Phần 1 – Mức Tiến Bộ Của Dân Ariyans Về Các Mặt

MỨC TIẾN BỘ CỦA DÂN ARIYANS VỀ CÁC MẶT

  1. Sinh kế:

Người Ariyans phần đông đều sống bằng nghề chăn nuôi và canh tác hoa màu. Họ biết đồ dùng kim khí, biết làm việc có tổ chức, phương pháp hẳn hoi. Họ cũng biết thế nào là tình yêu quê hương xứ sở. Người Ariyans cũng khá thành công trong việc chăm nom ruộng đất, bảo vệ đất đai. Sau đó, dần dần họ cũng tiến xa hơn nữa trong ngành công nghiệp, biết làm nhiều nghề thủ công, buôn bán. Ban đầu chỉ buôn bán với nhau, sau đó cũng đi buôn bán ra xứ ngoài, rồi họ cũng biết dùng ghe thuyền làm phương tiện để di chuyển và chuyên chở.

  1. Phương cách cai trị:

Buổi đầu, nhóm người Ariyans chỉ sống thành một bộ tộc nhỏ nên chỉ có một tù trưởng bộ lạc đứng ra coi sóc mọi người. Đến khi dân số của họ đã tăng lên nhiều, họ bèn lựa chọn một người có khả năng thực sự để giao trọng quyền cai trị, từ đó mới có việc tuyển cử và kẻ đắc cử được gọi là Sammatirāja (vị vua do ý kiến bổ nhiệm của quần chúng) có quyền hành trong mọi việc lớn nhỏ, nhưng sau đó dân Ariyans đã thay đổi bộ máy cai trị thành hai lề lối:

  1. a) Samapūranānāsiddhirāja: Ở hệ thống cai trị này, kẻ đứng đầu mọi người là đức hoàng đế, sau ngài còn có các vị đại thần, tướng lĩnh, chiến sĩ phân theo từng thứ lớp ngạch trật. Còn về đất đai thì hệ thống triều đình này quy định cứ mỗi vùng lớn nhỏ đều có một người trông coi. Đây là chế độ quân chủ lập hiến thời đó.
  2. b) Abhijanādhipateyya (hay còn gọi là hệ thống cai trị Samaggidhamma) Đây là lối cai trị theo hệ thống cha truyền con nối,  hoàng tộc thay nhau trị vì và truyền thừa vương nghiệp, mặc dù giữa hai chế độ cai trị này vẫn có những điểm quan trọng tương đồng nhau nhưng theo hệ thống cai trị sau thì phần lớn đất đai chỉ cấp phát cho người trong hoàng tộc. Có thể tạm gọi đây là chế độ quân chủ chuyên chế.

Từ việc phân chia lề lối cai trị giữa các vùng của giống người Ariyans như vậy đã dẫn đến tình trạng sử dụng gián điệp, từ việc biết dùng ngựa để cưỡi đã tạo ra một giai cấp tiện dân mới là dân xa phu, mã phu. Dần dần rồi mọi đường lối cai trị cũng thay đổi, chiến tranh đôi khi cũng xảy ra nhưng không trầm trọng, rồi có những triều đại lại tập trung năng lực vào vấn đề giáo dục, văn học cùng những phát triển đạo đức. Ở những thời kỳ đó, con người được đánh giá qua phương diện đức hạnh. Kẻ chiến thắng lúc đó phải là kẻ hơn người về đức hạnh và chính cái hơn đó mới được xem là anh hùng quân tử chớ không phải sự chiến thắng ngoài trận mạc.

  1. Đoàn thể:

Vì tình trạng ô hợp của các dân tộc trên đất Ấn cũng như phương diện địa lý khá phức tạp và điều đáng kể là sức tác động từ các giới tu hành đã gây nên sự phân chia giai cấp trong xã hội giữa những con người mà xưa nay chỉ biết sống để sống. Các tu sĩ, Bà-la-môn thời bấy giờ đã đưa ra thuyết Đại hồn, Phạm ngã. Họ cố nhồi sọ mọi người là: Mọi sự sinh tồn trên đời đều do đức Phạm thiên mà có, chính Ngài đã sắp xếp hẳn hoi  các ngôi thứ cho  mọi loài, cái gì cũng do Ngài quyết định và an bài cả. Sau đây là các giai cấp trong xã hội mà người Bà-la-môn đã phân ra bằng cách dựa vào Phạm thiên.

a)Brāhmana: Giới tu sĩ Bà-la-môn

Đầu tiên thì họ chỉ là những người chuyên lo việc thờ cúng, quét dọn đèn miếu, là những ông từ được mọi người trợ cấp thôi, nhưng dần dần đã trở thành những vị giáo sĩ tư tế, chủ tế có uy tín hơn. Họ lợi dụng niềm tin của quần chúng để tạo thế lực cá nhân, họ tự xưng rằng mình được sinh ra từ miệng Phạm thiên, từ Thượng ngã chí tôn.

  1. b) Khattiya: Giai cấp vua chúa hay chiến sĩ.

Đây là những kẻ nắm quyền điều hành xã hội, cai trị mọi người như vua, quan, tướng lĩnh. Các Bà-la-môn cho rằng những người này được sinh ra từ ngực hoặc cánh tay của Phạm thiên.

  1. c) Vessa: Giới trung lưu (phú nông, phú thương)

Đây là những kẻ sống bằng nghề chăn nuôi, canh tác, buôn bán một cách tự do. Giới tu sĩ Bà-la-môn cho rằng hạng này được sinh ra từ bắp vế Phạm thiên.

  1. d) Sūda: Giới lao động hạ cấp.

Hạng này được xếp gần giống như các bộ lạc mọi rợ, họ suốt đời chỉ biết sống đời ti tiện, nghèo khổ như nô lệ, phu khuân vác, tá điền…, các tu sĩ Bà-la-môn nói rằng hạng này được sinh ra từ bàn chân của Phạm thiên.

Từ sự phân định giai cấp theo thân thể Phạm thiên như vậy nên giới Bà-la-môn chấp rằng mình là con cháu hậu duệ của Phạm thiên bởi được sinh ra từ miệng Ngài, chỉ có họ mới thực sự cao quí nhất nhưng vì binh quyền quân lực đều nằm trong tay hạng Vua chúa nên các Bà-la-môn tối đa chỉ làm đến các chức quan lại trong triều đình mà thôi. Buổi đầu, quan niệm về sự phân chia giai cấp chỉ ở mức hời hợt như người ta chỉ cần thay đổi nghề nghiệp sinh kế, thay đổi lối sống là có thể chuyển giai cấp của mình. Nhưng càng về sau này thì sự phân chia ấy càng trầm trọng rõ rệt hơn. Người ta không còn chấp nhận những cuộc hôn nhân với một kẻ không cùng giai cấp, ngay cả ba giai cấp trên cũng vậy, cũng phân biệt, kỳ thị nhau. Ngoài ra, ở xã hội Ấn Độ thời đó còn có một hạng tiện dân nữa, đó là những kẻ hoàn toàn không nhận được sự kính trọng trong xã hội mà người Ariyans gọi là dân Caṇḍāla (Chiên-đà-la) họ bị khinh rẻ cùng cực, không giai cấp thượng lưu hoặc trung lưu nào dám đến gần hay tiếp xúc với họ, dù chỉ dẫm chân lên cái bóng của dân Chiên-đà-la, giới quý tộc cũng cảm thấy kinh tởm, hoặc khi gặp phải người Chiên-đà-la ngoài đường thì các giai cấp khác xem như mình đã gặp xúi quẩy, quỉ ám, cần phải về nhà làm lễ tẩy trần tống ôn thật gấp để xua tan cái xui xẻo nọ. Tuy thế, tùy theo mỗi triều đại mà quan niệm kỳ thị giai cấp này trầm trọng hay không, chẳng phải lúc nào cũng vậy. Thế nhưng cho đến nay tại Ấn Độ vẫn còn tình trạng này.

Theo các Kinh sách cổ Ấn ghi lại thì đối với những kẻ Chiên-đà-la, nếu muốn biến đổi giai cấp của mình thì cũng có thể được, bằng cách tích trữ thật nhiều tài sản hoặc đi tu. Mọi người sẽ dựa vào trong hai tiêu chuẩn này mà quên đi giai cấp cũ của anh ta. Cho nên đôi khi vẫn có những đại ẩn sĩ, đại phú gia, thậm chí đến vua chúa cũng xuất thân từ giai cấp Chiên-đà-la và họ vẫn được kính trọng như đối với một kẻ quí tộc chính thống

  1. Văn hóa giáo dục.

Việc học hành thời xưa bên Ấn Độ cũng phân định theo từng giai cấp trong xã hội. Tức là giới tu sĩ Bà-la-môn chuyên học hỏi nghiên cứu về tôn giáo, nghi lễ cúng tế, về ngôn ngữ học, thi ca…, còn giới hoàng tộc thì chỉ học về binh thư võ học, vương sách bá lược. Người nào tinh thông những môn học trên đây thì được tôn xưng là bậc Disāpāmokkha, vị danh sư của thiên hạ. Sĩ phu thời ấy cũng chia ra thành hai hạng:

  1. a) Hạng hàn sĩ, khỏi phải trả học phí, chỉ lo phụ giúp việc nhà cho vị giáo sư là đủ.
  2. b) Hạng bạch diện thư sinh, công tử bột, vì muốn học cao, học rốt ráo chương trình nên phải trả học phí thật cao, các lớp học cao cấp này rất khó mà theo đuổi được vì có những người thiếu điều kiện nên phần lớn chỉ có con cái các gia đình quí tộc. Và phương pháp giáo dục thời đó là khẩu truyền tâm thọ (Mukhapātha), thầy trò chỉ dạy và học bằng miệng, không có bài vở biên chép nên mặt lý thuyết, giáo trình hoàn toàn tùy thuộc vào sức cường ký của vị giáo sư, ông thầy nhớ được cái gì thì học trò học được cái ấy. Địa vị của những vị giáo sư Disāpāmokkha ngoài xã hội rất được trọng vọng, nể vì bởi họ là bậc thầy của thiên hạ, từ vua quan chí dân thứ. Ngoài hạng giáo sư Disāpāmokkha còn có một hạng giáo sư nữa gọi là Piṭṭhatācariya, tức phó giáo sư hay ta có thể gọi là thầy đồ, thầy trợ giáo. Tuy địa vị và kiến thức không bằng vị Disāpāmokkha nhưng cũng có kiến văn đáng kể.
  3. Kinh tế:

Như đã nói, đời sống của người Ấn xưa chủ yếu là bằng nghề nông, nghề canh tác, buôn bán, chăn nuôi cùng một số nghề thủ công khác mà hầu như nghề nào cũng được học canh tân, cải tiến không ngừng. Có tài liệu cho biết nghề chăn nuôi của người Ấn thời đó rất phát triển, nhiều gia đình nuôi hàng trăm ngàn gia súc, chẳng biết điều đó có ngoa hay không, nhưng ta phải nhìn nhận là hiện nay ở Ấn Độ truyền thống về các nghề nghiệp ấy vẫn tồn tại và ảnh hưởng đến đời sống mọi người. Vào thời ấy, phần nhiều các nô lệ đều phải cật lực làm lụng để tạo ra sản phẩm cho các ông chủ của họ nên sau cùng họ cũng vẫn sống cuộc đời cơ cực nghèo khổ. Từ hoàn cảnh này, các đạo giáo mới đưa ra lời khuyên mọi người hãy biết rộng rãi, giúp đỡ lẫn nhau. Thế là trong thánh thư của mỗi tông phái đều có thêm pháp bố thí. Rồi chính vì vậy mà giữa xã hội người Ariyans với nhau lại nảy nở ra những điểm xung khắc, đối lập về nhiều mặt.

  1. Tôn giáo:

Tôn giáo là dấu mốc về sự tiến bộ tâm linh của loài người dựa trên các điều kiện tác động từ xã hội. Vì rằng những vấn đề về tri thức, tín ngưỡng bao giờ cũng là những vấn đề được xoay vần torng đời sống nên tôn giáo thời bấy giờ ở Ấn Độ nghiễm nhiên trở thành một cái gì đó vừa nhu cầu vừa ước lệ mà cũng gần như là cứu cánh trong đời sống của xã hội, và cũng chính vì thế, tôn giáo lại càng trở nên một vấn đề cần phải được sâu sắc hóa, hoàn chỉnh hóa hơn nữa. Quá trình chuyển biến đó của lĩnh vực tôn giáo tại cổ Ấn thời ấy được hình thành qua trình tự sau đây:

  1. a) Buổi sơ thời: Các dân tộc cổ Ấn tập trung tín ngưỡng của mình vào việc tin tưởng, thờ cúng sơ cấp như  núi non, sông biển, thú vật, lửa, nước… Họ cho đó là những gì linh thiêng nhất, đó là nguồn gốc của tạo vật muôn loài, họ chấp rằng từ đó mình được sinh ra và hiện hữu, rồi lập ra những tín điều cho chủ kiến đó. Nền tín ngưỡng này bắt nguồn từ các bộ lạc thượng cổ.
  2. b) Thời kỳ dân Ariyans du nhập vào Ấn Độ: Giống dân Ariyans vốn sẵn chủ trương việc thờ cúng các biểu tượng trời đất nên họ đã đem tín ngưỡng đó cùng du nhập vào đất Ấn. Họ thờ cúng mặt trăng, mặt trời, thần sét, thần mưa, thần gió, thần lửa… Dần dần rồi họ kết hợp tín ngưỡng của mình với nền tín ngưỡng của dân bản xứ để tao ra một thần tượng mới mang tính chất sống động, linh hoạt hơn, đó là Thượng đế,  đấng sinh thành của vạn loài. Và từ sự kết hợp đó đã làm nảy sinh một manh nha mới nữa trong tư tưởng mọi người là sự chuyển đổi như sau:

+Chủ trương thờ cúng ma quỷ:

Dân cổ Ấn cho rằng con người ta khi chết rồi dù thân xác có rã tan nhưng thần thức vẫn tồn tại bất diệt và thần thức ấy cũng vẫn phải ăn uống như người sống, thế là họ bày ra chuyện cúng kiến, giỗ kỵ. Họ còn cho rằng cái vong hồn tức thần thức nọ có thể nhiễu hại, hay phò hộ người sống. Rồi để cho cái vong hồn đó được vừa lòng họ đã đưa ra đủ mọi cách thức cúng tế rườm ra. Sau đó, họ cho rằng mỗi vong hồn sau khi chết sẽ bị dẫn đi sang thế giới của Diêm Vương nên khi cúng tế vong hồn người chết, họ cũng dâng lễ cho thiên thần để các vị này tiếp dẫn, và phò trợ vong hồn họ. Rồi từ những quan niệm đó họ còn cho rằng không có con cái sau khi chết sẽ bị đọa vào một địa ngục tên là Putta, cho nêncó rất nhiều tranh luận về vấn đề có con nối dõi hay không.

+Chủ trương thờ thiên thân:

Từ sự kết hợp tín ngưỡng của dâng Ariyans đã làm nảy sinh ra chuyện thiên thần, ma quỷ. Bởi họ muốn đối tượng thờ cúng của mình có chút gì đó sống động và linh thiêng hơn, nhiều sức thu hút hơn. Họ phân ra ba hạng thiên thần: một hạng sống trên mặt đất, một hạng sống trên hư không và hạng cuối cùng là những thiên thần trên tiên giới. Vào thời kỳ thánh thư Veda ra đời, người ta còn thêu dệt thêm rất nhiều huyền thoại về khả năng, uy lực của các thiên thần mà họ tôn xưng là những đấng chí tôn.

+Đạo Bà-la-môn (Bà-la-môn giáo):

Quá trình hình thành của Bà-la-môn giáo rất mập mờ nhưng điều chắc chắn nó là xuất phát từ các tín ngưỡng của dân Ariyans với tín ngưỡng của các dân tộc bản xứ Ấn Độ. Nhưng theo các Bà-la-môn thì họ cho rằng tôn giáo của mình đã có từ rất lâu đời, ngay cả những cổ thư Bà-la-môn giáo cũng nói là có việc biên soạn, sáng tác của các đại giáo sĩ Bà-la-môn đã có trước khi nền sử học được thành hình. Trước thời kỳ Đức Phật, Bà-la-môn giáo đã chia ra từng giai đoạn thời kỳ như sau:

-Thời kỳ Veda: giai đoạn này ở trước thời Đức Phật khoảng từ 1000 năm đến 1500 năm, nhưng bộ Thánh thư Veda được sáng tác từ từ chứ không phải một lần, mà bộ đầu tiên của Thánh thư này là Rigveda hay còn gọi là Saruti. Phần nội dung tinh yếu của Thánh thư Veda được sắp xếp như sau:

  1. a) Rigveda: Bộ sách ghi chép những thánh ca tán dương thần thánh và những lời cầu nguyện.
  2. b) Yajuveda: Bộ sách ghi chép về các huyền thoại của thần thánh và các nghi thức tôn giáo.
  3. c) Samāveda: Bộ sách ghi chép những câu tụng đọc trong lễ hiến tế thần lửa, tức những lời kêu gọi thiên thần đến nhận lễ
  4. d) Atthaveda: là bộ sách sau cùng của Thánh thư Veda, nó được ra đời sau hết. Nội dung của bộ sách này là phần gom lại các thần chú trích lục từ ba bộ Veda trước để làm thành một bộ mật ngữ chân ngôn dùng trong việc tụng ngăn ngừa các tai ách.

Dầu gì đi nữa, ta cũng phải nhìnnhận rằng Thánh thư Veda là một công trình sáng tác thật lâu đời của nhân loại. Vì là một tôn giáo đa thần (Bahudevaniyama) nên Bà-la-môn giáo chủ trương thờ cúng rất nhiều vị thần thánh mà ngôi thứ, chức năng của từng vị cũng thay đổi bất chừng. Khi thì vị này tối tôn, khi thì vị kia tối đại, mãi cho đến lúc quan niệm về Phạm thiên được ra đời thì Bà-la-môn giáo xem như đã khá tiến bộ. Vấn đề Thượng ngã, Thường ngã đã có từ trước nhưng khi chủ trương Phạm thiên có rồi thì cyúng không còn ở địa vị độc tôn nữa bởi Phạm thiên được tôn xưng là vị thiên thần của chư thiên thần.

Bản tướng của Phạm thiên theo Bà-la-môn giáo được thể hiện như sau:

Phạm thiên là một pháp tánh vô lượng, vô biên, vô cực, Phạm thiên thuộc trung tính, vì chẳng là nam tính cũng không phải nữ tính. Quan niệm về Phạm thiên của Bà-la-môn giáo rất mơ hồ, nó như là một cái gì cụ thể thuộc tâm linh siêu hình, trừu tượng hơn là vật chất cụ thể. Như các tu sĩ Bà-la-môn thường đưa ra câu hỏi: Ta là ai? Thì câu trả lời phải là: Ta là một phần của Phạm thiên. Chính ý thức đó đã dẫn đến nền tri thức bản ngã, họ cho rằng Phạm ngã là vô biên tánh (Anantabhāva), bất tử tánh (Amatabhāva), ai thể nhập điều này sẽ chấm dứt luân hồi.

Bộ sách cùng ra đời với nền tri thức này là bộ Upanishads (Áo nghĩa thư), một nhánh nhỏ của thánh thư Veda, trong đó, nội dung của nó cũng có đề cập về tính chất sinh diệt của vạn vật, nhưng lại đề cập theo quan điểm như sau:

“Mọi thứ mọi loài đều được sinh ra, tồn tại và biến diệt dưới sự điều hành của đấng Phạm thiên, bản ngã (Atman) của mỗi người là một phần lấy ra từ Phạm thiên, nên bản ngã ấy là vĩnh hằng bất hoại và khi nào con người đã thật sự thoát khỏi tầm ảnh hưởng của tham dục thì khi ấy bản ngã mới được hạnh phúc. Khi đã giải thoát khỏi đau khổ rồi, người Bà-la-môn vào Niết-bàn với cái tiểu ngã tối thiểu của mình”

– Những điểm tinh yếu của Bà-la-môn giáo:

Các quan điểm tri thức cốt lõi của đạo Bà-la-môn phần lớn đều tập trung ở bộ Upanishads (Áo nghĩa thư), bộ sách mà sau này đã trở thành thánh thư đầu giường cho Ấn Độ giáo. Những điểm căn bản ấy là:

+ Mọi loài đều xuất phát từ tối thượng tức là cái chân ngã bất tử,  chân ngã ấy sản sinh ra linh hồn mọi loài. Cũng có lúc chân ngã ấy được gọi bằng danh từ Paramatman (chí thượng ngã), còn linh hồn của vạn vật thì gọi là atman, attā jiva (bản ngã, bản mệnh)

+ Phạm thiên và chân ngã chính là một, không thể tách rời nhau, đây là nguồn gốc sinh tồn của mọi loài hữu thức, Phạm thiên và chân ngã là bản thể thật của vạn pháp.

+ Thế giới loài người là thế giới của ngũ trần, chủ thuyết nào cho rằng thế giới này không liên hệ gì với bản ngã thì chủ thuyết ấy là hư ngụy, huyễn hóa, bởi vì thế giới ngũ trần này chính là một phần lấy ra từ Phạm thiên.

+Khi còn sống trong đời này, con người đã đặt niềm tin vào những thần tượng phù du nên kết quả của niềm tin đó cũng là giả tạm khói sương, không đáng ôm ấp chấp thủ. Chính vì thế, tất cả đều cần phải đạt đến một sự giải thoát thật sự, một sự thoát ly hoàn toàn đối với mọi trói buộc hệ lụy.

+ Việc con người giải thoát khỏi các phù du giả tạm đó luôn luôn tùy thuộc vào quá trình sinh tử luân hồi và sức tác động của hạnh nghiệp.

Ngoài Bà-la-môn giáo ra, ở xứ Ấn Độ xưa còn có rất nhiều tôn giáo khác tương đồng hoặc đối lập với Bà-la-môn giáo mà ta có thể tóm gọn lại trong hai quan điểm ý thức hệ sau đây:

1- Các phái duy tâm (Cittaniyama):

Chủ trương đặt nặng phần tâm linh và lấy thiền định làm cứu cánh giải thoát. Cao cấp nhấ trong những giáo phái duy tâm là phái Sankhyā của đạo tổ Kapilamuni, người đã ra đời trước Đức Phật rất lâu. Ông đề xướng ra quan điểm giáo thuyết của mình đại để như sau:

“Cội nguồn của thế giới là nhân tính và bản năng. Mà bản năng ấy mới là tác nhân chính yếu của dòng luân hồi, vì dòng luân hồi được tiếp diễn là do nhân tính kết hợp với bản năng. Thực thể của nhân tính vốn là tính chân thường bất hoại, nhưng một khi nhân tính bị rơi vào tầm ảnh hưởng của bản năng thị dục thì sẽ dẫn đến tình trạng mê lầm giả vọng, để rồi thế giới bị cuốn trôi vào dòng luân lưu sinh tử. Vậy chỉ khi nào tách rời được nhân tính với bản năng, khi ấy mới đạt đến cứu cánh giải thoát tức là trình độ thực chứng bậc thiền Phi Tưởng Phi Phi Tưởng.”

Các vị đạo sĩ Alāea, Kālāmagotta, Uddaka (các vị thầy dạy thiền của Bồ tát Sĩ Đạt Ta)… đều là những vị đạo sư của giáo phái  Sankhyā này.

2- Các phái duy vật (Vatthuniyama):

Chuyên chủ trương sự hưởng thụ khoái lạc, họ cho rằng năm trần cảnh khả ý hấp dẫn chính là thiên đàng, còn sự tự do phóng đãng trong hành động chính là Niết-bàn. Con người ta khi chết đi rồi không còn gì nữa. Các giáo phái này không chấp nhận sự luân hồi sinh tử và hành động thiện ác.

Hai quan điểm trên của các giáo phái thời ấy nếu đem xếp loại theo sự phân định của Phật giáo thì các phái duy tâm thuộc thường kiến, còn các phái duy vật thuộc đoạn kiến.

Để hệ thống hóa lại từng hệ tư tưởng và tôn giáo từ xa xưa trước thời kỳ Đức Phật ra đời vốn đã có nền tảng, cội nguồn hẳn hoi mà còn tồn tại đến nay, ta hãy tổng kê chúng lại một cách tóm lược và nhờ vậy hàng hậu học sẽ có tài liệu nghiên cứu.Nhưng về thời điểm ra đời của các hệ phái ấy thì không có thứ tự lớp lang, dù ta biết trong đó có những phái xuất hiện trước thời Đức Phật không bao lâu. Các hệ tư tưởng đó được gọi là những chủ thuyết (Laddhi) hay quan kiến (Dassana) có tấ cả sáu chủ thuyết (hay giáo thuyết):

1- Giáo thuyết Vedanta:

Phái này thiết lập quan điểm tri thức dựa trên bộ Áo nghĩa thư, nhưng thay vì bộ này chủ trương kêu gọi niềm tin thì giáo thuyết này lại nhắm mục đích kêu gọi đức tính công bằng của mọi người.

Tiếng Vedanta có nghĩa là  chỗ thái cực của Veda, tác phái này tập trung vào điểm cốt lõi tinh yếu của thánh thư Veda là Paramatman  (Thượng ngã) hay Phạm tánh. Phạm ngã biến bố thành ra tiểu ngã tức phần tâm linh của con người, tiểu ngã tương đồng với thượng ngã về mọi phương diện, nó hiện hữu nơi mỗi con người, ai cũng có tiểu ngã ấy, cái tiểu ngã được tách ra từ Phạm tánh tức Thượng ngã nhưng không ai biết đến điều đó. Đại để nền tri thức của phái Vedanta này  như sau:

“Chính cái si mê không nhận chân được sự hiện hữu của tiểu ngã trong bản thânmình, không thấy được rằng mình đang nhập một với Phạm tánh (Thượng ngã) nên con người mới bị mê lầm ngộ nhận và bị sinh tử luân hồi. Khi nào đoạn trừ sự si mê ấy, không còn sự không hiểu biết nữa thì bản ngã sẽ trở về nhập một hoàn toàn với Thượng ngã và chừng đó con người sẽ trở thành Phạm thiên”

Buổi đầu, giáo phái Vedanta này được gọi là phái Uttaramimasa, giáo chủ là ông Vayāsa. Về sau, giáo phái này đã tạo ra bộ sử thi Bhagavāgita (Chí tôn ca) mà nội dung trong tập thứ sáu của bộ sử thi này chính là những điểm tinh hoa căn bản cho toàn bộ nền tri thứ Bà-la-môn giáo. Tập sáu của sử thi này mang tên là Mahābhratauddhabhagavāgitā, nội dung thể hiện trong từng câu một cách súc tích.

2- Giáo thuyết Nayāyā:

Tiếng Nayāyā có nghĩa là thể nhập, sự thể nhập pháp tánh. Giáo phái này được xem như là cội nguồn sản sinh ra môn lý luận học của Ấn Độ, nó được ông Gotama chủ xướng. Căn bản giáo thuyết này là xoay quanh việc tìm hiểu ý nghĩa cuộc sống từ các đề tài: nỗi khổ đau, sự hiện hữu của con người, vấn đề tội lỗi và sự ngu dốt mà theo phái này là phải diệt trừ tận gốc để được giải thoát. Vị hậu tổ kế thừa ông Gotama là ông Vatsayāyana đã nói như sau:

“Vô minh là sự ngu dốt, tăm tối, chính nó dẫn đến sự đam mê, say đắm sa đọa, dẫn đến sự cằn cỗi bất trị của tâm hồn; chính vô minh đã sản sinh ra các tật xấu như ngộ nhận, mê lầm, tật đố, bủn xỉn, kiêu căng, tham lam… Con người vì có vô minh nên mới đi đến việc hành động tội lỗi, mới quấy quá trong nhục dục, tạo nhiều ác hạnh mà những cái này đều là bất thiện cả. Còn ai biết tu tạo công đức, tánh tình rộng rãi, bác ái nhân từ, chân thật, trung kiên, làm và nói những gì có căn bản cốt lõi, đạt được xả tánh và thông suốt Phệ đà thì kẻ ấy được gọi là người hiền. Chính hành động thiện ac đã tạo nên Thiên đàng, địa ngục. Chính ý niệm hướng tới sự tồn tại hiện hữu đã dẫn đến sự tái sanh và đau khổ”.

Phái Nayāya còn đưa ra ví dụ: “Như một chén cơm được trộn với mật ong và thuốc độc, ta không nên vì mật ong mà giữ lại chén cơm, ta phải vất chén cơm ấy đi. Cũng vậy, cuộc đời này hễ có lạc, thì cạnh đó phải có khổ, ta không nên vì lạc mà ôm ấp cuộc đời”

Quả thật, cách lập luận của giáo phái này cứ như là đã được vay mượn từ tinh thần PG để đem ứng dụng vào mục đích dung hợp và truyền bá tri thức đối với các Bà-la-môn, mà nhất là tổ sư giáo thuyết này lại tên là Gotama.

3- Giáo thuyết Visesika:

Đây là chủ trương của một giáo sĩ Bà-la-môn tên Kanāda tiếp theo nền tri thức của phái Nayāya. Phái Visesika cho rằng con người được hiện hữu nhờ một năng lực vô hình đã huân tập từ trong hành động đời quá khứ, nhưng bên cạnh đ1 cũng phải nhờ vào đặc thù thức  –  Visesa viññāna – tương đương với Thượng ngã của giáo phái khác, đặc thù thức này cũng thiêng liêng cao cả và chính nó đã biến bố ra phần tâm linh tức tiểu ngã của mỗi con người. Con người được gọi là một Jīvatman (mệnh ngã). Còn đặc thù thức hay Thượng ngã là một cái gì đó vô biên vô lượng, vĩnh hằng bất hoại, nó biến mãn khắp mọi hóa thân, nó là sáng tạo chủ của thế giới.

4- Giáo thuyết Mīmamsa:

Còn được gọi là giáo phái Pubbamīmamsa, đạo tổ của giáo pháp này là ông Jemini. Giáo pháo này chủ trương quan điểm tương tự như giáo phái Yoga, chỉ khác ở mặt lý thuyết truyền đạt là thay vì phái Yoga chú trọng tập trung vào một điểm thì phái này lại rườm rà trước khi đi đến cũng điểm ấy. Chung quy là hai phái không khác nhau bao nhiêu.

5- Giáo thuyết Saṅkhvā:

Từ Saṅkhvā nghĩa là đếm, tính. Giáo phái này là một hệ thống tư tưởng khá cao cấp, giáo chủ là ông Kapilamuni đã phân thế giới này ra hai thành phần: nhân tính và bản năng bằng cách kết hợp với các pháp giới (dhātu). Vừa siêu hình cũng vừa là những nguyên tố vật chất cơ bản của vạn vật ngay trong hiện tại. Phần pháp giới vật chất là năm đại chất: đất, nước, gió, lửa, hư không. Năm giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân. Và năm trần cảnh là: sắc, thinh, khí, vị, xúc. Các pháp giới siêu hình là sáu thức. Ngã mạn (Ahaṅkāra), sự hiểu biết (Buddha) và nhân tính, chính là những chi nhánh phát xuất từ sáu thức. Cả hai loại pháp giới cũng kết hợp với bản năng để tác tạo kiếp sinh tồn của vạn loại.

Đại lược nền tri thức Saṅkhvā:

Nhân tính con người vốn bị cương tỏa trong tầm ảnh hưởng của bản năng thị dục nên mới dẫn đến hành động, từ đó phát sinh nỗi đau khổ. Phái Saṅkhvā giúp cho mọi người hiểu được điều đó rồi chủ trương sự giải phóng tâm linh ra khỏi tầm ảnh hưởng của các vật dục để con người tiến đến bậc thiền Phi Tưởng Phi Phi Tưởng. Nhờ vậy, con người sẽ được nhập một với Thượng ngã một cách hoàn toàn. Tóm lại, cứu cánh của phái này cũng giống như phái Vedanta.

6-Giáo thuyết Yoga:

Nói về nền tảng của phái này thì buổi đầu chỉ chú trọng tới hạnh phúc hiệp thế, khoái lạc thường tình. Lúc ấy giáo phái này được gọi là pháp môn tu khổ hạnh khắc kỷ (tapa), nhưng về sau thì đường lối tu hành lại thay đổi khác. Sự chuyển hướng này là do ông Isipatañjali, ông chủ trương tập trung  vào sự thanh lọc, khiết hóa tâm hồn để được nhập một với Phạm thiên. Cơ sở của nền tri thức này dựa vào bộ Rigveda của Bà-la-môn giáo và nó có tên là Yoga – sutta. Các nhà sử học không xác định được chính xác thời điểm ra đời của nmó là trước hay sau thời kỳ Đức Phật, nhưng nếu có trước hoặc sau thì cũng không bao lâu. Giáo phái Yoga chủ trương về sự luyện tâm và theo dõi phát hiện những sinh hoạt biến chuyển của tâm. Ông Patañjali đã thiết lập một nền tảng tâm lý học như sau:

Tâm linh hay ý thức có bốn bản tướng:

  1. a) Buddha: cái hiểu biết của tâm, một trạng thái chủ thể đơn thuần
  2. b) Citta: Khía cạnh đầu tư ý thức, sự tính toán của tâm.
  3. c) Sati: Ký ức hay tiềm thức, tức chức năng hồi tưởng ghi nhớ của tâm.
  4. d) Ahaṅkāra: ngã tưởng, ý niệm bản ngã sản sinh từ tập tính (như khi nhìn, nghe… một cái gì đó, lập tức ý thức liền đặt ra một tên gọi do theo kinh nghiệm, khía cạnh đó ở đây được gọi là Ahaṅkāra)

Ngoài ra, ý thức còn có bốn chức năng nữa là: ước định, định danh… và tích lũy hồi ức.

Khi ta để mặc cho tư tưởng phóng lãng theo hành động thì vô minh sẽ khởi lên, tức là tâm tư sẽ bị mê lầm giả vọng, cho rằng mọi cái phù du, đau khổ đều là vĩnh hằng, hạnh phúc, nếu ngăn chặn được tính lung lăng của ý thức thì người ta sẽ chứng nhận được Thượng ngã và an trú trong thực thể của mình, cái thực thể thuần tịnh tinh anh và bất hoại, kiên cố. Khi đó mọi sinh hoạt và hành động của tâm sẽ được đình chỉ, tiểu ngã bản thân sẽ nhập một với Thượng ngã chí tôn tức Phạm thiên.

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app