm về nguyên nhân đầu tiên. Giáo lý Tùy Thuộc Phát Sanh có thể được hình dung bằng một vòng tròn bởi vì đó là sự tuần huờn của kiếp sinh tồn (bhava cakka, skt cakra, bánh xe của sự trở thành). Trên một vòng tròn, bất luận điểm nào cũng có thể là khởi điểm. Mỗi yếu tố của vòng Thập Nhị Nhân Duyên, và tất cả các yếu tố ấy, đều có thể đứng chung lại bên cạnh một yếu tố khác trong vòng. Do đó không có yếu tố nào tự mình đứng lẻ loi một mình và tác động một cách riêng rẽ, độc lập, không tùy thuộc các yếu tố khác. Tất cả đều tùy thuộc lẫn nhau và không thể tách rời nhau. Không có yếu tố nào độc lập đơn độc. Pháp Tùy Thuộc Phát Sanh là một tiến trình liên tục, không gián đoạn. Trong tiến trình ấy không có cái gì bền vững hay đứng nguyên một chỗ mà tất cả đều quay cuồng. Ðó là sự khởi phát của những điều kiện luôn luôn biến đổi tùy thuộc những điều kiện khác đang dần dần tan biến. Ở đây không tuyệt đối là có sự sinh tồn, cũng không hoàn toàn là không sinh tồn mà chỉ có những hiện tượng trơ trọi, liên tục tiếp diễn (suddha dhammà pavattanti).

Vậy, Vô Minh, yếu tố đầu tiên trong chuỗi dài những yếu tố, không phải là nguyên nhân đơn độc, duy nhứt, tạo điều kiện cho yếu tố thứ nhì, Hành (Sankhàra), phát sanh. Một cái chơn máy ảnh có ba nhánh bằng nhau và nâng đỡ lấy nhau thì cái máy ảnh gắn trên đó được ngay ngắn vững chắc. Nếu một trong ba nhánh ấy bị sụm thì hai nhánh kia cũng ngả nghiêng. Cùng thế ấy, những yếu tố trong Thập Nhị Nhân Duyên cũng nâng đỡ lấy nhau bằng nhiều cách.

  1. Hành (Sankhàra)

Avijjà paccayà sankhàrà (skt samkàràh), tùy thuộc Vô Minh, phát sanh Hành với đặc tánh đưa đến tái sanh. Danh từ sankhàra còn có một nghĩa khác. Trong câu “sabbe sankhàrà aniccà” hay “aniccà vata sankhàrà” (tất cả các vật cấu tạo đều vô thường), danh từ sankhàra là những vật cấu tạo và phát sanh do điều kiện mà nhà Phật gọi là pháp hữu vi, tức là tất cả những vật phát sanh như hậu quả của những nhân và điều kiện trước đó, và tác động như nhân và điều kiện để cho quả khác phát sanh sau này.

Trong pháp Tùy Thuộc Phát Sanh (Paticca-Samuppàda) sankhàra chỉ giản dị là tất cả những hành động thiện và bất thiện (kusala-akusala kamma), biểu hiện bằng thân, khẩu, hay ý mà đem lại phản ứng. Rất khó tìm ra một danh từ diễn đạt đầy đủ và chính xác những ý nghĩa bao hàm trong phạm ngữ sankhàra. Vậy ta nên hiểu rằng ở đây nó là những hành động có tác ý và có tánh cách đưa đến tái sanh, hay là những hợp thành của tác ý, hoặc chỉ giản dị là nghiệp (kamma, skt karma).

Vô Minh (Avijjà) bắt nguồn từ bên trong con người, làm cho con người trở nên mù quáng, không nhận định được hành động của mình đúng theo sự thật và do đó, để cho ái dục lôi cuốn mình đến những hành động mới khác nữa. Nếu không có Vô Minh ắt không có hành động tương tợ (Sankhàra). Không có hành động, do Vô Minh tạo điều kiện để khởi phát, sẽ không có tái sanh. Và toàn thể khối đau khổ sẽ chấm dứt. Ðể chỉ rõ tác dụng của mười hai yếu tố của Thập Nhị Nhân Duyên trong những kiếp sống nối tiếp, công thức này trải dài trên ba kiếp sống nối tiếp, công thức này trải dài trên ba kiếp sống kế tiếp nối liền nhau: quá khứ, hiện tại và tương lai.

Vô Minh và Hành thuộc về kiếp sống quá khứ. Hành trong sạch có thể đưa đến tái sanh tốt, tức là sanh vào trạng thái nhàn lạc. Hành ô nhiễm có thể đưa đến tái sanh xấu, tức sanh vào trạng thái đau khổ. Ta nên ghi nhận rằng tất cả Hành (Sankhàra) – hành động thiện và bất thiện – đều do Vô Minh tạo điều kiện để phát khởi. Ðến đây một câu hỏi có thể được nêu lên: làm thế nào những hành động phát sanh do Vô Minh tạo điều kiện lại có thể đưa đến tái sanh tốt?

Từ trạng thái của người phàm tục (còn là chúng sanh trong tam giới: Dục, Sắc, và Vô Sắc) có giới đức (Kalyànaputhujjana) đến người đã chuẩn bị đầy đủ và sẵn sàng để nhập lưu (cùlasotapanna) chí đến ngay khi đạt thành đạo quả A-La-Hán, tất cả những hành động thiện (kusala) chỉ là những hành động trong đó tri kiến chiếm ưu thế hơn si mê và hạnh dứt bỏ hơn ái dục, trong một mức độ nào. Hành động thiện là hậu quả trực tiếp của một sự hiểu biết chơn chánh nào đó của người hành động. Không phải do si mê và ái dục mà người kia khước từ làm một hành động sát sanh v.v… mà chính vì người ấy có đủ trí tuệ để thấy những hậu quả xấu của hành động bất thiện và cũng vì người ấy có những phẩm hạnh như từ bi và giới đức. Ngoại trừ chư Phật và chư vị A-La-Hán, ta không thể hành động với tâm tuyệt đối dứt bỏ và hoàn toàn trí tuệ. Không thể quan niệm được một người thường mà có trí tuệ toàn hảo như vậy. Cũng như Eddington nói: nếu” hiểu biết” có nghĩa là “biết chắc chắn như vậy” thì danh từ “hiểu biết” ắt sẽ có ít cơ hội được người không muốn độc đoán dùng đến. Và nếu “có tâm dứt bỏ” [8] là luôn luôn thản nhiên và hoàn toàn xả chấp thì, đối với người không toàn thiện, danh từ này trở nên vô nghĩa. Nhưng, thỉnh thoảng, từng cơ hội, có thể dứt bỏ được. Và đối với người thông minh và đức hạnh, cũng có thể có một mức độ trí tuệ nào vừa thích nghi để hiểu biết cái gì là tốt đẹp, hành động nào là trong sạch và khôn ngoan, khả dĩ đem lại quả lành. Trên thế gian ngày nay, có nhiều việc người ta làm mà không có hy vọng được tán thưởng hay công nhận, có những việc người ta làm vì lòng bi mẫn hay để đem lại sự hiểu biết, hòa bình v.v… Những việc ấy chắc chắn phải được căn cứ trên đức tri kiến và hạnh dứt bỏ, có lẽ không phải theo ý nghĩa đạo lý, tín điều, hay siêu hình suông mà dưới ánh sáng của tư tưởng lành mạnh, không độc đoán, không bị ảnh hưởng của tín điều. Những hành động tốt cũng có thể bị thúc đẩy do những động cơ không hoàn toàn trong sạch, như muốn gặt hái quả lành chẳng hạn. Tuy nhiên, chí đến những trường hợp này, mặc dầu cũng bị lòng tham và si – ở mức độ nào – đượm nhuần, trong những hành động tương tợ – thí dụ như một hành động bố thí – vẫn có sự dứt bỏ, không bám víu để cho ra, và trí tuệ thấy không cho gì hết là xấu, thấy lợi ích của hành động bố thí. Sự hiện hữu của Vô Minh và Ái Dục ở bên trong một người không có nghĩa là người ấy không bao giờ có thể hành động với trí tuệ và với tâm dứt bỏ.

Bây giờ, ta cũng phải hiểu biết rằng mặc dầu con người có thể thực hiện những hành động thiện mà không có ẩn ý mạnh mẽ ước muốn được đền đáp lại trong kiếp sống này, nhưng có thể sâu ẩn trong tiềm thức vẫn có sự ham muốn được tái sanh tốt đẹp, êm dịu và sâu kín, hay một cảm giác nhẹ nhàng trong sự ước mong được ân thưởng về sau. Lại nữa, mặc dầu con người có thể làm một điều thiện vì lòng từ bi và không ẩn ý vụ lợi, nhưng trong lúc ấy, có thể người kia thiếu sự thấu hiểu trọn vẹn và đầy đủ, bản chất thật sự của đời sống là vô thường, khổ não và vô ngã. Sự kiện không thấu hiểu bản chất thật sự của đời sống tuy không phải thô kịch và hùng mạnh như tâm Si để dẫn đến hành động hung bạo, nhưng cũng đưa đến hành động trong sạch, tạo nghiệp lực đem lại tái sanh tốt. Một tái sanh tốt, dầu vào cảnh Trời đi nữa cũng vẫn là tạm thời, không bền vững, và liền sau khi hết tuổi thọ nơi đó, có thể tiếp theo bằng một tái sanh xấu, đưa vào những trạng thái bất hạnh.

Sự không thấu hiểu tương tợ thúc đẩy và nhuộm màu hành động thiện. Thí dụ, người kia thực hiện hành động thiện do sự thúc đẩy của lòng ham muốn được gặt quả lành trong một kiếp sống nhàn lạc ở cảnh Trời, hay cảnh người. Ðó là không thấu hiểu bản chất vô thường và khổ não của mọi kiếp sinh tồn trong tam giới. Sự không thấu hiểu ấy trở thành một điều kiện (điều kiện trợ duyên, upanissaya) đưa đến tái sanh tốt. Bằng cách ấy, và bằng các lối khác, Vô Minh có thể tác hành như điều kiện đưa đến tái sanh tốt bằng cách thúc đẩy và nhuộm màu những hành động tốt có tác ý (sankhàra) của một bản chất tại thế. Ðó là bản chất cố hữu của Vô Minh.

Vô Minh, hay không thấu hiểu bản chất thật sự của đời sống, trước hết là không thấu đạt Tứ Diệu Ðế. Chính vì không thông hiểu những Chơn Lý ấy mà chúng sanh mãi mãi phiêu bạt trong vòng luân hồi, sanh tử triền miên, trở đi trở lại. Ðức Phật dạy:

“Này chư Tỳ Khưu, chính vì không am hiểu, không thấu đạt Tứ Diệu Ðế mà chúng ta đã chạy mãi trên con đường dài, đã lê bước lang thang trên con đường xa xôi diệu vợi, cả các con và Như Lai… Nhưng khi đã am tường và thấu đạt Tứ Diệu Ðế, khi ái dục duyên theo sinh tồn đã bị diệt tận gốc rễ, những gì đưa đến mọi trở thành mới đều đã bị tiêu trừ thì không còn tái sanh nữa”.

[- Digha Nikàya (Trường A-Hàm)- Mahà Parinibbàna Sutta, (Kinh Ðại Niết Bàn),
– Samyutta Nikàya (Tạp (A-Hàm) câu 430.
– Vinaya Pitaka (Tạng Luật) 1, 231.]

Chỉ có hành động của người đã trọn vẹn tận diệt tất cả những khuynh hướng tiềm tàng (anusaya) và tất cả những chi nhánh khác nhau của nhân đau khổ mới không tạo nghiệp lực dẫn đến tái sanh, bởi vì các hành động ấy không có năng lực tái tạo. Hạng người ấy là bậc A-La-Hán, bậc Toàn Thiện, là hạng người mà nhãn kiến sáng tỏ và tuệ minh sát sâu sắc, thông suốt sâu xa vào tận thâm cung bí hiểm của đời sống, là hạng người đã hoàn toàn dập tắt mọi hình thức ái dục do sự thấu triệt bản chất thật sự của vạn pháp, nằm phía dưới những lớp mặt che ở trên. Người như thế ấy đã vượt lên tất cả sắc tướng, trên tất cả mọi lầm lạc, đã tuyệt đối không thể lầm lẫn. Và chỉ có tuệ Minh Sát (Vipassanà) mới đem lại được khả năng ấy. Vậy, người ấy đã thoát ra khỏi Vô Minh (Avijjà) và hành động của Ngài không đưa đến tái sanh.

III. Thức (Vinnàna)

Sankhàra paccayà vinnànam (skt vijnàna), tùy thuộc nơi Hành trong kiếp quá khứ, phát sanh Thức (Vinnàna, thức nối liền, hay thức tái sanh). Nói cách khác, tùy thuộc nơi nghiệp thiện hay bất thiện quá khứ Thức được tạo điều kiện để phát sanh trong kiếp hiện tại. Vậy, Thức là yếu tố (nidàna) đầu tiên hay vòng khoen đầu tiên thuộc kiếp sống hiện tại. Vô Minh (Avijjà) và Hành (Sankhàrà) trong quá khứ cùng hợp lại để tạo điều kiện cho Thức (Vinnàna) trong kiếp hiện tại phát sanh. Trong Kinh Mahà Nidàna Sutta của bộ Trường A-Hàm (Dìgha Nikàya) chúng ta thấy tại sao “một khi Vô Minh và Ái Dục bị tận diệt thì không còn hành động thiện và bất thiện nữa, do đó không có thức tái sanh khởi phát trở lại trong một bào thai.

Như vậy, chúng ta thấy rằng nguyên nhân đưa đến tái sanh là hành động thiện và bất thiện của chính ta chớ không phải là công trình của một nhân vật tối thượng hay Thần Linh Tạo Hóa nào, mà cũng không phải là sự ngẫu nhiên, may rủi.

Vinnàna này là Thức đầu tiên trong luồng tâm (citta santati) của một kiếp sống (bhava) nên được gọi là patisandhi vinnàna, thức nối liền. Ðây là tái sanh, sanh trở lại, vào trở lại trong một bào thai. Tái sanh là khởi phát, phát sanh, được sanh trở lại trong tương lai (patisandhiti àyatim uppatti). Ðược gọi là hợp lại hay nối liền lại vì Thức này nối liền kiếp sống mới với kiếp vừa qua bhavantara patisandhànato patisandhìti vuccati). Làm dính liền cái mới với cái cũ không để gián đoạn, là cơ năng của sự nối liền lại, hay hợp lại. Vậy, ta nói rằng cơ năng của sự nối liền là làm dính liền lại kiếp sống này với kiếp kia (bhavato bhavassa patisandhànam patisandhi kicam). Thức nối liền (patisandhi vinnàna) là tâm quả (vipàka vinnàna) trong kiếp sống hiện tại nối liền kiếp sống mới với kiếp trước kế đó, và như vậy, cũng được nối liền với vô lượng tiền kiếp của một “chúng sanh tái sanh”. Tâm quả này phát sanh tùy thuộc nơi Hành trong kiếp quá khứ.

Trong Kinh Ànenjasappàya (Trung A-Hàm, 106) Thức Quả (vipàka vinnàna) này được nhắc đến như một “thức nối liền” “samvattanikam vinnànam” khởi phát trong một kiếp sống như một loại tâm quả (vipàka) do nghiệp (kamma) đã tạo trong kiếp sống liền trước đó.

Khi gọi là “thức nối liền” không phải có một cái thức hay tâm không biến đổi, vẫn giữ nguyên vẹn trạng thái mà không hoại diệt, trải dài suốt châu kỳ của kiếp sinh tồn. Tâm hay thức cũng là pháp hữu vi, cấu tạo, tùy thế, nghĩa là phải có điều kiện để khởi phát. Do đó, tâm không thể trường tồn, bất biến, mà vô thường, biến đổi từng khoảnh khắc. Mỗi nấc tâm, hay chập tư tưởng, phát sanh và hoại diệt, nhường chỗ cho một nấc tâm mới. Và cùng thế ấy, luồng tâm liên tục chảy trôi cho đến khi kiếp sinh tồn chấm dứt. Hiểu một cách, sinh tồn là tâm hay thức. Nếu không có tâm ắt không có “chúng sanh” nào tồn tại trong thế gian hữu giác này.

Theo các nhà sinh lý học hiện đại, “kiếp sống mới của một người bắt đầu từ khoảnh khắc kỳ diệu khi hột tinh trùng của người cha phối hợp với tế bào trứng, hay minh châu, trong lòng mẹ”. Ðó là khoảnh khắc đầu tiên của một kiếp sống. Khoa học chỉ nói đến hai yếu tố vật chất ấy. Phật Giáo đề cập đến yếu tố thứ ba, và yếu tố này hoàn toàn thuộc về tâm.

Theo Kinh Mahàtanhàsamkhaya Sutta, Majjhima Nikàya (Trung A-Hàm) 38:

“Do sự phối hợp của ba yếu tố, có mầm sống phát sanh (tức có sự thọ thai). Nếu cha và mẹ hợp nhau mà không nhằm thời kỳ thọ thai của mẹ và không có một chủng tử (gandhabba, chúng sanh đi tái sanh) thì không có mầm sống. Nếu cha mẹ và hợp nhau trong thời kỳ thọ thai của mẹ mà không có một chủng tử (gandhabba) thì cũng không có mầm sống. Nếu cha và mẹ hợp nhau nhằm thời kỳ thọ thai của mẹ và có một chủng tử thì có mầm sống, do sự phối hợp của ba yếu tố.”

Yếu tố thứ ba này (gandhabba hay chủng tử) chỉ là một danh từ khác để gọi thức tái sanh, patisandhi vinnàna. Có một chập tư tưởng cuối cùng (cuti citta) thuộc kiếp sống vừa qua. Tức khắc sau khi chập tư tưởng ấy chấm dứt thì chập đầu tiên của kiếp sống hiện tại khởi phát, gọi là “thức nối liền” (patisandhi vinnàna). Nấc tâm cuối cùng của kiếp sống trước vừa chấm dứt thì nấc tâm đầu tiên của kiếp sống mới khởi phát, nối liền theo. Giữa hai chập tư tưởng, hay nấc tâm ấy không có một khoảng trống, không có một chúng sanh trong bụng hay ở lưng chừng giữa trạng thái chết và tái sanh (antaràbhava hay antaràbhavasatta). Ta phải thấu hiểu phân minh rằng “thức tái sanh” này không phải là một “tự ngã”, một “linh hồn”, hay một thực thể đơn thuần nào có thể gọi là “Ta” để chịu quả dữ hay hưởng quả lành. Kinh Mahàtanhàsankhaya Sutta có ghi chép diễn biến sau đây:

Vào thời Ðức Phật, có vị tỳ khưu hiểu biết lầm lạc tên Sàti thường nói rằng: “Theo sự hiểu biết của tôi, Giáo Pháp của Ðức Phật dạy rằng có một cái tâm nguyên vẹn, đi thênh thang vô định, và chuyển sanh (từ kiếp này sang kiếp khác)”. Những vị tỳ khưu khác nghe vậy cố gắng giải thích cho tỳ khưu Sàti để dẫn dắt thầy trở về con đường chơn chánh. “Này Ðại Huynh Sàti, không nên nói như thế, không nên làm cho người ta hiểu lầm Ðức Thế Tôn, chớ nên trình bày sai lạc giáo huấn của Ðức Thế Tôn mà cũng không nên nói như thế bởi vì, này Ðại Huynh Sàti, bằng nhiều phương cách khác nhau Ðức Thế Tôn đã giảng giải dài dòng pháp Tùy Thuộc Phát Sanh. Ngài dạy rằng tâm chỉ phát sanh do điều kiện, và ngoại trừ do điều kiện, tâm không thể khởi phát. Tuy nhiên thầy Sàti vẫn cố chấp tà kiến của mình. Câu chuyện được bạch lại với Ðức Phật, Ngài cho gọi Ðại Ðức Sàti đến và hỏi:

– Này Sàti, có lời tường thuật rằng con đang nuôi dưỡng một tà kiến nguy hại. Ðúng vậy không? Theo lời tường thuật ấy, con nói: theo sự hiểu biết của tôi, Giáo Pháp của Ðức Phật dạy rằng chỉ có một cái tâm và chính cái tâm ấy tiếp tục chạy, tiếp tục diễn tiến, chớ không phải tâm nào khác?

– Bạch Hóa Ðức Thế Tôn, theo con hiểu, Giáo Pháp của Ngài dạy rằng chính cái tâm ấy tiếp tục chạy, tiếp tục diễn tiến, chớ không phải tâm nào khác.

– Này Sàti, tâm ấy là gì?

– Bạch Hóa Ðức Thế Tôn, đó chính là cái tâm làm cho ta nói, thọ cảm, và chứng nghiệm, nay ở đây, mai ở chỗ kia, hậu quả của những hành động lành hay dữ, cao thượng hoặc suy đồi.

– Nhưng, hỡi con người điên rồ, ai làm cho con hiểu rằng Giáo Pháp của Như Lai truyền dạy là như vậy? Này người cuồng si, phải chăng Như Lai đã giảng giải dông dài và bằng nhiều phương cách rằng tâm khởi phát do những điều kiện? Phải chăng Như Lai hằng dạy rằng ngoại trừ do điều kiện, không có tâm khởi phát? Này con người điên rồ, hôm nay con lại chẳng những trình bày sai lạc giáo lý của Như Lai, vì chính sự lầm lạc của con, mà còn làm tổn hại đến chính con, làm phát sanh nhiều phiền não mà, này người điên cuồng, về sau sẽ đem đến con những điều bất hạnh lâu dài”. — (Majjhima Nikàya, Trung A-Hàm, quyển 1, bài số 38.)

Theo lời của chính Ðức Phật, pháp Tùy Thuộc Phát Sanh rõ thật là một giáo lý vừa thâm diệu vừa phức tạp, và trong giáo lý khó hiểu này, điểm tế nhị nhứt, thâm diệu nhứt, và khó lãnh hội nhứt là vòng khoen thứ ba, tức là Thức, hay Thức Nối Liền, vinnàna hay patisandhi vinnàna. Chính vòng khoen này giải thích hiện tượng tái sanh.

  1. Danh sắc (Nàma-Rùpa)

Vinnàna paccayà nàma-rùpam (skt cũng giống vậy), tùy thuộc Thức phát sanh Danh Sắc. Chữ Nàma ở đây có nghĩa là tâm sở (cetasika), hay trạng thái tâm, ta thường dịch là Danh. Nói một cách chính xác, Danh (Nàma) ở đây là ba uẩn: Thọ (vedanàkkhandha, thọ uẩn), (sannàkkhandha tưởng uẩn) và Hành (sankhàrakkhandha, hành uẩn).

Cái được gọi “chúng sanh” (satta, skt. Sattva) là sự kết hợp của năm uẩn, hay năm nhóm (pancakkhandha) : Sắc, thọ, tưởng, hành, thức (rùpa, vedanà, sannà, sankhàra và vinnàna). Nếu Thức được xem là tâm thì Thọ, Tưởng, và Hành, là thành phần phụ tùy, đồng khởi, đồng diệt với tâm, hay là những yếu tố của cái tâm ấy, gọi là tâm sở. Bây giờ, khi chúng ta nói tùy thuộc Thức, Danh Sắc (Nàma-Rùpa) phát sanh thì Sắc ở đây là thể xác vật chất cùng với những thành phần và khả năng của nó còn Danh là những yếu tố của tâm như đã đề cập ở phần trên. Nói cách khác, vinnàna paccayà nàma-rùpam có nghĩa là: tùy thuộc nơi Thức, phát sanh ba yếu tố tinh thần phụ tùy (Thọ, Tưởng, Hành) hợp thành “Danh” cùng với phần thể xác vật chất, trong giai đoạn thai bào đầu tiên.

Tâm, hay thức, và những yếu tố của tâm, tức tâm sở (citta và cetasika) luôn luôn liên quan mật thiết với nhau và tùy thuộc lẫn nhau. Tâm không thể khởi phát và hoạt động mà không tùy thuộc nơi tâm sở (cetasika). Ngược lại, tâm sở cũng không thể khởi phát và hoạt động nếu không có tâm. Cả hai, tâm và tâm sở, phát sanh đồng thời (sahajàta paccaya) và không thể tồn tại một cách độc lập.

  1. Lục căn (Salàyatana)

Nàma-rùpam paccayà salàyatanam (skt cũng giống vậy), tùy thuộc nơi Danh Sắc, phát sanh Lục Căn, tức ngũ căn (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân) và ý căn (manàyatana). Manàyatanà là một danh từ chung bao hàm nhiều loại tâm khác nhau, thí dụ như năm loại tâm liên quan đến giác quan (nhãn thức, nhĩ thức v.v…) và nhiều loại tâm khác của ý thức. Do đó “trong lục căn năm là hiện tượng vật lý như mắt, tai, mũi, lưỡi v.v… còn căn thứ sáu đồng nhứt với Thức”. [9]

Cơ năng của Thức (vinnàna) có nhiều loại.

Yếu tố thứ ba của Vòng Thập Nhị Nhân Duyên đã được gọi là Thức. Bây giờ, một lần nữa, ta lại nghe nhắc đến ý căn, manàyatana, một danh khác đồng nghĩa với Thức. Ở đây manàyatana chỉ là những loại tâm khác nhau. Nên ghi nhớ rằng tâm, hay thức, không phải là cái gì thường tồn bất biến mà luôn luôn biến đổi, luôn luôn trở thành cái gì khác và không thể tồn tại y hệt trong hai khoảnh khắc kế tiếp. Một loại tâm phát sanh rồi tức khắc hoại diệt, nhường chỗ lại cho loại tâm mới.

“Các hiện tượng tâm linh ấy chỉ là sắc thái khác nhau của những đơn vị tâm phát sanh và tức khắc biến mất, giống như những cái nhoáng trong đêm tối” [10]

Nếu không có Danh – Sắc tức không thể có Lục Căn phát sanh. Vì có Sắc (Rùpa) mới có ngũ quan, (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân), và vì có Ý Căn (Manàyatana), tức những loại tâm khác nhau, ngũ quan mới hoạt động. Như vậy, Danh – Sắc và Lục Căn nhất định phải liên quan với nhau và tùy thuộc lẫn nhau, không thể tránh.

  1. XÚC (Phassa)

Salàyatana paccayà phasso (skt sparsa), tùy thuộc nơi Lục Căn phát sanh Xúc. Trong câu này chúng ta thấy đề cập đến Lục Căn (sáu àyatanas) nhãn, nhĩ v.v… tức là sáu căn nằm bên trong chúng ta (ajjhàttika – àyatana). Bên ngoài thể xác vật chất này có năm đối tượng (cũng gọi là cảnh), tương xứng theo thứ tự với năm giác quan: sắc, thinh, hương vị, xúc; và sau cùng là pháp, đối tượng hay cảnh của Ý. Sáu ngoai cảnh này được gọi là Lục Trần (bàhira-àyatana). Lục Trần là thức ăn đối với Lục Căn của con người. Do đó Lục Căn và Lục Trần (bàhira-àyatan). Lục Trần là thức ăn đối với Lục Căn của con người. Do đó Lục Căn và Lục Trần liên quan mật thiết với nhau. Mặc dầu có sự liên hệ thuộc về cơ năng giữa khả năng nhạy của Lục Căn và đối tượng của nó là Lục Căn, chỉ do Thức (Vinnàna) mới có sự hay biết. Vì lẽ ấy ta nói rằng “thức phát sanh do mát (nhãn) và hình sắc (sắc) được gọi là nhãn thức”.

Khi có đủ cả hai yếu tố, mắt và hình sắc, nhãn thức phát sanh tùy thuộc nơi hai yếu tố ấy. Cùng thế ấy khi có tai (nhĩ) và tiếng động (thinh), mũi (tỷ) và mùi (hương) v.v… tư tưởng (ý) và đối tượng của ý (pháp).

Khi mắt, hình sắc, và nhãn thức hợp lại, sự trùng hợp ấy là Xúc. Do Xúc phát sanh Thọ, v.v… [11]

Như vậy, rõ ràng Xúc (Phassa) phát sanh do cả hai, Lục Căn và Lục Căn, tạo điều kiện.

Tóm tắt, tùy thuộc nơi Lục Căn phát sanh Xúc có nghĩa là: nhãn thúc páht sanh do mắt, nhĩ xúc phát sanh do tai, tỷ xúc phát sanh do mũi, thiệt xúc phát sanh do lưỡi, thân xúc phát sanh do cơ thể, và pháp xúc phát sanh do tâm, tạo điều kiện.

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app