Một Số Kinh Nghiệm Học Tiếng Pali – Nguồn Group Học Tiếng Pali

CUỐI TUẦN – TẢN MẠN MỘT CHÚT VỀ VIỆC HỌC TIẾNG PALI

Mỗi người chúng ta đến với tiếng Pali đều có mục đích của riêng mình, có thể là tụng kinh hoặc nghiên cứu tam tạng, hoặc chỉ đơn giản là muốn học thêm một ngôn ngữ mới.

Một khi đã trả lời được câu hỏi: Tại sao lại học tiếng Pali? thì câu hỏi tiếp theo của bạn sẽ là: Học tiếng Pali như thế nào? Bài viết này sẽ đưa ra một số chia sẻ dựa trên kinh nghiệm cá nhân, hi vọng sẽ giúp quá trình học của bạn được hiệu quả hơn.

1. Nắm được các khái niệm cơ bản

Nếu bạn là người mới hoàn toàn hoặc chỉ biết chút chút sơ qua về tiếng Pali thì một điều mà bạn thực sự nên có trước khi bắt đầu học tiếng Pali là hiểu biết cơ bản về các thuật ngữ và khái niệm ngữ pháp chung. Nhiều hướng dẫn ngữ pháp tiếng Pali dường như cho rằng bạn đã học tiếng Phạn (Sanskrit) hoặc tiếng Latinh trước đó. Nếu bạn chưa biết, và bạn thực sự không biết sự khác biệt giữa chủ ngữ và tân ngữ, hoặc ý nghĩa của các thuật ngữ như danh từ, động từ, tính từ, đại từ, giới từ,… thì có lẽ bạn nên dành một số thời gian học ngữ pháp trước.

Bạn có thể học các khái niệm ngữ pháp trong tiếng việt, nếu bạn biết thêm tiếng anh nữa thì càng tốt, và đấy là một lợi thế giúp bạn học nhanh hơn. Có những khái niệm mà trong tiếng việt hoặc tiếng anh có nhưng tiếng Pali lại không có và ngược lại, vì vậy mà nắm rõ các khái niệm về ngữ pháp sẽ giúp bạn phân tích câu và dịch được chính xác hơn. Có thể nói, việc hiểu được các khái niệm cơ bản để bắt đầu là rất quan trọng đối với người học.

2. Bắt đầu đúng trình độ

Việc tìm tài liệu học tiếng Pali rất là dễ dàng, bạn có thể tải tài liệu online hoặc ra hiệu sách mua về và sau đó đã có thể bắt đầu học được rồi. Học một , hai chương đầu bạn thấy khá là dễ nhưng sau đó bạn bắt đầu rối dần, khó học, khó nhớ,v.v… càng học càng “lú”. Đúng vậy, bạn đang với quá trình độ của mình. Không phải cuốn sách nào cũng phù hợp với người mới bắt đầu, hãy bắt đầu từ những cuốn cơ bản trước, đi từ dễ đến khó.

Tham khảo qua một số diễn đàn dạy và học tiếng Pali thì mọi người khuyên là bạn nên bắt đầu với cuốn “Pali primer” của Lily de Silva trước, sau đó khi nâng cao có thể tham khảo đến “Introduction to Pali” của A.K Warder. Ngoài ra, có một số sách khác dành cho người hoàn toàn mới bắt đầu như : An Elementary Pali Course (của Narada Thera), The New Pali Course (Part 1,2,3 của Ven. Buddhadatta). Khi đã học xong cơ bản thì có thể nâng cao hơn với một số quyển khác như : A New Course in Reading Pali (James W. Gair), Pali Made Easy (Ven. Balangoda Ananda Maitreya),…

Tuy nhiên, không nên giới hạn vào một quyển, bạn hoàn toàn có thể học song song 2 quyển để dễ dàng đối chiếu và tham khảo lẫn nhau. Nội dung và cách trình bày của mỗi sách là khác nhau, hãy cứ thay đổi tài liệu khác để học nếu như tài liệu bạn đang học thấy khó tiếp thu, tìm tài liệu phù hợp để học sẽ giúp quá trình học của bạn được nhanh hơn rất nhiều.

Theo kinh nghiệm cá nhân, mẹo để củng cố và ghi nhớ kiến thức nhanh, tổng hợp đó là bạn nên xem qua hết các tài liệu bạn có 1 lượt để thấy được học theo giáo trình nào là phù hợp nhất, và chọn tài liệu đó làm giáo trình chính. Sau đó, đối với mỗi bài học ở giáo trình chính thì bạn sẽ tìm và tham khảo thêm bài học đó ở các tài liệu khác nữa, như vậy bạn vừa có thể đối chiếu xem kiến thức mình học là chính xác hay không và quan trọng hơn là bạn có thể tổng hợp được tất cả các kiến thức liên quan đến chủ đề vừa học một cách đầy đủ nhất. Thực tế thì khó có sách nào tổng hợp hết được các kiến thức lại được, vậy nên việc tham khảo thêm là bắt buộc, nhưng nếu cùng một chủ đề mà bạn tham khảo lắt nhắt thì sẽ khá là khó nhớ và khó tổng hợp kiến thức lại được, mẹo trên giúp bạn tiếp thu kiến thức một cách chính xác và đầy đủ nhất.

Đối với sách Pali bằng tiếng việt thì cá nhân mình thấy khá là hợp với 2 quyển là Pali Hàm thụ (TK Giác Giới) và Giáo trình Pali toàn tập (HT. Thích Minh Châu). Ngoài ra cũng còn những quyển khác như : Văn phạm Pali (HT Bửu Chơn), Pali căn bản (NS Thích Nữ Tịnh Vân), Tự học tiếng Pali (NS Thích Nữ Tịnh Vân), Học tiếng Pali (TK Giác Giới), Văn Phạm Pali trọn bộ (HT Hộ Tông),v.v…

3. Tinh tấn, học liên tục

Học liên tục không có nghĩa là bạn phải dành cả ngày hoặc 4,5 tiếng/ngày chỉ để học tiếng Pali, chỉ cần đơn giản 15-30 phút/ngày, nhưng liên tục mỗi ngày như vậy. Khi bạn làm bất kỳ việc gì, học tiếng Pali chẳng hạn, thì đều phải tốn thời gian và công sức. Sự thành công tỉ lệ thuận với nỗ lực bạn bỏ ra, bạn bỏ càng nhiều thì quá trình đi đến thành công càng nhanh. Tuy nhiên, nếu như bạn là cư sĩ thì khó có thể bỏ nhiều thời gian ra để học Pali giống như các vị tăng ni được, bạn có nhiều thứ cần phải lo toan trong đời sống hàng ngày, và đôi khi chiếm trọn thời gian của bạn. Vậy thì nên học Pali như thế nào? Đó là tùy thuộc vào thời gian biểu và khả năng tiếp thu của bạn mà chọn cách học thoải mái nhất.

Nếu bạn là một người nguyên tắc, hãy đặt thời gian biểu cố định cho giờ học, và cứ thế học mỗi ngày. Nếu bạn là người thích tự do hoặc không có thời gian biểu cố định thì học bất kỳ lúc nào trong ngày mà bạn thấy thoải mái nhất, 5′ cũng được, 10′ cũng được, 30′ thì càng tốt, chỉ cần học đều mỗi ngày.

Trong quá trình học, mắc lỗi là điều đương nhiên, đừng vì mắc lỗi quá nhiều mà nản, nếu mắc lỗi hãy đánh dấu hoặc ghi chú lại, lặp lại lỗi 1 lần có thể bạn không nhớ nhưng lặp lại đến lần thứ 3 thì chắc chắn sẽ nhớ.

Bạn có thể không cần đặt mục tiêu cho mỗi buổi học, nhưng nên đặt mục tiêu cho mỗi tuần, dựa theo danh mục tài liệu chính mà bạn đang sử dụng. Ví dụ như tuần này phải học xong danh từ nam tính,v.v… Nếu bạn có khả năng tiếp thu tốt, hãy mạnh dạn đặt mục tiêu lớn. Còn nếu không cũng chẳng vấn đề gì, hãy chia nhỏ ra và chúng ta đạt lần lượt từng cái một.

Sau mỗi một thời gian học (2-3 tuần, hoặc 1 tháng), hãy ngồi đánh giá lại cả quá trình bạn đã trải qua, bạn sẽ thấy bạn tiến bộ nhiều như thế nào, như vậy sẽ có động lực để tiếp tục học thêm.

4. Từ vựng

Nếu bạn muốn học từ vựng, tại sao lại không bắt đầu với những từ được xuất hiện nhiều nhất trong tạng kinh?

Theo thống kê thì:
– có 3 thuật ngữ được xuất hiện trên 100,000 lần (ca, na, vā)
– có khoảng 70 thuật ngữ được xuất hiện trên 10,000 lần (pana, hoti, taṃ, tattha, evaṃ, …)
– có khoảng 900 thuật ngữ được xuất hiện trên 1000 lần (pañca, puna, kathaṃ, rājā, tvaṃ…)

Như vậy nếu như bạn chỉ học 900 từ thì bạn đã nắm được đến 42% các từ xuất hiện trong tạng kinh rồi. (Theo PaliStudies)

Bạn có thể xem danh sách các thuật ngữ Pali được lọc theo tần suất xuất hiện tại đây: https://drive.google.com/open?id=1LqpE0o7kmQEgX6HaRgAL4VUU4D2Z3US8

Ngoài ra có thể tham khảo app sau để luyện ghi nhớ các thuật ngữ (tiếng anh) : https://www.memrise.com/courses/english/pali/
Nếu như nhóm từ vựng trên vẫn khó nhớ đối với người mới như bạn, thì hãy tham khảo cuốn : Aids to Pali Conversation and Translation của Buddhadatta AP. Cuốn này tác giả nhóm các từ vựng với nhau theo nhiều chủ đề đơn giản và gần gũi như: gia đình, ngày tháng, con người, số,v.v… và các câu hội thoại giao tiếp đơn giản bằng tiếng Pali. Đây cũng chính là mẹo học đối với từ vựng, đó là nên chia từ vựng bạn học theo các nhóm cùng chủ đề như : dụng cụ, phương tiện, động vật, màu sắc v.v.. như vậy sẽ dễ nhớ và ghi nhớ được lâu hơn.

Link tải cuốn Aids to Pali Conversation and Translation: https://dhamma.ru/paali/aids_to_pali_conversation.pdf

5. Công cụ để học

Công cụ đầu tiên không thể thiếu đối với người học ngoại ngữ chính là từ điển. Có khá là nhiều trang từ điển online, ở đây mình chỉ liệt kê ra một số trang hay dùng:
– Từ điển tổng hợp: https://dictionary.sutta.org/
– Từ điển của hội PTS: https://dsalsrv04.uchicago.edu/dictionaries/pali/
– A Critical Pali Dictionary: https://cpd.uni-koeln.de/search
– Pali Proper Names: http://www.palikanon.com/english/pali_names/dic_idx.html

Các trang nghiên cứu Tam Tạng Pali:
– Tipitaka: https://www.tipitaka.org/
– Sutta Central: https://suttacentral.net/

6. Các khóa học online miễn phí

Nhóm cập nhật rất nhiều các khóa học miễn phí, hãy chọn ít nhất 1 khóa phù hợp với bạn để bắt đầu ngay hôm nay. Đường dẫn chi tiết các khóa học nằm ở bài viết được ghim lên đầu tiên của nhóm.

– Khóa của Ni Sư Liễu Pháp (đã hoàn tất)
– Khóa của Sư Ven Kim Hanh
– Khóa của Sư Tinh Tuệ
– Khóa của Ni Sư Diệu Hiếu (dạy tại chùa Giác Ngộ)
– Khóa của Ni Sư Diệu Hiếu (dạy tại Học viện phật giáo Việt Nam – đã hoàn tất)
– Khóa của ngài Stephen Sas (nội dung bằng tiếng anh)
– Seri học cuốn Intro to Pali của A.K. Warder

Ngoài ra còn một số phần mềm hỗ trợ nghiên cứu tam tạng Pali như : Digital Pali Reader, Tipitaka Projector,… Tuy nhiên, không khuyến cáo những người mới sử dụng vì nó dành cho những người đã có kiến thức nền tảng và sử dụng những phần mềm này như 1 công cụ để nghiên cứu tam tạng. Nếu bạn là người mới, hãy cứ học những gì cơ bản, đơn giản trước, nâng cao sau, không cần vội, học đâu chắc đó, trí nhớ con người có hạn thôi, đừng cố nhồi nhét những gì chưa cần thiết vào trong đầu mình.

Hãy nhớ: MUỐN NHANH PHẢI TỪ TỪ

Chúc Bạn sớm đạt được mục tiêu đề ra và tinh tấn trên con đường tu học tiếng Pali!

(Ghi nguồn : Học tiếng Pali (https://www.facebook.com/groups/hoctiengpali) nếu như bạn chia sẻ bài viết này. Xin cảm ơn!)

 

 

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app