Phần V

[VI] VÀI GIẢI ÐÁP VÀ VA CHẠM CỦA SA-MÔN A NẬU LÂU ÐÀ

Một hôm nọ, vị kiến trúc sư (có sách gọi là viên thợ mộc cất nhà) của triều đình, tên là Pancakanga, đã mời Thiền Tăng A Nậu Lâu Ðà đến nhà để cúng dường thực phẩm. Ðây là một cư sĩ Phật tử mà căn cứ theo những kinh điển khác, là một người khá thông hiểu Phật giáo, và rất nghiêm túc trong việc tu hành.

Do đó, sau buổi trai Tăng, Pancakanga, liền vấn đạo Thiền Tăng A Nậu Lâu Ðà rằng:

– Bạch Thiền Sư! Ðệ tử có một thắc mắc vi tế, muốn nhờ Thiền Sư giảng giải. Ðó là việc một số Sa-môn đã khuyên đệ tử nên thực hành pháp thiền giải thoát bằng cách “Mở rộng tâm ra đến vô cực” (Appamanà Cetovimutti). Và một số Sa Môn khác lại khuyến khích đệ tử hãy tu pháp Thiền giải thoát cách “An trụ tâm vào một biên giới”, hay một đề mục nhất định, tức là cho tâm “cô đọng” lại để “bành trướng”, đồng hóa với một lãnh vực thiền định nào đó. (Mahaggatà Cetovimutti). Vậy đệ tử muốn biết hai cách tu tập thiền pháp ấy, tựu trung giống nhau hay khác nhau?

A Nậu Lâu Ðà vui vẻ phân tích rằng:

– Hai cách tu tập Thiền pháp này hoàn toàn khác nhau. Cách thứ nhất ám chỉ sự phát triển “Tứ Vô Lượng Tâm” (Brahma Vihàra), một khả năng diệu dụng, khi hành giả đã thuần thục trong các bậc Thiền (Jhàna). Tứ Vô Lượng Tâm là sự biểu lộ bốn phẩm tính, gồm: TỪ (Mettà), BI (Karunà), HỶ (Mudità), và XẢ (Upekkhà). Nhưng cách tu tập Thiền pháp thứ hai ám chỉ sự an trụ con tâm trong một Ðề mục hay “giới hạn” nào đó. Chẳng hạn như “đề mục” có thể là một trong Tứ Ðại, tức Ðất (Pathavì), Nước (Apo), Lửa (Tejo), hay Gió (Vàyo). Rồi khi tâm đã đắc định, an trú vững vàng trong các bậc Thiền (Jhàna), thì hành giả mới để tâm “hội nhập”, “đồng hóa” hay “bành trướng” theo khuôn khổ hay giới hạn của đề mục ấy! Chữ Phạn gọi là trạng thái này là Patibhàgà Nimitta. Tỷ dụ Ðề mục (Kamatthàna) của hành giả là Nước, thì khi tâm của hành giả đã đắc Ðịnh, thuần thục trong các bậc Thiền rồi, “tâm định” ấy sẽ hội nhập, bành trướng và đồng hóa theo khuôn khổ hay giới hạn của tất cả nước trên mặt đất này, từ một điểm nhỏ nhất như bụi sương, cho đến toàn thể chất nước trên thế gian. Chữ Phạn đồng nghĩa với tính “Hòa nhập toàn thể” ấy là “Mahaggatà Cetovimutti”.

Tình trạng hội nhập, bành trướng và đồng hoá của tâm định trong pháp thiền này, cũng không phải chỉ biểu hiện trên phương diện thể chất, dung môi, mà còn biểu hiện cả trên phương diện hình thức và sắc thái nữa. Sự đồng hóa toàn diện đó, trong kinh chữ Phạn gọi là Kasiịa.

Tiếp theo, A Nậu Lâu Ðà còn nhắc đến các loại chư thiên trên cõi trời Sắc giới (Rưpàvacara), để dẫn chứng và so sánh các bậc tu thiền khác nhau. Ông nói:

– Chư thiên trên cõi trời Sắc giới, tuy ở cùng một cảnh tượng, nhưng cũng có nhiều loại cao thấp khác nhau: Chư Thiên nào nhờ tu luyện từ kiếp trước thuần thục, mà mức độ định tâm hiện tại cao hơn, thì hào quang của họ sáng hơn. Còn vị nào mức độ định tâm tầm thường, thì hào quang của họ yếu ớt. Riêng những chư Thiên nào, trình độ định tâm đạt đến Tam Thiền, Tứ Thiền hay Ngũ Thiền, thì hào quang của họ tỏa mạnh và xa vô cùng, không thể đo lường được.

Mặt khác, sự mạnh hay yếu của các loại hào quang đó cũng chứng tỏ rằng giác linh của các hạng chư Thiên ấy rất trong sạch, hay tương đối trong sạch, thanh tịnh nhiều hay thanh tịnh ít.

Và để trả lời một câu hỏi khác, do một Sa-môn nêu ra, liên quan đến các hàng chư Thiên vừa nói, A Nậu Lâu Ðà còn xác nhận rằng ông sở dĩ biết rõ trình độ giác linh của chư Thiên chúng như thế, là bởi nhiều kiếp trước ông đã từng “sống” với họ, rồi kiếp này nhờ tu thiền tinh tấn, đắc được Thiên Nhãn Thông, Thiên Nhĩ Thông, Tha Tâm Thông v.v… mà ông có thể “giao cảm”, “nói chuyện” với họ. (theo Trung A Hàm số 127: Majjhima Nikàya 127).

(Ghi chú: Chư Thiên ở cõi trời Sắc giới, tiếng Phạn gọi là Àbhassarà Devà, có nghĩa là “Linh thức” sống trong một môi trường tuy còn sắc tố, nhưng rất tinh vi, thanh khiết, so với thân thể ô trược của loài người, và các giống sinh vật khác trên trần gian. Có sách nói “Sắc tố tinh khiết” ấy là các vi tử rất nhẹ, loãng trong ánh sáng, và có thể di chuyển ở ngoại tầng không khí một cách thần tốc. Thiên chúng ở cõi Sắc giới này, theo kinh điển ghi rõ, thì trình độ định tâm của linh thức họ, tối thiểu cũng tương đương với đệ nhị thiền trong “Thanh Tịnh Ðạo” của Phật giáo).

Một điển tích khác cũng thuật lại rằng: Khi ấy, đức Phật đang thuyết pháp cho các hàng đệ tử nghe, tại một quãng trường lộ thiên, nhân nói về hạnh tri túc, bỗng đức Phật quay sang hỏi A Nậu Lâu Ðà:

– Này A Nậu Lâu Ðà! Ông có hài lòng với đời sống Sa-môn hiện tại không?

– Bạch đức Bổn Sư! Ðệ tử hoàn toàn thỏa mãn, an vui với đời sống tri túc, giảm thiểu vật chất này.

Liền đó, đức Phật bèn tán dương:

– Này chư Tỳ-khưu Tăng! Ai là kẻ phát nguyện xuất gia ngay lúc còn trẻ, tuổi đời đang thanh xuân, quyền uy, tiền tài, danh vọng có đầy đủ, mà chối bỏ để chọn lấy đời sống phạm hạnh, là người đáng khen ngợi! Kẻ ấy xuất gia, không phải vì để tránh bị vua chúa gia hình, cũng không phải vì mất hết của cải rồi thất vọng, lo sợ nghèo đói, hay nợ nần, mà tìm nơi ẩn dật. Họ xuất gia vì muốn sống trong Pháp bảo nhiệm mầu, giải thoát! Do đó, những gì họ tinh tấn thực hành hằng ngày, vốn chẳng phải để khoe khoang, mà là để tìm thấy hạnh phúc chân thật, nhất là hạnh phúc an tịnh trong các bậc Thiền, hạnh phúc tẩy trừ được năm chướng ngại nội tâm, và hạnh phúc diệt tận những phiền não, ác pháp hằng làm cho họ sa đọa. Mục đích duy nhất của họ là tiến lên Thánh quả giải thoát.

Rồi trước khi chấm dứt lời tán dương, đức Phật còn nhấn mạnh:

– Này chư Tỳ-khưu Tăng! Vì vậy, mỗi khi Như Lai công bố sự đắc quả Bất Lai của một Sa-môn viên tịch, Như Lai không nói để đề cao một đệ tử Phật, mà là để khuyến khích những bậc phạm hạnh sinh tiền, nên theo gương giải thoát kia, mà tinh tấn đạt đạo quả cho chính mình.

Và những lời khen ngợi của đức Phật đó, đã làm cho Thiền Tăng A Nậu Lâu Ðà được khích lệ không ít. (theo Trung A Hàm số 68: Majjhima Nikàya No 68).

Riêng các câu chuyện nói về sự xuất hiện của A Nậu Lâu Ðà trên cõi trời, thì kinh Tạp A Hàm số 6/5 (Samyutta Nikàya No. 6/5) có đọan ghi lại như sau:

Khi ấy đức Phật phóng thần quang biết được một vị trời trên cõi Phạm Thiên (Brahma) đang lầm lạc, suy nghĩ rằng: “Các Sa-môn, đạo sĩ trần gian, dù tu tập tinh vi đến đâu, cũng không thể gia nhập vào cõi Phạm Thiên được!”.

Ðức Phật liền hóa thân thành một vầng ánh sáng, bay thẳng lên cõi Phạm Thiên, và xuất hiện an tọa trước mặt vị trời đó. Thấy đức Bổn Sư tự nhiên biến mất, bốn thượng đệ tử là Ðại Ca Diếp (Mahà Kassapa), Ðại Mục Kiền Liên (Mahà Moggallàna), Ðại Ca Phi Na (Mahà Kappina), và A Nậu Lâu Ðà Anuruddha, vội dùng “Thiên Nhãn Minh” tìm xem Phật đang ở cảnh giới nào, thì họ được biết đức Phật đang ở cõi trời, để tiếp độ một Phạm Thiên lầm lạc. Cả bốn vị Ðại đệ tử không hẹn mà cùng hiển lộng thần thông bay lên hầu Phật. Khi đến nơi, họ đồng cung kính đảnh lễ đức Thế Tôn, rồi tuần tự ngồi sau lưng đức Phật, chừa một khoảng cách vừa phải.

Vị Phạm Thiên đang tư duy tự đắc về sự cao cả của cõi trời mình, bỗng thấy xuất hiện không phải chỉ một đức Phật Cồ Ðàm, mà còn có cả bốn vị Ðại đệ tử thần thông siêu đẳng nữa, thì ông lập tức thức tỉnh, dẹp bỏ ngạo mạn, và tán dương oai lực của Phật Toàn Giác, cùng chư Ðại đệ tử.

Một lần khác, Thiền Tăng A Nậu Lâu Ðà theo thói quen, thức dậy vào nửa đêm để tụng “Kinh Cứu Khổ” cho đến sáng. Bất chợt ông “nghe” tiếng một nữ ngạ quỷ rầy đứa con trai rằng:

– Này con! Con hãy im lặng cùng mẹ nghe Phật ngôn! Nếu chúng ta hiểu rõ lời Phật dạy và cố gắng hành đúng theo, thì chúng ta sẽ được rất nhiều hạnh phúc, và sẽ được giải thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi, nhất là được giải thoát khỏi kiếp làm ngạ quỷ này!

A Nậu Lâu Ðà lập tức dùng “Thần nhãn” quan sát, thì ông thấy hai mẹ con một nữ ngạ quỷ đang khép nép, cung kính đứng nhìn ông. (theo Tạp A Hàm số 10/6: Samyutta Nikàya No. 10/6).

Trở lại việc va chạm không thể tránh khỏi trong đời sống làm người, Thiền Tăng A Nậu Lâu Ðà cũng bị “chỉ trích” vì đám học trò:

Số là khi ấy xảy ra vụ tranh luận giữa hai nhóm tu sĩ tại Kosambì. Tôn giả A Nan Ðà (Ànanda) vào hầu Phật thì được Phật hỏi xem cuộc tranh luận ấy đã chấm dứt chưa. A Nan Ðà tình thật thưa rằng:

– Bạch đức Thế Tôn! Cuộc tranh luận vẫn còn tiếp tục, vì một đệ tử của sư huynh A Nậu Lâu Ðà, đang cứng đầu chia rẽ Tăng già, mà sư huynh (ám chỉ A Nậu Lâu Ðà) không khuyên răn lấy một tiếng.

Tôn giả A Nan Ðà sở dĩ chỉ trích như vậy, vì ông vừa hay tin rằng trong lúc có chuyện lộn xộn giữa Tăng chúng, thì Thiền Sư A Nậu Lâu Ðà lại cùng hai huynh đệ khác là Nandiya và Kimbila, bỏ vô rừng Gosinga để tu thiền nhập thất, chăm lo trau dồi thiền định của chính mình, chẳng ngó ngàng gì đến sự “xung đột” của những đồng đạo xung quanh.

Vì chỉ mới đắc quả Tu Ðà Hườn (quả Thánh thấp nhất), nên A Nan Ðà còn một ít phàm tính. Ðối với ông, trách nhiệm của một vị thầy rất quan trọng, bởi những Tỳ-khưu đang tranh chấp kia, có một số người, vốn là đệ tử của A Nậu Lâu Ðà.

Sự chỉ trích của Tôn giả A Nan Ðà sau đó được mô tả rõ rệt hơn nữa, qua câu nói ông đã “phàn nàn” với đức Bổn Sư:

– Bạch đức Thế Tôn! Sư huynh A Nậu Lâu Ðà cứ thu nhận đệ tử mà không chú ý gì đến việc hướng dẫn họ cả!

Nhưng đức Phật đã từ bi phân giải:

– Này A Nan Ðà! Ông chớ nên lẫn lộn giữa vai trò làm thầy với sự vô minh của một số học trò! A Nậu Lâu Ðà có thể có duyên lành cho các tu sĩ ấy xuất gia, nhưng ông lại không có “oai duyên” để quở trách! Vậy thì trong khi vắng mặt A Nậu Lâu Ðà, ba đại Sa-môn khác là A Nan Ðà, Ðại Ca Diếp, hay Ðại Mục Kiền Liên, đều có thể can thiệp, chấm dứt cuộc tranh chấp giữa các Tỳ-khưu Kosambì. Ngoài ra, này A Nan Ðà! Cũng có những hạng Tu sĩ không thể sửa đổi tật xấu, và họ rất hài lòng khi những đồng đạo xung quanh bị vướng mắc trong một cuộc tranh luận kéo dài. Nhờ thế, họ sẽ không bị các bậc Bổn Sư chú ý tìm ra ác tâm của họ, có thể trục xuất họ ra khỏi Tăng chúng (theo Tăng Chi A Hàm 4/241: Anguttara Nikàya 4/241).

Vả lại, hai người đệ tử trong hiện tại, có thể có hai ông thầy hướng dẫn hai cách khác nhau, nhưng hai người đệ tử đó, trong quá khứ lại có ác nghiệp đã tạo từ nhiều tiền kiếp giống nhau, nên kiếp này họ tự nhiên hành động như nhau. Ðây là trường hợp của hai Tỳ-khưu mất nết: một đệ tử của A Nan Ðà, và một đệ tử của A Nậu Lâu Ðà. Cả hai Tỳ-khưu ấy đều rất ngạo mạn, luôn luôn muốn tỏ ra mình là người hữu lý nhất trong các cuộc tranh luận. Kết quả, Tôn giả A Nan Ðà, dù thường xuyên quở trách đệ tử, vẫn không thay đổi hạnh kiểm học trò được. Còn A Nậu Lâu Ðà cứ lo tu thiền làm gương thì đệ tử cũng chẳng nhận ảnh hưởng gì! (theo Tạp A Hàm số 16/6: Samyutta Nikàya No. 16/6).

Thời đức Phật và chư đại Thánh Tăng còn tại tiền, mà vẫn có những tu sĩ như thế, huống chi là thời bắt đầu mạt pháp của chúng ta. Người Phật tử đọc đến đây chắc có thể cũng thấy được cái tính Tương Ðối trong mọi vấn đề.

 

[VII]

TIỀN KIẾP A NẬU LÂU ÐÀ

Ða số tiền kiếp của Thánh Tăng A Nậu Lâu Ðà đều được ghi trong Túc Sinh truyện (Jàtaka). Nhưng một ít cũng thấy xuất hiện trong Tôn Túc Kệ Ngôn (Theragàthà). Chẳng hạn như chú giải câu kệ ngôn số 910 thuật rằng:

Thuở giáo pháp của đức Phật quá khứ tên Kassapa (Ca Diếp), tiền thân A Nậu Lâu Ðà sinh làm một người nghèo, song thường xuyên cúng dường các bậc Phạm hạnh. Nhằm khi đức Phật đã viên tịch, người hằng ngày lo chăm sóc, nhang khói ngôi bảo tháp an trí Xá lợi Phật…

(Lời thêm của dịch giả: Phật quá khứ Ca Diếp (Kassapa) chỉ trùng tên với Thánh Tăng Ðại Ca Diếp (Mahà Kassapa), đệ tử đứng đầu của đức Phật Thích Ca trong giáo pháp hiện hành! Chúng tôi xin lưu ý quí độc giả hai nhân vật lịch sử này, sống hai thời khác nhau, kẻo sự trùng tên có thể gây ra ngộ nhận).

Nhân một hôm, tiền thân A Nậu Lâu Ðà tuy nghèo, nhưng đã nhịn ăn mua một lễ vật khá đắt tiền là “mỡ thơm” (rút ra từ sữa bò) để đốt đèn cúng dường ngôi Bảo tháp. Hạnh hy sinh cao quí ấy đã ăn sâu vào tiềm thức của tiền thân A Nậu Lâu Ðà, nên kiếp này nhờ tu thiền đắc quả, ông chợt nhớ lại và tự thuật, qua bài kệ ngôn sau đây:

“Tôi nhớ rõ cái kiếp xưa nghèo ấy
Sinh nơi nào và tâm tính làm sao.
Phật nhập diệt rồi, tôi chỉ ra vào,
Tháp Xá Lợi để cúng dường, chăm sóc!”.

Còn liên quan đến những kiếp sống trên cõi trần, hay làm Thiên vương trên cõi trời, thì Thiền Tăng A Nậu Lâu Ðà đã nói trong ba “Tôn Túc Kệ Ngôn” các số 913, 914 và 915 rằng:

“Lên thiên cảnh, tôi từng là vua chúa,
Tuổi thọ dài không biết mấy triệu năm.
Ðâu Suất Ðà Thiên, Ðế Thích đã làm
Có phép lạ và chúng thần phủ phục.

*

Xuống trần thế quyền “Chuyển Luân Thánh Ðức
Lãnh thổ phú cường mở rộng bốn phương
Nam Thiệm Bộ Châu, uy thế khôn lường,
Dùng chánh pháp để an dân lạc nghiệp.

*

Lên với xuống: Trời, người… từng bảy kiếp.
Bảy kiếp trần gian, bảy kiếp thiên đường…
Mỗi kiếp đều ngồi ngôi báu đại vương.
Mười bốn kiếp, Túc Mạng Minh nhớ rõ!”.

(N. Ð. thoát dịch ra văn vần, theo Theragàthà các câu 913, 914 và 915).

Còn tra cứu về phía Túc Sinh truyện (Jàtaka), thì các học giả sẽ thấy có ít nhất là hai mươi ba thuật sự, kể lại tiền kiếp của A Nậu Lâu Ðà. Hầu hết đều xác nhận rằng: Tiền thân A Nậu Lâu Ðà đã nhiều lần làm vua trời Ðế Thích (Sakka), nhất là các Túc Sinh truyện số 194, 243, 347, 429, 430, 480, 494, 499, 537, 540, 541, 545, 547.

Có một lần, tiền thân A Nậu Lâu Ðà sinh làm một vị sứ giả của vua trời Ðế Thích, tên là Paĩcasikha. Sứ giả ấy là một thiên thần rất giỏi về âm nhạc, nên luôn luôn được Ðế Thích ưa chuộng.

Riêng bảy kiếp sinh làm người, như đã nói ở đọan trước, thì tiền thân A Nậu Lâu Ðà thường xuyên sống hạnh hiền đức. (theo các Túc Sinh truyện số 423, 488, 509, 522: Jàtaka 423, 488, 509, 522). Hai trong số bảy kiếp ấy, tiền thân A Nậu Lâu Ðà và tiền thân đức Bồ Tát Sĩ Ðạt Ta đã sinh làm đôi anh em. Còn năm kiếp còn lại thì có ba kiếp, tiền thân ông sinh làm vua (theo Jàtaka 485), một kiếp sinh làm giáo sĩ của triều đình (theo Jàtaka 515), và một kiếp sinh làm xa phu hoàng gia (theo Jàtaka 276).

Cảnh bị đọa làm thú, tiền thân A Nậu Lâu Ðà chỉ bị một lần. Ðó là câu chuyện con chim câu rừng mất bạn, rất thương nhớ, rồi tình nguyện nhịn đói, như đã ghi ở đọan trước. (theo Jàtaka 490). Như vậy, nếu kê khai sơ lược, dựa trên Túc Sinh truyện (Jàtaka), thì tiền thân A Nậu Lâu Ðà đã có mười lăm lần sinh vào Thiên chúng, bảy lần sinh làm người, và một lần sinh làm thú. Tổng cộng là hai mươi ba thuật sự vậy.

Ðiểm làm cho chúng ta chú ý ở đây là trong các tiền kiếp tái sinh làm vua trời (hay vua trần gian) ấy, tiền thân A Nậu Lâu Ðà đã thường xuyên tỏ ra có nhiều sức mạnh thể xác, và được ngưỡng mộ tinh thần. Ðiều này chứng tỏ rằng tiền thân ông đã hưởng quả lành của thiện pháp, chứ không phải như vị vua trời trong thần thoại Hy Lạp Zeus bị chi phối bởi tình yêu và sự tranh ngôi trên thiên cung, cũng không như thần Jehovah (hay Yahavé), bậc thường “ứng lời” vào xác phàm được chọn lựa để tiết lộ “thiên ý” và nhân danh “thiên quyền” thưởng phạt con người, trong đạo Do Thái và Nhất Thần giáo.

Nhưng Ðế Thích trong Túc Sinh truyện đạo Phật thì hoàn toàn khác. Vị Thiên Vương này là chúa tể của cõi trời thứ ba mươi ba, bậc có nhiều thiện tâm, và luôn luôn tìm cách che chở những ai bất hạnh.

Câu chuyện đức Ðế Thích cứu nạn cho một vua lành trên thế gian, xin kể như sau:

Khi ấy đức Bồ Tát sinh xuống cõi trần làm một vị vua nhân từ. Vua ra lệnh nghiêm cấm toàn dân không được giết súc vật để lấy máu tế lễ thần linh. Kết quả, có một hung thần ngu muội đã nổi giận bắt vị vua nhân đức ấy đem hành hình hút máu. Hoàng hậu thấy chồng sắp bị lâm nguy, bèn cầu khẩn Thiên Vương Ðế Thích. Bà cất cao giọng ngay thật, hướng lên chín từng mây than rằng:

“Thiên Vương chúa tể cõi trời,
Hào quang người có sáng ngời hay không?
Thấy chăng những giọt máu hồng
Của người vô tội vào trong hung thần?
Nghiệp oan ma quỷ khôn phân
Càng gây càng vướng vào thân đọa đày!
Thiên Vương biết rõ duyên này,
Xin mau bảo vệ vua dày thiện tâm!”…

(N. Ð. thoát dịch theo Jàtaka số 347).

Ðế Thích nghe những lời cầu cứu ấy, liền lập tức hiện xuống thế gian, đánh đuổi hung thần chạy mất, rồi cứu mạng vị vua nhân từ, đem lại niềm tin bình an, và sự vui mừng cho toàn thể hoàng cung.

Về sau này, vua trời Ðế Thích chính là A Nậu Lâu Ðà, và vị vua nhân từ bị nạn cùng Hoàng hậu, chính là đức Thái tử Sĩ Ðạt Ta và Công chúa Da Du Ðà La (Yasodharà).

Mặt khác, tiền thân A Nậu Lâu Ðà tái sinh làm Ðế Thích đã không những chỉ cứu mạng đức Bồ Tát (là tiền thân Thái tử Sĩ Ðạt Ta) nhiều lần, mà ông còn che chở thanh danh, hay xuất hiện đưa đức Bồ Tát vượt qua những hoàn cảnh hiểm nghèo, không biết bao nhiêu lần nữa.

Ngoài ra, trong một số trường hợp, Ðế Thích (tiền thân A Nậu Lâu Ðà) còn muốn kích thích đức Bồ Tát (tiền thân Phật Thích Ca), để vị này tinh tấn trau giồi đức hạnh giải thoát hơn lên. Chẳng hạn như trong Túc Sinh truyện cuối cùng, Ðế Thích đã hóa thân thành một ông Bà la môn già yếu, để hỏi xin người vợ của đức Bồ Tát, hầu thử thách hạnh bố thí Ba la mật của vị nầy. (theo Jàtaka số 547).

Rồi trong một hoàn cảnh khác, Ðế Thích đã thử lòng quyết tâm bố thí Ba La Mật (Paramità) của đức Bồ Tát, bằng cách hỏi xin đôi mắt của ông (theo Jàtaka số 499).

Còn để thử hạnh kiên nhẫn và hòa dịu, Ðế Thích đã bêu nhục, chê bai sự xấu xí của đức Bồ Tát khi kiếp nọ Bồ Tát sinh ra không được đẹp trai cho lắm. Trước sự chê xấu, bêu nhục ấy, đức Bồ Tát đã ôn hòa trả lời rằng:

Tôi sở dĩ chịu quả bất hạnh nầy là vì trong kiếp trước tôi đã tối tăm làm nhiều điều ác độc! Nhưng trong kiếp nầy, tôi đang tinh tấn trau dồi thân, khẩu, ý, cũng như khuyến khích, khen ngợi mọi người xung quanh làm như tôi, để kiếp sau khỏi bị nhiều quả khổ.

Kế đó, Ðế Thích bảo với đức Bồ Tát rằng:

– Ông muốn ban cho đức Bồ Tát một điều ước, thì đức Bồ Tát lập tức xin được giải thoát khỏi các tật xấu như ác tâm, thù ghét, tham lam và khao khát. Xa hơn nữa, đức Bồ Tát (tiền thân Phật) còn tâm nguyện đừng bao giờ làm hại ai, và Ngài tự giảng giải rằng:

Tất cả những điều mong ước ấy, nếu thành tựu là do công hạnh và thiện nghiệp của một người thanh tịnh đã tạo, chứ không phải được một vua trời nào có thể ban cho cả” (theo Jàtaka 440: Túc Sinh truyện số 440).

Riêng trong hai Túc Sinh truyện số 429 và 430, thì Ðế Thích đã thử tính ưa chuộng đời sống đạm bạc của đức Bồ Tát.

Nhóm thuật sự tiếp theo kể chuyện đức Ðế Thích mời đức Bồ Tát lên cõi trời để chứng kiến những khung cảnh kỳ diệu, huyền bí trên Thiên giới. Loại thuật sự nầy đã được mô tả tượng trưng trong câu chuyện nhạc sĩ thổi tiêu tên Guttila rồi, xin khỏi dài dòng ở đây (theo Jàtaka số 243).

Riêng hai Túc Sinh truyện các số 541 và 494, tiền thân đức Phật đã sinh làm hai vị vua nhân từ tên là Nimi và Sadhina, thì tiền thân A Nậu Lâu Ðà cũng tái sinh hai lần làm Ðế Thích. Và ông (Ðế Thích) đã mời và dùng thần thông đưa hai vị vua sống theo phạm hạnh ấy lên viếng cõi trời.

Bây giờ nói qua những tiền kiếp A Nậu Lâu Ðà tái sinh làm người, chúng tôi xin chọn những mẫu chuyện sau đây:

Một kiếp nọ, tiền thân A Nậu Lâu Ðà sinh làm quan Tư vấn Bà la môn trong triều, được nhà vua kính chuộng, và thường hỏi về những hành động lợi ích và công bằng mà một vị minh vương nên phối hợp để cai trị toàn dân cho được hiệu quả. Quan Tư vấn thành thực nói rằng:

Hạ thần không thể trả lời câu hỏi ấy một cách thông suốt được. Nhưng hạ thần hứa sẽ cố gắng tìm ra một người đại trí, có thể giúp cho bệ hạ những ý kiến chính trị rất hay.

Rồi ông đi tìm đức Bồ Tát (tiền thân Phật) để cầu xin những pháp lành trị dân. (theo Túc Sinh truyện số 515: Jataka N. 515).

Còn khi tiền thân A Nậu Lâu Ðà sinh làm viên xa phu hoàng gia, một lần vì muốn tránh trận mưa to sắp đổ xuống, xa phu đã dùng cây nhọn húc vào hông ngựa, để thúc chúng chạy thật nhanh. Về sau, mỗi khi đi ngang qua chỗ ấy, hai con tuấn mã tự động chạy thục mạng, in tuồng hoảng sợ một cái gì đó đã làm cho chúng đau điếng bên hông.

Hiểu được nguyên nhân gây ra kinh hoàng cho hai con ngựa quí, luôn luôn tận lực chạy theo lệnh của mình, viên xa phu bắt đầu hối hận, tự trách đã không hành động đúng theo tinh thần của kẻ kỵ mã. (theo Jàtaka số 276).

Nhiều sắc thái nổi bật và nhiều tư liệu khác nhau, trong toàn thể Túc Sinh truyện nói về tiền thân A Nậu Lâu Ðà, đã cho chúng ta thấy một số điểm quy nạp: Ðó là đặc tính, là nghị lực, và các khía cạnh tâm lý chân thành của tiền thân ông, lúc nào cũng lo làm tròn bổn phận, duy trì sự bình an, và biết tìm ra nguyên nhân đau khổ của kẻ khác, kể từ đó có thể sửa lỗi, hay chia xẻ nỗi khổ với đối tượng. Các đặc tính và nghị lực ấy cũng chứng minh rằng: Sự thuần thục trong thiền định, cùng với sự chứng đắc Thượng thừa trong các loại thần thông, của Thiền Tăng A Nậu Lâu Ðà, vốn bắt nguồn từ những công phu, hay những kinh nghiệm đã qua trong quá khứ, nhất là trong các tiền kiếp sinh làm vua trời Ðế Thích, hay vua người, mà được gần gũi với tiền thân Phật (Bồ Tát).

 

[VIII]

A NẬU LÂU ÐÀ SAU KHI PHẬT NHẬP DIỆT

Theo kinh Ðại Niết Bàn, trong bộ Trường A Hàm số 16 (Mahà Parinibbàna Sutta – Dìgha Nikàya N. 16) thì Thánh Tăng A Nậu Lâu Ðà đã có mặt bên cạnh Bổn Sư, lúc đức Phật nhập Niết Bàn.

Khi ấy đấng Toàn Giác biết rõ sự sắp lìa bỏ nhục thân nầy, Ngài bèn nhập định vi diệu vào các bậc thiền, nhất là các bậc thiền Hữu Sắc và Vô Sắc. Rồi Phật an trú vào trong một đại Thiền pháp, tên gọi là “Diệt Thọ Tưởng Ðịnh” (Tiếng Pàli gọi là Sannà Vedaniya Nirodha)…

Sa-môn hầu Phật là Tôn giả A Nan Ðà đang buồn rầu, chợt quay hỏi Thiền Tăng A Nậu Lâu Ðà rằng:

– Bạch sư huynh! đức Thế Tôn đã nhập Niết Bàn chưa?”, thì được ông trả lời:

– Này A Nan Ðà! Sư huynh đã nhập định và dùng “Thiên Nhãn” theo dõi tâm Phật thì được biết Thần Quang của đức Bổn Sư đang an trú trong Vô Sắc thiền, bậc Diệt Thọ Tưởng Ðịnh.

– Kính bạch sư huynh! Sư huynh biết rõ đức Bổn Sư viên tịch, diễn tiến như thế nào, xin sư huynh từ bi thông báo cho.

“Này hiền đệ A Nan Ðà! Ðể theo dõi Thần Quang của đức Thế Tôn, tệ huynh đã phải nhập hết thiền Hữu Sắc (Rùpà Jhàna) đến thiền Vô Sắc (Arùpa Jhàna), vì trạng thái Phật tịch diệt không nằm trong phạm trù “Ngài muốn sống hay muốn chết”, mà sự “nhắm mắt kỳ diệu” ấy hoàn toàn nằm trong diễn tiến tự nhiên của thân nghiệp cuối cùng, trước khi Phật trở thành vô sanh bất tử! Nghĩa là Phật không chối bỏ xác thân này, nếu những tế bào của sự sống còn hoạt động, đồng thời Ngài cũng không mắc dính, bám víu vào sự sống hữu hạn, phù du, và xoay vần ấy. Ngài an trú ở các bậc thiền, theo thứ tự từ thấp đến cao (Nhất thiền lên Tứ thiền), rồi từ cao đến thấp (Tứ thiền trở lại Nhất thiền). Hết lên đến xuống và hết xuống lại lên như vậy, cốt để giữ cho nhục thân được quân bình, vừa “chờ” cho những tế bào cuối cùng “chủ trương” sự sống, chấm dứt hoạt động.

Và xuyên qua sự thông báo từng giây phút ấy của A Nậu Lâu Ðà, mà những đệ tử có mặt bên cạnh nhục thân đấng Toàn Giác đã biết được khi nào đức Phật thực sự viên tịch.

Lúc đức Thế Tôn xả báo thân, vĩnh viễn an nghỉ Niết Bàn, thì trời Phạm Thiên (Brahmà) và Ðế Thích (Sakka), chủ tể cõi trời thứ ba mươi ba, đồng thanh cúng dường quả giải thoát của Bậc Thiên Nhân Sư, bằng những câu kệ, nói lên luật Vô Thường, bất di bất dịch như sau:

” Tử sinh là luật luân hồi,
Có sinh, ắt tử, trời người không qua”.

Rồi người thứ ba tán dương sự nhập Niết Bàn linh diệu của đức Phật là A Nậu Lâu Ðà. Ông ứng khẩu ngâm mấy câu kệ rằng:

“Cao thượng thay là giờ nhập diệt,
Ðấng từ bi thanh khiết khôn lường.
Buồn, vui, sinh, tử… không còn,
Vượt ra tam giới, mười phương Niết Bàn”.

Tuy nhiên, những phàm Tăng, và một số Thánh nhân bậc thấp (còn tái sinh lại tối đa bảy lần nữa), vì lòng ngưỡng mộ đức Phật còn “chủng tử” ràng buộc, nên họ buồn khổ khóc than thảm thiết. Nhất là khi họ nghe Thiền Tăng A Nậu Lâu Ðà chính thức công bố sự viên tịch của đức Phật.

Trước hoàn cảnh như vậy, Thánh Tăng A Nậu Lâu Ðà liền khuyên giải họ. Và bằng tâm từ bi, ông đã làm giảm lòng phiền muộn của các đồng đạo bằng cách lôi kéo họ chú ý đến sự có mặt (nhưng mắt phàm không nhìn thấy) của rất nhiều Thiên Chúng tới lễ bái nhục thân đức Phật lần cuối cùng A Nậu Lâu Ðà nói:

– Nầy chư huynh đệ! Các Thiên chúng cũng đang buồn rầu, đau xót, tiếc thương, chẳng khác nào những phàm nhân, khi vừa mất một vị Phật. Nhưng hỡi chư Sa-môn huynh đệ! Lúc đức Bổn Sư còn sống, Ngài đã chẳng dạy cho chúng ta pháp Vô thường gây ra khổ não là gì? Và giờ đây pháp ấy đang được chứng nghiệm trước mắt quí vị, tại sao quí vị không nhớ lại lời Bổn Sư để bình tâm niệm tưởng ân đức của bậc Giải Thoát?

Tiếp theo, Thánh Tăng A Nậu Lâu Ðà và Tôn giả A Nan Ðà đã thức trọn đêm hôm ấy để cung hầu nhục thân đức Phật. Sáng hôm sau, A Nậu Lâu Ðà bèn yêu cầu A Nan Ðà đi công bố tin đức Thế Tôn nhập Niết Bàn đến chư Phật tử trong các làng lân cận, nhất là trong thành phố Kusinàrà.

Thế là hầu hết dân chúng địa phương, kể cả những người chưa thấm nhuần Phật giáo, chỉ cảm kích đức hạnh của đấng Giải Thoát mà thôi, đã tự động tập hợp, rồi dựng lên một lễ đài, và một giàn hỏa vô cùng trang nghiêm lộng lẫy, bằng những loại gỗ quí và trầm hương, để cử hành lễ Trà tỳ đức Phật.

Có một điều lạ là khi tám người thanh niên lực lưỡng, đồng loạt nâng nhục thân đức Phật đặt lên giàn hỏa, thì họ dù rán sức đến đâu cũng không làm được. Bất chợt họ rùng mình kinh cảm, và lập tức đến hỏi Thánh Tăng A Nậu Lâu Ðà, vì sao nhục thân của đức Thế Tôn lại có một trọng lượng lạ lùng như vậy. A Nậu Lâu Ðà vốn biết rõ lý do, bèn nói cho họ biết rằng các hàng Thiên chúng ước muốn cho cuộc lễ hỏa táng được thực hiện dưới một thứ tự khác. Nghĩa là qua trung gian của Thánh Tăng A Nậu Lâu Ðà, chư Thiên đã đề nghị với toàn thể Tăng và tín đồ có mặt, một nghi thức lễ Trà Tỳ đúng theo nguyện vọng của các vị vua trời.

Kinh chép: Khi chư Thiên Vương “cầu nguyện” xong, thì nhục thân của đức Phật bỗng trở thành nhẹ nhàng vô cùng. Mọi người chỉ cần để một ngón tay lên kim quan… là thân Phật cùng với mọi vật che chở tự động nâng lên cao, và di chuyển an ngoạ ngay ngắn tại trung tâm giàn hỏa.

Nếu về phía Thiên chúng, A Nậu Lâu Ðà đã tự động “tiếp xúc” với họ trong suốt cuộc lễ Trà tỳ, thì về phía phàm nhân, Tôn giả A Nan Ðà cũng lo việc đôn đốc, cố vấn dân làng, để những vật liệu cúng dường, thiêu đốt nhục thân đức Phật, được họ chọn lựa tinh khiết, kỹ càng hơn. Nói vắn tắt là hai vị Sa-môn huynh đệ nầy, mỗi người trách nhiệm một cảnh giới: Thiền Tăng A Nậu Lâu Ðà giao cảm, nghinh đón các hàng Thiên chúng, và Tôn giả A Nan Ðà tiếp xúc với cộng đồng phàm nhân (theo Trường A Hàm số 16: Dìgha Nikàya N. 16).

Sau lễ Trà tỳ, hỏa táng nhục thân đấng Giải Thoát, dưới sự chủ tọa của Ðệ nhất đệ tử Phật, tức Thánh Tăng Ðại Ca Diếp (Mahà Kassapa), A Nậu Lâu Ðà tuy ở địa vị một thánh Bất Lai A-la-hán, và cũng là thân nhân gần nhất của Phật Tổ, nhưng Ngài đã không tự nhận mình ở vai trò thừa kế Bổn Sư, lãnh đạo Tăng Già. Bởi vì khi sinh tiền, đức Thế Tôn đã không di chúc một giáo quyền đến đệ tử nào hết.

(Quí đạo hữu nào muốn biết do kỳ duyên chi, Trưởng lão Ðại Ca Diếp đã đến đúng lúc vào giờ chót, để chủ tọa lễ Trà tỳ nhục thân đức Phật, xin hãy đọc cuốn Gương Lành Thánh Ðại Ca Diếp, đã được dịch ra Việt ngữ và ấn tống.)

Ngay như Thánh Tăng Ðại Ca Diếp là vị Thượng Thủ có nhiều phẩm hạnh giống đức Phật nhất, và ông còn được toàn thể Tăng chúng, cũng như tín đồ hiện diện, đồng tâm suy tôn lên ngôi vi chưởng môn, để thay Phật hướng dẫn Tăng Chúng, mà Ngài cũng thanh tịnh từ chối, huống chi là A Nậu Lâu Ðà. Bởi cốt lõi Phật giáo là làm cho người Phật tử phải “độc lập”, tự mình hướng dẫn lấy mình, đi theo ánh sáng giải thóat của bậc Toàn Giác, chứ không cần một “giáo nhiệm” nào điều khiển cả. (Ý nói không trông chờ tha lực).

Tuy nhiên, Trưởng lão Ðại Ca Diếp cũng không phải không ý thức được trách nhiệm vô cùng quan trọng của mình trong thời “hậu Phật”. Nên vừa chứng minh xong lễ phân phối Xá lợi Phật cho các hàng vua chúa xây tháp tôn thờ, Ngài liền dời gót hướng về phía Vương Xá thành, khởi xướng triệu tập Ðại Hội năm trăm Thánh nhân Bất Lai (A-la-hán), để nhắc lại tất cả những lời Phật dạy, hầu lưu truyền phúc âm đến các đời sau. Và đó là cuộc kết tập Kinh Ðiển Phật Giáo lần thứ nhứt.

Sách chép: Tôn giả A Nan Ðà (đại đệ tử hầu cận Phật cho đến giây phút cuối cùng) lúc ấy chưa đắc quả A-la-hán, có thể bị đại hội không mời dự, nên Thánh Tăng A Nậu Lâu Ðà đã thúc giục ông hãy tinh tấn vượt bực, để mau hội nhập vào Thánh giới Bất Lai, mới tham gia đóng góp cuộc kết tập Phật ngôn được.

Kết quả, chỉ trong vòng một thời gian ngắn, Tôn giả A Nan Ðà, với sự quyết tâm tinh tấn, đã diệt tận tham sân si phiền não, đắc quả A-la-hán rồi dùng thần thông nương vào một tia sáng, bay vào tham dự hội nghị, trước sự hoan hỷ, tán dương của bốn trăm chín mươi chín vị Thánh nhân A-la-hán.

Diễn tiến cuộc kết tập Kinh Ðiển Phật Giáo lần thứ nhất, dưới sự chủ tọa của Thánh Tăng Ðại Ca Diếp, có thể trình bày tóm tắt như sau:

  1. Tôn giả A Nan Ðà tụng lại tất cả những bài pháp dài ngắn khác nhau, đủ loại chủ đề khuyến thiện và phân tích, rồi sau đó ghi chép, kết tập thành một “rổ”, gọi là Tạng Kinh (Sutta Pitaka).
  2. Thánh Tăng Upàli thuật hết những điều Luật, và điển tích mà đức Thế Tôn đã căn cứ vào đó, để chế ra các phần răn cấm (như Tỳ kheo giới, Sa di giới, Tỳ kheo Ni giới, Sa di Ni giới cho các bậc xuất gia, và Thập giới, Bát giới hay Ngũ giới cho những hàng cư sĩ. Toàn thể luật cấm được kết tập chép lại thành một “rổ”, gọi là Tạng Luật (Vinaya Pitaka).

Trong kỳ kết tập Kinh Ðiển Phật Giáo lần thứ nhất nầy, năm trăm vị A-la-hán chỉ thuật lại nguyên văn lời Phật nói, rồi lập thành hai Tạng là Tạng Kinh và Tạng Luật mà thôi! Riêng “Tạng Luận” (Abhidhamma Pitaka) về sau xuất hiện, là nhờ các cuộc kết tập Kinh Ðiển Phật Giáo nối tiếp, đã phân tích và xếp loại những Phật ngôn trong Tạng Kinh ra thành hai phần: Phần thứ nhất nặng vần khuyến thiện, được tiếp tục gọi là Tạng Kinh (Sutta Pitaka). Còn phần thứ hai dành phân tích tâm thức, được gọi là Tạng Vi Diệu Pháp (Abhidhamma Pitaka), hay còn gọi là Tạng Luận.

Từ đó, chúng ta có thể nhận thấy rằng: Thánh Tăng A Nậu Lâu Ðà đã từ bi khuyến khích và tiếp độ vị sư đệ của ông (ám chỉ Tôn giả A Nan Ðà), ngay sau khi đức Thế Tôn tịch diệt, để đưa vị Sa-môn nầy vào thánh giới giải thoát, chấm dứt vòng sinh tử luân hồi.

Và Phật giáo được kết tập thành Tam Tạng Kinh Ðiển có hệ thống đó, đã lưu truyền cho đến ngày nay, xuyên qua hơn hai mươi lăm thế kỷ, và sẽ còn tiếp tục lưu truyền, gieo phúc lành cho chúng sanh, nhân loại, mãi đến thời mạt pháp, sau năm ngàn năm.

Theo kinh Trường A Hàm thì trong đại hội kết tập Kinh Ðiển Phật Giáo lần thứ nhất ấy, Thánh Tăng A Nậu Lâu Ðà đã hợp tác một cách tích cực với sư đệ là Tôn giả A Nan Ðà, để thuật lại toàn thể bộ kinh Tăng Chi A Hàm (Anguttara Nikàya).

Sau cùng, liên quan đến sự viên tịch của A Nậu Lâu Ðà, chúng tôi không tìm thấy một chỗ nào trong điển tích Phật giáo, nói rõ tuổi thọ, ngày giờ và địa điểm nhắm mắt chính xác của vị Thánh Tăng nầy, ngoại trừ những câu kết thúc một loại hai chục bài kệ, do chính A Nậu Lâu Ðà thốt ra. Những câu kết thúc các kệ ngôn ấy, có vẻ gián tiếp nói về nơi nhập diệt của ông. Chúng tôi xin mạn phép phỏng dịch ra văn vần Việt ngữ, để cống hiến chư vị Phật tử xa gần, vài bài kệ ngôn ấy như sau:

“Niềm tin Phật, bần Tăng không lay chuyển,
Và Phật ngôn cũng thực hiện chu toàn
Cái ngã làm người, trời, thú… không còn.
Vòng sinh tử trọn kiếp nầy là hết.

*

Vườn “Vệ Lữ” (1) miền “Va Chân” (2) sẽ chết,
Xác thân nầy trả cát bụi, thời gian…
Dưới bóng tre xanh, nơi nhập Niết Bàn.
Sạch phiền não, ấy tận cùng giải thóat”.

(theo hai Tôn Túc Kệ Ngôn số 918, 919: Theragàthà N. 918-919)

– Hai địa danh “Vệ Lữ” (1) và “Va Chân” (2) trên đây do dịch giả mạo muội “Việt hóa” do hai từ ngữ Pàli là “Veluva” và “Vajjian” để dễ diễn tả ra Kệ Ngôn. Vả lại, khi y cứ nơi bài kệ sau cùng nầy (do chính Thánh Tăng A Nậu Lâu Ðà nói, thì ông đã nhập diệt trong vườn Veluva, thuộc xứ Vajjian đó.

Ngày nay, nếu chúng ta nhìn vấn đề theo khía cạnh lịch sử địa phương và so sánh cách thức tổ chức xã hội thời cổ Ấn Ðộ, thì vùng Vajjian nói trên là nơi ngày xưa phát xuất nền “Cộng Hòa” đầu tiên trên thế giới. Vì thuở ấy lãnh thổ này đã được quản trị bởi một Hội Ðồng Bô Lão, do toàn dân bầu, dưới sự chủ tọa của một niên trưởng, chứ quốc gia không “được” cai trị bởi một tiểu vương như những nơi khác.

Và với tấm lòng chân thành ngưỡng mộ vị Thánh Tăng có THIÊN NHÃN THÔNG siêu đẳng, có trong các hàng cao đồ đại Thinh Văn, đệ tử của đức Phật, dịch giả xin kết thúc tập “A Nậu Lâu Ðà” độc đáo nầy.

Dịch xong tại Paris , ngày 17 tháng 12 năm 1993
N
guyễn Ðiều

-ooOoo-

Bài thơ

CÚNG DƯỜNG THÁNH ANURUDDHA (A NẬU LÂU ÐÀ)

Thiền tâm như đá, thân như núi
Núi, đá khôn lay giữa gió ngàn
Thánh định đắc rôi, thông tất cả
Luân hồi dứt nghiệp khổ lang thang.

*

Nhiều kiếp người làm vua Thiên giới
Lắm khi vương tước cõi trần gian
Hạnh phúc cũng từng hơn xã hội
Nhưng người không nhiễm tật tham, sân.

*

Ðời sống cuối cùng nhờ hướng thượng
Hành theo gương Phật, định tâm thần
Ánh sáng Bồ đề từ vô lượng
Bừng lên vẹt hết bóng vô minh.

*

Người đã nhập vào trong Thánh giới
Nhãn căn đắc chứng một thần thông
Ba cõi, sáu đường “tâm chỉ gợi”
“Hiện ngay trước mắt”, diệu vô cùng!

*

Tuổi thọ hết rồi, người viên tịch
Trong vườn tre mát, lá mông lung
“Thần Nhãn Niết Bàn là ngọc bích
Ðưa người ra khỏi khổ xoay vòng.

*

Ðệ tử giờ đây lòng thanh tịnh
Cúng dường Thiền Thánh tánh như không
Người đã là Sen qua sử tích
Hương Thơm còn khắp cõi vô cùng.

(Nguyễn Ðiều cẩn đề)

-ooOoo-

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app