PHẦN MỘT

 SỰ NHIỆM MẦU CỦA GIÂY PHÚT HIỆN TẠI 

1.- CHÁNH NIỆM LÀ GÌ? 

Chánh niệm là một phương pháp tu tập cổ truyền trong đạo Phật, vẫn còn rất thích hợp đến đời sống hiện tại của chúng ta ngày nay. Sự thích hợp ấy tự nó không dính dáng gì đến đạo Phật, hoặc việc trở thành một Phật tử, nhưng nó là sự tỉnh thức dậy, biết sống hòa hợp với chính mình và thế giới chung quanh. Chánh niệm có nghĩa là ta biết tự nhìn lại mình, quan niệm sống của mình, và ý thức được tính chất toàn vẹn của mỗi giây, mỗi phút trong cuộc sống. Và trên hết, chánh niệm có nghĩa là tiếp xúc được với thực tại, những gì đang xảy ra chung quanh ta. 

Theo quan điểm của Phật giáo, thì trạng thái tỉnh thức của một người bình thường rất có giới hạn và đang bị giới hạn. Nói chính xác hơn thì trạng thái ấy giống như của một người nằm mộng hơn của một người tỉnh thức. Thiền tập sẽ giúp đánh thức ta dậy từ một giấc ngủ mê của những tập quán hành động máy móc vô ý thức. Và từ đó ta mới có thể thật sự sống, và có thể xử dụng được hết mọi khả năng của ý thức cũng như trong tiềm thức của mình. Những bậc thánh nhân, các nhà Yoga, những vị thiền sư đã thám hiểm và thăm dò lãnh thổ này từ hàng mấy nghìn năm nay. Và trong tiến trình ấy, họ đã học được những điều có thể đem lại lợi ích lớn lao cho chúng ta, nhất là những người sống ở Tây phương, giúp họ làm quân bình lại một nền văn hóa lúc nào cũng muốn chiếm hữu, kiểm soát thiên nhiên, thay vì ý thức được rằng ta cũng là một phần rất thân thiết đối với chúng. Kinh nghiệm của những bậc thánh nhân dạy rằng, khi ta biết quay vào trong và tự quán sát mình cho sâu sắc, bằng những phương pháp có hệ thống rõ ràng , chúng ta có thể sống một cuộc đời hòa hợp hơn, hạnh phúc hơn và với nhiều tuệ giác hơn. Nó cũng sẽ đem lại cho ta một cái nhìn mới về thế giới chung quanh, có thể bổ sung cho những quan niệm duy vật hạn hẹp đang chi phối tư tưởng và tập tục của chúng ta, nhất là những người Tây phương. Nhưng quan điểm mới này không nhất thiết là của riêng gì Ðông phương hoặc là một triết lý nào huyền bí cả. Ông Thoreau cũng đã nhìn thấy rất rõ vấn đề này, ở New England vào năm 1846 và ông đã viết về hậu quả nguy hại của nó với một cảm xúc rất mạnh mẽ. 

Trong đạo Phật, chánh niệm còn được gọi là trái tim của thiền quán. Trên căn bản thì chánh niệm là một ý niệm hết sức đơn giản. Sức mạnh của chánh niệm nằm ở chỗ ta biết thực hành và áp dụng nó. Chánh niệm có nghĩa là chú ý theo một đường lối đặc biệt: có mục đích, ở trong giây phút hiện tại và không phán xét. Sự chú ý này sẽ nuôi dưỡng một ý thức rộng lớn, sáng tỏ và biết chấp nhận thực tại. Chánh niệm đánh thức ta dậy để nhận thấy sự thật rằng sự sống của ta chỉ có mặt trong giây phút hiện tại này mà thôi. Nếu chúng ta không có mặt trọn vẹn trong những giây phút ấy, ta không những bỏ qua những gì quý báu nhất trong đời mình, mà còn không thể nhận diện được sự giàu có và thâm sâu của những cơ hội có thể giúp ta trưởng thành và chuyển hóa. 

Nếu ta thiếu chánh niệm trong giờ phút hiện tại, những thói quen và tập quán vô ý thức sẽ có thể tạo nên nhiều vấn đề khác nữa, thường thường chúng bị thúc đẩy bởi một sự sợ hãi và bất an sâu xa trong ta. Những vấn đề này sẽ tích tụ qua thời gian, nếu lâu ngày không được chăm sóc, chúng có thể gây cho ta một cảm giác bị mắc kẹt và xa lìa thực tại. Và cuối cùng, ta có thể sẽ đánh mất đi niềm tin vào khả năng giải thoát của chính mình. 

Chánh niệm là một phương pháp tu tập giản dị nhưng có một năng lực vô song, có thể giúp ta thoát ra và tiếp xúc lại được với tuệ giác và sự sống của mình. Ðây cũng là một phương cách giúp ta làm chủ lại được đường hướng và phẩm chất của đời mình, trong đó có những mối tương quan của ta trong gia đình, ngoài xã hội, rộng hơn nữa là với thế giới và trái đất này, và căn bản hơn hết là với chính ta, như một con người. 

Cây chìa khóa của con đường giải thoát này có gốc rễ nằm trong đạo Phật, đạo Lão và Yoga, nhưng ta cũng có tìm thấy nó trong các công trình của những người Tây phương như Emerson, Thoreau và Whitman, và trong tuệ giác của người Da Ðỏ nữa. Ðó chính là sự ý thức được tính chất quý báu của giây phút hiện tại và nuôi dưỡng một mối liên hệ mật thiết với thực tại bằng một sự chú ý liên tục và thận trọng. Thái độ ấy hoàn toàn khác hẳn với những khi ta xem cuộc sống này như là một cái gì rất bình thường và đương nhiên! 

Thói quen đem hy sinh giây phút hiện tại này cho một sự kiện nào đó chưa xảy ra, đẩy ta thẳng vào thế giới của thất niệm, và từ đó ta không còn ý thức được màn lưới chằn chịt nối liền mọi sự sống với nhau nữa. Sự thất niệm ấy gồm có việc thiếu ý thức và thiếu hiểu biết về chính bản tâm ta, và ảnh hưởng của nó trên nhận thức và hành động của ta. Vì vậy sự sống của ta, mối tương quan với người khác, và với thế giới chung quanh, đã trở nên vô cùng giới hạn. Xưa nay, người ta vẫn thường cho rằng, những vấn đề căn bản ấy là thuộc lãnh vực tôn giáo, nằm trong một khuôn khổ tâm linh. Nhưng thật ra chánh niệm không có dính dáng gì đến tôn giáo hết, ngoại trừ trong ý nghĩa cơ bản của danh từ ấy, như là một phương tiện để tiếp xúc với sự huyền nhiệm của sự sống, và ý thức được rằng ta có một mối liên hệ rất mật thiết với hiện hữu chung quanh ta. 

Khi ta biết chú ý một cách cởi mở, không để bị chi phối bởi sự ưa thích, ghét bỏ của mình, cũng như những ý kiến, phê bình, xu hướng và mong ước, thì sẽ có những cơ hội mới xuất hiện và chúng có thể giúp ta thoát ra khỏi được sự trói buộc của vô thức trong ta. 

Ðối với tôi thì chánh niệm là một nghệ thuật sống tỉnh thức. Bạn không cần phải là một Phật tử hay một nhà Yoga mới có thể thực tập chánh niệm. Thật ra trong Phật giáo, điểm quan trọng nhất là ta phải biết trở về với chính mình, chứ không nên cố gắng trở thành một cái gì khác hơn là mình. Ðạo Phật dạy cho ta biết tiếp xúc với tự tánh của ta và để cho nó hiển lộ ra một cách không ngăn ngại. Có nghĩa là ta phải tỉnh thức dậy và nhìn thấy sự vật như chúng thật sự như vậy. Thật ra chữ Buddha, Phật, có nghĩa là một người tỉnh thức, một người đã thấy được tự tánh của mình. 

Vì vậy, sự thực tập chánh niệm không hề xung đột với bất cứ một tín ngưỡng hay một truyền thống nào khác – cho dù đó là tôn giáo hoặc khoa học – và nó cũng không đòi hỏi ta phải tin vào một hệ thống tư tưởng hoặc một chủ nghĩa nào hết. Chánh niệm chỉ đơn giản là một phương pháp cụ thể giúp ta tiếp xúc được với chính mình một cách trọn vẹn hơn, qua một quá trình tự quán chiếu, tự xét soi và hành động có ý thức. Quá trình ấy không có gì là lạnh lùng, khô khan và vô tâm hết. Thật ra nền tảng của chánh niệm phải là lòng từ ái, hiểu biết và nuôi dưỡng. Bạn cũng có thể nghĩ đến chánh niệm như là một lòng nhân từ. 

– Có một người học trò nói rằng: “Khi tôi là một Phật tử thì cha mẹ, bạn bè tôi ai cũng cũng lấy làm khó chịu. Thế nhưng khi tôi là một vị Phật, thì mọi nguời đều hạnh phúc”. 

2.- GIẢN DỊ NHƯNG KHÔNG DỄ. 

Mặc dù phương pháp tu tập chánh niệm có thể rất là đơn giản, nhưng nó không có nghĩa là dễ dàng. Sự thực tập chánh niệm đòi hỏi một nỗ lực và một kỷ luật khá hơn. Việc ấy cũng dễ hiểu, vì chúng ta phải đương đầu với một năng lực thất niệm rất mãnh liệt, tức những tập quán và thói quen vô ý thức của ta. Những năng lực ấy rất là mạnh, chúng phát xuất từ nội tâm ta, đôi khi chúng ta cần một sự cương quyết cũng như cố gắng chỉ để duy trì sự tu tập của mình, cũng như để bắt giữ được giây phút hiện tại. Nhưng việc làm ấy rất là thỏa mãn, vì nó giúp ta tiếp xúc được với những khía cạnh mới của sự sống mà ta đã đánh mất vì không chịu nhìn thấy. 

Việc làm ấy cũng rất là khai ngộ và giải thoát. Khai ngộ là vì nó giúp ta nhìn thấy sự vật được rõ rệt, và từ đó ta sẽ có thể hiểu biết được sâu sắc những khía cạnh khác trong cuộc sống, mà ta đã vì cách biệt hoặc vì không muốn nhìn tới. Việc ấy cũng có nghĩa là ta sẽ phải tiếp xúc với những cảm xúc sâu kín của mình – như là khổ đau, tổn thương, giận dữ và sợ hãi – mà chúng ta đã thường tìm cách trốn tránh hoặc đã không bao giờ cho phép chúng được biểu lộ ra. Và chánh niệm cũng sẽ giúp ta được thật sự sống với những cảm xúc như là vui sướng, an lạc và hạnh phúc, mà nhiều khi chúng chỉ trôi thoáng qua trong cuộc đời vì ta thiếu ý thức. Chánh niệm có tính cách giải thoát vì nó giúp ta thật sự sống với chính mình và với những gì đang xảy ra chung quanh ta. Nó đem ta ra khỏi chiếc hố sâu mù mịt của thất niệm. Ngoài ra, chánh niệm còn có thể gia quyền cho ta nữa, ban cho ta sức mạnh, vì nó giúp ta khai mở được nguồn năng lượng tích trữ của sự sáng tạo, trí thông minh, tưởng tượng, sự cương quyết, biết chọn lựa và một tuệ giác tiềm ẩn trong ta. 

Chúng ta thường có một khuynh hướng đặc biệt là không ý thức được rằng mình lúc nào cũng đang suy nghĩ. Dòng tư tưởng lúc nào cũng trôi chảy không ngừng nghĩ, trong tâm ta không bao giờ có một giây phút tĩnh lặng. Chúng ta không còn có một khoảng không gian nào để cho mình yên nghỉ, để thôi đeo đuổi hết việc này đến việc khác. Và những hành động của ta phần nhiều, thay vì được chánh niệm soi sáng, thì lại bi sai xử bởi những ý nghĩ và sự thúc đẩy rất tầm thường, chúng đi ngang qua tâm ta như một dòng sông cuồn cuộn chảy, nếu không phải là một dòng thác lũ. Và cuộc đời ta bị dòng nước lớn ấy tràn ngập, lôi cuốn ta về một nơi mà mình không muốn, và chắc chắn có lẽ cũng không biết là sẽ đi về đâu. 

Thiền tập có nghĩa là ta học phương pháp thoát ra dòng nước lũ ấy, để ta có thể ngồi lại bên bờ, lắng nghe nó, học hỏi nó, để rồi xử dụng năng lượng ấy theo ý ta, thay vì bị nó khống chế và áp đảo. Nhưng quá trình ấy không phải là tự nhiên xảy ra được. Nó đòi hỏi một sự cố gắng, một công phu. Và chúng ta gọi sự cố gắng để phát triển khả năng sống trong hiện tại ấy là tu tập hoặc thiền tập. 

Hỏi: Làm sao con có thể sửa đổi được một vấn đề khó khăn, khi nó hoàn toàn nằm dưới phần ý thức của con? 

Nisargadatta: Bằng sự sống thực với mình… bằng cách tự quán sát mình trong đời sống hằng ngày trong chánh niệm, với một ý muốn để tìm hiểu hơn là để phê phán, hoàn toàn chấp nhận bất cứ việc gì xảy đến, bởi dù sao thì nó cũng đang có mặt, ta phải biết khuyến khích những gì sâu kín được biểu lộ lên trên bề mặt, và làm phong phú thêm cho sự sống và tâm thức của ta bằng năng lượng ẩn tàng của nó. Ðó là sản phẩm của ý thức; nó loại trừ hết những chướng ngại và tháo mở năng lượng của ta bằng sự hiểu biết về tự tánh của sự sống và tâm thức. Trí thông minh là cánh cửa của tự do, mà chánh niệm là mẹ đẻ của trí thông minh. — Nisargadatta Maharaj, “I am That”. 

3.- DỪNG LẠI: 

Người ta thường nghĩ rằng thiền tập là một hành động gì đó đặc biệt lắm, nhưng sự thật không đúng hẳn như vậy. Như chúng ta thường nói đùa với nhau: “Ðừng có làm gì hết, ngồi đó thôi!” Nhưng thiền tập cũng không hẳn là ngồi yên đó thôi. Nó có nghĩa là dừng lại và sống trong hiện tại, chỉ có vậy thôi. Phần nhiều chúng ta lúc nào cũng bận rộn chạy loanh quanh, làm hết việc này đến việc khác. Bạn có thể nào dừng lại trong cuộc đời của bạn không, dù chỉ trong chốc lát thôi? Có thể là giây phút này không? 
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn làm việc ấy? 

Một phương cách để dừng lại là ta hãy chuyển dời sang một trạng thái có mặt. Hãy xem mình là một nhân chứng vĩnh viễn và bất diệt. Hãy quan sát giây phút này, không cần có gắng thay đổi một cái gì hết. Việc gì đang xảy ra? Bạn cảm thấy thế nào? Bạn thấy gì? Nghe gì? 

Có điều rất ngộ nghĩnh là khi bạn vừa dừng lại, lập tức bạn sẽ rơi vào giây phút hiện tại nầy ngay. Mọi việc được trở nên đơn giản hơn. Nó giống như là bạn đã qua đời và cuộc sống vẫn cứ tiếp tục. Nếu bạn có chết đi, mọi bổn phận và trách nhiệm của bạn sẽ tự động tan biến thành mây khói. Những gì còn sót lại cũng sẽ được giải quyết bằng một cách nào đó, mà không cần đến bạn. Nó cũng sẽ chết đi hoặc mờ phai dần theo bạn, cũng giống như số phận của bao nhiêu người khác đã đi trước. Vì thế, bạn đừng nên lo nghĩ về bất cứ một chuyện gì quá mức. 

Nếu sự thật là vậy, có lẽ ngay bây giờ bạn không cần phải gọi thêm một cú điện thoại nữa làm gì, dù bạn có cho là cần thiết. Có lẽ bây giờ bạn cũng không cần đọc thêm gì nữa, hoặc lo làm thêm một việc gì nữa. Khi bạn có thể tập “chết theo ý muốn” trong khi mình vẫn còn sống, bạn sẽ có thể thoát ra được khỏi sự đốc thúc của thời gian, và có thể sống với hiện tại. Bằng “cái chết” theo lối ấy, thật ra bạn lại sẽ biết sống hơn! Sự dừng lại có thể giúp bạn làm được việc đó. Nó không có gì là thụ động hết. Và khi bạn quyết định bước đi, thì sự tiến bước ấy sẽ rất khác biệt vì bạn đã dừng lại. Thật ra sự dừng lại sẽ làm cho hành trình của bạn được sống động, toàn vẹn và tươi đẹp hơn. Nó giúp ta giữ những sự lo âu và cảm tưởng thua sút của mình trong khuôn khổ. Nó sẽ dẫn đường cho ta đi. 

Thực tập: Trong một ngày bạn hãy dừng lại, ngồi xuống và có ý thức về hơi thở của mình, ít nhất là vài lần. Có thể là năm phút hoặc năm giây cũng được. Hãy buông bỏ hết tất cả và thành thật chấp nhận giây phút hiện tại này, trong đó có cảm thọ và ý tưởng của bạn về những gì đang xảy ra. Trong giây phút này, đừng cố gắng thay đổi bất cứ một điều gì, chỉ thở và buông bỏ. Thở và chấp nhận. Hãy để cho những ý muốn thay đổi trong giờ phút hiện tại này chết đi. Trong tâm bạn, trong ý bạn, hãy cho phép giây phút này được như là nó thật sự có mặt, và cho phép bạn được là bạn, không cần phải thay đổi gì cả. Và tiếp đó, khi nào sẵn sàng, bạn hãy đi theo sự hướng dẫn của con tim mình, với chánh niệm và bằng một sự cương quyết. 

4.- CHỈ CÓ VẬY THÔI: 

Một tranh hí họa trong tạp chí New Yorker: Hai vị sư, một già, một trẻ, ngồi xếp bằng tọa thiền trong thiền đường. Vị sư trẻ thỉnh thoảng liếc nhìn vị sư già với ánh mắt dò hỏi, vị sư già quay sang anh ta nói: “Không có gì xảy ra hết. Chỉ có vậy thôi”. 

Thật vậy, thông thường khi chúng ta quyết định làm một việc gì, tự nhiên ta muốn có được một kết quả nào đó cho công trình của mình. Chúng ta muốn thấy một kết quả, cho dù đó chỉ là một cảm thọ an vui nhẹ nhàng. Tôi thấy có một ngoại lệ duy nhất trong thiền tập là một việc làm có ý thức và có phương pháp của con người, mục đích không phải để tự cải tiến hoặc đưa chúng ta đi đâu hết. Thiền tập giúp cho ta giản dị nhận thức được thực tại của mình trong bây giờ và ở đây. Có lẽ giá trị của nó là ở chỗ đó. Và có lẽ trong cuộc đời chúng ta cần nên làm một việc nào đó, chỉ là làm là vì làm thế thôi. 

Nhưng nếu ta gọi thiền tập là một hành động thì chữ ấy cũng không đúng lắm. Tôi nghĩ diễn tả nó như là một sự sống thì có lẽ chính xác hơn. Khi chúng ta hiểu được rằng tất cả “chỉ có vậy thôi”, thì ta sẽ có thể buông bỏ được quá khứ và tương lai, để tỉnh dậy và sống với hiện tại, trong chính giây phút này đây. 

Nhưng thường thường ít khi nào người ta hiểu được sự thật này ngay. Họ muốn tập thiền để được nghỉ ngơi, để kinh nghiệm một trạng thái đặc biệt nào đó, để được trở thành một người tốt hơn, để làm giảm sự căng thẳng, đau đớn, để thoát ra những tập quán, thói quen ngàn đời của mình, hoặc để được giải thoát và giác ngộ. Mặc dù đó là những lý do chánh đáng, nhưng chúng có thể sẽ trở thành những chướng ngại nếu ta hy vọng rằng chúng phải xảy ra, chỉ vì ta bắt đầu tập thiền. Ta sẽ bị kẹt vào sự ước muốn có được một “kinh nghiệm đặc biệt” nào đó. hoặc tìm kiếm một dấu hiệu để chứng tỏ là mình đang tiến bộ và trong một thời gian ngắn nếu không cảm thấy có gì đặc biệt, có thể ta sẽ bắt đầu nghi ngờ con đường mình chọn, hoặc tự hỏi, không biết mình thực hành “có đúng cách” không? 

Trong đa số các lãnh vực học tập thì những đòi hỏi, thắc mắc của ta kể trên rất là chính đáng. Lẽ dĩ nhiên sớm muôn gì chúng ta cũng cần phải nhìn thấy sự tiến bộ của mình, để được khuyến khích và để tiếp tục sự thực tập. Nhưng trong thiền tập thì khác. Dưới ánh mắt của thiền quán, mỗi trạng thái là một trạng thái đặc biệt, mỗi giây phút là một giây phút đặc biệt. 

Khi chúng ta bỏ đi ý muốn có một sự việc nào khác hơn xảy ra trong giây phút hiện tại, là ta đã bước một bước rất dài và rộng để tiếp xúc với thực tại, ngay bây giờ và ở đây. Ví dù ta có muốn đi đến bất cứ một nơi nào, hoặc phát triển theo một lối nào, ta chỉ có thể bắt đầu từ nơi mình đang đứng đây. Và nếu ta không biết rõ mình đang ở đâu – một cái biết chỉ có thể phát sinh trực tiếp từ sự tu tập chánh niệm – chúng ta có thể chỉ đi lòng vòng, dù mình có cố gắng và ước muốn bao nhiêu. Vì vậy trong thiền tập, phương cách hay nhất để đi đến một mục tiêu nào đó là ta hãy hoàn toàn buông bỏ ý muốn cố gắng để đi đến nơi ấy. 

Nếu tâm bạn không bị che mờ bởi những sự việc không cần thiết, thì ngay bây giờ là mùa tốt đẹp nhất của đời bạn. — Wu Men 

Thực tập:Thỉnh thoảng bạn nên tự nhắc nhở rằng chỉ có vậy thôi. Thử xem có bất cứ một vấn đề nào ta không thể áp dụng câu đó không? Bạn nên nhớ rằng, chấp nhận giây phút hiện tại không có nghĩa là ta chịu thua hay đầu hàng những gì xảy ra trước mắt. Nó đơn giản có nghĩa là ta công nhận và ý thức rõ ràng rằng việc gì đang xảy ra, nó thực sự xảy ra. Thái độ chấp nhận không hề chỉ cho bạn biết việc gì cần phải làm. Việc gì sẽ xãy ra kế tiếp, bạn chọn một phản ứng nào, những điều ấy hoàn toàn tùy thuộc vào sự hiểu biết của bạn về giây phút hiện tại này. Bạn nên tập hành động với một ý thức sâu xa rằng, thật ra sự việc chỉ có vậy thôi. Nó có ảnh hưởng gì đến quyết định và phản ứng của bạn không? Bạn có thể suy nghiệm về việc đó một cách chân thành không, bây giờ có thể là mùa tốt đẹp nhất, thời điểm tốt đẹp nhất trong đời bạn? Nếu đó là sự thật thì bạn sẽ làm gì? 

5.- NẮM BẮT HIỆN TẠI: 

Phương pháp hay nhất để nắm bắt hiện tại là chú ý. Ðó cũng là một cách để ta phát triển chánh niệm. Chánh niệm có nghĩa là tỉnh thức. Nó có nghĩa là khi ta ý thức được việc mình đang làm. Nhưng thường thường mỗi khi ta bắt đầu tập trung sự chú ý của mình vào những gì đang có mặt trong tâm, ta lại hay bị rơi trở về thất niệm, đi vào một trạng thái hành xử tự động vô ý thức. Sự rơi trở về thất niệm này đa số phát sinh từ một sự bất mãn với những gì ta thấy hoặc cảm nhận trong giây phút hiện tại, và từ đó ta mong muốn có một sự thay đổi, một cái gì khác hơn. 

Bạn có thể quan sát được thói quen trốn tránh giây phút hiện tại này của tâm rất dễ dàng. Bây giờ bạn hãy thử chú ý vào bất cứ một đối tượng nào đó, trong một thời gian ngắn thôi. Bạn sẽ khám phá ra rằng, muốn duy trì chánh niệm, ta phải liên tiếp đánh thức mình dậy và có ý thức. Chúng ta thực hiện việc đó bằng cách luôn nhắc nhở mình: hãy nhìn, hãy cảm xúc, hãy sống. Chỉ giản dị thế thôi… đánh thức mình dậy trong giây phút này sang giây phút kế, duy trì một chánh niệm trong khoảng thời gian vô tận, có mặt trong bây giờ và ở đây. 

Thực tập: Trong giây phút này, bạn hãy tự hỏi mình: “Tôi có tỉnh thức không? Tâm tôi bây giờ đang ở đâu?”

6.- Ý THỨC VỂ HƠI THỞ 

Chúng ta cần phải có một đối tượng cho sự chú ý của mình, một dây neo để giữ ta lại trong giây phút hiện tại và đưa ta trở về, mỗi khi tâm mình trôi dạt đi khắp nơi. Hơi thở của ta có thể làm nhiệm vụ của chiếc neo ấy. Nó có thể là một đồng minh chân thật của ta. Mỗi khi có ý thức về hơi thở là ta tự nhắc nhở rằng, mình đang sống trong bây giờ và ở đây, vì vậy ta hãy có mặt trọn vẹn với những gì đã và đang xảy ra. 

Bạn biết không, hơi thở có thể giúp ta bắt giữ được giây phút hiện tại. Ðiều lạ lùng là rất nhiều người trong chúng ta không biết đến việc đó. Dù sao hơi thở lúc nào cũng có mặt sờ sờ ở đây, ngay trước mũi ta đó! Chắc các bạn cũng tưởng rằng rồi thế nào một ngày người ta cũng sẽ khám phá ra được công dụng của nó! Chúng ta thường có câu: “Bận đến nổi không có thì giờ để thở”, để chỉ cho ta thấy rằng giây phút này và hơi thở, chúng liên hệ với nhau rất mật thiết. 

Muốn xử dụng hơi thở để tu tập chánh niệm ta chỉ cần tập nhận thức được cảm giác của chúng: cảm giác của hơi thở đi vào thân ta và cảm giác của hơi thở đi ra khỏi thân ta. Tất cả chỉ có vậy thôi. Cảm giác hơi thở của mình. Thở và biết được rằng mình đang thở. Nó không có nghĩa là ta phải cố thở cho sâu, hoặc kiểm soát hơi thở của mình, hoặc cố gắng cảm giác một cái gì đặc biệt, hoặc thắc mắc không biết mình làm có đúng hay không. Và nó cũng không có nghĩa là ta suy nghĩ về hơi thở của mình. Nó chỉ là một ý thức đơn thuần về hơi thở vào và ra của ta mà thôi. 

Sự thực tập chánh niệm không nhất thiết mỗi lần phải kéo dài lâu. Xử dụng hơi thở để mang ta trở về giây phút hiện tại không mất chút thì giờ nào hết, chỉ là một thay đổi nhỏ trong sự chú ý của ta. Nhưng nó sẽ đem lại một khám phá rất lớn, nếu ta biết nối liền những giây phút chánh niệm ấy lại với nhau, từng hơi thở một, từng giây phút một. 

Kabir hỏi: Này con, hãy nói cho ta nghe. Thượng Ðế là gì? 
Ngài là một hơi thở bên trong một hơi thở. 

Thực tập: Hãy có mặt và ý thức trọn vẹn một hơi thở vào của mình, trọn vẹn một hơi thở ra, giữ cho tâm ta được hoàn toàn cởi mở và tự do trong một giây phút này thôi, một hơi thở này thôi. Buông bỏ hết mọi ý niệm về việc sẽ đi đến đâu hoặc mong chờ một cái gì khác xảy ra. Tiếp tục trở về với hơi thở mỗi khi tâm ta suy nghĩ lam man, nối những hạt thời gian chánh niệm lại với nhau thành một xâu chuỗi, từng hơi thở một. Thỉnh thoảng bạn nên thực hành những điều ấy trong khi đọc quyển sách này. 

7.- THỰC TẬP, THỰC TẬP VÀ THỰC TẬP 

Kiên trì thực tập là yếu quyết. Khi bạn bắt đầu quen với hơi thở của mình rồi, bạn sẽ khám phá ra rằng thất niệm có mặt ở khắp mọi nơi. Hơi thở chỉ cho ta thấy, sự thất niệm, vô ý thức, không phải chỉ nằm trong lãnh vực tu tập của ta, mà nó chính là lãnh vực tu tập của ta. Nó còn cho ta thấy, rất nhiều lần là có mặt với hơi thở của mình không phải là một chuyện dễ, cho dù ta có muốn. Có rất nhiều chuyện xảy ra, xen vào lôi ta đi, không cho ta tập trung. Chúng ta thấy được tâm mình đã bị chất chứa quá nhiều qua năm tháng, như một căn nhà kho, đầy những đồ phế thải, vô dụng. Và chỉ cần ý thức được bấy nhiêu thôi, cũng đã là một bước tiến rất xa trên con đường tu tập của ta rồi. 

8.- THỰC TẬP KHÔNG PHẢI LÀ DIỄN TẬP 

Ở đây chúng ta thường dùng chữ thực tập (practice) để diễn tả một công phu trau dồi, phát triển chánh niệm, nhưng ta không nên hiểu theo nghĩa thông thường như là một sự diễn tập (rehearsal), được lập đi lập lại nhiều lần, để sự trình diễn của ta được thuần thục hơn, hoặc sự tranh đua có nhiều thành quả hơn. 

Chánh niệm có nghĩa là ta thực sự sống trọn vẹn trong giây phút hiện tại. Ở đây không có một sự trình diễn nào hết. Chỉ có chính giây phút này thôi. Chúng ta cũng không hề cố gắng cải tiến để đi về đâu cả. Ta không cần chạy theo một tuệ giác hoặc một cảnh tượng đặc biệt nào. Ta cũng không ép buộc mình phải trở nên vô tư, tĩnh lặng hoặc là thanh thản. Và chắc chắn là chúng ta không hề đề cao một thái độ vị kỷ hoặc chỉ biết bận rộn lo nghĩ về mình. Thật ra ta chỉ đơn giản muốn kêu gọi mình tiếp xúc với hiện tại cho thật trọn vẹn, để ta có thể là hiện thân của một sự tĩnh lặng, chánh niệm và điềm tĩnh, ngay bây giờ và ở đây. 

Lẽ dĩ nhiên, khi ta biết kiên trì tu tập và với một sự tinh tấn đúng mức, thì sự tĩnh lặng, chánh niệm và trầm tĩnh sẽ tự nhiên được phát triển và trở nên thâm sâu hơn, nhất là khi ta biết an trú trong sự tĩnh lặng và quan sát nhưng không phê bình hoặc phản ứng. Ðược như vậy, hiểu biết và tuệ giác, an lạc và hạnh phúc, chắc chắn thế nào cũng sẽ đến với ta. Nhưng không phải là ta tu tập với mục đích để đạt được những kinh nghiệm này, hoặc để có thêm chúng nhiều hơn. 

Tinh thần của chánh niệm là thực tập vì thực tập. Chúng ta phải biết tiếp nhận mỗi giây phút như là nó đến – dễ chịu hay khó chịu, tốt hay xấu – và làm việc với nó, vì đó là những gì đang thật sự có mặt ngay bây giờ. Có được thái độ này thì cuộc sống tự nó sẽ trở thành một sự tu tập. Và khi ấy, thay vì ta là người thực hành chánh niệm, chánh niệm sẽ trở lại “thực hành” ta, hay nói một cách khác, sự sống tự nó sẽ trở thành một vị thiền sư, một vị thầy hướng dẫn ta trên con đường tu tập. 

9.- BẠN KHÔNG CẦN PHẢI TÌM KIẾM XA XÔI: 

Hai năm của Henry David Thoreau sống tại hồ Walden quả thật là một kinh nghiệm bản thân rất cá biệt về chánh niệm. Ông đã dám tạm gác lại cuộc đời của mình để được vui thú với sự kỳ diệu và đơn sơ của giây phút hiện tại. Nhưng thật ra bạn không phải làm một hành động gì lập dị, đi tìm một nơi xa xôi hẻo lánh nào đó để tu tâp chánh niệm. Trong cuộc sống hằng ngày, bạn chỉ cần bỏ ra chút thì giờ cho sự thinh lặng và ngừng nghĩ, và chú ý đến hơi thở của mình là đủ lắm rồi. 

Hồ Walden đang có mặt trọn vẹn trong hơi thở của ta. Sự huyền diệu của bốn mùa thay đổi cũng có mặt trong hơi thở; cha mẹ, con cháu ta cũng có mặt trong hơi thở; thân và tâm ta cũng nằm đó trong mỗi hơi thở của mình. Hơi thở là một dòng sông nối liền thân với tâm, nối liền ta lại với tổ tiên và con cháu ta, nối liền thân này với hiện hữu chung quanh. Hơi thở là dòng sông của sự sống. Trong dòng nước mát ấy chỉ có những con cá vàng óng ánh đang bơi lội. Muốn thấy được chúng, ta chỉ cần nhìn qua ống kính của chánh niệm và ý thức. 

Thời gian chỉ là một dòng suối mát mà tôi thường hay đến đi câu. Tôi cúi xuống vóc nước uống. Trong khi uống, tôi nhìn thấy được đáy cát và chợt hiểu rằng lòng suối rất cạn. Dòng nước mỏng manh trượt êm trôi đi, nhưng thời gian vô tận vẫn còn ở lại đó. Tôi sẽ uống cho thật sâu; cá trên bầu trời, mà trong lòng suối lấp lánh những viên đá cuội là các vì sao. 

Trong khoảng thời gian vô tận này, thật ra có một cái gì đó rất là chân thật và nhiệm mầu. Nhưng tất cả những thời gian nơi chốn và hoàn cảnh ấy đều là bây giờ và ở đây. Thượng đế cuối cùng rồi cũng chỉ có thể hiện hữu trong giờ phút hiện tại này, và sẽ không bao giờ thánh thiện hơn, cho dù có trải qua bao nhiêu thời đại đi chăng nữa. — Thoreau, Walden. 

10.- TỈNH THỨC DẬY 

Khi ta bắt đầu nghiêm chỉnh thực hành thiền tập bằng cách bỏ ra chút thì giờ mỗi ngày, việc ấy không có nghĩa là ta sẽ không còn biết suy tính, không thể chạy đây đó, hoặc lo giải quyết công chuyện thường ngày của mình được nữa. Nó chỉ có nghĩa là chúng ta sẽ ý thức được việc mình đang làm, vì ta đã biết dừng lại một chút để nhìn, để lắng nghe và để hiểu. 

Ông Thoreau đã ý thức được điều này rất rõ tại hồ Walden. Trong lời kết thúc, ông viết: “Bình minh chỉ có thể xuất hiện trên những gì ta tỉnh thức dậy”. Nếu chúng ta muốn nắm bắt được thực tại này, trong khi chúng vẫn còn là của ta, ta cần phải tỉnh thức dậy trong giây phút hiện tại. Bằng không, ngày tháng, có khi cả cuộc đời, sẽ lần lượt trôi qua mà ta không hề hay biết. 

Một phương pháp thiết thực để thực hiện được việc ấy là mỗi khi nhìn một người nào, ta nên tự hỏi ta, ta thật sự thấy người đó không, hay đó chỉ là những ý tưởng của ta về họ? Nhiều khi ý nghĩ của ta cũng giống như là một cặp mắt kính mộng tưởng. Khi mang vào rồi, ta chỉ thấy những người chồng mộng tưởng, người vợ mộng tưởng, đứa con mộng tưởng, việc làm mộng tưởng, đồng nghiệp mộng tưởng, bạn bè mộng tưởng… Và rồi chúng ta sống trong hiện tại mộng tưởng, cho một tương lai cũng sẽ là mộng tưởng y như thế. Vô tình chúng ta lại tô mầu và thêu dệt thêm lên mọi việc. Mặc dù những sự việc trong mộng mơ đôi khi cũng biến đổi, và chúng có thể đem lại cho ta những ảo giác sống động như thật, nhưng nó cũng vẫn chỉ là một giấc mộng mà ta đang bị vướng mắc. Nếu ta biết bỏ cặp kính ấy xuống thì có lẽ, tôi nói có lẽ thôi, chúng ta sẽ có thể thấy được chính xác hơn một chút, những gì đang thật sự có mặt. 

Ông Thoreau cảm thấy cần thiết phải tìm đến một nơi hẻo lánh, quạnh quẻ trong một thời gian dài (ông đã sống một mình hai năm hai tháng tại hồ Walden) để thực hiện việc ấy. “Tôi đi vào rừng vì tôi muốn sống một cách có chủ tâm, muốn đối diện với những gì là thật thiết yếu của sự sống, và để xem có thể học hỏi được những gì từ nơi chúng. Tôi không muốn rồi một ngày nào khi tôi chết, lại khám phá ra rằng, tôi chưa từng bao giờ thật sự sống”. 

Niềm tin sâu xa nhất của ông là : “Ảnh hưởng được phẩm chất của một ngày là một nghệ thuật cao thượng nhất… Tôi chưa từng bao giờ gặp được một người nào thật sự là tỉnh thức. Làm sao tôi lại có thể nhìn rõ mặt họ được”. 

Nội tâm của tôi ơi, hãy lắng nghe đây, 
Ðại hồn, một vị thầy đã đến rất kề, 
Tỉnh dậy, hãy tỉnh dậy đi thôi! 
Chạy đến phủ phục bên chân ngài, 
Người đang đứng bên cạnh đầu ngươi đó. 
Ngươi đã ngủ mê hằng triệu triệu năm nay, 
Sao sáng hôm nay người không tỉnh thức dậy. —  Kabir 

Thực tập: Thỉnh thoảng bạn hãy tự hỏi mình: “Bây giờ tôi có thật sự đang tỉnh thức không?” 

11.- GIỮ CHO ÐƠN GIẢN: 

Nếu bạn quyết định bắt đầu thực tập thiền quán, bạn không cần phải đi loan báo với người chung quanh, bạn cũng không cần phải giải thích lý do hoặc lợi ích của sự thiền tập làm gì. Thật ra những việc đó có thể làm hao tán năng lượng còn yếu ớt và lòng nhiệt tình của bạn rất mau chóng, và đôi khi chúng còn ngăn trở sự cố gắng, không cho bạn tập trung những nỗ lực của mình nữa. Phương pháp hay nhất là bạn hãy cứ tu tập mà không cần phải quảng cáo làm gì. 

Những khi bạn cảm thấy có một sự thúc đẩy, muốn nói cho người khác nghe về thiền tập, rằng nó tốt đẹp như thế nào, ảnh hưởng đến bạn ra sao, hoặc muốn thuyết phục người khác là thiền tập cũng sẽ tốt cho họ, bạn hãy xem chúng như là những ý nghĩ và cứ tiếp tục sự tu tập của mình. Hãy để yên, sự thúc dục tạm thời ấy rồi sẽ qua, và mọi người sẽ được lợi lạc – nhất là bạn. 

12.- BẠN KHÔNG THỂ NGĂN ÐƯỢC NHỮNG CƠN SÓNG, NHƯNG BẠN CÓ THỂ TẬP CỠI CHÚNG ÐƯỢC 

Có người quan niệm rằng, thiền tập là một phương pháp giúp ta thoát ra khỏi những áp lực của cuộc sống, cũng như của chính bản tâm ta. Nhưng sự thật những quan điểm ấy không được chính xác cho lắm. Thiền quán không có nghĩa là đi ngăn chận hoặc trốn tránh bất cứ một vấn đề gì. Nó có nghĩa là ta nhìn thấy sự vật một cách rõ ràng, và tự chọn cho mình một mối tương quan khác đối với chúng. 

Những người tìm đến y viện của chúng tôi, họ học được một sự thật này rất mau chóng, là sự mệt mỏi, căng thẳng là một phần tất nhiên của cuộc sống. Mặc dù chúng ta có thể tập lựa chọn khôn ngoan, tránh không để cho vấn đề trở nên tệ hại hơn, nhưng trong đời có biết bao nhiêu việc hoàn toàn nằm ngoài sự kiểm soát của ta. Sự căng thẳng là một phần của sự sống, một phần của con người, là thực chất của thân phận con người. 
Nhưng điều ấy không có nghĩa là chúng ta nhất thiết phải trở thành nạn nhân của những sức mạnh lớn lao ấy trong cuộc sống. Chúng ta có thể học cách làm việc với chúng, tìm hiểu chúng, biết chọn lựa và biết xử dụng những năng lượng ấy, để có thể phát triển trong sức mạnh của từ bi và tuệ giác. Thái độ sẵn sàng chấp nhận và làm việc với bất cứ những gì đang có mặt là trái tim của thiền tập. 

Một cách để hiểu được sự hoạt động của chánh niệm là bạn hãy nghĩ đến tâm mình như một mặt hồ hay mặt đại dương, chúng lúc nào cũng có sóng. Có lúc sóng lớn, có lúc sóng nhỏ, có lúc rất tinh tế. Những làn sóng ấy do gió đến và đi từ muôn hướng, với nhiều cường độ khác nhau, khuấy động lên. Chúng cũng tương tự như những làn gió của sự thay đổi và mệt mỏi trong cuộc đời, khơi động lên những con sóng trong tâm ta. 

Những người không hiểu về thiền quán thường nghĩ rằng thiền là một loại thao tác nội tâm đặc biệt nào đó, có một năng lực thần diệu làm yên hết những làn sóng, giúp mặt hồ tâm được lập tức trở nên bằng phẳng, an bình và tĩnh lặng. Nhưng cũng như chúng ta không thể nào đặt một cái dĩa kiếng lên trên mặt nước để làm yên những làn sóng, chúng ta không thể nào giả tạo đè nén được những làn sóng trong tâm mình. Thật ra việc làm đó cũng không thông minh lắm, vì nó chỉ tạo thêm một sự căng thẳng, xung đột trong nội tâm mà thôi, chứ không phải là sự tĩnh lặng. Nhưng điều ấy không có nghĩa là ta sẽ không bao giờ có thể đạt đến một trạng thái tĩnh lặng. Nó chỉ có nghĩa là ta sẽ không thể thành công bằng những nỗ lực sai lầm, như là đè nén những sinh hoạt tự nhiên của tâm mình. 

Qua sự tu tập thiền quán, chúng ta có thể tìm được cho mình một nơi trú ẩn, tránh được những cơn phong ba làm xáo động hồ tâm. Sau một thời gian, một phần lớn của sự náo động này có lẽ sẽ dần dần lắng yên xuống, vì ta không còn cấp dưỡng cho chúng nữa. Nhưng những cơn gió của cuộc đời, của nội tâm bao giờ cũng vẫn cứ thổi, ta có làm gì cũng vậy thôi. Và thiền tập có nghĩa là ý thức được điều này, để rồi ta có thể đối diện với nó. 

Tinh thần của sự tu tập chánh niệm được biểu lộ vui tươi trong một tấm bích chương có in hình đạo sư Swami Satchitanada bảy mươi mấy tuổi, trong một chiếc áo thụng trắng dài và bộ râu bạc bay phất phới, đứng trên một chiếc ván lướt sóng (surfboard), cỡi trên đầu những ngọn sóng to ở cạnh bờ biển Hạ Uy Di. Bên dưới có in một dòng chữ chú thích: “Bạn không thể ngăn những cơn sóng, nhưng bạn có thể tập cỡi chúng được”. 

13.- AI CŨNG CÓ THỂ THIỀN ÐƯỢC? 

Người ta hỏi tôi câu ấy nhiều nhất. Tôi ngờ người ta hỏi có lẽ vì họ nghĩ rằng, những người khác tập thiền được, chứ họ thì không. Họ muốn được an tâm nghĩ rằng họ không cô đơn, ngoài kia cũng có những hạng người giống như họ, những linh hồn bất hạnh, sanh ra mà không có khả năng thiền tập. Nhưng vấn đề không đơn giản như thế. 

Cho rằng mình không có khả năng thiền tập cũng giống như cho rằng ta không có khả năng thở, tập trung hoặc nghỉ ngơi vậy. Hầu hết mọi người trong chúng ta cũng có thể thở một cách dễ dàng. Và trong tình trạng thích hợp, hầu hết ai cũng có thể tập trung, ai cũng có thể nghỉ ngơì. 

Người ta thường hay lẫn lộn thiền tập với sự nghỉ ngơi hay là một trạng thái đặc biệt nào đó, mà ta cần phải cảm thấy hoặc đạt đến. Và khi ta đã thử một vài lần mà chẳng cảm thấy gì đặc biệt, chúng ta vội vàng cho rằng có lẽ mình là một trong những người không có khả năng thiền tập. 

Nhưng thiền tập không có nghĩa là ta phải có một cảm giác nào đặc biệt. Nó chỉ có nghĩa là thật sự cảm nhận được những gì mình đang cảm nhận trong giờ phút này. Thiền tập cũng không phải là cố gắng làm cho tâm ta trở nên rỗng không hoặc tĩnh lặng, mặc dù trong thiền tập sự tĩnh lặng sẽ được phát triển và trở nên sâu sắc hơn. Trên hết, thiền tập có nghĩa là để cho tâm ta được như nó và ý thức được tướng trạng của nó trong giây phút ấy. Mục tiêu không phải là ta sẽ đi đến bất cứ một nơi nào khác, mà là cho phép mình được an trú ở nơi ta đang có mặt. Không hiểu được điều này, bạn sẽ cho rằng mình không có khả năng thiền tập. Nhưng đó cũng chỉ là ý nghĩ mà thôi và trong trường hợp này, một ý nghĩ hết sức là sai lầm. 

Sự thật, sự tu tập có đòi hỏi một công phu và sự hết lòng của ta. Nhưng nếu vậy chúng ta nên nói rằng: “Tôi không muốn cố gắng tu tập” thay vì là: “Tôi không thể tu tập” thì có đúng hơn không? Bất cứ một người nào cũng đều có thể ngồi xuống và theo dõi hơi thở hoặc tâm ý của mình. Thật ra bạn không cần phải ngồi, bạn có thể thực hành trong khi đi, đứng, nằm, ngồi, chạy bộ, đứng một chân hay trong lúc tắm hoặc gì cũng được. Nhưng duy trì được nó, cho dù chỉ trong năm phút thôi, đòi hỏi một sự chủ tâm. Và nếu bạn muốn nó trở thành một phần của đời sống mình, việc ấy đòi hỏi một số kỷ luật. Thế cho nên, khi người ta bảo rằng họ không thể thiền, điều mà họ thật sự muốn nói là họ không chịu bỏ thì giờ, hoặc khi họ cố gắng thử, lại không thích những gì xảy ra. Chúng đã không là những gì họ tìm kiếm hoặc không thoả mãn được những ước vọng của họ. Nếu bạn là một trong những số người ấy, có lẽ bạn nên thử cố gắng một lần nữa xem sao, nhưng lần này bạn hãy buông bỏ hết những ước vọng đi và chỉ việc theo dõi những gì xảy ra mà thôi. 

14.- LỢI ÍCH CỦA VÔ HÀNH 

Khi bạn ngồi xuống thiền, dù chỉ trong chốc lát, đó sẽ là một thời gian của vô hành (non-doing). Ðiều quan trọng là bạn đừng nên nghĩ rằng vô hành đồng nghĩa với không làm gì hết. Thật ra hai việc ấy rất khác biệt. Vấn đề là ta có ý thức và có một tác ý hay không. Ðó là cây chìa khoá. 

Bề ngoài chúng ta thấy dường như có hai loại vô minh: một loại là không làm những hành động có tánh cách hướng ngoại và một loại là những hành động nào không có sự dụng công. Nhưng cuối cùng ta sẽ nhận thấy rằng cả hai chỉ là một. Cái kinh nghiệm nội tâm mới thật sự quan trọng. Thiền tập gồm có một sự cố gắng tạo cho mình những giây phút dừng lại hết mọi hành động hướng ngoại và phát triển một sự tĩnh lặng, lúc ấy ta không có một mục đích nào khác hơn là sống trọn vẹn trong giây phút hiện tại. Không làm gì hết. Và có lẽ những giây phút vô hành ấy sẽ là một món quà quý báu nhất mà ta có thể tự ban cho mình. 

Ông Thoreau thường hay ngồi một mình trước hiên nhà hằng giờ để nhìn và lắng nghe, khi mặt trời đi ngang qua bầu trời, khi ánh sáng và bóng tối biến đổi, hoà nhập vào nhau một cách thật kỳ diệu. 

Có những lúc tôi không thể nào hy sinh giờ phút hiện tại nhiệm mầu này cho bất cứ một việc làm nào khác. Dù cho đó là việc làm của chân tay hay của tâm trí cũng vậy. Tôi thấy yêu quý khoảng không gian thênh thang của cuộc sống mình. Có những buổi sáng mùa Hạ, sau khi tắm rửa xong, tôi ra ngồi ngoài hiên nhà từ sáng cho đến trưa, miệt mài vui sống giữa thiên nhiên, với những cây thông, cây bồ đào, cây thù du, trong một không gian tĩnh mịch và vắng lặng, có những con chim ca hát líu lo, thỉnh thoảng lại bay lượn vào nhà trong, cho đến khi ánh nắng hoàng hôn vàng vọt rọi vào cửa sổ phía Tây, hay âm thanh của những chiếc xe ngựa của vài người lữ hành từ ngoài xa vang vọng vào, tôi mới giật mình sực nhớ đến thời gian trôi qua. Tôi lớn lên theo những tiết mùa đến rồi đi, như một cây bắp lớn lên trong đêm, công trình ấy có giá trị hơn bất cứ một việc gì ta có thể thực hiện được bằng tay chân. Thời gian qua không phải là những giây phút mất đi trong đời tôi mà ngược lại, nó còn quý giá hơn những giờ phút bình thường khác. Bây giờ tôi mới hiểu được sự thâm thúy của người phương Ðông, khi họ nói về sự lặng yên, chú ý và buông bỏ. Cuộc sống ở đây, phần nhiều tôi không hề chú ý đến thời gian trôi qua bằng cách nào? Một ngày đến dường như chỉ để giúp tôi sống sự sống của mình. Khi nãy là buổi sáng và bây giờ trời đã chiều, tôi chẳng có thành tựu được một việc nào đáng kể hết. Nhưng thay vì ca hát như những con chim, tôi im lặng mỉm cười với sự may mắn vô tận của mình. Cũng như con chim sẻ đang đứng trên một nhánh cây bồ đào ngoài cửa hát líu lo, tôi cũng có những tiếng cười thầm nho nhỏ cố nén lại trong cái tổ ấm của mình, mà không chừng con chim sẻ ấy đã nghe thấy rồi. — Thoreau, Walden 

Thực tập: Hãy nhận thức sự tươi mới của giây phút hiện tại trong giờ thiền tập hằng ngày của bạn, nếu bạn có thực tập. Nếu buổi sáng bạn dậy sớm, hãy đi ra ngoài nhìn những vì sao, nhìn ánh trăng, nhìn những tia nắng bình minh đầu tiên của một ngày xuất hiện (một cái nhìn có ý thức, có chánh niệm, vững chãi). Hãy cảm giác bầu không khí chung quanh, lạnh, ấm (một cảm nhận có ý thức, có chánh niệm, vững vàng). Ý thức được rằng thế giới chung quanh ta còn đang say ngủ. Bạn nên nhớ rằng, những ngôi sao bạn đang nhìn chỉ là bóng dáng của chúng hàng triệu năm về trước. Quá khứ đang có mặt trong bây giờ và ở đây.

Sau đó bạn hãy đi, ngồi, hoặc nằm xuống thiền. Hãy để cho thời gian này hay bất cứ giờ phút thực tập nào khác là giờ phút bạn đang buông bỏ hết mọi hành động, chuyển sang một trạng thái thực sự sống, lúc này ta an trú trong chánh niệm và tĩnh lặng, ý thức được sự khai mở của giây phút hiện tại trong từng giây phút, không thêm bớt và khẳng định với mình rằng: “Chỉ có vậy thôi”. 

15.- SỰ MÂU THUẪN CỦA VÔ HÀNH 

Người Tây phương rất khó có thể lãnh hội được mùi vị cũng như niềm vui của vô hành, vì nền văn hóa của họ quá coi trọng hành động và sự tiến bộ. Ngay cả thời gian nhàn rỗi của họ cũng có khuynh hướng bận rộn và thiếu ý thức. Niềm vui của vô hành là nó không cần phải có bất cứ một việc nào khác xảy ra, thì giây phút này mới được trọn vẹn. 

Khi ông Thoreau nói: “Khi nãy là buổi sáng và bây giờ trời đã chiều, tôi chẳng có thành tựu được một việc nào đáng kể hết”, việc đó cũng giống như một tấm vải đỏ phất trước mặt một con bò mộng, của những người quen xông xáo, ham phát triển. Nhưng làm sao ta có thể biết rằng, buổi sáng của ông ngồi trước cửa nhà lại không đáng nhớ hoặc có phẩm chất bằng cuộc sống xô bồ, bận rộn, mà trong đó ta không biết gì đến niềm vui của sự tĩnh lặng, và tươi mới của giây phút hiện tại này? 

Ông Thoreau đã hát lên một bài ca cần được nghe trong khi đó, cũng như trong lúc này. Cho đến ngày hôm nay, ông ta vẫn tiếp tục chỉ cho chúng ta, những ai muốn lắng nghe, sự quan trọng sâu xa của việc trầm tư cũng như một thái độ vô trước (non-attachment), không dính mắc vào bất cứ một kết quả nào, trừ niềm vui thuần túy của sự sống. Và bạn biết không, điều ấy “có giá trị hơn bất cứ một việc gì mà ta có thể thực hiện được bằng tay chân”. Quan điểm ấy làm tôi nhớ đến lời của một thiền sư ngày trước: “Ô hô! Bốn mươi năm trời ta ngồi bán nước bên cạnh bờ sông, té ra công lao của ta chẳng có một ích lợi nào hết”. 

Bạn thấy không, nó sặc mùi mâu thuẫn. Chỉ có mỗi một cách có thể giúp cho hành động của ta được giá trị là cố gắng bằng một thái độ vô hành, và không chấp trước vào kết quả của nó. Còn bằng không, sự vướng mắc và lòng tham sẽ len lỏi vào, làm hư hỏng mối tương quan của ta với công việc, hay chính công việc ấy. Từ đó, nó sẽ trở nên lạc hướng, bị thiên kiến, ô uế và cuối cùng không đem lại cho ta được một niềm vui trọn vẹn, cho dù kết quả có tốt đẹp đến đâu. Bất cứ một khoa học gia nào cũng biết rõ trạng thái này của tâm và cố gắng ngăn ngừa nó, vì nó có thể làm trở ngại tiến trình sáng tạo và bóp méo khả năng nhìn thấy được những mối liên hệ của họ. 

16.- SỰ BIẾN HÓA CỦA VÔ HÀNH 

Vô hành có thể phát xuất từ hành động cũng như từ sự tĩnh lặng. Nội tâm tĩnh lặng của thiền giả có thể hòa nhập với những hoạt động bên ngoài, tới mức như là hành động tự nó biểu lộ lấy. Chúng là những hoạt động không cần dụng sức. Ở đó ta không thấy có một nghị lực nào, không có một tiểu tâm của cái Tôi nhỏ bé nào để nhận dành kết quả. Nhưng không vì vậy mà ta bỏ sót bất cứ một việc gì, dù nhỏ nhoi đến đâu. Vô hành là nền tảng của sự tinh thông trong bất cứ một lãnh vực nào của hành động. Thiên Dưỡng Sinh Chủ trong Nam Hoa Kinh có ghi lại một câu chuyện như sau: 

Bào Ðinh mổ bò cho Văn Huệ Quân. 

Lúc ra thịt, điệu bộ của tay động, của vai đưa, của chân đạp, của gối chạm, tiếng da xương lìa nhau, tiếng dao cạo cắt đều trúng cung bực, hợp với điệu múa Tang Lâm, với bài nhạc Kinh Thủ. 

Văn Huệ Quân nói: “Hay thật! Nghệ thuật đến đó là cùng!” 

Bào Ðinh buông dao, thưa rằng: “Chỗ ưa thích của thần là đạo. Ban sơ, lúc ra thịt một con bò, chỗ mà thần chỉ có thấy mà thôi, là con bò. Về sau ba năm, thần không còn thấy con bò nữa. Bấy giờ thần không dùng con mắt để nhìn mà dùng cái “thần” để xem; ngũ quan dừng lại mà “thần” thì muốn đi, nương theo thiên lý. Tách các gân lớn, lùa các khớp xương, nhân chỗ cố nhiên của nó mà cắt. Bắp thịt còn không xắt qua, huống chi là khớp xương to. Người bếp bình thường mỗi tháng thay dao một lần, vì họ chặt. Nay con dao của thần dùng đã mười chín năm; số bò đã mổ có trên nghìn con, vậy mà dao như mới mài xong. Các khớp xương kia có kẽ hở mà lưỡi dao này thì mỏng. Lấy bề mỏng của con dao đưa vào chỗ kẽ hở, thì rộng có thừa. Vì vậy lưỡi dao đã dùng mười chín năm nay vẫn còn sắc như mới mài. Tuy vậy, mỗi khi gặp chỗ gân xương sát nhau cảm thấy khó làm, thần nhìn kỹ, hành động chậm lại; con dao cử động một cách rất nhẹ nhàng, thế mà thịt lại đứt và rớt xuống như bùn rơi xuống đất. Bây giờ thần cầm con dao đứng yên, ngoảnh nhìn bốn phía, đắc ý vì được con dao tốt, rồi đem cất nó đi”. 

Văn Huệ Quân nói: “Hay biết chừng nào! Ta nghe lời nói của Bào Ðinh mà hiểu được đạo dưỡng sinh!” 

17.- THỰC HIỆN VÔ HÀNH 

Vô hành không dính líu gì đến thái độ làm biếng và thụ động. Mà còn ngược lại như thế! Vô hành đòi hỏi ở ta một lòng can đảm và năng lượng lớn mới có thể phát triển nổi, trong tĩnh lặng cũng như giữa những sinh hoạt của đời sống. Tự tạo cho mình một thời gian đặc biệt để thực hiện vô hành, và duy trì nó trong cuộc sống bận rộn hàng ngày, việc ấy không phải dễ. 

Nhưng chúng ta cũng đừng bao giờ để cho sự vô hành đe dọa những ai cảm thấy rằng họ lúc nào cũng cần phải làm việc, phải hoạt động. Những hạng người ấy đôi khi khám phá ra rằng, thái độ vô hành còn giúp cho họ làm được nhiều việc hơn, đạt được kết quả tốt đẹp hơn! Vì vô hành chỉ có nghĩa là hãy để cho sự việc như là và cho phép chúng tự khai triển theo đường lối của chúng. Bạn cũng vẫn có thể dụng công nhiều nếu muốn, nhưng đó sẽ là một sự dụng công khéo léo, có ý thức, một “hành động không có người hành”. Sự tu tập ấy sẽ là suốt cuộc đời của ta. 

Bạn có thể thấy những hành động không dụng sức này trong các buổi biểu diễn những điệu vũ ở môn thể thao, vào một trình độ cao nhất. Ðược nhìn những hành động vô hành ấy, có thể làm cho chúng ta nín thở! Nhưng điều ấy cũng có thể xảy ra ở nhiều lãnh vực khác nhau trong sinh hoạt hàng ngày của ta nữa, từ hội họa, sửa xe cho đến dạy dỗ con cái. Với nhiều năm kinh nghiệm thực tập chúng ta có thể phát triển được một khả năng mới, cho phép hành động của ta khai triển vượt ra ngoài mọi kỷ thuật, mọi nỗ lực, mọi suy tính. Và khi ấy hành động của ta sẽ trở thành một sự diễn đạt thuần túy của nghệ thuật, của sự sống, của sự buông bỏ hết mọi cố gắng – một sự chuyển động hòa hợp của thân tâm. Mỗi khi nhìn một biểu diễn siêu việt nào của một nhà thể thao hoặc một nghệ sĩ, chúng ta thường cảm thấy rung động và xao xuyến, vì nó cho phép ta tham dự vào sự kỳ diệu ấy, cũng như cảm thấy nâng cao tinh thần, dù chỉ trong một giây phút. Và có lẽ nó còn nhắc nhở rằng, mỗi người trong chúng ta, tùy theo một cách riêng, đều có thể tiếp xúc được với những giây phút nhiệm mầu ấy trong sự sống của chính mình. 

Ông Thoreau nói: “Ảnh hưởng được phẩm chất của một ngày, đó mới là nghệ thuật cao thượng nhất”. Martha Graham, nói về nghệ thuật vũ, diễn tả như sau: “Cái quan trọng nhất là giây phút này đây trong toàn cử động. Hãy làm cho giây phút ấy có sinh khí và đáng sống. Ðừng bao giờ để nó trôi qua không hay biết và không xử dụng đến”. 

Không thiền sư nào còn có thể diễn đạt chân thật hơn. Ðây là một nghề chúng ta cần phải kiên trì học hỏi, và bao giờ cũng biết rằng nó là công trình của cả một đời. Vì thái độ hành động, làm một việc gì đã ăn sâu vào gốc rễ của chúng ta, nên dĩ nhiên muốn thực tập vô hành sẽ đòi hỏi một nỗ lực rất lớn. 

Thiền quán đồng nghĩa với thực tập vô hành. Chúng ta tu tập không phải vì muốn cho sự việc được trở nên hoàn hảo hơn, hoặc muốn hành động của ta được tốt đẹp hơn. Chúng ta thực tập là để nắm bắt và ý thức được sự thật là mỗi việc tự chính nó như vậy đã là hoàn mỹ rồi. Vì vậy, ta hãy giữ sự trọn vẹn của giây phút hiện tại này, mà không áp đặt lên đó bất cứ một sự dư thừa nào khác, và nhận thức được sự tươi mới của tiềm năng làm phát khởi giây phút kế tiếp của nó. Một khi ta biết những gì mình biết, thấy những gì mình thấy, và ý thức được những gì mình không biết, chúng ta sẽ có thể hành động, xử sự, tiến tới, dừng lại, hoặc biết nắm lấy cơ hội một cách tự tại. Ðôi khi người ta ví đó như là một dòng nước chảy, giây phút này nhẹ nhàng thong thả lướt trôi sang giây phút kế, không chút nỗ lực và được nâng niu, ôm ấp bởi lòng sông chánh niệm. 

Thực tập:Trong một ngày thử xem bạn có thể ý thức được sự tươi mới của giây phút hiện tại này không, trong mỗi khoảnh khắc – trong giây phút bình thường, trong giây phút khó khăn, và luôn cả những giây phút “chính giữa”. Tập cho phép những sự việc trong cuộc sống được khai mở tự nhiên, không ép buộc và cũng đừng ghét bỏ những gì không xảy ra đúng như sự mong cầu của ta. Thử xem bạn có thể cảm nhận được những “chỗ hở”, nơi bạn có thể di động mà không cần dụng công, như người mổ bò của Trang Tử không? Hãy biết rằng, nếu bạn có thể dành ra một chút thời giờ vào buổi sáng sớm để thật sự sống, không cần chương trình, điều ấy sẽ ảnh hưởng đến phẩm chất của trọn một ngày. Khi ta biết khẳng định trước cái gì là chủ yếu của sự sống, ta sẽ có khả năng cảm nhận, thưởng thức và đáp ứng với sự mới mẻ của mỗi giây mỗi phút hơn.

18.- KIÊN NHẪN 

Có những thái độ và đức tánh đặc biệt có khả năng hỗ trợ cho sự tu tập của ta, và tạo nên một mảnh đất phì nhiêu cho hạt giống chánh niệm đơm bông kết trái. Khi ta khai phát những phẩm tính này, là ta đang thực sự canh tác mảnh đất tâm để nó có thể trở thành một nguồn mạch của từ bi, trí tuệ và những hành động chân chính trong cuộc sống. 

Những đức tính nội tâm có khả năng bảo trợ sự thiền tập của ta, không thể nào bị áp đặt, ép buộc hoặc tuân theo như một đạo luật. Chúng chỉ có thể được nuôi dưỡng và phát triển mà thôi. Và việc ấy chỉ xảy ra khi nào ta đạt đến một giai đoạn mà ta thôi không còn muốn đóng góp vào khổ đau, cũng như sự bối rối của chính mình, và có lẽ là của kẻ khác nữa. Chung quy nó có nghĩa là hành động sao cho có luân lý, đạo đức – và đối với nhiều người, đây có thể là một ý niệm rất nguy hại. 

Có một lần tôi nghe trên máy phát thanh, một người nào đó định nghĩa luân lý như là “sự phục tùng theo những điều không ai bắt buộc được”. Cũng hay đó chứ! Bạn làm vì một lý do nội tại, chứ không phải vì ai đó kiểm soát bạn, hoặc vì bạn sẽ bị trừng phạt nếu không tuân theo, hay bị bắt gặp. Bạn hành động theo lương tri của chính mình. Nó là một tiếng nói sâu xa phát xuất từ trong ta, cũng tương tự như một mảnh đất tâm đang được vun xới cho sự trồng trọt chánh niệm. Bạn sẽ không thể nào có được sự hòa hợp nếu bạn không tuân theo những hành động đạo đức. Chúng cũng như là những hàng rào ngăn chận không cho các con dê vào ăn hết những mầm non trong vườn của bạn. 

Tôi thấy một trong những đức tính đạo đức căn bản này là sự kiên nhẫn. Nếu bạn nuôi dưỡng đức kiên nhẫn, thì nhất định bạn sẽ nuôi dưỡng chánh niệm, và sự thiền tập của bạn cũng sẽ từ đó dần dà trở nên thâm sâu hơn và già dặn hơn. Dù sao đi nữa, trong giây phút hiện tại này, nếu bạn thật sự không cố gắng đi về đâu hết, kiên nhẫn sẽ tự lo liệu lấy chính nó. Ðức kiên nhẫn nhắc nhở với ta rằng sự việc sẽ khai triển theo đúng thời điểm của nó. Ta không bao giờ có thể hối thúc bốn mùa được. Xuân đến thì cỏ xanh lại mọc. Sự vội vã thường không ích lợi gì cho ai, mà nhiều khi lại còn gây nên nhiều khổ đau – cho chính ta, đôi khi là cho những người sống quanh ta. 

Kiên nhẫn lúc nào cũng là một liều thuốc chữa cho căn bệnh bất an, bồn chồn và nóng nảy. Nếu bạn nhìn xuyên qua mặt ngoài của sự bất an, bạn sẽ thấy được nằm bên dưới, dù có tinh tế hay không, là một sự nóng giận. Ðó là một loại năng lượng mạnh phát xuất từ việc không muốn thực tại như nó là, và ta đổ lỗi ấy cho một người nào đó (thường là tự trách mình), hoặc một vật nào đó. Nhưng kiên nhẫn cũng không có nghĩa là ta sẽ không còn có thể vội vã được nữa, những lúc cần thiết. Thật ra ta vẫn có thể vội vã một cách kiên trì, trong chánh niệm và hành động mau mắn, vì ta chọn như thế. 

Dưới cái nhìn của kiên nhẫn, thì cái này xảy ra vì cái kia xảy ra. Không có bất cứ một sự việc nào có thể tồn tại riêng rẽ hay biệt lập. Không có một nguyên nhân gốc rễ nào là tuyệt đối, cuối cùng, hoặc chịu trách nhiệm hoàn toàn hết. Giả sử có một người nào đó dùng cây đánh bạn một cái, bạn sẽ không nổi giận với cây gậy hoặc cánh tay ấy, mà là bạn tức giận với người có cánh tay đó. Nhưng nếu bạn nhìn sâu hơn một chút, bạn sẽ không thể nào tìm thấy một nguyên nhân thỏa đáng cho cơn giận của mình, cho dù ở nơi người kia, vì sự thật anh ta không hề có ý thức về hành động của mình, cho nên chỉ mù quáng trong lúc đó mà thôi. Vậy thì chúng ta nên đổ lỗi và trừng phạt ai đây? Có lẽ ta nên trút cơn giận của mình lên cha mẹ của người ấy chăng, vì có thể anh ta đã phải chịu sự hành hạ của họ lúc còn bé thơ? Hay là ta nên trách cứ thế giới này vì đã không có tình thương? Nhưng thế giới này là gì đây? Có phải chăng trong đó có cả bạn và tôi? Bạn có bao giờ nhận thấy rằng mình cũng có những cơn giận như thế không, và trong một vài trường hợp nó có những khuynh hướng rất bạo động, đôi khi có thể là giết người được? 

Ðức Ðạt Lai Lạt Ma không hề biểu lộ sự tức giận đối với người Trung Hoa, mặc dù trong nhiều năm qua chính sách của chánh quyền Trung Hoa là muốn diệt chủng dân tộc Tây Tạng của ông. Họ cố gắng đồng hóa những tín ngưỡng, văn hóa, tục lệ, tất cả những gì mà người Tây Tạng yêu quý nhất, và muốn thâu gồm luôn mảnh đất thân yêu mà họ đang sinh sống. Khi lên lãnh giải thưởng thế giới Nobel về hòa bình, trả lời cho một ký giả hỏi rằng vì sao ngài không thù ghét người Trung Hoa, đức Ðạt Lai Lạt Ma đáp: “Họ đã cướp hết tất cả những gì chúng tôi có, không lẽ tôi lại để cho họ lấy luôn sự an lạc của mình hay sao?” 

Thái độ ấy tự nó là một biểu lộ rất đặc thù của hòa bình – niềm an lạc trong nội tâm, ý thức được những gì thật sự là chính yếu – và sự an lạc bên ngoài, hiện thân của tuệ giác ấy trong sự sống và hành động. An lạc và thái độ sẵn lòng kiên nhẫn trước một sự khiêu khích và khổ đau to tát như thế, chỉ có thể phát xuất ở một tâm từ bao la, một tình thương không chỉ giới hạn cho những người thân, mà cho luôn cả những ai, vì si mê, đã gây cho ta và những người ta yêu nhiều khổ đau. 

Mức độ vô ngã của tâm từ dựa trên những gì mà đức Phật gọi là chánh niệm và chánh kiến. Nhưng việc ấy không phải tự nhiên mà có. Nó cần phải được tu tập và khai triển. Bạn nên nhớ rằng, không phải tánh giận sẽ không bao giờ khởi lên nữa, nhưng ta có thể xử dụng nó, kiểm soát nó, và dùng năng lượng ấy để nuôi dưỡng cho tính kiên nhẫn, từ bi, hòa hài và tuệ giác trong ta, và còn có lẽ trong kẻ khác nữa. 

Trong thiền tập, chúng ta phát triển tánh kiên nhẫn mỗi khi ta dừng lại và ngồi xuống theo dõi hơi thở của mình. Và hành động ấy sẽ mời gọi ta biết cởi mở hơn, biết tiếp xúc hơn, kiên nhẫn hơn với giây phút hiện tại, và giây phút này tự nhiên sẽ kéo dài sang những thời gian khác trong cuộc sống. Chúng ta ý thức được rằng, mọi việc sẽ khai mở theo đúng tự tánh của nó. Vì vậy ta cũng phải biết cho phép sự sống của mình khai mở theo cùng một lối ấy. Ta không cần phải để cho những lo âu và tham muốn về một tương lai nào đó thống trị phẩm chất của giây phút hiện tại này, cho dù thực tại có là khổ đau chăng nữa. Khi nào ta cần phải xô đẩy, hãy cứ xô đẩy. Khi nào ta cần phải lôi kéo, hãy cứ lôi kéo. Nhưng chúng ta cũng biết khi nào mình không cần phải xô đẩy, và khi nào không cần phải lôi kéo. 

Chung quy là chúng ta cố gắng đem lại sự quân bình cho giây phút hiện tại, biết rằng tuệ giác nằm trong sự kiên nhẫn, biết rằng những gì sắp đến sẽ được định doạt bởi con người của ta trong giờ phút hiện tại này. Nhớ được những điều ấy sẽ giúp ích cho ta rất nhiều, nhất là những khi ta cảm thấy bất an trong sự tu tập của mình, hoặc khi ta trở nên nản lòng, buồn chán và tức giận trong cuộc sống. 

Thục năng trọc dĩ chỉ,
Tĩnh chi từ thanh.
Thục dĩ an dĩ cửu,
Ðộng chi từ sanh. 

Ai hay nhờ tịnh mà đục hóa trong, 
Ai hay nhờ động mà đứng lại đi. 
Lão Tử, Ðạo Ðức Kinh. 

Tôi hiện hữu như vậy đủ rồi, 
Dù không một ai khác biết. 
Tôi vẫn ngồi đây mãn nguyện, 
Và dù mọi người ai cũng biết.
Tôi vẫn ngồi đây mãn nguyện, 
Có một thế giới đang biết, và đối với tôi. 
Nó vĩ đại vô cùng, vì đó là Tôi, 
Và dù tôi có trở về với chính mình. 
Ngày hôm nay, 
Hay trong ngàn, triệu năm đi qua, 
Tôi sẽ hân hoan nhận lãnh nó bây giờ. 
Và với cùng một niềm vui, 
Vì tôi có thể đợi chờ. — Walt Whitman, Leaves of Grass. 

Thực tập: Hãy quan sát sự bất an và giận dữ mỗi khi chúng khởi lên. Bạn hãy thử tập một cái nhìn mới, thấy được rằng sự việc sẽ khai mở theo đúng thời điểm của nó. Việc này rất hữu ích, nhất là những khi bạn cảm thấy căng thẳng, kẹt lối hoặc bối rối trong công việc bạn cần làm hay muốn làm. Biết rằng khó, nhưng bạn cố gắng đừng thúc dục dòng sông trong lúc ấy, mà nên lắng nghe nó cho thật cẩn trọng. Nó muốn nói gì với bạn? Nó khuyên bạn phải làm gì? Nếu không cảm thấy gì hết, bạn hãy tiếp tục thở trong chánh niệm, để cho sự việc như chúng là, buông hết cho sự kiên nhẫn và tiếp tục lắng nghe. Nếu dòng sông khuyên bạn làm gì, bạn hãy thi hành, nhưng phải nhớ là làm trong chánh niệm. Rồi sau đó, dừng lại, kiên nhẫn chờ đợi và lại lắng nghe. 

19.- BUÔNG BỎ 

“Buông bỏ” là một thành ngữ vô cùng sáo rỗng, đã được xử dụng nhiều nhất trong kỷ nguyên thời đại mới (new age). Nó bị lợi dụng và lạm dụng mỗi ngày. Nhưng tuy vậy, danh từ ấy diễn tả một thái độ nội tâm rất dũng mãnh, đáng cho ta tìm hiểu dù có là sáo rỗng hay không! 

Buông bỏ có nghĩa y như vậy, là bảo ta thôi bám víu vào bất cứ một sự việc gì – cho dù đó là một ý tưởng, một vật, một sự kiện, một thời điểm, một quan niệm, hoặc một tham muốn nào đó. Buông bỏ là một quyết định có ý thức, với sự chấp nhận hoàn toàn hòa nhập vào dòng sông hiện tại trong khi hiện hữu đang khai mở. Buông bỏ có nghĩa là thôi ép buộc, thôi chống cự hoặc tranh đấu, để đổi lấy một cái gì cường mạnh hơn và trọn vẹn hơn. Nó phát sinh từ một sự cho phép mọi việc có mặt như chúng là, mà không bị mắc kẹt vào bản chất dính như keo của lòng tham muốn, của thương và ghét. Hành động ấy cũng tương tự như là ta mở rộng bàn tay ra, buông bỏ một vật gì mà mình hằng mãi mê nắm giữ. 

Nhưng thật ra không phải sự dính mắc của lòng tham vào ngoại vật đã giam giữ ta. Cũng không phải chúng ta chỉ nắm giữ bằng đôi tay, chúng ta còn nắm bắt bằng tâm ý của mình nữa. Chúng ta tự bắt giữ mình, tự giam hãm mình bằng những quan điểm nhỏ hẹp, bằng những hy vọng và mơ ước nhỏ nhen. Thật ra buông bỏ có nghĩa là ta được trở nên trong sáng, không để bị ảnh hưởng bởi sự lôi cuốn của lòng ưa thích và ghét bỏ. Muốn đạt được sự trong sáng đó, ta cần phải biết cho phép sự sợ hãi và bất an của tự chúng biểu lộ ra dưới ánh sáng quán chiếu của chánh niệm. 

Chúng ta chỉ có thể thực sự buông bỏ khi nào ta biết đem chánh niệm và sự chấp nhận, nhìn thẳng vào thực chất vô cùng dính mắc của mình. Và nếu ta biết ý thức được những lúc ta vô tình mang lên một cặp mắt kính màu, đi phân chia chủ thể và đối tượng, làm cong quẹo và uốn éo cái thấy của ta. Trong những lúc ấy, ta vẫn có một khả năng cởi mở, nhất là nếu ta có chánh niệm thấy được mình đang mãi mê theo đuổi, bám víu, buộc tội hoặc chối bỏ sự việc vì một lợi lộc riêng tư nào đó. 

Sự tĩnh lặng, minh triết, tuệ giác chỉ có thể phát sinh khi ta thật sự an trú trong giờ phút hiện tại, mà không bám víu hoặc xua đuổi bất cứ một việc gì. Ðiều tôi nói đó bạn có thể thí nghiệm được. Hãy cứ thử đi cho biết! Bạn hãy thử chứng nghiệm đi, xem mỗi khi ta buông bỏ một cái gì mà mình rất ưa thích, nó có đem lại cho ta một sự mãn nguyện sâu xa hơn là sự bám víu vào nó hay không! 

20.- KHÔNG PHÊ PHÁN 

Bạn không cần phải hành thiền lâu dài mới nhận ra rằng, một phần của tâm ta lúc nào cũng đánh giá những kinh nghiệm của mình, so sánh chúng với kinh nghiệm của kẻ khác, hoặc so đọ với những kỳ vọng và tiêu chuẩn mà ta đã tự đặt ra. Nguyên nhân thường là vì những nỗi sợ của mình. Sợ rằng mình không xứng đáng, rằng sẽ có việc không may xảy ra, rằng những gì tốt đẹp không tồn tại lâu, rằng người khác sẽ làm mình khổ đau, rằng ta không đạt được những gì mình muốn, rằng chỉ có ta mới là người biết, rằng chỉ có mình ta là không biết gì hết. Chúng ta có khuynh hướng nhìn sự vật qua một cặp kính màu: sự việc tốt hoặc xấu, hoặc chúng có phù hợp với niềm tin và triết lý của mình không. Nếu tốt thì ta ưa thích, nếu xấu thì ta ghét bỏ. Và nếu không tốt cũng không xấu, thì ta không có một cảm xúc nào đặc biệt hết, và có lẽ cũng chẳng thèm để ý đến. 

Khi ta an trú trong tĩnh lặng, những tư tưởng phê phán trong ta sẽ phát hiện ra rõ rệt như là những tiếng còi báo hiệu sương mù ở ven biển. Tôi không ưa cái đau ở chân… Cái này chán quá… Tôi thích cảm giác tĩnh lặng này… Hôm qua tôi ngồi thiền thật tốt, nhưng hôm nay thì tệ quá… Cái này không hợp với tôi… Tôi không giỏi ngồi thiền cho lắm… Thật ra tôi không giỏi chút nào hết… Những loại tư tưởng này đã từng chế ngự và trì kéo tâm ta xuống. Nó cũng tương tự như ta đang đội một thúng đá trên đầu vậy. Bạn nghĩ xem, nếu ta có thể bỏ nó xuống thì sung sướng biết chừng nào! Và bạn hãy tưởng tượng, nếu chúng ta biết dừng sự phê phán của mình lại, và để cho mỗi giây phút được như nó là, không cần phán đoán nó là “tốt” hoặc “xấu”, ta sẽ cảm thấy như thế nào! Ðó mới thật sự là tĩnh lặng, là chân giải thoát. 

Thiền tập có nghĩa là nuôi dưỡng và phát triển một thái độ không phê phán những gì đang khởi lên trong tâm, bất cứ là một sự việc gì. Thiếu thái độ ấy không có nghĩa là sự phê phán không còn nữa. Lẽ dĩ nhiên nó sẽ vẫn còn đó, vì bản tánh của tâm ý là hay so sánh, phê phán và đánh giá. Nhưng khi nó có mặt, ta sẽ không cố gắng ngăn chận hoặc làm lơ nó, hơn bất cứ một tư tưởng nào khác có mặt trong tâm mình. 

Con đường của thiền tập là chỉ đơn giản chứng kiến bất cứ một sự việc gì khởi lên trong tâm và thân, nhận diện nó bằng một tâm bình thản, không theo đuổi cũng không ghét bỏ. Ta cũng ý thức được rằng, sự phán đoán của ta không thể nào tránh được, và ý tưởng về kinh nghiệm thì rất giới hạn. Ðiều ta muốn có được trong thiền tập là tiếp xúc trực tiếp với kinh nghiệm của mình. Cho dù đó là một hơi thở vào, hơi thở ra, một cảm giác hoặc cảm thọ, một âm thanh, một sự thôi thúc, một tư tưởng, một ý niệm, hoặc một ý nghĩ phê phán. Và ta luôn luôn tỉnh thức, biết rằng mình rất có thể bị kẹt vào việc đi phê phán chính sự phê phán ấy, hoặc dán cho chúng nhản hiệu là tốt hay xấu. 

Trong khi ý nghĩ của ta hay tô màu lên mọi kinh nghiệm, những ý nghĩ ấy lại thường không được mấy chính xác. Lắm khi chúng chỉ là ý kiến cá nhân, là những phản ứng và thiên kiến dựa trên một kiến thức giới hạn và chịu nhiều ảnh hưởng bởi những điều kiện trong quá khứ. Bao giờ cũng vậy, khi không nhận thức được chúng, những tư tưởng ấy có thể ngăn trở không cho ta thấy rõ được thực tại chung quanh. Chúng ta bị mắc kẹt trong sự suy nghĩ, tưởng rằng ta thật sự biết những gì mình đang nhìn, đang cảm nhận, và đem tâm phán đoán khéo léo áp đặt lên mọi việc ta tiếp xúc. Chỉ cần ta ý thức được tập quán cố hữu này và theo dõi nó mỗi khi nó có mặt, có thể giúp ta phát triển một thái độ chấp thuận và tiếp nhận mà không phê phán, vô cùng rộng lớn. 

Nhưng bạn nên nhớ rằng, một thái độ không phê phán không có nghĩa là ta sẽ không còn biết xử sự hoặc hành động có trách nhiệm trong xã hội nữa, hoặc là để mặc ai làm gì cũng được. Nó chỉ đơn giản có nghĩa là chúng ta biết hành xử sáng suốt hơn trong cuộc sống, ta trở nên quân bình hơn, hữu hiệu hơn và có đạo đức hơn trong mọi sinh hoạt. Vì ta ý thức được rằng, mình đang đắm chìm trong dòng sông thất niệm, của sự ưa thích và ghét bỏ, chúng ngăn che ta với thế giới và bản chất thanh tịnh của mình. Tâm thức ưa ghét ấy có thể cư trú thường trực trong ta, và nó cung cấp nguyện liệu cho những hành động si mê của ta một cách vô ý thức, trong mọi lãnh vực của sự sống. Khi ta có thể nhận diện và gọi tên những hạt giống tham lam trong tâm, dù chúng tinh tế đến đâu – lúc nào cũng muốn theo đuổi sự vật và kết quả mình mong mỏi – và những hạt giống của sân hận, ghét bỏ, trốn tránh những gì mình không ưa thích – nó sẽ giúp ta dừng lại trong một khoảnh khắc và tự nhắc nhở rằng, những năng lực nguy hại ấy đang thực sự có mặt nơi ta. Ta có thể nói rằng chúng là những vi khuẩn, độc tố rất nguy hiểm, ngăn trở không cho ta nhìn thấy rõ được thực tại cũng như xử dụng hết chân tiềm lực của mình. 

21.- NIỀM TIN 

Niềm tin là một cảm giác tự tin hoặc tin thực rằng, sự việc có thể khai triển trong một khuôn khổ đáng tin cậy, cũng như nó là hiện thân của trật tự và sự trung thực. Có lẽ không phải lúc nào chúng ta cũng sẽ có thể hiểu được những gì xảy đến với mình, với người khác, hoặc sự kiện trong một trường hợp đặc biết nào đó. Nhưng nếu ta biết đặt niềm tin nơi mình, hoặc người khác, hoặc vào một tiến trình, một lý tưởng, chúng ta có thể tìm được một yếu tố rất vững vàng, nó tàng chứa sự an ổn, quân bình và cởi mở trong một niềm tin dựa vào trực giác mà có thể dẫn dắt và bảo vệ ta khỏi mọi sự nguy hiểm cũng như tự tổn thương. 

Niềm tin rất quan trọng trong sự tu tập chánh niệm. Vì nếu ta không tin vào khả năng quan sát, cởi mở và chú ý của mình, cũng như khả năng suy ngẫm về những kinh nghiệm đã qua, hoặc học hỏi từ sự quán chiếu sâu xa, chúng ta sẽ không bao giờ chịu cố gắng phát triển những khả năng ấy, và chúng sẽ ngủ vùi hoặc héo khô đi. 

Một phần của sự tu tập chánh niệm là phát huy mọi con tim biết tin tưởng. Chúng ta hãy bắt đầu bằng cách quay lại nhìn chính mình cho thật sâu. Bạn có tìm được một điều gì ở mình để cho ta đặt niềm tin không? Nếu bạn còn chút phân vân thì có lẽ bạn nên quan sát sâu thêm một chút, nên tiếp xúc với chính mình trong hiện thực và tĩnh lặng lâu hơn một chút. Nếu chúng ta đã quen sống trong sự thất niệm và không bao giờ cảm thấy bằng lòng với những gì xảy đến trong cuộc đời mình, thì có lẽ đây là lúc ta nên tập ý thức hơn, biết tiếp xúc hơn, và chú ý đến những sự chọn lựa của mình, cũng như hậu quả của chúng về sau. 

Có lẽ ta nên thử nghiệm bằng cách đặt niềm tin vào giây phút hiện tại này, hãy chấp nhận hết những gì mình đang cảm nhận, suy nghĩ hoặc nhìn thấy trong giây phút này, vì đó là hiện thực. Nếu ta có thể đứng vững vàng nơi đây và hội nhập được trọn vẹn vào giây phút này, ta sẽ nhận ra rằng thời gian hiện tại rất đáng được cho ta tín cẩn. Với những thí nghiệm đó, được kinh nghiệm nhiều lần, ta sẽ khám phá ra rằng sâu kín trong ta là một cốt lõi rất lành mạnh và đáng tin. Và trực giác của ta là một sự vang động thâm sâu của hiện thực, nó rất đáng được tín nhiệm. 

Hãy mạnh dạn, 
Và an trú trong thân mình. 
Nơi dưới chân ta bao giờ cũng vững chắc, 
Hãy suy nghĩ cho tường tận! 
Ðừng bỏ đi đâu nữa mà làm gì! 

Kabir nói như vầy: “Hãy quẳng đi hết mọi ý nghĩ và những sự vật tưởng tượng. 
Và đứng cho thật vững vàng trong con người của ta. — Kabir 

-ooOoo-

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app