Kinh Tăng Chi số 005

Bài Giảng Sư Toại Khanh Paltalk 2019

Phẩm Phi Pháp

Đoạn 1.: Đứng về phương diện nội phần: trong Chú giải nói rất rõ, và nói theo ngôn ngữ bây giờ tức là xét về lý do chủ quan hay là lý do nội tại-lý do bên trong mỗi người, không có pháp nào mà nó hại cho người tu học bằng sự dễ duôi, trong đây dịch là phóng dật. 

Phóng dật – pamada có 5, làm gọn lại có 3 cái dễ ngươi:

1. đam mê trong 5 dục

2. buông xuôi trong ác pháp

3. biếng lười trong thiện pháp. 

Chữ Phóng dật có 2 từ gốc Pali:

1. uddhacca: thiếu định

2. pamada: chỉ cho 3 ý nghĩa vừa ghi.

Tùy chỗ, cũng như chữ thiên nhãn, chữ tỉnh giác-sampajanna cũng có nhiều nghĩa, thì ở đây chữ phóng dật cũng có 2 nghĩa vì căn cứ vào từ Pali, có chỗ chữ pamada cũng được dịch là phóng dật, trong trường hợp đó chữ phóng dật này mang 3 nghĩa vừa ghi. Còn trường hợp chữ phóng dật từ chữ uddhacca thì có nghĩa là thiếu định,  không có định tức là tâm lăng xăng.

Trong trường hợp này, chữ phóng dật ở đây không phải là thiếu định, mà là sự đam mê trong 5 dục, sự buông xuôi trong pháp ác và sự biếng lười trong pháp thiện, gọi là phóng dật – dễ ngươi. 

Chúng tôi cố tránh chữ dễ duôi, bởi chữ này nó lạ với ngôn ngữ ngoài đời, những người chưa biết Đạo họ nghe chữ dễ duôi thấy nó kỳ kỳ! trong khi chữ dễ ngươi thì người ta dễ hiểu hơn. 

Phải nói rằng Phật Pháp thì bao la, có nhiều pháp tu, mà tất cả pháp tu gom lại có 2, đó là làm chuyện cần làm và tránh chuyện cần tránh, chỉ vậy thôi! 

Dễ ngươi hay phóng dật có nghĩa là không tránh chuyện cần tránh và không làm chuyện cần làm.

Toàn bộ pháp tu trong Phật Pháp chỉ gói gọn trong 2 điều, đó là tránh điều cần tránh và làm điều cần làm. Còn dễ ngươi là không tránh điều cần tránh và không làm điều cần làm.

Định nghĩa rốt ráo như vậy thì các vị thấy rõ ràng là cái dễ ngươi là gốc của tất cả pháp, bởi vì đối với 5 dục thì mình chìm đắm, đam mê; đúng ra đam mê trong 5 dục cũng nằm trong cái ác, nhưng ở đây nói rõ ra, nói cụ thể, bởi vì nếu không nói rõ ra thì rất nhiều người không có thấy. 

Chẳng hạn như cách đây cũng gần 30 năm về trước, trong một buổi giảng ở Bến Tre, trên một cù lao nằm giữa Vĩnh Long với Bến Tre, có một gia đình phật tử mời về giảng, trong số người nghe có một ông cụ 83 tuổi, ông nói thế này: Cả đời tôi không làm gì ác, tôi cũng không có lừa đảo, không làm cho ai phải rơi lệ, đổ máu, không lừa đảo lật lọng, không lừa thầy phản bạn, không đâm cha chém chú, đâm heo thuốc chó tôi không có làm, tôi chỉ là dân nhà quê làm nông tôi sống, còn cá mắm tôi bắt thì chẳng qua đó là vật dưỡng nhơn mà thôi, chứ còn đời sống của tôi thấy vui, xóm làng ai cũng vui vẻ, ai cũng thương, tôi thấy là tôi đã tu hành rồi!

Đây là lý do trong Kinh phải kể rõ, kể tách riêng cái hưởng 5 dục, và buông xuôi trong ác pháp phải kể riêng, vì nếu không kể chỉ nói chung chung có nhiều người họ không có ngờ! Họ tưởng là buông xuôi ác pháp có nghĩa là làm cái gì ghê gớm lắm, còn chuyện mình là người cư sĩ mà mình hưởng thụ vui vẻ đời sống của một người đại gia thì có gì đâu mà bậy! Theo tôi biết thì cái suy nghĩ này nhiều lắm chứ không có ít! 

Tôi nhắc lại, mình là đại gia cư sĩ mình có quyền hưởng thụ này nọ, với điều kiện là đừng có làm cái gì vi phạm pháp luật, đừng có làm gì cho người khác phải đổ máu rơi lệ, là được rồi! Theo tinh thần rốt ráo của nhà Phật, như vậy vẫn là dễ duôi, vì sao? Vì cư sĩ chỉ khác người tu sĩ có một chỗ là tóc tai, áo quần, và họ có quyền có nhà cửa, vợ chồng, con cái, nhưng xét trên mặt sanh tử luân hồi, điền khuyết, thì ai dầu có tu hay là có tóc cũng đều là khách trầm luân, ai rồi cũng phải một mình nằm ở trên giường bệnh, rồi ra đi cũng quạnh hiu cô độc. Không có người nào có thể hẹn hò với người khác đi chung đường với mình sau khi tắt thở, cái chuyện đó không có. Ngay cả Bồ tát Tất Đạt với bà Da-du cũng tùy duyên, có nhiều kiếp gặp, có nhiều kiếp không, chứ còn nói hẹn thì chắc quý vị cũng biết, hẹn biết đường đâu mà hẹn, mỗi người một nghiệp riêng mà hẹn cái gì? Chẳng qua là càng về sau, càng gần lúc thành Phật, cái hạnh lành của hai người nhiều quá, nhiều đến mức mà coi như họ có thể lấy cái hạnh lành đó để mà gọi là hẹn nhau, họ gặp nhau thường hơn trước kia, nhưng mà nói rằng hẹn – thì không, bởi vì ai xuôi tay nhắm mắt thì đi có một mình thôi! Dầu đó là một hòa thượng, thiền sư đức hạnh, kiến thức lỗi lạc, hay là một người cư sĩ tu tập xìu xìu ểnh ểnh, thì đều giống nhau một điểm, đó là xuôi tay ra đi một mình. 

Cho nên ở đây, Kinh chia ra rất rõ, đó là hưởng thụ 5 dục sắc thinh khí vị xúc, buông xuôi trong ác pháp và thứ ba là biếng lười trong thiện pháp. Có nhiều người không có đến nỗi là đắm say trong 5 dục, nhưng mà thường ngày 23 trên 24 giờ một ngày toàn là tâm bất thiện! Cho nên, ở đây dễ ngươi hay phóng dật là gốc của các ác pháp.

Ngược lại, sự không dễ ngươi là gốc của các pháp thiện.

Biếng nhác, Tinh tấn là một cặp,

Đa dục, Thiểu dục là một cặp,

Chơi với bạn xấu, Chơi với bạn tốt là một cặp,

Sống theo khuynh hướng ác, Sống theo khuynh hướng thiện là một cặp.

Nhưng ở đây, đoạn số 17 trong Chú giải giảng rất là kỹ, trong Kinh nói thế này: Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỳ-kheo, khiến cho Diệu Pháp (tức là Chánh Pháp của Đức Phật) bị lu mờ biến mất như là phóng dật-dễ ngươi. 

Trong Tăng Chi Bộ Kinh, ở phần 5 pháp ( mình đang học phần 1 pháp) Ngài có dạy thế này: Giáo Pháp của Ta không có bị mất mát vì thiên tai, nhân họa, chiến chinh, không mất vì đất nước lửa gió, bão tố, động đất, sóng thần, lụt lội, Giáo Pháp không mất vì lý do ngoại tại đó, mà Giáo Pháp của Ta mất vì sự có mặt của những người thiếu trí tuệ!

Một bài Kinh khác: Giáo Pháp của Ta bị mất vì sự có mặt của những người đến với Giáo Pháp một cách không có cung kính, học không có cung kính, ghi nhớ không có cung kính, suy tư không có cung kính, hành trì không có cung kính. Cung kính là cẩn trọng. 

Ở đây Ngài gom gọn lý do làm mạt pháp, chỉ có một điều thôi, đó là sự dễ ngươi, nghĩa là thờ ơ trong thiện pháp, buông lung trong ác pháp và đắm say trong 5 dục.  Trong Chú giải nói Giáo Pháp này khi đã đủ hạn thời gian 5 nghìn năm sẽ mất bằng cách gì. Sẵn đây chúng tôi cũng nói luôn, chúng ta đừng có ôm cái con số 5000 đó xem nó là tuyệt đối, mà 5000 ở đây nghĩa là thời hạn Đức Phật biết trước là đến lúc đó, trên toàn cõi hành tinh này không có ai biết Đạo nữa hết! Ngay cả tất cả Xá lợi gom lại hóa thành một bức tượng Phật có 32 tướng tốt, thuyết giảng cho chư thiên nghe, chứ loài người lúc đó nghe hết nỗi rồi! Đức Thế Tôn xét thấy như vậy, cho nên Ngài mới nói là 5000 năm, chứ thật ra ngay lúc này mà nếu chúng ta là những người dễ ngươi, thì Giáo Pháp đã mất! 

Chúng tôi nói thẳng luôn, chúng tôi nghĩ rằng trong room này có nhiều người cũng hơi có phiền lòng, nhưng đó là sự thật! Đó là Phật Giáo Campuchia, Phật Giáo Lào và Phật Giáo Thái Lan, rõ ràng là đang ở trong giai đoạn mạt pháp, đúng như là tronh Kinh nói. Trong room nhiều người rất là ngạc nhiên nói: Ủa tại sao Thái Lan ngon lành như vậy mà tại sao nói là mạt? Một lát nữa chúng tôi đọc đoạn Chú giải, các vị mới hết hồn. Mạt là sao? Mạt có nghĩa là người ta vào chùa người ta thích nghe kể chuyện cổ, chuyện Bổn Sinh, ngày xưa Bồ Tát kiếp nào làm gì đó, rồi tạo phước gì đó, cho nên được cái gì đó; rồi Bồ Tát kiếp nào đó tạo cái nghiệp gì đó cho nên kiếp nào đó bị cái nạn gì đó! Vô chùa chỉ nghe có bao nhiêu đó thôi. Rồi vô chùa nghe giảng nhiều về chư thiên, về oai lực của Tam Bảo, rồi tuyên truyền, tẩy não, rao giảng về lợi ích của cầu an cầu siêu, của hành hương. Chứ còn Giáo Pháp phần tinh hoa là coi như mù tịt. Hôm nay các vị về lục tỉnh ghé chùa Khmer xem, ở đó chỉ có tụng Kinh thôi! Nếu có dịp, nghe được tiếng Khmer thì tốt, còn không các vị hỏi mấy vị Sư có đúng vậy không. Coi như Phật Giáo Campuchia chỉ còn có cái tụng Kinh thôi, cũng may chư Tăng còn giữ giới một chút, nhưng về Giáo lý là coi như zéro! Phật Giáo Thái khá hơn một chút, nhưng chỉ là bộ phận nhỏ, đa phần phật tử Thái không có Giáo lý như là phật tử Miến điện. Còn Phật Giáo Tích Lan  rất là lạ vô cùng, đó là hiện nay Phật Giáo Tích Lan đang đứng trước nguy cơ là dư chùa thiếu Tăng, và chư Tăng rất là hiếm hoi trong chuyện đi khất thực, phần lớn là ở chùa phật tử đem cúng, và giới trẻ hôm nay trước làn sóng của cơ khí điện máy, họ đã không có phát tâm tu hành như thuở xưa nữa. Nhưng chúng tôi nói lạ là Phật Giáo Tích Lan đang có vẽ rất là èo uột, nhưng phải nói rằng lực lượng chư Tăng và học giả cư sĩ uyên bác thì cho đến hôm nay vẫn là cực kỳ xuất sắc. Chúng tôi nói lạ, nghĩ không ra là số lượng chư Tăng sụt giảm từng ngày, hiện tượng nhiều chùa ít Sư rất là phổ biến, nhưng đặc biệt ai mà còn trụ lại được thì rất là giỏi cực kỳ, chẳng hạn như trong tay chúng tôi hiện giờ có gần một chục công trình biên khảo về A-tỳ-đàm của Phật Giáo Tích Lan, mặc dù chư Tăng Tích Lan hầu hết không mặn mà với A-tỳ-đàm, nhưng bên cạnh số không mặn mà ấy, thỉnh thoảng cũng xuất hiện những tay kiệt xuất, trác việt, thâm hậu cực kỳ về Giáo lý A-tỳ-đàm.

Đoạn 17 có cụm từ: Chính cái dễ ngươi dẫn đến Diệu Pháp lu mờ và biến mất. 

Trong Chú giải nói có 5 cái biến mất:

1. adhigamaantaradhanam: sự biến mất của việc chứng Đạo,

2. patipattiantaradhanam: sự biến mất của công phu Chỉ Quán,

3. pariyattiantaradhanam: sự biến mất của việc học hỏi Giáo lý-Pháp học

4. lingaantaradhanam: sự biến mất của Tăng tướng,

5. dhatuantaradhanam: sự biến mất của Xá lợi.

Giáo Pháp gọi mạt pháp là đi từng bước, bước một là adhigamaantaradhanam nghĩa là buổi đầu tiên khi Đức Thế Tôn mới vừa viên tịch, thì chư Tăng đắc lục thông, tam thiền, tứ thiền, tứ tuệ vô ngại … lúc đó còn. 

Nhưng dần dần mất việc chứng đắc gọi là thần thông thiền định, Đạo Quả, nhường lại cho việc hành trì suôn thôi, nghĩa là chư Tăng đa phần đi tu xong rồi, điều kéo nhau vô rừng núi để thiền định, đắc gì đó không bằng ngày xưa, nhưng hình ảnh một ông Sư ngồi dưới gốc cây, hang động lim dim lim dim thì rất là phổ biến. 

Nhưng rồi sẽ có một ngày, cái hình ảnh mà đa phần Tăng chúng thiền định độc cư, tu tập chỉ quán mất dần, chỉ còn lại hình bóng của những ông Sư, chạy đôn chạy đáo, ngồi miệt mài trong các giảng đường, trong lớp học, trong thư viện, trở thành những vị học giả có bằng cấp. Giai đoạn đó là giai đoạn thứ ba. 

Giai đoạn 1 là đắc chứng, giai đoạn thứ 2 là công phu hành trì, giai đoạn 3 là chỉ còn những học giả, còn lại những vị học giỏi thôi. 

Nhưng mà dần dần cái này cũng mất luôn! Còn lại tiếp theo giai đoạn thảm thương gọi là lingaantaradhanam nghĩa là đắc thì không đắc, rồi hành cũng không hành, mà học cũng không thèm học, nhưng còn được Tam Y Quả Bát. 

Rồi dần dần Tam Y Quả Bát mất luôn, bởi vì họ thấy rằng cái bình bát cực kỳ bất tiện, ngày xưa chư Tăng theo Nguyên Thủy người ta chỉ ăn một ngày một bữa, mọi thứ trong bình bát là đủ xoay sở cho một ngày. Nhưng dần dần khi chư Tăng không còn Nguyên Thủy nữa, thì cái nhận được trong bình bát không có đủ đâu còn đâu hết. Cho nên hôm nay, các vị thấy xảy ra cái hiện tượng gọi là đi bát mà có đệ tử đi theo cầm cái bao, bát đầy thì tuôn ra bao, rồi tiếp tục đi nữa, đi rồi hễ đầy là tuôn ra bao. Cái đó không riêng gì Việt Nam mà bên Thái Lan cũng vậy, bên Thái Lan một ông Sư đi bát nuôi một chục người, chuyện đó bình thường, đó là dấu hiệu mạt pháp. Chứ còn Nguyên Thủy thì đi một bát một, nó ghét nó quất cho một trái dừa là cũng về cạp dừa, chứ không có xoay sở gì được hết. Còn bây giờ không ngán, nó để cái gì cũng không sợ hết, nó để dưa hấu thì lấy trái dưa hấu liệng ra, nó liệng trái dừa khô, là móc trái dừa khô liệng ra, nó cúng cái gì cúng, kệ nó, mình có nguyên một cái bị to đùng mà ngán ai! Từ từ các vị thấy bát bất tiện quá, các vị mới sử dụng cái vật khác, thí dụ như từ từ họ sẽ đi bát bằng xe kéo, đi đằng trước, đệ tử bỏ vô xe kéo đằng sau, chuyện này có thiệt bên Thái rồi! Rồi từ từ trong Kinh nói đến một lúc vị Tỳ-kheo sẽ còn đi bát bằng cái đòn gánh cho nó nhiều, đồ nào chín thì đựng đằng trước, đồ nào sống cần nấu nướng thì đựng đằng sau, rồi từ từ chỗ nào nhiều quá thì gánh thêm gánh là 2 gánh về ăn cả làng luôn! 

Rồi từ từ Tam Y Quả Bát mất dần, lúc bấy giờ  Tỳ-kheo chỉ còn lại gọi là kasavakantha nghĩa là một miếng vải vàng đeo ở cổ, khi đó gọi là lingaantaradhanam nghĩa là không còn có Tăng tướng. 

Và cuối cùng tới giai đoạn gọi là dhatuantaradhanam nghĩa là cả Xá lợi của Thế Tôn ở chân trời góc biển nào từ trên cõi Phạm thiên xuống tới cõi Long cung, tất thảy đều tập trung về Bồ đề Đạo tràng và hoá hiện ra một vị Phật có đầy đủ hảo tướng, hào quang chói lòa, thuyết giảng trong vòng 7 ngày 7 đêm cho chư Thiên mười ngàn vũ trụ về nghe, và chư thiên nói với nhau rằng hôm nay mới đúng là ngày cuối cùng mà chúng ta không còn gặp được Thế Tôn nữa! Sau khi bức tượng đó thuyết giảng đúng 7 ngày 7 đêm, thì tự nhiên phát hỏa và tiêu tan tuyệt đối hoàn toàn, không còn dư sót mãi mai tí ti gì nữa hết! Kể từ đó coi như lịch sử 5000 năm của Phật giáo chính thức chấm hết, không còn phẩy, không còn xuống hàng! Đó được gọi là 5 sự biến mất của Diệu Pháp.

Đó là phần nói tổng quát, còn phần nói chi tiết là khi mà Đức Thế Tôn viên tịch rồi, thì giai đoạn đầu còn có người đắc Tứ Tuệ phân tích, sau đó còn có lục thông, tam minh, rồi từ từ không còn đắc gì nữa hết. 

Rồi Pháp Hành cũng vậy, hồi đầu thì còn có người hành đầy đủ Giới-Định-Tuệ mặc dù còn phàm. Đầy đủ trong đây nói rõ thế này: thí dụ như Giới trọng, Giới khinh có 227, thì cái nào cũng được tôn trọng, nhưng dần dần thì họ thấy cái gì hơi phiền phiền thì bỏ bớt! Đó là sự biến mất của sự Hành Trì.  

Còn sự biến mất của Pháp Học là Tạng A-tỳ-đàm mất trước, đầu tiên là mất Bộ thứ 7, rồi dần dần ngược đến Bộ thứ nhất. Bộ thứ 7 là Bộ về 24 Duyên, sẽ có một lúc người ta không còn biết Bộ 24 Duyên nói về cái gì, mình tu là mình tu Giới, tu Định, tu Tuệ, còn tự nhiên 24 Duyên này là Nhân duyên, Cảnh duyên, Trưởng duyên, Tiền sanh duyên, Hậu sanh duyên … học cái đó làm cái gì ?? họ hỏi là học cái đó làm cái gì? thì lúc đó Phật Pháp đã bắt đầu teo héo rồi!! 

Trước hết là mất Bộ A-tỳ-đàm, mất phần khó khăn nhất là Bộ thứ 7, rồi tiếp theo mất dần dần cho đến Bộ sau cùng cũng là Bộ đầu tiên của A-tỳ-đàm sẽ mất cuối cùng. 

Tiếp theo là mất Tạng Kinh, phải hiểu rõ mất ở đây là không còn ai hiểu nữa, chứ không phải mất nghĩa là tự nhiên rồi cuốn Kinh nó bay cái vèo mất tiêu! không phải! Mà mất ở đây có nghĩa là người ta không còn thiết tha tới nữa, và cũng không còn ai hiểu, không còn ai có khả năng giải thích nữa, thì gọi là mất. 

Trong Tạng Kinh, Tăng Chi mất trước – là Kinh mình đang học đây-phải học lẹ lẹ coi chừng nó mất! mất từ cuối trở ngược lên nghĩa là  Bộ Tăng Chi có tất cả 11 vấn đề, thì vấn đề 11 sẽ mất trước, lên đến phần mà chúng ta đang học bữa nay là mất sau cùng. 

Sau Tăng Chi thì đến Tương Ưng, sau Tương Ưng thì đến Trung Bộ, sau đó mới đến Trường Bộ, phần nào khó mất trước.

Sẵn hôm nay các vị có dịp mới thấy: À thì ra cái này đã được lưu ý từ lâu rồi!

Trong kỳ Kiết tập 1, Trường Bộ Kinh được giao cho nhóm đệ tử Ngài Anan, Trung Bộ Kinh được giao cho nhóm đệ tử Ngài Xá-lợi-phất, Tương Ưng Bộ Kinh giao cho nhóm đệ tử Ngài Ca-diếp, Tăng Chi Bộ Kinh giao cho nhóm đệ tử Ngài Anuruddha.

Tiếp theo Tạng Kinh mất từ Tăng Chi, rồi đến Tương Ưng, Trung Bộ, Trường Bộ.

Không nhắc tới Tiểu Bộ, bởi vì Tiểu Bộ có 15 phần, phần khó hiểu nhất sẽ mất trước như Vô Ngại Giải Đạo, 2 Bộ Xiển Minh. Ba Bộ này đi trước hết thảy, Tiểu Bộ không nhắc tới vì có nhiều cái cực kỳ nhức đầu mà kẹt có phần cực kỳ dễ hiểu như Bổn Sanh Kinh, còn lại đến ngày cuối cùng, bởi vì lúc đó vô chùa cứ toàn nghe chuyện cổ tích.

Mất qua tới Tạng Luật, khi mà mất hết thì còn lại Kinh Bổn Sanh và Tạng Luật sẽ còn trụ lại được ít lâu, trong Kinh Bổn Sanh tức chuyện tiền thân thì cái nào dài dòng quá, trừu tượng quá sẽ mất trước. Bắt đầu từ từ khi mà Tạng Luật còn lại một ít thì Tạng Luật phần cuối tức Bộ Parivara bị mất trước, Bộ Parivara nội dung gom lại của 7 cuốn trước, rồi cứ dần dần cuối cùng chỉ còn lại cuốn đầu tiên nói về các trọng giới Tỳ-kheo. 

Có một lúc Phật Pháp mất sạch, A-tỳ-đàm hỏi không ai biết, Tạng Kinh cũng không còn Trung Bộ, Trường Bộ – không ai biết, còn Tạng Luật 5 Bộ-8 cuốn mất sạch, mất 7 cuốn, chỉ còn một cuốn đầu tiên nói về 4 trọng giới của Tỳ-kheo, nghĩa là gia tài của vị Tỳ-kheo 227 giới, lúc đó chỉ còn lại có 4 giới thôi là:

1. Tỳ-kheo trọn đời không làm tình với người hay thú, 

2. Tỳ-kheo trọn đời không được lấy của không được cho dầu công khai hay lén lút, nghĩa là không trộm cướp, 

3. Tỳ-kheo trọn đời không có trực tiếp hay gián tiếp xúi giục hay ra tay giết người-sát nhân, như xúi người ta phá thai là không được,

4. Tỳ-kheo không được mạo nhận thượng pháp cao nhân mà mình chưa đắc chứng như thiền định Đạo Quả cho người ta tưởng nhầm rằng mình đắc cái này cái kia.

Lúc đó toàn bộ cái gọi là Phật giáo chỉ còn lại có bao nhiêu đó thôi, còn lại có 4 đại giới này thôi. 

Lúc đó xảy ra cái hiện tượng gọi là Xá lợi gom lại.

Trên đây là Chú Giải ghi: do dễ ngươi khiến cho Diệu Pháp biến mất, là sự biến mất của Pháp Học, Pháp Hành, Pháp Thành, Tăng tướng mất luôn, rồi cuối cùng Xá lợi cũng không còn. Mà cội nguồn từ đâu mà ra? là chính vì cái sự dễ ngươi của hàng Tứ chúng! 

Phẩm Phi Pháp(2)

Ở đây Đức Phật Ngài dạy rằng: Mai này khi Ngài không còn nữa, có những cá nhân, những đoàn thể, vì mục đích danh lợi riêng tư, hay vì một lý do nào đó, mà cố ý bẻ, sửa, uốn cong Chánh Pháp, cái sai cho là đúng, cái đúng cho là sai, điều không phải Phật nói thì lại nói là Phật nói, điều Phật nói thì lại bị đẩy qua một bên, bị chê bai, bị xem nhẹ. Ngài nói rằng bao giờ chuyện như vậy xảy ra, thì khi ấy là đại họa của nhân thiên. Trong ngôn ngữ của Ngài nói là: Sở hành của những vị đó đem lại bất hạnh cho chư thiên và nhân loại. 

Điều này mình đọc phớt qua trong Kinh, mình thấy không có gì ghê gớm, nhưng nếu mình chịu ngồi ngẫm cho sâu sâu, mình lạnh xương sống từ dưới gót lạnh lên chứ không phải không! là vì sao? Là bởi vì nếu hôm nay Tăng Ni Phật tử không có cẩn trọng nghiên cứu, không có cẩn trọng ghi nhớ, không có cẩn trọng tìm hiểu, không có cẩn trọng hành trì – tôi nhắc lại dầu lúc đầu mình chỉ nghĩ đó là chuyện của riêng mình, nhưng sai bét! đừng có nghĩ rằng mình phải là người nổi tiếng thì mình mới có khả năng gieo rắc cái thảm họa dốt nát và tà kiến cho người khác, mà ngay bản thân một người cư sĩ vô danh, một nhà sư vô danh, một tu nữ vô danh, mà chỉ cần không có học Giáo lý, không có hành trì Giáo lý, thì bản thân cái chuyện hai không là không học không hành này đã là đại họa cho nhân thiên, chứ đừng tưởng là mình phải ở một vị trí ghê gớm nào đó mình mới có thể gieo rắc cái đại họa, tôi xin xác nhận cái đó, đó là một cái nghĩ sai, mình tu trong núi cất cái am mình ở một mình mình, mình dốt kệ mình, chứ mắc gì đại họa nhân thiên? mà không! – đó là đại họa! là vì sao? Là vì chỉ cần mai này có một người nào đó gặp mình họ hỏi về Đạo mà mình ấm ớ, coi có phải họa không? Người ta sẽ nghĩ gì về Tăng Ni? Một là không biết gì ấm a ấm ớ, hai là vì tự ái cá nhân, vì cái đồng tiền bát gạo mà đành phải phan ẩu! sợ người ta nói mình dốt! Như vậy có phải là đại họa hay không? Người không học không hành giống như trái bom hẹn giờ, không biết nó nổ lúc nào, mình mới tu mình vô danh, mình thấp cổ bé miệng thì không đáng sợ, mai này tuổi đời nó chồng chất, tuổi đạo nó chất chồng, rồi có uy tín, ngồi chiếu trên, rồi thiên hạ vào Đạo, cứ đè mấy cái người mà chiếu trên họ tới họ hỏi, rồi lúc đó ấm a ấm ớ có phải xấu đời hay không? Cho nên hiểu cái đó mình mới thấy kinh dị, kinh khủng lắm! 

Cho nên từ cái chỗ không biết gì mới nói ẩu, cái điều Phật nói thì mình không có biết, mà điều Phật không có nói mình cũng không có biết, mình chỉ nói theo ý của mình thôi! 

Và một cái đại họa nữa đó là các vị vào trong internet các vị gặp trường hợp này rất là thường, rất nhiều đại ca viết lách cho đã xong xuôi ,rồi viết: cho nên Phật mới nói …, tôi sợ nhất cái câu đó: cho nên Phật mới nói …. Cứ quởn quởn là: cho nên Phật mới nói …, cho nên Phật mới dạy rằng …; đó là cách nói rất là nguy hiểm, bởi vì đó không phải là trích dẫn, mà đó là cái câu khơi mào đầu của một người thiếu trách nhiệm! Không thể nào mình tự tiện mình nói là: cho nên Phật nói …, cho nên Phật dạy rằng …, mà không hề có xuất xứ trích dẫn. Cái đó mình tưởng là nói như vậy là hay, cho nó an toàn, bởi vì người ta nghe nói: Phật nói! là người ta không dám đụng tới rồi. Nhưng mà mình đâu có ngờ rằng mình đang gieo cái đại họa!

Cho nên Đức Phật Ngài dạy rằng các trường hợp đó thì cá nhân mỗi một người thiếu nghiên cứu, thiếu học hiểu, thiếu hành trì thì là đại họa của nhân thiên.

Tôi vẫn thường nói hoài nếu Tăng Ni tu hành tào lao nhưng có kiến thức thì họ đáng để cho mình nghe, còn nếu mà họ dốt nát nhưng mà họ tu hành nghiêm túc thì họ đáng để cho mình nhìn, còn nếu vừa dốt vừa tầm bậy nữa thì họ không có gì đáng để mình nghe mình nhìn hết. Tăng Ni chỉ có hai giá trị thôi, một là tu hành bê bối mà giỏi thì đáng để cho mình nghe, tu hành ok nhưng dốt nát thì đáng để cho mình nhìn, còn hạng nào không có gì để mình nhìn, không có gì đáng để cho mình nghe, thì cái hạng này mình khỏi nuôi luôn. 

Phẩm Thứ Mười Một

Phi Pháp: Điều nào Như Lai không nói mà nói là Như Lai nói, điều nào Như Lai không cấm chế mà nói là Như Lai cấm chế, điều nào Như Lai đã cấm chế mà lại nói rằng không có cấm chế, cũng không được. 

Ngày nay chúng ta thờ tổ chứ không thờ Phật, ngày nay chúng ta theo sách chứ không theo Kinh, ngày nay chúng ta theo lệ chứ không theo Luật.

Theo sách chứ không có theo Kinh, sách đây có nghĩa là do mấy cái tay thời sau này fantasy là theo thôi, chứ không có muốn coi Kinh. Mở miệng ra là tác giả này, tác giả kia, chứ còn Kinh Tạng không dám mở, mở sợ Kinh cắn! Hiện tượng mà sợ Kinh cắn nó rất là phổ biến. Tôi còn biết một chuyện động trời nữa là có một ông thầy, coi như cũng nghiên cứu theo Bắc Tông, Nam Tông khủng khiếp lắm, nhưng mà tới hồi sao ông thấy phật tử coi bộ từ bỏ bên kia đi theo bên đây nhiều quá – trước đây ông có lúc cao hứng cho phật tử thọ giới, ăn chay, thọ Bồ tát giới, nhưng mà thọ ngũ giới bằng tiếng Pali, như là Panatipata veramani, Adinnadana veramani, Kamesu micchacara veramani v.v. , tới hồi ông giận Nam Tông quá, ông thêm một giới nữa là Theravada veramani sikkhapadam samadiyami! đúng ra là: Musavada là nói dối, còn Theravada là Nam Tông. 

Nhiều lắm quý vị, trường hợp mà hôm nay mình bỏ Phật theo tổ, bỏ Kinh theo sách, bỏ Luật theo lệ, rất là nhiều! Chưa kể là mỗi thiền viện có một số nội quy riêng, mà hành giả khi rời thiền viện mang nó về nhà, coi nó như là kiểu luật mới của Đạo Phật, cái đó cũng không nên. Như hôm nay mình thấy có cái luật Làng Mai-Giới bản tân tu, dĩ nhiên giới bản Làng Mai thì tuyệt vời, nhưng có điều mình phải nhìn nhận cái nào là tổ, cái nào là Phật, mình phải phân biệt cái đó!

Phẩm Vô Phạm

Kinh trên nói về Pháp, đây nói về Luật.

Một vị Tỳ-kheo trước là tu cho mình, sau là giúp đỡ người khác, học trò, đệ tử, cư sĩ nam nữ, thì chuyện đầu tiên vị Tỳ-kheo phải biết Luật. Bởi vì linh hồn của Tỳ-kheo gồm có hai điều đó là Giới Hạnh và Tri Kiến. Bỏ Tri Kiến và Giới Hạnh ra thì vị Tỳ-kheo không còn là Tỳ-kheo! Cho nên, kiến thức về Giới Luật và Kiến giải Giáo lý rất là quan trọng. Tỳ-kheo biết rõ Giới nào là Giới nặng, Giới nào là Giới nhẹ, Giới nào có thể xí xóa, có thể từ từ giải quyết, Giới nào giải quyết khẩn cấp, Giới nào sau khi vi phạm là phục hồi được, và Giới nào không thể phục hồi được, và trường hợp nào được gọi là phạm, và trường hợp nào được gọi là không phạm. 

Các vị cư sĩ đọc đoạn này thấy buồn ngủ chết luôn: Ủa cái này đâu có mắc mớ gì đến tui! Nhưng mà không! Mỗi ngày quý vị đi cày như trâu để mà đem tiền về nuôi ai? cũng là nuôi Tăng Ni, mà Tăng Ni chính là những người mà có biết hoặc không biết cái này! 

Nếu mà mấy cái này họ biết, thì họ đáng để cho quý vị đi cày về nuôi. 

Còn nếu mà cái này: cái nào có tội, cái nào không tội, cái nào tội nặng, cái nào tội nhẹ, tội nào có thể phục hồi được, tội nào không thể phục hồi được; nếu mà Tăng Ni mà quý vị nuôi, mà họ không biết cái này thì liệu quý vị có muốn nuôi nữa hay không? 

Cho nên chương này cực kỳ lớn chuyện và rất quan trọng, và tương lai mệnh hệ, sự tồn vong của Giáo Pháp này lại cũng nằm trong chương này: nghĩa là ngày nào mà Tăng Chúng còn xem Tạng Luật là máu xương, là sinh mệnh của Đạo, thì ngày ấy Đạo còn lây lất và loe loét, còn nếu mà thêm Pháp Học cho nó ngon lành, thì chẳng những nó lây lất, loe loét mà nó còn lung linh, lấp lánh và lộng lẫy nữa! Còn nếu nó không được lung linh, lấp lánh, lộng lẫy thì tối thiểu nó cũng được loe loét, lây lất! 

Phẩm Một Người

Ở đây nguyên Phẩm này nói về Thế Tôn, Bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác. 

Trong một loạt Kinh Tăng Chi, Đức Phật Ngài có một câu nói được nhắc đi nhắc lại, mà nếu người không có đức tin thì nghe dễ hiểu lầm, đó là: Này các Tỳ-kheo, có những người mà sự có mặt của họ trong cuộc đời này chỉ đem lại cái họa cho người khác thôi, chẳng hạn như… Rồi Ngài kể đích danh những vị giáo chủ đương thời chủ trương không thiện, không ác, không kiếp trước, không kiếp sau, không luân hồi, không quả báo. Ngài nói rằng sự ra đời, sự có mặt của những cá nhân đó sẽ là đại họa cho chư thiên và nhân loại. Bên cạnh đó Ngài cũng dạy rõ: Này các Tỳ-kheo, có những cá nhân mà sự xuất hiện của nó đem lại vô lượng an lạc cho vô lượng chúng sinh.

Hồi đó đến giờ mình nói mình là phật tử, mình thờ Phật, mình hiểu Phật, mình học Phật, mình tin Phật và tu Phật, nhưng mà cuối cùng mình hiểu Phật được bao nhiêu, thì hôm nay, trong chương này chúng ta sẽ học hơi kỹ về Ngài một tí ti.

Chúng ta biết rằng, trước khi thành một vị Phật thì Bồ Tát Tất Đạt hay những vị Bồ Tát khác cũng chỉ đều là những người rất giống chúng ta, nghĩa là phàm phu-phiền não một núi. Nhưng vào một ngày đẹp trời kia, kẻ rất ư bình thường ấy bỗng dưng chạnh lòng trước nỗi khổ niềm đau của muôn loài chúng sinh, và bất giác có suy nghĩ như sau: đời tồn tại trong hai lẽ tương đối, có sáng ắt có tối, có đen thì có trắng, có dài có ngắn, có trong có ngoài, có trên có dưới, có đẹp có xấu, nếu quả thật có đau khổ thì phải có con đường giải thoát đau khổ. 

Thôi thì thế này, trên đời này chỉ có ác và thiện, cái con đường dẫn đến giải thoát, nếu mà có, thì chắc chắn phải nằm bên phía thiện thì hợp lý hơn là phía ác, bởi vì sống ác nó dễ lắm. 

Chuyện đầu tiên là các vị Bồ Tát có suy nghĩ giống nhau là hễ có ngày đêm, trong ngoài, dài ngắn, sáng tối, thì chắc phải có con đường giải thoát. Từ cái suy nghĩ này, các vị mới suy nghĩ thêm: Muốn đạt tới con đường giải thoát, mình nên sống làm sao? nên sống thiện hay sống ác? Các vị lại suy nghĩ tiếp theo: nếu mà có con đường dẫn đến giải thoát thì con đường đó phải là con đường thiện mới hợp lý! 

Thế là các vị nuôi một đại nguyện là hành thiện để cầu giải thoát, có một điều là không cho riêng mình mà là cho muôn loài chúng sinh. Kể từ giây phút đó, Ngài được mặc nhiên trở thành một vị Bồ Tát, và thời gian âm thầm làm Bồ Tát trời không hay, đất không biết ấy, kéo dài bao lâu tùy vị. 

Khi mà duyên lành đã đến một mức độ chín muồi nhất định nào đó, thì vị này sẽ gặp được một vị Phật, mà vị này trước kia cũng y như mình, cũng bắt đầu từ con số không. Khi mình gặp một vị Phật là mình sẽ được Ngài thọ ký với điều kiện là mình có đủ 8 điều kiện sau đây, tiếng Pali là Samodhana dhamma:

1. Phải là người nam, vì một người nuôi đại nguyện thành Phật và tu tập công đức, đến cái mức đủ để được thọ ký, thì lúc đó toàn bộ nữ tính đã bốc hơi sạch sẽ hoàn toàn, tuyệt đối, triệt để không còn sót nữa! Tự nhiên chứ không ai kỳ thị, khi tu pháp thiện đến một mức nào đó thì tự nhiên cái nữ tính nó biến mất.

2. Phải mang thân nhân loại, không được là chư thiên, phạm thiên, hay là loài gì khác.

3. Phải là người xuất gia,

4. Phải chứng ngũ thông,

5. Đối tượng mình gặp phải là Toàn Giác,

6. Tâm nguyện thiết tha và phải dám hy sinh tánh mạng

Tâm nguyện thiết tha trong Chú giải nói vị này sẵn sàng ngay ngày hôm đó đi thẳng xuống địa ngục: ngay ngày được Đức Phật thọ ký, vị đó đủ gan đi thẳng xuống địa ngục, nằm ở chảo dầu sôi ùng ục 8 ngàn độ C, chờ cho đến đủ ngày giờ suốt mấy a tăng kỳ mới lên đây thành Phật. Hạng Trí tuệ 4 a tăng kỳ, hạng Đức tin 8 a tăng kỳ, hạng Tinh tấn 16 a tăng kỳ. 

Phật xét thấy mình có cái gan đó thì Phật mới gật đầu, nên nhớ chuyện thọ ký không phải là Phật tấn phong, phong chức, mà Ngài chỉ xác nhận, tiếng Pali là Byakarana là thọ ký, tuyên bố, xác nhận; chứ không phải ban phép, thụ phong, truyền tâm ấn, cập lực, thêm sức, gia cố, gia công, gia trì, gia bị – thì không có. Ngài chỉ nhìn mình thấy đủ duyên, Ngài biết chắc người này có đốt thành tro cũng không bỏ đại nguyện! 

Ngài mới bèn tuyên bố như sau: Ayam Buddhankuro! 

Buddha là Phật, ankura là mầm non hay cái măng mới nhú, như vậy Buddhankuro có nghĩa là vị Phật tương lai, cái mầm mai này sẽ nãy ra một vị Phật.

Trong Kinh nói vị Bồ Tát khi lần đầu tiên nghe Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác nói rằng: Con sẽ thành Phật! thì vị đó có cảm giác rằng ngày mai là thành rồi! 

Trong Kinh nói Bồ Tát Sumedho, tiền thân Phật Thích Ca Mâu Ni, sau khi được thọ ký bỏ ăn hai tuần lễ vì sung sướng, hạnh phúc, phỉ lạc đến đơ lưỡi trong hai tuần lễ như vậy không ăn uống gì được hết.

Các vị tưởng tượng tại sao mình vô phước mình không gặp Phật, là bởi vì, tôi biết có rất nhiều người cũng muốn thành Phật lắm nhưng mà họ nhát, họ muốn gặp Ngài coi Ngài nói gì về mình, hoặc khi mình gặp Ngài mình có thể hỏi: Bạch Thế Tôn, người như con nên đi đường dài hay đi đường ngắn? ước gì gặp được Ngài để mình hỏi câu đó đỡ biết bao nhiêu! còn đằng này mình sợ có cái màn chết nhát mà ham chơi sang, yếu người mà khoái đi nắng! rồi đi mất thời gian, tưởng sao cuối cùng rồi cũng quẹo qua cái Thanh văn! 

Tôi oải cái vụ đó, tôi ngán cái vụ ham đi xa mà đi nửa đường bỏ cuộc, trước sau gì cũng quẹo, đi đường tắt thôi. Nhưng mà trước khi quẹo đường tắt, mình cũng lê la trên đường cái quan bỏ hơi xa. Chứ nếu mình gặp Ngài thì đỡ biết bao nhiêu! mà có khi cũng ham chứ, tôi biết nhiều người cũng thích nguyện thành Phật lắm, bởi vì trước sau gì cũng níp bàn vĩnh viễn, thiên thu, đời đời không còn quay lui, thì tại sao mình không làm Phật một lần độ cho nhiều người mà đồng thời mình cái gì cũng biết! nhưng mà có một điều, đó là nó ngán cái chỗ là mình sợ đi nửa đường mà nó nản, là nó mất công!

Khi được thọ ký rồi, thì Bồ Tát tùy hạnh, hạnh Tinh tấn thì sẽ đi lâu nhất, Đức tin thì ngắn hơn chút, hạnh Trí tuệ là nhanh nhất. Đủ duyên là sau khi đủ thời hạn 16 a tăng kỳ, 8 a tăng kỳ và 4 a tăng kỳ, tùy hạnh Bồ Tát, thì vị đó trở thành một vị Chánh Đẳng Chánh Giác.

Trong Kinh ghi rất rõ như sau: Nếu ai muốn tự mình chứng Thánh, không cần thầy, thì phải mất tối thiểu 2 a tăng kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất; cho nên nếu gặp Phật Pháp mà không chịu học Giáo lý, không chịu tìm hiểu, không chịu hành trì, chúng ta bỏ qua một cơ hội kinh dị, kinh khủng lắm. Vì lâu thật lâu mới có một vị Phật Chánh Đẳng Chánh Giác ra đời, mà vấn đề là khi Ngài ra đời thì chúng ta ở đâu? Nếu chúng ta đang ở dưới địa ngục, đang làm con trùn, con dế, làm người câm mù đui điếc, tâm thần bẩm sinh, thiểu năng, sanh vô trong những vùng xa xôi, thiểu số, bộ lạc, đầu óc mông muội, ngu si, đần độn, thì các vị tưởng tượng có phải là hoang phí cơ hội hay không? Gặp Phật ra đời là chuyện hiếm, vậy nên khi gặp Ngài mình phải mặt mũi đầu óc tỉnh táo, thông minh, sáng láng, thì mình mới tiếp thu được Chánh Pháp. Chứ còn nếu mà bị trục trặc thiếu một chút xíu xìu xiu cái cơ hội, điều kiện, thì coi như Phật có ra đời, mình cũng trớt quớt! Cho nên, nếu không gặp Phật thì mình phải làm sao? mình phải tự giác ngộ! mà muốn tự giác ngộ như vậy là phải trải qua tối thiểu là 2 a tăng kỳ và 100 ngàn đại kiếp, có nghĩa là thời gian gấp đôi Ngài Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên! 

A-tăng-kỳ là một con số cực lớn, là 10 lũy thừa 140, nghĩa là 1 con số 1 và 140 con số 0, trong khi đó 1 tỷ chỉ có 9 con số 0, 1 ngàn tỷ có 12 số 0 thôi; mà cái này là 140 con số 0, các vị nghĩ nó lâu cỡ nào! 

Cho nên chuyện đầu tiên phải nhớ là vị Chánh Đẳng Chánh Giác hiếm như vậy, một vị Đại Phạm Thiên không có cách nào hiếm cho bằng một vị Phật, bởi vì lúc nào trong thế gian này cũng có Đại Phạm Thiên, nhưng vị Chánh Đẳng Chánh Giác thì không có.

Cái hiếm thứ hai, trong Chú giải có ghi rõ như sau: Cứ mỗi 10 ngàn thế giới có một Đại Phạm Thiên được xem là lớn nhất, oai lực nhất, và lúc nào thế giới này cũng có một vị như vậy; riêng khu vực độ sinh của một vị Phật Toàn Giác là Tam thiên đại thiện thế giới và rất lâu mới có một vị. 

Trong ngân hà của mình có 1 mặt trăng, 1 mặt trời; cứ 1000 mặt trăng, 1000 mặt trời như vậy là 1000 ngân hà-1000 thái dương hệ.

1000 thái dương hệ là 1 tiểu thiên thế giới, 

2000 tiểu thiên là 1 trung thiên thế giới, 

3000 trung thiên là 1 đại thiên thế giới. 

1000 tỷ cái như vậy là khu vực hoằng Pháp của một vị Chánh Đẳng Chánh Giác.

Tại sao thế giới được chia thành từng khúc như vậy? Lý do các vũ trụ chia thành nhóm như vậy là vì chỗ đồng dị của chúng sanh, giống nhau nhiều thì ở gần nhau sát bên, khác nhau một chút thì xa nhau một chút. Cứ như vậy, chúng sanh chia ra thành rất nhiều vũ trụ. 

Thí dụ nói cho nôm na như dân miền Tây, mình do nghiệp gì đó, mình có nhiều điểm đồng, mình mới là người Việt Nam, rồi do cái điểm đồng nhiều quá thì mình chẳng những là người VN mà mình lại là người miền Tây Nam bộ. Chứ còn miền Nam từ ngoài Huế trở vô cũng gọi là miền Nam hết, nếu nói trên gọi là bản đồ chính trị, thì từ Bến Hải trở ra gọi là Bắc, còn từ Bến Hải trở vào Cà Mau gọi là Nam. Nhưng bản đồ tam kỳ ba miền, về khí hâu, về nhân tình thì phải kể là 3 miền. Có nghĩa là miền Bắc cho tới Thanh Hóa, Quảng Bình, miền Trung là từ Quảng Bình vô tới Phan Thiết, rồi dân miền Nam là từ Phan Thiết xuống tới Cà mau, thì cái đoạn đó mình gọi là Nam, Trung, Bắc. Mình thấy rõ ràng phải có một sự giống nhau nhất định, mình mới sanh làm người miền Trung, dầu đó là Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Ngãi, Nha Trang, Qui Nhơn, Tuy Hòa, Phan Rí, Cam Ranh gì đi nữa, thì phải có cái điểm giống nhau, hễ càng giống thì càng ở gần nhau! Cứ như vậy, rồi từ từ cái điểm đồng nó không nhiều lắm, cho nên chúng ta cũng là người châu Á, nhưng đứa Lào, đứa Campuchia, đứa Việt Nam; rồi có điểm khác nữa, đi xa, đi xa nữa; hễ điểm giống càng ít mà điểm khác càng nhiều thì mình càng xa nhau, xa nhau, xa từ từ, từ từ…

Từ đó mới có chuyện 1000 vũ trụ, rồi 2000, 3000 là vậy, nghĩa là từng nhóm. 

Trước hết là 1 thái dương hệ, giống nhau thiệt giống mới có mặt chung trong thái dương hệ. Rồi hơi khác nhau chút đỉnh thì đi ra nữa, ra nữa, nhưng cuối cùng vẫn nằm trong một nhóm gọi là Tam thiên đại thiên thế giới, trong đó có nhiều điểm giống nhau.

Còn những Tam thiên đại thiên thế giới khác, khác nữa, thì thôi, nó uống dầu hôi nó sống, nó ăn điểm tâm bằng bù loong, nó ăn trưa bằng ốc vít gì đó, nó thở bằng carbonic mà nó nhả ra oxygen; còn mình hít vô bằng oxygen, mình nhả ra bằng carbonic, thí dụ như vậy, khó nói lắm!! 

Như vậy chư Phật gọi là hiếm hoi là bởi vì khu vực hoằng Pháp của mỗi vị rất là rộng, đã vậy trong khu vực ấy, không phải lúc nào cũng có Phật! Toàn bộ một Tam thiên đại thiên thế giới một lần hủy là bị hoại sạch, khi hoại xong thì những chúng sanh trong đó đi qua chỗ khác để mà sống. Có cái may là không phải nó hoại một lúc tất cả, thí dụ như hoại bằng lửa thì nó cháy tới Tam thiền, hoại bằng nước thì cháy tới cõi Nhị thiền, hoại bằng gió nó cháy tới cõi Tam thiền, những chúng sanh nào trong ngân hà đó mà đủ phước đi về các cõi Phạm thiên thì nó đi, còn nếu bấy giờ nó còn lạch ạch không có tu hành gì hết, thì khi vũ trụ này bị cháy thì sẽ sanh vào vũ trụ khác.

Phật là hiếm vì kiếm được một người biết thương người khác đã khó, đằng này Ngài lại thương vô lượng chúng sanh không phân biệt chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ, quan điểm chính trị, tôn giáo, văn hóa, ai Ngài cũng thương hết! Người này rất là khó kiếm.

Tình thương nào cũng có thể bị thử thách, mình đi mình giúp nó mà nó trở giáo nó hại mình, mình chịu không nỗi; nhưng Bồ Tát thì không, Bồ Tát thương là thương cho trót, như vậy mới thành Phật được. 

Bát nghĩa Như Lai: lý do được gọi là Như Lai, trong Kinh nói đôi khi chỉ có 4 nghĩa, nhưng kể đủ thì phải là 8 nghĩa được gọi là Như Lai:

1. Tathà àgatoti tathàgato: Như Lai là Người đã đến như vậy,

2. Tathà gatoti tathàgato: Như Lai là Người đã đi như vậy,

3.  Tathalakkhanam àgatoti tathàgato: Như lai là Người đã đến với tướng trạng như vậy,

4. Tathadhamme yàthàvato abhisambuddho tathàgato: Như Lai là Người đã chứng Phật như vậy,

5. Tathadassitàya tathàgato: Như Lai là Người đã có cái thấy như vậy,

6. Tathavàditàya tathàgato: Như Lai là Người đã nói như vậy,

7. Tathakàritàya tathàgato: Như Lai là Người đã làm như vậy,

8. Abhibhavanatthena tathàgato: Như Lai là Người

Như Lai là Người đã đến như vậy: từ lúc sơ phát tâm đến kiếp chót trên Đâu Suất Thiên, các Bồ Tát luôn giống hệt nhau về Ba-la-mật.

Trong 8 điều kiện để được thọ ký lần đầu: phải là nhân loại, phải là nam nhân, phải có thần thông…

Tại sao phải có thần thông? Vì vị đó phải có trí nhớ tiền kiếp, nhớ rằng mình đã từng tái sanh, có sanh tử thông là biết rõ do nghiệp này chúng sanh nó bị như vầy, do nghiệp này chúng sanh nó được như vầy. Phải có thần thông thì cái niềm tin vào chuyện thành Phật, chuyện tu hành nó mới sắc son được. Còn như trong room của mình hôm nay, thí dụ chúng ta vì tò mò vào nghe, hoặc là chúng ta vì có một chút hoan hỷ, một chút niềm tin, chúng ta vào nghe, nhưng bây giờ mà có một người nào đó tự nhiên có 32 tướng tốt, 6 màu hào quang, ngồi trước mặt mình mà giảng cho mình nghe về đạo Hồi, thì thử hỏi coi mình có đi theo hay không? Tôi nghĩ dám theo lắm! tại vì cái đức tin của mình nó rất là èo uột, rất là thiếu máu, rất là suy dinh dưỡng, nó không có nền tảng vững chắc, không có cơ sở ngon lành! 

Còn người mà có thần thông, một khi họ đã tin cái gì thì coi như đá nát, vàng phai. 

1. Chuyện đầu tiên phải là nhân loại, chứ không thể là loài khác, vì nếu là loài khác thì làm sao mà cúng dường thân mạng cho Phật được! Như làm chư thiên, còn làm loài bàng sanh thì không được vì làm loài sa đọa cái đầu nó khờ lắm, đầu óc ngu si, không có đủ cái nhận thức để nó biết Phật Đạo là gì, rồi phát nghyện là gì, … 

Cho nên hàng cao cấp là chư thiên, Phạm thiên, thì họ lại không có khả năng gọi là tận hiến thân mạng, tri hiến tánh mạng; còn loài thấp hơn đâu đủ nhận thức, trí tuệ, khả năng hiểu biết. 

Cho nên cái nhân sự tốt nhất chính là nhân loại.

2. Phải là người nam bởi vì người mà đủ phước để được chư Phật thọ ký, là nữ tánh của người đó đã bốc hơi triệt để.

3. Phải là người xuất gia, vì cực hiếm một trên một tỷ, mà hình như cũng không có nữa, hiếm có trường hợp mà một người cư sĩ mà chứng ngũ thông, mà sống luôn ở ngoài đời là hiếm vô cùng. Cho nên muốn đắc thông, đắc thiền thì đa phần phải là người xuất gia.

4. Phải là người có đắc thiền, đắc thông,

5. Đối tượng mìng gặp phải là vị Chánh Đẳng Chánh Giác,

6. Phải có một nguyện lực cực kỳ mãnh liệt, đủ để lấp biển dời non, sẵn sàng nhào xuống địa ngục mà không sợ,

7. Phải có hùng tâm tráng chí dám hy sinh tánh mạng cho Đức Phật để cúng dường một cái gì đó đặc biệt, một lòng thương quý, kính yêu Ngài một cách triệt để, thiết tha, mong được trở thành một người giống như Ngài vậy đó, 

8. Đủ duyên lành chứng La hán, Bồ Tát hạnh tinh tấn lúc được thọ ký lần đầu tiên phải đủ duyên chứng Tam minh, Bồ Tát hạnh đức tin đủ duyên chứng Lục thông, Bồ Tát hạnh trí tuệ thì đủ duyên chứng thêm 4 trí vô ngại.  

Bồ Tát nặng về đức tin, nếu lúc đó mà đổi nguyện thì có thể đắc Lục thông, còn Bồ Tát hạnh tinh tấn, nếu lúc đó đổi nguyện thì đắc Tam minh, còn riêng Bồ Tát hạnh trí tuệ như Bồ Tát Thích Ca Mâu Ni thì chỉ cần Ngài đổi nguyện, Ngài đắc Lục thông, Tam minh, và thêm 4 Trí Vô ngại giải.

Bát nghĩa Như Lai:

1. Tathà àgatoti tathàgato Như Lai là Người đã đến như vậy: như vậy ở đây có nghĩa giống hệt chư Phật quá khứ, từ lúc sơ phát tâm cho đến lúc sanh về Đâu Suất Thiên, rồi giáng sanh xuống kiếp chót, các vị Bồ Tát đã đến với thế giới này giống nhau, các vị vun bồi 30 Ba-la-mật giống hệt nhau, đó là giai đoạn đã đến. Đã đến là giai đoạn tu Ba-la-mật.

2. Tathà gatoti tathàgato Như Lai là Người đã đi như vậy: đã đi có nghĩa từ kiếp chót mà ra đi vĩnh viễn, các vị sẽ không còn trở lui Tam giới nữa. Đã đi là giai đoạn sắp sửa lìa bỏ vĩnh viễn Tam giới này, nghĩa là từ lúc đản sanh, chánh niệm tỉnh giác nhập thai, chánh niệm tỉnh giác trụ thai, chánh niệm tỉnh giác xuất thai, thì biết rõ: biết rằng Ta đang vào bụng mẹ, Ta đang ngồi trong bụng mẹ và Ta đang ra khỏi bụng mẹ, biết rõ. Rồi từ đó cũng lấy vợ, sanh con, rồi đi chơi gặp 4 cảnh lão, bệnh, tử, Tăng, rồi đi xuất gia, rồi trải qua giai đoạn khổ hạnh lâu mau tùy vị, nhanh nhất là 7 ngày, trễ nhất là 10 tháng, trường hợp đặc biệt Bồ Tát Tất Đạt là 6 năm khổ hạnh, tiếp theo là phải nhận được bữa ăn cuối cùng trước khi thành Phật, bữa ăn đầy đủ bổ dưỡng, trong Kinh có ghi rõ nàng Sujàtà nấu cơm bằng sữa tươi, thêm chư thiên bỏ thực phẩm vào, cho nên sau khi Ngài vắt thành 49 vắt, Ngài ăn xong rồi, đêm đó Ngài đắc Đạo, sau đó Ngài không ăn trong suốt 7 tuần, bảy lần bảy 49 ngày.

Hành trình giống nhau ở kiếp chót, từ lúc chào đời đến lúc viên tịch, cũng có vợ, có con, tu khổ hạnh, Thành Đạo, Chuyển Pháp Luân, thuyết Tạng A-tỳ-đàm, cũng cấm chế Giới Luật cho Chư Tăng, rồi sau khi trụ thế đủ thời gian rồi thì chọn ngày viên tịch níp bàn, y hệt như nhau, cho nên được gọi là đã đi, đã ra đi giống nhau. 

Trước khi níp bàn thì cũng nhập 2 triệu 4 trăm ngàn lần thiền, tức là vô sơ thiền, ra sơ thiền, nhập nhị thiền, ra nhị thiền, nhập tam thiền, cứ vậy đi ngược về xuôi, 2 triệu 4 trăm ngàn lần, rồi mới chính thức viên tịch ngay lần xuất khỏi tứ thiền cuối cùng, đều giống nhau! 

Điều đặc biệt nữa là tất cả Chư Phật ba đời mười phương đều luôn luôn ở ngoài trời, không dưới một mái che nào trong những sự kiện đặc biệt sau đây:

Khi đản sanh, vì chuyện Bồ Tát đản sanh là đại sự nhân duyên, phải có sự chứng kiến của chúng sinh, chư thiên, nhân loại từ muôn triệu vũ trụ, cho nên bắt buộc chuyện đó phải diễn ra ngoài trời trống; và đồng thời có một ý nghĩa nữa là Chư Phật là những người không có kẹt vào bất cứ một cực đoan, một bờ mé nào, một phía nào trong vũ trụ, không mắc vào thường kiến, đoạn kiến, không mắc vào khổ hạnh hay lợi dưỡng! Chính từ không có mắc vào tâm hay vào vật v.v. các Ngài nằm giữa các đối đãi cho nên đó là lý do tại sao các Ngài luôn luôn không có ở trong nhà có mái che, mà phải ở chỗ thênh thang!

Cho nên, đản sanh ngoài trời trống, thành Phật ngoài trời trống, Chuyển Pháp Luân ngoài trời trống, và cuối cùng Chư Phật phải níp bàn trong rừng, trong núi đâu đó, nhưng cũng không dưới một mái che nào hết! Đó được gọi là đã ra đi như vậy. 

Ai muốn tụng Kinh mỗi đêm, thì nên đọc trọn vẹn phần Chú Giải của phẩm này, gồm toàn Giáo Lý tinh hoa hàng đầu của Phật Pháp, đặc biệt về A-tỳ-đàm và Vipassana, lẫn Samatha. Nếu tôi có con, có đệ tử ruột, có người mà tôi thương đắm thương đuối, thương sống thương chết thì tôi sẽ ép buộc hoặc năn nỉ người đó học thuộc lòng phần Chú Giải của Chương Một Người, rất xuất sắc, thí dụ như: Thế nào là Chư Phật đã đến như vậy, thì đơn giản, nhưng cái đã đi như vậy, là sao? Nghĩa là từ kiếp này Chư Phật đã ra đi như thế nào, trong đây mới nói chẳng hạn như Đức Phật Tỳ-bà-thi cho đến Đức Phật Ca-diếp, đã từ đây mà ra đi, ra đi như thế nào: các Ngài đã ra đi bằng cách dùng Niệm ly dục mà bỏ tham dục, đã bỏ sân tâm bằng Tâm vô sân, đã dùng Niệm ánh sáng để bỏ hôn thụy, dùng Chánh Định để đối phó trạo hối, dùng Trạch Pháp Giác Chi để bỏ hoài nghi, dùng Trí mà bỏ vô minh, dùng Pháp hỷ mà bỏ bất mãn, dùng Sơ thiền mà loại bỏ 5 triền, dùng Nhị thiền mà bỏ tầm tứ, dùng Tam thiền mà bỏ hỷ, dùng Tứ thiền mà bỏ khổ lạc, dùng Hư không vô biên mà bỏ Sắc tưởng, vượt qua Hư không vô biên để đắc Thức vô biên, vượt qua Thức vô biên để đắc Vô sở hữu xứ, vượt qua Vô sở hữu xứ để đắc Phi tưởng phi phi tưởng, Tùy quán Vô thường để bỏ ý niệm thường hằng, Tùy quán Khổ đau để từ bỏ ý niệm về hạnh phúc, Tùy quán Vô ngã để từ bỏ ngã tưởng, toàn bộ Pháp tu nằm hết ở chương này! 

Học thuộc lòng đoạn này, đây là phần tóm tắt tinh hoa của Phật Pháp, ghi xong học thuộc lòng xong, phải đi kiếm thầy để mà hỏi.

Đây là hành trình, nội dung tu chứng của tất cả Chư Phật ba đời, mười phương đều giống hệt nhau trong kiếp chót. Cho nên từ đó ra đi, các Ngài gọi là đã ra đi như vậy!

3. Tathalakkhanam àgatoti tathàgato Như Lai là những Người có nội dung tu hành y hệt như nhau, 

4. Tathadhamme yàthàvato abhisambuddhoti tathàgato Như Lai là những Người có chứng đắc giống hệt như nhau, trong Chú Giải trích dẫn thế này: Cattàrimàni, Bhikkhave, tathàni avitathàni anannathàni. Katamàni cattàri: Này các Tỳ-kheo, Bốn Đế mà Như Lai và Chư Phật ba đời mười phương nói chung, hiểu như vậy và thuyết giảng như vậy, là đúng với sự thật, không thể nói khác đi được. Avitatho là đúng như thật, anannatho là không thể nói khác đi được. Đó là gì? Đó là Bốn Đế, tức là khi Chư Phật ba đời mười phương phân tích thế giới này, các Ngài phân tích 4 khía cạnh:

– Mọi hiện hữu là khổ,

– Thích cái gì cũng là thích trong khổ,

– Muốn hết khổ đừng thích trong khổ nữa,

– Hành trình nhận thức ấy chính là con đường thoát khổ.

Tất cả Chư Phật ba đời mười phương đều như vậy, cho nên được gọi là Tathadhamme yàthàyato abhisambuddhoti tathàgato tức là cái nội dung chứng đắc, nội dung hành trì giống y hệt nhau.

5. Tathadassitàya tathàgato: Như Lai là những vị có cái nhìn giống hệt nhau nghĩa là nhìn thế giới này qua quan điểm chân đế rốt ráo, nhìn các pháp tục đế cũng có cái nhìn giống hệt nhau; trong Chú Giải dạy rõ thế này: Chư Phật là Người biết rất rõ không hề có người, thú, nam, nữ, đẹp, xấu, mập, ốm, cao, thấp, trắng, đen, Chư Phật biết rằng mọi thứ chỉ là danh với sắc, chỉ là sanh với diệt, mọi thứ chỉ là do duyên mà có, mọi thứ do giả hợp mà thành, cuối cùng cũng do duyên mà mất đi. Nhưng mà trong trường hợp đặc biệt vì phương tiện mà Chư Phật cũng phải dùng những khái niệm, những ngôn ngữ y hệt như chúng sanh phàm phu. Thí dụ như có trường hợp cần Ngài cũng nói đến những cái khái niệm như vua, chúa, ăn mày, người nam, người nữ, già, trẻ, đẹp, xấu. Những khái niệm, khi thuyết giảng Ngài cũng phải xài, vì trong Chú Giải nói có 8 lý do, thí dụ như trong đây giải thích thế này: nếu mở miệng ra mà cứ uẩn, xứ, giới, đế, danh, sắc, duyên khởi, thì làm sao mà giải thích cho chúng sanh được những chuyện sau đây: như bây giờ muốn cho chúng sanh có tàm có quý, biết thẹn, biết sợ khi nó làm chuyện quấy, mà không nói đến chuyện địa ngục, sa đọa, chảo dầu, các cảnh giới ngạ quỹ đói khát, mà cứ nói sanh diệt, uẩn xứ giới đế, thì họ không có sợ, nên phải nói rằng nếu mà con tiếp tục sát sanh thì con sẽ bị yểu thọ, sanh ra con ốm nhách như thế này, xanh lè xanh lét bệnh hoạn, sống không có lâu, có khi chết trong bụng mẹ, chết lúc mới lọt lòng, hoặc được 5 tuổi, 3 tuổi chết hoặc là sống tới già nhưng mà èo uột bệnh hoạn suốt đời, nói vậy họ mới chịu tu! Chứ còn lúc nào cũng dùng chân đế thì người ta không sợ, cho nên đó là trường hợp cái thấy giống nhau, nhưng trong ngôn ngữ đôi khi phải sử dụng, phải quyền biến.  

Cho nên Chư Phật là những Người có cái thấy giống nhau như vậy về cả pháp tục đế và chân đế; và sử dụng, quyền biến, linh hoạt cũng giống nhau.

6. Tathavàditàya tathàgato: Chư Phật kể từ lúc thành Phật trở đi cho đến lúc níp bàn thì Chư Phật không bao giờ nói hai lời, trong đây có trích dẫn một câu: Yanca, Cunda, rattim tathàgato anuttaram sammàsambodhim abhisambujjhati, yanca rattim anupàdisesàya nibbànadhàtuyà parinibbàyati, yam etasmim antare bhàsati lapati niddisati, sabbam tam tatheva hoti no annathà. : Này Cunda, kể từ cái đêm mà Như Lai chứng ngộ Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác dưới gốc Bồ đề, cho đến cái đêm mà Như Lai viên tịch níp bàn, thì này Cunda, trong suốt khoảng thời gian ấy yam etasmim antare trong suốt thời gian từ lúc Thành Đạo đến níp bàn, những gì mà Như Lai yam bhàsati lapati niddisati tuyên bố, giải thích, nói năng, thuyết giảng sabbam tam tatheva tất cả đều đúng là như vậy, no annathà không có thể nói khác được, Như Lai không có nói hai lời. Nghĩa là Như Lai là những vị có sở hành như thật, tri kiến như thật, ngôn ngữ như thật.

7. Tathàkàritàya tathàgato: Như Lai là những Người có hành động như vậy.

Hành động như vậy, trong Kinh có ghi thế này: Yathàvàdì, Bhikkhave, tathàgato tathàkàrì: Này các Tỳ-kheo, Như Lai nói sao thì làm vậy, yathàkàrì tathàvàdì: Như Lai làm sao thì nói vậy, lời nói và hành động của Như Lai luôn luôn song hành với nhau. Tasmà cho nên tathàgato vuccatì Như Lai được gọi là Như Lai! 

Như Lai có ngôn từ như thật nghĩa là từ đêm Thành Đạo đến đêm níp bàn, không có lời nào của Ngài mà người ta có thể sửa được, chính Ngài, Ngài cũng không thể nói khác được

Sở hành như thật nghĩa là Như Lai nói và làm y như nhau, dầu trước mặt một tỷ người hay sau lưng chỉ có một mình Ngài thì Ngài luôn luôn nói sau làm vậy và làm sao nói vậy!

8. Abhibhavanatthena tathàgato: Như lai là như vậy đó, Như Lai được gọi là Như Lai bởi vì bản thân sự có mặt của Như lai đã là một sự khẳng định. Trong đây giải thích thế này: Upari bhavaggam bên trên là cõi Phạm thiên cao nhất, hetthà avìcim pariyantam katvà xuống đến cõi địa ngục thấp nhất, aparimànàsu likadhàtùsu sabbasatte abhibhavati sìlenapi samàdhinàpi pannàyapi vimuttiyàpi, na tassa tulà và pamànam và atthi không có ai mà trên từ cõi Phạm thiên cao nhất đến cõi địa ngục thấp nhất, không ai có thể sánh ngang với Như Lai, bản thân Như Lai đã là một sự khẳng định, Như Lai là vậy đó! Trong tiếng Việt có câu: tui là vậy đó, chịu hổng chịu thì thôi! 

Bản thân Như Lai đã là một sự khẳng định abhibhavana = abhibhu là tự tại, sự khẳng quyết, khẳng định, nghĩa là không ai bằng được Như Lai về Giới, về Định, về Tuệ, chỉ có Chư Phật với nhau, mà khổ ở chỗ vì mỗi một lúc chỉ có một vị Chánh Đẳng Chánh Giác, cho nên không bao giờ có chuyện ai đó giống hệt như Đức Phật, mà có thể cùng lúc có mặt với Ngài. 

Đó gọi là Bát nghĩa Như Lai.

Trong Chánh Kinh, Đức Phật dạy là: Sự xuất hiện của một người như vậy, đem lại niềm an lạc cho vô lượng nhân thiên trong vô lượng vũ trụ.

Trong Chú Giải có nói thêm: Không một cái chết nào đem lại nhiều tiếc thương như sự ra đi của Đức Phật.

Bởi vì Đế Thich mà mất đi thì làm gì có chuyện chúng sanh trong ba cõi gào khóc tiếc thương! Trong Chú Giải có nói ngay cả vị Chuyển Luân Thánh Vương là một vị minh quân, thánh chúa, cai trị cả hành tinh này một cách sáng suốt và nhân từ, khi Ngài băng hà thì nhiều lắm là được cả hành tinh này để tang, khóc; mà cái hành tinh này chỉ là một hột nhản trôi trên biển mà thôi. 

Trong khi sự ra đi của Đức Chánh Đẳng Chánh Giác để lại niềm tiếc thương vô bờ và khôn nguôi cho những người ở lại. Có biết bao nhiêu chư thiên khi họ đến gặp Đức Phật lần cuối ở gốc cây Sala, họ đã khóc như thế này: Chúng ta đã trễ, không còn kịp gặp Đức Thế Tôn, không còn người nào thương ta như Đức Thế Tôn, và cũng không người nào biết chuyện của ta nhiều như Thế Tôn để có thể giúp đỡ ta. Khi mà Ngài còn, Đế Thích biết sắp mệnh chung, sợ hãi, xuống gặp Đức Phật; nhiều và rất nhiều những người trong lúc hoanh mang sợ hãi, khó xử, nan giải, là tìm đến với Đức Phật, nhưng mà cái con người vĩ đại ấy, cái nhân cách không thể tìm đâu ra được ấy, kể từ buổi rạng sáng hôm nay, đã vĩnh viễn ra đi, không còn nữa, làm sao mà ta không khóc! 

Trong Kinh gọi Ngài là cặp mắt của thế giới, là ngọn đèn của thế giới. 

Khi Thế Tôn đã ra đi, đại địa trong mười muôn vũ trụ rung chuyển, lúc đó chư thiên, Phạm thiên, kể cả các vị A-la-hán đều có một câu nói giống nhau: Thế Tôn đã biến mất, Thế Tôn đã viên tịch, ngọn đèn của thế giới đã tắt, ánh mắt của thế giới đã khép lại. Nghĩa là từ đây chúng sanh sống trong mù lòa, bao nhiêu nan giải của mình hỏi ai bây giờ!

Ngay cả Ngài Xá-lợi-phất là đệ nhất trí tuệ trong tam thiên đại thiên thế giới, Ngài chỉ đứng sau Đức Phật, tuy nhiên sức nhớ của Ngài chỉ là một a-tăng-kỳ về quá khứ và cái biết của Ngài chỉ là một a-tăng-kỳ về tương lai. 

Trong khi Đức Phật Ngài có cái tầm nhìn mà không có cái gì mà ngăn chặn được, gọi là Anàvarana nàna Vô ngại trí, Sabbannutà nàna Nhất thiết chủng trí, cái gì cũng biết và không thể bị ngăn ngại, che khuất bởi bất cứ cái gì! 

Đức Phật có 4 chuyện mà không ai có thể ngăn che được:

1. Tánh mạng của Ngài,

2. Hào quang của Ngài: khi Ngài ngồi trên mặt đất hào quang rọi xuyên thấu vô mặt đất, khi đi vào giữa hội chúng của Phạm thiên hào quang chói lòa, thì quầng hào quang của Ngài vẫn tròn trịa, không có bị ai chọt hay xuyên qua được,

3. Trí tuệ của Ngài không bị ai làm khó dễ được,

4. Lễ phẩm đã được dành riêng, dù một củ khoai, một trái chuối thôi, nhưng mình có tác ý là: Ngày mai Thế Tôn sẽ đến đây khất thực, mình cúng cái củ khoai, trái chuối này cho Ngài. Trong Kinh nói dầu có động đất, có lũ lụt, có núi lửa, có thiên tai, sống thần cỡ nào, thì cái trái chuối củ khoai đó không có mất được! 

Đây là 4 thứ của vị Chánh Đẳng Chánh Giác không ai có thể sang đoạt được. 

Đoạn số 6 tới đoạn 17 Ngài có nói: Sự xuất hiện của một người là sự xuất hiện của mắt lớn, là sự xuất hiện của đại quang, của đại minh, của 6 vô thượng, của 4 Vô Ngại Giải, … Ngài đang nói về Ngài, sự xuất hiện của một vị Phật, là sự xuất hiện của ánh sáng, của cặp mắt lớn nghĩa là mắt là cái để nhìn, dầu đó là thiên nhản hay nhục nhản, nhưng không có ai có khả năng nhìn sâu, nhìn xa, nhìn nhiều được như một vị Phật, cho nên sự xuất hiện của Ngài là sự xuất hiện của cặp mắt lớn.

Sự xuất hiện của đại quang, của đại minh nghĩa là sự xuất hiện của luồng sáng lớn. 

Sự xuất hiện của 6 vô thượng: thấy vô thượng, nghe vô thượng, học vô thượng, hành trì vô thượng, ghi nhớ vô thượng, lợi đắc vô thượng. Ngài nói trên đời này có nhiều cái được lắm, được tiền, được danh, được tình, được quyền lực, được đủ thứ, được sức khỏe, được nhan sắc, đủ thứ được, nhưng mà Ngài nói rằng chỉ có cái được nào mà nó gắn liền với Tam Bảo, với Chư Phật, thì cái được đó là cái được vô thượng. Được hầu hạ vị Chánh Đẳng Chánh Giác, được hầu hạ một vị Thánh, đó là cái sự hầu hạ tối thượng; được cúng dường cho vị Thánh, được gặp gỡ, được lễ bái để có dịp thương yêu, quý kính một bậc Thánh, đó là cái sự hầu hạ vô thượng; sự gặp gỡ một bậc Thánh, sự lắng nghe một bậc Thánh, đó là sự gặp gỡ, sự lắng nghe vô thượng. Mà chỉ có sự ra đời của vị Chánh Đẳng Chánh Giác mới đem lại 6 cái vô thượng này.

Chư Phật ra đời chính là sự xuất hiện của 4 Vô Ngại Giải, trong Kinh nói không có Chư Phật ra đời thì người ta có cơ hội nào để người ta biết 4 Vô Ngại Giải là cái gì? Cái gì cũng có thể nghĩ đến Pháp gọi là Pháp Vô Ngại Giải, hoặc là nhìn cái gì cũng biết cái này sẽ dẫn đến quả gì, gọi là Pháp Vô Ngại Giải.

Nghĩa Vô Ngại Giải là nghe cái gì cũng hiểu nghĩa, hoặc là nhìn cái gì cũng biết nó từ đâu mà ra, đó gọi là Nghĩa Vô Ngại Giải.

Từ Vô Ngại Giải là đủ khả năng ngôn từ để diễn đạt về Nghĩa và về Pháp, nghĩa là có đủ khả năng ngôn từ để trình bày về Giáo Lý, trình bày về những gì mình muốn nói một cách thoải mái, không bị hạn chế, đó gọi là Từ Vô Ngại Giải.

Biện Vô Ngại Giải, ở đây có hai nghĩa:

1. Biện Vô Ngại Giải hay đúng ra dịch là Ứng Khẩu Vô Ngại Giải có nghĩa là vị này nói chuyện không cần mất thời gian, vị này nói bật ra một cách suôn sẽ, rành rọt, thao thao bất tuyệt không bị chướng ngại, gọi là ứng khẩu; 

2. đồng thời Pathibhàna-patisambhidà còn có một nghĩa nữa gọi là nànesu nànam, trong Chú Giải ghi như vậy, có nghĩa là cái trí hiểu thông 3 trí trước, thì được gọi là trí thứ tư.

Sự có mặt của Chư Phật là sự có mặt của sự thông đạt nhiều giới, là Chư Phật biết rõ chúng sanh này thiện nhiều hay là ác nhiều, tham nhiều hay là sân nhiều, si nhiều.

Sự thông đạt của các giới sai biệt, là biết rõ rằng người này họ có khả năng đắc Đạo, đắc Quả hay không, và vì mỗi người không giống nhau, thằng Tèo không giống thằng Tí, giới sai biệt ở đây có nghĩa là biết rõ là người này là người ác, nhưng mà trong đám ác này, mình nói như vầy hợp với nó hơn, còn đây là đám thiện, trong đám thiện, thằng Tèo mình nói khác, thằng Tí mình nói khác. Hai người tham nhiều hết, hai người đều sân nhiều hết, hai người đều trí nhiều hết, trí giống nhau hết, hai người có đức tin giống hệt nhau, nhưng mà đối với người này mình phải nói khác một chút, người kia nói khác một chút. Như vậy được gọi là sự thông đạt của nhiều giới, của các giới sai biệt.

Sự xuất hiện của Chư Phật là sự xuất hiện của minh và giải thoát có nghĩa là khi Chư Phật chưa có ra đời, thì mình ù ù cạt cạt không biết gì hết, mình chỉ biết chạy theo cái mình thích, và mình chối bỏ bất mãn cái mình ghét, thế là chạy theo cái mình thích là đầu tư sanh tử, mà chối bỏ cái mình ghét là tự mình nhận cái quả khổ. 

Thích là gieo nhân khổ, mà ghét là gặt quả khổ. 

Minh giải thoát là không có tiếp tục sống theo kiểu ngu này nữa.

Thích là gieo nhân khổ bởi vì thích là Tập Đế.

Thiện là 6 căn biết 6 trần bằng tâm lành,

Ác là 6 căn biết 6 trần bằng tâm xấu,

Vui là 6 căn biết 6 trần như ý,

Khổ là 6 căn biết 6 trần bất toại. 

Mà người có tu thì không nói gì, còn người không tu hễ gặp 6 trần bất toại thì là sân, là ghét, sợ; cho nên đối với người không sân là coi như họ đã hạn chế rất nhiều chuyện gặt quả xấu. Cho nên suốt ngày mình cứ để ý thế này, đợi suốt ngày chỉ có tâm tham sân si thôi, chứ tâm thiện đâu có mấy khi, nên mỗi lần mình thích cái gì, mình suy nghĩ thế này: nhân khổ nhe! mỗi lần mình bực mình, mình nói: đang gặt quả khổ nhe! Cứ nhớ bao nhiêu đó, ở đây không có ai ác, ai thiện, ở đây không có ai khổ, ai vui, ở đây chỉ có danh sắc thôi! Mỗi lần thích cái gì thì niệm câu thần chú: đang gieo nhân khổ! thích là gieo nhân khổ. Mà đang bực mình thì đang gặt quả khổ, cứ gieo rồi gặt, gặt rồi gieo, gieo gặt, gặt gieo. 

Mà tại sao mình biết được chuyện này? Do Chánh Đẳng Giác dạy cho mình biết!

Cho nên sự ra đời của Ngài là sự ra đời của Minh và của Giải thoát, là sự ra đời của việc chứng ngộ các tầng Thánh.

Ai vậy? Ai mà sự ra đời của người đó đem lại quá nhiều thứ như vậy? Xin thưa, đó là Bậc Như Lai A-la-hán Chánh Đẳng Chánh Giác!

Hôm nay mình đã học về Bát nghĩa Như Lai, để mai này nghe người ta nói Như Lai, thì phải biết Như Lai là gì! Như Lai là vị đã đến như vậy, đã ra đi như vậy, đã nói như vậy, đã thấy như vậy, nói sao làm vậy, làm sao nói vậy, và Như Lai là một sự khẳng định Ta là như vậy.  

Điều số 18: Sau khi Ngài nói về Ngài, thì Ngài nói: Này các Tỳ-kheo, trong vô lượng vũ trụ, tất cả đệ tử của Ta, thì chỉ riêng có một người, đó là Xá-lợi-phất, mà có thể làm cái công chuyện duy nhất này, đó là có thể căn cứ vào Pháp Luân mà Ta đã vận chuyển, vị đó có thể tiếp tục vận chuyển Pháp Luân. 

Ngài Xá-lợi-phất không có khả năng tự mình làm 100% như Đức Phật, nhưng mà chỉ bằng gợi ý từ bài Kinh Chuyển Pháp Luân, Ngài Xá-lợi-phất hoàn toàn có thể xây dựng một hệ thống Giáo Lý hoàn chỉnh như ta đang thấy. 

Ngay kỳ Đức Thế Tôn giảng Tạng A-tỳ-đàm trên cõi trời, Ngài xuống Ngài chỉ nói với Ngài Xá-lợi-phất nghe. Cái cách giảng của Đức Phật trên cõi trời, rất là nhiều, bởi vì 3 tháng mà Ngài nói với tốc độ nhanh hơn người bình thường 3 lần, mà suốt 3 tháng như vậy. Trong khi các cuộc kiết tập Tam Tạng lần thứ nhất chẳng hạn, 3 tháng người ta kiết tập xong 3 Tạng, mà tốc độ của Ngài Anan không thể nói nhanh hơn Đức Phật được. Vì Đức Phật nói cho chư thiên nghe, mà chư thiên với Ngài thì gọi là dĩ tâm truyền tâm, chư thiên vừa nghe Ngài mà vừa hiểu Ngài muốn nói cái gì. Mà với tốc độ nói gấp mấy lần người thường, và Ngài phải nói suốt 3 tháng mới hết Tạng A-tỳ-đàm, điều đó có nghĩa là Tạng A-tỳ-đàm mà Đức Phật thuyết trên cõi trời là dài ,nhiều và khác với Tạng A-tỳ-đàm mình thấy ở đây lắm. 

Và khi mà Ngài Xá-lợi-phất nghe lại cái A-tỳ-đàm đó, Ngài đã làm gọn lại như là ta thấy hôm nay. Thì cái bậc như vậy, có phải là bậc Tướng Quân Chánh Pháp, là cái vị mà thay mặt Thế Tôn rồi vận chuyển Bánh Xe Pháp Luân hay không? đặc biệt lắm!

Cho nên Đức Phật Ngài xác nhận rằng: Trong vô lượng vũ trụ, trong vô lượng chúng sinh, đồ chúng, Tăng Ni, thì chỉ có Xá-lợi-phất là người có thể làm cái việc đó thôi! Đó là thay Ngài vận chuyển bánh xe Pháp Luân .

* Các bài Sư Toại Khanh (Tỳ Kheo Giác Nguyên) giảng qua Paltalk năm 2019. Nguồn Vietheravada

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app