Pháp Đầu Đà – Pháp Môn Thọ Thực Trong Một Chỗ Ngồi – Ekāsanikaṅga

Pháp môn thọ thực trong một chỗ ngồi – ekāsanikaṅga

Trong pháp môn này cũng có 2 cách thọ trì, thầy tỳ khưu hay hành giả muốn nguyện cách nào cũng được: nānāsanabhojanam paṭikkhipāmi: tôi xin nguyện không có thọ thực ngồi nhiều chỗ (thọ nhiều lần); ekāsanikaṅgam samādiyāmi: tôi xin nguyện thọ trì pháp đầu đà chỉ thọ thực trong một chỗ (là chỉ thọ thực một lần mà thôi).

Tỳ khưu nguyện pháp môn này khi vào thọ thực trong trai đường thì không nên ngồi chỗ các vị thượng tọa, phải dựa chỗ ngồi nào cho thuận tiện, đang khi thọ thực có thầy tế độ hay thầy hướng dẫn đi đến thì nên đứng dậy tiếp rước nhưng khi đã đứng dậy rồi không được ngồi trở lại thọ thực nữa.

Pháp đầu đà này cũng có 3 bực. Bực thượng: Khi đã thọc tay vào thọ thực trong món nào (chén, đĩa nào) dầu ít hay nhiều thì chỉ được phép thọ bấy nhiêu thôi, chớ không được lãnh lấy món khác nữa, nhưng nếu có người thấy tỳ khưu ấy thọ thực ít quá họ đem sữa lại dâng nếu tỳ khưu thọ lãnh bằng cách để làm thuốc ngừa bịnh thì được, nếu làm với ý để thế vật thực vì mình thọ thực ít thì không nên. Bực trung: nếu trong chén hay bát đương ăn còn vật thực thì có thể thọ lãnh thêm nữa được. Tỳ khưu này chấm dứt khi vật thực trong bát đã hết. Bực hạ: nếu chưa đứng dậy đến lúc nào thì có thể thọ thực đến lúc ấy. Tỳ khưu này gọi chấm dứt khi lãnh nước uống, hay là còn ngồi đến lúc nào thì được thọ thực hoài đến khi nào đứng dậy thì mới chấm dứt buổi thọ thực trong ngày ấy. Tỳ khưu trong 3 bực này khi nào vui thích thọ thực trong nhiều chỗ ngồi (nhiều lần) thì pháp đầu đà ấy đã đứt.

Pháp môn này khi thọ trì tròn đủ thì được 8 quả báo: 1) appābādhatā: ít bị bịnh hoạn; 2) appātaṅkatā: sống được nhẹ nhàng là không có khổ trong thân; 3) lahuṭṭhānaṃ: sự đi đứng được nhẹ nhàng mau lẹ; 4) balaṃ: có sức mạnh; 5) phāsuvihāro: tư cách được yên vui; 6) anatirittappaccayā anāpatti: không phạm tội vì thọ thực nhiều lần mà vật thực ấy không làm đúng luật; 7) rasataṅhāya vinodanaṃ: làm giảm bớt sự ham muốn trong vị trần; 8) appicchatādīnaṃ anuloma vuttitā: tư cách thực hành đúng theo đức lành của pháp tri túc.

Hậu kệ ngôn của sự thọ thực trong 1 lần: “Ekāsanabhojane rataṃ na yatiṃ bhojanapaccayā rujā vasabantirase aloluppoparihāpeti nakammamattano iti phāsuvihārakāraṅe sucisalie kharatupasevite janayetha visuddhamānaso ratimekāsana bhojane yati”.

Giải: Tất cả tật bịnh nào phát sanh lên do nơi sự thọ thực quá độ, không thể nào làm hại cho đau khổ đến hành giả đã thọ trì thọ thực trong một lần, sự tham muốn trong vị trần không làm cho sự tinh tấn của vị ấy phải hư hoại. Bởi vậy hành giả có tâm thanh tịnh nên làm cho sự vui thích phát lên để thọ trì pháp thọ thực trong một lần là nguyên nhân đem lại sự an vui trong thân thể mà thầy tỳ khưu ưa thích trao dồi những đức lành gần kề để thọ trì pháp môn này.

 

 

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app