[Phần 6]

-oOo-

Mối Liên Hệ Giữa Ý Môn Và Thức

Ý thức (Mano-vinnàna) làm công việc suy nghĩ, nghĩ ra và hiểu biết, có nguồn gốc của nó ở tâm và đối tượng của tâm. Tâm mà hình thành nền tảng của nó là tâm hữu phần (bhavanga-citta), là loại tâm mà chúng ta có từ lúc thọ thai. Nó xảy ra không ngừng tùy theo nghiệp. Nó là nền tảng của sự nhận biết. Khi chúng ta ngủ say thì đời sống tinh thần của chúng ta hoàn toàn là tâm hữu phần. Và nó trở nên tích cực khi đối diện với cảnh của tâm và nó khởi sanh ý định và sự nhận biết. Bởi vậy, chúng ta có thể suy nghĩ và biết chỉ dựa vào nền tảng là hữu phần. Thực ra, tâm này luôn có mặt dù không có ý định và sự nhận biết, nhưng bhavanga có thể dẫn đến các sự hiện diện của tâm chỉ khi nào nó mạnh.

Có những lúc chúng ta không thể suy nghĩ thì chúng ta ngủ gật hoặc sự suy nghĩ của chúng ta có thể vô dụng, bất chấp sự cố gắng của chúng ta và điều này do bởi bhavangabị yếu. Như vậy, chính bhavanga có ít mục đích. Nó trở nên tích cực chỉ khi nào nó có cảnh mới. Do đó, nó được gọi là bhavangacalana (hữu phần dao động) hay bhavangapaccheda (hữu phần dứt dòng). Hữu phần đứt dòng làm khởi sanh ý định và sự nhận biết. Theo các bộ chú giải, àvajjana, chuyển hướng tâm hay sự hướng về cảnh của tâm, cũng được xem là nền tảng cho sự hoạt động của tâm. Nó khởi sanh như là trạng thái của tâm đối với cảnh. Nếu nó có cảm giác và nhạy bén, thì nó có sự ghi nhớ tất cả sự kiện quan trọng và các cảnh.

Nhà văn hay xem xét những sự kiện quan trọng để viết sách và người xướng ngôn thường chọn những từ thích hợp để nói, làm cho bài viết và bài nói chuyện của họ được hoàn hảo. Hơn nữa, chuyển hướng tâm này dẫn đến những tâm tạo ngiệp thiện hoặc bất thiện, tùy theo sự chuyển hướng của nó về mục đích tốt hay xấu. Nó mở đường cho sự suy xét và nhận biết vì chúng ta thực sự biết rằng ý định và sự nhận biết khởi sanh từ chuyển hướng tâm. Bởi vậy, có câu: “Mananja – tâm là nền tảng”, nên được hiểu là cũng ám chỉ đến chuyển hướng tâm.

Quan trọng ngang hàng với sự hoạt động của tâm là cảnh của tâm. Cảnh pháp luôn luôn sanh khởi khi chúng ta suy xét vấn đề. Nếu không có cảnh pháp thì sự hoạt động của tâm không thể xảy ra được. Như vậy, đôi khi chúng ta muốn suy nghĩ nhưng không thể nghĩ ra được, và chúng ta không thể nhớ lại những sự kiện chính hay những đối tượng cần thiết. Do vậy, sự hoạt động của tâm tùy thuộc vào tâm ý (bhavanga – hữu phần), chuyển hướng tâm và cảnh của tâm.

Theo các bộ chú giải, quả tim hình thành nền tảng vật chất cho tất cả mọi sự kiện của tâm. Nhưng ngày nay, các bác sĩ phương Tây đã lấy đi quả tim bịnh hoạn của người bịnh và thay vào đó bằng một vật thay thế tốt hơn. Cuộc thí nghiệm không hoàn toàn thành công, nhưng báo chí đăng tin rằng quả tim mới hoạt động được vài ngày. Tin này có thể làm khởi lên một số hoài nghi về vai trò của quả tim trong đời sống tinh thần của nhân loại.

Có hai cách lý giải phù hợp với vấn đề này. Dầu quả tim bị lấy đi, nhưng sức mạnh chính của nó chưa bị diệt và tâm bhavangacitta có thể vẫn còn dây dưa ở chỗ của nó, giống như cái đuôi của con thằn lằn vẫn còn cựa quậy sau khi nó bị đứt. Hơn nữa, tâm bhavangacitta có thể hoạt động trở lại khi vật ghép hoạt động bình thường nhờ máu của thân, cũng như tế bào mới hay con mắt mới được ghép có sắc thần kinh mới. Hoặc chúng ta có thể giải quyết vấn đề dựa vào bộ Patthàna của tạng A-tỳ-đàm, là bộ sách mô tả nền tảng của ý thức (Manovinnàna) là “cơ quan vật lý ấy làm duyên cho tâm như là nền tảng của nó”. Bộ sách ấy đặc biệt không đề cập cơ quan nào của cơ thể. Như vậy, theo bộ sách này, chúng ta có thể thừa nhận rằng một phần nào đó của cơ thể là chỗ dựa của tâm, có lẽ là một phần nào đó ở trong đầu. Những ai không muốn định vị tâm ở trong quả tim, có thể xem cái đầu là nền tảng vật chất của nó.

Trong phần chú giải của tạng A-tỳ-đàm có nêu ra sự so sánh giữa con nhện và sự vận hành của tâm. Con nhện dệt mạng để bắt ruồi muỗi. Nó làm như vậy theo bản năng chỉ vài ngày sau khi nở ra. Ngược lại, một đứa bé dầu đã một năm tuổi vẫn không làm gì được cho chính nó. Con nhện nằm chờ đợi giữa mạng nhện, ăn bất cứ con vật nào bị vướng vào đó và trở về chỗ trú của nó, dường thế ấy, bhavanga hay manovinnàna có chỗ trú của nó là quả tim. Và cũng như những sợi tơ trên tổ nhện nối kết chỗ trú của nó với vùng xung quanh, thì máu được bơm từ quả tim chảy đi qua các ống dẫn máu và truyền đi khắp cơ thể. Bởi vậy, cảnh sắc trong con mắt tác động vào tâm bhavangacitta ở trong quả tim và biến tâm ấy thành nhãn thức v.v… qua suốt quá trình tâm (vithi), rồi trở về chỗ trú đầu tiên của nó. Âm thanh, mùi v.v… cùng với những căn tương ứng cũng tương tự như thế.

Bây giờ, điều rõ ràng là bhavanga cùng với hoạt động nguyên thủy của nó, tức là suy nghĩ và biết, hình thành động cơ chính trong đời sống tinh thần của chúng ta. Khi có cảnh sắc, nhãn thức khởi lên với con mắt là nền tảng của nó và rồi ý thức (Manovinnàna) suy xét về nó. Ðiều tương tự cũng được áp dụng với nhĩ thức v.v… với tai, mũi và lưỡi là nền tảng của chúng. Về thân thức, phạm vi của nó rộng rãi vì nó tùy thuộc vào kích cỡ của thân.

Khi cảnh không rõ thì Manovinnàna thống trị đời sống tinh thần của chúng ta. Ðôi khi chúng ta trầm ngâm trong sự suy nghĩ đến nỗi chúng ta không lưu ý tất cả các cảnh bên ngoài. Thậm chí sự suy nghĩ miên man về một vấn đề quan trọng làm chúng ta quên cả ngủ. Khi ấy, chúng ta bị ám ảnh bởi những ý nghĩ sanh lên liên tục trên nền tảng hoạt động của tâm, mà điều kiện cần thiết là bhavanga, àvajjana và các cảnh pháp của tâm. Ðối với vị hành giả quán niệm mỗi ý nghĩ khi nó khởi sanh, những ý nghĩ này xem ra sẽ sanh khởi và diệt mất từng phần một cách riêng biệt.

Mỗi sự kiện của tâm tùy thuộc vào sự có mặt của tâm, đối tượng của tâm và sự nhận biết. Ðiều này được theo sau bởi sự tiếp xúc với những cảnh trong tâm. Những hình ảnh này, có thể thực hoặc không thực, có hiện hữu hoặc không hiện hữu, chúng có mặt trong sự tưởng tượng bất cứ lúc nào mà chúng ta suy nghĩ hoặc định làm điều gì. Ðiều này quen thuộc đối với những người đã từng đọc những câu chuyện bổn sanh. Ðọc những câu chuyện này gợi lên những hình ảnh về các lâu đài và vua chúa theo sự tưởng tượng của họ. Chúng xa vời với sự thật về lịch sử, vì những câu chuyện ấy có nguồn gốc ở Ấn Ðộ, con người và địa phương được mô tả trong những câu chuyện bổn sanh phải phù hợp với văn hoá và cách sống của người Ấn Ðộ.

Những cuốn sách tiểu thuyết hiện đại làm gợi lên những hình ảnh về phố chợ, làng mạc, đàn ông, đàn bà, tội phạm, v.v… Người đọc biết rằng tất cả những hình ảnh này có tính chất hư cấu và tưởng tượng, thế mà khi đang đọc, chúng hiện ra như thực và vì thế sự khoan khoái, buồn thương và những tình cảm khác dậy lên trong độc giả. Tất cả những điều này là do sự tiếp xúc với những hình ảnh trong tâm.

Trong bài kinh Phạm Võng, Ðức Phật dạy rằng: “Những giáo lý và các niềm tin này xuất phát từ sự tưởng tượng sinh động, làm cho chúng trở nên rõ ràng giống như thực”. Tóm lại, sự tưởng tượng sinh động là cần thiết khi chúng ta nói, viết, củng cố đức tin, suy nghĩ hay chỉ để cho tâm phóng đi tự do.

Sự tưởng tượng dẫn đến cảm thọ. Những hìng ảnh khả ái gây ra thọ lạc, như những hình ảnh liên quan đến sự giàu có trong quá khứ của chúng ta hay sự thịnh vượng sẽ có trong tương lai. Nói cách khác, những hình ảnh không khả ái làm cho chúng ta không vui, nghĩ về nỗi khổ trong quá khứ là làm sống lại những kỷ niệm đau buồn và suy nghĩ về những phiền toái có thể xảy ra trong tương lai cũng làm chúng ta không kém buồn khổ. Nguyên nhân của những điều khổ như vậy có thể hoàn toàn do tưởng tượng mà ra, như trường hợp những người ta thán về tin tử biệt của một người quyến thuộc, nhưng về sau mới biết rằng người ấy chưa chết.

Hình ảnh không tốt cũng không xấu sẽ làm khởi sanh thọ xả. Khi ấy, chúng ta không vui cũng không buồn. Quả thật chúng ta có ấn tượng là không cảm thọ chút nào cả, những điều này cho thấy bản chất vi tế của thọ xả mà theo các bộ chú giải, sẽ được biết qua ví dụ về dấu chân của con nai.

Khi con nai chạy qua một tảng đá lớn, dấu chân bị mất đi vì con vật không để lại dấu chân trên đó, nhưng nếu dấu chân được tìm thấy ở cả hai bên đường mòn, chúng ta có thể kết luận rằng con vật đã đi qua tảng đá. Cũng vậy, hành giả cũng biết rõ các thọ lạc và bất lạc. Khi có thọ xả, vị ấy không lưu ý đến nó và chỉ chú ý đến sự thấy, nghe, v.v… Nhưng sau đó, vị ấy lại có thọ lạc hoặc bất lạc và vì vậy vị ấy kết luận rằng trước đó vị ấy có thọ xả trong khi đang niệm về những sự kiện thông thường của tâm.

Bởi vậy, Ðức Phật dạy rằng: “Do có tâm và cảnh của tâm, ý thức sanh khởi; Sự có mặt của tâm, cảnh của tâm và ý thức dẫn đến ý xúc, và do có ý xúc, thọ sanh khởi”.

Ðây hoàn toàn là một quá trình trong mối quan hệ nhân và quả, mà chẳng có liên quan gì đến chúng sanh, ngã, tạo hoá hay bất cứ sự ngẫu nhiên nào. Tiếng Pàli: “Dhamma – Pháp”, chỉ về năm cảnh cũng như các cảnh do tưởng tượng ra. Năm cảnh lại trở thành đối tượng chú ý của hoạt động tâm. Bởi vậy, Manovinnàna bao gồm cả thảy sáu cảnh, tức là cái đã thấy, đã nghe, v.v… và cái mà người ta chưa thấy, chưa nghe v.v… Mỗi cảnh đều dẫn đến xúc và xúc làm khởi sanh thọ.

Ðối với người thường, những sự kiện của tâm như vậy gắn liền với ý tưởng về ngã. Ý tưởng như vậy là ảo tưởng, không phù hợp với chuỗi nhân quả. Ðiều này được vị hành giả có chánh niệm nhận biết qua thực nghiệm. Vị ấy quán niệm mỗi pháp trong tâm, truy cứu nguyên nhân của nó và trở nên biết rõ bhavanga, àvajjana cũng như cảnh của tâm. Như vậy, qua thực nghiệm, vị ấy biết rằng mỗi pháp trong tâm chỉ có nghĩa là mối tương quan giữa nhân và quả, không có gì là ngã, tạo hoá hay ngẫu nhiên.

Vị ấy cũng biết rằng sự hoạt động trong tâm dẫn đến xúc, rồi xúc sanh thọ. Kiến thức của vị ấy không phải là kiến thức sách vỡ, mà là sự hiểu biết qua thực nghiệm. Vị ấy theo sát và quán niệm mỗi sự kiện của tâm. Nếu tâm chạy về với nhà của vị hành giả trong khi đó vị ấy đang tu niệm ở thiền đường, và vị ấy hướng sự chú ý đến đó, thì sẽ có sự tiếp xúc giữa tâm của vị ấy với cảnh là quê nhà. Cũng thế, những sự tiếp xúc với ngôi chùa shwedagon hay một xứ xa xôi nào đó xảy ra khi đó vị ấy niệm và quán sát những tư tưởng tương ứng làm phân tán tâm của vị ấy. Sự tiếp xúc với các cảnh của tâm gọi xúc – Phassa.

Ðiều rõ ràng không kém đối với vị hành giả là thọ phát sanh từ xúc. Trong khi hành giả đang hành thiền, vị ấy cảm thấy vui sướng khi đó vị ấy bỗng nghĩ đến một điều gì đó mà làm cho vị ấy vui thích; Cảm thấy buồn khi nghĩ về chuyện buồn; Muốn cười khi nghĩ đến điều gì có tính chất tiếu. Bởi vậy, vị ấy biết rằng thọ chỉ là kết quả của xúc. Nhưng tuệ quán của vị hành giả quán niệm về danh sắc vào mỗi lúc khởi sanh của chúng còn sâu hơn sự hiểu biết về nguồn gốc của thọ. Bởi vì, khi đó vị ấy phát triển định, vị ấy thấy rằng đối tượng của nội quán của vị ấy cũng như yếu tố chủ thể của nó, tức là thức, đều diệt mất. Bởi vậy, vị ấy đạt được tuệ quán về tánh vô thường của tất cả các pháp, tức là sự suy nghĩ, cảm thọ v.v… biết được tánh chất bất toại nguyện và không đáng tin cậy cùng tánh chất vô ngã của chúng. Tuệ quán như vậy là sự giác ngộ qua thực nghiệm và sự lãnh hội giáo lý duyên khởi.

Tóm Tắt

Ở phần đầu của bài pháp, chúng tôi đã giải thích về những mắc xích của chuỗi nhân quả cho đến thọ, là pháp khởi sanh từ xúc. Bây giờ, chúng tôi xin tóm lược những điều đã nói.

Vô minh là sự mê mờ, không thấy Tứ diệu đế. Nó làm cho kẻ phàm phu không thấy được tánh chất vô thường và vô ngã của các pháp. Bởi vậy, họ suy nghĩ, nói và làm với hy vọng được hạnh phúc trong kiếp hiện tại và mai sau. Những nghiệp về thân, khẩu và ý này thuộc thiện hoặc bất thiện và chúng cũng được gọi là hành (Sankhàra).

Hành làm sanh khởi kiếp sống mới. Người lâm chung có những cảnh hồi tưởng về nghiệp đã tạo, và những cảnh về kiếp tương lai hiện rõ nét và làm duyên để một cái thức mới của kiếp sống mới khởi sanh. Nếu không có cảnh đặc biệt nào liên quan đến thức mới, thì ấn tượng lâm chung của kiếp sống mới làm cảnh cho thức mới khởi sanh nhiều lần.

Tâm Bhavangacitta này bắt đầu hoạt động vào lúc thấy, v.v… Khi ấy, có sanh khởi nhãn thức, do duyên của con mắt và cảnh sắc. Nó là thành phần của trạng thái tâm thức, nghĩa là toàn bộ đời sống tinh thần đều do duyên hành. Cái chúng ta thấy, nghe, v.v…, có thể là khả ái hoặc không khả ái và bản tánh tương ứng của nhãn thức, nhĩ thức, v.v… đều tùy thuộc tánh chất thiện hay bất thiện trong quá khứ của chúng ta, tức là nghiệp thiện hoặc nghiệp bất thiện trong kiếp quá khứ.

Ðiều này áp dụng cho cả thảy sáu loại thức khởi sanh từ sáu cảnh. Loại thức cuối cùng ngấm ngầm trong hoạt động của tâm, bao gồm sự suy nghĩ, tưởng tượng, quyết chí, v.v… tùy thuộc vào Bhavanga-citta, àvajjana-citta, nền tảng vật chất (sắc ý vật) và cảnh của tâm. Sự hoạt động tinh thần này (manovinnàna) bao gồm bảy chập tư tưởng (javana) và hai chập tư tưởng khác (tadarammana). Ở đây, Tadarammana là sản phẩm của nghiệp thiện hoặc bất thiện. Javana không phải là sản phẩm như vậy, mà theo Abhidhamma nó được gọi là vinnàna do duyên hành, trong đó nó sanh khởi từ bhavanga, sản phẩm của bhavanga.

Cùng với sự sanh khởi của vinnàna, cũng có sanh khởi những hiện tượng tâm sinh lý khác (cetasikas và rùpas). Như vậy, vinnàna dẫn đến nàma-rùpa (danh sắc), nhưng vinnàna được theo sau bởi sáu xứ và sáu xúc. Xúc có nghĩa là sự kết hợp của tâm, cảnh của tâm và căn (cơ quan xúc giác). Nó làm sanh khởi thọ, mà có thể là thọ lạc, thọ khổ hoặc bất khổ bất lạc. Loại thọ thứ ba được gọi là thọ xả, là loại thọ khiến chúng ta tin tưởng rằng không có loại thọ nào cả, nhưng theo abhidhamma, thực ra nó là sự khoái lạc vi tế, hàm ý sự vắng mặt của cái khổ khó chịu.

Thọ Dẫn Ðến Ái

Do có thọ lạc hay khổ nên có khởi sanh ái. Ái có nghĩa là sự ham muốn hay thèm khát cảnh dục mà nó không có, hay nếu đã có rồi thì nó muốn được nhiều hơn. Nó không biết thoả mãn, vì tất cả cảnh dục làm vừa ý nó nên nỗi khao khát của nó không thể nào thoả mãn được.

Bởi vậy, một vị trời nói rằng các vị chư thiên giống như các ngạ quỉ ở chỗ là các ngạ quỉ rất đói khát, vì ở trong thế giới ấy, chúng chẳng có gì để ăn hay uống, cũng thế các vị chư thiên luôn luôn thèm khát dầu họ đang đắm chìm trong tất cả các loại dục lạc. Ðiều này nghe ra tất thú vị, vì thọ mạng của các vị chư thiên ở cung trời Ðao lợi tính ra hằng triệu năm theo thời gian ở quả đất và mạng sống còn lâu hơn nữa ở các cõi trời cao hơn, như Dạ-ma, Hoá lạc.

Tuy nhiên, dầu sự hưởng lạc của họ không ngừng, thù thắng, trong thời gian rất lâu dài như vậy, các vị chư thiên vẫn không bao giờ thoả mãn, vì ái dục của họ không thỏa mãn được.

Ðối với loài người cũng giống hệt như thế. Người nghèo thì cố gắng hết sức để tìm kiếm dục lạc. Dĩ nhiên, họ nghèo khổ, họ không bao giờ được toại nguyện ước muốn của họ. Những nỗi khao khát của người giàu cũng không bao giờ thoả mãn được, đó là sự khao khát của cải, chức vị cao sang và giai cấp cao quí trong xả hội. Ðiều này do bởi bản chất của ái. Nó càng được nuôi dưỡng bao nhiêu thì càng thèm khát bấy nhiêu và như thế, so với người nghèo về mặt này, người giàu còn tệ hơn nhiều, các quốc gia giàu tệ hơn các quốc gia nghèo.

Sáu Loại Ái

Ái không bao giờ chán xem những cảnh khả ái, đàn ông hoặc đàn bà mà nó thích. Nó tầm cầu những âm thanh ngọt ngào. Nó thèm khát mùi thơm, đồ ăn ngon và những loại thức uống khoái khẩu. Nó thèm muốn được cảm thọ và đây chắc chắn là ái dục tệ hại nhất đối với những người thích dục lạc. Ái cũng có nghĩa là sự ưa thích các cảnh của tâm, là những cảnh không đi qua con mắt, tai và các căn khác. Ðó là cảnh mà chúng ta chỉ có thể biết được bằng tâm. Theo các bộ kinh, nó có nghĩa là năm loại sắc thần kinh hay tinh sắc, bốn nguyên tố vi tế như Apo (nước), v.v… các sở hữu tâm, các quan niệm về hình sắc, đặc tính, danh xưng, v.v…

Mọi người khao khát những sắc thần kinh tốt vì họ muốn được trông thấy rõ ràng, muốn nghe rõ ràng hay muốn có sự xúc chạm nhạy bén. Họ tầm cầu nguyên tố nước, vì họ muốn giữ cho miệng, cuống họng và da của họ được ẩm ướt. Họ vui thích trong ý nghĩ về giới tính của họ và giới tính-đối lập, và vì thế họ muốn giới nam hoặc giới nữ. Họ muốn sống lâu và đi đứng nhẹ nhàng, và sự ham muốn này cho thấy sự khao khát của họ về sắc mạng quyền và tánh nhẹ nhàng của thân,v.v… Sự ưa thích hạnh phúc, trí nhớ tốt và sự thông minh chỉ về một số quyền hay khả năng tinh thần. Sự ưa thích hình vóc diện mạo của chính họ hay của phái khác, cũng như sự ưa thích lời khen và danh tiếng, hoặc sự khao khát về các quan niệm.

Tương ứng với sáu cảnh, chúng ta có sáu loại ái. Sáu loại ái này có thể chỉ là sự ưa thích dục lạc – dục ái (kàmatanhà). Sự yêu thích này có thể được kết hợp với ảo tưởng về sự trường tồn (bhavatanhà – hữu ái), đó là loại ái trong niềm tin về sự vĩnh cửu. Ái cũng có thể đi kèm với niềm tin về sự đoạn diệt, khiến người ta luyến ái vô cùng đối với dục lạc (vibhavatanhà). Như vậy, có sáu loại ái tương ứng với sáu cảnh ở một trong ba loại ái (dục ái, hữu ái, phi hữu ái) hay mười tám loại ái. Mỗi loại ái này có thể có những cảnh nội phần hay cảnh ngoại phần, và suy ra là ba mươi sáu loại ái. Bởi vì mỗi loại ái có thể liên quan đến quá khứ, hiện tại hoặc tương lai, và tính thêm như vậy, chúng ta có một trăm lẻ tám loại ái. Nhưng tất cả ái đều thuộc về ba loại ái: Dục ái, hữu ái và phi hữu ái.

Người hằng tiếp xúc với cảnh xấu thường khao khát cảnh tốt, khả ái. Những người bị đau đớn thì tìm cách thoát khỏi nó. Tóm lại, theo chú giải người bị khổ thì khao khát hạnh phúc. Mọi người đều tìm cách thoát khỏi đau đớn, nghèo túng, những cảnh không vừa lòng và những cảm thọ khó chịu. Sự vắng mặt khổ có nghĩa là lạc, chúng ta tìm cách thoát khỏi những ý nghĩ không vui, khỏi sự lo lắng về vật thực, y phục và chỗ ngụ. Nhưng một khi con người có đầy đủ những nhu cầu cần thiết của đời sống thì họ có khuynh hướng phát triển những thèm muốn khác. Chú giải nói rằng: “Người giàu muốn giàu thêm”. Vì chính bản thân của ái dục là không thể toại nguyện được. Chúng ta muốn thọ hưởng những thứ tốt đẹp của đời sống hoài hoài. Chúng ta muốn gia tăng tài sản của chúng ta. Càng có nhiều càng muốn nhiều hơn và đời sống càng cao thì ước muốn thọ hưởng nó càng nhiều. Ái dục không bao giờ đi đến chỗ kết thúc, vì nó được nuôi dưỡng và duy trì bởi thọ.

Nói về ái kết hợp với thọ xả, chú giải mô tả cảm thọ đồng sanh là lạc (sukha) vì tánh chất không thiên lệch của nó. Khi chúng ta tiếp xúc với những cảnh thông thường thì không có thọ lạc hay khổ nào sanh lên rõ ràng; Nhưng vì thọ xả này có tính chất vi tế nên nó có pha chút lạc và vì thế nó làm cho chúng ta muốn có lạc rõ ràng hơn. Nó khiến chúng ta không hài lòng với những cảnh bình thường và muốn có đồ ăn ngon, áo quần đẹp, sự cảm xúc khoái lạc hơn và những điều kiện sống tốt hơn.

Tóm lại, những cảnh khả ái tạo ra sự luyến ái và khao khát cảnh khả ái hơn. Những cảnh không khả ái thì gây ra ước muốn tránh xa chúng.

Khi có những cảnh tạo ra thọ xả thì chúng ta vẫn không mãn nguyện với nó và muốn những thứ tốt hơn. Tất cả những điều này cho thấy thọ làm khởi sanh ái.

Ái Dục Và Luân Hồi

Khi thức khởi sanh vào lúc thấy, v.v… đồng thời cũng có khởi sanh danh sắc, lục nhập, xúc và thọ. Ðối với kẻ phàm phu chưa thoát khỏi phiền não, thọ dẫn đến ái. Rồi ái gây ra thủ, thủ lại khiến người ấy làm điều thiện hoặc bất thiện (kammabhava). Trong điều kiện đó, nghiệp hữu đưa đến tái sanh, để rồi khiến chúng sanh phải chịu sự già, bịnh, chết và các điều khổ khác về thân cũng như tâm. Ðiều này cho thấy các thọ dẫn đến cái khổ luân hồi.

Không ai có thể ngăn cản sự sanh khởi của danh sắc, lục nhập, xúc và thọ, là những pháp cùng sanh với thức. Ðức Phật và chư vị A-la-hán cũng có các thọ lạc, khổ hoặc xả, là kết quả của sự tiếp xúc với các cảnh. Các Ngài thọ khổ sanh lên từ thân, nhưng các Ngài không có thọ khổ trong tâm. Các Ngài cũng không vui thích những cảm giác khoái lạc. Bởi vậy, các Ngài thoát khỏi khao khát và luyến ái. Các Ngài không cố gắng tầm cầu khoái lạc và hạnh phúc, và do lối sống không tạo nghiệp của các Ngài, các Ngài đoạn diệt sự tái sanh, danh sắc và những nhân khổ khác. Ðây là sự chấm dứt khổ đối với vị A-la-hán đã hoàn toàn thoát khỏi các phiền não.

Bởi vậy, có câu: “Do sự chấm dứt hoàn toàn ái dục bằng con đường thánh đạo, nên thủ cũng chấm dứt”.

Sự trải qua các cảm thọ lạc và khổ khiến kẻ phàm phu chưa chứng đắc A-la-hán khao khát những điều tốt đẹp của đời sống, nhưng nó không ảnh hưởng đến những người đã chứng đắc A-la-hán. Ðiều này nghe ra khó tin đối với kẻ phàm phu, nhưng thật ra cảnh cám dỗ nhất cũng không hấp dẫn vị A-la-hán và vị ấy cũng không vui thích lợi ích cho mình. Do đó, vị ấy hoàn toàn thoát khỏi khao khát và luyến ái và điều này có nghĩa là sự chấm dứt nghiệp hữu, tái sanh và những điều khổ nối theo của nó.

Bởi vậy, có câu: “Sự chấm dứt thủ dẫn đến sự chấm dứt nguyên nhân của tái sanh (nghiệp hữu). Sự chấm dứt nghiệp hữu dẫn đến sự chấm dứt tái sanh. Sự chấm dứt tái sanh dẫn đến sự chấm dứt già, chết, ưu bi, v.v…

Sự Chấm Dứt Ái Dục

Tóm lại, do sự chấm dứt hoàn toàn ái dục bởi đạo quả A-la-hán, nên có sự chấm dứt hoàn toàn mọi kết quả sau nó, và điều này có nghĩa là sự chấm dứt khổ.

Cũng như đạo quả A-la-hán là sự chấm dứt hoàn toàn ái dục, sự chứng đắc tầng thánh A-na-hàm có nghĩa là sự chấm dứt ái dục cùng với sự tái sanh trong cõi dục, sự già, chết. Ở tầng thánh Tu-đà-hườn, hành giả nắm chắc là đã đoạn diệt tất cả ái dục dẫn đến bốn khổ cảnh và không luân hồi quá bảy kiếp. Bởi vậy, vị ấy thoát khỏi tất cả đau khổ của bốn ác đạo xứ và sau bảy kiếp ở cõi dục, vị ấy cũng thoát khỏi hoàn toàn đau khổ. Như vậy, sự hàm ý trong pháp duyên khởi là ái dục càng yếu thì khổ càng ít.

Cũng vậy, tuệ minh sát bảo đảm sự chấm dứt ái dục trong từng chốc lát. Sự sanh khởi sáu cảnh dẫn đến thọ khổ hoặc lạc, và nếu không có tuệ minh sát, nó sẽ dẫn đến ái và những điều khổ nối theo.

Nhưng đối với vị hành giả thường xuyên thực hành chánh niệm và đã phát triển tuệ minh sát, vị ấy chỉ thấy sự sanh và diệt của tất cả các pháp, tánh chất vô thường, khổ và vô ngã của chúng. Vị ấy cũng thấy rằng thọ khổ hay lạc sanh và diệt tức khắc. Bởi vậy, vị ấy không vui thích khi thọ sanh khởi, vị ấy không thèm muốn thọ khác. Vị ấy thoát khỏi tất cả ái dục.

Sự chấm dứt ái dục do bởi thánh đạo khác với sự chấm dứt do bởi pháp minh sát ở chỗ: Sự chấm dứt do thánh đạo là chấm dứt vĩnh viễn, trong khi sự chấm dứt bằng pháp minh sát thì không vĩnh viễn. Ái dục chỉ chấm dứt vào lúc quán và đối với cảnh được quán. Do đó nó được gọi là “Giải thoát tạm thời – Tadanganibbuti” hay sự chấm dứt phiền não từng phần.

Vị hành giả thiền quán chỉ biết sự thấy, nghe, v.v… Trạng thái biết đơn thuần như vậy không pha chút ái dục nào, và kết quả là thủ, nghiệp, tái sanh, v.v… cũng không xảy ra. Nói cách khác, do sự chấm dứt ái, vòng luân hồi tạm thời bị cắt đứt và sự chấm dứt ấy được gọi là giải thoát tạm thời.

Tích Chuyện Trưởng Lão Mahàtissa

Có một câu chuyện về trưởng lão Mahàtissa xảy ra tại Sri lankà, người đã đoạn diệt ái dục bằng con đường thiền chỉ và thiền quán. Một hôm nọ, Ngài rời khỏi ẩn xá ở trong rừng, để vào thành phố khất thực. Trên đường đi, Ngài gặp một thiếu phụ đang bỏ nhà ra đi sau khi gây gổ với chồng. Nhìn thấy trưởng lão, tình ái trong người nàng bộc phát và nàng cười to một cách đầy quyến rũ. Khi nhìn nàng, trưởng lão chú ý đến hàm răng của nàng. Vì Ngài đang thực hành pháp quán niệm đề mục bộ xương, nên toàn thân của nàng đối với Ngài chỉ là một đống xương không hơn không kém. Ngài tập trung vào ấn tướng này và đắc định. và sau khi quán bộ xương với tâm ở trạng thái cận định, Ngài chứng đắc đạo quả A-la-hán.

Trưởng lão tiếp tục đi khất thực và trên đường đi, Ngài gặp chồng của nàng. Người đàn ông hỏi ngài có thấy người đàn bà kia, mang diện mạo như thế, như thế không. Trưởng lão đáp lại rằng Ngài có thấy một người, nhưng không biết đó là đàn ông hay đàn bà. Tất cả những gì Ngài thấy được chỉ là một bộ xương đang đi đó thôi.

Cái mà Ngài trông thấy thực ra chỉ là một bộ xương của người đàn bà, nhưng pháp quán của Ngài đã chuyển ấn tướng về tấm thân của nàng thành hình ảnh một bộ xương. Bởi vậy, trong tâm của Ngài không hề pha chút dục vọng hay phiền não nào khác khi Ngài bắt cảnh người đàn bà kia. Như vậy, nhờ pháp quán dựa trên nền tảng của tâm thiền, Ngài đã đoạn trừ mọi lậu hoặc và chứng đắc đạo quả A-la-hán.

Câu chuyện này có thể làm sanh khởi hoài nghi trong số những người không hành thiền, về sự sanh khởi hình ảnh bộ xương vào lúc thấy hàm răng của một người. Nhưng nếu không hành thiền, người ta không thể hiểu pháp thiền đem lại sự thành tựu như thế nào. Chỉ tu thiền mà không quán thì không thể tạo ra những hình ảnh trong tâm, vì những hình ảnh tùy thuộc vào pháp quán vững chắc và lâu dài. Sự tưởng tượng là sức mạnh của tưởng. Quán thường xuyên sẽ làm cho tưởng mạnh lên, nhờ đó mà người ta có thể tạo ra bất cứ loại hình ảnh nào về chính mình hoặc của người khác. Khả năng của tâm như vậy có thể xảy ra ngay cả với con chim két, như đã được kể lại trong chú giải của bài kinh Ðại niệm xứ.

Chuyện Chim Két

Có một vũ nữ nọ ngủ trọ qua đêm tại chỗ ngụ của các vị Tỳ-khưu-ni và khi ra đi, nàng bỏ lại một con chim két thông minh. Con chim được các vị Sa-di-ni đem về nuôi dưỡng và nó được đặt tên là Buddha-rakkhita. Vị trưởng ni viện nghĩ rằng: “Một việc phước cần làm là dạy con chim két quán một đề mục nào đó trong khi nó đang sống giữa những con vật đầy khát ái”. Bởi vậy, bà ta dạy nó niệm đề mục: “Atthi: bộ xương”.

Một sáng nọ, chim két bị một con diều hâu lớn tha đi. Nghe tiếng la ó rầm rộ của những vị Sa-di-ni, diều hâu sợ hãi và buông thả chim két. Vị ni trưởng hỏi nó đã quán gì khi bị diều hâu tha đi. Chim két nói rằng: “Con nghĩ về một bộ xương đang bị tha đi và con tự hỏi nó sẽ bị tan rã ở đâu”. Vị ni trưởng nói rằng: “Lành thay! Pháp quán này sẽ giúp con thoát khỏi kiếp sống luân hồi”.

Một đề mục được quán thường xuyên sẽ tạo ra ấn tượng sâu đậm. Bởi vì ngay cả một con chim két cũng có thể tưởng tượng ra bộ xương thì không lý do gì mà con người không thể làm như thế được. Chim két tưởng tượng chính nó cũng như những kẻ khác là những bộ xương. Do nhờ pháp quán này, nó đã không sợ hãi, nóng giận hay lo lắng khi nó bị diều hâu tha đi.

Bởi vậy, pháp thiền Tứ niệm xứ được tán dương là pháp hành giúp đoạn trừ ưu bi và đem lại sự chấm dứt cái khổ về cả thân lẫn tâm. Nhưng có thể có nhiều người không thông minh bằng chim két trong câu chuyện, vì họ không bao giờ vui thích pháp và sự quán niệm về nó. Vị hành giả nên quyết tâm tu tập tiến bộ hơn chim két bằng thiền minh sát.

Nếu trưởng lão Mahàtissa không xem người đàn bà đang cười là bộ xương thì vị ấy chắc chắn có thể khởi dục tình và trở thành con mồi cho sự quyến rũ ở chỗ vắng vẻ của rừng núi. Dầu lúc ấy trưởng lão không có dục tình, nhưng ấn tượng người đàn bà sẽ tạo cơ hội để vị ấy bị sa ngã vào dịp khác. Nhờ pháp quán về bộ xương trong pháp hành minh sát, Ngài đã đoạn trừ các pháp ô nhiễm và thành đạt rốt ráo khỏi kiếp sống luân hồi. Ở đây, sự chấm dứt ái dục qua pháp hành minh sát được gọi là: “Giải thoát tạm thời – tadanga”, trong khi sự chấm dứt ái dục bằng đạo quả A-la-hán thì được gọi là “Giải thoát hoàn toàn”.

Quán Và Ðoạn Trừ

Bởi vậy, với sự chấm dứt hoàn toàn ái dục mà do thọ làm duyên sanh, cũng có sự chấm dứt thủ, tức là chấm dứt toàn bộ mọi kết quả của ái. Quán vô thường, khổ và vô ngã bảo đảm sự chấm dứt tạm thời ái, thủ, nghiệp, tái sanh, v.v… Mục đích của pháp hành minh sát là chấm dứt mọi lậu hoặc và cái khổ luân hồi. Bởi vậy, nó là vấn đề tối quan trọng đáng được quan tâm đối với nhưng ai tầm cầu giải thoát hoàn toàn. Nếu không có pháp hành này thì thọ lạc hay khổ vào mỗi lúc thấy v.v… chắc chắn dẫn đến nghiệp và tái sanh.

Thức có liên quan trong mỗi lúc thấy là do vô minh và hành trong kiếp quá khứ. Sự thấy xảy ra cùng với thức, danh sắc, lục nhập, xúc và thọ. Các bài kinh mô tả từng pháp này một cách riêng lẻ, nhưng thật ra chúng không khởi sanh riêng lẻ, cái này đến cái khác. Nếu thức khởi sanh từ hành, thì nó khởi sanh chung với danh sắc, lục nhập, xúc và thọ. Tất cả những pháp này đều là kết quả của nghiệp hành quá khứ. Chúng được gọi là Dị thục quả luân hồi (vipàkavatta), vì đó là những kết quả của vòng luân hồi. Phiền não luân hồi, tức là vô minh, ái và thủ, tạo ra nghiệp luân hồi, là nghiệp và hành; Nghiệp luân hồi dẫn đến quả luân hồi, là thức, danh sắc, lục nhập, xúc và thọ, chúng lại dẫn đến phiền não luân hồi.

Sự khởi sanh năm quả luân hồi này vào lúc thấy nghĩa là đối với hầu hết chúng sanh chỉ có thấy. Thực ra, sự thấy là sản phẩm của thức, danh sắc, lục nhập, xúc và thọ, cũng như những sự kiện tâm sinh lý khác như nghe, ngửi, v.v…

Sự thấy bao gồm thức cùng với tác ý (manasikàra), tư (cetanà) v.v… cộng thêm nhãn căn bao gồm danh sắc. Nó cũng bao gồm bốn xứ là sắc thần kinh mắt, cảnh sắc, nhãn thức và pháp xứ. Sự tiếp xúc với cảnh sắc là xúc và sự khổ hay lạc mà cảnh đem lại là thọ. Do vậy, tất cả năm quả đều gắn liền vào mỗi lúc thấy. Nghe, ngửi v.v… cũng y như vậy.

Ðoạn Diệt Ở Gốc Rễ

Năm kết quả hay năm pháp thuộc tâm sinh lý này xảy ra liên tục và lần lượt, bao gồm cái mà chúng ta gọi là người, chư thiên hay chúng sanh. Những cách gọi thông thường này thực ra chỉ về năm uẩn. Không có chúng sanh thường tồn và vững chắc. Sự thật duy nhất là sự sanh diệt của danh sắc, và đối với vị hành giả có chánh niệm, tuệ quán này có nghĩa là sự chấm dứt ái, thủ, nghiệp, tái sanh và khổ, là một chuỗi gồm những kết quả phát sanh từ thọ, dành chung cho mọi người.

Ðây là con đường dẫn đến sự chấm dứt bánh xe sanh tử (paticcasamuppàda) qua sự cắt đứt then chốt của nó, tức là ái, do thọ làm duyên sanh.

Ðể ngăn ngừa không cho ái sanh khởi từ thọ, vào lúc thấy, hành giả phải tập trung chú ý vào mỗi pháp khởi sanh từ sáu căn. Ở đây, sự tiếp xúc rõ ràng nhất là sự tiếp xúc liên quan đến các nguyên tố ở dạng thô (mahàbhùta – đại chủng) và nó cần thiết cho hành giả mới bắt đầu thiền quán.

Cách này phù hợp với lời dạy của Ðức Phật trong bài kinh Ðại niệm xứ: “Gacchanto va gacchàmìti pajànàti: hành giả biết rằng vị ấy đang đi khi đó vị ấy đi”. Vị ấy biết nó khi đó vị ấy niệm: “đi, đi”. Vị hành giả thực hành pháp niệm khi đang đứng, nằm, duỗi tay hay làm bất cứ điều gì khác. Khi không có hành động của thân hay sự chuyển động nào để niệm, vị ấy nên chú tâm vào sự phồng và xẹp của cái bụng, vị ấy cũng nên niệm bất cứ tư tưởng nào hay hoạt động nào của tâm và bất cứ thọ nào khởi lên trong người vị ấy. Tóm lại, vị ấy phải chánh niệm đối với tất cả các pháp thuộc về cả thân lẫn tâm mà khởi sanh từ sáu căn. Khi định phát triển, niệm như vậy dẫn đến tuệ quán, khiến cho ái dục không có chỗ để khởi sanh. Do sự chấm dứt ái, cũng có sự chấm dứt thủ và tái sanh cùng với tất cả khổ nối theo. Ðây là con đường dẫn đến sự chấm dứt kiếp sống luân hồi qua sự chấm dứt nguyên nhân cốt yếu là ái dục.

Ngày nay, khoa học và kỹ thuật đã tạo ra các loại máy móc mà chúng ta không thể cho hoạt động hoặc ngưng hoạt động mà không có kiến thức về cách sử dụng chúng. Những người biết bí mật có thể làm cho chúng hoạt động bằng cách bấm vào các nút điều khiển. Cũng vậy, điểm then chốt của vòng luân hồi mà kinh Duyên khởi mô tả là ái do thọ làm duyên sanh. Nhưng điều này có thật chỉ khi nào thọ đi kèm với hai khuynh hướng ngủ ngầm, đó là Santànusàya (hiện hữu tùy miên) và àrammanànusàya(cảnh tùy miên). Các vị A-la-hán đã đoạn diệt những khuynh hướng này. Vì vậy, dầu các Ngài vẫn còn các thọ, nhưng ái của các Ngài đã chấm dứt. Sự chấm dứt ái như vậy không còn chỗ để nghiệp mới phát sanh, làm vô hiệu nghiệp cũ, và không còn sự tái sanh sau khi các Ngài nhập Vô dư Niết-bàn.

Những kẻ phàm phu vẫn còn những phiền não ngủ ngầm, có nghĩa là sự hiện hữu của ái dục không những còn nằm tiềm ẩn ở một nơi nào đó, mà trong những hoàn cảnh thích hợp, chúng có thể khởi sanh lên. Cho nên từ Pàli: Santànusaya kilesa (hiện hữu tùy miên phiền não) ám chỉ khuynh hướng này. Phiền não ngủ ngầm có thể trở thành tham, sân, si và những điều ác khác đối với những người không quán về danh sắc và vì vậy họ rơi vào các ảo tưởng về sự thường tồn, lạc và hữu ngã. Phiền não mà khởi sanh từ các cảnh khi vắng mặt tuệ minh sát thì được gọi là Aramapànusaya kilesa (cảnh tùy miên phiền não).

Phiền Não Và Sự Thất Niệm

Tham và sân khởi sanh liên quan đến cảnh mà người ta đã thấy hoặc đã nghe, là sự hiện bày pháp ngủ ngầm thứ hai. Những ấn tượng mà chúng ta nuôi dưỡng là những ấn tượng về người hoặc vật thường tồn, khả ái hoặc dễ ghét. Cho nên sự nhớ lại những hình ảnh ấy làm sanh khởi tham, sân và si mê hay ảo tưởng về sự thường tồn.

Tham là từ đồng nghĩa với ái. Nó sanh lên do bởi thọ lạc. Nhưng khi có thọ khổ, nó cũng sanh lên, khiến chúng ta thèm khát những cảm giác khoái lạc. Vô minh cũng dẫn đến tự mãn, tham và ái. Như vậy, tham, sân và si làm sanh khởi thọ và thọ làm sanh khởi ái cùng với những cái khổ nối theo của kiếp sống luân hồi. Chỉ có sự thực hành pháp niệm thấy, nghe v.v… mới loại trừ được ái hoặc tham luyến đối với những cảm xúc khoái lạc. Không có pháp hành này, ái ngự trị chúng ta và dẫn đến cái khổ trong kiếp sau cũng như bây giờ.

Ở trong câu chuyện bổn sanh Mora-jàtaka, Bồ tát lúc bấy giờ là chim công trống, thường hay đọc câu thần chú hộ thân khi đi ngủ lúc tối và khi thức dậy lúc sáng sớm. Cho nên suốt bảy trăm năm, ngài đã thoát được lưới bẩy của bọn thợ săn. Sau đó, một người thợ săn khác dùng một con công cái làm chim mồi, và bị mê hoặc bởi giọng hót của nó, công trống quên tụng chú hộ thân và bị dính bẩy.

Tại Ba la nại, có một tay nhạc công chơi đàn hạc tên là Guttila. Vị ấy mê say một cô gái, nhưng bị chế giễu và từ chối. Bởi vậy, ban đêm cậu ta ca một bản nhạc rất mùi mẫn và đánh nhạc ở ngay trước nhà của nàng. Bị mê hoặc bởi tiếng nhạc, cô gái chạy ào ra khỏi nhà như bị thôi miên, ngã nhào và chết tại chỗ.

Ở câu chuyện Morajàtaka, chính giọng cái, và ở câu chuyện sau, lại do giọng đực mà đem lại đau khổ và cái chết.

Không ai phủ nhận rằng cái mà chúng nghe là vô thường. Mọi cái mà chúng ta nghe đều biến mất liền liền, tuy thế chúng ta vẫn thích những bài ca và tiếng nhạc, vì tánh chất có vẻ liên tục của chúng. Nếu chúng ta niệm mỗi âm thanh rằng: “Nghe à, nghe à” thì sự giác ngộ của chúng ta về tánh chất vô thường của chúng sẽ làm cho các thọ lạc của chúng ta không thể dẫn đến ái. Nhờ thế, thủ không sanh khởi và tất cả những điều khổ nối theo cũng thế.

Hành giả ít khi ngửi mùi. Dĩ nhiên, vị ấy cũng phải niệm nó và thấy rằng nó không làm cho ái sanh khởi.

Chánh niệm đặc biệt rất quan trọng trong việc ăn uống. Người không có chánh niệm thì thích thú khi ăn món ngon. Người ấy thích khoái lạc như vậy. Người ấy muốn trong tương lai và kiếp sau cũng được như thế. Ái dục về đồ ăn và thức uống rất mạnh mẽ, nó có thể dẫn đến một kiếp sống mà khiến người ta phải sống bằng đồ ăn dở. Như vậy, theo bài kinh Bàlapandita sutta (Hiền ngu kinh), những người làm ác nghiệp để kiếm miếng ăn ngon đều phải tái sanh làm súc vật để ăn cỏ, lá hoặc phẩn của người ta.

Ăn vật thực xấu cũng có khuynh hướng tạo ra ước muốn vật thực tốt. Do đó, hành giả phải quán niệm tất cả mọi thứ, mọi cử động của tay, miệng và mọi cảm xúc khi đó vị ấy ăn. Qua pháp niệm này, vị ấy sẽ thấy sự diệt trong mọi hành động của vị ấy, mọi cảm xúc và thọ. Bằng cách này, vị ấy sẽ đạt được tuệ quán về tánh chất vô thường của mọi pháp, là tuệ quán dẫn đến sự chấm dứt ái dục và những điều khổ nối theo của nó.

Tư Tưởng Và Sự Cảm Xúc

Sự cảm xúc luôn luôn có mặt trên khắp thân thể. Sự suy nghĩ cũng thế, hiện diện trong mọi lúc, ngoại trừ khi hành giả đi ngủ. Bởi vậy, những tư tưởng và những cảm xúc trở thành các đối tượng của pháp quán trong hầu hết mọi khi. Hành giả quán những sự xúc chạm khi không có gì khác để chú ý vào.

Vị ấy quán niệm những tư tưởng của mình, dầu chúng có tính chất khả ái hay không khả ái. Hành giả sơ cơ thường bị những tư tưởng phóng dật như vậy, nhưng chúng thường biến mất khi đó vị ấy đã an trú trong pháp hành và phát triển sự định tâm. Những tư tưởng về pháp đôi khi xảy đến với một số hành giả và những tư tưởng này cần phải được chú niệm. Sự quán niệm những tư tưởng này cũng làm phát sanh tuệ quán về tánh chất vô thường và sự chấm dứt khổ.

Ở đây, một số người có thể thắc mắc rằng sự mô tả về pháp này có liên quan gì đến pháp duyên khởi. Pháp duyên khởi nêu ra những kết quả với những nhân của chúng làm duyên sanh mà mục đích của chúng tôi là chỉ cho thấy con đường dẫn đến sự chấm dứt cái khổ luân hồi do bởi sự tác động qua lại giữa các nhân và quả của chúng. Bởi vậy, chúng tôi phải mô tả pháp hành này bất cứ khi nào phù hợp. Như vậy, khi nóiù rằng: “Vô minh dẫn đến hành và hành dẫn đến tái sanh”, chúng tôi phải chỉ ra cách đoạn trừ vô minh. Thức và các pháp khác cũng vậy, cuối cùng là đau khổ. Ðiều cần nhấn mạnh là phải đoạn trừ mắc xích giữa thọ và ái, là nguyên nhân chính của đau khổ.

Ba Loại Ái.

Nếu thọ khởi sanh từ sự tiếp xúc với các cảnh mà không được quán một cách đúng pháp, thì nó sẽ dẫn đến một trong ba loại ái: Dục ái, hữu ái và phi hữu ái.

1/- Dục ái (kàmatanhà) nhắm đến các cảnh dục và nó phổ biến nhất trong những chúng sanh ở cõi dục.

2/- Hữu ái (bhavatanhà) có liên quan chặt chẽ với thường kiến (sassati-ditthi). Nó chấp vào sự thường tồn của chúng sanh và tánh chất không thể huỷ diệt của cái ngã, dầu tấm thân có tan rã đi nữa. Tà kiến này không ăn sâu vào hàng Phật tử. Những ai không theo giáo lý của Ðức Phật thì chấp chặc nó, đến nỗi nó trở thành chướng ngại lớn cho việc giải thoát của những kẻ ấy. Hữu ái của họ thật rõ rệt ở ảo tưởng về cái ngã thường tồn và sự ưa thích dục lạc.

3/- Phi hữu ái (vibhavatanhà) sanh lên từ đoạn kiến. Tri kiến này không được tìm thấy trong hàng Phật tử chân chính. Phi hữu ái có nghĩa là muốn có sự đoạn diệt đời sống một cách tự nhiên sau khi chết, cũng như sự ưa thích dục lạc trong quan điểm duy vật.

Một trong ba loại ái này khởi sanh đều do không giác ngộ tánh chất vô thường, khổ và vô ngã qua sự quán niệm về các thọ. Bởi vậy, để đề phòng ngăn chặn ái và những điều khổ nối theo như tái sanh, lão tử v.v… hành giả nên quán mọi pháp và cố gắng thấy các pháp như thật. 

-oOo-

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app