Kinh Tăng Chi số 004

Bài Giảng Sư Toại Khanh Paltalk 2019

Phẩm Tinh Tấn

Hôm nay chúng ta học Phẩm Tinh Tấn.

Sẵn ở đây chúng tôi cũng nói luôn là trong toán có thuật ngữ lũy tiến, có nghĩa là chỉ cho trường hợp mọi thứ phát triển theo cấp số nhân. Thí dụ như 1m ao bèo, 1m vuông mấy cái tai bèo trong ao, một đêm như vậy nó nỡ ra khoảng bao nhiêu, thì 10 đêm, 20 đêm số bèo ở trong ao nó là bao nhiêu? Khi nó phát triển được nửa ao, 1 phần tư ao, 1 phần 3 ao thì khoảng bao lâu cái ao đó đầy? Thì gọi là lũy tiến.

Ở đây cũng vậy, với lý Phật Pháp, khi chúng tôi vào trong bài Kinh sắp học, chúng tôi có một chút hy vọng là những gì bà con đã được nghe liên tục, chứ không phải nghe kiểu tùy hứng, lâu lâu ghé vào một bữa thì thôi, còn nếu những ai nghe liên tục và đặc biệt người có ghi chép, thì tôi tin chắc là một trăm phần trăm với cái vốn liếng mà bà con đã nghe sau Tương Ưng và Trường Bộ thì đã đủ để bà con tự bơi lội trong phần sắp tới này. Như vậy thì đỡ cực cho chúng tôi dữ lắm mà cũng đỡ mất thì giờ cho quý vị, đỡ mất thì giờ dữ lắm, cho cả hai phía, người nói, người nghe. Chẳng hạn như bữa nay chúng ta học về Phẩm Tinh Tấn, trong đây chúng tôi liếc mắt thì thấy hình như là không có cái gì mà bà con chưa có học hết. 

Bây giờ mình đọc câu số 1 của Phẩm Tinh Tấn, Đức Phật Ngài dạy rằng Ngài không thấy cái pháp gì mà có thể giúp cho thiện và loại trừ ác cho bằng pháp Tinh Tấn. Nếu chữ Tinh Tấn mà mình hiểu theo cái nghĩa nghèo nghèo là siêng thì nghèo quá! Trong khi đó nếu mình hiểu chữ Tinh Tấn theo tinh thần của Tứ Chánh Cần thì nó ok lắm, rộng lắm, sâu lắm, đủ xài cho cái chỗ này. 

Tinh Tấn gồm có 4: nỗ lực đối phó – Sammappadhana Chánh Cần là nỗ lực ngừa cái ác chưa sanh, thứ hai là nỗ lực chận đứng-tiêu trừ cái ác đang có-đã có, thứ ba là nỗ lực tu tập những thiện pháp chưa có cho thành tựu và thứ tư là nỗ lực duy trì-phát triển những thiện pháp đã có cho nó đừng có mất, cho nó được phát triển. Tổng chi lại mình có 4 kiểu Tinh Tấn: thận – trừ – tu – bảo. Thận là ngừa, trừ là bỏ cái ác đang có, tu là tạo ra cái thiện chưa có, và bảo có nghĩa là duy trì-giữ lại-phát triển cái thiện đã có. Sự nỗ lực này chia ra làm 4, nhưng thật ra theo Atỳđàm chỉ có một thôi, đó là tâm sở Cần là trạng thái không lui sụt, trạng thái luôn luôn hướng về phía trước, dấn thân, phó mình cho những bước đi tới, thả mình trôi về phía trước, hướng về phía trước, được gọi là Tinh Tấn. 

Bởi vì chúng ta thấy rằng tuổi thọ của mình ngày một ngắn đi, sức khỏe của mình ngày một giảm đi, thiện pháp của mình nếu mà sơ ý một chút thì luôn luôn chực chờ bị mất đi, và cái ác pháp của mình nếu mình sơ ý một chút thì nó chực chờ để nó phát triển. Đây là những điều mà một người tinh tấn phải nhớ! Tôi nhắc lại: cái tuổi đời ngày một hao, sức khỏe ngày một tổn giảm, thiện pháp thì cứ chờ để nó mất đi, mà cái ác pháp nó cứ chờ để phát triển. Đây là 4 sự thật mình không có thể nào chối được. 

Tôi biết trong room này có nhiều người nghe lấy làm lạ là ủa tại sao cái tuổi đời sẽ luôn luôn mòn hao đúng rồi, sức khỏe thì nó mỗi ngày giảm sút thì đúng rồi, nhưng mà tại sao lại nói rằng cái thiện pháp nó luôn luôn chầu chực để nó mất đi? Rồi cái ác pháp luôn luôn nó chầu chực để mà nó phát triển? Chắc quý vị mà có bình tâm một chút quý vị sẽ thấy cái đó là đúng chứ không sai! Vì sao? Vì tập khí phiền não nhiều đời của mình luôn luôn nó mạnh hơn cái thiện. Trừ phi cái người sắp đắc, balamật tròn đủ, cái cơ hội nào cũng là cái cơ hội để mà họ tu tiến. Kiểu như Bồ tát Tất Đạt nhìn một xác chết, nhìn một người bệnh là đã xong rồi, đó là cái cơ hội để người ta đi tới luôn. Mình thì sao? Mình hễ gặp chuyện vui thì mình tham, mà gặp chuyện bất toại thì mình sân, mình bất mãn, mình sợ, mình chán, mình ghét, và mình đối phó với cái mà mình ghét bằng cách là mình đi kiếm cái mình thích. Còn hễ mình gặp cái mình thích thì mình tìm mọi cách để mình có được, đút cái đầu vô trong đó, cắm cái mặt của mình vô trong đó. Nghĩ coi có phải vậy không? Cứ như vậy thì làm sao mà thiện nào nó phát triển cho nỗi! 

Nói chung là người mà có túc duyên sâu dày thì hoàn cảnh, cơ hội nào người ta cũng có cách nghĩ để người ta đi lên hết. Còn mình balamật yếu kém quá, thì bây giờ hình ảnh nào đẹp lắm lắm đi nữa, đạo vị cách mấy đi nữa, chẵng hạn như bây giờ mà mình ngồi giữa trường thiền, giữa một hội chúng Tăng Ni Phật tử sum vầy tu học vui vẻ, thì chắc gì hình ảnh đẹp đó mà hỗ trợ, tác động tích cực cho cái thiện pháp của mình? Nghĩ kỹ coi có đúng không? Có biết bao nhiêu người cứ đi qua Miến Điện rồi trở về, cái mức mà háo danh đó còn tinh vi hơn hồi chưa đi nữa! Khi trở về thì bằng mọi cách quay trở qua hỗ trợ trường thiền, hỗ trợ Thiền sư, hỗ trợ thiền sinh, làm mà cái tôi nó ngày càng lớn ra, càng tu cái tôi càng to đùng ra. Duy có người balamật sâu dày, túc duyên đầy đủ, nhìn một cái đám ma, nhìn một bà cụ hom hem là đủ tu rồi! Còn cái người hơi yếu kém chút xíu, thì dầu cho hình ảnh tu hành cũng là cơ hội để kiêu mạn, tham ái, tà kiến nó phát triển. 

Nghĩ đến chỗ này mình mới thấy: à thì ra Tứ Chánh Cần quan trọng như vậy, quan trọng ghê lắm! Bởi vì mình phát triển không ngừng. Cứ nhớ như vậy, tuổi đời thì mòn hao, sức khỏe thì tổn giảm, ác pháp thì chầu chực phát triển, mà thiện pháp thì chầu chực lui sụt.

Chính vì điểm này, cho nên trong chỗ này Đức Thế Tôn mới dạy rằng Ngài thấy không có một nguồn động lực nào mạnh mẽ, quan trọng, cần yếu cho các thiện pháp cho bằng nhân Tinh Tấn. Nhớ kỹ chỗ này, là tùy chỗ mà Đức Phật đặc biệt nhấn mạnh, lưu ý, quan tâm, nêu bật một thiện pháp nào đó; đừng ôm khư khư cái đoạn Kinh đó, rồi coi đó là tất cả. Thí dụ như có chỗ mình thấy Ngài nói rằng Nhẫn Nại là hạnh tu cốt lõi và căn bản của Sa môn. Mình đọc cái đó mình phải hiểu ra 2 chuyện: thứ nhất chữ Nhẫn Nại mình đã hiểu đúng chưa? Nhẫn Nại mà mình hiểu theo cái nghĩa của mình là nhịn, thì chết rồi! Nhịn cái gì? Nhịn cái điều bất toại, người ta chửi vô mặt mình, người ta đấm vô mặt mình mà mình nhịn là mình Nhẫn Nại, hiểu như vậy thì nghèo quá! Bởi vì Nhẫn có hai đó là khả năng Nội Nhẫn và Ngoại Nhẫn. Ngoại Nhẫn tức là mình có thể chịu đựng tất cả những sự tấn công từ bên ngoài, như là thiên nhiên, nóng, lạnh, nhân tình thế thái, những mắng chửi thị phi, chịu được, thì đó là Ngoại Nhẫn. Còn Nội Nhẫn là khả năng đối phó, đương đầu với những cái vấn đề nội tại bên trong, giận quá mà kềm được, muốn quá mà kềm được thì cái đó mới là Nội Nhẫn. Nhẫn mà hiểu như vậy mình mới thấy: à thì ra Đức Phật Ngài dạy Kham Nhẫn là cốt lõi của Phạm hạnh! Đó là chuyện thứ nhất. Chuyện thứ hai, tại sao ở đây Ngài lại nói có một mình Nhẫn? Là bởi vì cái đối tượng trước mặt Ngài là ai? Nói mạnh, tô đậm về Nhẫn thì người này mới có khả năng ghi nhận, phải đánh được vào cái túc duyên tiền kiếp của người này. Đối với người này mình nói về bố thí, về trì giới, về thiền định, về trí tuệ, về chánh niệm … thì nó không có xi-nhê. Nhưng mà đối với người này mà họ nghe nói đến chữ Nhẫn một cái là nó bừng sáng liền, nó hoát nhiên đại ngộ liền! Nhưng có điều chữ Nhẫn phải hiểu nghĩa rộng như vậy đó.

Có người thì Ngài lại nói về Trí, có người Ngài lại nói về Niệm, còn có người thì Ngài nói chung chung, Ngài nói là : không dễ ngươi Appamada là cốt lõi của Phạm hạnh, có người Ngài nói như vậy đó! Có người Ngài nói Trí Tuệ là cốt lõi của Phạm hạnh, có người Ngài nói Chánh Niệm là cốt lõi của Phạm hạnh. Tùy chỗ, thứ nhất là vì căn cơ người trước mặt, thứ hai là chữ Ngài dùng, nghĩa nó rộng ghê lắm! Còn mình thì mình không nhớ kịp hai điểm này, thứ nhất là mình không chịu suy ra nghĩa rộng của Ngài dùng, thứ hai mình quên mất cái chuyện Ngài không phải là ông thầy giảng trong lớp, nói chung chung, nói bao quát cho một nhóm học trò, trúng ai thì trúng. Mà Ngài là vị Điều Ngự Trượng Phu Thiên Nhân Sư, Ngài nhìn đâu là trúng đó, Ngài nhìn người ta là Ngài đã biết tám trăm ngàn ức triệu tỉ kiếp tiền thân, người ta đã mạnh về cái gì, yếu về cái gì, biết ngay hôm nay người ta phải nghe cái gì, rồi người ta sẽ thành tựu cái gì. 

Cho nên đây là đoạn đầu tiên của Phẩm Tinh Cần, đương nhiên Ngài nói nhiều về hạnh Tinh Tấn, chữ Tinh Tấn này phải hiểu nghĩa sâu như vậy.

Thứ 2: Này các Tỷ-kheo Ta không thấy một pháp nào có thể gây bất lợi cho thiện pháp như là sự đa dục. Đa dục ở đây là muốn nhiều, muốn nhiều ở đây là, gốc Pali ghi 2 công thức: 

1. sakalabhe atittam có nghĩa là trong cái mình có thì không thỏa mãn, 

2. paralabhe patthana trong cái của người khác thì lòng cứ mong mỏi. 

Saka là của mình, sakalabhe atittam trong cái mình có thì mình không thấy thỏa mãn. 

Paralabhe , para là người khác, paralabhe patthana cái của người ta thì lòng cứ mong mỏi. 

Hai cái này cộng lại thành ra đa dục, chứ còn mình nói đa dục là muốn nhiều thì nó mơ hồ lắm, nói cho chi tiết chút xíu để dễ nhớ, mà nó sang hơn nhiều nữa!

Sakalabhe atittam là trong cái vật sở hữu của mình, trong thứ mình có thì mình không thỏa mãn. Mà trong cái của người ta thì lòng cứ mong mỏi, muốn được. Hai cái này cộng lại thành ra đa dục. Các vị tự nghĩ lòng của các vị coi có đủ hai cái này hay không? Chứ tôi thì tôi thấy hai cái này là tôi có dư xài! Có nghĩa là trong cái của mình có thì mình thấy – atittam ở đây là không thỏa mãn, không thỏa mãn cái mình có. Còn cái của người ta thì mình cứ mong muốn. Hai cái này cộng lại thì gọi là đa dục.

Ác dục, papiccha là sự ham hố quá đáng, là sao? Có nghĩa là ngày xưa chưa biết đạo, chưa biết tu thì ham thích trong các thứ sở hữu, biết tu rồi lại ham hố trên những thành tựu mình có được, cái đó gọi là ác dục. Có nghĩa là cái người như vậy gọi là ác dục, nghĩa là chưa có tu thì thích theo kiểu tào lao, danh lợi, tình cảm; biết đạo rồi thì mình lại ham hố ngay trên chính những cái thành tựu của mình. 

Trong đây ghi rõ thế này: mong cho người ta biết mình là như thế này thế kia, mà trong khi bản thân mình không được như vậy. Trong đây nói thế này: idhekacco assaddho samano saddhoti mam jano janatuti: mình không có đức tin mà mình lại mong là người ta biết mình có đức tin, mình không có trí mình lại mong người khác nghĩ rằng mình là người hiền trí, mình khônh có giới, mình không có thí, mình không có tuệ, mình không có niệm, mình không có định, nhưng mà mình mong người ta biết, mong người ta nghĩ, mong người ta hiểu lầm là mình có giới, có thí, có trí, có niệm, có định, thì cái đó được gọi là ác dục, trong Kinh giải thích như vậy. 

Trong Kinh đây có kể một loạt chuyện, trong đó có chuyện một vị Thánh – không cần phải Thánh, chỉ cần một người phàm mà có lòng thiểu dục, không có ham hố, thì cũng không có đem khoe khoang cái sở chứng của mình, thí dụ như mong cho người ta biết là mình đa văn, mong cho người ta biết là mình tri túc, mong cho người ta biết mình có trí, mong cho người ta biết là mình …, trong Kinh đây có kể chuyện một vị Thánh Alahán, dĩ nhiên Alahán không còn thích danh lợi nữa rồi, nhưng mà trong một địa phương đó chư Tăng không có được sự cúng dường nhiều, thì Ngài mới suy nghĩ rằng nếu mà người ta thấy một chút gì đó, người ta sẽ hộ độ cho chư Tăng tốt hơn, chút xíu thôi, thì Ngài xét thấy trong hoàn cảnh này có lẽ mình cũng nên cho người ta thấy một chút xíu xìu xiu cái Pháp Thượng Nhân, Ngài thấy là Ngài có dùng một ít thần thông, thì trong trường hợp đó chỉ có Ngài và các vị đồng đẳng, ngang ngửa cái trình độ của Ngài mới hiểu được như vậy thôi. Thì sau khi Ngài hóa hiện cho người ta thấy xong rồi, Ngài cũng đi luôn, Ngài cũng không cho người ta biết cái người hóa hiện đó là ai, chỉ cho người ta hiểu ngầm là ở trong cái hàng Tăng Già cũng có những bậc long tượng, Phật Pháp chưa có phải là thật sự mất đâu! Chẳng hạn như hôm nay chúng tôi cũng phải nói thiệt, chúng tôi phải mang ơn rất là nhiều những vị tôn túc long tượng, thí dụ như ở trong Việt Nam mình thấy có Ngài Hộ Pháp chẳng hạn, Ngài Tịnh Sự chẳng hạn, thì những vị đó về Pháp Học và Pháp Hành. Về tài, về đức thì phải nói là ưu việt nhiều lắm, tôi chỉ đơn cử hai thôi, chứ không phải là tôi có cái lòng mà chê các vị còn lại, tôi lạy bà con đừng có hiểu lầm cái đó chết tôi nghe! Tôi chỉ đơn cử hai vị đó, ít ra mình nhờ hai vị đó. Lâu lâu thêm mấy vị bên Miến Điện, bên Tích Lan qua, để cho Phật tử Việt Nam cũng còn có chỗ nắm níu niềm tin để cho mình thấy: à thì ra cái Nam Tông cũng không có đến nỗi như mình thấy mỗi ngày, như những gì mình thấy hoặc là những gì mình nghe. Cứ lâu lâu mình phải mang ơn những vị như Ngài Sitagu Sayadaw hay là Ngài Pa Auk Sayadaw, U Pandita Sayadaw, những vị danh Tăng thời đại bên Miến Điện, bên Tích Lan, bên Thái. Chính vì bóng dáng của các vị đó mà nuôi cơm luôn cho các vị chưa có gì hoặc là không ra gì. 

Thì ở đây cũng vậy, vị Thánh Alahán Majjhantika Ngài không phải là có lòng dục riêng, nhưng vì lòng đại bi mà đồng thời cũng vì lòng muốn nâng đỡ Phật Pháp cho nên Ngài mới dùng chút xíu xìu xiu cái thần thông, trong trường hợp đó không có phải là dục. 

Tôi nhắc lại, trong đoạn Kinh này Đức Phật Ngài nói đến trường hợp đa dục và ác dục, hai cái này hại ghê lắm. Đa dục có nghĩa là không thỏa mãn trong cái mình có mà lại không ngừng ước ao, mong mỏi cái của người có. Còn ác dục nghĩa là thuở nào thích cái tào lao, bây giờ biết đạo thì lại thích những cái mà nó tinh vi hơn, một cái thích mà phải nói là khó ai mà ngờ được! Ngày xưa mình thích tiền bạc, thích danh vọng, thích quyền lực, thì ai nghe cũng thấy nó tầm thường, nhưng bây giờ họ đâu có ngờ là mình lại thích một cái khác mà nó tinh vi hơn, có nghĩa là nó rất là tinh thần, rất là tâm linh: mong cho người ta hiểu lầm là mình có hành trì, mình là người có nội hàm, có hàm dưỡng, có nội dung, có đức độ.             

Rồi tiếp theo Ngài dạy rằng Ngài không thấy pháp nào mà nó hỗ trợ cho cái thiện cho bằng ít dục, thì mình hiểu ngược lại thôi, ít dục nghĩa là không có đa dục, mà đa dục là gì? Định nghĩa rồi! là ngược lại thôi. Rồi tiếp theo Ngài cũng nói thế nào là trạng thái không biết đủ là không tri túc ở đoạn số 4.

Bây giờ tôi nhắc lại: đoạn số 1 tán thán Tinh Tấn, đoạn số 2 cảnh báo về nguy hiểm của đa dục, đoạn số 3 là tán thán cái hạnh ít dục-hạnh thiểu dục, một cái cảnh báo-một cái tán thán! Thiểu dục là ngược lại với cái đa dục. Đoạn thứ 4 là cảnh báo cái sự không tri túc. Bữa hôm chúng tôi có giảng qua vấn đề thiểu dục, các vị còn nhớ không? Có 4 thiểu dục theo Chú giải:

1. Thiểu dục ở trong vật chất – paccayesu appiccho

2. Thiểu dục trong sở hạnh – dhutangaappiccho

3. Thiểu dục trong sở học – pariyattiappiccho

4. Thiểu dục trong sở chứng – adhigamaappiccho

Thiểu dục trong vật chất có nghĩa là không có mong muốn nhiều hơn cái mà mình nhận được.

Thiểu dục trong sở hạnh, tiếng Pali dhutanga nghĩa là không có mong cho người ta biết rằng mình là cái người có hạnh đầu đà, mong cho người ta biết là mình có hạnh viễn ly, có hạnh độc cư … Đầu đà vừa có thiểu dục, vừa là tri túc, vừa là độc cư, vừa là viễn ly, mấy cái đó nằm hết ở trong 13 đầu đà. 

Đầu đà gồm 13 hạnh chẳng hạn như cả đời không có giữ y dư ngoài ra tam y, rách thì tìm cái khác chứ không có giữ y dư-y secours. Thứ hai là cả đời không có sống trong mái che, thí dụ như là chỉ sống dưới gốc cây, hang động, tha ma, mộ địa, rừng rú, đống rơm, trời trống. Cả đời không có nằm, chỉ có ngồi với đi với đứng thôi. Cả đời chỉ ăn ngày một bữa không có điểm tâm, còn buổi chiều thì dĩ nhiên không cần phải bàn, tức là một ngày chỉ ăn có một bữa, thí dụ như lỡ ăn một muỗng cháo buổi sáng thì coi như là không ăn cái gì ngoài ra nữa hết, lỡ ăn một trái cóc, trái ổi là coi như đã xong bữa rồi, gọi là nhất tọa thực là ăn một lần thôi, đứng dậy rồi thì xong, nhịn luôn. 

Nhắc lại : y áo – ngoài chuyện không giữ y dư còn có không nhận y do người khác may sẵn cúng dường, mà phải chính mình đi tìm vải lượm rồi về giặt giũ, cắt may, nhuộm để mà mặc, chứ không có nhận y may sẵn. 

Vị đó cả đời chỉ đi khất thực chứ không có nhận cơm, nhận thức ăn từ ở trên bàn, ghế, tô, chén, muỗng nĩa là không, vị này chỉ có nhận ở trong bát rồi ăn trong bát chứ không có nhận ăn mâm cao cỗ đầy. Gom chung lại là 13 hạnh, vị đó không có muốn cho người khác biết là mình tu theo 13 hạnh đó, thì mới gọi là tri túc trong sở hành, trong sở tu, sở là chỗ.

Thứ ba là thiểu dục ở trong sở học gọi là pariyattiappiccho nghĩa là dầu có tinh thông Kinh điển đến cỡ nào cũng không có lòng mong mỏi người ta biết mình là uyên thâm. Có lòng mong mỏi người ta biết để người ta nể phục, cúng bái thì đó cũng là đa dục.

Cái cuối cùng gọi là adhigamaappiccho – thiểu dục trong sở chứng nghĩa là không có mong người ta biết được là mình đã đắc cận định, sơ thiền, tam thiền, ngũ thiền, đắc Sơ Nhị Tam Tứ Quả thì không.

Tri túc gồm có ba, một là vui – santutthi hoặc là santosa nghĩa là tự vui, không vui vì thứ gì ngoài mình, hiểu nôm na là vậy. Santutthi hay là santosa từ chữ sa hoặc là saka là tự mình, còn tosa và tutthi từ ngữ căn tus có nghĩa là vui. Như Tusita là cõi dục thiên mà chư thiên ở đó chỉ nghĩ đến công đức của mình là đã hạnh phúc vô bờ. Trong khi mấy cõi kia phải thấy, phải nghe, phải ngửi, phải nếm, phải đụng, phải chìm sâu ở trong 5 dục mới thấy vui, phải nhìn được cái mà mình thích, phải nghe được cái mình muốn, phải ngửi được cái mùi mình thích, phải nếm được cái vị mình muốn. Riêng cõi Đâu Suất các vị tự vui với cái hạnh lành của mình, những người đặc biệt như vậy, những người phước nhiều mới về ở đây, cho nên cõi đó mới gọi là Tusita từ cái căn Pali là tus là vui. Từ căn tus đó mới dẫn đến 2 từ santutthi hay là từ santosa. Như das là cắn từ đó mới ra dattha có chấm dưới là vết cắn, hoặc là động từ dis là thấy từ đó mới ra dittha, ditthi là tri kiến. Đó là chứng minh cho thấy một số trường hợp văn phạm như vậy. 

Tri túc ở đây là santosa hay santutthi gồm có 3 trường hợp: 

1. Yathalabhasantosa là vui với cái mình nhận được

2. Yathabalasantosa là tùy cái nhu cầu về cái sức tiêu thụ mà mình nhận bao nhiêu

3. Yathasaruppasantosa là tùy cái vị trí vai trò của mình mà mình thọ nhận cái gì và sử dụng cái gì. 

1. Yathalabhasantosa là thí dụ như người ta cho mình bốn thứ một cái bàn chải chà chân, một cái áo khoác, một cây kem đánh răng với một cái hộp quẹt, cho mình tới đó thôi thì mình không có muốn thêm ngoài ra bốn cái đó, cái đó gọi là yathalabhasantosa.

2. Yathabalasantosa có nghĩa là tùy cái nhu cầu, tùy cái sức tiêu thụ của mình mà mình sau khi nhận mình giữ lại bao nhiêu, còn ngoài ra mình đem mình hiến tặng hết. Thí dụ như mình không có răng thì giữ kem bàn chải làm cái gì? Rồi mình ở xứ nóng thì cái áo khoác mình giữ làm cái gì? Thôi thì mình cúng cái áo khoác cho cái vị mà họ ở xứ lạnh, rồi kem bàn chải thì mình đem cho cái người còn có răng cỏ, còn mình là cái loại người mà vừa hút gió vừa đánh răng thì mình không có cần phải xài tới kem. Loại răng giả tháo ra tháo vô được là loại người vừa hút gió vừa đánh răng.Nói cho dễ nhớ danh nhân thế giới gồm có Hitler vừa hít vừa le nó dễ làm, còn Phùng Há đó là vừa phùng vừa há thì coi như không có làm được-trong đời chỉ có một mình bà Phùng Há, còn loại thứ ba là vừa đánh răng vừa hút gió đó là cái loại này nè! Thì mình không có nhu cầu thì mình giữ làm chi!

3. Yathasaruppasantosa có nghĩa là vị trí của mình, vai trò của mình, tầm cỡ như mình mà mình xài cái đó hình như nó hơi quá! Các vị Trưởng lão tôn túc trong chùa mang dép tổ ong, dép nhựa, dép kẹp, dép tông, còn mình mang nguyên một đôi dép da của Ý năm bảy trăm đô la, mặc dù cái đó của người ta cho, nhưng mà một vị Tỷ-kheo có tâm một chút thì vị đó có đành lòng, có cam tâm mà mang cái đôi đó hay không? Mặc dù cái đó là của người ta cho, nhưng mà một loạt các vị Trưởng lão trong nhà, trong chùa như Ngài Hộ Pháp, Ngài Viên Minh, Ngài Tịnh Giác, Ngài này Ngài kia … ở chung chùa với mình mà các vị mang toàn là dép tông, dép nhựa, dép tổ ong, còn mình mang nguyên một cái đôi dép Ý thì nó hơi quá! Cái đó gọi là Yathasaruppasantosa, saruppa ở đây có nghĩa là cái sự thích ứng, sự phải lẽ, trong trường hợp đó mình liệu để mà mình không có dùng làm chi. 

Đây là 3 cái gọi là yathalabhasantosa, yathabalasantosa và yathasaruppasantosa.

Tiếp theo là Không như lý tác ý có nghĩa là ayoniso là vô lý, không hợp lý, không có hữu lý. Còn manasikara là quan tâm hay là lưu tâm, lưu ý. 

Có một số phật tử coi như là mọt sách, thấy chữ này kêu là tác ý, tôi nghe tôi nản lắm, bởi vì cái chữ đó là thuật ngữ trong Kinh là như vậy. Nhưng khi mà nói chuyện với bà con đại chúng nhất là những người không biết đạo thì trong trường hợp này mình phải quyền biến linh hoạt một chút xíu, chứ với một người không biết đạo mà mình đè họ ra mình bắt họ phải chấp nhận cái chữ Không như lý tác ý thì nó dễ điếc con ráy lắm! Cho nên khi mà chúng tôi giảng-dịch Kinh tới chỗ này, chúng tôi tìm mọi cách để chúng tôi lựa chữ nào cho nó mềm, cận nhân tình chút xíu! 

Manasikara nghĩa là lưu ý hay là quan tâm tới cái khía cạnh. 

Khía cạnh nào? Khía cạnh hợp lý thì gọi là Yonisomanasikara. 

Còn nếu mà mình quan tâm, lưu ý đến khía cạnh tào lao, không hợp lý thì được gọi là Ayonisomanasikara. Ở đây Đức Phật Ngài dạy rằng không có cái gì trên đời này mà nó phá thiện, dưỡng ác cho bằng cái chuyện mà mình suy tư không hợp lý. Từ cái suy tư không hợp lý nó dẫn đến chuyện thích cái này, ghét cái kia, mà toàn bộ khổ ải nhân gian chỉ khởi đi từ có mỗi một nguyên nhân-nguồn cội này thôi, đó là không có suy tư hợp lý, quan tâm đến những khía cạnh không hợp lý, từ đó mình mới khổ. Cái người đó có đáng để mình thương không? Vậy mà ôm ấp bóng dáng đó về để mình trùm chăn, úp gối để mà mất ngủ, cuối cùng lấy nhau về mới lòi ra cái mặt chuột, đó là do nghĩ ngu, mới lấy nhầm cái người không đáng.  

Thứ hai do nghĩ tào lao mà đi căm hận một người mà lẽ ra trên đời này không có ai đáng mình giận hết. Căm giận một người thì có khác chi là uống thuốc độc mà mong cho người ta chết, đó là một sự thật, thưa quý vị! Giận ghét căm hờn ai đó y chang như là uống thuốc độc mà mong cho người ta chết. 

Tôi nói hoài trên đời này không có ai dễ ghét, chỉ có hai hạng người đáng thương và dễ thương thôi! Suy nghĩ như vậy được gọi là Như lý tác ý. Chưa hết, còn nữa, cái cốt lõi không phải nằm ở chỗ đó đâu, tôi chỉ chứng minh cái chữ yoniso thôi. Trên đời này chỉ có người đáng thương và dễ thương, người xấu, người bất thiện là người đáng thương; còn người thiện, người lành là người dễ thương. Đáng thương và dễ thương, không ai dễ ghét, không ai đáng hận hết. 

Cốt lõi của Như lý tác ý là 4 suy tư không hợp lý: 

1. Anicce niccasanna : trong cõi đời vô thường, bấp bênh, bất trắc, không lường, nay vầy, mai khác, phù du khói sương, liên tục thay đổi, vậy mà ta đành lòng trông cậy kiếm tiền, hy vọng, chờ đợi, quan hoài, mong mỏi một sự trường cửu. Có nghĩa là có một niềm tin vào một tình yêu, vào một cái thứ quyền lực, vào một cái thứ tài sản, vào một thứ sở hữu, vào một thứ tình cảm nào đó lâu bền, ăn đời ở kiếp, đá không nát mà vàng không chịu phai. Thì đó được gọi là Anicce niccasanna nghĩa là sống trong ý niệm mơ hồ về một sự trường cửu không có thật ngay trong chính cõi đời mong manh khói sương – anicce niccasanna – cứ sống ôm ấp cái trường cửu trong cái cõi vô thường.

2. Dukkhe sukhasanna : mong đợi một cái gì đó hạnh phúc, vui vẻ trong cái cõi đời vốn dĩ là đau thương, là máu lệ, là vui ít, là buồn nhiều. Thì đó được gọi là dukkhe sukhasanna có nghĩa là đi tìm cái vui trong cái cõi khổ.

3. Anattaniya attasanna : trong cái cõi đời vô ngã, giả hợp này ta lại cố ý mong mỏi, trông đợi một cái tôi ảo giác, ảo tưởng, phù du, ảo hóa. Là sao? Mọi thứ do duyên mà có, do lấp ráp mà thành, rồi mai này cũng do duyên mà mất đi, thì có cái gì trong đó gọi là tôi, của tôi, nếu tôi và của tôi không có thì làm gì có cái người ta rồi của người ta, đây sao, kia vậy, kia sao, đây vậy! Trong cái cõi đời vô ngã, giả hợp này, mình lại cố ý đi tìm một cái tôi và một cái của tôi, một cái bỉ thử! Đó được gọi là sống trong ngã chấp giữa một cõi đời vô ngã.

4. Asubhe subhasanna : trong cõi đời không có cái gì lấy làm đẹp hết, thì mình lại cố ý gầy dựng một cái thẩm âm, một cái thẩm mỹ. Thẩm âm là đi tìm cái hay để mà nghe, thẩm mỹ là tìm cái đẹp để mà thưởng thức. Mà vốn dĩ trong đời này không có cái gì gọi là đẹp, là ngon, là hay ho để mà mình có thể dùng cái động từ thưởng thức, kể cả cái hạnh phúc trong thiền lạc, trong chuyện đắc chứng định. 

Trong cái nhìn rốt ráo của Đức Phật, thì không có gì đáng để mình ghim sâu, gắm chặt cái niềm vui để mà thưởng thức, hưởng thụ. Tu thiền thì đúng nên tu, nhưng mà tu thiền để lấy đó làm nền tảng để tu huệ, chứ không phải tu thiền để mà nổi da gà, để mà mát lạnh, để mà lâng lâng. Người mà đi tìm cái lâng lâng, mát lạnh, nhẹ bỏng như vậy là đã sai, đi tìm là đã sai, nếu không có ý đi tìm nhưng ngẫu nhiên tình cờ có được mà lại vùi mình cắm mắt thưởng thức, hưởng thụ trong đó lại cũng là sai! Nhớ nhe, trên đời này không có cái gì đẹp, hay đến mức mà mình có thể đáng xem là cái để vùi đầu cắm mặt vô trong đó.

Cho nên 4 cái gọi là suy tư không hợp lý là gì? Là đi tìm cái trường cửu trong cái cõi vô thường, đi tìm cái hạnh phúc trong cái cõi khổ đau máu lệ, đi tìm một cái tôi giả hợp trong cuộc đời vô ngã giả hợp, và cái cuối cùng đi tìm một cái đẹp trong một cái cõi nhân gian không có gì lấy làm đẹp. Ở đây Đức Phật không nói xấu, mà Ngài chỉ nói là đẹp không có! Không có cái gì đẹp để mê thì dĩ nhiên không có cái gì xấu để thấy ghê – nhớ đọc cái câu này, đó là phần tu học.                    

Tiếp theo Ngài nói đến Tỉnh giác và Không tỉnh giác.

Ở trên Ngài đã nói không gì hại cho bằng sống bằng một cái đầu suy nghĩ vô lý, và không có gì lợi cho bằng sống bằng một cái đầu hợp lý, hữu lý. Chuyện đời ra sao thì thấy nó như vậy, nó vô thường thì thấy nó vô thường, nó khổ thì thấy nó khổ. Chữ khổ trong Đạo Phật nghĩa rốt ráo vừa nằm bao trùm, vừa nằm ngoài cái khổ cảm giác. Khổ cảm giác là sự đau đớn, tê mỏi, lạnh, nóng, nhức buốt của tấm thân này. Khổ của tâm là sự khó chịu, hờn giận, ghen tuông, sợ hãi. Đó gọi là khổ của cảm giác. Khổ cảm giác chỉ là một trong ba khổ thôi, cái khổ trong Nhà Phật nghĩa rộng lắm:

1. Sự có mặt của những gì làm cho ta khó chịu, đó là Khổ Khổ,

2. Sự vắng mặt của những gì làm cho ta dễ chịu, đó là Hoại Khổ,

3. Tánh lệ thuộc của mọi thứ ở trên đời, phải lệ thuộc các điều kiện mới có mặt được, tánh lệ thuộc ấy gọi là Hành Khổ, chính cái Hành Khổ này là gốc bao trùm luôn hai Khổ kia. Tánh lệ thuộc là sao: phải được như vậy thì tôi mới vui, phải được như vậy thì tôi mới sống, phải được như vậy thì tôi mới đẹp, phải được như vậy thì tôi mới sướng, phải được như vậy thì tôi mới giàu … Toàn bộ đời sống của chúng ta trên hành tinh này, từ những vật vô tri giác cây cỏ đất đá cho đến chúng sinh, động vật, sinh vật muôn loài, bất cứ sự hiện hữu nào cũng luôn luôn lệ thuộc một tỷ điều kiện! Tính cách lệ thuộc ấy được gọi là Hành Khổ – Sankhara-dukkha.

Do nó phải có lệ thuộc, phải nhờ cậy các duyên, cũng gọi là khổ. Chữ khổ ở đây không còn là suffering hay là pain nữa, mà là trạng thái bất trắc-unsecure, bất toàn, thì được gọi là khổ. Tôi đã ví dụ nhiều lần lắm, như tôi nói: Trời ơi, tội nghiệp con nhỏ đó, trời đất ơi, nó cũng thông minh, giỏi giang, con nhà đó chứ, đi lấy cái thằng coi như nghiện ngập chích hút, vậy thì khổ quá! Cái khổ ở đây nghĩa rất là rộng, chứ không riêng gì cái khổ cảm giác, không phải nói đến những lần con nhỏ này khóc, chữ khổ ở đây người ta nói chung cuộc đời con nhỏ này rồi đây không biết về đâu? 

Ngay trong cái ngôn ngữ nhân gian nằm ngoài Phật Pháp mà còn có nghĩa rộng như vậy, thì nói gì trong Phật Pháp. Chữ khổ chỉ hiểu là cái gì đó khó chịu đau đớn là chết rồi! Mà nó còn là cái tình trạng nữa, tình trạng bất trắc, bất toàn, bất an, bất ổn, thì được gọi là khổ. Cho nên ở trong Bộ Patisambhida Ngài Xá-lợi-phất có dạy thế này: 

1. khayatthena aniccam nghĩa là dựa vào giai đoạn biến diệt của vạn vật mà tánh vô thường được nhắc đến. Nói giọng này rất là Kinh, nghĩa là khi Đức Phật nói vô thường là Ngài nhắm tới chỗ biến mất của vạn vật, khaya là tiêu mất, attha là ý nghĩa, khía cạnh, dựa vào khía cạnh đó mới có chữ vô thường. 

2. bhayatthena dukkham nghĩa là dựa vào khía cạnh bất trắc, bất toàn mà có khổ; bhaya ở đây nhiều nghĩa lắm-hãy tra tự điển! 

3. asaratthena anatta nghĩa là do dựa vào sự không cốt lõi của vạn vật nên tánh vô ngã mới được nhắc đến. Nói đến tánh vô ngã là vì sao? Là vì dựa vào cái sự không cốt lõi. Không cốt lõi là sao? Trong Kinh giải thích một cây chuối mà mình có lột từng bẹ, từng bẹ, từng bẹ, từng bẹ lột riết nó ra không còn cái gì nữa hết! Cây chuối mình cứ lột từng bẹ, từng bẹ, quý vị lột đến tận cùng bằng số nó không còn khỉ mốc gì hết! Tôi xin lỗi tôi đã xài một cái chữ nó rất là tệ đó là khỉ mốc! Nghĩa là mình có lột riết, lột, lột mỏi mòn, mòn mỏi lột riết nó không còn cái gì hết! Đó là asara là trạng thái không có cốt lõi. 

Ở đây cũng vậy, cái thân tâm này mà chia chẻ nó ra, cứ mỗi một phút giây như vậy, thiện ác, buồn vui. Thiện là cái gì? Thiện là tâm cộng với 13 tợ tha và 25 tâm sở tịnh hảo, đó gọi là thiện. Ác là tâm cộng với 13 tợ tha và 14 bất thiện, hay ác toàn là cộng không. Toàn là con số rời rạc cộng nó ra một nùi thiện ác, buồn vui, cũng vậy, toàn là cứ một nùi, một nùi cộng lại giống như một nắm hột é vậy đó! 

Bậy giờ giảng Tỉnh giác Sampajanna có 4 :

1. Satthakasampajanna: làm gì mình cũng phải biết rõ cái đó có lợi, có hại gì không 2. Sappayasampajanna: xét xem coi cái kiểu hành động nào, kiểu tu tập nào, kiểu hành trì nào, kiểu suy tư nào mà nó thuận tiện, nhanh, gọn , lẹ mà có kết quả. Thứ nhất là có lợi hay không, thứ hai là nó có thuận tiện, đem lại sự dễ dàng cho mình hay không? Thí dụ như bây giờ mình đang tu thiền mà có người rủ mình đi nghe Pháp, mình phải suy nghĩ hai chuyện trước mắt, thứ nhất là: đúng, nghe Pháp là hay lắm rồi đó! Nhưng so với chuyện lúc này chánh niệm mình đang quá sức ngon lành thế này, mà bây giờ mình bỏ, mình đi lên đó, rồi gặp ông Tư bà Tám, rồi liệu trở về nó có còn ok nữa hay không? Nên nhớ kỹ cái Chánh niệm này, ai là hành giả phải biết cái này rành lắm! Chánh niệm có được là quý dữ lắm mà mình lơ đễnh, bắt đầu dấn thân trở lại đời, phố xá hệ lụy, là Chánh niệm nó mất , nó lạ lắm , Chánh niệm nó không phải gì cao siêu hết, nhưng mà nó có trớn rồi mà mình không nắm giữ cái trớn đó là nó mất rất là dễ, nhớ cái này quan trọng lắm. Cho nên muốn làm gì hành giả phải xét cái này có lợi ích hay không, thứ hai là sappayasampajanna là xét xem coi cái này có hỗ trợ gì, có làm khó khăn gì cho cái chuyện tu học không. Cái kia là nó có lợi hay hại, còn cái này là nó có làm cho thuận tiện hay là bất tiện.

3. Gocarasampajanna: xem coi người thầy, bạn, trú xứ, điều kiện sinh hoạt của mình hiện giờ có nằm ngoài cái hành xứ của mình hay không, nghĩa là có nằm ngoài mục đích tu hành của mình hay không. Thí dụ như bây giờ mình đang tu ở trong Pa Auk, mà có người rủ mình đi chợ là mình phải xét đến 2 cái điều trên là nó lợi hay không, nó có gây cái bất tiện cho mình hay không, mình tu vậy có đúng là mình tu chậm hay không, cái thứ ba là bây giờ nó rủ mình đi chợ như vậy, ngoài chợ nó có phải là cái cảnh giới để mà mình lui tới, mình lai vãng, khứ hồi hay không? Hoặc là bây giờ suy tư có người rủ mình xuống văn phòng mượn cái computer để mình đọc tin chút xíu, có người rủ mình đi gọi phone, họ gọi cho gia đình họ, rồi sẵn họ hỏi mình có muốn xuống dưới văn phòng gọi phone chút hay không, xuống văn phòng mượn lại cái phone của mình mà mình gửi hôm trước, rồi mình gọi đi người này người kia, lúc mình xét thấy hình như cái phone nó đã gochat, nó đã nằm ngoài cái hành xứ của mình rồi!

4. Asammohasampajanna: hành giả luôn luôn ý thức một cách đầy đủ và chính xác kip thời rằng ở đây chỉ có danh pháp ghi nhận danh sắc, ở đây không hề có ai tu, ở đây không hề có ai tinh tấn hay lui sụt, ở đây chỉ có ác pháp và thiện pháp, ở đây chỉ có khổ thọ, lạc thọ và xả thọ, ở đây chỉ có 5 uẩn làm việc với nhau, chứ không hề có ai tu hành đắc chứng gì ở đây hết! Đó gọi là Asammohasampajanna.

Chữ Sampajanna có 2 nghĩa:

1. Chánh niệm trong các tiểu oai nghi là trong tư thế nhỏ, thí dụ như co, duỗi, nhai, nuốt, cắn, khều, móc, gãi, tiểu tiện, cầm lên, để xuống, vuốt, sờ, chạm, đẩy, nâng … đó gọi là tiểu oai nghi. Còn đại oai nghi là đi, đứng, nằm, ngồi, là 4 tư thế sinh hoạt chánh yếu, chủ yếu trong ngày của mình, đó gọi là đại oai nghi Iriyapatha. Còn tiểu oai nghi là ngoài 4 cái đại oai nghi ra.

2. Sampajanna nghĩa 2 là 4 loại Sampajanna vừa kể trên: Satthakasampajanna, Sappayasampajanna, Gocarasampajanna và Asammohasampajanna.

Ngài dạy rằng không có một cái gì trên đời này có thể hỗ trợ cho thiện pháp và đối phó với ác pháp hay cho bằng Sampajanna. 

Sampajanna mang hai nghĩa này rất quan trọng. 

Nếu giáo lý mà mình học cho nó kỹ thì một chữ thôi là mình tu le lưỡi rồi quý vị! Tôi sợ nhất là đi chùa mấy chục năm giáo lý không kịp học, học không có rõ, học không có kỹ, cứ nghe nói bố thí có nghĩa là thò tay vô túi móc trong túi liệng ra là bố thí, còn trì giới có nghĩa là ngồi trước Phật, ngồi trước Tăng thọ cái, xong gọi là giữ giới, là trật lất! Hoặc hiểu giữ giới có nghĩa là không phạm giới là trật lất! 

Không phạm giới chưa chắc là giữ giới, mà giữ giới có nghĩa là cố ý không phạm giới trong hoàn cảnh lẽ ra là phạm giới, thì cái đó mới gọi là giữ giới! 

Còn cái thứ không phạm giới thì chưa chắc, thí dụ như bây giờ buổi sáng tôi nguyện tu Bát quan trai, nguyện xong quý vị tót lên chùa, nghe Pháp xong, chung vô phòng đóng cửa lại, tới giờ người ta bấm chuông cái beng, nhào xuống quất một bụng, leo lên phòng đóng cửa tiếp, thì phạm cái gì? Rồi tưởng vậy là hay! Không! Tôi không có chê cái đó nha, tôi không có chê cái kiểu tu đó, nhưng mà tôi nhắc chừng đừng có tưởng không phạm đó là giữ giới, là sai! Là vì có những người họ bị đau gan họ không có uống ruợu, như vậy là giữ giới à? Đứa bé nằm ngửa bú bình, nút nắm cao su, nó đâu có biết đi nhảy đầm, nó đâu có biết đi đánh bạc, nó đâu có biết đi lừa đảo, không lẽ nó đi giữ giới à? Không! Mà phải là sự cố ý không phạm giới trong hoàn cảnh lẽ ra là phạm giới. Thí dụ đói quá mà liếc đồng hồ, không ăn sau 12 giờ dầu có khô long chả phụng đi nữa, đó là giữ giới. Đang coi dở dang cái bộ phim Đại hàn khóc cạn nước mắt, đang chú ý theo dõi cái thằng đó không biết bao giờ nó phục hồi trí nhớ, nhưng mà hôm nay là ngày Bát quan, đành phải dẹp cái vụ đó qua một bên, ngày mai mới theo dõi tiếp, đó là giữ giới. Mình đã lau bao nhiêu cuộn giấy xúc rồi mà hôm nay đành dẹp qua hết, để mà ngồi không khóc nữa, thì cái đó mới là giữ giới. Chứ còn nhiều rất nhiều người không có hiểu chữ bố thí, không hiểu chữ trì giới, rồi kham nhẫn cũng vậy, cứ tưởng chúng nó chửi vô mặt rồi mình nhịn nó là kham nhẫn, hiểu như vậy nó nghèo quá. Nhẫn nó còn có nội nhẫn và ngoại nhẫn nữa!

Cũng vậy, Tỉnh giác ở đây mình hiểu có hai nghĩa, một là Chánh niệm trong tiểu oai nghi, thứ hai là 4 loại Tỉnh giác vừa kể. Hiểu như vậy thì mình mới thấy: ồ thì ra Phật Pháp mà hiểu sâu, hiểu rộng, một cái thôi là tu mòn đời, mạt kiếp, tu chưa có hết! Một chữ Sampajanna thôi, một chữ Nhẫn thôi, một chữ Thí thôi. Thí là sao? Thí là bố thí kiểu thả chim hay thả diều. Hoặc là tu kiểu lượm ve chai hay tu kiểu người đổ rác! Đó là mấy pháp môn mà phải nhớ, đó là pháp môn theo Kinh sách đàng hoàng chứ không phải tôi chế ra đâu, mà dầu tôi chế ra mà nó hợp lý thì cũng nên! Cứ nhớ là tu kiểu thả chim, tu kiểu người đổ rác hay tu kiểu lượm ve chai, nhớ bao nhiêu đó!

Đoạn thứ 10: Làm bạn với ác là Papamittata nghĩa là chơi với bạn xấu, nếu mà mình không học giáo lý thì mình hiểu chữ bạn xấu ở đây nó nghèo lắm, nghĩa là người nào đâm cha chém chú, đâm heo thuốc chó mới gọi là bạn xấu; không có phải, nghèo lắm! Chữ bạn xấu Papamitta ở đây có hai nghĩa:

1. Người bất thiện

2. Người khiến thiện pháp của ta lui sụt

Bạn ác gồm có hai, một là người xấu, hai là người khiến thiện pháp của ta lui sụt, đó là tôi giảng rộng ra. Còn trong Chú giải Pali, người xấu ở đây có 5 trường hợp: không tín, không giới, không văn, bủn xỉn và không trí.

Không tín là không có chánh tín, chứ không phải tin cỡ nào cũng gọi là tín, không được! Ở đây Đức Phật Ngài nói tín ở đây là Chánh Tín nghĩa là niềm tin dựa trên trí tuệ: tin vào điều thiện một cách hợp lý, tin có nghiệp báo, nhân quả báo ứng, tin có Tam Bảo, tin trên đời này có bậc hiền Thánh chứng đắc và trao truyền, tin có kiếp trước, kiếp sau, tin là mọi thứ do duyên mà có-có rồi phải mất, thì niềm tin đó được gọi là Chánh tín.

Giới ở đây không có phải là cắm đầu, nhắm mắt làm theo những cái điều cấm đoán nào đó được gọi là Giới; mà Giới ở đây có nghĩa là thọ trì, gìn giữ, phát nguyện, phát thệ, không làm những chuyện gì đó gồm có 5 điều-8 điều-10 điều gì đó mà nó có tác dụng là đối phó phiền não thô hoặc là tế, cái đó mới gọi là Giới. Thí dụ như không sát sanh, tại sao không sát sanh, tại sao không trộm cắp, cái đó mới gọi là Giới. Chứ còn có những giáo điều, tín điều mà nó cấm những chuyện quái gỡ, đừng ép tôi nói rõ quá nhưng mà đại khái nó cấm những điều quái gỡ đó là cái điều mà không mắc mớ gì hết, chẳng hạn như tôi ví dụ, các vị mở ra Sa môn quả là một, Kinh Phạm võng là hai, trong đó Đức Phật Ngài có kể ra những tín điều, những giới điều mà kỳ quặc, quái gở của Ấn độ ngày xưa, thí dụ như đi xin ăn mà không có nhận thực phẩm từ người phụ nữ có bầu, đang cho con bú, không nhận thực phẩm của những người đang đi bên lề trái, khi nhận thực phẩm rồi về chỉ ăn như loài chó, tức là bò hai tay, hai chân, đưa cái miệng vào mà ăn bằng miệng trực tiếp, chứ không có bóc, không có cầm mà để vào mồm. Đại khái nghĩa là thực hành theo những nguyên tắc quái đảng như vậy, mùa đông thì trần trụi phơi sương, rồi mùa hè thì trần trụi phơi nắng, thí dụ như vậy, thì những giới cấm đó không gọi là Giới theo tinh thần của Phật Pháp. Mà theo tinh thần của Phật Pháp, Giới có nghĩa là những sự kiên tránh những thân nghiệp, khẩu nghiệp nào mà nó có phương hại đến thiện pháp của mình, thì cái đó gọi là Giới. 

Không thí là bủn xỉn, có nghĩa là mình nghèo mình không có khả năng cho thì không kể là bủn xỉn, mà đàng này mình không có khả năng cho chỉ vì lòng không muốn cho. Có hai trường hợp không có khả năng cho: thứ nhất không có khả năng cho vì không có cái để cho, thứ hai là không có khả năng cho vì lòng không muốn cho, lòng không muốn cho đó được gọi là bủn xỉn.

Không văn nghĩa là không có học hỏi giáo lý một cách căn bản để biết thiền chỉ là gì, thiền quán là gì, không boết 37 Phẩm trợ Bồ-đề, 12 duyên khởi, 4 Đế, 6 căn, 12 xứ, 18 giới, 5 uẩn, thì đó được gọi là không kiến thức. Không Văn là không học về uẩn, xứ, giới , đế, duyên khởi, duyên hệ, về tâm, lộ tâm, lộ sắc …, người, cõi, thì đó gọi là không có kiến văn. 

Kể ra thì bà con lạnh xương sống, nói nhiều quá! Nhưng mà tui thưa với bà con chừng này nếu mà học căn bản chỉ mất từ 6 đến 9 tháng thôi! Có một ông quan lớn ở xứ Ấn độ, xứ Châu-la bên Nam Ấn, ổng nghe giảng A-tỳ-đàm ổng mê quá mà ổng còn nghe vị Trưởng lão giảng nói thế này: không có A-tỳ-đàm thì đọc Tạng Kinh không có hiểu, mà hễ nếu không hiểu Tạng Kinh thì lấy cái gì mà tu? Bởi vì những hướng dẫn cụ thể là nằm bên Tạng Kinh chứ không nằm bên Tạng Luật hay là nằm bên A-tỳ-đàm. Mà phải nói là những kinh nghiệm tu học nó phần lớn nằm bên Tạng Kinh, mà không có A-tỳ-đàm lấy cái gì học Tạng Kinh? A-tỳ-đàm là cái chìa khóa, ngay cả trong Chú giải, không có A-tỳ-đàm làm sao đọc Chú giải được? Ổng nghe ổng mê quá rồi ổng liếc qua A-tỳ-đàm trong lá buông, ổng le lưỡi, ổng nói: trời ơi chắc con chết quá Ngài ơi, con nhìn là con đã lạnh xương sống rồi; bây giờ mà Ngài bắt con học nguyên một núi lá buông thì chắc con chết! bây giờ Ngài vì lòng đại bi mà Ngài làm gọn lại cho con được không? Thì Ngài nói: được, vì ông và vì bao nhiêu người hậu lai mai hậu, ta sẽ thu gọn A-tỳ-đàm trong 9 Chương, đủ để học trong 9 tháng! Đó là duyên khởi, đó là cội nguồn của Bộ Thắng Pháp Tập Yếu Abhidhammattha Sangaha, chỉ có 9 Chương học trong 9 tháng thôi quý vị à! 

Vậy đó mà người Việt Nam mình có cái hạnh rất là độc đáo, cứ làm biếng học, rồi cứ nghe mấy người này người kia tuyên truyền, rao giảng, nhồi sọ, tẩy não, nói rằng học làm chi mất thì giờ, ngã mạn, mình tu là mình rốt ráo một pháp môn thôi, không cần học nhiều, học A-tỳ-đàm xong loạn trí! câu đó giống như là học toán lý hóa làm chi mau khùng, cứ cộng trừ nhân chia là đủ rồi, không cần học toán lý hóa, chỉ cần tính rợ-tính mọi -tính nhẫm là được rồi! 

Quý vị nghĩ như vậy có tàn nhẫn không? Đi dạy con mà nói vậy đó! Sức mình tới đâu là chuyện của mình, nhưng mà mình đem cái tào lao, cái dốt của mình đem nhồi nhét, tuyên truyền, nhồi sọ, tẩy não có phải là mình thiếu trách nhiệm hay không? Thế là mình đẩy người ta vô cái đường cùng. Hôm nay thì đệ tử đang cơn làm biếng, đang có sức khỏe, đang có tiền bạc, đang còn nhan sắc, đang còn yêu đời thì nó theo cái hướng dẫn của mình được; nhưng mà nếu mai này mà nó trở thành ông cụ, bà lão bảy tám chục tuổi, cái chết cận kề, giường bệnh kẽo kẹt mà cái đầu rỗng không, toàn là đất sét, tàu hủ, thì thử hỏi có phải hại đời người ta hay không? 

Trong khi nếu mà hồi còn trẻ nó còn nhớ được, còn hiểu được, mình cho nó mớ giáo lý căn bản để mai này chồng bỏ, vợ bỏ, con đau, cô đơn quạnh quẽ một mình với tuổi già với bốn bức tường trắng, thì ít ra với cái giáo lý ngày nào nó học, bây giờ nó có thể nó ngồi nó tự nó tu được, còn không nó ôm cái đó nó chạy qua bên Miến Điện nó tu, cũng sướng hơn người ta, có phải không? Đàng này, không, hại đời con người ta, cấm không cho học này, không cho học kia! Nghe sang lắm! Nghe cao siêu trác việt! Tưởng gì cuối cùng đẻ ra một đám đệ tử mà mình chỉ móc túi cúng dường cho nó thôi, thì hại người quá!  

Cho nên bạn xấu , một là không có giới, không có đức tin, không có đa văn, không hào sảng nghĩa là bủn xỉn, cuối cùng là không có trí. Không có trí nói gọn là không có trí ở trong nghiệp lý, không có trí trong tam tướng, không có trí trong bốn pháp chơn đế, gom chung lại gọi là không có trí.

Phẩm Làm Bạn Với Thiện

Chữ Kalyanamitta có nghĩa là người mà ngược lại với bạn xấu gọi là bạn lành.

Bạn ở đây không gói gọn vào những người mà có hai tay, hai chân, một cái đầu, mà nó bao gồm luôn cả những gì mà mình thường xuyên gặp gỡ, lắng nghe và suy tư về-think of. Chứ không phải chỉ riêng những cái gì mình thường gặp, mà nó bao gồm những gì thường gặp, thường nghe, thường đọc và thường suy tư, tất cả những thứ đó đều được gọi chung là bạn. 

Bằng chứng là ở trong Kinh Chánh Tạng – bà con không tin thì mở truyện Kiều ra có câu: trăm năm trong cõi người ta, cái gì không biết thì tra google! các vị đánh câu tanhadutiyaka – Đức Phật dùng chữ tanhadutiyaka nghĩa là kẻ làm bạn với ái. Nghĩa là cái đối tượng mà mình nhận làm bạn nó không hẵng phải là hai tay, hai chân, biết ăn, biết uống, biết nói, biết cười, biết khóc; mà nó còn là những gì mình thường thấy, thường nghe, thường đọc, thường suy tư, thì cũng đều gọi là bạn. Cho nên cái từ tanhadutiyaka là làm bạn với ái là người sống nhiều, chìm sâu trong tham ái, trong 5 dục, thì cũng gọi là tanhadutiyaka. 

Ở đây những người, những vật mà ta thường thấy, đọc, nghe và suy tư đều là bạn được hết! Có một điều bạn lành là sao? Bạn lành nếu là con người, thì phải có 5 điều ngược lại với bạn ác, có nghĩa là bạn ác không có chánh tín thì bạn lành là người có chánh tín, bạn ác không có giới, bạn lành là người có giới, bạn ác không có hào sảng thì bạn lành là người hào sảng, bạn ác không có biết giáo lý thì bạn lành là người biết giáo lý, bạn ác không có trí tuệ thì bạn lành là người có trí tuệ. 

Một điều nữa là bạn ở đây là những gì nằm ngoài con người.

Bạn ác có 2 nghĩa, bạn lành cũng có 2 nghĩa.

Bạn ác nghĩa một là người ác, nghĩa hai là người làm thiện pháp của mình lui sụt.

Bạn lành nghĩa một là người lành, nghĩa hai là người làm cho thiện pháp của mình phát triển. 

Tại sao có định nghĩa này? Ở trong điều kiện hỗ trợ cho Thất Giác Chi trong đó mỗi phần về hỗ trợ cho Niệm Cần Trạch Tĩnh Định Xả … mỗi phần có hai mục: 

1. Sevanata là kiếm bạn lành mà chơi, nghĩa là mình đang trau dồi cái Giác Chi nào, thiện pháp nào thì mình phải kiếm cái người mạnh cái đó để mình chơi. 

2. Parivajjanata là né cho bằng được bạn xấu, người nào mà thân cận họ sẽ phương hại cho cái mà mình đang trau dồi.

Cái này quan trọng cực kỳ! Thí dụ như người có đức tin, trí tuệ, đa văn, rộng rãi … người đó như kim cương vậy đó, nhưng có điều người đó thất niệm, kẹt như vậy! Người đó vừa đa văn, học giỏi, có giới hạnh, hào sảng, cái gì người đó cũng có, nhưng kẹt một cái người đó không có chánh niệm, chánh niệm rất yếu, hay lăng xăng. Nếu mình là một hành giả thì tạm thời nên né người đó, khi nào cần trao đổi, học hỏi thì kiếm, nhưng đặc biệt là trong chuyện chánh niệm mà thân cận là sớm muộn gì mình cũng bị người đó kéo xuống sình. Trong trường hợp này người đó bị gọi là bạn xấu – bạn xấu nhóm 2! nghĩa là bản thân người đó không có xấu, nhưng trong trường hợp mình đang trau dồi một thiện pháp nào đó mà người đó không có, thì trong trường hợp đó người đó là bạn xấu. 

Xấu có 2 trường hợp, bản thân họ là người xấu, thứ hai là họ không hỗ trợ được, chỉ làm chật chỗ, góp phần chen lấn, họ chỉ phương hại cho thiện pháp mình đang trau dồi; mặc dù bản thân họ không phải là người xấu, nhưng trong thời điểm này mình đang trau dồi định tâm, đang trau dồi chánh niệm, đang trau dồi hạnh bố thí mà mình gần họ là mình chết, bởi vì tôi đã gặp một người như vậy rồi, cực kỳ dễ thương, cái gì cũng number one hết, nhưng mà họ vốn dĩ không thích hạnh bố thí. Càng nói nó càng chia chẻ nữa, có 2 trường hợp mà người ta không thích bố thí, một là họ bẩm sinh là bủn xỉn, không tán thán chuyện bố thí, họ nghe tốn tiền là họ bàn ra; trường hợp thứ hai là họ không phải là người bủn xỉn, nhưng từng có ấn tượng xấu, thành kiến, ác cảm với ai đó trong chuyện bố thí, như họ từng biết hoặc từng nghe ai đó nói về chuyện quyên góp từ thiện, hoặc là kêu gọi hùn phước mà họ đã từng nghe chuyện tư túi tơ hào! Cho nên bây giờ nhắc tới chuyện bố thí là họ làm cho một tăng, họ chống! Coi như dẹp cái vụ qua một bên! Người đó đức tin, trí tuệ, đa văn, giới hạnh, cái gì của họ cũng ngon hết, nhưng mà nếu mình đang muốn trau dồi cái hạnh bố thí, mà sáp vô cái người này thì cuối cùng mình trở thành trùm sò trong vòng 3 seconds. 

Trường hợp thứ hai, mình muốn giữ giới mà mình gặp cái người có đời sống quá sức là thông thoáng, mức độ thông cảm tràn đầy, mà mức độ nghiêm khắc hơi thiếu thốn, nếu như vậy thì ở gần người này mình không giữ giới được. 

Rồi trường hợp mình ở gần người cực kỳ dễ thương, cái gì cũng dễ thương hết, chỉ có một điều thôi là người này dốt về giáo lý, mình ở gần họ một là không có chỗ để mình hỏi, thứ hai là cái thái độ của họ làm cho mình cũng làm biếng theo. Tôi nhớ hình như tôi có gặp cũng hơi bị nhiều cái loại người này, bản thân không giỏi giáo lý, gặp họ là họ bàn toàn chuyện gì đâu, cuối cùng mình thấy cái biết giáo lý hình như nó không phải là chuyện quan trọng, rồi từ đó nếu mà họ là ông sư là đại họa,  bởi vì những người cư sĩ mà gặp họ lâu ngày trở thành là một thứ con nhang, đệ tử thôi! 

Cho nên chữ bạn lành ở đây có hai nghĩa như là bạn xấu vậy. 

Đức Phật tán thán chuyện gần gũi bạn lành.

01:25:08    

Tiếp theo đoạn số 2 Ngài nói: Ta không thấy một pháp nào khác, do pháp ấy các pháp bất thiện chưa sanh được sanh khởi, và các pháp thiện đã sanh dược đoạn diệt, như hệ lụy với các pháp bất thiện, và không hệ lụy với các pháp thiện. Bản tiếng Việt viết hệ lụy như vậy, nhưng trong bản tiếng Pali thì xài chữ anuyoga.

Anuyoga là tinh tấn nghĩa là tinh tấn ở trong cái thiện thì nó giúp cho thiện, mà tinh tấn ở trong cái ác thì nó giúp cho ác, khuynh hướng sống nào mà nghiêng về cái ác thì nó sẽ làm cho mình tinh tấn trong cái ác, khuynh hướng sống mà nó nghiêng về cái thiện thì nó giúp cho mình trở nên thiện.

Ngài nói rằng Anuyoga là nếp sống tùy thuận với sự tinh tấn trong cái ác hay là tinh tấn trong cái thiện. 

Thiện pháp ở đây là chỉ cho 4 cái thiện trong 4 cõi sanh tử hay 4 lãnh vực là dục – sắc – vô sắc và siêu thế.

Trong giáo lý duyên khởi có 3 hành: Chúng sanh trong đời này ai cũng khổ, ai cũng sanh già đau chết, nhưng có người thì trốn khổ tìm vui bằng cách làm toàn những chuyện tầm bậy. Hạng thứ hai trốn khổ tìm vui bằng cách làm các việc lành để mong sanh về cõi người hay là cõi dục thiên để hưởng thụ các điều kiện vật chất, cái đó gọi là phúc hành bậc thấp. Phúc hành bậc cao nghĩa là có những chúng sinh trong đời này họ trốn khổ tìm vui bằng cách là họ lìa bỏ 5 dục và đi tu thiền để sanh về các cõi sắc giới, hạng thứ tư là có những chúng sanh trong đời này vượt khỏi thiền sắc giới để chứng các tầng thiền vô sắc. Phần này tôi đã giải thích rất là nhiều lần cho nên tôi không nói lại nữa , suốt 7 ngàn 7 trăm mấy chục bài Kinh Tương Ưng là tôi đã nhắc đi nhắc lại không biết bao nhiêu lần cái này.

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác có một câu: 

Thiện diệc lãn vi hà huống ác,

phú phi sở nguyện khởi ưu bần!

diệc là cũng, lãn là làm biếng, lãng có g là sóng, phú là giàu, có nghĩa là việc thiện mà mình còn làm biếng làm thì nói chi là việc xấu, khi cái giàu mà mình còn không màng, cái giàu không là niềm mơ ước,  thì cái nghèo có cái gì đâu mà đáng phải ưu tư, lo sợ. Câu này rất là Phật giáo, câu này theo tôi thì hay cũng tầm tầm cái câu Cư Trần Lạc Đạo của vua Trần Nhân Tôn, nếu hiểu theo A-tỳ-đàm thì hai câu nó hay tương đương, cái câu: Cơ tắc xan hề, khốn tắc miên! trong bài kệ:

Cư trần lạc đạo thả tùy duyên,

cơ tắc xan hề khốn tắc miên.

Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch, 

đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.

Câu này nó gọn hơn, nhưng theo tôi ý nghĩa nó rất là sâu, nghĩa là thiện diệc lãn vi hà huống ác – việc thiện mà hiểu cho tới nơi thì làm biếng làm, nói chi là làm điều ác, cái giàu nó không là niềm mơ ước thì cái nghèo nó đâu phải là cái nỗi đáng sợ! Là sao? Là hiểu rốt ráo thấy rằng làm thiện là nhân sanh về cõi lành, làm ác là nhân sanh về cõi khổ, cõi lành sống cho hết tuổi thọ cũng trở về chỗ gốc là chỗ ác! Cái luật nó như vậy, hết ác rồi nó sẽ thiện mà hết thiện rồi nó sẽ ác, khổ maximum nó sẽ quay lại cõi vui mà vui maximum nó sẽ quay lại cõi khổ, mà thiện maximum nó sẽ quay lại cái ác, nó cứ như vậy! 

Cho nên trong cái nhìn rốt ráo của Thánh nhân thì Anuyoga đây có nghĩa là cái khuynh hướng sống của mình, mình nghiêng về cái gì thì mình sẽ tinh tấn trong cái đó. Trên đời cái khuynh hướng mình sống nghiêng về cái ác, thì sớm muộn gì mình cũng quay về với cái ác, còn khuynh hướng sống thiện thì mình nghiêng về cái thiện thì sớm muộn gì mình cũng sẽ quay về với cái thiện. Chim rồi sẽ về trời, chồn cáo sẽ về hang, cá rồi sẽ về nước, rắn rít sẽ về lùm bụi! cái đó là chuyện tự nhiên. Chỉ riêng người cầu đạo giải thoát thấy rằng còn quẩn quanh trong 3 cõi 6 đường, quẩn quanh trong ác, trong thiện, thì coi như không có đường thoát. Bởi vì ác cho đã rồi cũng có lúc nó thiện, đâu có ai muôn đời vĩnh cửu ác hoài mà cũng đâu có ai vĩnh cửu muôn đời mà thiện hoài, hễ còn là phàm phu! 

01:32:25      

Trong Kinh Trung Bộ Subhaga Đức Phật dạy rằng không có cõi nào mà phàm phu chưa từng đi qua trong vô số kiếp luân hồi, chỉ trừ 5 cõi Tịnh Cư là 5 cõi dành cho các vị A-na-hàm, mình chưa bao giờ đặt chân lên đó, mai này nếu đắt A-na-hàm mà không còn chỗ đi, không có kịp đắt A-la-hán, mà lại hết tuổi thọ thì bắt buộc phải về trên đó nếu mà mình có ngũ thiền, còn không thì mình cũng đi vòng vòng các cõi phạm thiên bên dưới đó một chút. Nói nôm na lại trong vô số kiếp luân hồi không có cõi nào trừ 5 cõi Tịnh Cư mà chúng ta chưa từng đi qua. 

Chúng ta từng là những vị Ác ma Thiên tử, từng là Đại Phạm Thiên chủ Phạm cung bát ngát trời mây, chúng ta từng là Thiên chủ Đế thích, Chuyển luân thánh vương, chúng ta từng là con ong, cái kiến, con trùn, con dế, chúng ta từng có mặt ở những cõi địa ngục mà một ngày một đêm bằng 9 tỷ năm, chúng ta từng ở trong địa ngục mà tuổi thọ tính bằng số lượng hột mè được đựng trong một thùng gỗ mỗi một cạnh mấy chục cây số, các vị nghe lạnh xương sống không? Có những địa ngục mà tuổi thọ lâu như vậy, không tính bằng năm mà tính bằng như vậy đó, nếu tính bằng con số của toán học hiện đại thì ba cái lũy thừa là xong, nhưng mà cách kể của toán số thời Phật thì hơi nôm na một chút. 

Như địa ngục Sen hồng-nghe cái tên sang như vậy đó! ở dưới sen mọc đầy mà mỗi đóa sen như vậy là một hình cụ có hình bông sen để mà trừng phạt chúng sinh, chúng sinh có thịt ở dưới, coi như trên không có da, nhìn đỏ như bông sen vì nó phải như vậy mới đủ độ nhạy cảm để mà bị côn trùng chích đốt, để có thể tận hưởng cái nóng, cái lạnh sắt se tàn khốc! Đức Phật dùng hình ảnh của thời Ngài là tuổi thọ ở dưới đó phải tính bằng số lượng hạt mè đựng trong một thùng mà mỗi cạnh là mấy chục cây số! Thì các vị tưởng tượng là bao giờ cho hết cái tuổi thọ đó, mà chúng ta đã từng đi qua những địa ngục đó, chúng ta từng là những con trùn chỉ ở dưới ống cống, từng là những loài vi khuẩn, vi trùng li ti ở trong cơ thể con người, chúng ta từng là những con sò, con ngêu, con hào bên bờ biển, chúng ta từng là những vật gần như vô tri, trong bao nhiêu tỷ tỷ đại kiếp, tỷ tỷ a-tăng-kỳ như vậy, chỗ nào chúng ta cũng đi qua hết! 

Cho nên khi mà Phật ra đời thuyết pháp, những lần kể lại chuyện xưa nào đó, Ngài nói: Này các Tỳ-kheo, tất cả nay đã đi vào quá khứ, các hành là vô thường, luôn luôn tồn tại trong tánh sanh diệt, thật là vừa đủ để nhàm chán, thật là vừa đủ để xả ly. Này các Tỳ-kheo, đây là những gốc cây, những ngôi nhà vắng, hãy thiền định, chớ có để sau này phải hối tiếc! 

Anuyoga ở đây là sống tùy thuận với cái ác, sống tùy thuận với cái thiện, bao nhiêu đời mình đã sống tùy thuận với cái ác rồi, còn cái thiện mình cũng tùy thuận ở một mức độ nào đó thôi, còn tinh thần mà ông Lãn Ông Hải Thượng nói thì mình chưa tới đâu, cái tinh thần mà thiện diệc lãn vi hà huống ác, phú phi sở nguyện khởi ưu bần thì mình chưa tới đâu. Dĩ nhiên ông Lãn Ông không phải phật tử, ông nói cái đó theo ý của ông, chứ cái kỵ nhất là có nhiều người đem mấy câu này đem ghép vô Kinh Phật, nói ông này cỡ ngang với Phật, thì không có, cái ý thấy hay hay thì kể cho bà con nghe vậy thôi!

Tiếp theo chúng ta ôn lại: 

Đoạn 1: Ngài tán thán việc làm bạn với thiện, thiện là người thiện hoặc đề tài thiện, pháp sống kiểu thiện.

Đoạn 2: cảnh giác kiểu sống tùy thuận bất thiện, tùy thuận là nghiêng về, nặng về cái gì. Sống trong thiện mà cầu luân hồi thì cũng là thiện mà nghiêng về ác, còn sống trong ác thì chắc chắn nghiêng về ác – nhưng sống trong thiện mà với cái lòng cầu luân hồi đó cũng là thiện mà nghiêng về ác, trường hợp thứ ba là sống thiện mà nghiêng về thiện có nghĩa là nghiêng về giải thoát.

Đoạn 3: Ngài tán thán kiểu sống tùy thuận với điều thiện.

Đoạn 4: cảnh giác việc suy nghĩ vô lý, đó là cách dịch nghe rất lạ đối với mấy người cuồng Kinh họ nói là cảnh giác với cái suy nghĩ bất như lý tác ý, còn ở đây tôi dịch là suy nghĩ vô lý nghĩa là:

– trong vô thường thấy là thường,

– đi tìm cái trường cửu trong cõi vô thường,

– đi tìm hạnh phúc trong cõi khổ đau, máu lệ, 

– đi tìm cái tôi trong cõi đời giả hợp-vô ngã, 

– đi tìm cái đẹp trong cõi không gì đẹp xấu. Bởi vì còn thấy đẹp thì còn tham, còn thấy xấu là còn sân, tức là còn mê và còn bất mãn, còn thấy mê và còn thấy ghê là chưa được; tu tới một mức không còn thấy ghê và không còn thấy mê. 

Còn mình thì sao? mình có câu: đã quê thì khó huề, đã huề vẫn còn quê, nghĩa là tu tới mức không còn thấy mê, không còn thấy ghê, có nghĩa là không thấy đẹp thì không thấy xấu nữa. 

Có chuyện mà tôi rất tâm đắc là có một ông thiện nam hỏi vị Thiền sư: thế nào là Phật Pháp trong một câu nói? Vị Thiền sư bèn lấy một que gỗ vạch xuống đất một đường ngắn rồi hỏi: đường vạch này dài hay ngắn? Người thiện nam quỳ sụp xuống: thưa Thầy con đã hiểu! Ông hiểu cái gì? Thì ra toàn bộ cuộc đời này chỉ có khổ và vui, chỉ có cái giả niệm đẹp và xấu, khổ vui, đẹp xấu là do so sánh mà có.

Thánh nhân là gì? Thánh nhân là người không có đi tìm cái đẹp để mà so với cái xấu, không lấy cái xấu so với cái đẹp, không có so sánh để có cái vui và cái khổ. 

Như vậy phàm là cõi sống của cái người còn so sánh, còn bị cuốn quýt, còn bị quẩn quanh trong đẹp xấu, dài ngắn, sáng tối, trong ngoài, trên dưới, mập ốm, trắng đen …

Còn giải thoát là sự vượt thoát những nhận thức đối đãi nhị biên kiểu đó. Nghĩa là hành giả tu Tứ niệm xứ dầu chưa đắc gì hết, nhưng trước mắt thấy chỉ là thấy, nghe chỉ là nghe, đang thở ra biết là đang thở ra, đang thở vào biết là đang thở vào, sân tâm biết là sân tâm, thích thú biết là thích thú, chỉ vậy thôi! Từ kiểu tu này, dần dần mới đến cái chỗ gọi là không có phân biệt nữa, ở đây chỉ có sắc thinh khí vị xúc, ở đây chỉ có sắc thọ tưởng hành thức, ở đây chỉ có mắt tai mũi lưỡi thân ý, chứ ở đây không có gì đẹp, không có gì xấu, để từ đó không có sumano là đam mê, vui thích, và dummano là bất mãn, ghét bỏ. 

Đơn giản có bao nhiêu đó thôi! Biết rõ mọi thứ đang diễn ra, ở đây không có ai tu, không có ai chánh niệm, mà chỉ có chánh niệm, chỉ có nỗi khổ niềm đau, chứ không có ai bị đau khổ, ở đây chỉ có sự tinh tấn, ở đây chỉ có trí tuệ chánh niệm, ở đây không có ai tu tập, hành trì, ở đây chỉ có các thiện pháp, chứ không ai tu hành trau dồi thiện pháp, mai này sẽ có sự đắc chứng, chứ không có người nào đắc chứng, không có người nào thành tựu cái gì, gọi là vô sở đắc là vậy đó, hiểu theo Nam truyền, A-tỳ-đàm phải hiểu như vậy. 

Chứ còn không chịu học giáo lý, mà bắt chước người ta học thuộc lòng Bát nhã tâm kinh cái gì cũng vô hết là không được! Phải học giáo lý để hiểu vô là gì, chứ đừng bắt chước người ta nói như con vẹt, nó lọt vô đoạn kiến! Phải hiểu giáo lý mới nên nói đến các chữ vô – không. Chỉ bắt chước mà nói rất dễ rơi vào đoạn kiến, nhớ cái này! cái này quan trọng lắm! : 

Ninh chấp hữu như Tu di sơn,

mạc chấp vô như giới tử. 

Nghĩa là thà chấp thường kiến bự như núi Tu di, thà tin mọi thứ là có, còn hơn là đoạn kiến như hột cải, giới tử là hột cải. Bởi vì thường kiến nó bậy thiệt mà ít ra người chấp thường khiến họ còn có bố thí, trì giới, gặp Phật còn biết ngã nón chào: how are you today? còn ông đoạn kiến coi như là tan tác, xác xơ không còn gì hết! Nhớ cái này! Cho nên ninh chấp hữu như Tu di sơn, mạc chấp vô như giới tử, thà là thường kiến như núi Tu di, hơn là chỉ đoạn kiến tí ti như hạt cải, nhớ cái chỗ này!

Cho nên Như lý tác ý là như vậy đó, hồi nãy đã nói rồi, bây giờ sợ quên nói nữa! chưa có ai mà đại bi đại bác như vậy! Tiếp theo:

Đoạn 5: Ngài tán thán việc Suy tư hợp lý, là ngược lại với Suy tư vô lý, có nghĩa là trong cái vô thường phải thấy là vô thường. Còn bắt chước người ta nói, là chấp Pháp! nghĩa là Kinh nói như vậy! Kinh nói là vô ngã vô thường! mình bắt chước như vậy là mình chấp Pháp. Đầu tiên thấy nó vô ngã vô thường trước cái đã, khi mà chứng Thánh thì mình mới có suy nghĩ phiêu bồng phát sáng, còn đàng này phiền não còn nguyên một núi, mà bắt chước nói cao siêu, không thèm tu Niệm xứ, không chịu học A-tỳ-đàm, nói như vẹt, két, sáo, nhồng, cưỡng, yểng, thì rơi vào tà kiến lúc nào không hay!

Nó vô thường cứ thấy nó vô thường, đừng có nghe lời ma mị: thường lạc ngã tịnh! cái đó để khi nào thành Thánh lúc đó lên nói chuyện với mấy ông Thánh! Còn ở đây mình cứ nhớ là tất thảy những gì ta thấy mỗi ngày, những gì ta đang vùi mình, ghim sâu, gắm chặt trong đó, những gì mình thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng, những gì mình vẫn thường suy tư, những gì mình vẫn thương thích, ghét sợ, tất thảy đều là vô ngã, vô thường, đau khổ và bất mỹ. 

Vô thường là không bền, vô ngã là giả hợp không có tôi, đau khổ là không có cái an lạc như mình nghĩ, còn bất mỹ là nó không có đẹp như mình mơ. Bởi vì hễ thấy đẹp thì thế nào cũng có cái thấy xấu, mà hễ có xấu có đẹp thì còn có đam mê và bất mãn, mà đam mê là nguồn của khổ, mà bất mãn chính là bản thân cái khổ! Như vậy đam mê cũng là cái khổ gián tiếp. Đam mê là nguồn của khổ, mà hễ có thích thì có ghét, có sợ; thương thích nó mới tạo ra cái ghét sợ. Như vậy thì hễ thương thích ở đâu ghét sợ ở đó, có ái ở đâu thì cái sân si bất mãn nó cũng nằm kế bên. 

Cho nên, đối với một người học đạo và hành đạo, kể cả người chứng đạo đều luôn thấy rằng: cái vô thường phải được thấy là vô thường. Các vị hỏi Kinh nào nói? Xin thưa đó là Đại Không và Tiểu Không trong Trung Bộ, xác nhận rằng: trong cái vô thường phải thấy là vô thường, trong cái khổ đau phải thấy nó là khổ đau, và trong cái vô ngã phải thấy nó là vô ngã, trong cái bất mỹ phải thấy nó là bất mỹ. 

Nó có-thấy là có, nó không-thấy là không. 

Có là có cái gì? Thấy ở đây có các điều kiện duyên tạo, thấy có danh, có sắc, có uẩn, có xứ, có giới, có đế, nó có thì thấy nó có! 

Nó không thì thấy nó không, có nghĩa là ở đây không có tôi, không có của tôi, không có của người này, không có của người kia, không có của ai hết. Không có người thì làm gì có sở hữu, không có tôi thì làm gì có cái của tôi, không có người kia thì làm gì có cái của người kia, cho nên cái gì là có thấy có, cái thì không-thấy không! 

Cái gì là vô thường thì phải thấy nó là vô thường, còn cái trường cửu thì không có, không có nhắc tới! 

Sự nhận thức đó gọi là Như lý tác ý, Đức Phật tán thán rằng với khả năng này nó sẽ hỗ trợ cho Thất Giác Chi, mà Thất Giác Chi là 37 nói gọn nghĩa là không bao giờ có chuyện một người tu tập 7 Giác Chi mà 30 cái Bồ Đề Phần kia không thành tựu, chuyện đó không hề có! Không bao giờ có chuyện một người nào đó tu tập, thành tựu Thất Giác Chi mà 30 Pháp Bồ Đề kia không thành tựu theo, 30 cái kia là Ngũ Căn, Ngũ Lực, Tứ Như Ý Túc, Tứ Niệm Xứ, Tứ Chánh Cần, Bát Chánh Đạo, gọp chung là 30 Phẩm Bồ Đề. 

01:51:04

Buổi chiều nay, mình nói rất nhiều về thiền quán, mặc dù tôi chưa hề nhắc tới chữ Vipassana, và chiều nay có nhiều điều tôi gởi đến quý vị mà tôi cứ sợ quên, cho nên ai làm chuyện ghi âm buổi giảng chiều nay thì nên lưu ý rằng buổi giảng này quý vị nên nghe lại khoảng 30 lần!

Tôi nhắc lại đoạn 4 là Ngài cảnh báo trường hợp suy nghĩ vô lý, nó hại cho chuyện hành đạo và chứng đạo cỡ nào.

Đoạn 5 là Ngài tán thán việc suy tư hợp lý vì nó sẽ hỗ trợ cho chuyện hành đạo và chứng đạo như thế nào.

Đoạn 6: có một buổi chiều đó, Đức Thế Tôn từ trong hương thất (phòng riêng) Ngài đi về phía hội trường – tiếng Pali gọi là Dhammasabha tức là chỗ hội trường để thuyết Pháp, nghe Pháp, cũng là chỗ chư Tăng thường ngồi tụ hội để thiền định hay đàm đạo – thấy chư Tăng đang ngồi nói xôn xao, Ngài hỏi: vậy chứ các ngươi đang bàn chuyện gì? Chư Tăng mới thưa với Ngài: chúng con đang bàn về chuyện này, chuyện kia … Chẳng hạn như hôm nay, chư Tăng đang bàn với nhau kể chuyện về một ông tướng quân Bandhula, là một nhân vật rất nổi tiếng, ông rất mạnh đến mức mà 16 bó tre cột lại thành một, ông rút gươm chém một phát đứt lìa, mọi người đều không ai ngờ là 16 bó tre đó đã đứt rồi, chỉ mình ông biết là nó đã đứt rồi. Có một người lén nhét một cọng sắt vào trong đó, ông vẫn cắt được nhưng không có ngọt, cho nên cắt xong rồi ông khóc, bạn bè hỏi tại sao khóc, ông nói lẽ ra nếu mà cho ta biết trong đó có cọng sắt thì nó sẽ ngọt hơn, đàng này ta không ngờ, ta chỉ nghĩ đó là bó tre thôi, nên ta cắt không có ngọt lắm! Nghề bắn cung của ông giỏi đến mức ông có thể bắn một mũi tên xuyên thẳng hàng qua 500 chiếc xe, ông giỏi và mạnh như vậy. Ông là nhân vật nổi tiếng đến mức mà hôm nay ai về Miến Điện Yangon sẽ thấy có một con đường tên là Bandhula. Ông có 32 đứa con, sau 16 lần sinh đôi của vợ ông, đều là những tay anh tài tuấn kiệt, văn vỏ song toàn. Ông là một tướng giỏi mà cộng với 32 vị tùy tướng nữa, thì lực lượng còn hơn nhiều Dương gia tướng bên Tàu đời Tống – chỉ là em bé thôi so với dòng dỏi Bandhula! Triều thần ghét, ghen tị, mới ton hót nói đây là một mối đại họa cho đất nước, bởi vì ông này mà trở cờ một cái thì vua chỉ có nước nhảy lầu thôi, cho nên vua mới cho người giết sạch cha và 32 con dũng tướng; đúng là chính trị! Bà vợ của Bandhula là một người tín nữ cực kỳ thuần cố đạo tâm, buổi sáng đó, nàng thỉnh chư Tăng do Ngài Xá-lợi-phất dẫn đầu đến để thọ trai tại tư gia, trong lúc buổi trai tăng đang diễn ra êm đẹp như vậy, thì cô hầu gái loay hoay thế nào đó mà làm vỡ đi một bình quý cực kỳ, Ngài Xá-lợi-phất không muốn cho cô chủ nhà bị tiếc của rồi sân si mất phước, rồi la rầy cô kia tội nghiệp, Ngài mới nói rằng: các hành là vô thường, có rồi mất, thôi bỏ qua nha! Cô chủ mới thò tay trong túi móc ra một tờ giấy, quỳ xuống nói: thưa Ngài, sáng nay có trác của vua gởi tới báo cho con biết là chồng của con với 32 thằng con trai bị trãm rồi, mà con còn đủ bình tâm để con thỉnh Ngài và chúng Tăng đến cúng dường, thì xin hỏi xá gì cái bình này! Ngài Xá-lợi-phất nói: lành thay! lành thay! vậy đúng là người tín nữ của Đức Thế Tôn.

Chư Tăng buổi chiều đó mới đem chuyện này ra bàn, chư Tăng nói: trời ơi, có những gia đình mà người đâu mà đông dữ thần vậy ta? nguyên cái khoảng con cái không là 32, nếu không có bị trục trặc, 32 ông tướng này mà có vợ có con thì chắc là đông cỡ là bao nhiêu! Lúc đó Đức Thế Tôn Ngài đi vào nghe, hỏi chư Tăng đang bàn cái gì, thì chư Tăng nói: con đang bàn về chuyện người đâu mà đông như vậy.

Đức Phật nói: này các Tỳ-kheo, trên đời này nói tiền nhiều, thân quyến nhiều, cây cối nhiều, con người nhiều, nhà cửa nhiều, Ta nói rằng trong tất cả cái nhiều ấy, không có cái nhiều nào mà nó đáng kể cho bằng nhiều trí tuệ, và không có cái mất mát, ít oi nào mà đáng kể như là ít oi hay mất mát của trí tuệ.

Thí dụ như nói: chỗ đó đất rộng người thưa, thì Ngài nói cái thưa đó không đáng kể, mà trong đầu một người mà trí tuệ nó thưa mới là đáng kể; trên một cái đầu tóc ít, thưa không đáng kể, mà trong một cái đầu trí ít mới đáng kể; trong một vùng đất đông người, nhiều cây nó không quan trọng, mà trong một cái đầu người có nhiều trí tuệ mới quan trọng, mới đáng kể.

Nói chung nguyên đoạn từ số 6 qua cho tới số 11, Ngài xác định như vậy, Ngài nói: ít và nhiều trên đời này chỉ có cái ít và nhiều trí tuệ mới đáng kể, không có sự thịnh vượng và suy tàn nào đáng kể bằng sự thịnh vượng và suy tàn của trí tuệ, không có cái nhiều nào, không có cái ít nào, không có cái thịnh nào, không có cái suy nào, không có phù trần bất thất-danh hư tiêu trưởng nào trên đời này mà nó đáng kể bằng sự lên xuống, ít nhiều, thưa, đậm của trí tuệ.

Bởi vì trong Tiểu Bộ Kinh bài Alavaka Sutta, Đức Phật Ngài dạy là pannajivim jivitamahu settham: đời sống trí tuệ là đời sống tối ưu, tối thượng, cao cấp bậc nhất.

Mọi khi ở những hoàn cảnh khác, ở những đối tượng khác nhau, Đức Phật có lúc Ngài tán thán hạnh kham nhẫn, hạnh bố thí, hạnh trì giới, hạnh thiền định, chánh niệm, đa văn … nhưng rốt ráo lại phải nói là đời sống mà số một, vẫn là đời sống trí tuệ. Vì nói rằng đó là đời sống của vị chuyên tu thiền định, thì mình cũng không lấy gì làm chắc đó là đời sống hoàn hảo; mà nói rằng đó là cuộc đời của một người hào sảng, đó là cuộc đời của vị nhiều chánh niệm, một vị nhớ giỏi, một vị hiểu mau, đó là đời sống của một người giới hạnh trong sạch, đó là đời sống của một người thiền định tinh tấn … , đều khả nghi hết! Bởi vì mình không biết ông đó tinh tấn, mà ông có đúng là hoàn hảo hay không? Nhưng mà nói rằng đó là đời sống của một người trí tuệ, thì mình rất dễ dàng yên tâm mà tin tưởng rằng đó là một đời sống hoàn hảo. Vì trí tuệ chính là cái khả năng kiểm soát bản thân.

Một người bố thí nhiều, tinh tấn nhiều, giới hạnh nhiều, đa văn nhiều, kham nhẫn nhiều, cái gì cũng nhiều, nhưng mà nghe như vậy mình cũng không tin chắc là họ có đúng đời sống mà mình có thể tin cậy được. Nói rằng đó là đời sống của một người nhiều trí tuệ, chữ trí tuệ hiểu theo nghĩa của Phật Pháp, có nghĩa là người có khả năng kiểm soát được cái thiện ác của mình.

Ở đây trí tuệ gồm có 5:

1. Kammassakatapanna: Trí nghiệp lý mỗi người có nghiệp riêng

2. Jhanapanna: Trí có được do tu tập thiền định

3. Vipassanapanna: Trí tuệ quán

4. Maggapanna: Trí Thánh Đạo

5. Phalapanna: Trí Thánh Quả

Tôi nhắc lại từ đoạn 6 tới đoạn 11 Đức Phật Ngài dạy thế này: nói tới chữ ít, nhiều, thăng, trầm, được, mất trong đời này của cái gì cũng không quan trọng bằng cái ít, nhiều, thăng, trầm, được, mất của trí tuệ. Và trí tuệ ở đây gồm có 5:

1. Kammassakatapanna nghĩa là trí tuệ trong lý nhân quả hay trong nghiệp lý, người tu học biết rằng trên đời này không có hành động nào là vô nghiệm, trong toán vô nghiệm là không có kết quả, có nghĩa là có người phật tử đến hỏi bà Thiền sư: what is the kamma – nghiệp báo là gì? Bà trả lời là: nothing is nothing – không có gì trên đời này là vô nghiệm! Đó là nghiệp báo trong đạo Phật.

Một chiếc lá rụng xuống, có người thấy chiếc lá rụng chỉ là lá rụng, nhưng mà nói theo Kinh Phật, nhân nào mà khiến cho lá rụng, lá từ đâu mà có, hôm nay vì nhân nào mà nó rụng? Chỉ riêng về chiếc lá thôi, bản thân nó là quả mà bản thân nó là nhân của bao nhiêu thứ. Nó là quả của bao nhiêu thứ điều kiện và nó là nhân của bao nhiêu thứ kết quả, mà mình không có thấy ra hết!

Rồi thiện ác buồn vui từng khoảnh khắc trong lòng mỗi người của chúng ta, nó là quả của bao nhiêu thứ nhân, và nó cũng là nhân của bao nhiêu thứ quả! Thiện đời này là nhân vui đời sau, ác đời này là nhân khổ đời sau; vui đời này là quả lành đời trước mà khổ đời này là quả của ác đời trước, cứ như vậy đó quý vị! Mỗi người có một nghiệp riêng không ai có thể vì ghét vì thương mà cưu mang hay là chở che, sang đoạt cái phần của người khác được, chuyện đó không bao giờ có. Không có thể vì ghét mà mình sang đoạt cái thiện căn của người ta, mà không phải vì thương mà mình cứu được cái quả ác của người ta, không thể được! Mỗi người có một nghiệp riêng!

Cho nên ở đây, Trí đầu tiên hành giả thấy rằng thứ nhất là mọi thứ ở đời này đều là quả của nhân nào đó và bản thân nó cũng sẽ là nhân của quả nào đó; đồng thời mỗi người trên đời này đều có nghiệp riêng vì đời sống của chúng ta là một chuỗi dài của nhân và quả, không có việc gì trên đời này không dính liền với nhân và quả, đó là Trí thứ nhất.

2. Jhanapanna – Trí thiền chỉ: khi ta sống đam mê trong 5 dục, chìm sâu trong dục, thì cái biết nào của ta cũng là do suy diễn, lý luận, hình dung, tưởng tượng, liên tưởng. Khi mà ta chán dục, đắc thiền có thần thông thì cái biết của ta là cái biết thực nghiệm của một người có thiên nhản, thiên nhĩ, tha tâm thông, túc mạng thông và sanh tử thông. Cái biết đó là cái biết thực nghiệm, trực quan, tin được.

Có một điều Trí thực nghiệm ấy – cái biết do thiền định đem lại vẫn nằm trong Biến kế sở chấp và Thế trí biện thông, nghĩa là cái biết của tục đế chế định! Biến kế sở chấp là cái biết còn dựa vào hồi ức, kiến thức, kinh nghiệm, vay mượn từ người này sang người kia. Thí dụ như: tại sao mình gọi đây là chiếc xe mà không gọi là chiếc xuồng, tại sao mình gọi nó là vuông mà không gọi nó là tròn, tam giác, bình hành, đa giác, lục giác … , tại sao mình nói nó là chua không phải là đắng, bùi, mặn, ngọt, tại sao mình nói nó bằng thủy tinh chứ không phải bằng đất sét, bằng xi măng? Đó là cái biết dựa trên Biến kế sở chấp, mà nó cũng là cái biết của Thế trí biện thông, có nghĩa là cái biết do lý luận, do kiến thức, do trao truyền, do truyền đạt từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ người này sang người khác, cái biết vay mượn không phải là cái biết trực quan tự có!

Cho nên trong trường hợp đó, cái biết của người hưởng dục là cái biết do hình dung, lý luận, tưởng tượng, hồi ức, kinh nghiệm mà có.

Còn cái biết của người đắc thiền chỉ, đắc thần thông là cái biết thực nghiệm, đúng! nhưng mà khổ thay, cái thực nghiệm ấy lại cũng là cái biết trên Thế trí biện thông và Biến kế sở chấp!

3. Vipassanapanna: Trí tuệ của người tu tập tuệ quán, nghĩa là cái biết này đang từng bước tháo gỡ sự ám ảnh của Thế trí biện thông và Biến kế sở chấp. Mới vào tu tập tuệ quán thì ta chánh niệm: đang đi biết là đang đi, đang ngồi biết là đang ngồi; đi và ngồi lại cũng là Biến kế sở chấp, vẫn là tục đế. Thở ra biết là thở ra, thở vào biết là thở vào; lại cũng là biết của Biến kế sở chấp, cũng lại là cái biết tục đế.

Tuy nhiên theo năm tháng, chánh niệm và trí tuệ mạnh dần, sẽ có một ngày hành giả lìa bỏ được tướng chế định để hành giả chỉ còn thấy ở đây có danh và sắc mà thôi, sắc đang được danh tác động, sắc đang được danh ghi nhận, ở đây chỉ có danh pháp ghi nhận danh sắc, ở đây không có ai tu tập, không có ai ghi nhận, không có ai chứng đắc, không có ai phiền não, mà chỉ có các pháp tồn tại, chỉ có danh và sắc, chỉ có thiện và ác, chỉ có thọ khổ, thọ lạc, thọ xả mà thôi!

Cái biết này là cái biết tuệ quán, nhưng mà ba la mật chưa đủ thì anh chỉ quẩn quanh tới đây thôi, tức là anh đã có cái nhìn, anh biết là từ xưa đến giờ khi chưa có tu quán thì mình chỉ là một đứa bé chơi nhà chòi, thích nắn đất sét, bây giờ mình tu tuệ quán rồi mình đã trưởng thành, mình không thích trò chơi trẻ con nữa, nhưng mà mình đã 18 tuổi, mình có những cái thích khác. Trí tuệ quán thấy rằng mình đã trưởng thành, không còn thích đồ chơi nhà chòi nữa, nhưng đồng thời hễ còn là phàm thì mình vẫn còn có cái đam mê khác, cho nên tuệ quán phàm phu là dừng ở ngưỡng 18 tuổi, không còn chơi trò trẻ con như vô lượng kiếp và vô lượng chúng sanh.

Có một điều là mình chỉ trưởng thành với riêng mình thôi, tức là lúc đó trong mắt mình những ai không tu tuệ quán đều là trẻ con, đều là người lú lẫn, đều là người mất trí, đều là người say rượu, riêng mình là người 18 tuổi, không lú lẫn, không trẻ con, không say xỉn, hoàn toàn tỉnh táo, sống trong nhận thức. Có một điều không chơi trò trẻ con nữa, nhưng lúc đó ta lại khoái cái trò chơi người lớn!!

4. Maggapanna – Trí Thánh Đạo: khi duyên lành ba la mật chín mùi, Trí tuệ quán không còn là trí nhận thức của một người trên 18 tuổi nữa, mà trở thành cái biết của người hiểu chuyện. Vị này trước đây chỉ thấy đây là thiện, đây là ác, đây là vui, đây là buồn, đây là khổ, đây là lạc, đây là xả, nhưng khi vô Trí Thánh Đạo thì vị đó không còn thèm dòm cái thiện ác buồn vui nữa, mà vị đó thấy rằng trong toàn bộ đời sống của mình, cái gì là thích vị ấy biết rõ đây là Tập đế, ngoài cái thích ra tất cả đều là Khổ đế.

Vị đó thấy là khi nào ta thích thì cái thích đó là Tập đế, ngoài Tập đế ra mọi thứ đều là Khổ đế; vì mọi thứ đều là Khổ đế nên Tập đế chỉ là niềm đam mê trong Khổ đế! Muốn hết Khổ đế thì phải chấm dứt Tập Đế, và cái hành trình nhận thức ấy chính là Đạo đế; khi hành trình ấy đạt đến chỗ chín muồi rốt ráo thì cái chứng đạt được chính là Diệt đế vậy!

* Các bài Sư Toại Khanh (Tỳ Kheo Giác Nguyên) giảng qua Paltalk năm 2019. Nguồn Vietheravada

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app