NỘI DUNG:

 

A: Achaan Naeb; T: Thiền sinh.

 

(Thiền sinh thứ nhất là một vị sư đã hành thiền ở đây được khoảng một tháng)

 

A: [1] – Sư biết sắc ngồi, sắc đi bằng cách nào?

 

T: – Tôi biết bằng tâm.

 

A: – Sư nói bằng tâm nghĩa là thế nào?

 

T: – Dáng tôi ngồi, là sắc ngồi. Dáng tôi đi, là sắc đi.

 

A: – Sắc ngồi, sắc đi – có phải bằng mắt thấy không?

 

T: – Mắt chỉ nhìn thấy màu sắc hay hình dáng. Mắt không thể thấy sắc ngồi,… Chỉ có tâm mới biết sắc ngồi, sắc đứng,… thôi.

 

A: – Khi sư biết sắc ngồi, là sư suy nghĩ hay sư biết bằng cách nào khác?

 

T: – Tôi biết bằng sự tỉnh thức (chánh niệmtỉnh giác) rằng đó là sắc ngồi.

 

A: Suy nghĩtỉnh thức khác nhau hay giống nhau?

 

T: Suy nghĩ có nghĩa là nghĩ đi nghĩ lại mãi sắc ngồi ở trong tâm. Còn tỉnh thứcnghĩa là biết cái dáng ta đang ngồi – và dáng đó là sắc ngồi.

 

A: – Phải rồi.

 

(Ngày hôm sau)

 

A: – Từ khi đến đây thực hành, sư cảm thấy thế nào?

 

T: – Dường như tôi không ý thức được Danh và Sắc thường xuyên lắm.

 

A: Nhận biết Danh-Sắc liên tục không phải là việc quan trọng. Điều quan trọng là lúc nào cũng phải ghi nhớ rằng sư đang thực hành đúng phương pháp. Đừng nghĩ đến kết quả. Nếu sư gieo nhân đúng, sư sẽ gặt quả đúng. Thực hành đúng hay sai tuỳ thuộc vào sự hiểu biết đúng về pháp hành. Nếu sư hiểu đúng, sư sẽ biết tỉnh thức là gì. Nếu sư không hiểu về pháp hành sư sẽ không biết tỉnh thức là thế nào. Nếu sư hiểu thông pháp hành là sư có tác ý chân chánh (yoniso), còn nếu sư không biết làm thế nào để ngăn ngừa phiền não, là sư đã có tác ý không chân chánh (ayoniso). Trong lúc thực hành, sư quán sát cái nào nhiều hơn – Danh (nāma) hay Sắc (rūpa)?

 

T: – Tôi quán Sắc – Sắc đi.

 

A: – Tại sao?

 

T: – Bởi vì sắc đi dễ thấy hơn. Sắc đi “lớn” hơn nên dễ nắm bắt hơn các sắc khác.

 

A: – Sư muốn đi, bởi vì đối với sư, đi dễ thấy hơn chứ gì?

 

T: – Có lúc thế, có lúc không.

 

A: – Nếu sư quyết định đi vì một lý do nào khác (hơn là để chữa khổ), điều đó có nghĩa là sư thích sắc đi, và như vậy sư đã không còn thực hành minh sát (vipassanā) nữa. Sư có biết là tại sao sư được bảo là phải quán sắc trong bốn oai nghi không?

 

T: – Để biết rõ bốn oai nghi và khổ buộc chúng phải thay đổi.

 

A: – Khi sư thay đổi oai nghi, làm thế nào để sư yoniso (tác ý chân chánh) một cách chính xác?

 

T: – Ta phải biết oai nghi cũ là khổ (dukkha) và cái khổ này buộc oai nghi phải thay đổi.

 

A: – Khi đi hay ngồi, sư có biết tại sao sư đi hay sư ngồi không?

 

T: – Để chữa khổ từ oai nghi cũ.

 

A: – Đúng rồi. Sư biết như thế là đúng. Đi không phải để cho thoải mái hay để thấy Pháp, hoặc chỉ vì sắc đi dễ thấy hơn. Đi như thế là sai. Khi sư hành sai, sư không thể nào đạt đến sự thực (thực tánh pháp). Với pháp hành sai như vậy, sư không thể nào có kết quả đúng được.

 

Vấn đề quan trọng là sư phải biết rõ mỗi khi thay đổi oai nghi. Sư phải biết lý do thay đổi oai nghi là để chữa khổ. Sư càng biết nhiều về lý do thay đổi oai nghi này, sư sẽ càng tiến bộ hơn trong thiền minh sát. Việc biết lý do phải thay đổi oai nghi sẽ giúp cho sư nhận ra khổ, và sư càng nhận rõ khổ, sư sẽ càng nhàm chán (yếm ly) đối với khổ — điều này dẫn đến sự xả ly đối với Danh-Sắc (năm uẩn). Sư có muốn thấy pháp từ việc đi không?

 

T: – Có.

 

A: – Sư muốn thấy pháp nào từ việc đi này?

 

T: – Khi tôi đi, tôi cảm thấy rằng tôi thấy sắc đi rõ hơn ở các oai nghi khác. Tôi biết rằng khổ buộc tôi phải đi, nhưng tôi cũng cảm thấy rằng mình muốn đi nữa.

 

A: – Đi với ước muốn như vậy không thể ngăn được phiền não (kilesa), vì thế mà phiền não sẽ theo sư trong từng bước chân. Nếu sư nghĩ đi sẽ đem lại lợi ích cho sư, sư không thể nào thấy pháp. Lý do tôi nói như vậy là, để thấy được Pháp (Dhamma) trong khi đi, sư phải biết sắc đi là khổ, sắc đi là vô thường, sắc đi là vô ngã, không thể kiểm soát được. Trước khi đi, sư đã tác ý không đúng (ayoniso), vì thế mà sư nghĩ đi là tốt, đi là quan trọng, do đó phiền não xen vào trong cái đi và che khuất thực tánh. Bởi lẽ đó, yoniso rất quan trọng trong thiền minh sát.

 

(Ngày hôm sau)

 

A: – Bây giờ sư đã hiểu rõ pháp hành. Sư có tin là bốn oai nghi sẽ chỉ cho sư thấy sự thực (thực tánh) và sự thực ấy là khổ không?

 

T: – Có. Bởi vì có khổ thọ trong mỗi oai nghi, và nó luôn luôn sanh, khi cái đau phát sanh thì sắc phải thay đổi.

 

(Một ngày khác)

 

A: – Sư có bị phóng tâm không?

 

T: – Rất thường. Có những ngày phóng tâm quá nhiều, nhưng cũng có những ngày không nhiều lắm.

 

A: – Sư có biết tại sao sư có phóng tâm không?

 

T: – Không.

 

A: – Bởi vì vào lúc ấy (phóng tâm), sư không còn ở trong sát-na hiện tại. Chánh niệmtỉnh giác của sư đã rời khỏi Danh-Sắc trong sát-na hiện tại. Vì thế phóng tâm (là một loại phiền não) nảy sanh.

 

T: – Khi phóng tâm xảy ra, làm thế nào để tôi có thể trở lại sát-na hiện tại?

 

A: – Sư biết phóng tâm là Danh. Nó không phải là sư phóng tâm. Phóng tâm là pháp. Sư không thích phóng tâm, có phải không?

 

T: – Vâng, đúng vậy.

 

A: – Sư đã hiểu sai rồi, bởi vì nếu sư biết phóng tâm cũng có lợi, thì khi sư nhận raphóng tâm, sư biết mình không còn ở trong sát-na hiện tại và như vậy sư có thể trở lại với Danh và Sắc. Sư muốn tâm trú trong sắc ngồi lâu hơn, đúng không?

 

T: – Vâng, đúng vậy.

 

A: – Phóng tâm là Danh hay Sắc?

 

T: – Phóng tâm là Danh.

 

A: – Nếu sư biết phóng tâm là Danh, sư không nên quán Danh phóng tâm, bởi vì Danh rất vi tế. Nó không hợp với hành giả sơ cơ. Khi sư nhận ra phóng tâm, sư đừng ngưng lại và phân tích nó. Sư chỉ việc trở lại với sát-na hiện tại của Sắc ngồi thôi – hoặc nếu phóng tâm trở nên quá mạnh, hãy thay đổi oai nghi. Sư có muốn phóng tâm biến mất không?

 

T: – Có chứ. Bởi vì phóng tâm rất khó quán. Nó không giống như bốn oai nghi.

 

A: – Đúng vậy. Danh rất là vi tế. Đối với hành giả sơ cơ, quán danh là điều rất khó. Hành giả thường hay bị phóng tâm, vì chánh niệmtỉnh giác còn yếu. Nếu như có chánh niệmtỉnh giác trong sát-na hiện tại, sư sẽ không có phóng tâm. Do đó sư phải cố gắng duy trì sự tỉnh thức đối với Danh-Sắc trong sát-na hiện tại nhiều hơn nữa. Và sư cũng cần phải biết những đặc tánh của chánh niệm (sati) và tỉnh giác(sampajañña) [2] nữa. Nhờ vậy, khi sư rời khỏi sát-na hiện tại, sư sẽ nhận ra ngay và trở lại. Nếu sư có phóng tâm thường xuyên và sư cảm thấy khó chịu, sư sẽ càng phóng tâm hơn. Sư không thích phóng tâm, muốn phóng tâm biến mất đi, nhưng không được. Phóng tâm ấy có sân (dosa) làm duyên (paccaya) cho phóng tâm khác khởi lên. Không biết rằng phóng tâm chỉ là danh sẽ tạo ra sân và sân này sẽ ngăn không cho chúng ta quay về với sát-na hiện tại.

 

(Hôm khác. Một nam cư sĩ mới bước vào hành thiền minh sát).

 

A: – Ông quán sắc ngồi như thế nào?

 

T: – Tôi quán từ đầu đến chân, và từ chân lên đầu.

 

A: – Ông đã làm như vậy mấy ngày rồi?

 

T: – Sáu ngày.

 

A: – Ai dạy ông thực hành theo lối này? Ông có biết đó có phải là minh sát(vipassanā) hay không?

 

T: – Tôi đã thực hànhnơi khác và người ta dạy quán như vậy. Vị thiền sư ở đó nói là vì tôi chỉ hành ở đó mười ngày nên quán như thế là đủ.

 

A: – Hành như vậy là sai. Ông đang quán sắc ngồi sai, ông có biết không? Bởi vì cái cách ông ngồi mới là sắc ngồi. Cách ông ngồi, dù trong bất kỳ tư thế nào, mới là cái ông phải quán. Khi đứng, ông biết cái cách ông đang đứng; khi đi, ông biết cái cách ông đang đi; khi nằm, ông biết cái cách ông đang nằm;… Điều quan trọng là ông phải có sự tỉnh thức để biết mình đang quán sắc nào. Điều này sẽ thay đổi cái “ta ngồi” thành sắc ngồi, nghĩa là nó sẽ thay đổi tà kiến cho rằng ông có cái “ta ngồi” đó. Do đó, bất cứ ông ngồi cách nào, chỉ việc quán cách ngồi đó là sắc ngồi. Đừng đi và đừng ngồi theo những cách không bình thường. Nếu ông làm theo lối không bình thườngnhư vậy, tâm ông sẽ không còn Trung đạo, bởi vì nó đang cố gắng làm một cái gì đó theo ước muốn (tham).

 

(Một nam cư sĩ khác).

 

A: – Việc thực hành của ông như thế nào?

 

T: – Khi quán sắc ngồi, tôi thấy hình ảnh Đức Phật rất sáng. Ngay cả bây giờ, hình ảnh ấy vẫn in rõ trong tâm tôi.

 

A: – Ông đến đây để thực hành minh sát. Ông có biết minh sát là gì không?

 

T: Minh sát (vipassanā) là thấy Danh-Sắc như vô thường, khổ và vô ngã.

 

A: – Khi ông thấy hình ảnh Đức Phật như vậy, đó có phải là minh sát hay không?

 

T: – Không phải.

 

A: – Ông có thích được thấy hình ảnh Đức Phật như thế không?

 

T: – Thưa, có chứ. Tôi cảm thấy hỷ lạc (pīti). Tôi chưa bao giờ thấy được điều gì như thế này.

 

A: – Cái mà ông thấy là ấn chứng hay tướng (nimitta). Nó phát xuất từ định(samādhi). Khi tâm bỏ Danh-Sắc và không có sự tỉnh thức trong sát-na hiện tại, định sẽ phát sanh. Khi ấy, ông có thể thấy cõi trời, thấy địa ngục, v.v… Khi ông thấy nimitta, ông không có sự tỉnh thức, hay chánh niệm tỉnh giác trong sát-na hiện tại. Ông cần phải thay đổi đối tượng khi điều này xảy ra để làm giảm định, có thể từ oai nghi ngồi chuyển sang đi, hoặc danh nghe, lúc ấy định sẽ giảm. Ông cũng cần phải có sikkhāti (quán sát pháp hành) để ghi nhận tại sao ông lại không còn trong sát-na hiện tại. Nếu ông biết rõ nhân (định), ông có thể trở lại sát-na hiện tại dễ dàng.

 

(Một cư sĩ khác)

 

A: – Việc thực hành của ông thế nào rồi?

 

T: – Lúc này, việc thực hành đã khá hơn lần vừa rồi, nhưng tôi cảm thấy chán ngán và cũng gặp một vài chướng ngại (nivarāna), đó là bị phóng tâm.

 

A: – Ông có nghĩ chướng ngạikẻ thù của ông không? Và chướng ngại ngăn không cho tâm được an lạc không ?

 

T: – Vâng, tôi nghĩ như vậy.

 

A: – Ông có muốn tâm mình được an lạc không?

 

T: – Thưa, có chứ.

 

A: – Ông muốn tâm được an lạc. Vậy ông có biết điều ấy là đúng hay sai không?

 

T: – Không.

 

A: – Sự hiểu biết của ông lầm lẫn quá. Ông đến đây hành vipassanā. Ông muốn định (samādhi) hay ông muốn trí tuệ (pañña)?

 

T: – Tôi muốn có trí tuệ.

 

A: – Thế thì tại sao ông lại muốn tâm an lạc?

 

T: – Bây giờ thì tôi đã hiểu. Tôi sai.

 

A: – Nếu ông biết mình sai, điều đó là tốt. Nhận ra cái sai của mình là điều lợi ích cho việc phát triển trí tuệ vì ông có thể thay đổi được. Nếu ông không biết mình sai, ông sẽ không có cơ hội để hiểu rõ pháp hành. Ông có biết lý do tại sao ông sai khi muốn có định không?

 

T: – Không.

 

A: – Bởi vì các pháp vốn vô thường. Các pháp là vô thường — ông có thích vô thườnghay không?

 

T: – Thưa không, tôi không thích tí nào cả.

 

A: – Định mà ông muốn — nó có vô thường không?

 

T: Vô thường.

 

A: – Như vậy, nếu ông muốn định, tức là ông muốn cái gì đó là vô thường, phải vậy không?

 

T: – Đúng vậy.

 

A: – Thoả mãn với cái gì đó là vô thường, nghĩa là ông đã thoả mãn với danh và sắc là vô thường. Điều này chúng ta gọi là Điên đảo tưởng (vipallāsa). Điên đảo tưởng làm cho ông thoả mãn với định. Song, trong thiền vipassanā, chúng ta cần trí tuệ biết rõ Danh-Sắc để thay đổi tà kiến cho đó là “Ta”, và để thấy Danh-Sắc là vô thường, khổ và vô ngã.

 

Sự thực thì các pháp chỉ là danh và sắc, và chúng có ba đặc tánh (Tam tướng: – vô thường, khổ, vô ngã). Vì thế, ông cần phảitác ý chân chánh (yoniso) trong tâm dể tránh tham đắm — chẳng hạn như muốn có định hay muốn an lạc. Khi một điều gì đó xuất hiện đến cho ông, điều ấy sẽ mang lại trí tuệ cho ông — minh sát là vậy. Ông cứ thực hành tự nhiên như đang xem một vở kịch. Khi ông muốn tâm mình an lạc tức là ông không đang xem vở kịch nữa rồi. Lúc đó ông đang cố gắng đạo diễn vở kịch và điều đó là sai. Khi ông biết mình sai, là tốt cho ông, bởi vì lần sau khi ông muốn tâm an lạc ông có thể thay đổi đối tượng, chẳng hạn như thay đổi sang một oai nghi khác.

 

Khi chúng ta nói về Trung đạo (Majjhimā – patipadā) thì thực dễ nói, nhưng hành lại rất khó. Ông có biết tại sao ông không hành trong Trung đạo được không? Bởi vì tâm lúc nào cũng muốn cái này, ghét cái kia. Thí dụ như ông thích tâm an lạc và không thích phóng tâm chẳng hạn.

 

T: – Vâng, tôi hiểu.

 

A: – Muốn tâm an lạc là tham, còn không thích phóng tâm là sân. Như vậy phiền nãosẽ luôn luôn theo ông. Làm thế nào để thoát khỏi phiền não? Nếu tâm ông ở trong Trung Đạo, thích và ghét hay tham và sân có thể bị tiêu diệt.

 

(Một thiền sinh khác)

 

A: – Việc thực hành của ông như thế nào? Ông có hoài nghi gì về pháp hành không?

 

T: – Khi tôi hành theo Tứ oai nghi, tôi có khuynh hướng thấy một oai nghi nào đó dễ hơn là nắm bắt sắc (rūpa). Tôi có khuynh hướng sử dụng oai nghi đó, như đi chẳng hạn. Hành như vậy có đúng không, thưa thiền sư?

 

A: – Đúng rồi, nhưng ông phải cẩn thận. Nếu ông nghĩ sắc đi sẽ có lợi, tham ái (tanhā) có thể xen vào. Vì thế, ông phải có tác ý chân chánh để thấy rằng việc thay đổi oai nghi là để chữa khổ — lúc ấy tham ái sẽ không thể xen vào.

 

T: – Khi quán sát Tứ oai nghi — tuy không phải vì thấy khổ ở sắc mà chỉ ở tâm — tôi cảm thấy khó chịu. Vì thế tôi thay đổi oai nghi.

 

A: – Điều đó không đúng. Ông đã thay đổi oai nghiphiền não chứ không có tác ýđúng để thấy rằng việc thay đổi oai nghi là để chữa khổ. Ông có biết vì sao tâm ông khó chịu không? Bởi vì ông đã không thấy sắc ngồi, nên tâm dao động. Khi tâm dao động, phiền não sẽ lẻn vào. Ông trở nên dễ duôi và thiếu tác ý — do đó phiền não có mặt. Vì thế, ông muốn thay đổi oai nghi để tìm một đối tượng mới. Nếu ông thay đổi oai nghi vì muốn (thay đổi), phiền não đã có mặt và che khuất sự thực. Ông thực hành với tâm tham vì muốn có kết quả nhanh chóng. Ông cần chú ý mỗi khi thay đổi oai nghi, dù cho phiền não có mặt hay không cũng vậy.

 

(Ngày khác, một thiền sinh khác)

 

A: Pháp hành của ông thế nào rồi?

 

T: – Buổi sáng, khi tôi thức dậy và quán sắc ngồi, tôi cảm thấy rất nhẹ. Khi ngồi, tôi cảm thấy mình giống như một cục bông vậy. Tôi biết điều này là do có quá nhiều định. Vì thế tôi thay đổi oai nghi. Nhưng định vẫn cứ theo tôi.

 

A: Cố gắng giảm định bằng cách không thay đổi đối tượng. Ông có thể làm điều này được không? Chỉ cần làm với nhiều chánh niệm tỉnh giác hơn thôi. Ông thử làm như thế xem sao.

 

T: – Tôi đã thử làm như vậy nhưng không thành công. Thân tôi vẫn có cảm giác như đang nổi bềnh bồng vậy

 

A: – Ông có biết do nguyên nhân gì không?

 

T: – Bởi vì tôi yếu sampajañña (tỉnh giác).

 

A: Chánh niệm và tỉnh giác cần phải được quân bình. Với một thiền sinh mới, tỉnh giác thường yếu và chánh niệm lại có quá nhiều — điều đó ngăn không cho tỉnh giácmạnh lên. Vì vậy, ông phải có chánh niệm tỉnh giác nhiều hơn nữa thì định mới không thể đẩy tỉnh giác ra ngoài được. Chánh niệm và tỉnh giác làm việc chung với nhau trên cùng một đối tượng. Nếu có chánh niệm nhiều hơn, nó sẽ đẩy tỉnh giác ra khỏi. Do đó ông cần phải lưu ý điều này. Cố gắngtỉnh thức nhiều hơn và quân bình chánh niệmtỉnh giác.

 

(Ngày khác, thiền sinh khác)

 

A: – Kể từ khi tôi khuyên ông quán danh nghe, việc thực hành của ông thế nào rồi?

 

T: – Đã khá hơn. Âm thanh không còn làm phiền tôi như trước đây nữa.

 

A: – Ông có biết tại sao ông nghe được không?

 

T: – Bởi vì có âm thanh, và do đó tôi nghe nó.

 

A: – Nghe là danh hay sắc?

 

T: – Danh.

 

A: – Danh gì? Khi ông nghe, ông có để ý danh ấy là gì không?

 

T: – Danh nghe. Và chánh niệm tỉnh giác quán danh nghe.

 

A: – Thực vậy. Như chúng ta đã học trước đây rằng có âm thanhâm thanh đó gây ra cái nghe. Tôi khuyên ông quán danh nghe, nhờ thế ông sẽ thấy ra là danh nghe phát sanh do duyên. Âm thanh và tai là những duyên cho sự nghe. Nghe tự nó nảy sanh. Nghe là thuần tịnh. Nó không có phiền não, không có thích hay không thích ở trong đó. Nếu chúng ta thấy được điều này thường xuyên thì rất có lợi, bởi vì ông sẽ không ghét cái nghe hay những âm thanhchúng ta nghe, và nhất là không nghĩ nó quấy rầy việc thực hành minh sát của ông nữa. Lúc đó, ông có thể thấy sabhāva (thực tánh pháp), bởi vì danh nghe là sabhāva, đồng thời ông cũng có thể thấy được nhân duyên sanh của nó — vì không có ai tạo ra sabhāva cả.

 

(Ngày khác, thiền sinh khác)

 

A: – Việc thực hành của ông thế nào? Ông có hiểu rõ pháp hành không?

 

T: – Đã khá hơn, thưa thiền sư, nhưng Danh-Sắc vẫn chưa khởi lên.

 

A: – Ông nói Danh-Sắc vẫn chưa khởi nghĩa là gì?

 

T: – Tôi thực sự chưa thấy được Danh-Sắc. Tôi chỉ biết về nó từ việc nghiên cứu qua sách vở, nhưng thực sự thấy thì vẫn chưa.

 

A: – Ông vẫn chưa có đủ kinh nghiệm trong việc thực hành. Ông không biết làm cách nào để nắm bắt sát-na hiện tạiVipassanā không phải dễ. Ông cần có sự kiên trìhọc hỏi dần dần. Cũng như ông đi trên một sợi dây và té xuống, rồi ông phải leo trở lên vậy. Đừng vội. Đừng nôn nóng muốn thấy Danh-Sắc. Chỉ việc thực hành. Hãy ghi nhớ trong tâm là phải thực hành theo cách bình thường và không muốn thấy Danh-Sắc gì cả — thì dù ông có thấy nó hay không cũng được. Chỉ cần hành đúng. Nếu ông muốn thấy sắc, đó là tham ái. Khi tham ái có mặt, ông không thể thấy pháp, bởi vì tâm ông đã sai rồi. Ông cần phảitác ý đúng trong tâm, như thể đang xem một vở kịch vậy. Vở kịch chỉ có bốn phần — đi, đứng, ngồi, nằm. Đó là tất cả. Mặc dù chỉ có bốn phần, nhưng nó rất khó thấy. Ông phải hiểu cách làm thế nào để thấy nó.

 

(Ngày khác, vị sư thứ hai)

 

A: Pháp hành của sư thế nào rồi?

 

T: – Khuya đêm qua tôi có quá nhiều định và cảm thấy rất dễ bị hoảng sợ.

 

A: – Quá nhiều định và dễ bị hoảng sợ là chuyện bình thường, và sau đó sư sẽ còn sợ hãi nữa. Nhưng không phải như sợ ma. Chỉ là sợ hãi vậy thôi. Vào lúc đó, sư không có sự tỉnh thức mà chỉ có niệm. Nếu tâm có chánh niệm tỉnh giác hay sự tỉnh thức trong Danh-Sắc sư sẽ không cảm thấy hoảng sợ. Nếu như sư lơ đãng, không có tác ý đúng, sư sẽ cảm thấy hoảng sợ khi nghe một tiếng gì đó. Còn nếu sư có sự tỉnh thức thì khi cái nghe khởi, danh nghe theo liền trong tâm sư và điều đó có nghĩa là sư nắm bắt được sát-na hiện tại, và nó cũng cho thấy sư là người có kinh nghiệm trong pháp hành, có chánh niệm tỉnh giác.

 

T: – Khi nghe thiền sư hướng dẫn thì thấy rất dễ, nhưng khi thực hành thì thiên nan vạn giải.

 

A: Chánh niệmtỉnh giác nghĩa là sư phải có sự tỉnh thức trong sát-na hiện tại. Nhưng điều này rất khó giải thích. Thiền sinh phải cố gắngthực hành. Nếu khi phóng tâm mà sư biết “câu chuyện” phóng tâm là sư đã không có sự tỉnh thức. Nếu sư có sự tỉnh thức sư sẽ không biết. Tỉnh thức có nghĩa là ở trong sát-na hiện tại với Danh-Sắc vậy.

 

T: – Tôi biết oai nghi ngồi, hiện tại tôi đang quán sắc ngồi.

 

A: – Mặc dù sư tỉnh thức với chánh niệmtỉnh giác nhưng không được rõ ràng lắm, nếu sư chỉ biết bằng văn tuệ (sutta paññā), sư sẽ không biết những đặc tánh của chánh niệmtỉnh giác. Hành giả sơ cơ khi đến đây thực hành phần lớn đều biết “câu chuyện” (tức rơi vào phóng tâm), bởi vì kinh nghiệm của họ không có đủ để quán Tứ oai nghi; vì thế, họ không biết phải quán cái gì trong lúc thực hành, tức là khi Danh hay Sắc phát sanh ở các căn khác, họ không biết phải quán loại nào. Dó đó, có lúc họ hành đúng, có lúc hành sai.

 

Khi họ có định, sự tỉnh thức không có, và họ không biết điều đó. Vì thế, hành giả phải có sikkhāti để ghi nhận kịp thời sự việc này. Nếu một người thiếu sự ghi nhận pháp hành của mình, người ấy thiếu kiến thức về pháp hành.

 

Lý thuyếtthực hành khác nhau. Lý thuyết (pariyatti) chỉ có trong sách vở. Lý thuyết nói cho ta biết về những đặc tánh của Danh và Sắc, nhưng sự thực hay thực tánh của Danh và Sắc thì sư chưa từng thấy trước đây. Khi sư không hiểu thực tánh của Danh-Sắc thì hành đúng là điều rất khó.

 

(Ngày hôm khác. Một vị sư đang dạy thiền Vipassanā)

 

A: – Sau một tuần lễ thực hành, pháp hành của sư thế nào rồi?

 

T: – Lần này thì khác hơn lần vừa rồi. Lần rồi tôi không cảm thấy mệt, nhưng lần này tôi thấy mệt. Tôi không cảm thấy phấn chấn như lần trước, và không biết lý do tại sao.

 

A: – Điều này là do những lần trước sư thực hành, định là trợ duyên cho phiền nãophát sanh, và điều ấy làm cho sư cảm thấy phấn chấn cùng với hỷ (pīti). Nhưng lần này định của sư đã giảm, tâm khô khan và sư không cảm thấy phấn chấn nữa. Hành minh sát, nếu phiền não giảm, sẽ làm cho tâm cảm thấy kém hưng phấn. Điều này khiến cho sư mất đi sự ham muốn, không muốn thấy bất cứ một thứ gì nữa. Còn về vấn đề mệt mỏi là do quá tinh tấn gây ra. Và tinh tấn ấy đi kèm với tham áitham ái muốn thấy Pháp.

 

Vấn đề quan trọng là phải biết cái gì sẽ đem lại cho sư một kết quả mỹ mãn.

 

  1. Sư phải biết sư nên quán sát cái gì, Danh hay Sắc, và làm thế nào để quán chúng.

 

  1. Sư phải nhận ra oai nghi nào sư quán nhiều hơn, tại sao.

 

  1. Khi sư thay đổi oai nghi, sư phải biết là mình có yoniso hay không, và yoniso ấy có phải là yonisochân chánh hay không. Điều này rất quan trọng bởi vì nó sẽ tiêu diệtnhững pháp che khuất sự thực của khổ (thực tánh khổ). Khi thay đổi oai nghi, sư phải có yoniso đúng, tức là khi oai nghi cũ khổ, điều này ngăn tâm sân khởi lên đối với oai nghi cũ và tham đối với oai nghi mới. Như vậy tác ý chân chánh sẽ tiêu diệt tham và sân hay thích và ghét.

 

  1. Khi sư đang phóng tâm, sư có quán “câu chuyện” (phóng tâm) ấy không hay phóng tâm chỉ là danh? Điều này rất quan trọng. Ai là chủ nhân của danh phóng tâm đó?

 

T: – Không ai cả.

 

A: – Phải rồi. Danh phóng là thực tánh (sabhāva), không đàn ông, không đàn bà, không tự ngã.

 

T: – Từ khi tôi đến đây thực hành, cho đến lúc này, tôi vẫn chưa thấy danh hay sắc gì cả.

 

A: – Sư không thấy Danh-Sắc và sư cảm thấy mệt bởi lẽ sư có tham muốn thấy. Tham muốn đó là tanhā (ái), chính nó làm cho sư muốn thấy sự sanh diệt của Danh-Sắc, và vì thế mà pháp hành của sư không tiến bộ. Và sư lại tinh tấn (ātāpī) quá nhiều. Tinh tấntham ái làm cho sư mệt. Sư thực hành chưa đầy một tháng và sư lại muốn thấy điều này điều kia, khi sư không thể thoả mãn, sư cảm thấy thất vọng. Như vậy là sai. Bởi vì khi sư có tham muốn thì lúc đó không còn là Trung đạotrí tuệ không thể khởi lên được.

 

Hơn nữa, làm thế nào sư biết được Danh-Sắc vẫn chưa khởi lên chứ ? Đây là Danh và Sắc. Ngay lúc này sư đang quán Danh-Sắc, nhưng đó là cintāpañña (tuệ thẩm nghiệm).

 

Hành vipassanā, nếu sư muốn cảm giác thoải mái, đó không phải là vipassanā. Trong pháp hành đúng, không có sự thoải mái. Nếu sư thấy khổ (dukkha) nhiều thì tâm sưsẽ trở nên khô khan hơn (tức có trí tuệ hơn) và phiền não giảm bớt. Tôi có thể hỏi sư, sư có quán Danh-Sắc liên tục hay không?

 

T: – Có. Nhưng tôi không thể quán đúng trong sát-na hiện tại

 

A: – Danh-Sắc mà sư đang quán đó, sư quán bằng tư duy hay bằng sự tỉnh thức?

 

T: – Bằng tư duy hơn là bằng tỉnh thức.

 

A: – Có phải sư vẫn nghĩ ngồi và đi là để thấy sắc hơn là để chữa khổ không? Khi sư đi, sư có yoniso lý do tại sao sư đi không?

 

T: – Có, nhưng tôi thường hay quên.

 

A: – Đúng rồi. Quên là đúng. Khi sư có nhiều kinh nghiệm hơn trong pháp hành, cái quên này sẽ giảm. Vấn đề quan trọng là đừng mong muốn thấy Danh-Sắc hay thấy sự sanh diệt của Danh-Sắc. Sư phải dừng lại những cảm giác như thế. Thậm chí sư cũng đừng có cảm giác là mình đang hành vipassanā. Bởi vì cảm giác đó là ước muốn thấy thực tánh và đó là phiền não. Sư phải có cảm giác rằng sư phải ngồi hay nằm là để chữa khổ. Chính cảm giác đó sẽ làm duyên cho trí tuệ.

 

(Ngày khác. Một vị sư khác)

 

A: Pháp hành của sư như thế nào?

 

T: – Khá tốt. Tôi đang hành như lời khuyên của thiền sư. Tôi cảm thấy bình thườngthoải mái.

 

A: – Sư nói “thoải mái”. Ai thoải mái?

 

T: – Khi tôi thay đổi oai nghi, tôi cảm thấy thoải mái và cái đau biến mất.

 

A: – Thân thoải mái hay tâm thoải mái?

 

T: – Thân thoải mái và cả tâm nữa.

 

A: – Khi sư nói thoải mái, sư cảm thấy thoải mái ở chỗ nào? Sư muốn thay đổi oai nghi hay sư phải thay đổi oai nghi?

 

T: – Tôi phải thay đổi.

 

A: – Phải thay đổi nghĩa là sư bị buộc phải thay đổi. Làm thế nào sư có thể nói là sư thoải mái được?

 

T: – Một tí thoải mái sau khi thay đổi oai nghi thôi.

 

A: – Một tí thoải mái à? Ngay cả một tí thoải mái cũng là phiền não. Đó là tham ái (tanhā). Sư phải thực hành cho đến khi sư nhận ra không có gì là thoải mái cả. Lúc ấy lạc tưởng — sukha vipalāsa (nghĩ rằng thân là lạc) mới có thể giảm. Sư đang hành để thấy khổ (dukkha) hay lạc (sukha)? Nếu hành để thấy lạc là sai. Đức Phật nói chỉ có khổ (dukkha) trên thế gian này.

 

T: – Có lần khi đang quán tôi thấy toàn là khổ trong danh và sắc — và tôi cảm thấy sợ chết.

 

A: – Sư đã thấy thân là khổ, tại sao sư vẫn sợ chết? Sư sợ chết là vì sư vẫn thấy thân là khả ải. Tham ái (tanhā) trong sư còn quá mạnh bởi thế sư mới sợ mất năm uẩn. Lần tới khi thực hành sư có nghĩ mình sẽ thấy khổ nữa hay không ?

 

T: – Tôi không biết nữa.

 

A: – Sư phải ghi nhận danh nào và sắc nào sư đang quán, và sư đang ở trong oai nghinào vào lúc sư thấy khổ. Cách sư thấy được khổ như vậy là pháp hành đúng. Đó chính là nhân làm phát sanh tuệ minh sát (vipassanā paññā).

 

Khi thay đổi oai nghi sư phải biết lý do tại sao sư thay đổi. Và biết rằng khổ buộc sư phải thay đổi oai nghi. Đừng cảm giác rằng sư muốn thay đổi, mà phải nhận ra rằng khổ buộc sư phải thay đổi. Nếu như sư dự định để trở thành một bậc thầy dạy thiền, sư phải biết nhân và quả. Chẳng hạn, khi sư đang quán, sư phải luôn luôn có sự tỉnh thức đối với danh và sắc. Tại sao? Bởi vì các pháp chỉ là Danh-Sắc, không có gì khác ngoài chúng. Điều này sẽ thay đổi tà kiến nghĩ rằng có một tự ngã. Lúc ấy Tuệ phân biệt danh sắc (Nāma-rūpa pariccheda-ñāa) sẽ theo sau. Đây là Tuệ thứ nhất trong 16 tuệ minh sát khởi lên, Tuệ này được gọi là Kiến tịnh (diṭṭhi visuddhi).

 

cần phải hiểu rõ sự khác nhau giữa việc biết Danh-Sắc bằng lý thuyết và biết bằng thực hành. Cũng như sư phải biết danh nào và sắc nào sư đang quán, chẳng hạn như sắc ngồi, danh nghe v.v… Bởi vì nếu sư chỉ quán Danh-Sắc suông thì không thể nào diệt được nguyên khối tưởng — ghana saññā — che án vô ngã tính (anatta).

 

Ngoài việc biết danh nào, sắc nào ra, sư còn phải biết chúng trong sát-na hiện tạinữa. Sư phải ghi nhận lý do tại sao mỗi khi cần làm một điều gì và làm vì mục đích gì.

 

Tâm được xem là rất thú vị, điều đó hợp với người còn muốn phiền não, nhưng nó không ích gì đối với người đang mong muốn giải thoát khỏi phiền não. Sư nghiên cứulý thuyết, song chỉ biết những tên gọi suông như sắc nào, danh nào hoặc phiền nãoloại gì v.v… Đến khi thực hành sư đã thấy nó nhưng vẫn không biết. Đức Phật dạy, “Sabhāva dhamma (thực tánh pháp) lúc nào cũng hiện hữu, nhưng nó thật khó thấy.”

 

(Ngày khác. Vị sư đầu tiên)

 

A: Pháp hành của sư tiến triển ra sao rồi?

 

T: Pháp hành của tôi đã khá hơn. Tâm hoàn toàn sáng suốt, phóng tâm (mộng tưởng hão huyền) rất ít. Tôi có thể trở lại với sát-na hiện tại được liền, và cũng rất ít định.

 

A: – Sư nói là tâm hoàn toàn sáng suốt. Ý nghĩa điều sư muốn nói là gì?

 

T: – Tôi không còn cảm thấy mệt như trước đây nữa.

 

A: – Sư hiểu Danh-Sắc bằng pháp học và bằng thực hành. Sư có biết sự khác nhau giữa hai thứ không? Và sư biết nó vào lúc nào? Biết bằng pháp học là biết do nghiên cứu học hỏi trước, nghĩa là biết danh nào, sắc nào. Nhưng biết bằng thực hành thì sư phải nhận ra tà kiến làm cho sư nghĩ chúng là tự ngã. Khi nào thì tà kiến này khởi lên? Nó khởi lên khi sư bỏ qua Danh-Sắc trong sát-na hiện tại. Khi sư có sự tỉnh thứcvới chánh niệm tỉnh giác, đó là có sát-na hiện tại, tà kiến nghĩ rằng Danh-Sắc là tự ngã không thể nảy sanh. Nhưng nó vẫn chưa biến mất, bởi vì sư chỉ quán được Danh-Sắc khi sư ở trong sát-na hiện tại, chứ sư chưa biết Danh-Sắc một cách rõ ràng. Phiền não chỉ được ngăn ngừa vào lúc sư đang trong sát-na hiện tại thôi.

 

Sư có biết là sẽ được lợi ích gì khi hiểu Danh-Sắc bằng lý thuyết (pháp học) không? Lợi ích đó là sư có thể quán Danh-Sắc trong sát-na hiện tại đúng cách.

 

Sư biết tại sao sư phải thay đổi oai nghi không?

 

T: – Bởi vì khổ buộc phải thay đổi.

 

A: – Sư cũng phải biết sắc nào đang khổ nữa. Chẳng hạn, sắc ngồi khổ, sắc đứng khổ, v.v… Nếu như sư không ở trong sát-na hiện tại, sư sẽ có phóng tâm về tương lai hay quá khứ, nghĩa là nghĩ đến những chuyện đã qua hay sắp tới.

 

Khổ ai cũng nhận ra, nhưng họ không biết cái gì khổ. Sư biết vì sao không? Bởi vì họ không quán Danh-Sắc vào lúc đó, tức trong sát-na hiện tại.

 

Sư nói rằng tâm sư hoàn toàn sáng suốt. Thế còn khổ thì sao? Sư có khổ không? Không đau nhức khi ngồi sao? Hoặc khi đi, sư không mệt sao? Khi nằm, sư không thấy đau sao? Sắc nào sư nghĩ là khổ? Sư nói rằng pháp hành của sư đã khá hơn, rằng sư có ít phóng tâm và tâm rất sáng suốt. Như vậy có nghĩa rằng sư đã có lạc.

 

T: – Khi phóng tâm khởi lên, tôi biết đó là danh phóng tâm và phóng tâm biến mất. Vì thế, tâm trong sáng và tôi trở về với việc quán tứ oai nghi.

 

A: Tuy nhiên, nếu sư đang quán thọ khổ (dukkha-vedanā) và thọ ấy tan biến đồng thời với sự cảm thấy lạc, thì đó là sai. Sư phải thấy khổ. Nhiệm vụ của Tứ đế là quán khổ. Sư càng thấy khổ thì tham ái càng bị tẩy trừ. Đừng quán suông — sư phải có tác ý đúng, lúc nào sư cũng phải có Danh-Sắc trong sát-na hiện tại. Sư cảm thấy khổ cho đến khi nào không còn lạc nữa mới thôi. Sư càng thấy khổ nhiều bao nhiêu thì lạc sẽ giảm đi bấy nhiêu. Khổ sẽ thiêu đốt lạc. Cuối cùng, khi ái bị dập tắt, sư sẽ đạt đếnđoạn diệt (nirodha). Khi sư đến nirodha thì Bát thánh đạo được hoàn tất.

 

Khi thọ dụng thuốc men trị bệnh, sư có yoniso hay không? Tức là sư có tác ý đúng tại sao sư phải uống thuốc không? Sư phải biết mình uống thuốc là để chữa khổ. Nếu như sư không có tác ý chân chánh, pháp hành của sư sẽ đi ra khỏi con đường minh sát. Hoặc khi sư thay đổi oai nghi, mỗi lần như vậy, sư phải biết là để chữa khổ. Cho đến khi nào sư cảm thấy nó thực sự là khổ. Nhờ trí tuệ thấy khổ như vậy, sư sẽ đuổi được tham ái (tanhā) và tà kiến (diṭṭhi). Vì thế, yoniso rất là quan trọng đối với pháp hành vipassanā. Chỉ lúc đó sư mới không thấy chút lạc nào trong bất kỳ sắc nào, bởi vì khi sư thay đổi oai nghi, đó là để chữa khổ vậy.

 

(Ngày khác. Vị sư thứ nhì)

 

A: – Việc thực hành của sư thế nào rồi?

 

T: Chánh niệmtỉnh giác khá hơn.

 

A: – Sư nói chánh niệm tỉnh giác của sư khá hơn. Cái gì là chánh niệm tỉnh giác? Và sư đang quán danh gì hay sắc gì?

 

T: – Có lúc tôi nhận ra rằng vì có sắc nên mới có sắc đi, sắc đứng, sắc nằm, sắc ngồi, v.v… Và tôi thấy rằng, sắc mà tôi đang quán chẳng khác nào một con búp bê vậy — rồi tôi đâm ra sợ hãi và không có gì thú vị cả.

 

A: – Sợ sắc đó không có thực thể, là vô ngã, điều đó có nghĩa là sư đang hành tốt hơn. Ái là cái rất quan trọng phải ngăn ngừa. Tham ái có thể có mặt trong mọi đối tượng, nó rất là vi tế, nhanh nhẹn và khôn ngoan. Nếu sư không biết điều gì về nó, nó sẽ lẻn vào lúc nào không biết. Vấn đề quan trọng là đừng bao giờ muốn thấy cái này hay cái nọ — bổn phận của sư chỉ có việc quán sát. Nếu Danh-Sắc vẫn chưa khởi lên, song chúng ta muốn nó phải khởi, hoặc nếu sư cố gắng làm cho nó khởi lên, chẳng hạn khi sư ngồi, sư đưa tay lên chậm chậm để mong thấy sắc sanh và diệt — điều này được làm với tham ái.

 

Khi sư đang quán, hãy thận trọng đừng mong đợi một cái gì đó xảy ra, vì như vậy là mong muốn. Khổ phải nảy sanh trước, và sư phải quán cái khổ ấy — đó là sát-na hiện tại. Tất cả mọi người đều không muốn khổ, nhưng cái khổ vẫn cứ khởi lên, sư không thể kiểm soát nó. Tham ái bao giờ cũng muốn thọ khổ chấm dứt. Nếu sư không có tác ý đúng, trí tuệ không thể phát sanh. Nếu sư quán với ước muốn cho thọ khổ biến mất như trước đây sư làm, sư sẽ rơi khỏi sát-na hiện tại. Muốn được ở trong sát-na hiện tại, sư phải có tác ý đúng. Khi sư cảm thấy rằng sư phải thay đổi oai nghi vì khổ bức bách, sư thay đổi và tham ái không thể xen vào được.

 

 

 

[1] A: Thiền sư Achaan Naeb; T: Thiền sinh

 

[2] Đặc tánh của sati là biết oai nghi và sampajañña biết oai nghi ấy là sắc ngồi.

 

 

____________________

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app