Pháp đầu đà ở rừng – araññikaṅga

Pháp môn này cũng có 2 cách để thọ trì, tỳ khưu muốn thọ trì cách nào cũng được là: gāmanta senāsanaṃ paṭikkhipāmi: tôi xin nguyện không ở trong xóm khi mặt trời mọc; araññikangaṃ samādiyāmi: tôi xin nguyện thường luôn ở trong rừng.

Thầy tỳ khưu đã nguyện ở rừng rồi thì không nên ở trong khoảng xóm lúc mặt trời mọc. Thế nào gọi là chỗ ở trong xóm và ở trong rừng? Chỗ ở trong xóm là chỗ ở ngay chính giữa xóm hay là gần mé xóm. Chỗ nói rừng là trừ xóm và cận xóm ra, ngoài đó gọi là rừng.

Vậy chớ xóm và cận xóm nhất định như thế nào? Giải rằng  Chỗ nói xóm ấy có một cái nhà hay nhiều cái, có hàng rào chung quanh hay không có, có người ở hay không người ở, nói cho cùng dầu cho chỗ nào mà bọn lái buôn dừng lại cư ngụ trong 4 tháng đều gọi là xóm làng hết thảy. Nếu xóm làng nào có hàng rào chung quanh thì kể từ hàng rào ấy trở vô, còn không có hàng rào thì kể từ nhà cuối xóm tạc ra thêm một tạc nước gọi là cận nhà, từ chỗ cận nhà ấy trở ra, xa bằng sức người bực trung liệng một cục đất, cục đất ấy rớt nơi nào thì từ đó trở vô cũng gọi là xóm. Chỗ cận xóm là, nếu xóm có hàng rào chung quanh thì kể từ chỗ liệng cục đất thứ nhì rớt xuống là cận xóm. Nếu xóm mà có hàng rào 2 lớp thì kể từ lớp hàng rào thứ nhất liệng thêm cục đất rớt nơi nào thì khoảng ấy gọi là cận xóm.

Ngoài chỗ xóm và cận xóm ấy ra đều gọi là rừng hết thảy. Nói về chỗ ở trong rừng không phải chỉ trừ xóm và cận xóm ra mà còn phải chừa khoảng cách của chùa mình ở như sau: nếu chỗ ở trong rừng mà có hàng rào thì từ hàng rào trở vô thuộc địa phận của chùa, từ hàng rào trở ra lối một cục đất do người bực trung liệng thì cận chùa; nếu chùa không có hàng rào thì phải nhất định chỗ cuối cùng của chùa là cây bồ đề, trai đường, nhà giảng hay là bảo tháp v.v… lối một cục đất liệng ra khỏi đó thì gọi là vòng chùa, từ chỗ cục đất thứ nhất rớt xuống trở ra lối 1 cục đất liệng rớt xuống nữa thì gọi là cận chùa. Cách nhứt định cận chùa và vòng chùa như vậy không được lấn chụp lên phạm vi của xóm và cận xóm phải cách khoảng rời ra mới được.

Nhưng nếu giải rộng theo tạng kinh thì phải nhất định từ hàng rào xóm đến hàng rào chỗ ở trong rừng xa lối 500 cây cung (lối 1000 thước). Nếu hai bên đều không có hàng rào thì phải nhứt định kể từ 1 cục đất liệng rớt xuống cả 2 bên cho cách khoảng xa lối 1000 thước.

Nếu xóm ấy gần nghe tiếng người nói vọng đến nhưng mà bị núi hay sông rạch ngăn cản không thể đi ngay được phải đi vòng thì cũng phải kể theo đường vòng ấy, nhưng mà không được rấp đường ngăn ngõ thông thường của người rồi làm đường đi cong quẹo cho xa, như vậy thì gọi là đại bợm về phép đầu đà này.

Tỳ khưu khi cư ngụ chỗ ở trong rừng như thế nếu thầy tế độ hay thầy chỉ đạo mà có bịnh ở trong rừng không được an vui thì cũng nên đem thầy vào cư ngụ chỗ ở trong xóm để săn sóc nhưng gần sáng phải trở về chỗ ở trong rừng trước khi mặt trời mọc. Nhưng khi gần sáng mà bịnh thầy trở nặng thêm thì không nên bỏ phải ở lo hầu hạ săn sóc thầy luôn không nên quá chấp phép đầu đà mà bỏ phận sự của mình.

Pháp đầu đà này chia làm 3 bực là. Bực thượng: phải ở trong rừng luôn luôn trước khi mặt trời mọc (suốt năm). Bực trung: trong 4 tháng mưa được ở chỗ ngụ trong xóm. Bực hạ: ở trong xóm luôn cả 4 tháng mùa lạnh (mùa tuyết rơi) nữa cũng được. Tỳ khưu trong ba bực này khi vào xóm để nghe thuyết pháp, khi còn đang nghe thuyết mà mặt trời đã mọc lên, hoặc nghe xong đã đi về nửa đường rồi trời mọc pháp đầu đà ấy không đứt đâu, nhưng khi mà vị pháp sư đã chấm dứt và đứng dậy đi khỏi nơi ấy rồi, mà còn nghĩ rằng mình nghỉ một chút rồi sẽ về, khi đương nghỉ mà mặt trời mọc lên thì pháp đầu đà ấy đã đứt mất.

Quả báo của sự ở trong rừng có 8 là: 1) bhabbo aladdhaṃ vā  samādhiṃ  paṭiladdhuṃ:  là  người  có  thể  làm  cho  thiền định chưa phát sanh lên được phát sanh lên; 2) laddhaṃ vā rakkhituṃ: gìn giữ được dễ dàng pháp thiền định đã có; 3) satthāpissa attamano: đức Phật rất vừa lòng đến vị tỳ khưu ấy; 4) asappāya rūpādayo cittaṃ na vikkhipanti: sắc trần nào làm cho tâm không vui, không thể làm xao động tâm vị ấy được; 5) vigatasantāso: dứt bỏ được tâm hay kinh sợ; 6) jīvita nikantiṃ pajahati: dứt bỏ được sự mê thích trong mạng sống của mình; 7) paviveka sukharasaṃ assadeti: được hưởng hương vị của sự an vui trong chỗ thanh vắng; 8) paṃsukūlikādi bhāvo: người có tư cách giữ gìn pháp đầu đà lượm vải dơ để may y rất dễ.

Hậu kệ ngôn của pháp môn ở trong rừng:

“Pavivitto  asaṃsaṭṭho  pantasenāsane  rato  ārādhayanto nāthassa vanavāsena mānasaṃ eko arañño nivasaṃ yaṃ sukhaṃ labhate yati rasaṃ tassa na vindanti api devā sa indakā.

Paṃsukūlañca esova kavacaṃ viya dhārayam arañña saṅgāmagato avesesadhutāyudho samattho na cirasseva jetuṃ māraṃ sabāhanaṃ tasmā arañña vāsamhi ratiṃ kayirātha paṇḍito”.

Giải: Hành giả có tâm yên lặng, không lẫn lộn với phe đảng, chỉ vui thích nơi thanh vắng, người làm cho Đức Thế Tôn được thỏa thích, khen ngợi rằng: Hành giả nào ở trong rừng một mình thường được sự an vui cách nào, dầu cho các vị Chư Thiên như Đức trời Đế Thích chẳng hạn cũng không có hưởng được sự an vui như thế ấy.

Nếu hành giả này lại được thọ trì đầu đà lượm vải dơ để may y nữa thì cũng như mặc thêm bộ thiết giáp để xông vào tranh đấu nơi chiến địa: chiến địa ấy là cảnh rừng, lấy 11 pháp môn đầu đà khác làm quân lính thì có thể chiến thắng Ma Vương luôn cả tướng binh phải tan vỡ, thua chạy một cách dễ dàng không lâu.

Bởi vậy, bực trí thức nên vui thích ở rừng thanh vắng.

 

 

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app