Phần Những Phần Điều Cốt Lõi – Chương 14 – Nhiều Giọt Nước Sẽ Làm Đầy Hồ

4.Những Điều Cốt Lõi

Chương 14

Nhiều Giọt Nước Sẽ Làm Đầy Hồ

Chánh tinh tấn trong Bát Chánh đạo, rất quan trọng trong các hoạt động đời thường cũng như trong sự thực tập cho đời sống tâm linh. Nhưng ta thường hiểu sai về chánh tinh tấn, gây ra nhiều trở ngại. Phần đông chúng ta ở một thái cực khác là quá ít tinh tấn.

Chánh tinh tấn có nghĩa là dốc hết cả thân tâm vào việc gì. Mỗi chúng ta đều có những khả năng khác nhau, nên chỉ có ta mới biết rỏ khả năng hoàn thiện nhất của mình. Mỗi tối, trước khi vào giường, ta hãy ôn lại những việc xảy ra trong ngày, và tự hỏi mình: Hôm nay, làm việc ấy, tôi đã có cố gắng chưa? Đã cố gắng hết sức mình hay chỉ làm cho có lệ? Hôm nay tôi đã tự kỷ luật mình, khe khắc hơn hôm qua không? Tôi có cố gắng dậy sớm hơn thường lệ vài phút không? Đã cố học thêm hai câu kệ? Đã cố ngồi yên hay quán tưởng lâu hơn không? Hôm nay tôi đã cố gắng giảm bớt những ý nghĩ bất thiện không? Chúng ta không cần phải hỏi ai là những cố gắng của mình có đúng không. Tự chính ta phải biết rõ điều đó.

Nhiều giọt nước làm đầy hồ, cũng như cuộc đời là những chuỗi sự cố nhỏ. Những biến cố trọng đại chỉ xảy ra một đôi lần trong đời, nhưng có bao nhiêu việc nhỏ vẫn xảy ra sớm tối mỗi ngày. Sự nỗ lực của ta cũng giống như những giọt nước làm đầy hồ: rất nhỏ nhoi nhưng mỗi ngày lại hơn hôm qua một ít. Dần dần hồ nước sẽ đầy. Sẽ có ngày với nỗ lực cuối cùng, ta có thể hoàn toàn buông bỏ các ảo tưởng về ngã. Nhưng điều đó sẽ chẳng bao giờ xảy ra, nếu mỗi ngày ta không cố gắng thêm chút ít, dù cái thêm đó rất nhỏ nhoi.

Chúng ta rất thích tìm kiếm các lạc thọ, luôn đòi hỏi sự thoải mái. Trái lại khi phải nỗ lực, cố gắng hơn ta không thấy thoải mái. Lo lắng làm sao để đưọc thoải mái không đem lại điều gì lợi ích. Không quan trọng gì cả. Ngược lại, nó làm giảm lòng tinh tấn của ta. Nếu thỉnh thoảng, ta không biết hy sinh những sự thoải mái, tiện nghi của riêng cá nhân mình, dần dần ta sẽ đánh mất hết mọi cảm hứng, không còn động cơ thúc đẩy ta hành động nữa. Nếu không bao giờ ta muốn vượt lên giới hạn của mình, cuối cùng ta sẽ đánh mất mục đích, và chỉ muốn đi tìm sự tiện nghi. Tuột dốc bao giờ cũng dễ hơn trèo lên cao. Luật tỉ trọng không chỉ chi phối thân mà cả tâm ta nữa.

Sự nỗ lực, dù nhỏ, cũng mang đến cho ta niềm vui lớn. Hãy thử nhớ lại một ngày mà ta bằng lòng với mọi thứ, chẳng phải cố gắng gì, với một ngày ta đã có những nỗ lực và đã thành công. Không nên để một ngày trôi qua mà không quán xét lại. Nếu không, làm sao ta có thể biết đưọc gì là quan trọng và gì là không?

Chỉ có giây phút ngắn ngủi nầy hiện hữu, và đó là hiện tại. Còn tương lai chỉ là cái bóng của trí tưởng tượng. Vì khi tương lai xảy ra, nó trở thành hiện tại. Tương lai chẳng bao giờ xảy ra như ta mong muốn vì người tưởng tượng ra nó và người thực sự kinh nghiệm nó, không phải là một. Vẽ vời với tương lai hay đắm chìm trong quá khứ, đều là những việc làm mất thời gian. Quá khứ đã qua rồi không trở lại. Nếu ta đã lầm lở trong quá khứ, thì hãy học từ kinh nghiệm đó mà không tái phạm -có lẽ đó là sự hồi tưởng đáng làm nhất.

Chúng ta chỉ có thể sống ngay giờ phút hiện tại. Khi bắt đầu một ngày, giống như ta có cả cuộc đời trước mặt. Mỗi buổi sáng, chúng ta như vừa đưọc tái sinh, tươi trẻ, sáng suốt, và qua suốt một ngày, chúng ta sống với đủ thứ loại tình cảm trong đời -yêu, ghét, lo lắng, phiền não, sợ hãi, nhẫn nhục, bi thương. Tất cả mọi thứ đó xảy ra chỉ trong một ngày, và nếu trong ngày đó ta không nỗ lực để làm gì cả, thì ta phung phí thời gian biết bao. Nếu để tất cả thành thói quen như thế, dẫn đến sự phung phí cả một kiếp con người quí báu.

Theo lời Đức Phật dạy, cõi Người là cõi thích hợp nhất để đạt Giác Ngộ. Ở cõi nầy, có khổ đau để nhắc nhở con người tu tập, nhưng cũng có cả các dục lạc (sukkha) làm cân bằng cuộc sống. Nhưng các dục lạc cũng dễ đưa con người đến những suy nghĩ sai lầm, như nếu khéo xoay sở, họ có thể đi từ lạc thú nầy đến niềm vui khác mà không phải nếm trãi khổ đau. Đó là tà kiến. Dầu gì, đây cũng là cõi thích hợp nhất để đạt đưọc Giác Ngộ tâm linh, vì tâm chúng ta có thể được giải thoát khỏi mọi cấu uế. Nhưng nếu không có sự tinh tấn, nỗ lực thì điều đó khó thể xảy ra.

Đôi khi có những nỗ lực làm kiệt sức con người nhưng lại không đúng, vì quá chấp vào kết quả. Mong cầu đạt đưọc kết quả đem đến sự lo âu, căng thẳng, khiến ta bị nhức dầu, đau lưng, lo âu và trạo cữ. Lòng mong muốn thường dẫn đến thất vọng. Nếu trong đầu ta, lúc nào cũng nghĩ đến kết quả, ta sẽ không chú tâm vào công việc đang làm. Nhưng nều ta buông bỏ, không để ý đến những gì ta sẽ đạt đưọc, mà dốc toàn tâm toàn trí vào công việc phải làm, nỗ lực không ngừng thì ta sẽ dễ thành công mà không tạo ra căng thẳng.

Nhiều người bị nhức đầu lúc ngồi thiền, liền kết luận rằng ngồi thiền không tốt. Nhưng họ quên nghĩ rằng có thể do họ nỗ lực không đúng chỗ. Có thể do sự quá mong cầu đưọc định, khiến họ không thoải mái, và không đạt đưọc tiến bộ nào trong thiền định.

Sự nỗ lực có phần thưởng của riêng nó: lòng vui mừng vì mình đã có cố gắng, và điều đó đem lại cho tâm thêm sức mạnh. Như chúng ta biết, khi luyện tập thân thể, ta vận động cơ bắp, tập cho thân thể chống lại mỏi mệt, kết quả là ta có niềm vui vì đã có thể thực hiện đưọc những việc khó thực hiện. Đối với tâm cũng thế. Ta vận động tâm, bằng cách bắt nó phải nỗ lực thêm từng chút mỗi ngày, và nếu cứ tiếp tục như thế, tâm ta sẽ luôn vững mạnh. Nếu ta buông thả sau đó, thì tâm như một sợi dây thun, lại rút về chỗ cũ. Nhưng nếu cứ tiếp tục thực tập, sẽ có ngày tâm sẽ không đàn hồi nữa. Nó trở thành mềm nhuyễn, dễ điều phục, độ lượng và bắt đầu có thể nhìn thấu suốt, bao trùm các kinh nghiệm vũ trụ, hơn là chỉ chăm chăm chấp vào cái không gian nhỏ bé mà mỗi cá nhân của chúng ta chiếm hữu.

Nỗ lực phải kiên trì, và không đưọc thay đổi ngày thì quá sức, ngày thì không làm gì cả. Thiếu sự kiên trì, dễ khiến ta nản lòng, chán nản, thương thân. Kiên trì nỗ lực -ngày qua ngày, phút nầy qua phút khác, và tự xét lại mỗi ngày xem minh có tiến bộ hơn ngày hôm trước không- làm được như thế mang đến cho ta niềm vui. Nếu chúng ta học một vài chữ mỗi ngày, dần dần ta sẽ thuộc cả bài kinh tụng. Một phút thiền định mỗi ngày kết quả được một giờ thiền định trong hai tháng.

Trở ngại chính là lòng tham muốn lạc thọ, nhất là dục lạc. Các cảm thọ nầy lúc có, lúc không. Căn bản là có ba loại cảm thọ: vui, khổ và không vui, không khổ. (Dầu không vui, không khổ, nhưng cảm thọ nầy cũng nghiêng về lạc thọ, vì nó không khiến ta đau khổ). Bản năng sinh tồn khiến ta bám víu vào các lạc thọ và xa lánh, trốn tránh khổ thọ. Nhưng vì không thể kéo dài các lạc thọ, lòng ham muốn khiến ta bận rộn đuổi tìm chúng suốt cuộc đời, và đó là lý do dẫn ta trong luân hồi sinh tử. Đó là một cuộc kiếm tìm vô vọng, vì thế nếu ta càng sớm nhận biết điều đó, để buông bỏ, ta càng sớm có thể tự hào nói rằng mình đang sống theo chánh pháp.

Qua những nỗ lực không ngừng, ta cảm thấy mạnh mẽ hơn và cảm nhận đưọc những niềm vui trong nội tâm vì biết rằng mình đã dốc hết sức lực vào việc tìm kiếm Giác Ngộ giải thoát. Không có gì so sánh đưọc với chúng trong đời nầy. Tất cả những thứ khác ta làm chỉ vì mục đích sinh tồn, dầu có cần thiết, nhưng không đem lại niềm vui.

Dầu làm gì, viết sách hay gọt một củ cà-rốt, điều quan trọng là chúng ta đã thực hiện chúng như thế nào. Đa số cho rằng viết sách thì quan trọng hơn gọt rau củ nhiều. Nhưng bất cứ khi nào chúng ta hành động với tất cả tâm chánh niệm, không mong cầu kết quả -điều nầy dễ làm với củ cà rốt hơn là viết quyển sách- là chúng ta đã hành động theo lời dạy của Đức Phật. Đó không phải là Tôi đang làm gì, chỉ là có những việc cần đưọc thực hiện. Đó là một mẫu mực đo lường hữu ích đối với tất cả mọi việc. Một khi có ‘cái tôi’ bước vào sân khấu là có chuyện, là tạo nên bao sóng gió cảm xúc, khiến tâm khó có thể bình an, tĩnh lặng.

Nếu chúng ta quán sát các hành động của mình, ta sẽ nhận thấy tất cả là do thói quen. Thói quen tạo nên bởi bản năng, bởi tham ái, và cũng bởi lòng tin khó lay chuyển vào cái tôi của mình. Nhiều người ảo tưởng rằng họ làm chủ cuộc đời của họ, vì họ có tư duy và tâm trí họ sáng suốt. Thực ra tất cả chỉ là những phản ứng. Nếu chúng ta thực sự làm chủ, như một vị A-la-hán, thì chúng ta đã chẳng bao giờ thấy đau khổ, lo lắng, sợ hãi hay tức giận. Nếu tự ý, tự chủ hành động như thế thì thật là ngu si.

Khi chúng ta trở nên tỉnh giác hơn, ta sẽ nhận thức được rằng các phản ứng của ta là tự phát, tự khởi, không vì lý do gì cả. Những khám phá nầy sẽ khiến ta ngạc nhiên về chính mình, và nhất định ta sẽ không để chúng tiếp tục xảy ra.

Sự tỉnh giác nầy đòi hỏi ta phải nỗ lực mỗi ngày, cố gắng từng phút giây, làm sao để hôm nay phải nhích hơn hôm qua một ít. Dần dần cả ngày là một chuỗi nỗ lực đáng tán thán, chứ không phải là những bổn phận bó buộc. Một khi ta cảm thấy hưng phấn, ta sẽ đi tới giống như chiếc xe bao ngày bị ngưng trệ lại lăn bánh đi tới. Làm sao để nó không bị ngưng trệ nữa, đó mới là điều khó, nhưng một khi bánh xe đã bắt đầu lăn, thì tốc độ sẽ đẩy nó tới mãi. Động cơ thúc đẩy phải đến từ bên trong, và nếu chúng ta có tri giác, chúng ta sẽ tự nhủ là :”Tôi thành tâm muốn đưọc giải thoát khỏi khổ đau”, chứ không phải là “Tôi cầu luôn được sung sướng”. Cầu như thế sẽ không bao giờ đưọc toại nguyện, vì làm sao lúc nào cũng đưọc sung sướng, và chỉ ý mong cầu đưọc sự tiện nghi, dễ dải cũng đã làm nhục ý chí phấn đấu của ta. Muốn đưọc giải thoát khỏi khổ đau, đòi hỏi ta phải nhận ra đưọc điều đó và thay đổi. Những điều nầy đem lại cho ta niềm vui vì ta tự biết mình đang chiến đấu cho những lý tưởng cao đẹp nhất.

Nếu chúng ta suy nghĩ, hành động, nói năng với tâm chánh niệm, luôn chú tâm đến thân và tâm, đó là chúng ta tự củng cố thêm sự hành thiền của mình, bắt đầu thấu hiểu đưọc các ảo tưởng về mình. Chúng ta bắt đầu hiểu đưọc các hành động mà không có người hành động. Chỉ có hành động là đáng kể -động lực chân chính của ta- chứ không phải là các kết quả.

Khi chúng ta biết tự hỏi mình: “Tại sao tôi đau khổ? Điều gì đã làm tôi thất vọng?” chứ không vội vàng phản ứng, thì mỗi ngày đều là một ngày vui sống. Nếu không, ta đã suy nghĩ sai. Mỗi ngày là để tạo mọi nỗ lực chiến thắng cái ngã. Nóng hay lạnh, ướt hay khô, ngon hay dở- không có gì khác. Tất cả mọi nỗ lực đều dồn cho một mục đích: hiểu thấu đưọc các ảo tưởng về một người chủ của thân và tâm.

Mỗi chúng ta phải tự đánh giá sự tinh tấn của chính mình. Chúng ta không thể bảo với người khác rằng: ‘Anh không nỗ lực đủ’ hay “Anh đã cố gắng nhiều rồi”. Tất cả chúng ta đều có những khả năng, khuynh hướng, những trở ngại, nhân quả khác nhau, nhưng ta cần phát huy các khả năng tối ưu của mình. Thường con người chưa xử dụng hết mọi nỗ lực của mình.

Các khía cạnh tâm và sinh lý của chúng ta gắn bó với nhau. Thí dụ, để tọa thiền, ta ngồi xuống, là một động tác của thân để củng cố cho các nỗ lực tinh thần của ta. Chánh niệm gắn bó thân và tâm với nhau. Vì có thân và tâm, ta thường ảo tưởng rằng chúng là ‘ta’. Tuy nhiên khi chúng ta nhận thức đưọc rằng ‘cái tôi’ là nguyên nhân của khổ đau, ta sẽ thất vọng về sự có mặt của nó, và sẽ không muốn bám víu vào nó. “Cái tôi’ đó luôn suy tư, luôn tạo ra các cảm thọ, làm xáo trộn tâm ta.

Bớt tôn vinh ‘cái tôi’ là bước đầu đưa đến sự buông xả ngã chấp, là một nỗ lực lớn. Chỉ cần có nỗ lực thôi, ta cũng đã trên đường tiến tới mục đích đó. Khi nào ta dồn hết tâm sức vào việc thiện, ‘cái tôi’ thường phải cúi đầu.

Hãy nhớ mỗi tối kiểm tra lại ta đã sống như thế nào trong ngày hôm đó. Chúng ta có nỗ lực làm việc tốt không, hay chỉ để thời gian quý báu trôi qua? Có tưởng nhớ đến Pháp thường hơn không? Tuy nhiên, đừng có thái độ đổ lổi, buộc tội ai hay hoàn cảnh nào, nếu ta có thiếu sót. Ngày hôm sau, một bắt đầu mới, ta có thể làm lại từ đầu.

Sống như thế, mỗi ngày là một niềm vui. Ta sẽ không còn cảm giác chán nản, chỉ mong ngày mau qua đi. Vì mỗi giờ, mỗi phút giây qua đi, đều mang lại lợi ích và niềm vui cho ta.

Niềm vui là một yếu tố quan trọng trong đời sống thánh thiện, giống như bột nổi với bánh mì. Không có niềm vui, đời sống thánh thiện của ta sẽ khó thể vươn lên tuyệt đỉnh. Vì thế, hãy xử dụng từng giây phút, và từng nỗ lực trong chánh niệm.

-ooOoo-

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app