NỮ THIỀN SƯ PHẬT GIÁO TẠI HOA KỲ LỜI KẾT LUẬN

Tôi tin rằng để vẽ một bức tranh tổng thể và chính xác những thay đổi đã diễn ra trong thế giới phụ nữ và Phật giáo tại Hoa kỳ trong một vài thập kỷ qua, cần phải viết cả một cuốn sách (tôi hy vọng cuốn sách đó sẽ được viết trong nay mai). Tự bản chất bản tường trình dưới đây sẽ rất cô đọng, bỏ qua nhiều chi tiết cần thiết và những sai lầm khả dĩ trong khi nhấn mạnh hoặc cắt nghĩa sai lệch đi một vài điểm. Với ý định cung cấp cho độc giả một cái nhìn khái quát khơi lại những phát triển trong nội vi Thiền định, Thiền Minh Sát và những cộng đoàn Tu sĩ Phật giáo Tây Tạng, cũng như đưa ra một vài hình ảnh khái quát về một số phụ nữ đang hoạt động rất tích cực, biểu lộ ra những biến đổi trong nhận thức đang diễn ra, nới lỏng những bức rào chắn cổ xưa và mở ra những vận hội mới.

TRƯỜNG PHÁI THIỀN ĐỊNH (ZEN)

Với truyền thống Thiền định (Zen) hiện nay chúng ta thấy đang xuất hiện các nữ thiền viện trưởng mới trụ trì tại khắp các chùa rải rác trên toàn quốc. Trung Tâm Thiền San Francisco là một điển hình với Blanche Hartman được cử làm nữ thiền sư đầu tiên vào năm 1996. Hiện nay đã có vị thứ hai là Linda Ruth Cutts, nghi thức tấn phong của bà vừa được tổ chức vào tháng hai năm 2000. Như đã đề cập đến trong phần mở đầu cuốn sách này. Trung Tâm Thiền Los Angeles đã đề bạt Wendy Egyoku Nakao làm thiền viện trưởng vào năm 1999. Sau khi Đại đức thiền sư Katagiri viên tịch, Trung Tâm Minnesota đã bỏ ra một thời gian dài để cân nhắc và quyết định xem ai sẽ là người thích hợp nhất để tiếp tục nắm quyền điều hành. Đề cử người ngoài vào chức vụ đó có hợp lý hay chỉ chọn người thừa kế Phật pháp của ngài Katagiri? Việc cân nhắc kéo dài trong sáu năm liền (trong suốt thời gian đó một Đại Pháp tạm thời đóng vai trò thừa kế này) cuối cùng mãi đến năm 1998 vị thừa kế Karen Suna mới được chọn vào chức vụ thiền viện trưởng.

Một số thiền viện trưởng nữ khác có cả Mitra Bishop tại thiền viện Mountain Gate, một đoàn thể tu trì ở New Mexico, cũng là lãnh đạo tinh thần Trung Tâm Hidden Valley tại San Marcos. Bang California; Dai-en Bennage trụ trì tại Mt. Equity Zendo gần Williamport, bang Pennsylvania; cũng như hai vị khác: Diane Rizzetto tại trường thiền Bay Zen Oakland, bang California và Ni- Osho Sherry Chayat tại trung tâm Syracuse, bang Nữu Uớc.

Các thiền sư Zen nắm vai trò lãnh đạo quan trọng khác phải kể đến Jan Chosen Bays, là thừa kế Phật pháp của ngài Meazumi Roshi, bà vừa là vợ, là mẹ và là bác sĩ nhi khoa chuyên về các ca trẻ em bị lạm dụng, cũng điều hành trung tâm thiền tại Porland, bang Oregon; Sunnyana Graef, thiền sư trụ trì tại trung tâm thiền Toronto, Ontario, Canada. Và tại trung tâm Casa Zen ở Santo Thomas, Costa Rica; Tai Taku Pat Phelan, sẽ được đề bạt làm thiền viện trưởng trung tâm Chapel Hill Zen Bắc Carolina vào tháng mười năm 2000, một chi nhánh của trung tâm San Francisco theo trường phái của Đại sư Suzuki Roshi.

Một thực tế rất ấn tượng lúc này là: toàn bộ các vị trí lãnh đạo chính tại trung tâm San Francisco City, Green Gulch Farm và Tassjara Mountain (ba chi nhánh dưới trướng của Trung Tâm San Francisco) đều do các phụ nữ đảm trách. Trong đó còn phải kể đến hai nữ thiền viện trưởng là chủ tịch hội đồng quản trị và ba vị khác làm trưởng nghi thức (tantos).

Trong mọi lãnh vực và nhiều nơi, hiện đang diễn ra sự bùng nổ về số phụ nữ nắm giữ các cương vị lãnh đạo. Sau nhiều năm luyện tập và học hỏi một số đã bắt đầu tổ chức những tập thể hay những nhóm hành thiền tại những nơi trước đó không bao giờ xảy ra. Tại California có Mary Mocine, một thiền sinh khá lâu năm nay đã được xuất gia tại Berkeley, còn tại trung tâm San Francisco. Bà đã thành lập Zendo Clear Water tại bang California vào mùa hè năm 1998. Layla Bockhorst, thừa kế Phật pháp của ngài Đại đức Norman Fisher, người đang điều hành một nhóm mang tên Mill Valley Zen. Fu Schroeder, thừa kế Phật pháp của ngài Reb Anderson, đang dạy nghi thức pha trà, cũng đã lập một nhóm hành thiền tại Tiburon và kiêm luôn chức thiền viện trưởng tại Green Gulch. Wendy Johson đã được thọ giới do ngài thiền sư Việt Nam, đang làm việc tại một đoàn thể tu trì nhắm tới một cuộc sống tốt lành, ông đã phát triển công việc của mình nơi các gia đình và con cái của họ và đang viết một cuốn sách về phương pháp luyện tinh thần nghệ thuật làm vườn tại Green Gulch Farm, tại đó bà đã một thời gian dài làm nghề làm vườn. Sau cùng tại Minnesota. Joen Snyder O’neil, thừa kế Phật pháp của ngài Đại đức Katagiri, đang làm việc với các sinh viên vừa chịu ảnh hưởng phong cách của Jon Kabat-Zinn cũng như các nguyên lý sống đẹp mà vị thiền sư Việt Nam ấy đã hình thành.

Cách nhìn khái quát vụn vặt này cho thấy một sơ đồ phát triển mới, nhưng tôi cũng muốn cung cấp một vài cá nhân đặc biệt, các vị thiền sư sau đây không nhất thiết là người nổi tiếng hay tiêu biểu, nhưng theo tôi nghĩ họ thực sự phong phú hóa sự đa dạng đó.

Tôi quen biết Maylie Scott đã hơn ba mươi năm qua, không thân thiết lắm, nhưng chúng tôi đã học chung khoa Anh văn trường đại học Berkeley, bang California trong những năm sáu mươi. Chúng tôi tập luyện thiền cùng một thời gian như nhau. Nhưng Maylie theo đuổi thiền cho đến nay, còn trường hợp của tôi lại hơi thất thường. Tôi đã tham dự nghi thức Jukai (xuất gia cho người đời) của bà vào năm 1976, tôi còn nhớ đã phải rơi lệ khi bà bước vào phòng thiền cạo đầu. Nghi lễ xuất gia Tokudo (xuất gia tu sĩ) cho bà được tổ chức năm 1988 và mười năm sau bà được truyền Phật pháp do Đại đức Mel Weitsman, thiền viện trưởng trụ trì tại Trung Tâm Thiền Berkeley. Hiện giờ bà đang điều hành một trung tâm riêng tại Arcata, bang California, nơi bà vừa dọn tới sáu tháng trước, sau mười năm di chuyển tới lui để thuyết pháp và hành thiền.

Việc di chuyển không dễ dàng và có rất nhiều trở ngại, hiện bà đang phải sống chung với mẹ đã chín mươi bảy tuổi. Bà cũng đã nghĩ phải mang mẹ tới Arcana, điều đó không đơn giản chút nào. Nhưng rồi ba đứa con trai của bà quyết định bà ngọai phải ở lại và chúng lại có ý định quay lại nhà cũ để chăm sóc cho ngoại.

Maylie nhớ lại: “Công việc khó khăn như tách biển ra vậy, tìm kiếm, mua bán và thiết kế lại một ngôi nhà mới tại Arcana thật không dễ dàng chút nào. Mọi nhu cầu cần thiết hầu như đều xuất hiện cùng một lúc. Hiện giờ việc hành thiền diễn ra đều đặn vào mỗi buổi sáng trừ Chúa nhật và hai buổi tối trong tuần. Nhà xe được cải tạo thành một phòng thiền rộng rãi. Có hai mươi người đang hành thiền đều đặn, chín người đang may tấm khoác ngoài áo cà sa, sửa soạn cho việc tấn phong cho một số người đời; thêm vào đó còn cả trăm người có tên trong danh sách gửi thư. Họ thường lái xe đến khu vực Bay Area (khoảng 300 dậm) để tham gia khóa huấn luyện hàng tháng kéo dài ba ngày hoặc ngồi thiền trong ba ngày liên tiếp.

Maylie cho biết, “Hiện nay, chúng tôi coi nghi thức là chuyện nhỏ.” Bà đã tận dụng nghi thức để phát triển ý thức, nhưng sau này chúng tôi sẽ biến chúng thành những món ăn hợp khẩu vị.

Ý định của Maylie là biến trung tâm thiền thành một nơi chiêm niệm và hoạt động. Bà là một trong những người tiên phong đưa Phật giáo vào đất nước này. Và cách lồng ghép giữa luyện tập tinh thần vào những thay đổi trong xã hội đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều người. Năm năm qua bà đã giảng thiền trong các nhà tù và các trại giam quanh vùng Bay Area. (bà cho biết, luôn theo phong cách Thiên Chúa Giáo,) bà đang suy nghĩ cộng tác với một nhóm liên tôn giáo để thực hiện những công việc còn lại tại nhà tù Eureka County. Bà cho biết, “Tôi hy vọng nhà tù này sẽ trở thành một nơi hội tụ các hoạt động tích cực của cộng đồng liên tôn giáo.

Katherine Thanas là cư dân sống gần Trung Tâm Thiền San Francisco đã hơn hai mươi năm và đã được xuất gia tại đó. Bà đã di chuyển xuống miền duyên hải Santa Cruz được mười hai năm và đã trở thành thiền sư trưởng cho cả Trung Tâm Santa Cruz lẫn Thiền Viện Montery Bay vừa mới được xây cất. Bà nói với tôi, “Bước ra khỏi khung cảnh tu viện thật là một kinh nghiệm tuyệt vời, nhất là tại Tassajara này để hòa nhập vào hai cộng đồng người đời này; mỗi nơi đều mang đậm sắc nét văn hóa và điều kiện dân cư riêng.” Bà vừa phải thích ứng công việc luyện tập thường xuyên lại phải thông cảm với những người mới bắt đầu luyện tập để họ đạt được đôi điều có thể áp dụng trực tiếp ngay vào cuộc đời. Hiện nay bà trình bày Phật pháp truyền thống dưới dạng “Chẳng có gì không liên quan đến cuộc sống tinh thần và vật chất.” Bà đã tận dụng những kinh nghiệm trong chính cuộc sống của mình, áp dụng vào nhiệm vụ hàng ngày được coi như là một thứ “Nước cốt trái cây giúp cho việc thuyết pháp được sinh động”. Bà phơi bày tất cả cho các thiền sinh. Bà nói, “Tỏ bày ra những điều thầm kín trong tôi đã giúp động viên rất nhiều các thiền sinh của tôi và khuấy động lên bản chất thiền sư nội tại trong họ.”

Dai-en Bennage, trước là một vũ công Ballet, bà đã đến Nhật Bản với chồng lần đầu tiên vào năm 1963 và đã lưu lại đó ba năm. Bà đã bước vào làng nghệ thuật Nhật Bản, đặc biệt là nghệ thuật vẽ bằng cọ ngay từ hồi còn nhỏ, bà đã học tiếng Nhật (nói và viết) tại Đại học Princeton. Chính vì vậy, sau khi ly dị năm 1969, bà đã trở lại Nhật Bản và sinh sống tại đó hai mươi mốt năm. Bà luyện thiền rất say mê với một số thiền sư trong giai đoạn đó, áp dụng kỹ năng và kỷ luật huấn luyện vũ công Ballet vào công việc luyện tập này.

Bà cho tôi biết là, năm 1978 bà đã đạt đến “khúc rẽ lớn trong cuộc đời.” Bà đã kết thúc một cuộc hành hương thật khắc nghiệt vòng quanh hòn đảo Shikoku, thăm viếng tám mươi tám ngôi chùa và tụng kinh Heart sutra tại mỗi ngôi chùa đó. Bà cho biết, “Đây thực là một kinh nghiệm sống đầy biến đổi,” và bà đã xác định được sự cống hiến của đời bà”. Đại sư Noda Daito Roschi đã thụ phong cho bà với tư cách là một ni sư độc thân, đại sư muốn trở thành một “Thiền sư lưu động” nên ông đã thiết kế một phòng thiền ngay trên một chiếc xe buýt, trải nệm vàng trên sàn xe. Ông cho biết, “Nếu bạn muốn trở thành một thiền sư thực sự, chẳng cần gì phải có trang thiết bị.” Để thử thách trước khi xuất gia bà đã sống suốt ba tháng mùa đông trong một nơi khổ hạnh tại xưởng sản xuất sữa đậu nành và rồi sau đó hoàn tất mười hai năm khổ luyện. Trong thời gian này bà đã được truyền Phật pháp và kết thúc giai đoạn huấn luyện thiền sư.

Ngày nay tại phòng thiền Mount Equity miền Trung Bắc, bang Pennsylvania, bà đang sống với hai ni sư, một người Mỹ và một người Pháp, họ giúp bà trong việc huấn luyện. Cả hai đã theo bà luyện thiền và bà đã xuất gia cho họ. Hàng ngày có hai mươi thiền sinh đang thụ giới và ba mươi người đời đang luyện thiền tại đó. Bà cũng đã thành lập năm cộng đồng Sanghas trong các nhà tù, hai đoàn thể trong các nhà tù được bảo vệ tối đa. Bà cũng đã trao luật giới cho năm phạm nhân. Sau một thời gian ròng rã bảy năm dạy thiền tại nhà tù, bà cho biết, “Các phạm nhân với án tù nhiều năm thường thích luyện thiền Phật giáo vì họ đã “vĩnh viễn bị loại ra khỏi cuộc chơi.”

Một sự kiện nữa là Thiền Phật tại Hoa kỳ người đời tham gia rất nhiều, nên bà suy nghĩ đây là một hiện tượng “tuyệt vời nhưng cũng đáng sợ” Ai trong chúng ta đã đọc hết được bộ bách khoa đại tự điển đây?” Bà muốn biết, “Chúng ta chỉ cần một số ít người đi trọn quãng đường” Nếu Phật giáo trên đất nước này không được xây dựng dựa trên những tu sĩ nam nữ được xuất gia và cả trên những người đời nam cũng như nữ (như Đức Phật đã dạy), thì Thiền Phật tại đất nước này sẽ chẳng đạt được những điều kỳ diệu”

Năm 1985 Charlotte Joko Beck (xem chương bốn) cùng với ba người kế vị Phật pháp đầu tiên đã thành lập một trường phái Phật giáo dành cho người đời. Để bộc lộ việc hành thiền ngay trong đời sống hàng ngày của họ. Trong trường phái này, không tồn tại phẩm trật và mỗi người kế vị Phật pháp tự quyết định cách tiếp cận giáo lý cho những địa điểm mình phụ trách, các thành viên của nhóm tự công nhận là thiền sinh đang được đào luyện, chất lượng thuyết pháp được quyết định dựa vào chất lượng việc hành thiền của họ.

Diane Eshin Rizzetto, một trong những người kế vị Phật pháp đầu tiên đã trở thành thiền viện trưởng tại Trung Tâm Thiền Oakland, bang California từ năm 1994. Trung tâm có lịch trình đầy đủ, với việc luyện tập hàng ngày và những buổi hành thiền, Diane làm việc trực tiếp với từng thiền sinh cũng như qua điện thoại. Bà cũng vận dụng cách tiếp cận của nhiều truyền thống Phật giáo khác nhau, “Mục tiêu để giúp chúng ta nhận ra chân lý cuộc sống thực sự của mỗi người.” Mỗi người thực hành “koans” xuất phát từ những biến cố thường ngày trong cuộc sống. Với vai trò một người vợ, người mẹ và ông bà trong gia đình, Dianne không thể giúp được gì ngoài cách đưa những kinh nghiệm thực tiễn vào trong bài thuyết pháp. Bà thường đặt ra câu hỏi: “Tại sao chúng ta cứ khư khư giữ lấy cho mình phẫn nộ, kinh hoàng, hay buồn khổ của mỗi chúng ta mãi như bồng một đứa trẻ trong tay? Tại sao chúng ta cứ chứng kiến mãi trong thinh lặng sự thất bại, nỗi cay đắng, sự hoảng loạn tựa như người bất động trước đứa trẻ đang kêu la inh ỏi? Hay chứng kiến những giọt lệ tuôn trào mà không mủi lòng hay sao? Mọi kinh nghiệm sống đó đều là động lực sinh động để tập sống một cách tỉnh táo, kể cả những khai sáng trong phòng thiền, chứng đau đầu kinh niên, hay cả sinh lực giới tính tăng triển. Tất cả những điều đó không phải là gánh nặng hoặc những điều gây cản trở, nhưng là nguyên liệu làm cháy bùng lên ý thức của chúng ta.”

Năm 1998, Roko Ni- osho Sherry Chayat nhận truyền Phật pháp theo truyền thống Rinzai do ngài Đại sư Eido Shimano Roshi. Bà tin tưởng rằng, phụ nữ tham gia Phật giáo tại Hoa kỳ là một trong những điểm mạnh trong việc loan truyền Phật pháp từ Đông sang Tây. Bà xuất thân từ phong trào phụ nữ rất sớm, nên rất nhạy bén với những vấn đề đồng cảm với người khác – cũng như tính đồng cảm trong việc luyện Phật. “Sống giữa những xung khắc và nghịch lý có thể tạo nguồn thổ lộ và thông cảm nhau rất hữu hiệu” bà cũng tin rằng sự dính líu vào cuộc đấu tranh giải phóng phụ nữ, những thắc mắc về tính bình đẳng trong Phật giáo khiến bà đặc biệt nhạy cảm với những vấn đề các thiền sinh nêu ra liên quan đến tình dục, giới tính, sự lạm dụng, quyền lực và chức quyền.

THIỀN MINH SÁT

Để nhận ra những biến đổi trong đoàn thể tu sĩ theo truyền thống Phật giáo Thiền Minh Sát, tôi đã mạn đàm với Anna Douglas, một thiền sư sáng lập Trung Tâm Thiền Rock Meditation tại Marin County, bang California. Bà đưa ra chi tiết về một sự việc xảy ra ba năm về trước. Bà phụ trách thuyết pháp một cuộc tĩnh tâm cho các phụ nữ kéo dài một ngày. Bà cho biết: “Một điều thật rõ ràng, nhìn vào nhóm khoảng độ bảy mươi đến bảy mươi lăm phụ nữ đang hành thiền, thình lình tôi nhận ra đa số họ không biết gì về một vấn đề đang tồn tại giữa các phụ nữ và Phật giáo. Những đạo hữu mới tới Trung Tâm Spirit Rock đã quá quen thuộc với các thiền sư nữ. Một tượng Quan Âm (phụ nữ) được đặt kế bên Tượng Đức Phật (nam giới) ngay tại phòng thiền, phụ nữ nắm vị thế lãnh đạo, đại loại đâu cũng có phụ nữ!”

Một khi số nữ thiền sư ngày càng gia tăng, Anna nhận ra họ đã trở thành khá khác biệt. Có nghĩa là, một số đang thuyết pháp theo sát truyền thống, tuân thủ những kiểu mẫu đã được nam giới ấn định. Một số khác lại áp dụng một phong cách nữ tính hơn (một phong cách trực giác hơn, tự nhiên hơn, bao quát và có tương quan nhiều hơn” Anna còn cho biết, “Có nhiều thiền sư nữ là một chuyện, làm cho mọi người ý thức được nữ tính trong mọi hình thức huấn luyện lại là một chuyện khác.” Những mô hình giáo trưởng (nam giới) vẫn còn đó, hình như nó thâm nhập vào văn hóa và thay đổi rất chậm. Bà tin là cách thức phụ nữ hiện hữu và điều hành những trung tâm thiền chính là vấn đề then chốt đối với Phật giáo Hoa kỳ ngày nay. “Phụ nữ sẽ nắm địa vị lãnh đạo theo kiểu truyền thống hay họ sẽ đưa vào ý thức nữ tính trong mọi cơ chế?”

Tôi đặt vấn đề về những thiền sư mới theo truyền thống Đại Thừa và được cung cấp một biểu mẫu dưới đây:

Catherine Ingram là một trong những thiền sư sáng lập Insight Meditation Society. Sau này bà đã nghiên cứu số thiền sư thuộc cả hai phái (Advaita), kể cả Poonja-ji tại Ấn độ. Hiện nay bà đang thuyết pháp một cách độc lập, một phương thế điều tra cởi mở tại các cuộc Hội Nghị mang tên “Đối Thoại về Phật pháp.”

Sylvia Boorstein, là tác giả và thiền sư tại trung tâm Spirit Rock trong nhiều năm, hiện bà rất quan tâm đến việc hòa hợp Phật giáo với Do thái giáo. Cộng với những lớp giảng tại trung tâm Spirit Rock, bà hiện đang giảng lớp Khai tâm cho các tư tế và các nhà lãnh đạo tinh thần khác.

Deborah Chamberlain – Tailor một trong những thiền sư Thiền Minh Sát thuộc thể hệ trẻ, cùng với chồng là George Taylor, cả hai đều là những nhà tâm lý trị liệu rất kinh nghiệm, hiện đang điều hành các khóa huấn luyện cho các cặp vợ chồng đang muốn kết hợp những vấn đề có liên quan với cách luyện tập thiền.

Mới đây thuyết pháp của Anna Douglas đã xoáy vào hành thiền và qui trình sáng tạo. Bà đã hành nghề họa sĩ trong mười lăm năm. Hành thiền trong hai mươi năm và hiện đang muốn gộp cả hai công việc làm một. Bà cho biết, “Tôi đang dạy vẽ từ một bối cảnh tạo hình và trống rỗng. Thật sự hai vấn đề không liên quan với nhau!”

Trong nhiều năm Julie Wester rất tích cực trong việc điều hành Trung Tâm Thiền Spirit Rock mới đây đã tham gia trong ban quản trị trung tâm, lại rất quan tâm đến chương trình kế hoạch hóa gia đình và hiện đang nuôi dạy một con gái nhỏ.

Mary Orr đã thành lập một Trung Tâm Thiền Minh Sát Vipassana tại Santa Cruz cũng như đang điều hành rất nhiều khóa huấn luyện trên mọi miền đất nước.

Caril Wilson sống gần IMS và du hành khắp thế giới thuyết pháp tại các khóa huấn luyện Thiền Minh Sát truyền thống. Mặc dù bị bệnh hiểm nghèo và đang “cống hiến hết mình” và nắm giữ một lịch trình làm việc thật căng thẳng.

Tara Brach đã thiết lập một cộng đồng Insight Meditation tại Washington, D.C tại đó bà lên lớp và điều hành các khóa huấn luyện.

Lucinda Green một thiền sinh của Ruth Dension và Ayya Khema quá cố lại thành lập một trung tâm thiền mang tên Rocky Mountain Insight Meditation tại Colorado Springs.

Vì cống hiến rất độc đáo của Arinna Weisman cho truyền thống Phật giáo Thiền Minh Sát tại Hoa kỳ, tôi cũng đã tìm đến phỏng vấn Arinna.

Arinna sinh tại Johannesburg, Nam phi, cha mẹ bà đã bị bỏ tù tại đó dưới chế độ phân biệt chủng tộc với tội danh hoạt động chính trị. Họ rời bỏ Nam Phi vào năm 1961 và kinh nghiệm lưu vong chính trị hun đúc khao khát tự do đã ảnh hưởng đến cả cách giảng dạy của bà cho đến tận ngày nay. Bà đã được huấn luyện theo trường phái U Bha Khin và Ruth Dension, nhấn mạnh đến những kinh nghiệm trực tiếp đến thể lý thông qua Niệm Hơi thở, nhìn toàn cảnh thân xác và chuyển động.

Arinna đã thành lập Trung tâm thiền Dhamma Dena tại Northampton, bang Massachusetts vào năm 1998, bà đang chỉ đạo các lớp học và các khóa huấn luyện dành cho cộng đồng nói chung và đặc biệt dành cho các phụ nữ đồng tính luyến ái nói riêng. Tại Seattle, Spirit Rock, Washington D.C. và Nữu ước bà cũng tổ chức các khóa huấn luyện hàng năm cho các cộng đồng tình dục đồng giới nữ / tình dục đồng giới nam/ tình dục với cả hai phái. Bà nói, “Có điều gì đó “rất đặc biệt” về các khóa này, một nghị lực đặc biệt để họ cùng hiện diện chung với nhau đó đã là điều thật đáng yêu rồi,”

Bà nhấn mạnh cùng trở lại chung sống với nhau thành một cộng đồng và bà cũng nhấn mạnh đến lòng nhân ái, khả năng tự yêu thương lẫn nhau, bà bỏ lại đàng sau các thông điệp tiêu cực. “Tất cả chúng ta đều có khả năng trở thành tự do ngày càng nhiều hơn.”

Cuốn sách mới của Arinna, dự kiến sẽ có tên Hướng dẫn thực hành thiền Meditation Insight, sẽ được nhà xuất bản Random House xuất bản vào mùa hè hay mùa đông năm 2000.

THIỀN THEO PHẬT GIÁO TÂY TẠNG

Ngay trong truyền thống Phật giáo Tây Tạng tại quốc gia chúng ta (thường ám chỉ phái Mật Tông) cũng thấy xuất hiện sự bùng nổ những cố gắng của phái nữ trong số các thiền sư mới sau này. Với sự bùng nổ này ta thấy xuất hiện một hiện tượng mới đó là thần thánh hóa phụ nữ như Tara và Yeshe Tsogyal kèm theo những vấn nạn như, “Trong trí năng truyền thống Tây Tạng luôn luôn có liên quan đến nữ giới mang ý nghĩa gì?”

Trước khi nêu ra đây một vài thiền sư nữ theo truyền phái Phật giáo Tây Tạng tôi muốn đề cập đến Tsultrim Allione, rất tiếc là bà đã không được nhắc đến trong lần xuất bản thứ nhất cuốn sách này. Nhưng chính bà là phụ nữ Hoa Kỳ đầu tiên được xuất gia nữ tu theo truyền phái Phật giáo Tây Tạng. Và cũng là một trong những người phụ nữ Hoa kỳ đầu tiên giảng dạy Phật giáo Tây Tạng trên đất nước này. Sau khi đã theo học tại Ấn Độ và Nepal với nhiều thiền sư Tây Tạng cao cấp, bà bắt đầu giảng dạy vào đầu những năm Sáu Mươi và cộng tác với Chogyam Trungpa thành lập học viện Naropa tại Bouder, bang Colorado. Bà đã được thiền sư Namki Norbu huấn luyện trong vòng hai mươi năm và hiện đang giảng dạy dưới sự dìu dắt của ông ta. Trung tâm Tara Mandala Pagosa Springs, bang Colorado đã tổ chức những khóa huấn luyện vào mùa hè. Tsultrim đang thực hiện chương trình giảng dạy trên khắp thế giới, bà cũng đang hướng dẫn những cuộc hành hương đến những thắng cảnh Phật giáo linh thiêng tại khắp Ấn Độ, Bibet và Bhutan.

Lama Palden Drolma (Caroline Alioto) một phụ nữ bốn mươi bảy tuổi, sinh tại California và đã là thiền sinh lâu năm, bà đã theo học với ngài Đại đức Kalu Rinpoche. Bà đã sống hai năm tại Bhutan, Sikkim, Ấn Độ và cũng được chỉ định là Lama theo dòng hệ Kagyn. Sau khi đã giảng dạy Phật giáo truyền thống Vajrayana mười bốn năm tại California, ba năm vừa qua bà đã thiết lập một trung tâm Dharma Marin County mang tên Sukkasiđhi Foundation. Tại đó bà giảng dạy Vajrayana, mahamudra và luyện tập Dzogchen chuyên sâu về tâm linh phụ nữ. Bà rất sùng bái Tara. Bà tin là phụ nữ tính trong vạn vật không thuộc phạm trù nhận thức, rất có giá trị và rất khó diễn đạt bằng từ nhưng lại thích hợp trong thực hành.

Bà nói với tôi, “Tôi rất ngưỡng mộ qui trình luyện tập của mỗi cá nhân” và bà cố gắng tạo thuận lợi cho kiến thức cá biệt của mỗi thiền sinh được thể hiện. Bà đề ra cách thực hành và cách thức luyện tập tinh thần phù hợp cho từng cá nhân, hy vọng rằng đường hướng của mỗi thiền sinh sẽ tự hé mở. Chính vị thiền sư của bà cũng đã thực hiện phương thức này. “Tôi cảm thấy họ đem lại may mắn và sức mạnh cho tôi.”

Đây là một “qui trình thao tác được chia sẻ” không mang tính độc đoán, nhấn mạnh đến lòng nhân ái và “tham gia cách vui vẻ”.Tổ chức này phát triển chậm nhưng vững chắc. Hạnh phúc cá nhân được “lưu ý trước hết sau đó mới tới tổ chức.!” Cơ cấu không mang tính phẩm trật, dựa trên nhóm tập trung. Ban điều hành hay đoàn thể rõ ràng tồn tại trong nhóm, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là thái độ trí tuệ. Cống hiến của mỗi cá nhân được trân trọng “Sức mạnh luồng vào trung tâm, rồi chuyền qua các nhóm. Sau đó lan rộng ra khắp thế giới”.

Theo truyền thống, các tổ chức Phật giáo Tây Tạng mang tính phẩm trật, phong kiến và phụ quyền. Tuy nhiên nơi các tu viện bà theo học tại Himalayas, Lama Palden chưa bao giờ gặp tình trạng phân biệt giới tính. Bà nhắc tôi nhớ lại một số câu chuyện về những đạo hữu phụ nữ thành đạt và đáng kính trọng trong Phật giáo Tây Tạng, Một người trong số họ là Mẹ của thiền sư Kalu Rinpoche.

Lama Palden cũng hành nghề tâm lý trị liệu bà được huấn luyện rất tốt và tin tưởng mạnh mẽ rằng để cho việc luyện tập siêu nhiên tiến tới mau lẹ, nhất thiết cần phải xét đến yếu tố tâm lý. Thay vì “chỉ phấn đấu” chống lại những điều tình cờ để đạt đến mục tiêu để ra (điều này khá phổ biến nơi bối cảnh các tôn giáo khác). Bà động viên các thiền sinh cùng nhau nghiên cứu trên mọi lãnh vực: tinh thần, tình cảm, tâm lý và thể lý.

Chủ biên tờ tạp chí Mandala là Đại đức Robina Courten, thuộc phái Gelugpa, đã thành lập Dự án Nhà Tù Maitrya và thủ vai trong một phim sản xuất tại Úc mang tên Chasing the Buddha (Săn tìm Đức Phật), vừa được trình chiếu tại Liên Hoan Phim Sudance. Bà đã đi thuyết pháp khắp nơi trên thế giới, một thiền sinh của bà đã mô tả cách thuyết pháp của bà thật là “mãnh liệt, trực tiếp, rõ ràng, ấm áp và đầy tình người.”

Anne C. Klein là giảng viên và Trưởng Khoa Tôn Giáo tại Đại Học Rice Houston, bang Taxas, Bà đã giảng các khóa Phật học và ngôn ngữ Tây Tạng. Năm 1995 trong cuốn sách Bà viết mang tựa đề Meeting the Great Bliss Queen: Buddhism, Feminism, and the Art of the Self (tìm gặp Bà hoàng hạnh phúc: Phật giáo, phụ nữ và nghệ thuật bản ngã.) đã được Beacon Press xuất bản. Bà cũng là thành viên thiết lập ngôi chùa Tây Tạng Dawn Mountain, một trung tâm cộng đồng và nghiên cứu ở Houston và vài năm vừa qua bà đã tổ chức những cuộc hành hương thánh địa tại Tây Tạng và Nepal, đặc biệt là đến thăm nơi sinh của Yeshe Tsogyal (Bà hoàng hạnh phúc). Cùng với Phyllis Pay, một cố vấn và đạo hữu Phật giáo Tây Tạng thuộc tông phái Sakya, bà đã thiết lập một chương trình mang tên “Buddhist in the Body” nhằm liên kết việc “luyện tập giác ngộ” với cách tập luyện theo truyền thống Tây Tạng.

Chín năm sống tại Úc, Julie Henderson đã tổ chức các khóa huấn luyện với các Đại Thiền sư Tây Tạng. Trong số đó có các vị Gyalwang Drukpa thứ mười hai và cha của ông. Ngài Nyingmapa Lama Vairochana Tulku – Bà đã trở lại Hoa kỳ vào năm 1993. Với sự chấp thuận của các vị đó bà đã thuyết pháp một cách không chính thức tại Châu âu, Châu Úc và Hoa kỳ. Các cuốn sách Bà viết gồm có: Embodying Well-being: How to Feel As Good As You Can in Spite of Everything; I Ching: Revealing Story, Trạining Mind, ànd The Hum Book. (Bàn về hạnh phúc: làm sao có hạnh phúc bất chấp mọi khó khăn. Chuyện kể về luyện trí nhớ và sách kể chuyện vui).

Những thiền sư sau đây, tôi chỉ đưa ra tên Tây Tạng, nhưng tất cả họ đều là người Mỹ. Lama Inge, tên gốc Lama là Chagdud Tulku, Rinpoche, thiền sư cư trú tại Padma Ling Spokeane, bang Waschington. Bà đi thuyết pháp rất nhiều nơi, như Canada, Alaska và nhiều nơi khác trên đất nước này.

Lama Yeshe Wangmo là thiền sư cư dân Hawaii thuộc Tổ chức Vajrayana Foundation, đặt bản doanh tại Orgyen Dechen Cho Dzong, một trung tâm huấn luyện của thiền sư Dzogchen Lama Tarchin Rinpoche tọa lạc trên một hòn đảo lớn ở Hawaii, bà thuyết pháp thường xuyên khắp Hawaii và trên đất liền.

Karma Lekshe Tsomo, cũng đặt bản doanh tại Hawaii, là thiền sư không thuộc giáo phái Phật giáo nào cả được huấn luyện tại cả bốn trường phái Phật giáo Tây Tạng, cũng như truyền thống Miến điện, Korea và Trung quốc. Bà đang điều hành tám dự án giáo dục cho phụ nữ tại Ấn-độ (thuộc tỉnh Dharamasada, Spiti, Ladakh và Kinnaur) Bà dạy môn Phật học và các tôn giáo khác tại Đại học Chaminode Honolulu. Bà là thư ký của tổ chức Sakyadhita: một hiệp hội Phụ nữ Phật giáo quốc tế và còn đang thiết lập một trung tâm huấn luyện khác trên quần đảo Kauai.

Đại đức Thubten Chodren, thuộc tông phái Gelugpa, giảng tại Dharrna Friedship Foundation Seattle, bang Washington.

Sangyey Khantrul, thiền sinh của ngài Gelugpa Rinpoche, đang thuyết pháp khắp miền duyên hải phía Tây, đặc biệt tại vùng Bay Area và Porland, bang Oregon.

Lama Shengen Drolma do Đại đức Chagdud Tulku Rinpoche xuất gia, chủ yếu đang thuyết pháp tại vùng Arizona và New Mexico và cả Trung tâm Chagdud Gonpa Foundation.

Bà Chagdud Khadro, vợ của Chagdud Tulku, Rinpoche, lại thuyết pháp nhiều nơi trên đất nước này và mới đây hàng tháng lại cũng thuyết pháp tại Brazil.

Cuối cùng, tôi muốn đề cập đến ba khía cạnh khác nữa trong thế giới phụ nữ và Phật giáo trong thập kỷ qua. Cho dù có liên quan đến giới tính hay chỉ thuần túy là các khuynh hướng vượt khỏi giới tính thì không dễ gì thẩm định được. Dù sao đi chăng nữa, những khuynh hướng trên đã xuất hiện cùng thời điểm với những vấn phụ nữ đang trở nên nổi cộm trong thế giới Phật giáo phương Tây hiện nay.

Trước tiên là những hiện tượng ảnh hưởng chồng chéo giữa Phật giáo và các tôn giáo phương Tây khác cũng như ngay cả giữa các truyền thống Phật giáo với nhau. Cuộc đối thoại Phật giáo và Ki-tô giáo không phải là điều gì mới mẻ. Nhưng những tương quan vừa chớm nở giữa Do thái Giáo và Phật giáo là điều mới mẻ và đáng ngạc nhiên. Các thiền sư Phật giáo và các Giáo Sĩ Do Thái Giáo như: Sylvia Boortein (Vipassana) và Norman Fisher (thiền) đang giang tay tới các thầy Rabbis và các cộng đoàn Do Thái giáo để tìm hiểu nhau và phong trào thiền Do Thái Giáo mới đã đăng cai những cuộc đối thoại với các thiền sinh và thiền sư Phật giáo.

Trong nội tình Phật giáo, các thiền sinh Zen cũng tham gia các khóa huấn luyện vipassana chung và ngược lại. Nhiều thiền sinh truyền thống Tây Tạng cũng đã xuất hiện tại cả hai nơi. Các thiền sinh theo truyền thống Zen cũng tham gia các cuộc huấn luyện do Toni Packer chủ trì, bà không coi mình nhà thiền sư Zen. Trong nhiều năm (chương I) chính các thiền sinh của bà cũng đã tham gia rất nhiều khóa huấn luyện thuộc các truyền thống khác, nhiều đạo hữu vipassana cũng như thiền sư cũng đang học hỏi với các Đại sư Tây Tạng.

Khía cạnh thứ hai là một thay đổi quan trọng trong cấu trúc và tinh thần nơi nhiều tổ chức Phật giáo tại Hoa Kỳ (đôi khi nhẹ nhàng cũng có khi thật gắt gao). Được mô tả như là dân chủ hóa, phụ nữ hóa, dần dà phẩm trật được nới lỏng hoặc biến mất và qui trình thiết lập quyết định đang trở nên cởi mở và uyển chuyển. Trường phái Ordinary Mind Zen của Charlotte Joko Beck và các thừa kế Phật pháp của Bà được qui hoạch hoàn toàn không có phẩm trật và mở ra cơ hội đổi mới cho mọi thành viên. Trung tâm thiền San Francissco hiện có một hệ thống thiền thật tỷ mỉ để giải quyết các tranh cãi và thiền viện trưởng không được giữ chức trọn đời nhưng chỉ thực hiện quyền trong những khóa kéo dài bốn năm (mới có quy định khóa chỉ còn kéo dài ba năm). Hội Suhasiddhi Foundation của Lama Palden lại dựa trên quyết định của nhóm để thực hiện công việc kinh doanh cũng như công việc tinh thần. Mọi người đều bình đẳng; mọi tiếng nói đều quan trọng. Sultrlm Allione và Anne Klain cũng thuyết pháp tại các nhóm.

Điều cuối cùng và rất quan trọng, tôi muốn công nhận sức mạnh và sức sống mãnh liệt của phong trào Phật giáo đang thống lãnh tại đất nước này. Một cuốn sách mới đây, mang tựa đề Engaged Buddhism in the West (Phật giáo dấn thân tại phương Tây) do Christopher S. Queen, ghi lại toàn bộ hoạt động của phong trào này. Trong một chương mang tựa đề “Phật giáo hoa kỳ và các Chính khách Phụ nữ,“. Susan đã nêu ra câu hỏi: Phụ nữ đã thích nghi ra sao trên đất nước này? Câu trả lời của bà đề cập đến những vấn đề: Với thân phận là phụ nữ, chúng ta dư biết điều gì đã tầm thường hóa chúng ta và sự hiểu biết đó có thể giúp chúng ta thực sự liên kết với nhau. Với thân phận phụ nữ, chúng ta đã giúp cho ai đó củng cố vị thế của mình bằng cách công nhận cơ cấu phụ quyền đã bám sâu nơi các qui luật Phật giáo và chúng ta dư biết đó không phải là chân lý tối hậu. Vì thế cho nên khi đề cập đến tín lý chúng ta thật uyển chuyển. Là phụ nữ chúng ta cũng hiểu được phần nào nỗi thống khổ do áp bức gây nên và chúng ta cảm nhận có một mệnh lệnh tinh thần là phải chỉnh lại điều này… phải nhỏ lệ là điều quá gần gũi với phụ nữ chúng ta vì vậy giờ đây chúng ta muốn đi thẳng ngay vào vấn đề đau khổ.

Maylie Scott cho tôi biết, “Dấn thân vào công tác xã hội hiện nay thường được coi là một khía cạnh luyện tập. Một số người trong chúng ta cảm thấy góc độ thực hành là tối quan trọng: làm sao có thể diễn đạt được điều đã nghiệm được trên gối thiền đây? Có sự luyện tập bên trong và luyện tập bên ngoài. Đức Đatlai Latma nói chúng ta cần đến cả hai thứ đó.” Tôi tin tưởng những ấn tượng phát triển dựa trên sự tiến hóa Phật giáo tại phương Tây sẽ không bị giảm sút. Chúng đang tạo biến đổi nơi những tông phái và ngay cả đặc tính các tổ chức cũng như những cộng đồng tu trì nữa (Sanghas) và rõ ràng không thể đảo ngược được nữa. Phật giáo phương Tây đang trở thành một nhân tố khác hẳn với Phật giáo phương Đông, (như đã diễn ra trong lịch sử mỗi khi Phật giáo di chuyển từ phần lãnh thổ này đến phần lãnh thổ khác trên thế giới). Tuy nhiên, nhiều người trong chúng ta vẫn tiếp tục đánh giá cao sự hiện diện và đóng góp của các nữ thiền sư truyền thống như Dai-en Bennage, nhiều người trong số họ đã được các Đại thiền sư Á châu đào tạo. Một số các thiền sư khác đang đứng ở phía bên kia đường ranh, trong lúc đang gắn bó với những phong cách truyền thống thì họ lại chấp nhận cả những giá trị phụ nữ trong đó, theo truyền thống thiền Zen, Dianne Rizzetto và Ni- Osho Sherry Chayatt đã nghĩ đến điều đó, nơi truyền thống Phật giáo Đại thừa, có Lama Palden và Tsultrim Allione, trong khi đánh giá cao di sản Tây Tạng, họ đưa vào những hình thức nữ gíới mới rất nhạy bén và đáng khâm phục, đồng thời mang tính chất hết sức cách mạng.

Để kết thúc những lời kết luận này, tôi muốn trích dẫn ra đây lời nói của Wendy Egyoku Nakao, thiền viện trưởng Trung Tâm Los Angeles., lần đầu tiên xuất hiện trên Turning Wheel là tạp chí của hội Buddhist Peace Fellowship, số mùa xuân năm 1999.

Đâu là những hình thức phụ nữ chúng ta sẽ tạo ra? Đâu là những cơ cấu hoạt động sẽ xuất hiện trong cuộc sống chúng ta? Đâu là những phương thức khôn ngoan nhất với thân phận là phụ nữ chúng ta sẽ đề xuất? Chúng ta thường nói: “Đừng hắt luôn đứa bé đi với nước tắm của bé.” Còn tôi nói, “Đứa trẻ là gì nào? Và nước tắm của bé có là chi? Cứ đổ cả hai đi rồi quan sát xem điều gì xuất hiện với kiến thức quá nông cạn của chúng ta.

-ooOoo-

THUẬT NGỮ CHUYÊN MÔN

– Abhisheka (Phạn): Nguyên nghĩa, rẩy nước. Thánh hiến hay kết nạp làm thành viên chính thức.

– Anapana (Pali): Niệm hơi thở, thở ra hít vào. Một trong các bài luyện tập phổ biến nơi mọi truyền thống Phật giáo.

– Avalokiteshvara (Phạn): Một trong những “bồ tát” nổi bật nhất trong Phật giáo Đại thừa “người nhìn xuống chúng sanh (nhân loại) với lòng từ bi.

– Bhikhuni (Pali) Bhikshuni: Tỳ kheo ni, nữ tu Phật giáo, (Bhikkhu) tỳ kheo, nam tu sĩ Phật giáo. Khất sĩ giữ 227 giới, cạo đầu, mặc cà sa màu vàng, sống nhờ vào thực phẩm khất thực. Còn có nghĩa là những người cố gắng tu trì Giới, Định, Huệ để giải thóat.

– Bodhicitta (Phạn): Cái tâm thông thái. Khát vọng của “Bồ tát” để được giác ngộ tột đỉnh nhằm lợi ích cho chúng sanh

– Bodhisattva (Phạn): Một người thể hiện bản chất của họ là “bồ tát” hay là “giác ngộ” sự thông thái có được từ tri giác được chân lý. Bồ tát, hay “Đức Phật từ bi” nhắm tới giác ngộ cho tất cả chúng sanh. Không phân biệt bản ngã hay vô ngã.

– Brahmavihara (Phạn): Tứ vô lượng tâm, từ, bi, hỉ, xả. Bốn trạng thái tâm linh siêu nhiên hay chỗ ở tinh thần, phương pháp thiền trong đó tâm linh vượt thoát ra khỏi vũ trụ với lòng nhân ái (metta) từ bi (karuna) hoan hỷ (mudita) và bình thản, thanh thản trong tâm hồn (upekkha).

– Buddha (Phạn): Tước hiệu, tên riêng, có nghĩa là “người được giác ngộ” hay “tỉnh ngộ”. Đức Phật lịch sử, Thích Ca Cồ Đàm, sinh năm 563, tại tỉnh Lumbini, Ấn Độ.

– Chakrasamvara (Phạn): nguyên nghĩa, Sự trói buộc, liên kết giữa các Chakras (các tâm điểm chủ yếu của thân thể ảo tưởng).

– Daisan (Nhật): Cuộc gặp gỡ hay đối mặt cá nhân giữa thiền sinh và thiền sư, theo truyền thống thiền tương tự như Dokusan với một thiền sư đã đạt đến bậc Đại sư (Roshi).

– Dharma (Phạn): Chân lý, tín lý, Phật pháp, cũng có nghĩa là hiện tượng hay những yếu tố cơ bản.

– Dokusan (Nhật): Cuộc gặp gỡ, đối thoại riêng tư, mặt đối mặt với một Đại sư (Roshi), tinh thần gặp gỡ đó tràn ngập bản chất cuộc sống.

– Dukkha (Pali): Đau khổ.

– Gassho (Nhật): Một cử chỉ kính trọng trong đó tay nâng lên chấp lại trước ngực cúi đầu hay gập về phía trước.

– Guru yoga (Phạn): Sự luyện tập ngondro thứ tư, có liên quan tới việc nhận các lời chúc lành.

– Hara (Nhật): (lực nội Công, xuống tấn) Tâm điểm sâu xa của trọng lực trong con người được phát triển trong khi hành thiền; từ chuyên môn chỉ một vùng bên dưới vùng rốn ba phân (cm).

– Inka (Nhật): Nguyên nghĩa, dấu (triện) chứng thực. Trong truyền thống Thiền Rinzai tương đương với Phật pháp được truyền từ Đại thiền sư sang thiền sinh, đạt được khi hoàn tất khóa học chính thức.

– Kagyu (Tibet): Một trong những tông phái Tây Tạng tiên khởi trong đó thuyết pháp truyền khẩu (không viết) các Phật pháp đã diễn ra.

– Karma (Phạn): Quả báo. Thuyết nhân quả theo đó chúng ta sẽ gặt hái những gì chúng ta đã gieo ngay tại đời này hay tại đời sau.

– Kensho (Nhật): Quan sát đến tận bản chất sự vật; một kinh nghiệm cởi mở, thông cảm. Kinh nghiệm đầu tiên trong trạng thái ý thức satori, hay ý thức không phân biệt rõ ràng.

– Kinhin (Nhật): Kinh đi rước. Cuộc đi rước xếp hàng một xung quanh phòng thiền sau một giai đoạn hành thiền nghiêm túc.

– Koan (Nhật): Một phương cách trình bày Phật pháp, rất khó đối với khả năng suy luận lô-gic, chỉ ra chân lý vượt trên tri thức.

– Kwan Yin (Trung-hoa): Quan Âm, một nhân vật nữ bồ tát.

– Kyosaku (Nhật): Cũng còn gọi là keisku. Một chiếc gậy bằng gỗ đánh vào vai để thức tỉnh những người ngủ gục cũng như những người cứng đầu để động viên thiền sinh trong việc tập hành thiền.

– Mahamudra (Phạn): Đại trượng, biểu tượng, hoặc cử điệu. Sự truyền thông thiền được truyền lại đặc biệt do trường phái Kagyu. Ở trong trạng thái này toàn bộ kinh nghiệm được biến thành kiến thức siêu vượt và các phương tiện khéo léo.

– Mahayana (Phạn): Trường phái Phương Bắc hay trường phái Đại thừa gồm Tây Tạng, Mông cổ, Trung quốc, Korea và Nhật bản nhấn mạnh đến cái tâm và trực giác vượt trên tri thức và lượng từ bi của Bồ tát còn-đương- tại- thế.

– Maitraya (Phạn): Đức Phật giáng lâm, “Bồ Tát” phổ biến nhất trong nghệ thuật Phật giáo (Tại Nhật gọi là Hotei một nhân vật mập, vẻ mặt tươi cười.)

– Mandala (Phạn): Nhóm hay hội thần bí và nghi thức, tại Tây Tạng một mô thức (biểu đồ) được dùng trong câu thần chú, hành thiền và phụng vụ trong các Chùa.

– Mantra (Phạn): Mô thức hay sự cầu khẩn dùng trong Phật giáo Tây Tạng và trường phái Singon Nhật Bản, dựa trên khoa học sức mạnh thần bí của âm thanh.

– Metta (Pali): Lòng nhân ái, xả hỷ, ý ngay lành. Điều thứ nhất trong Tứ vô lượng tâm – từ, bi, hỉ, xả.

– Mu (Nhật): Hay còn gọi là koan, thường ám chỉ việc luyện tập đầu tiên được chỉ định cho thiền sinh nơi truyền thống thiền (zen) Rinzai. Ý nghĩa của Mu không thể diễn tả bằng ngôn từ lý luận được và được chỉ định chính là để thiền sinh nhạy bén trong lý luận. Một câu chuyện liên quan đến Mu chỉ đơn giản là nhà sư nêu ra một câu hỏi (liệu con chó có bản chất Phật không?) và Đại thiền sư Joshi trả lời: “Mu”

– Ngondro (Tibet): Bốn việc thực hành mở đầu trong Phật giáo đại thừa, gồm 100.000 kiều tỏ bày tôn kính, (vái, xá…) lời cầu khẩn, nhóm nghi thức hành thiền, nhận phép lành.

– Nirvana (Phạn): Hiện trạng giác ngộ siêu nhiên vượt khỏi quan niệm tri thức, trong đó những tách biệt bản ngã được hủy bỏ kết hợp với thực tại kết chung.

– Osho (Nhật): Chức vị, gán cho vị sư trụ trì tại một tu viện Phật giáo.

– Rakusu (Nhật): Một miếng vải khoác ngoài áo cà sa, hình vuông từ vai trở xuống, các nhà sư mặc trong tu viện.

– Rinzai (Nhật): Một Đại sư thiền (zen) thế kỷ thứ 9, đệ tử của Huang Pô thiết lập Rinzai hoặc trường phái “Sudden” của Phật giáo Thiền những lời dạy của ông được sưu tập trong Rinzai Roku được coi là một điển hình tuyệt vời trong văn chương Phật giáo Thiền.

– Roshi (Nhật): “thiền sư cao niên” tên được gán cho một Đại sư Phật giáo thiền thuyết pháp trực tiếp cho chúng sanh hay các đồ đệ trong tu viện.

– Sadhana (Phạn): Một thể loại văn bản nghi lễ thiền đinh (Vajrayana) cũng như việc thực hành thiền loại này như đã mô tả.

– Samadhi (Phạn + Pali): Hiện trạng ý thức tập trung thoát khỏi suy tư nhị nguyên vượt lên trên những tách biệt giữa bản ngã, vô ngã và các mối tương quan.Samatha (Phạn + pali) Tĩnh lặng tâm hồn.

– Sangha (Phạn): Tăng già, Chúng, cộng đồng tu sĩ Phật giáo, gồm những nhà sư ăn mặc theo kiểu Phật, tu trì giới (227 giới). Cộng đồng đạo hữu. Viên ngọc thứ ba

– Sankhara (Phạn + Pali): Một tập hợp các nội dung tâm linh bao gồm những tập hợp cảm xúc, phản xạ có điều kiện, những thói quen vô thức và cả những kỷ niệm. Chất liệu tâm linh ảnh hưởng đến ý thức và cũng bị ý thức chi phối.

– Sanzen (Nhật): Cuộc thảo luận nghiêm túc giữa thiền sư, Đại thiền sư, hay một vị sư hoặc một đạo hữu được huấn luyện thiền. Có thể kéo dài hàng phút, hàng giờ, trong khóa huấn luyện có thể được lên lịch trong hàng ngày hay nhiều ngày liên tiếp.

– Satori (Nhật): Trạng thái ý thức vượt khỏi tách biệt và khác biệt thuần túy, không thể diễn tả và truyền thông cho nhau được. ám chỉ sự khởi đầu thay vì kết thúc huấn luyện hành thiền đích thực.

– Sesshin (Nhật): một cuộc tĩnh tâm (khóa huấn luyện) Thiền (zen) nghiêm túc.

– Sakyamuni (Pali): Đức Phật lịch sử, Thích ca mâu ni Phật.

– Shambhala (Phạn): Vương quốc thần thoại trong đó mọi Công dân đều tử tế tốt bụng với nhau, hiểu biết lẫn nhau và thực hành thiền. Cũng được dùng như là biểu tượng của tỉnh thức (ý thức) và tinh thần minh mẫn thể hiện như là một tiềm năng nơi mọi chúng sanh.

– Shunyata (Phạn): Trống rỗng, khoảng không – cũng là không có cả khái niệm về trống rỗng.

– Sila (Phạn + Pali): Giới, đức hạnh, các luật giới liên quan đến luân lý.Soto (Nhật)

– Tathagata (Phạn): Một chúng sanh đã hoàn toàn giác ngộ trở nên đồng nhất với tuyệt đối, tước hiệu đức Phật dùng để ám chỉ chính mình và các đồ đệ của ngài.

– Theravada (Phạn): Nguyên thủy, lời dạy của các vị trưởng lão hay trường phái Phật giáo phương nam, trước kia được các Mahayana (đại thừa) gọi là Hinayana (Tiểu thừa), rất phổ biến tại Đông Nam Á (miến điện, thái lan, Cambodia và Sri Lanka).

– Tonglen (Tibet): luyện tập trao đổi bản ngã với người khác. đạo hữu hít vào sự đau khổ của người khác đồng thời thở ra hơi ấm và lòng quảng đại hỉ xả.

– Tulku (Tibet): dáng vẻ thân xác trần thế của Đức Phật. Một người thánh thiện nhập thể vào một đứa nhỏ, cần nghiên cứu và tìm tòi bằng chứng.

– Upasika (Phạn + Pali): hình thức nữ giới của upasaka – một thiền sinh người đời gắng sức giữ năm và tám luật giới vĩnh viễn, để theo bát chánh đạo. Đang khi vẫn còn sống tại thế.

– Vajrayana (Phạn): trường phái Tây Tạng thuộc Phật giáo bắc Ấn Độ và Tây Tạng.

– Vajrayogini (Phạn): Thần tính tượng trưng cho nguyên lý nữ giới của Prajna, hay là trí tuệ, hiểu biết bao gồm sự chuyển hòa từ u mê và đau khổ sang vô vi và từ bi.

– Vinaya (Phạn): Luật, giới điều, kỷ luật, để điều hành đoàn thể tu trì.

– Vipassana (Pali): Thiền minh sát

– Yana (Phạn): Cỗ xe, cỗ xe cứu thoát, mọi chúng sanh đều được đưa từ cõi mê tới cõi giác. Thế nên ta có Mahayana

– Yidam (Tibet): Thần tính cá nhân nhập vào bản chất giác ngộ của một đạo hữu

– Zabuton (Nhật): Thảm trải tại phòng thiền.

– Zafu (Nhật): Gối đệm khi hành thiền.

– Zazen (Nhật): Ngồi thiền, hành thiền (zen)

– Zendo (Nhật): Phòng hay phòng hội, thường là một căn nhà biệt lập, dùng để hành thiền.

 

 

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app