Kinh Pháp Cú số 389

Bài Giảng Sư Toại Khanh Paltalk 2019

Sáng nay chúng ta cùng bàn thảo về hai câu kệ Pháp Cú số 389 và 390. Qua duyên sự, có thể có người trong room cũng liên tưởng đến một câu chuyện thiền học của Nhật Bản rằng ngày xưa cũng có một vị tăng sống trong một ngôi làng quê. Một hôm đang đi khất thực ngoài làng thì có một tin xấu đồn đãi không có tốt về vị này rằng vị tăng này có qua lại mờ ám với thiếu nữ trong làng và để cho cô này có mang. Khi nghe được tin này thì vị tăng đó trước sau vẫn một thái độ bình tĩnh, bình thản, không có phản ứng gì hết. Sau đó vài tháng, dân làng, gia đình cô gái và cả cô gái đó đem một đứa bé còn đỏ hỏn đem đến đặt trước am của vị tăng này với những lời lẽ mắng nhiếc rất nặng nề. Qúy vị cũng có thể tưởng tượng ra được rằng họ xài đủ thứ từ ngữ hết để mà họ chửi bới, nguyền rủa vị tăng này tu hành thế này thế khác “con ông thì đem trả cho ông, ông làm sao ông làm, con gái của tôi nó còn phải có thân phân danh giá của nó nữa, nó phải đi lấy chồng. Bây giờ ông nuôi đứa bé này đi”. Vị tăng ấy cũng im lặng , chỉ trả lời “Thế à!”. Vị tăng đó mỗi ngày đi bát như vậy bên cạnh cái chuyện người ta cho đồ ăn, thức uống như vậy, vị đó cũng thỉnh thoảng xuống làng xin sữa để nuôi đứa bé. Được một thời gian ngắn như vậy thì cô gái kia nhìn thấy hình ảnh lặng lẽ của vị tăng này cô ấy cảm thấy bị sốc, cổ mới hối hận rồi cổ mới thưa chuyện với gia đình, với dân làng là thực ra vị tăng đó không phải là cha của đứa bé mà cha đứa bé là một anh bán cá ở ngoài chợ, trong một lần vui đùa cổ đã phát thân với ảnh và có con, còn vị tăng đó không ảnh hưởng gì hết. Cả nhà nghe như vậy họ tá hỏa, họ kéo nhau đến quỳ trước thảo am xin lỗi và họ xin đem đứa bé về họ nuôi để cho vị này trọn vẹn thời gian tu học. Vị này lúc ấy cũng chỉ trả lời bằng một câu thôi “Thế à!”. Câu chuyện vẫn chưa hết. Chúng ta có xem trong cổ học Trung Hoa có một câu chuyện, nếu chúng tôi nhớ không lầm là ông Dương Sĩ Liên, ổng là một bậc hiền giả Trung Quốc. Có một lần ông đnag đi trên đường có một ông đến nói rằng ông ăn cắp đôi giày của ổng “Đôi giày ông đang mang là đôi giày của tôi”. Ông Dương Sĩ Liên ổng nghe như vậy ổng nói rằng “Ồ, vậy sao! Nếu của ông thì ông lấy đi”. Ông tháo đôi giày ra ông đưa. Một hai hôm sau ông kia ổng trở lại ổng nói “Xin lỗi Sư, tôi nhìn lộn. Cái đôi giày của tôi, tôi tìm được rồi, đôi giày này đúng là đôi giày của ông nè”. Thì ông Dương Sĩ Liên ổng cười ổng nói “Ồ, vậy sao!”, rồi ổng đổi đôi giày ổng mang vô trở lại. Một bên là câu chuyện Nhật, một bên là câu chuyện Tàu, sở dĩ chúng tôi đưa vào buổi giảng hai bài kệ này là vì với cái ý đó là dầu ở không gian, thời gian nào, những cái tâm hồn-tâm hồn lớn luôn luôn có một cái nét đặc trưng giống nhau. Đó chính là sự bao dung và sự độ lượng. Chúng ta còn nhớ bên Phật giáo Bắc tông có một câu định nghĩa về nét mặt của Phật Di Lặc. Tại sao Phật Di Lặc mặt lúc nào cũng cười mà bụng thì lúc nào cũng to? Người ta thường nói

“Đại phúc năng dung, dung thế gian nan dung chi sự.

Từ nhan thường tiếu, tiếu thế gian khả tiếu chi nhân”

“Đại phúc năng dung, dung thế gian nan dung chi sự” tức là cái bụng của Ngài bự để dành chứa những chuyện đời mà khó chứa được

“Từ nhan thường tiếu, tiếu thế gian khả tiếu chi nhân” tức là cái mặt cười là để dành cười những cái chuyện đáng cười trên cuộc đời này.
Chưa hết người Tàu họ còn định nghĩa về cây trúc rất là hay. Cây trúc được dùng để chỉ cho bậc quân tử là vì sao? vì cây trúc nó hội đủ được hai đức tánh đó là ‘Tiết trực tâm hư’. ‘Tiết trực’ tức là cái lóng nó thẳng mà ‘tâm hư’ tức là cái ruột nó bọng, không có chứa cái gì hết. Đó chính là những đặc tánh căn bản của một bậc hiền triết. Dầu định nghĩa theo văn hóa Tàu hay văn hóa Nhật, theo cái tinh thần của đạo Phật thì một trong những đức tánh căn bản của một bậc hiền triết luôn luôn là như vậy. Và chúng ta cũng biết thập phương pháp tức là mười pháp của một vị đại đế, trong đó có pháp kham nhẫn. Và bảy cái pháp tác thành ngôi vị Đế Thích Thiên Vương trong Phật giáo cũng có pháp kham nhẫn, không có giận ai hết. Mình muốn đứng đầu thiên hạ mình phải có tấm lòng của bậc cha mẹ. Bởi vì chúng ta còn nhớ bên Tàu họ nói quan lại là “Phụ mẫu chi dân” tức là cha mẹ của thiên hạ. Mình muốn cai trị thiên hạ, đứng đầu thiên hạ ít nhất mình phải có tấm lòng bao dung của cha mẹ, mới được gọi là phụ mẫu chi dân được, đó là định nghĩa theo đời. Còn định nghĩa theo Đạo thì chữ ‘samana’ có nhiều người họ không quen với chữ ‘Phạm chí’ thì ở đây mình có thể hiểu là đối với bậc Phạm hạnh. “Chớ hành hung Phạm Chí” (tức là chớ hành hung với bậc Phạm hạnh). Đó là một vấn đề, câu đầu tiên Đức Phật dạy. Câu thứ hai, đối với bậc Phạm hạnh khi bị người ta tấn công cũng không có tấn công lại. Chính vì không tấn công lại cho nên mới được gọi là bậc Phạm hạnh, “tiết trực tâm hư “, “Đại phúc năng dung, dung thế gian nan dung chi sự” là như vậy. Cái bụng Phật Di Lặc bự để chứa những chuyện đời khó chứa là như vậy. Còn cái bụng mình nó nhỏ nó hẹp nên mình chỉ chứa những cái gì mình thích thôi, cái gì mình không thích thì mình ói ra, bị dị ứng, kiết lị…Các Ngài thì các Ngài an lạc bởi vì các Ngài có một bộ phận tiêu hóa rất là tốt, có một bộ phận hô hấp rất là tốt. Các Ngài luôn luôn hít thở những luồng thanh khí, luôn luôn tiêu thụ những thức ăn rất là thích hợp với có thể của mình và đối với những thứ độc tố các Ngài cũng có cách để đào thải ra. Đó chính là điểm khác biệt giữa cái bậc Phạm chí, Phạm hạnh đối với người không phải là Phạm chí, Phạm hạnh.
9:29

Bởi vì chúng tôi không có thời gian theo dõi những buổi giảng đầu của cái phẩm này, không rõ chư tăng đã định nghĩa ra sao nhưng mà chúng tôi tin chắc chắn rằng các vị giảng sư cũng đã định nghĩa cho các vị tương đối rộng rãi, sâu rộng về chữ phạm chí trong cái phẩm này rồi. Ở đây các bậc phạm chí, phạm hạnh là chỉ cho các bậc Alahán. Bởi vì chúng ta cũng biết rằng ngay khi Đức Thế Tôn ngài ra đời, cái tiêu chí được định nghĩa là Bà La Môn phải là người có đức hạnh chứ không phải là người có xuất thân từ dòng dõi Bà La Môn như đa phần người Ấn Độ đương thời vẫn hiểu. Chúng tôi biết rằng khi nói điều này sẽ có một số người trong room rất là ngạc nhiên, ngạc nhiên ở chỗ Đức Phật đã tháo bỏ cái khái niệm về giai cấp vốn đã có cội rễ sâu dày trong xã hội Ấn Độ đương thời mà tại sao hôm nay Uyên Minh lại nói rằng cái định nghĩa trước thời Đức Phật về Bà La Môn cũng đã có lúc rất giống với tinh thần đạo Phật rồi, vì sao? Bằng chứng là có một lần có một vị thanh niên tên là Ambatta đến gặp Đức Phật. Đức Phật mới hỏi ông này về xuất thân của ông. Ông nói ông là Bà La Môn chánh truyền bảy đời phụ hệ, phụ hệ là từ đời cha tới đời ông nội, ông cố, ông sơ, cố tổ của ông đều là Bà La Môn hết. Ông là người học rộng, thông suốt kinh Vệ-Đà, ông là người có tài sản, … ông là người đẹp trai nữa, thì lúc đó Đức Phật ngài hỏi rằng “Ambatta, ngươi nghĩ sao nếu một người chỉ có xuất thân từ dòng dõi Bà La Môn mà ngoài ra không có nhưngz thứ khác? Thì người đó có được gọi là Bà La Môn hay không?”. Ổng nói “dạ không!” (11:43)

Đức Phật hỏi “Nếu người đó chỉ có đẹp trai, có tài sản thôi có được gọi là Bà La Môn hay không?”. Ông Ambatta nói “Dạ cũng không”. Đức Phật hỏi “Nếu người đó thông suốt văn Vệ-Đà mà có một nếp sống không ra gì hết, không có theo tinh thần của các bậc tiên hiền đã được nhắc đến trong giáo lý văn vệ-Đà thì người đó có xứng đáng được gọi là một Bà La Môn hay không?”. Ông Ambatta thưa “Dạ cũng không”. Đức Phật nói “Nếu bỏ hết mấy tiêu chuẩn đó lại, chỉ còn lại một tiêu chuẩn là vị Bà La Môn đó có giới hạnh thanh tịnh, có một đời sống, có một nhân cách thì vị đó có xứng đáng được gọi là Bà La Môn hay không?”. Ông Ambatta nói “Dạ nếu mà bỏ hết còn lại chừng nhiêu đó thì cũng có thể gọi là Bà La Môn”. Qua bài kinh đó mình thấy rõ ràng rằng trước thời Đức Phật chữ Bà La Môn đã được định nghĩa một cách rất nghiêm túc rồi. Tấn công một người có nhân cách như vậy, có đạo đức như vậy thì xin lỗi nói theo cái từ ngoài đời là nó hèn quá. Bởi vì ngoài đời thành phần không ra gì họ vẫn nói với nhau một câu là “Có ngon thì đi kiếm mấy cái đứa mạnh tay mạnh chân chứ đừng kiếm người già cả yếu đuối”, cái khái niệm văn hóa này đã có ở trong văn hóa Việt Nam mình rồi chứ không phải đợi đến trong kinh Phật mới có. Có nghĩa là mình có ngon thì mình tấn công những người có khả năng tấn công mình đó chứ còn đối với những người họ không có sẵn lòng tấn công mình, họ đối với mình không bằng một cái tâm hồn hiềm hận, xung đột, mâu thuẫn mà mình lại đi tấn công họ thì hèn quá, dở quá. Đó là ngay trong nhân cách làm người mình đã không ra gì rồi thì nói chi là trong tinh thần chánh pháp. Đối với các bậc phạm chí, phạm hạnh thì cái chuyện mình tấn công họ ít nhất nó phản ảnh hai điều. Điều thứ nhất, khi anh ghét người thiện có nghĩa anh là người ác. KHi anh tấn công một người mà họ không sẵn lòng tấn công ngược trở lại anh, họ không sẵn lòng phản ứng ngược lại anh, như vậy anh là hèn. Như vậy trên đời này có cái gì tệ cho bằng một người vừa hèn lại vừa ác. Đó chính là nội dung mặt nổi của bài kệ này. Trước hết là anh đừng làm người ác khi mà anh ghét người thiện. Điều thứ hai, anh đừng có sống quá hèn yếu khi mà anh tấn công một người mà họ không sẵn lòng tấn công anh. Và Đức Phật ngài nói thêm “Xấu thay đấng phạm chí nhưng mà trả đũa …”. Câu thứ nhất là đối với bậc hiền thiện mình không nên tấn công đã đành rồi. Đối với bậc phạm chí, sở dĩ được gọi là bậc phạm chí, phạm hành là bởi vì những người này là tiết trực tâm hư, lòng bao dung, độ lượng với đời. Điều thứ ba, tấn công một người như vậy là không tốt đẹp. Người tu hành phạm hạnh nếu bị tấn công mà có phản ứng xem ra cũng không nên.
14:47

Chúng ta cũng nhớ tích ngài vô não trước khi đi tu ngài là một tay sát thủ liên hoàn, ngài giết người rất là nhiều. Trong kinh nói ngài vì cái tham vọng cá nhân mà ngài giết đến 999 người. Nói theo mình bây giờ chưa hề có một sát thủ liên hoàn nào ở Mỹ mà có số lượng nạn nhân nhiều như Angulimala (ông vô não) ở nước Mỹ chưa có. Lâu lâu bị một hai tên bắn tẻ, bảy tám người chơi cho vui vậy thôi, chứ còn giết người lên tới con số non 1000 như vậy ngay cả đất Mỹ, xứ sở của tội ác cũng chưa có tay nào có nội lực thâm hậu như vậy. Nhưng mà sau khi đi xuất gia rồi ngài vô não ngài rất là hiền lành. Mỗi ngày ngài vẫn ôm bát đi vào làng phố khất thực, có những người ngày xưa người ta quá sợ ngài hoặc là những người quá ghét ngài vì thân nhân của họ là nạn nhân của ngài cho nên gặp ngài ôm bát đi như vậy họ nhớ lại cái hận xưa họ nghĩ bây giờ ngài tu hành rồi ngài không có làm gì họ được. Cho nên họ lấy đất, lấy đá hị ném, họ lấy cây, lấy gậy hành hung ngài, họ đánh ngài rách đầu, chảy máu, bể bình bát, rách y áo tơi tả, te tua hết thì ngài cũng lặng lẽ ngài đi về. Lúc đó Đức Phật gặp ngài Angulimala đi về trong tình trạng đáng thương như vậy thì Đức Phật ngài mới nói thế này “Này Bà La Môn, hãy kham nhẫn! Này Bà La Môn, hãy kham nhẫn! So với những gì mà ngươi đã làm đối với thiên hạ trước đây thì những gì ngươi đang gánh chịu bây giờ là một phần rất nhỏ mà thôi”. Chúng ta cũng biết là tại sao ở trong thiên hạ này có bao nhiêu người mà người khác không tấn công mà người ta lại tấn công mình thì rõ ràng nó cũng có nhân có duyên gì đây. Một là nếu không phải là tiền oan túc trái đời trước thì chắc trong hiện tại mình cũng có một cái lấn cấn, một cái trục trặc, một cái vấn đề gì đó người ta mới tấn công mình. Cho nên đối với một người tu học, thực hành phạm hành, nếu không phải là một vị thánh Alahán đi nữa khi bị tấn công như vậy thì điều tối thiểu, nói ra thì thấy thánh thiện quá nhưng theo tinh thần Phật học thì phải nói như vậy thôi là khi bị tấn công mình phải nghĩ ít nhất hai điều. Điều thứ nhất là đây có lẽ là ác nghiệp xưa của mình. Hai, nếu mình có trình độ hơn một chút là hãy xót thương cho những người này, họ đang tạo cái nghiệp mới. Bởi vì chúng ta cũng biết rằng nghiệp báo là một trong bốn điều bất khả tư nghì, tức là nhiều khi nhân một mà cái quả nó tới một triệu lận. Đó là lý do tại sao mà đối với một người tu hành, nhất là vị chứng quả Alahán được xem là vị đáng cúng dường. Là vì sao? Vì mỗi lần có một người chấm dứt được phiền não, mỗi lần có một người chấm dứt luân hồi, chỉ riêng cái chuyện viên tịch, niết bàn của một cá nhân thôi, của một cá nhân thôi, ở đây chúng tôi không nói đến con số hai, số ba, số năm, số mười, số một triệu, một tỷ. Chỉ một cá nhân thôi, chỉ một cá nhân mà dàn xếp được nội tâm của mình để trở thành vị Alahán thì vị này đem lại vô số lợi ích cho chúng sanh mặc dù vị này sau khi chứng quả Alahán xong thì đi vào rừng sâu núi thẳm ở trong đó một mình cho đến ngày viên tịch, niết bàn, không có hoằng pháp, độ sanh gì hết. Chỉ cần cái sự ra đi của vị này, chỉ cần cái sự vắng mặt của vị này vĩnh viễn ở trong cuộc đời cũng là một sự đóng góp cho chúng sanh. Vì sao? Vì mỗi một người còn tiếp tục luân hồi trên đời này là chúng sanh lại có thêm một mối lo nữa. Hôm nay chúng tôi chửi quý vị, mai kia có người chửi lại chúng tôi. Đó là nhân quả tuần hoàn. Mà cái người chửi lại chúng tôi cái người đó mang nghiệp, tiếp tục họ bị một người khác chửi lại họ. Nhiều khi kiếp này mình chửi ông A, mình với ông A hai người đều là phàm phu mình chửi lẫn nhau, nhưng mà đời sau sanh ra một kiếp nào đó ông A ổng trở thành thánh nhân mình cứ theo nghiệp oan trái cũ mình tiếp tục gặp ổng mình chửi rủa, thì lúc này mình chửi rủa nhầm cái bậc thánh nhân thì quả khổ nó còn lớn hơn gấp bội. Nội các vị thấy ông Bà La Môn trong phần duyên sự khi nãy ổng chỉ đánh ngài Xá Lợi Phất có một chút thôi mà thiên hạ đã có phản ứng rất là lớn. Nếu mà sau đó ổng không phải là một vị Tu Đà Hườn thì với cái tội với đệ nhất thinh văn như vậy thì không biết cái tội của ổng không thể kể vào đâu cho hết. Chuyện này chúng ta cũng có thể tìm thấy ở trong sớ giải Pháp Cú, sớ giải Trường Bộ Kinh cũng có nhắc đến câu chuyện này rằng ngài Xá Lợi Phất ngài bị đánh như vậy. Ngài Xá Lợi Phất ngài cũng như vao nhiêu vị Alahán khác thôi, lúc nào ngài cũng sống bằng cái tâm hồn của một vị phạm thiên, tức là nhìn chúng sanh bằng tâm từ bi hỷ xả. Tuy nhiên, ngài rất nổi tiếng về cái thắng hạnh là trí tuệ, ngài còn nổi tiếng là một vị thánh tăng có nếp sống rất là từ ái, rất là từ bi, ngài rất nổi tiếng với những pháp thoại như là hạnh tu như đất, hạnh tu như nước, hạnh tu như lửa, hạnh tu như gió. Như có một lần đông đảo chư tăng về hầu Phật, có một vị tân thọ tỳ kheo ngài Xá Lợi Phất không có biết tên cho nên khi ngài gọi thì ngài chỉ gọi “Sư ơi, Sư gì đó ơi, Sư cho tôi hỏi cái này một chút”, rồi mai chiều có chuyện gì đó ngài lại tiếp tục “Sư gì đó ơi, Sư cho tôi hỏi chuyện này một chút”. Vị tỳ kheo này trước đây nghe danh ngài Xá Lợi Phất nghĩ trong bụng rằng “mình đã gặp được một vị thánh tăng, cao đồ thì thế nào mình cũng có dịp trò chuyện tiếp xúc với ngài, nghe nói ngài rất là dễ thương, khả kính, dễ mến mà bây giờ ngài không có thèm biết đến cái tên của mình, ngài cứ kêu “cái sư gì đó ơi”, ngài coi rẻ mình”, nên vị này có cái phiền và để cái phiền này trong bụng không có nói ra. Chén mà để trong rá trong rổ thì lâu ngày nó cũng khua. Thì một hai ngày sau trong một lúc tình cờ ngài Xá Lợi Phất ngài đắp y, cái chéo y của ngài đã quẹt trúng vị tỳ kheo này, vị tỳ kheo này lấy đó làm cái cớ để vào bạch với Đức Phật rằng “ngài Xá Lợi Phất nghĩ mình lớn nên trong lúc hành xử không có nghĩ trước sau gì hết, coi con là tân thị tỳ kheo rồi có cách cư xử hạ nhục con như vậy, đắp y quất y qua một bên mà không thèm nhìn có trúng ai hay không”. Câu chuyện đến tai Đức Phật thì Đức Phật cho chư tăng mời ngài Xá Lợi Phất vào và Đức Phật hỏi “Có chuyện đó hay không?”. Ngài Xá Lợi Phất mới nói thế này “Bạch Thế Tôn, trong nội tâm con chưa hề có một cái giây khắc nào con nghĩ đến chuyện tấn công hay làm nhục người khác bởi vì con luôn luôn sống bằng tâm trạng của mặt đất. Mặt đất cho dù người ta đổ dầu thơm hay đồ dơ lên đó nó cũng không có như vậy mà nó buồn hay nó vui. Đối với cái tấm thân này, con coi nó là bốn đại, con coi nó là tóc, là lông, là móng, là răng, là da, nó là một cái túi đựng vật, nó là một cái túi uế trược. Bản thân con con coi cái thân con còn không ra gì thì là gì có cái chuyện con tìm cách xỉ nhục người khác”. Trước mặt Thế Tôn ngài quay sang vị tỳ kheo ngài nói rằng “Thưa hành giả, dầu sao đi nữa, dầu trong thâm tâm tôi không có cái ác ý với hành giả thì cũng mong hành giả hãy bỏ qua cái sự sơ suất của tôi khi nãy”. Cái đó là nói theo chánh kinh, còn trong sớ giải thì nói thế này: Lúc đó Đức Phật nói với vị tỳ kheo kia “Này tỳ kheo, ngươi hãy chấp nhận cái lời xin lỗi của ngài Xá Lợi Phất và hãy sám hối ngài Xá Lợi Phất vì nếu không đầu của ngươi sẽ bị bể thành bảy mảnh”. Bởi vì cái oai lực, đức độ của ngài Xá Lợi Phất, với một chuyện hiểu lầm như vậy thôi.
23:57

Chúng tôi vừa trình bày bài kệ thứ nhất. Bài kệ thứ hai:
“Đối với bậc Phạm chí
Xung đột chẳng lợi gì
Không vui trong hiềm hận
Mọi phiền não chấm dứt”

Ở đây chúng tôi đọc trong bản Pali ở câu 390 “Na brahmanasse’ tadakinci seyyo”, đối với bậc Phạm chí không có cái gì tốt hơn là thái độ im lặng. Tại sao nói là tốt hơn? Bởi vì người còn sống trong cái dòng thương ghét, còn bị ám ảnh trong dòng thương ghét. Chính cái thương ghét đó bản thân nó cũng là một cái khổ rồi. Chính vì cái lẽ này cho nên đừng có sống bằng cái lòng hiềm hận đối với bất cứ ai, đặc biệt là đối với các bậc Phạm chí. Ở đây không phải đơn giản Đức Thế Tôn Ngài kêu gọi “Đừng tấn công các đệ tử của Như Lai. Đừng tấn công người tu hành, những Sa môn, tỳ kheo đệ tử của như Lai” mà Ngài nói chung đại ý là cũng một trái banh mà khi mình ném vào trong lưới, sức dội của nó ít hơn, thậm chí nó không có. Nhưng nếu một trái banh mình nem vào bức tường cứng thì sức dội nó lớn hơn. Tại sao trong kinh nói tấn công các vị tu hành Phạm hạnh là điều không nên? Như chúng ta biết trong các tội ngũ nghịch đại tội, các trọng nghiệp: giết cha, giết mẹ, giết bậc La Hán, làm thân Phật chảy máu, chia rẻ tăng có cái nghiệp lớn là bởi vì đối với các đối tượng này họ luôn luôn đối với mình bằng lòng từ bi cho dầu đó là một vị Alahán xa lạ đi nữa nhưng mà các Ngài luôn luôn nhìn tất cả chúng sanh bằng lòng tư bi mà các Ngài có được. Cho dầu trước khi đi xuất gia, trước khi trở thành vị Alahán các ngài có bao nhiêu người con đi nữa thì khi đi xuất gia rồi cái tình thương của các ngài đối với các chúng sanh khác cũng không hề có chút sai biệt nào giữa con ruột với các chúng sanh khác. Có một chuyện rất là dài chúng tôi chỉ kể vắn tắt. Có một vị Alahán trước khi đi xuất gia đã có một lần trãi qua sự cố đột ngột thay đổi giới tính. Vị này trước đó là thanh niên, trong một ngày đi chơi ngoài phố gặp một vị Alahán là ngài Kaccayana, ngài đẹp trai lắm, Ngài đẹp từ mắt, từ môi, từ mũi, từ lỗ tai, bàn tay, màu da… Ngài rất là đẹp. Cậu thanh niên này thấy như vậy mới nghĩ trong bụng rằng “Cái ông này may là ổng là đàn ông mà là ông thầy tu, chứ ổng là đàn bà mình cưới được ổng làm vợ thì chắc hạnh phúc lắm”. Khi ổng nghĩ như vậy rồi thì lập tức ổng bị thay đổi giới tính lập tức trở thành người nữ. Bởi vì vị Thánh ổng đang có suy nghĩ tầm bậy đó chính là Ngài Maha Kaccayana – một trong những vị cao đồ của Đức Phật. Sau khi ông này ổng biết mình thay đổi giới tính rồi, ổng cũng không còn mặt mũi nào ổng trở về nhà nữa, ổng bỏ đi qua xứ khác. Lúc bấy giờ ổng đã trở thành một thiếu nữ cũng có nhan sắc, và khi ổng thay đổi giới tính rồi ổng cũng thay đổi tâm lý, ổng – cô ấy lấy chồng. Khi cô này còn là đàn ông thì cổ có hai người con trai, khi cổ lấy chồng cổ cũng có hai người con trai. Và sau nhiều năm tháng tình cờ cổ gặp lại một người bạn cũ ở thành phố xưa của cổ, cổ mới hỏi thăm tin tức về người nhà thì mới biết ra mọi chuyện. Cổ mới nói thiệt “Tôi chính là cậu công tử … ngày xưa, do suy nghĩ bậy bạ nên tôi mới phong trần đến như vậy đó, bị lưu lạc đến đây làm thân phụ nữ có con có chồng khổ quá”. Người bạn nghe như vậy mới khuyên trở về sám hối với ngài Kaccayana. Sau khi sám hối xong cô đó trở thành người nam trở lại rồi cổ ngán cảnh luân hồi sanh tử cổ mới đi xuất gia. Đi xuất gia thì chư tăng, huynh đệ biết cái chuyện đời tu của vị này cho nên thỉnh thoảng những vị phàm tăng hay chọc ghẹo “Trong bốn đứa con, hai đứa do ông sanh ra, hai đứa do vợ của ông sanh ra, trong hai cặp đó ông thương cặp nào nhiều hơn”. Thì ổng nói “Dĩ nhiên con do mình rứt ruột đẻ ra thì mình thương hơn”. Nhưng sau một thời gian Ngài chứng quả Alahán, thì chư tăng mới hỏi rằng “trong bốn đứa đó Ngài thương ai hơn?”. Ngài mới trả lời “Đối với tôi bây giờ tất cả chúng sanh là giống nhau, không có đứa nào là đứa nào hết, không có phân biệt”. Đỗi với chư tăng thời đó nói như vậy là tự nhận mình là Alahán, họ mới đi vào thưa chuyện với Đức Phật rằng “Tỳ kheo (Pali) đã tự nhận mình là vị Alahán”. Đức Phật Ngài xác nhận “Đúng vậy (Pali) bây giờ đã là một vị Alahán”
30:45

Chúng tôi đi một cái ý hơi xa như vậy để chúng tôi muốn khẳng định ở đây một điều. Câu thứ nhất Đức Phật dạy “Chớ hành hung Phạm chí” có nghĩa rằng đối với những người tu hành phạm hạnh nói riêng và đối với những người không có lòng tấn công nói chung thì tuyệt đối mình không có nên đụng chạm tới họ. Vì ít nhất khi mình chống đối với người thiện thì bản thân mình đã là người ác, và mình hành hung một người không có ác ý với mình thì bấy giờ mình đã là người hèn. Như vậy đừng làm người ác mà cũng đừng làm người hèn. Còn riêng với người tu hành, người ta đánh mình là xấu rồi, mình trả đũa lại thì lúc bấy giờ mình cũng tự hạ mình xuống bằng họ. Mình được gọi là Phạm chí bởi vì mình có nếp sống không có giống với người ta, có tấm lòng độ lượng, bao dung, tấm lòng tiết trực tâm hư, mà bây giờ mình không còn giữ được bản tánh đó nữa thì mình chỉ là bằng hoặc thua họ chứ không có hơn họ. Câu thứ hai “Đối với bậc Phạm chí, thái độ tốt nhất là im lặng, tha thứ, bao dung, độ lượng”, vì sao? Bởi cái ngày nào mình còn sống trong cái ghét, cái thương, cái hiềm hận, xung đột thì ngay trong chính cái hiềm hận, xung đột đó bản thân nó đã là một nỗi khổ cho đương sự rồi. Như trong Trường Bộ Kinh, bài kinh…, ngài Xá Lợi Phất cũng có dạy cho chư tăng “Khi nào chư hành giả thấy trong nội tâm mình có sinh khởi môt cái tâm hiềm hận đối với một cá nhân nào, một tập thể nào thì chư hành giả hãy suy tư như sau: Ở đây cái ưu bi này, hiềm hận này có lợi ích gì cho ta hay không? Nếu xét thấy rằng cái sự hiềm hận này, cái lòng tức tối này nó không có lợi cho ta, không có lợi cho người thì các hành giả hãy từ bỏ nó bởi vì nó không có lợi”. Ngay cả một cái lòng hiềm hận đối với bất cứ ai còn không nên có huống gì đối với một người tu hành. Cho nên bất kể một phút giây nào đó, theo chỗ Uyên Minh hiểu, thủ đắc được bài kệ này, đó là đừng bao giờ nổi giận và tấn công một ai hết. Vì sao? Vì nếu mình nổi giận mình tấn công nhầm một người tốt thì lúc bấy giờ mình đã trở thành một người xấu. Còn nếu mình có tấn công, có phản ứng đối với một người xấu thì lúc bấy giờ mình cũng đã là một người xấu. Như vậy trong mọi trường hợp đều bất lợi. Người Việt Nam mình có một câu là “Ngậm máu phun người dơ miệng mình”, nghĩa là trước khi mình phun máu vào người ta cái miệng mình đã ngậm máu rồi, lúc đó người ta chỉ trúng ở áo quần, ở bên ngoài thôi, còn riêng mình cái máu mình đã ngậm trong miệng của mình rồi. Trước khi mình ra tay ra chân, trước khi mình dùng ngôn ngữ tấn công đối phương thì trước hết mình đã sống trong bùn nhơ của tâm tưởng rồi. Cho nên trước khi đương sự bị tấn công là mình đã tự tấn công mình rồi, tự mình làm khổ mình, tự mình làm hại mình. Theo chỗ hiểu của Uyên Minh thì cả hai bài kệ này cần được hiểu như vậy. Phần thời gian còn lại xin để lại cho phần các câu hỏi.

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

* Các bài Sư Toại Khanh (Tỳ Kheo Giác Nguyên) giảng qua Paltalk năm 2019. Nguồn Vietheravada

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app