Quan hệ Nhân và Quả

Bài Giảng Sư Toại Khanh Zoom 2020

Trước mắt chúng tôi chưa định được ngày giảng tiếp tục Bộ Kinh Tạng và trong thời gian đó mỗi tuần chúng ta có một pháp thoại về một đề tài giáo lý phổ thông. Tức là không đòi hỏi quí vị phải là người học qua giáo lý, cũng không hẳn phải là Phật tử mà là bất cứ ai có lòng muốm tìm hiểu Phật Pháp thông qua cách nói đơn giản nhất về những vấn đề gần gũi thiết thực nhất.

Tôi cũng nhắc lại, không phải người có quy y hay có pháp danh mới học giáo lý mà ngay cả những ai cần có một đời sống tâm linh cho ngay bây giờ hay cho lúc tuổi già bệnh hoạn thì chúng ta cũng rất nên tìm hiểu Phật Pháp. Nhiều lần tôi có nói nếu tôi không phải là người theo Phật giáo thì kinh điển Phật giáo cũng là một đề tài mà tôi bắt buộc phải quan tâm để tôi tự tìm ra câu trả lời cho những thao thức trăn trở về đời sống của bản thân cũng như về thế giới mà tôi đang có mặt. Cái chuyện chúng ta có chấp nhận hay không là chuyện khác, nhưng ít ra giáo lý của Đức Phật là một hệ thống tư tưởng rất đáng để tham khảo.

Cũng trên tinh thần đó hôm nay tôi đặc biệt nói tới một vấn đề mà tôi nghĩ rằng rất cần thiết để lưu ý quan tâm nhất là đối với người sơ cơ. Các vị đi chùa thì khỏi nói rồi; miễn là các vị là người ở khu vực Châu Á thí dụ như Ấn Độ, Trung Quốc hay là Việt Nam, Đại Hàn, Tây Tạng, Thái, Campuchia, Lào thì chúng ta đều không xa lạ vói khái niệm Nhân Quả. Nhiều Phật tử liền miệng nhắc tới chuyện Nhân Quả nhưng cái hiểu của chúng ta về Nhân Quả ra sao, có đúng chưa và đủ chưa, đủ sâu đủ rộng hay chưa thì đó lại là chuyện khác.

Bài giảng hôm nay tôi đặc biệt nói về chữ Nhân Quả theo tinh thần của kinh điển Pali. Chúng ta hoàn toàn có thể nói rằng toàn bộ sự hiện hữu của vũ trụ và sự hiện hữu của từng chúng sinh lớn bé, cực đại cho đến cực vi, nói chung là vũ trụ và chúng sinh đều tồn tại trong lý Nhân Quả. Có nghĩa theo tinh thần Phật Pháp, thứ nhất mọi thứ nó không tự có, thứ hai mọi thứ trên đời không có cái gì mà nó tồn tại độc lập mà không cần đến những tác động, những điều kiện. Không có.

Như vậy ở đây mình thấy có 2 không. Cái không thứ nhất là không có cái gì mà tự có, thứ hai là không có cái gì mà tồn tại độc lập mà không cần đến sự ràng rịt của vô số thứ khác. Đó là chưa kể tới trường hợp thứ ba là có những thứ nó chỉ tồn tại bằng, vào mối quan hệ với vô vàng những thứ khác. 4:31

Thí dụ như niềm vui và nổi buồn là một cặp không rời nhau. Tại sao chúng ta hạnh phúc? Có 2 lý do, một là chúng ta có được cái mình thích, hai là tránh được cái mình ghét. Đau khổ cũng có 2 nguồn, do không tránh được cái mình ghét hoặc không có được cái mình thích. Đó là nói đơn giản, hạnh phúc và đau khổ có mối tương quan mật thiết chặt chẻ với nhau, qui định lẫn nhau, sản sinh ra nhau, tương tác để tạo ra nhau. Hạnh phúc và đau khổ là 2 mặt của một đồng tiền, đó là lý do vì đâu Đức Thế tôn dạy mình chỉ có một cách duy nhất, một con đương duy nhất để mà đi, đó là con đường chấm dứt sanh tử. Chứ hễ ngày nào còn tiếp tục tồn tại có mặt thì chúng ta phải đối diện với hạnh phúc và đau khổ và hai cái này không rời nhau.

Tôi trở lại đề tài Nhân Quả. Toàn bộ vô lượng vũ trụ và tất cả chúng sinh chỉ tồn tại trong nguyên tắc Nhân Quả. Theo cách nói nôm na, Nhân là lực tác động còn Quả được tạo ra bởi lực tác động ấy. Cái gì đó được tạo ra bởi lực tác động thì cái đó được gọi là Quả. Thí dụ do cái Nhân là ngồi lâu cho nên dẫn tới Quả là tôi bị đau lưng. Do ăn nhiều quá thì lát sau bụng tôi óc ách rồi sanh ra buồn ngủ. Mình thấy chuyện nhỏ xíu là Nhân Quả. Mình làm bếp không cẩn thận làm mình bị đứt tay, bị bỏng lửa, đó là Nhân Quả.

Nhân Quả có 2 trường hợp, một là Nhân Quả gắn liền với nghiệp báo và hai là Nhân Quả không gắn liền với nghiệp báo. Các vị vẽ dùm tôi cái vòng tròn và đặt tên nó là Nhân Quả. Trong đó có 1/2 là Nghiệp tức Nhân thiện và Nhân ác, đó là Nhân. Thí dụ kiếp trước tôi sát sinh thì đời này tôi bị yểu mệnh, bệnh hoạn, tai nạn. Đó là Nhân Quả liên hệ tới Nghiệp. Còn 1/2 còn lại là Nhân Quả không liên hệ tới Nghiệp thiện ác. Thí dụ lấy ngón tay gõ lên bàn thì động tác gõ đó là Nhân, mà tiếng động là Quả.

Các vị A la hán còn sống trong vòng Nhân Quả nhưng Nhân Quả của các Ngài không phải là Nghiệp.

Tôi nhắc lại, trong cái vòng tròn Nhân Quả mình chia đôi ra 1/2 là liên hệ tới Nhân và Quả thiện ác, 1/2 còn lại là không liên hệ tới Nghiệp thiện ác mà nó chỉ đơn giản một cách kỹ thuật thôi, nó chỉ là lực tác động và sức ảnh hưởng thôi.

Trong đời sống này có lúc mình tạo Nghiệp thiện nghiệp ác, cái đó Nhân Quả là đúng rồi nhưng cũng có những cái chỉ là Nhân Quả mà không phải là Nghiệp. Thí dụ tôi nghe mỏi thì mỏi là Nhân, còn vươn vai là Quả. Rồi bản thân cái vươn vai đó là Nhân, và cái thoải mái đó là Quả. Nó không phải là vấn đề Nghiệp mà nó chỉ đơn giản là Nhân Quả thôi. Còn Nghiệp thiện ác nó vừa là Nhân Quả mà nó vừa là Nghiệp báo.

Có nghĩa Nhân Quả là bao trùm hết nhưng đối với các bậc A la hán là chỉ còn lại 1/2 Nhân Quả thôi. Có nghĩa các Ngài chỉ còn lại Nhân Quả mà không dính líu tới Nghiệp thiện ác bởi vì Nghiệp thiện ác là con đường dẫn tới luân hồi. Còn các Ngài còn sống trong Nhân Quả nhưng Nhân Quả đó không liên hệ tới Nghiệp thiện ác nữa. 10:00

Hôm nay tôi muốn nói đến 2 chuyện. Một, tùy thuộc vào tiền nghiệp thiện ác của mình trong đời trước, thứ hai là tùy thuộc khuynh hướng tâm lý của mình trong 3 đời quá khứ hiện tại vị lai, thứ ba là tùy thuộc vào môi trường sống hiện tại. Tùy thuộc vào 3 điều này mà chúng ta sống nhiều trong cảnh giới nào. Trong kinh nói vô lượng chúng sinh từ vị Phạm thiên ở cõi giới thiền định cao nhất cho tới con dòi thì nằm gọn trong 3 cảnh giới tâm linh sau:

1. Sống chết buồn vui trong thế giới vật chất, trong đó gồm cả chúng ta những người đang trong room này. Lúc nhìn, nghe, ngửi, nếm, sờ chạm; nhìn cái mình thích, nhìn cái mình không thích; ăn những thứ mình thích hay không thích; mũi ngửi mùi mình thích có lúc không thích. Nói chung cả cuộc đời của mình là chuỗi thời gian mà mình làm việc với thế giới vật chất. Cảnh giới này chiếm 80-90% chúng sinh.

2. Có một số ít chúng sinh có huệ căn do tiền nghiệp, khuynh hướng tâm lý và môi trường sống, họ thấy chán trong thế giới vật chất và họ hướng đến thế giới thiền định.

Cảnh giới thứ ba tôi sẽ nói sau. Thì toàn bộ vũ trụ này của phàm phu chỉ có 2 thứ đó, một là chìm sâu trong thế giới vật chất, hai là cảnh giới thiền định. Tuyệt đại đa số là mình sống chìm sâu trong thế giới vật chất. Và trong thế giới vật chất đó được chia ra làm nhiều cấp, thí dụ người thì làm thọ thần sống trong cây, có người làm thủy thần sống trong nước, có chúng sinh thì làm nhân loại đi trên mặt đất, có chúng sinh thì làm cá làm rùa trong sình lầy hoặc làm dòi bọ trong cống rãnh xác chết v v. Tất cả hễ còn liên hệ tới vật chất thì được liệt kê hết vào trong nhóm 1. Cảnh giới vật chất cao nhất họ được sanh về là các cõi Dục thiên.

Nhóm 2 là có một số ít người họ chán sợ thế giới vật chất. Khi họ có lòng chán sợ như vậy thì đương nhiên là họ có mặt ở cảnh giới 2 là cảnh giới thiền định. Mình tưởng thế giới thiền định nó sang nhưng thật ra không có gì là sang hết, đó là cảnh giới của mấy người chán vật chất. Trước đây họ biết nào là núi sông, cây cỏ, nam nữ, phố xá, nhà cửa, thực phẩm, phong cảnh v v. Còn bây giờ khi họ chán vật chất rồi thì họ chỉ còn tập trung tư tưởng vô 10 thứ là đất, nước, lửa, gió, xanh, vàng, đỏ, trắng, hư không, ánh sáng. Vô lượng vũ trụ đối với họ chỉ còn có 10 thứ đó.

Cảnh giới thiền định cao nhất mà họ được sanh về là những cảnh Phạm thiên. Các vị biết tuổi thọ của thái dương hệ gồm mặt trăng mặt trời được tính theo số liệu mới nhất mình biết người ta nói khoảng 2 tỷ rưởi, có tài liệu nói là 5 tỷ. Mình lấy trung bình là giao động từ 3-5 tỷ năm nữa thì mặt trời sẽ biến mất, đó là theo nghiên cứu khoa học bây giờ. Mặt trời biến mất có nghĩa là tất cả đều mất sạch hết, trái đất cũng chấm dứt. Mà cảnh giới Phạm thiên cao nhất có thể kéo dài tới mấy chục ngàn trái đất này, tuổi thọ cảnh Phạm thiên là lâu như vậy đó. Nhưng rồi thì Phạm thiên sống hết tuổi thọ cũng rớt trở xuống, cứ vòng lên vòng xuống, giống như nồi cơm nấu sôi hột gạo đi vòng vòng như vậy.

Cho nên hôm nay trong room này những người nghe lại bài giảng của tôi, có rất nhiều người bây giờ họ đang có nhan sắc, tiền bạc, sức khỏe, quyền lực, tiếng tăm, uy tín, chức vụ thì bây giờ họ không có nhu cầu nghe pháp; hoặc nếu có nghe thì họ thấy cái chuyện đó xa vời, nhưng nếu họ có huệ căn thì họ sẽ giựt mình ở 3 chuyện. Thứ nhất là không biết thân mạng này kéo dài tới bao lâu mà có thể chiều nay nó đã sụm rồi, chết rồi không chừng. Thứ hai, chết rồi mình sẽ ra sao? Mất tiêu không để lại dấu vết hay chết rồi còn đi đâu nữa? Mà nếu đi trở lại trong cái hình hài này trong điều kiện hoàn cảnh này môi trường bối cảnh này thì quá tốt rồi, nhưng nếu quay trở lại làm con dòi, con ruồi thì sao? Thứ ba, đi đâu thì đi, qua nhiều lần đi như vậy thì cái đích đến của mình là cái gì? Mục đích sau cùng của mọi hiện hữu là cái gì? Hay là nó chỉ lập lại tới lui như vậy!

Nói theo trong kinh, người có huệ căn họ sẽ bận tâm tới 3 điều này. Còn người thiếu huệ căn thì họ sống theo kiểu tới đâu hay đó. Họ thấy rằng thiên hạ có biết bao nhiêu người đâu có quan tâm tới đời sống tâm linh tinh thần thì họ cũng sống thoải mái vui vẻ thôi. Trong khi mình đang ngon lành như thế này, đang đẹp đẻ, giàu có, khỏe mạnh thế này thì mắc gì mà mình bận tâm chuyện xa vời đó chi. Tới lúc mà bị stroke bại liệt tiêu tiểu tại chỗ, lúc một mình đi vào phòng mổ ở bệnh viện thì mới hoảng chứ bây giờ thì hơi đâu mà nghĩ đến chuyện tâm linh xa vời làm chi.

Cho nên chúng sinh chia ra làm 3 hạng mà ở trên tôi mới kể có 2. Một là sống chết buồn vui trong thế giới vật chất. Hạng hai là sống chết buồn vui trong thế giới tâm linh. Và hạng thứ ba là hiếm, họ chán mọi hiện hữu dù là trong thế giới vật chất hay trong thế giới tâm linh. Hạng này nếu may mắn gặp được Đức Phật ra đời, may mắn gặp được giáo pháp của Ngài, may mắn gặp được minh sư thiện hữu họ nói pháp cho mình nghe thì mình tu hành cầu pháp giải thoát. Nếu không thì hạng này cũng sẽ quay lại trà trộn với 2 hạng kia. Có nghĩa họ mang chủng tử cầu giải thoát, mang chủng tử hạt giống tâm lý là chán sợ hiện hữu nhưng do không được nghe pháp cho nên họ tiếp tục quay trở lại 2 hạng kia, có lúc là hạng 1, có lúc là hạng 2 mà cứ trộn tới trộn lui. Thì trong thời gian trộn đó, họ có duyên may gặp được Đức Phật nào đó ra đời thì họ tu và nếu đủ duyên thì chứng thánh không còn sanh tử nữa, còn không thì chỉ gieo duyên thôi rồi tiếp tục cũng trồi lên lặn xuống như vậy cho tới khi đủ duyên lành thì gặp tiếp một vị Phật khác thì lúc đó đắc thánh, còn không thì tự họ giác ngộ không cần thầy thì trường hợp này là hiếm lắm.

Đa phần hạng thứ ba này khá hơn 2 hạng kia ở chỗ cũng sống trong thế giới thiền định, cũng có thể sống trong thế giới vật chất nhưng họ biết chán sợ hiện hữu mà vì chưa có điều kiện để họ vượt thoát thôi. 20:00

Cũng giống như mình thấy đời sống thế gian, nhiều người sợ hôn nhân, con cái nhưng do hoàn cảnh họ phải chấp nhận vẫn phải có chồng, vợ, con cái. Nhìn vào mình tưởng họ giống như mình, không phải vậy, thấy họ vậy chứ có điều kiện là họ buông liền. Chuyện luân hồi y như vậy. Lấy mắt nhìn mình tưởng ai cũng quẩn quanh trong 3 cõi 6 đường nhưng thật ra trong đó được chia làm 3 nhóm khác nhau. Nhóm 1 là cực kỳ hài lòng với thế giới vật chất, nhóm 2 là cực kỳ hài lòng với thế giới thiền định và nhóm thứ 3 thì bất mãn không có muốn tiếp tục hiện hữu nữa. Đó là 3 hạng chúng sinh. Và tùy thuộc vào căn cơ trình độ của mình, mình thuộc về nhóm nào trong 3 nhóm này mà cách nhìn của mình đối với thế giới này hoàn toàn không giống nhau. Đó là nội dung của bài giảng hôm nay. Phải đánh một vòng rộng như vậy tôi mới tóm lại, trước hết tôi phải phân loại chúng sinh gồm có mấy hạng như vậy và tùy thuộc mình thuộc vào nhóm nào mà cách nhìn của mình về thế giới có khác nhau.

Tùy thuộc vào chuyện chúng ta có mặt trong nhóm nào mà chúng ta lại tiếp tục khác nhau theo cách sau đây. Một, có những chúng sinh trong đời này quan tâm tới Quả lành và Quả xấu thôi. Hạng 2 quan tâm tới Nhân. Hạng 3 thì buông hết cả 2.

Thế nào là hạng quan tâm đến Quả lành Quả xấu. Đó là những người không biết Phật Pháp họ trốn khổ tìm vui, thích may mắn và sợ xui rủi; thích khỏe, đẹp, giàu, quyền lực, tiếng tăm, tình cảm; sợ nghèo, bệnh, xấu. Nói chung họ thích toàn Quả lành. Do không biết Phật Pháp cho nên họ không biết cái mà họ thích chỉ là Quả lành. Mà muốn có Quả lành thì phải có Nhân lành nhưng mà họ không biết cho nên họ chỉ quẩn quanh mê Quả lành mà không biết làm sao có được Quả lành thì cái đó họ không có màng. Họ sẵn sàng đâm cha chém chú lừa thầy phản bạn miễn sao được Quả lành thôi. Đương nhiên trong số những người này, ai có phước cũ kiếp trước tuy bây giờ làm ác nhưng họ vẫn được may mắn. Còn kẻ thiếu phước xưa thì vừa ác mà vừa khổ. Kẻ làm ác đó mà có phước cũ quá khứ thì bây giờ họ ác thì ác mà sướng thì cứ sướng. Cho nên từ đó họ có một ngộ nhận cho rằng trên đời này không có Nhân Quả báo ứng gì hết, ác như mình mà mình còn vợ đẹp con ngoan nhà lầu xe hơi lên chức vù vù. Cho nên hạng 1 chỉ quan tâm Quả lành và Quả xấu mà họ không biết gì hết, cái mà họ quan tâm theo Phật Pháp chỉ là Quả thôi.

Tôi nhớ có một ông quan tới hỏi vị thiền sư Mã Tổ hay Bách Trượng gì tôi quên rồi, ổng hỏi:

-Bạch hòa thuợng. Con so với nhiều người thì con có nhiều cơ hội hưởng thụ rượu, thịt, đàn bà lắm. Đó có phải là phước của con không?

Hòa thượng nói thế này:

-Cơ hội mà có được rượu, thịt, đàn bà đó là cái phước của ông, nhưng mà ông từ chối mấy cái đó thì đó là cái đức của ông. Mà chính cái đức nó tạo ra cái phước.

Tôi rất là thích câu trả lời đó. Cái cơ hội để mà ông có được rượu, thịt, đàn bà là cái phước của ông vì đâu phải trên đời này ai muốn cũng được đâu, đó là cái phước. Nhưng ông từ chối 3 thứ đó thì đó là đức của ông. Còn cái này mới quan trọng, chính cái đức đó tạo ra cái phước cho ông.

Hôm nay mà mình đẹp, giàu, khỏe mạnh, uy tín, tiếng tăm cũng do đời trước kiếp nào đó mình có làm lành nhưng hôm nay khi cái Quả lành đó trổ mà mình lại cắm đầu trong đó để hưởng thụ thì mình lại gieo cái Nhân bất thiện cho đời sau. Mặc dù đó là Quả lành đời trước giống như mình siêng làm lụng thì mình có tiền và tiền đó là kết quả của sự siêng năng. Nhưng khi có tiền rồi mà mình đi bài bạc chích hút thì lúc bấy giờ tiền nó là họa nhiều hơn là phúc, mặc dù nó đến từ sự siêng năng của mình. Mà khi có tiền rồi, người ta dễ hư lắm quí vị. Các vị vào trong youtube các vị tìm “Số phận của những người trúng độc đắc”, xưa nay là 99,9% những người thất học nghèo khó ở Mỹ khi mà trúng độc đắc cuối cùng kết thúc của họ là cực kỳ bi thảm . Vì ít học rồi cái đầu không làm việc khi có tiền rồi thì làm toàn chuyện tầm bậy không. Chích hút, nghiện ngập, gái gú, bài bạc, nợ nần, vung tiền qua cửa sổ, tiền núi chịu không nổi xá gì vài chục triệu độc đắc. Cuối cùng Khổ. Cho nên hạng chúng sinh đầu tiên thích Quả lành lắm nhưng không quan tâm đến Nhân lành.

Hạng thứ 2 là biết quan tâm đến Nhân lành. Họ cũng thích Quả lành lắm nhưng họ khôn hơn hạng 1 là thích Quả lành nhưng không biết tạo Nhân lành. Còn hạng 2 là quan tâm đến Nhân lành vì thích thú trong Quả lành. 99,9% Phật tử trong room của mình là thuộc nhóm 2, cũng biết bố thí phục vụ tụng kinh nghe pháp ngồi thiền nhưng bà con mình đều quan tâm đến Quả lành. Thích đẹp, giàu, khỏe, sống lâu, quyền lực, tiếng tăm, chức vụ. Nói gì nói, miệng nói Vô ngã Vô thường phù du, bóng câu cửa sổ cho đã vậy thôi. Bây giờ nếu cho quí vị lựa chọn là trở thành một hành giả tu hành tin tấn miên mật thuộc dạng hộ nghèo bền vững, còn trường hợp thứ 2 là Phật Pháp thì lơ mơ, không biết Phật là người Ấn hay người Tàu nhưng có điều một tháng vô 1 triệu thì các vị khoái cái nào?

Hỏi ra thì ai cũng nói tôi chọn đời sống hộ nghèo bền vững nhưng là hành giả tinh tấn uyên thâm giáo lý. Đó là nói ngoài miệng thôi, chứ đi theo các vị về nhà riêng mới thấy các vị mà có 1 triệu rồi các vị mà có đi chùa hay vào đây nghe pháp hay không? Không phải tôi đánh giá thấp quí vị nhưng đó là chuyện đương nhiên và tự nhiên thôi quí vị. Chỉ cần một ngày quí vị đầu tắt mặt tối 10 cho tới 14 tiếng đồng hồ mà 1 tháng vô 1 triệu thì coi như quí vị khỏi có biết Phật Pháp là gì luôn. Nãy tôi mới nói là mình không biết Phật là người Ấn hay người Tàu mình cũng không màng nữa.

Cho nên đa phần là mình nói tu hành chứ còn mình còn mê sanh tử gớm lắm. Đức Phật có dùng chữ “Trong cuộc luân hồi, cảm thọ mới xóa nhòa cảm thọ cũ do đó chúng sinh không có biết sợ.” Đó là chánh văn trong kinh. Có nghĩa là mình nhớ lại chuyện lúc hàn vi đói nghèo mình cũng ngán. Trong kinh nói mình đã từng vô số kiếp sa đọa trầm luân mình nghĩ cũng ngán nhưng mà cái đó giờ xa xôi quá rồi. Bây giờ mình đã là người có tiền có điều kiện hưởng thụ sung sướng thì chính cái điều kiện bây giờ nó xóa nhòa những ký ức cũ, những ấn tượng cũ không còn nữa. Chuyện quá khứ kiếp xưa mình không nói rồi, nhưng kiếp này nè, thuở nào mình đói nghèo không đủ ăn không đủ mặc bệnh không thuốc uống, mình cũng ngán ngẫm lắm. Lúc đó mình cũng còn có lòng tu hành, ước gì có điều kiện mình để bà xã ở nhà, kiếm cho bả cái tiệm tạp hóa, còn mình đi lên chùa ngồi thiền thọ bát quan. Nhưng tới lúc mà mình làm chủ một cái cơ sở kinh doanh, 1 tháng mà nó vô 5-7 ngàn đô la thì coi như thôi, ăn rồi là cứ nhậu nhẹt tiệc tùng lúc đó mình đâu có quởn mà đi chùa miễu làm chi! 30:06

Cho nên hạng thứ 1 chỉ quan tâm Quả lành, sợ Quả khổ, thích Quả lành nhưng không biết con đường dẫn đến Quả khổ, Quả lành thì không biết. Hạng thứ 2 tiếp tục quan tâm đến Quả khổ Quả lành nhưng biết làm lành lánh dữ để được sướng và né khổ. Hạng thứ 3 biết chán sợ cả hạnh phúc lẫn đau khổ và cái nhìn của họ đối với thiện ác cũng khác với hạng thứ 2. Hạng thứ 2 coi thiện là con đường lựa chọn mà họ phải theo để có được hạnh phúc và tránh được đau khổ. Nhưng hạng thứ ba thì họ thấy rằng đồng ý là thiện dẫn tới Quả lành sướng thiệt nhưng Quả lành đó cũng là phù du, hơn nữa nếu Quả lành đó mà trổ ra ở kiếp mà không biết Phật Pháp thì coi như nó là cái họa nhiều hơn là phúc. Còn Quả khổ thì khỏi nói rồi. Hạng thứ 3 này tiếp tục làm lành lánh dữ nhưng để chấm dứt không còn thiện ác buồn vui nữa.

Tôi có nói nhiều lần, cái ghê sợ nhất của phàm phu là hài lòng với môi trường sống hiện tại của mình. Cái đó dễ sợ lắm, mình là một con heo thì mình chỉ thấy rằng nồi cám là tất cả, mình là con dòi thì mình thấy đống phân xác thú là tất cả, mình là con trùn chỉ mình thấy cống rãnh là tất cả; mình là bướm, sâu, ong, kiến thì mình thấy thế giới hoa lá là tất cả. Mình là người nhà nghèo nông thôn sình lầy nước đọng, mình là người bộ lạc thiểu số trên rừng sâu cao nguyên thì đối với mình chung quanh đó là tất cả. Mình là một người ở phố, một đại gia trong nước hay ngoài nước, mình là người được ăn học tốt nghiệp trường danh tiếng thì cái đó đối với mình là tất cả. Nếu hôm nay mình may mắn mình ở nước ngoài mình có bằng cấp, có học vị, có thu nhập cao thì mình thấy đó là tất cả.

Mình là một bác sĩ ở Sydney, có phòng mạch, có thu nhập, có vợ, có con, được sống ở nước ngoài, muốn đi đâu thì đi, thì cái đó là tất cả. Nhưng mình quên một chuyện rất là quan trọng đó là mình sống được bao lâu và nếu mình cứ cắm đầu mình vừa ý hài lòng với địa vị bác sĩ Sydney của mình mai này mình tắt thở rồi mình đi về đâu? Phần đó mình không để ý. Mình là chủ tiệm nail ở Mỹ, chủ nhà hàng ở Pháp mình thấy là tất cả. Mình quên một chuyện là trong cái nhìn của thánh nhân thì chủ cái tiệm nail ở Mỹ, cái nhà hàng ở Pháp cái phòng mạch ở Úc chỉ là cái đáng chán, là vì sao? Khi các vị ở trên một cảnh giới cao hơn, sống lâu hơn, không còn cái hình hài nóng lạnh, nhức mỏi, đói khát, tiêu tiểu hôi hám này nữa thì các vị mới thấy cái cảnh giới của mình nó ê chề lắm!

Cách đây 2 bữa tôi đi về Đức, buồn ngủ quá đi, lúc ngủ tôi không cần gối tôi quẹo qua một bên ngủ quên, nó đau tới bữa nay mà tới bây giờ ngước lên không được, đau lắm. Lúc đó tôi mới nghĩ cái này đúng là trong kinh nói mình bị 2 cái nhà tù là nhà tù vật chất và nhà tù tâm linh tinh thần. Nhà tù tinh thần là mình bị nhốt trong cái mình thích và cái mình ghét, mình bị 2 cái đó nó đày mình. Còn bị nhốt trong hình hài sinh học là mình chán cái thân này lắm, nếu mà bấm nút đổi xác là tôi đổi liền. Nó xấu mà già, bệnh, bất tịnh quá đi mà bây giờ tôi phải ráng tôi cõng nó mà không biết phải cõng bao lâu, mà trớ trêu lại sợ chết nữa, đó mới là cái tang thương. Nó như con dòi vậy đó mà mình sợ chết, mà để làm chi? Để tiếp tục sống với nó mà chính mình sợ nó hơn cái gì nữa, vì có nó mà đi bị trợt, bị thương, bong gân, gãy xương, tiêu chảy, nhức đầu, chóng mặt, đau ruột, đau thận, đau gan, bao tử, bị nhiễm Covid. Vì có nó mà đủ thứ hết nhưng có điều do u mê của phàm phu sợ thì sợ vậy, chán thân này nhưng vẫn sợ chết. Ghê như vậy! 35:23

Mình là con dòi mà sợ xa đống phân vì 2 lý do: Một, mình không biết mình là con dòi và mình không biết rằng thế giới này là đống phân. Thứ 2, nếu là con dòi biết chuyện thì bỏ đống phân rồi nó đi sống ở đâu? Là dòi thì phải sống trong môi trường của nó chứ! Cho nên hạng thứ 1 là con dòi không biết nó là dòi, không biết thế giới của nó là đống phân, đó là hạng quá tệ rồi. Hạng thứ 2 biết mình là dòi, biết thế giới là đống phân nhưng bây giờ nó đi đâu đây? Thế là nó tiếp tục lặn hụp trong đó!

Tôi quay trở lại vấn đề Nhân Quả. Tùy thuộc vào căn cơ của mỗi người mà chúng ta biết được rằng cái hiện hữu của mình là một chuỗi dài của Nhân và Quả trong đó gồm có thiện ác và tùy căn cơ của mình mình mới thấy được chuyện đó hay không.

Thêm nữa, tùy thuộc vào căn cơ của mình mà cái mặc định của mình về thiện ác có khác nhau. Có người hiểu chữ ác là khi nào mình đâm cha chém chú, đốt nhà, cướp của, giết người mới là ác. Khá hơn một chút mình nói, làm cái gì làm người ta phiền thì đó mới là ác. Nhưng theo Phật Pháp rốt ráo thì không cần phải động tay động chân, mở mồm buộc miệng nói ra cái gì làm khổ người khác mới gọi là ác. Mà khi trong lòng có bất mãn và ham thích cái gì đó thì đã là bất thiện rồi.

Trong Tiếng Việt chữ ác mình hiểu hạn chế lắm. Trong khi đó chữ Pāpa Akusala trong kinh nghĩa rộng lắm, cái gì mà không phải thiện thì cái đó được gọi là ác; cái gì nó đi ngược lại với từ bi, trí tuệ, kham nhẫn, thiền định, chánh niệm thì cái đó được gọi là bất thiện, là ác. Nên nhớ thiện ác ở đây không phải là vấn đề tôn giáo, không hề là vấn đề đạo đức, mà nó chỉ thuần túy về khoa học.

Quí vị muốn ăn mía thì các vị sử dụng cái miệng, môi, răng của mình như thế nào và khi các vị muốn cắn hạt dưa thì cũng cái môi, cái răng đó mà các vị làm việc khác, đúng không? Cũng cái miệng của mình thôi, ăn mía và cắn hạt dưa cũng răng đó cũng môi đó nhưng vì 2 món đó hoàn toàn khác nhau nên cũng răng, môi đó mình phải làm việc với mía và hạt dưa có khác nhau. Mà hễ đúng cách thì mình mới ăn được. Không thể dùng cách ăn hạt dưa để ăn mía và không thể dùng cách ăn mía để ăn hạt dưa. Đó là vấn đề về khoa học, về kỹ thuật. Không có vấn đề về đạo đức, tôn giáo, tâm linh gì ở đây, mà nó thuần túy là vấn đề về kỹ thuật.

Muốn ăn mía thì phải dùng môi và răng theo cách thích hợp để ăn mía, muốn ăn hạt dưa thì phải dùng môi và răng theo cách thích hợp để ăn hạt dưa.

Ở đây cũng vậy, khi anh sống bằng tâm tham sân si, ganh tỵ, bủn xỉn thì tự nhiên là hậu quả của những thứ tâm lý đó sẽ tạo ra những cái mà người ta gọi là đau khổ. Vì sao vậy? Là vì khi anh sống bằng tham sân si, ganh tỵ, bủn xỉn, tỵ hiềm, nhỏ mọn, tiểu tâm là anh đang gieo những hột khổ qua, hột ớt, hột mắc mèo . Chuyện đó rất là khoa học. Anh gieo hột mắc mèo thì tự nhiên nó sẽ ra mắc mèo. Bây giờ anh trồng sầu riêng, măng cụt, bòn bon, chôm chôm thì anh trồng cái gì nó sẽ ra cái đó. Ở đây không hề có cái gì là đạo đức, tôn giáo hay do Phật bày ra. 40:08

Trước khi Đức Phật ra đời trong vô lượng kiếp về trước và vô lượng kiếp sau này thế giới này vận hành theo trật tự, theo nguyên tắc như vậy. Hễ mà ớt trồng xuống thì ra cây ớt, còn ra cây sầu riêng thì chuyện đó là không có.

Cho nên tùy thuộc vào trình độ, khuynh hướng tâm lý của mỗi người mà cái mặc định của chúng ta về cái ác không giống nhau. Trong kinh gọi là ác thô và ác tế. Ác nghiệp gồm có 3:

Một là Vītikkama là những ác nghiệp nào mà mình làm bằng miệng mồm, bằng tay chân thì đó là ác nghiệp thô nhất.

Thứ 2 là Pariyuṭṭhāna, là những tham sân si, những suy nghĩ, hay tư tưởng nào mà chỉ mới hình thành trong đầu của mình mà chưa có ra miệng, ra tay chân thì goi là ác tế.

Thứ 3 là Anusāya, là ác nghiệp tiềm tàng, ác nghiệp khả năng. Có nghĩa là ngay bây giờ nó không có nhưng cái khả năng để mà nó xuất hiện là cực lớn. Thí dụ bây giờ ngồi trong room quí vị đang lắng tay nghe pháp với lòng lành, quí vị một mực nghĩ tới Phật, tới Pháp, tới tu hành để giải thoát, đạt niết bàn, thấy quí vị rất là dễ thương, thấy bồ đề, đúng. Nhưng chỉ cần có một thử thách nhỏ, từ bồ đề nó chuyển qua bả đậu là một sợi tóc quí vị biết không? Lá bả đậu lá nó hao hao như lá bồ đề, mà gai không hà, lá và trái của nó rớt vô hồ nước mưa rồi thì dộc lắm. Mình bây giờ đang ngồi với dáng vẻ bồ đề, nhưng từ bồ đề nó chuyển qua bả đậu rất là mau. Thì phiền não trong dạng khả năng đó được gọi là phiền não tiềm tàng hay ác nghiệp khả năng. Tùy vào căn cơ của mỗi người mà chúng ta có nhận thức về cái ác và thiện không giống nhau.

Bây giờ tôi nói qua cái thiện. Có nhiều người họ tưởng thiện là phải làm cái gì đó bằng miệng mồm, tay chân thì mới gọi là thiện, phải tụng kinh, phải thuyết pháp mới gọi là thiện, phải bố thí, phải phục vụ tay chân mới là thiện. Mà họ quên một chuyện cái lòng lành cũng là thiện. Cứ lên facebook hoặc là phone “Chị nhớ làm phước ở đâu chị kêu em. Đi Ấn Độ kêu em. Hết Covid đi Miến Điện kêu em. Hùn phước dâng y chùa nào chị kêu em.” Mình quên một chuyện rằng cái đó mới là thiện nghiệp loại 1 thôi. Có nghĩa là thiện nghiệp người ta nhìn vô người ta thấy. Nhưng có một loại thiện nghiệp thứ 2 là cái nền của loại 1, có nghĩa là cái lòng lành của mình, cái khả năng từ bi, chánh niệm, khả năng tàm úy, niềm tin, thiền định, trí tuệ; cái tâm lành, lòng lành mỗi ngày mình có quan tâm để trau dồi nó hay không bởi vì nó là cái nền của thiện loại 1.

Cái thiện làm cho người ta thấy như tụng kinh, thuyết pháp, chùi cầu, rửa chén; giúp đỡ người già, người bệnh, người nghèo, neo đơn cơ nhỡ, hành hương, dự khóa thiền, đó là mấy cái thiện mà người ta thấy. Nhưng cái thiện thứ 2 mà mình không quan tâm thì không thể có cái thiện thứ 1. Nếu cái thiện thứ 2 mà mình không quan tâm thì cái điều thứ 1 nếu có là có để chụp hình, quay phim thôi. 44:58

Có rất nhiều người tốn biết bao nhiêu tiền để làm phước xây tượng, đúc chuông, in kinh, xây chùa, cúng dường tăng ni nhưng họ không nhớ rằng những cái đó phải được thiết lập và xuất phát từ một tâm lành hùng mạnh và sẵn có mỗi ngày thì cái công đức đó mới lớn. Còn đằng này mình cứ cắm đầu đi làm có tiền nhiều rồi thì có ai rũ là nhào đi làm phước mà cái lòng lành chưa có sẵn lúc đó toàn là háo danh thôi. Một là làm để cho người ta biết, người ta khen, người ta nể. Hai nữa là lỡ khấn khứa “Con ăn nên làm ra thì con sẽ cúng để tạ ơn bề trên”. Khá hơn một chút là “Con bố thí là cho đời sau sanh ra con tiếp tục giàu hơn bây giờ nữa” mà họ không hề quan tâm đến cái thiện thứ 2 là cái lòng lành mỗi ngày.

Tôi đã nói nhiều lần một người thường xuyên sống với tâm lành, đó là khả năng bao dung tha thứ yêu thương chánh niệm trí tuệ kham nhẫn. Người có khả năng này họ niệm Phật, lạy Phật hoặc khi họ cúng dường, bố thí, phục vụ cái phước lớn hơn người cái mà người bình thường cứ lo đi làm việc quần quật ham kiếm tiền tới lúc đụng chuyện móc bạc tỷ ra cúng. Thấy tiền tỷ mình tưởng nó lớn nhưng thật ra bình thường không trau dồi đời sống nội tâm, không trau dồi trí văn tư tu bao gồm kiến thức và khả năng suy tư giáo lý, không có những thiện pháp từ bi trí tuệ như tôi vừa nói thì khi họ làm phước thì phước của họ chỉ bằng 1/1000 của người kia. Làm quần quật lăn ra chết thì con nó hưởng, con gái thì nó đem về nuôi chồng, con trai nuôi vợ còn mình thì lăn đùng ra chết ngắc.

Khi người có kiến thức và thực tập giáo lý họ làm phước công đức sẽ gấp ngàn lần người không biết và không thực tập giáo lý. Cho nên phải có giáo lý và phải có thực tập chánh niệm và từ tâm. Người có thực tập họ cúng 1 đồng phước nó gấp ngàn lần người cúng 1 tỷ mà không có tu tập và không có kiến thức giáo lý. Các vị không có kiến thức giáo lý một là dễ bị người ta dụ làm phước, mình cứ cho là tốt đi nhưng nó có cái nguy khi mình không có kiến thức giáo lý mình không có chủ kiến không có lập trường. Mình quăng bạc tỷ ra rồi ít bữa sau mình nghe thị phi bắt đầu mình bực, mình tiếc của. Mà kinh nói rất rõ, cho mà tiếc thì đời sau có mà hưởng không được, đau là ở chỗ đó bởi vì cái đầu chỉ để đội nón thôi chứ không có gì để suy tư. Lúc quăng bạc tỷ ra cũng hào hứng phấn khởi lắm nhưng tới một hai bữa sau nghe thị phi về đối tượng đó, về ngôi chùa đó là bắt đầu mình dội, rồi bắt đầu tiếc của. Khi mà tiếc thì dẫn tới bi kịch là đời sau sanh ra giàu thì có giàu nhưng hưởng không được.

Một khi đã trao ra rồi thì cũng không có nên tiếc, bị bữa hổm cao hứng mình cho thì hãy để chuyện quá khứ là quá khứ, bữa nay mình tiếc là mình bậy. Bởi chỉ có lòng tiếc thôi, đời sau sanh ra giàu thì cứ giàu, trường hợp này tôi thấy nhiều lắm quí vị, cả đời quần quật một nắng hai sương không dám xài mà cuối đời chết để lại cho con hết. Có người nói của con tôi thì tôi để. Đúng, nhưng vấn đề là bình sinh đương thời quí vị không dám xài, mà mình không dám xài cho mình thì mình dám xài cho ai!

Cho nên cái ác có 3 trường hợp, một là Vītikkama là cái mà ai nhìn cũng thấy. Cái ác thứ 2 là Pariyuṭṭhāna, là chỉ một mình mình biết, là những suy nghĩ bất thiện. Cái ác thứ 3 là Anusāya, là cái ác khả năng chỉ có thánh nhân mới trừ được thôi.

Cái thiện cũng có 3. Cái thiện thứ nhất là ai nhìn vô cũng thấy. Cái thiện thứ 2 là chính mình mình biết, là cái lòng lành của mình. Cái thiện thứ 3 là cái thiện khả năng, khi nào đắc A la hán mới hết. Sẽ có người giật mình “Ủa, A la hán trừ ác là đúng rồi mà còn trừ luôn cái thiện hả ta?” Đúng, người không học giáo lý không có biết cái chuyện này.

Không học giáo lý, một là mình không biết thiện ác là gì hết, rồi tới hồi học ba mớ là mình thấy cái thiện nó hay hơn cái ác, mình thấy nó là của quí, là báu vật. Khi học đạo thêm nữa mình thấy tại sao A la hán không còn thiện ác, là bởi vì còn thiện còn ác là còn có chỗ đi. Còn có chỗ đi là còn luân hồi sanh tử. 50:35

Tôi nhắc lại, tùy thuộc vào căn cơ của mỗi người mà chúng ta một là có quan tâm tới cái thiện ác để lấy nó làm định mức hành động và sống hay không. Thứ 2, tùy thuộc vào huệ căn của mình mà mình mặc định thiện ác ở mức độ nào, như thế nào mới gọi là ác, như thế nào mới gọi là thiện.

Sẽ có một ngày nếu quí vị là hành giả tứ niệm xứ, đang đi trong chánh niệm biết rõ đang đi, đang ngồi biết rõ đang ngồi, uống nước biết uống nước, chỉ cần một suy nghĩ vừa thoáng qua là biết liền, biết đây là ganh tỵ, đến mức đó là mới khá. Mục đích cao nhất của chúng ta là như vậy đó. Có một ngày ngồi yên thế này, mà thoáng qua biết đó là tâm tham ái cội nguồn của khổ, một suy nghĩ thoáng qua biết đây là bủn xỉn, một tâm trạng thoáng qua biết đây là bất thiện

biết liền. Đó là cái tôi mong mỏi quí vị đạt tới.

Đương nhiên là trong room nhiều người nghe sao thấy nó cao siêu quá. Tôi có vợ có chồng có con cái có nhà cửa mà bây giờ bắt tôi phải tu theo cái đó thì ngán quá. Các vị là người làm ăn các vị biết, vốn làm sao thì lãi như vậy, mình trao ra cái gì thì mình sẽ nhận lại cái tương ứng. Các vị chỉ biết tu ở ngoài cái lớp vỏ thôi. Tùy cái mà quí vị được mai mốt chỉ là cái vỏ ngoài. Biết tu trong ruột mai mốt mình được là cái mình được là cái trong ruột.

Nhiều lúc tôi nói các vị tưởng tôi nói đùa, tu cái gì thì đắc cái đó. Tu miệng thì đắc ở miệng, sen nở trên môi. Ngồi thiền mà đầu nghĩ tùm lum thì mình chỉ tu mông cổ thôi, tu cổ cho thẳng mông cho vững thôi. Chỉ có tu bằng cái đầu thì đắc thánh bằng cái đầu, bằng tâm thức. Còn hễ mình sống thiện bằng hình thức thì quả lành mình được cũng trên hình thức thôi quí vị.

Trong vô số kiếp sanh tử luân hồi quá khứ mình cũng đã có nhiều kiếp mình cũng bố thí, ngồi thiền nhưng tại sao hôm nay mình còn ở đây? Là bởi vì mấy cái việc thiện đó mình làm ngoài vỏ thôi, làm ngoài da, tu ngoài ra không hà. Bố thí thì mình mong mình giàu, giúp người thì mong mình khỏe đẹp, học đạo thì mong mình thông minh học giỏi có bằng cấp chứ mình chớ hề nghĩ đến chuyện cầu đạo giải thoát. Cho nên hôm nay mình mới còn ngồi lủ khủ ở đây chịu khổ thấu trời như vậy!

54:04

Bây giờ chuyện này mới quan trọng, khi bà con đã thờ Phật trên đầu thì phải thuộc lòng 3 mối quan hệ Nhân Quả sau đây:

1. Mối quan hệ Nhân với Quả, cái này trong room ai cũng biết rồi. Có nghĩa là do làm ác, sống ác, nói ác, nghĩ ác cho nên đời sau sanh ra tôi phải bị khổ thân khổ tâm, khổ cả tinh thần lẫn thể xác. Hoặc bây giờ tôi sống thiện hành thiện bằng thân bằng khẩu bằng tâm bằng xác đời sau sanh ra tôi sung sướng vui vẻ cả hồn lẫn xác. Đó là quan hệ Nhân với Quả, Nhân nào Quả nấy. Còn 2 mối quan hệ nữa mà đa phần Phật tử không biết:

2. Mối quan hệ Nhân và Nhân, Nhân dẫn đến Nhân. Khi mà mình sống quá nhiều với Nhân bất thiện tham sân si (thường cận y duyên) thì đời sau sanh ra cái cơ hội tham sân si nó sẽ lớn vô cùng. Ngay cả trong kiếp này, thí dụ tuần lễ này tôi bực mình quá thì chính cái bực mình này sẽ dễ dẫn tới cái bực mình khác. Khi tôi sống nhiều với tâm bất thiện, với lòng đam mê hưởng thụ: bài bạc, nhậu nhẹt, mua sắm, v v thì nó sẽ là cái điều kiện để dẫn đến cái bất thiện về sau.

Các vị còn nhớ Tam chướng không? Từ Pali là Āvaraṇa:

*Thứ nhất là Quả chướng: Do nghiệp đời trước bây giờ sanh ra mình phải chịu Quả xấu đầu thai làm con chó con heo là coi như xong thì đừng có mong mà đắc đạo đắc thiền tu hành nghe pháp gì hết.

*Nghiệp chướng: Ngay đời này mà mình đã lỡ tạo một tội ác tày trời rồi thì cũng xong luôn, cái đầu của mình nó bị hư bị đơ luôn. Trong đạo có nói tỳ kheo phạm trọng giới, người đời phạm trọng nghiệp thì thiền định đạo quả là khó đắc, kể cả hộ niệm cận tử cũng rất khó bởi lúc đó nghiệp tướng và thú tướng sẽ xuất hiện.

Nghiệp tướng là trạo lại chuyện mà mình đã làm thuở bình sinh.

Thú tướng là mình thấy được những hình ảnh báo trước chỗ đi chốn về của mình trong vài giây tiếp theo sau đó. Thí dụ mình thấy lửa cháy phừng phừng, tanh hôi, tiếng gào thét là điềm báo đi vào địa ngục, nhìn thấy mồ hoang mả lạng gềnh thác hoang vu lạnh lẽo hiu quạnh là điềm báo sanh vào thế giới ngạ quỷ, nhìn thấy tàu ngựa máng heo chuồng củi lồng chậu là điềm báo sanh vào chỗ súc sinh bàn sinh, nhìn thấy phố xá nhà cửa nam nữ con người sinh hoạt qua lại đó là cảnh giới loài người.

*Phiền não chướng: Là khi mình sống quá nhiều với thứ phiền não nào thì chuyện đắc thiền đắc đạo rất là khó. Thí dụ có những người bẩm sinh có tánh nặng về ganh tỵ , có người nặng về bủn xỉn, có người nặng về đa cảm đa tình, có người nặng về nóng tánh, có người mê tiền, mê danh, mê quyền nặng lắm thì đó là phiền não chướng. Có nghĩa là họ gặp minh sư thiện hữu cỡ nào đi nữa mà chỉ cần họ nghe cái mùi của cái mà họ thích thì họ không có tu hành gì được hết, thì đó là phiền não chướng.

Có người vô tới thiền viện tu cũng có tiến bộ có dấu hiệu hứa hẹn khả quan lắm nhưng vì tánh ganh tỵ ngồi không nỗi, chịu không nỗi, ghét hành giả này hành giả kia. Hoặc có tánh bủn xỉn, nhớ lại món tiền mà mình tiêu hao ngoài ý muốn ngồi thiền không nổi do tánh bủn xỉn. Có người do quen sống tiện nghi cho nên vào thiền viện thèm cái này, nhớ cái kia, tiếc cái nọ thì tất cả đều là phiền não chướng hết.

Như vậy có 3 mối quan hệ:

Nhân với Quả là ai cũng hiểu rồi, là Nhân tạo ra Quả.

Thứ 2 là Nhân dẫn đến Nhân tức là khi mình sống nhiều với cái thiện thì sau này mình sống thiện nó dễ lắm, còn sống nhiều với cái bất thiện sau này mình cũng quay lại cảnh bất thiện dễ lắm. Bây giờ chỉ biết lo chồng con, vợ con, lo nhà cửa, lo đếm tiền không lo tới đời sống tâm linh tinh thần, cứ lâu lâu vô gặp các thầy thuyết pháp tạm gọi là nói cho người ta vui. Tôi không có ý bài xích nhưng đó là gặp người già các cụ là lấy chữ hiếu ra thuyết thì xã hội Việt Nam ông cụ bà cụ mà khoái mình là mình khỏe rồi vì ổng bả nắm nguyên cái sư đoàn con cháu ở nhà. Còn gặp vợ chồng trẻ thì lấy vấn đề gia đạo ra giảng đạo vợ chồng. Thấy ông chồng nào bậm trợn thì mình móc ra vụ phu xướng phụ tùy chồng chúa vợ tôi, mình không nói rõ như vậy mà ngầm tán thán vợ phải phục tùng cho người chồng nó khoái. Gặp người vợ mình đem chuyện chăm sóc con cái ra mình nói bây giờ cứ tròn trách nhiệm làm vợ, làm mẹ là mình đã tu rồi. Ở nhà chỉ có cái bàn Phật sáng quýnh cái beng cắm 3 cây nhang đi làm hốt bạc rồi về quýnh cái beng cắm 3 cây nhang nữa vậy là bà con đã tu rồi. Rồi ráng lo cho ba má làm tròn hiếu đạo vậy là tu rồi. Tôi gọi đó là kiểu thuyết pháp thương mại.

Thật ra cái mình phải đặc biệt quan tâm một cách rốt ráo chính là đời sống tâm linh của mình mỗi ngày là cái gì? 1:03:51

Mình đừng có tự lừa dối mình, mình cứ tưởng mình là người vợ như vậy là tu rồi. Tưởng mình là một người chồng biết lo cho vợ con là mình đã tu rồi. Tôi nói thiệt mình đang làm con chuột chăm sóc cái hang của nó thôi, là con chó đang chăm sóc cái ổ của nó thôi. Mặc dù mang cái thân cư sĩ mình phải có trách nhiệm với gia đình như Đức Phật cũng đã có kêu gọi, nhưng đó là Ngài nhắm đến những người mà họ không có thể khá hơn được bởi vì khi mang thân cư sĩ thì cơ hội để trau dồi tâm tư khó lắm. Chuyện quan trọng nhất ở đây là quan tâm cái quan hệ giữa Nhân với Nhân, sống nhiều bằng tâm thức nào thì mai sau anh sẽ dễ dàng quay lại con đường đó lắm. Đó là quan hệ Nhân với Nhân, là Nhân dẫn đến và tạo ra Nhân.

Thí dụ Bồ tát Thích ca mâu ni cũng như tất cả Bồ tát 3 đời 10 phương trước khi thành Phật đều có điểm giống nhau là luôn làm các việc lành nhưng không đam mê quả lành đặc biệt như vậy, làm lành làm thiện nhưng Quả lành Quả thiện các Ngài không màng. Thí dụ sanh ra đẹp các Ngài không hưởng thụ cái đẹp của mình. Sanh ra giàu, quyền lực, uy tín, tình cảm nhưng các Ngài không vùi đầu trong những vị ngọt đó. Việc lành nào cũng làm nhưng không đam mê trong Quả lành nào hết. Ngay cả khi bỏ hết đi tu vào rừng làm đạo sĩ đắc thiền đắc thông Bồ tát vẫn luôn luôn biết rằng đây là chỗ cao nhất mà mình có thể tới nhưng nó không phải là chỗ rốt ráo chấm dứt sanh tử. Bồ tát không vùi đầu trong những thành tựu, những sở chứng của mình. Chính thói quen tâm lý này mới dẫn đến kiếp chót Ngài làm vua nhưng biết ngôi vua chỉ là rác tôi, bỏ ngôi vua đi tu đắc các tầng thiền vẫn thấy mấy cái đó ngon thì có ngon nhưng chỉ ngon với mấy cái dở thôi chứ không phải là rốt ráo. Ngày nào còn phiền não, còn sanh tử thì chưa phải là điểm đến sau cùng.

Do đâu mà có cái khả năng tư duy đó? Là do nhiều đời Nhân dẫn đến Nhân. Nhiều đời làm việc lành mà không ham Quả lành, không cầu Quả sanh tử mà chỉ cầu Quả giải thoát. Nhiều đời làm việc lành mà chỉ mong buông chứ không nắm, đặc điểm của Bồ tát là chỗ đó. Ngài trao ra là để buông, còn mình trao cái này để nắm cái khác, buông cái này bắt cái kia, thả con tép bắt con tôm, cúng nải chuối cầu trúng số, cái kiểu bán bánh mì mà muốn mua bánh bao.

Cho nên cái quan hệ thứ nhất là Nhân tạo ra Quả. Quan hệ thứ 2 là Nhân dẫn đến Nhân. Hồi đó tới giờ mình nghe đạo toàn là Nhân Quả “Ráng làm lành lánh dữ đi con, làm phước nguyện kiếp sau thành Phật đắc đạo đắc quả”. Chỉ nghe toàn là quan hệ Nhân Quả nhưng không được nghe quan hệ Nhân với Nhân quan trọng lắm. Thường sống trong Nhân lành đời sau sanh ra dễ dàng quay lại với Nhân lành, thường sống trong Nhân ác thì đời sau sanh ra rất dễ quay lại Nhân ác, đó là quan hệ thứ 2.

3. Mối quan hệ thứ 3 là Quả với Nhân. Do Quả lành Quả ác đời quá khứ mà bây giờ mình sanh ra trong một môi trường A, B hay X, Y gì đó. Chính trong cái môi trường đó trong cái tình trạng sức khỏe đó, tình cảm đó, bối cảnh đó, môi trường xã hội đó, gia đình đó; chúng ta bèn có điều kiện để thiện hơn hay ác hơn. Bây giờ quí vị thấy quan hệ giữa Quả với Nhân chưa? Hồi đó giờ mình chỉ học quan hệ giữa Nhân với quả, trồng dưa được dưa trồng đậu được đậu. Nhưng còn có cái quan hệ Nhân thiện nó dễ dẫn tới Nhân thiện, Nhân ác dễ dẫn tới Nhân ác.

Quan hệ thứ 3 là Quả lành dễ dẫn tới Nhân thiện hay Nhân ác là tùy cái căn cơ của quí vị. Có người khi mà hưởng được Quả lành giàu đẹp khoẻ thì họ lại lấy mấy cái đó làm điều kiện để tiếp tục tu hành ngon lành. Có người khi hưởng được Quả lành họ bèn cắm đầu trong đó để họ đi xuống. Do siêng mới có tiền nhưng có tiền chưa đủ, lấy tiền đó để tiếp tục làm ăn thêm nữa thì đó là một chuyện, mà lấy tiền đó để hưởng thụ trác táng lại là một chuyện khác.

Cho nên người nghèo có điều kiện phạm pháp không giống với người giàu. Các vị có biết chuyện đó không? Người nghèo có điều kiện phạm pháp không giống với người giàu. Người giàu có điều kiện phạm pháp không giống với người nghèo. Người trí thức có điều kiện phạm pháp khác với người dốt và người dốt có điều kiện phạm pháp khác với người trí thức. Thì trường hợp đó là gọi là quan hệ giữa Quả với Nhân, mình tu là tu chỗ này.

Tại sao anh phải sống với Tứ niệm xứ? Bởi vì người luôn luôn sống với Chánh niệm biết rõ mình đang như thế nào, sống với Trí tuệ là biết cái gì nó vừa xảy đến trong đầu của mình. Khi sống theo Tứ niệm xứ, sống Niệm và Tuệ thì anh mới lần lượt ngó lại 3 cái bài học này:

*Khi anh sống với Niệm và Tuệ là anh đang gieo Nhân lành để ảnh hưởng Quả tốt trong kiếp sau, đó là cái quan hệ Nhân Quả.

*Quan hệ Nhân dẫn đến Nhân là sao? Nếu bây giờ anh thường xuyên sống với Niệm và Tuệ thì đời sau sanh ra anh dễ dàng sống với Niệm và Tuệ, dễ dàng quay lại với con đường Niệm và Tuệ. Và khi gặp Phật ra đời hoặc là khi nghe pháp anh dễ dàng chấp nhận con đường Niệm và Tuệ này lắm. Trong khi đó có nhiều người có pháp danh có quy y có lá phái có giới điệp v v, kêu niệm Phật vãng sanh, niệm chú, niệm Quán âm thì niệm ào ào, tới hồi mà kêu chánh niệm thì chịu không nổi bởi vì cái căn cơ không cho phép, họ chỉ tới đó thôi lên không nổi.

Cho nên cái quan trọng nhất là cái Nhân nào sẽ dẫn đến Quả nấy là chuyện dễ hiểu rồi nhưng chính cái Nhân này có thể tạo điều kiện cho một cái Nhân khác tương ứng. Ngay bây giờ anh thường xuyên sống với Niệm và Tuệ thì đời sau kiếp khác anh cũng dễ dàng quay lại con đường Niệm và Tuệ, còn nếu đời này anh không có quan tâm tới Chánh niệm và Trí tuệ thì đời sau sanh ra dù gặp Phật đi nữa anh thấy Niệm và Tuệ là anh đã ngáp rách miệng luôn, anh chịu không nổi.

Trong thời gian tôi đi thuyết pháp dạy học cho bà con ở ngoài hoặc là online tôi ê chề lắm. Tôi nói Phật tử Việt Nam chỉ có 1% là Phật tử theo định nghĩa trong kinh, có nghĩa là đầu để tóc nhưng lòng đã xuất cõi thế gian, nhàm chán sanh tử, cái đó mới là cư sĩ thứ thiệt. Chứ còn hộ pháp, hộ tăng nhưng lòng vẫn còn lén lút thỏa mãn với đời sống cư sĩ của mình là không khá. Mà ở đâu ra cái loại đó? Là bởi căn cơ mình phải làm người Việt Nam do nhờ phước xưa có biết Phật Pháp, nhưng là Phật tử Việt Nam để tiếp tục tu phước chứ không màng tu huệ. 1:12:58

Mai này về Kalama bà con đi tiếp xúc cọ xát quần chúng các vị mới thấy đặc biệt. Các vị thấy mấy o, mấy mệ Miến Điện quần áo rách rưới tả tơi, lam lũ hôi hám, đầu đội chum đội chóe, cái chậu cái hũ đi bơ bơ nhìn thấy nản lắm vậy đó nhưng coi chừng là hành giả không đó, coi chừng đó là dân A tỳ đàm rót rót. Kỳ đó về Kaithiyo tôi gặp một o trên núi xuống, khoảng chừng 20-30 là tuổi có sức lao động sung mãn, đi kiếm tiền một cách rất là khiêm tốn. Đội cái rổ mình liếc qua thấy có đu đủ, ớt, chanh, chuối xiêm, đại khái là họ lựa cái gì đó để trồng trên núi rồi đem xuống bán vậy là xong. Thấy vậy tôi mới nghĩ bây giờ cần nhổ răng, cần đi mổ xẻ thì tiền ở đâu, cần đi bệnh viện, đi nha sĩ thì tiền ở đâu? Họ sống bấp bênh lắm nhưng có một điều là đời sống tâm linh tinh thần của họ là kinh khủng lắm.

Cái chuyện mà Việt Nam nghe người mẫu, ca sĩ Nam Hàn đi qua bên mình, rồi mình thức khuya chầu chực ở phi trường để mình đón, khi họ đi mình nhào tới xin chụp hình xin chữ ký. Có trường hợp còn tang thương nữa là họ đi rồi mình chạy tới mình hôn cái ghế họ vừa mới ngồi, họ lên xe đi mà mình chạy theo gào khóc như là cha chết vậy. Chứ có bao giờ mình vì mục đích tâm linh tinh thần mà mình rần rần, rộ rộ đâu, nhưng Miến Điện thì có.

Các vị vào internet đánh dùm tôi chữ “Vị tăng nào có sức ảnh hưởng nhất ở Miến Điện bây giờ?” Đó là Ngài Nandamālābhivamsa Sayadaw, hiệu trưởng trường đại học Theravāda Buddhist Missionary University ở Yangoon. Ngài được xem là đệ nhất luận sư của Miến Điện đương thời. Thấy pháp hội của Ngài các vị cúm chân luôn, các vị mắt chữ A miệng chữ O luôn. Cả mấy chục ngàn người đông như quân Nguyên mà để nghe một ông sư giảng A tỳ đàm, các vị thấy khiếp chưa? Họ phải có cái huệ căn tiền kiếp làm sao đó. Ở Miến Điện làm gì có một ca sĩ, một người mẫu, một diễn viên nào mà có một sức hút kinh hoàng như là Ngài Nandamālābhivamsa Sayadaw. Xe của Ngài đậu xong rồi là người ta chỉ dẹp đường cho Ngài đi vô, Ngài mất tiêu. Có nghĩa là nhìn Ngài mình chỉ nghĩ tới một người thôi đó là Michael Jackson, còn ba cái Boney M, ABBA là đồ bỏ, hoặc là Madona hoặc là (?) thì may ra. Có nghĩa là một biển người chứ còn rừng là không có nghĩa lý với Ngài, Ngài là lên tới biển người trùng điệp như quân Nguyên vậy đó. Mà tại sao vậy? Là vì vốn liếng huệ căn xưa giờ. Cho nên bây giờ nghe Phật Pháp họ chỉ cần một bài pháp thoại có những câu chữ mà nó chạm được niềm nỗi, chạm được cái tử huyệt, cái yếu huyệt, cái yếu điểm của mình thì người ta bèn lắng nghe.

Còn người mình thì không. Nghe pháp là dòm coi ông pháp sư phải mặt mũi phải cỡ thầy Pháp Hòa, giọng nói cỡ thầy Phước Tiến vậy đó. Chết rồi! Trong khi đó điều quan trọng là ổng nói cái gì? Ông thầy thuốc nam ổng có một giò, ổng què, ông thọt đi nữa nhưng cái bài thuốc ổng cho mình có giúp được gì cho mình hay không. Cái huệ căn không cho phép, mình cứ đi ngó ngó coi ổng cao thước mấy, da trắng da đen da nâu da ngăm bánh ít bánh mật bồ quân, dân mình như vậy đó. Cho nên nói đến quan hệ Nhân Quả là nhớ dùm mấy cái này:

1. Quan hệ Nhân và Quả, Nhân tạo ra Quả. Mình làm cái gì thì sẽ tạo ra cái Quả tương ứng.

2. Là quan hệ giữa Nhân với Nhân. Đời này mà ta thường sống với tham, sân, si thì đời sau sanh ra ta dễ dàng quay lại với tham, sân, si. Mà đời này ta sống với từ bi, trí tuệ, kham nhẫn, chánh niệm, thiền định thì đời sau ta sẽ dễ dàng quay lại kham nhẫn, chánh niệm, trí tuệ, thiền định.

3. Quan hệ giữ Quả với Nhân. Có thể bây giờ chúng ta sanh ra dưới một vì sao xấu. Chúng ta không có đẹp, không giàu, không khỏe. Đó là cái Quả xấu. Nhưng một người biết đạo họ tận dụng, tranh thủ mọi tình huống để mà sống thiện. Cứ nhớ thế này không phải để tự an ủi, không phải con cáo chê nho màu xanh, mà là sự thật. Chúng ta hãy nhớ rằng trong cái đói nghèo, xui rủi nó lại cho ra rất nhiều cơ hội để chúng ta sống thiện. Và trong cái sung túc, giàu có nó cũng cho nhiều cơ hội để chúng ta sống thiện. Cả hai cái đó không có cái nào kém cạnh cái nào. Tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm câu nói này trước vong linh của thất thế phụ mẫu, cha mẹ nhiều đời của tôi.

Có nghĩa là trong cảnh đói nghèo, cơ cực nó kín đáo cho nhiều ra cơ hội để tu tập lắm. Vấn đề là mình có biết tận dụng nó hay không. Ngay trong cái cơ hội vàng son rực rở chói lọi nó cũng cho ra nhiều cơ hội sống thiện không kém. Và ngược lại, bên cái ác cũng vậy. Quả ác là cơ hội cực tốt cho nhiều tội ác nhưng đồng thời Quả ác cũng là cơ hội cực tốt cho nhiều cơ hội hành thiện. Quả lành cũng vậy, nó là cơ hội cực tốt cho nhiều chuyện lành nhưng cũng là cơ hội cực tốt cho nhiều cái ác. Tin tôi đi.

Vấn đề là, nói theo từ trong nước là “tận dụng, xử lý” hoàn cảnh một cách thông minh. Cho nên người không biết đạo họ bị chìm sâu trong Quả, họ lọt vô cái Quả họ xoay sở không được. Biết đạo ba mớ, họ có nghe nói “Đã là Quả đâu có sửa được sư?” Đúng, Quả sửa không được, nhưng hãy nhớ câu nói Tây phương này “Chỉ có 10% là những gì bên ngoài xảy đến cho ta, 90% là phản ứng tâm lý của ta nó mới quan trọng.” Chúng ta có quyền nói, chúng ta đương nhiên có thể nghèo, đói, xấu, bệnh, ok, nhưng cái thái dộ tâm lý của chúng ta trong hoàn cảnh đó nó ra sao đó là chuyện khác. Chứ đừng có nói là tại tôi đói nghèo nên tôi phải bất thiện. Sai. 1:20:20

26/09/2020 – 05:12 – elteetee – [Mục Lục các Bài Giảng] – [Hỗ trợ ghi chép bài giảng]

Rồi một người giàu có khỏe đẹp, họ có thể tận dụng hoàn cảnh đó để sống thiện hoặc sống ác là do cái căn cơ của họ, thưa quí vị. Đừng có nói với tôi nghèo phải đi móc túi. Sai. Đừng có nói với tôi giàu là phải chích choát, bài bạc, trác táng, trai gái. Sai. Tùy mình, nha. Cho nên nói rằng nghiệp mình sửa không được nhưng phải nhớ thế này: Đúng, nghèo tôi sửa không được, xấu tôi sửa không được nhưng tôi có thể tận dụng nó để làm một chuyện khác. Nói vậy trong room các vị có đủ huệ căn để hiểu hay không?

Tôi nhắc lại, nghiệp đã cho Quả là sửa không được, Phật còn sửa không được nói gì mình! Nhưng hiền thánh khác mình ở điểm cái Quả nó đến các Ngài né không được nhưng mà các Ngài đón nhận nó bằng cái tâm thái như thế nào? Cái đó mình không để ý, mình cắt khúc: Phật tránh nghiệp không được, thánh tránh nghiệp không được, vậy chúng ta “the same”. Sai, không có “same” mỗi đâu. Các Ngài tránh không được nhưng các Ngài đón nhận cái Quả xấu đó bằng cái tâm thái như thế nào? Có nhiều người họ tận dụng Quả đắng của cuộc đời để họ vun xới hoa trái quí hiếm, có người họ tận dụng cái sình lầy của cuộc đời để mà họ trồng sen trồng súng. Có người quanh năm không có một cọng rau để ăn chỉ vì lý do là nhà tôi chỉ toàn vàng ngọc kim cương, không biết trồng rau chỗ nào? Các vị nghe đau chưa! Cái đứa sình rác, phân cỏ mục vậy mà nó biết tận dụng nó có rau nó ăn. Còn đứa kia quanh năm nó không có rau ăn, nó ăn toàn đồ hộp không, hỏi sao kỳ vậy nó nói nhà tôi toàn là hột xoàn kim cương không hà rồi tôi trồng rau ở đâu? Tùy anh thôi, anh biết mà với kim cương đó anh có thể có 8 ngàn cái vườn rau, tại vì cái đầu anh chỉ để đội nón thôi. Cho nên trong bối cảnh vàng son rực rở đó anh không biết phải làm gì với nó mà anh chỉ loay hoay loay hoay.

Trong kinh kể chuyện bà Visākhā là một đại tín nữ thời Đức Phật. Theo lệ xã hội, gái lớn phải lấy chồng mà do nhân duyên đẩy bà về làm dâu một gia đình tà kiến. Gia đình chồng ghét mấy ông sư lắm, chư tăng đi bát là háy nguýt lườm liếc dữ lắm. Một sáng nọ bà đang hầu cha chồng ăn sáng thì có một vị tỳ kheo đi bát, theo lệ đứng trước mỗi nhà chốc lát rồi đi. Ông bố đang ăn ổng thấy ông sư thì ổng “Hứ” cái rồi ổng ăn tiếp. Nàng thấy vậy vì là thánh cư sĩ nên nghe lòng đòi đoạn từng cơn, thương sư quá mới nhanh chân ra nói với sư “Bạch Ngài, Ngài đi tế độ gia đình người khác, tạm thời gia đình này không đủ duyên. Cha chồng của con đang ăn thức ăn cũ thôi.” Nói vậy ông sư ổng hiểu, ổng ôm bát ổng đi. Thức ăn cũ có nghĩa là đồ ăn nấu từ hồi nào giờ lấy ra ăn, thì ông sư hiểu thức ăn cũ là ông này đang hưởng Quả lành kiếp trước, đang hưởng đồ cũ thôi. Cha chồng nghe loáng thoáng thì ổng giận “Thức ăn ở nhà này mỗi ngày mỗi nấu mới mà tại sao mà con nói với người ta là bố ăn đồ cũ?” Thì nàng mới giải thích “Dạ, con là Phật tử. Cái ông sư cũng là con Phật, tụi con có ngôn ngữ riêng hiểu lẫn nhau. Con nói ăn đồ cũ có nghĩa là bố bây giờ chỉ hưởng phước xưa thôi chứ bố không có hứng thú gieo cái Nhân mới. Chứ Phật tử tụi con đang hưởng Quả lành đời này nhưng vẫn phải tạo ra cái Nhân mới cho đời sau kiếp khác. Còn như bố tạm thời bố chỉ ăn đồ cũ thôi chứ bố không có hứng thú gieo cái mới nữa.”

Câu chuyện đó nhiều người họ đọc lướt qua mà họ không để ý nhưng nó rất là quan trọng. Chúng ta do Quả lành đời xưa mà sanh ra giàu, khỏe, đẹp, giỏi. Đúng vậy nhưng cái vấn đề tiếp theo là chúng ta đã có biết tận dụng cái giàu, khỏe, đẹp, giỏi đó để tiếp tục sống thiện, sống hữu ích, sống đóng góp, sống vi hiến cho đời hay không đó là chuyện của mình. Chúng ta do cái Quả xấu đời trước, chúng ta sanh ra xấu, nghèo, dốt, bệnh nhưng chúng ta có biết tận dụng mấy cái này để mà sống thiện hay không? Bởi hồi nãy tôi có nói bối cảnh nào, hoàn cảnh nào cũng cho ra những điều kiện để mình sống thiện hay sống ác hết đó quí vị. 1:26:29

Nói cái này quí vị nghĩ tôi nói gượng nhưng nó là sự thật. Người nghèo có cái hay là nếu biết vén khéo họ có nhiều thời gian lắm, nếu biết đạo người nghèo thấy cực vậy đó nhưng họ có gì đâu mà dính mắc cho nên họ thu xếp được nhiều thời gian, gọi là cái khoảng trống tâm lý để mà có thể thảnh thơi để tu học được. Mình phải nhìn nhận cái đó có.

Trong khi nhà giàu, các vị biết trên đời có 2 hạng người khổ, một là không có khả năng làm ra tiền, thứ hai là cái hạng người có quá nhiều cơ hội làm ra tiền.

Hạng thứ nhất không có cơ hội để làm ra tiền thì hạng này khổ đã đành rồi nhưng cái hạng khổ đó là khổ kiểu khác. Cái khổ thứ 2 là có quá nhiều cơ hội kiếm tiền, cơ hội nhiều quá. Nghe thì không ai tin, nhưng tôi tin bằng cái mạng của tôi. Các vị biết chung quanh thành phố Saigon nơi quí vị đang ở có rất là nhiều đất vàng và nhà vàng mà tại quí vị không có chịu đi rà. Đất vàng là đất mà một hai năm nữa mình cứ ké mấy cơn sốt nhà đất là mình khỏe lắm, mặc dù kinh tế Việt Nam thị trường địa ốc giống như là bong bóng chuyện đó mặc xác nó, mà mình cứ canh khi nào mà bong bóng nó phình mình tung nó ra, thì đó là đất vàng. Mình thì vốn quá nhiều mà mình lại có cái đầu nữa, nguyên một đội ngũ đàn em tay chân thì cơ hội của mình là dầy đặc. Người không biết gì ngó qua thấy mình hạnh phúc nhưng hơn ai hết chính mình biết, hiếm có một bữa ăn đàng hoàng với gia đình lắm, hiếm có bữa sinh nhật đàng hoàng với cha mẹ con cái, hiếm có cơ hội sống riêng cho mình lắm. Mấy con số nó cứ nhẩy lăng xăng trong đầu, tiền thì vô ào ào, một chiếc xe của mình là cả trăm ngàn đô, nhà mình là bạc tỷ, đi nước ngoài như đi chợ, hoa hậu người mẫu đối với mình coi như hàng xóm hết. Nhưng hơn ai hết, mình biết mình không có sống cho mình được bao nhiêu hết, mình chỉ là cái xác chưa có chôn, mình chỉ là con ốc mượn hồn thôi quí vị.

Cho nên biết tận dụng hoàn cảnh của mình, nhà văn Nhật trả lời phóng viên “Nghĩ gì về đồng tiền?” Ổng nói “Tôi cũng cần tiền nhưng không phải để hưởng thụ, không phải để khoe mẻ như người ta. Tôi cần tiền để tôi yên tâm có thời gian để tôi suy tư và viết lách.” Tôi cần tiền để tôi khỏi quần quật kiếm sống, nhờ vậy tôi có thời gian để suy tư và tôi viết lách. Có nghĩa cũng là tiền nhưng người ta biết tận dụng nó. Có người chính đồng tiền là cái nhà giam nó nhốt họ vào trong đó. Cái nghèo cũng vậy, có người vì cái nghèo mà nó chiếm hết tâm tư, thời gian và công sức của họ để quần quật kiếm ăn. Nhưng có người nếu khéo vun xén thì chính cái nghèo đó nó cho họ rất nhiều thời gian vật lý và thời gian tâm lý nữa. Họ rãnh rỗi để có thể học đạo và hành trì. Mình phải công nhận cái đó có.

Cho đến nay, nếu mà tôi không phải đầu thai 50 kiếp nữa trong môi trường Phật Pháp, ở tuổi này, nhân danh một người 50 tuổi tôi vẫn xác định không bao giờ nên làm trụ trì. Trên danh nghĩa thì mình nói là mình gầy dựng khai sáng, duy trì đạo tràng cho người ta tu hành. Chuyện đó sang quá, nhưng thật ra đã dính vô trụ trì rồi là thời gian cho mình không có nhiều. Mà nói ra có vẻ nhiều vị hiểu lầm tưởng tôi khích bác, không, tôi xin đê đầu đảnh lễ sự hy sinh cao cả hiếm quí của các vị nhưng cho tôi nói nhỏ một sự thật thôi. Cơ hội làm người khó được, cơ hội gặp được chánh pháp càng khó hơn. Cơ hội đã hiếm thì mình phải tận dụng để học đạo cho giỏi, hành đạo cho ngon. Nếu tệ hành trì không được thì làm ơn cũng phải lượm phân nửa, đó là phải giỏi giáo lý. Bởi vì những kiến thức đó chỉ có trong thời kỳ của Đức Phật Chánh đẳng giác mà thôi, muôn ngàn triệu tỷ ức kiếp mới có một vị Phật ra đời dạy cho mình nghe giáo lý này. Và không phải có Phật Pháp là mình được nghe đâu mà mình phải mang thân người, phải được sanh ra trong bối cảnh môi trường hoàn cảnh điều kiện như thế nào đó mình mới được tiếp cận, được lắng nghe. Chưa đủ, không chỉ lắng nghe mà còn hiểu nữa quí vị. 1:31:47

Cho nên biết tận dụng hoàn cảnh của mình, nhà văn Nhật trả lời phóng viên “Nghĩ gì về đồng tiền?” Ổng nói “Tôi cũng cần tiền nhưng không phải để hưởng thụ, không phải để khoe mẻ như người ta. Tôi cần tiền để tôi yên tâm có thời gian để tôi suy tư và viết lách.” Tôi cần tiền để tôi khỏi quần quật kiếm sống, nhờ vậy tôi có thời gian để suy tư và tôi viết lách. Có nghĩa cũng là tiền nhưng người ta biết tận dụng nó. Có người chính đồng tiền là cái nhà giam nó nhốt họ vào trong đó. Cái nghèo cũng vậy, có người vì cái nghèo mà nó chiếm hết tâm tư, thời gian và công sức của họ để quần quật kiếm ăn. Nhưng có người nếu khéo vun xén thì chính cái nghèo đó nó cho họ rất nhiều thời gian vật lý và thời gian tâm lý nữa. Họ rãnh rỗi để có thể học đạo và hành trì. Mình phải công nhận cái đó có.

Cho đến nay, nếu mà tôi không phải đầu thai 50 kiếp nữa trong môi trường Phật Pháp, ở tuổi này, nhân danh một người 50 tuổi tôi vẫn xác định không bao giờ nên làm trụ trì. Trên danh nghĩa thì mình nói là mình gầy dựng khai sáng, duy trì đạo tràng cho người ta tu hành. Chuyện đó sang quá, nhưng thật ra đã dính vô trụ trì rồi là thời gian cho mình không có nhiều. Mà nói ra có vẻ nhiều vị hiểu lầm tưởng tôi khích bác, không, tôi xin đê đầu đảnh lễ sự hy sinh cao cả hiếm quí của các vị nhưng cho tôi nói nhỏ một sự thật thôi. Cơ hội làm người khó được, cơ hội gặp được chánh pháp càng khó hơn. Cơ hội đã hiếm thì mình phải tận dụng để học đạo cho giỏi, hành đạo cho ngon. Nếu tệ hành trì không được thì làm ơn cũng phải lượm phân nửa, đó là phải giỏi giáo lý. Bởi vì những kiến thức đó chỉ có trong thời kỳ của Đức Phật Chánh đẳng giác mà thôi, muôn ngàn triệu tỷ ức kiếp mới có một vị Phật ra đời dạy cho mình nghe giáo lý này. Và không phải có Phật Pháp là mình được nghe đâu mà mình phải mang thân người, phải được sanh ra trong bối cảnh môi trường hoàn cảnh điều kiện như thế nào đó mình mới được tiếp cận, được lắng nghe. Chưa đủ, không chỉ lắng nghe mà còn hiểu nữa quí vị. 1:31:47

Tôi nói các vị nghe chuyện này mới động trời, các vị đừng có nói với tôi các vị là Nam tông, các vị là Bắc tông, các vị thuộc về pháp khí đại thừa, bậc có huệ căn. Sai. Phải coi kỹ quí vị quan tâm cái gì trong Phật Pháp, quan tâm như thế nào, quan tâm bao lâu, nha. Chứ đừng có nói tôi là đệ tử của đạo tràng Pháp hoa, tôi là đệ tử của đạo tràng Giác ngộ, Phật tử của đạo tràng Kỳ viên, đạo tràng Phật bảo, đạo tràng Làng mai thì tôi là chánh pháp. Sai. Chưa đủ. Anh là đệ tử của đạo tràng đó, của truyền thống, của vị tôn sư đó, nhưng mà anh quan tâm cái gì? Vì các vị thầy đó đâu chỉ dạy một thứ đâu. Anh quan tâm cái gì và anh quan tâm thế nào, cuối cùng là anh quan tâm bao nhiêu và bao lâu? Nhớ: What? How? How much? How long? Quan tâm cái gì? Quan tâm bao nhiêu? Bao lâu và bằng cách nào?

Thí dụ tôi có nói nhiều lần, vô trong chùa là quan tâm tới chuyện giáo lý là thích in kinh in sách bản thân khỏi học một chữ luôn, chỉ thích in thôi. Còn có người quan tâm đến hành trì, nghe có mùi của thiền viện, nghe có mùi của hành giả là tung tiền ra không tiếc nhưng toàn là tung tiền ra cho người ta tu còn mình thì coi như tiếp tục con đường xưa lối cũ không thay đổi. Cũng quan tâm hành trì đó chứ nhưng tới mức đó thôi không đi xa được. Có người thích học lắm nhưng không thích bố thí, thích thiền lắm nhưng một cắc cũng không có chi, đợi ai cất sẵn thì nhào vô xin có cốc riêng có chìa khóa riêng. Cũng quan tâm tới thiền nhưng mỗi người quan tâm một kiểu.

Cho nên mối quan hệ thứ 3 giữa Nhân Quả là liên hệ giữa Quả và Nhân. Trong mối quan hệ này hãy nhớ Quả thì mình tránh không được nhưng mà mình có thể làm được chuyện này: Tận dụng cái Quả lành hay cái Quả xấu để tiếp tục sống thiện, đừng có biến Quả lành Quả xấu trở thành môi trường là điều kiện để mà sống ác. Đó là chuyện vô cùng và vô cùng quan trọng.

Tôi nhắc lại, tại sao mà mình phải tu Tứ niệm xứ? Là vì tu Tứ niệm xứ là mình có cơ hội hiểu tới nơi tới chốn 3 mối quan hệ này: Một, sống với Chánh niệm và Trí tuệ có nghĩa là mình đang tạo điều kiện để mà nếu chưa có giải thoát niết bàn thì trong vòng luân hồi cũng không tệ, không kém ai. Đó là mối quan hệ Nhân Quả. Quan hệ thứ 2, hành giả Tứ niệm xứ phải hiểu rằng ngay đời này kiếp này nếu đã thường xuyên sống với Niệm và Tuệ thì đời sau kiếp sau sanh ra gặp cơ hội là sống với Niệm và Tuệ. Khi ta sống với Niệm và Tuệ thì cái Quả lành ta nhận được sẽ tiếp tục là điều kiện để cho ta tạo ra cái Nhân lành khác.

Tôi rất muốn bà con ghi âm bài giảng này, nghe lại thiệt là chậm bài này, có lúc tôi quên tôi nói nhanh, chứ chỗ nào nhớ tôi nói thiệt là chậm cho bà con mà hồi đó giờ dừng cái đầu để đội nón, bây giờ biết làm người, thử một ngày làm người. Về nghĩ chậm lại, thấm cái này:

Một, Nhân nào Quả nấy thì dĩ nhiên rồi.

Thứ 2, là Nhân xấu dễ dẫn đến Nhân xấu, Nhân thiện dễ dẫn đến Nhân thiện.

Thứ 3, Quả xấu hay Quả lành bản thân nó không quan trọng, mà cái quan trọng là ta có biết tận dụng nó hay không. Tuy nhiên có một ngoặc đơn nhỏ, đó là phải biết tận dụng thì cái Quả lành nó mới giúp cho cái Nhân lành, phải biết tận dụng thì cái Quả xấu nó mới là điều kiện cho Nhân lành. Còn không biết tận dụng thì Quả lành nó chỉ là điều kiện cho Nhân xấu. Và Quả ác lại càng là điều kiện cho cái Nhân ác. Nhớ cái này vô cùng và vô cùng quan trọng.

Các vị đừng nói với tôi là các vị giỏi giàu đẹp khỏe là các vị sẽ sống thiện, tôi không tin. Và các vị cũng đừng nói với tôi các vị xấu nghèo dốt bệnh các vị dễ tu, tôi không tin. Do mình, đừng có nghĩ rằng mình bất hạnh rồi mình phải đi làm ác. Đó là sai. Đừng nghĩ rằng mình sung sướng, may mắn, ngậm thìa bạc, đẻ bọc điều rồi mình hưởng thụ cũng không được. Mà cái quan trọng nhất trong mọi tình huống phải biết tận dụng cái Quả lành và Quả thiện để mà tiếp tục sống thiện, tiếp tục tạo Nhân thiện.

OK, chúc các vị một ngày vui, một đêm an lành và xin hẹn lại tuần sau.

* Các bài Sư Toại Khanh (Tỳ Kheo Giác Nguyên) giảng qua ứng dụng Zoom năm 2020. Nguồn Vietheravada

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app