Phần 1 – Thời Kỳ Ra Đời Của Các Bộ Sử Thi

THỜI KỲ RA ĐỜI CỦA CÁC BỘ SỬ THI

Giai đoạn này được gọi là Mahākābyayuga, thời kỳ ra đời của các pho sử thi. Tức là khi người Ariyans đã trở thành cựu dân của Ấn Độ, đã thiết lập nền văn hóa của mình một cách chắn chắn tại đó thì lúc ấy là khoảng từ 700 năm đến 250 năm trước Phật lịch. Ngay trong giai đoạn này, trận chiến tranh giữa người Aryans với nhau xảy ra, là dòng vua Pandava đánh với dòng vua Korava, cuộc chiến đẫm máu kéo dài 18 ngày tại kinh đô Kurukhetta. Điều trớ trêu là cả hai bên đều là anh em với nhau nên trận đánh cũng mang tên theo tộc tánh của họ là Mahābhāratayudha (cuộc đánh nhau của các anh em nhà Bhārata).

Bộ sử thi Bhagavāgītā được sáng tác dựa trên biến cố ấy, nhưng thời điểm ra đời của nó cách trận đánh cả trăm năm sau. Điểm cốt yếu của Bhagavāgītā là mượn bối cảnh chiến tranh để lồng vào đó một quan điểm tri thức nêu rõ những mâu thuẫn, xung đột của nội giới tâm linh con người dựa trên ý thức thần quyền, mà vai chính trong sử thi này là Krishṇā, bạn của vua Ajjuṇṇa. Bối cảnh trong sử thi cũng là tại Kurukhetta, nhưng lời kể chuyện trong đó thì được hư cấu là do Sañjaya, xa phu của vua Dhataraṭṭha đồng thời cũng là một tướng soái của thái tử Durayojana, con ruột vị vua này. Vì vua Dhataraṭṭha vốn mù mắt nên tác giả đã hư cấu cho xa phu Sanjaya của vua là người có thiên nhãn thiên nhĩ đem tin chiến sự từ mặt trận kể lại cho vua nghe.

Những điểm được xem là tinh hoa của Bhagavāgītā như sau:

-“Con người phải lấy hành động đúng đắn làm trọng mà không cần biết mình sẽ bị thua thiệt như thế nào; bản tính cá nhân, ích kỷ phải được trừ diệt, không nên vì lợi ích của mình mà tráo trở, gian dối hoặc quên đi lợi ích của người khác”

Như lời thần Krishṇā đã nhắc nhở vua Ajjuṇṇa rằng khi ra trận mạc, dù cho đối phương của mình có bại trận cũng không nên giết họ. Thần Krishṇā đã có lời thần khải dựa trên quan điểm như sau, trích theo nguyên văn sử thi:

-“Hỡi Ajjuṇṇa! Những ai là bậc dõng lực giữa loài người, là bậc đã thể nhập bất tử tánh (Amatabhāva) thì họ đều là những vị đã tịch hóa nội tâm, không còn bị tình cảm nhiễu động, họ chỉ có một thứ tâm trạng duy nhất, đó là thương hoặc ghét mà thôi, không có cái gì là chân lý cũng không có cái gì là giả vọng. Ai thấy được pháp chân thường (Saccadhamma) người ấy cũng thấy được điều thông thường (Dhammajāti), vị ấy thấy rõ hai phương tiện này một cách rốt ráo. Nên biết rằng qui luật này phổ cập khắp vũ trụ và tồn tại bất hoại, không ai có thể phá vỡ những điều bất hoại ấy được. Thể xác này có thể tan rã được, nhưng “cái con người” của thể xác vật chất này là bất hoại vĩnh hằng. Hãy chiến đấu đi, hỡi Ajjuṇṇa, con người thánh thiện hữu hạnh! Ai còn chấp rằng bản ngã nào là kẻ giết, bản ngã nào là kẻ bị giết thì sẽ không liễu ngộ như chân. Bản ngã này không giết ai mà cũng không bị ai giết, bản ngã này vô sinh mà cũng bất tử. Tuy nó không sanh không tử nhưng nó không phải là hư vô, chỉ nên biết là bản ngã ấy vô sinh bất tử bất hoại trường tồn. Bản ngã vốn có sẵn tự bao giờ và sẽ không bao giờ mất đi, cho dù thân xác này có rã tan…”

“Khi quán triệt được bản ngã như vậy, Ngài không nên vì cớ gì mà lung lay hay thối chuyển quan điểm đức hạnh của mình. Vì rằng đối với hàng Sát Đế Lị không có gì thiêng liêng hơn cuộc chiến đấu thiện mỹ đúng pháp. Hỡi này Ajuṇṇa:  nếu Ngài thực hiện cuộc dấn thân vào một trận chiến môi giới ở tự thâm tâm mình mà không tầm cầu một trận chiến ngoại giới nào thì đó chính là cửa ngõ dẫn vào thiên đường và nếu Ngài khước từ chối bỏ trận chiến nội tâm như vậy, Ngài cũng bị xem như đã tạo một ác nghiệp, mọi người sẽ phỉ nhổ chống báng Ngài, vì rằng các hư danh phù du của sự chiến thắng ngoại giới còn thua cái chết nữa…”

Bộ sử thi Bhagavàgità được xem như là phó bản của Upanishad (Áo nghĩa thư), nó chứa đựng nghĩa lý tinh yếu của Upanishad, bộ thánh thư đại diện cho nền trí thức về Phạm Thiên. Kể từ khi Bhagavàgità đổi tên thành Siri Maddabhagavàgità thì nó trở thành bộ sử thi quan trọng của hậu thế và nhân vật Krishna trong đó đã được tôn xưng là hiện thân của thần Vishnu, bậc đạo sư vô thượng của loài người.

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app