Sự quan trọng của chánh niệm

Một lần nọ khi ngụ tại thành phố Savatthi, Đức Phật gọi Đại Đức Xá Lợi Phất đến và hỏi rằng, “Xá Lợi Phất, Ngài có tin rằng tín căn (trong Ngũ Căn: tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn), khi được phát triển và vun bồi sẽ có Bất tử là nền tảng, sẽ có Bất tử là mục tiêu để đi đến, và Bất tử là mục đích tối hậu cuối cùng”? Đức Phật hỏi cùng một câu hỏi về đức tin trong mỗi căn của bốn căn còn lại của ngũ căn.

Đại Đức Xá Lợi Phất trả lời, “Bạch Đức Thế Tôn, con không dựa theo đức tin vào Bậc Giáo Ngộ về việc nầy: năm căn nầy khi được phát triển, sẽ dẩn đến sự chứng ngộ, hay dẩn đến sự giải thoát.” Có nghĩa là, Đại Đức nói rằng Ngài không phải chỉ dựa vào sự tin tưởng suông nơi Đức Phật để biết rằng khi năm căn được phát triển, chúng sẽ dẩn đến sự giải thoát.

Và Đại Đức thêm rằng những ai không tự kinh nghiệm, không tự thấy, có thể phải dựa theo đức tin nơi người khác để có được sự hiểu biết. Nhưng những ai đã biết và đã tự kinh nghiệm sẽ không hoang mang hay nghi ngờ sự thật là ngũ căn, khi được phát triển, sẽ dẩn đến giải thoát chứng ngộ.

Tiếp theo Đại Đức bạch rằng, “Con là người đã biết đã thấy, đã chứng nghiệm và trực giác bằng trí tụê.” Nhờ tự có kinh nghiệm, Ngài đã biết năm căn, thấy năm căn, và hiểu năm căn. Cho nên Ngài có thể khẳng định, “Tôi là người không hoang mang hay nghi ngờ về việc nầy.” Đó là cách mà Đại Đức Xá Lợi Phất trả lời câu hỏi của Đức Phật “ Ngài có tin rằng khi ngũ căn được phát triển chúng sẽ dẫn đến sự giải thoát”? Và Đại Đức nói rằng, “Con không phải chỉ do đức tin nơi Đức Thế tôn, Bậc Giác Ngộ. Nghĩa là con đã tự kinh nghiệm, và con không nghi ngờ điều đó.”

Khi Đại Đức Xá Lợi Phất trả lời như thế, Đức Phật hoan hỉ và nói rằng, “Lành thay, lành thay, Xá Lợi Phất! Những ai chưa thấy chưa hiểu vân vân…phải tin nơi người khác. Nhưng những ai tự thấy, sẽ không còn nghi ngờ hay hoang mang về việc đó nửa.” Cho nên Đức Phật rất hoan hỉ về câu trả lời của Đại Đức Xá Lợi Phất.

Giai thoại nầy được ghi lại như một bài kinh trong bài pháp trong Tương Ưng Bộ kinh, và được viết lại dưới hình thức câu chuyện trong Chú giải kinh Pháp cú.

Chuyện như vầy, có ba mươi vị sư sống trong rừng, đến gặp Đức Phật, và hiện diện khi Đại Đức Xá Lợi Phất trả lời câu hỏi của Đức Phật. Khi nghe câu trả lời các vị sư nầy hiểu lầm Đại Đức Xá Lợi Phất và nghĩ rằng Ngài không có đức tin hay niềm tin nơi Đức Phật.

Các vị sư nầy nói rằng, “Đại Đức Xá lợi Phất là người tà kiến, vì Ngài từ gia đình ngoại đạo, Ngài không có đức tin nơi Phật,” và các vị sư nầy vào trình lại với Phật. Đức Phật nói rằng, không, Đại Đức Xá Lợi Phất muốn nói như vầy—và đây là sự giảng nghĩa ghi trong Chú Giải kinh Pháp Cú hơi khác hơn trong kinh sách…

Đức Phật dạy rằng, “Ý ta muốn hỏi câu hỏi đó là, Ngài có tin rằng chúng sanh có thể đạt đến sự giác ngộ mà không cần phải phát triển ngũ căn? Và Đại Đức Xá Lợi Phất trả lời,” Con không tin như vậy.” Đây là sự giảng giải trong Chú giải Kinh Pháp cú.

Sư nghĩ rằng khi Đức Phật hỏi và Đại Đức Xá Lợi Phất trả lời, Đại Đức muốn nhấn mạnh rằng ta không đi theo đức tin, hay tin tưởng những gì chỉ do đức tin, cả đến những gì do Đức Phật giảng. Ta phải dựa vào kinh nghiệm bản thân trước khi lấy đức tin đó làm của riêng. Đại Đức Xá Lợi Phất không nghi ngờ sự thật rằng ngũ căn, khi được phát triển, dẩn đến sự giải thoát, vì chính bản thân Ngài đã kinh nghiệm sự thật nầy.

Sau khi Đức Phật dạy các vị sư tu trong rừng, Ngài đọc lên câu kệ. Sư muốn đọc cho quí vị nghe mấy câu kệ nầy, nhưng nó sẽ rất khó hiểu nếu không hiểu tiếng Pali. Câu kệ nầy giống như một câu đố, và có lối chơi chữ trong đó, một chữ có hai nghĩa. Một nghĩa hiễn nhiên, một nghĩa có ẩn nghĩa. Ý nghĩa của lối chơi chữ thường bị mất khi dịch sang một ngôn ngữ khác. Để hiểu chúng, cần phải thông thạo ngôn ngữ gốc. Nhưng Sư sẽ giảng nghĩa bằng tiếng Anh.

Người ta sẽ hiểu nghĩa hiển nhiên khi nghe câu kệ lần đầu tiên. Cho nên Sư sẽ bắt đầu bằng nghĩa hiễn nhiên. Đức Phật dạy, “một người không có đức tin, một người không biết ơn, một người đập cửa vào nhà người khác, một người phá bỏ cơ hội đến với mình, một người ăn những gì người khác vứt đi–người nầy là người cao thượng hơn tất cả những người cao thượng..” Đây là nghĩa đen mà người nào đọc câu kệ cũng hiểu như vậy.

Nghĩa bóng của câu kệ là; một người không có đức tin nghĩa là một người không cần phải dựa vào đức tin hay không có đức tin nơi Đức Phật. Không có nghĩa là người ấy không có sự tận tâm tôn kính đối với Đức Phật, nhưng người ấy không phải dựa vào đức tin để tin những việc tự mình có kinh nghiệm hay tự chứng nghiệm. Có thể gọi là người không có đức tin trong ý nghĩa ấy.

Kế đó là chữ akatannu tiếng Pali, nghĩa là người vô ơn. Nó cũng có nghĩa là người biết Niết Bàn. Ẩn nghĩa là người biết Niết Bàn, là người đã đạt đến Niết Bàn. Ẩn nghĩa của người đập cửa vào nhà là người đã cắt đứt được vòng luân hồi. Và người phá bỏ cơ hội đến với mình, nghĩa là người đã phá bỏ cơ hội đi tái sanh, người không còn tái sanh.

Cuối cùng là người ăn những gì mà người khác vứt đi. Sư làm nhẹ bớt—nghĩa thực của nó là người ăn những gì mà người khác ói mữa ra. Ẩn nghĩa là người đã ói mữa những dơ bẩn hay ô nhiễm, người đã diệt trừ ô nhiễm.

Người như thế là người cao thượng. Nếu hiểu tiếng Pali, quí vị mới hiểu và thích thú nó. Cuối câu kệ nầy, ba mươi vị sư trở thành A La Hán với bốn thứ trí tụê phân tách.

Sư muốn đưa ra vấn đề là câu trả lời của Đại Đức Xá Lợi Phất, “Con không dựa vào đức tin suông nơi Đức Phật.” Điều rất tốt nếu chúng ta có thể nói, “Tôi không dựa vào niềm tin, trong trường hợp nầy, hay tin vào ai cả.” Để có thể khẳng định như vậy, chúng ta cần phải thực hành.

Nếu ta thực hành và tự thấy rằng năm uẩn là vô thường vân vân…chúng ta cũng có thể nói “tôi không phải dựa vào đức tin suông, tôi đã tự kinh nghiệm thấy rằng năm uẩn là vô thường, vân vân…”

Khi hành thiền minh sát, quí vị muốn đạt đến trạng thái như vậy. Có nhiều vị đã đạt được trí tụê thấy tâm và thân rõ ràng. Thấy nhân quả của thân và tâm; thấy sự sanh diệt của chúng. Thấy chúng là vô thường, luôn luôn bị áp chế bởi sanh và diệt, và không có thực chất. Thấy là không ai có quyền hành gì trên chúng cả.

Giáo lý của Đức Phật được gọi là sandittika, “phải được thấy bởi người đó, phải đưọc tự thấy tự chứng.” Chúng ta không phải nghe theo do đức tin những gì mà Đức Phật giảng. Chúng ta phải được thấy giáo pháp. Chúng ta phải cố gắng để tự thấy rằng thân và tâm là vô thường. Chúng ta cần phải thấy, không do đức tin, không do sự hiểu biết trong sách vở, không do sự hiểu biết vay mượn hay nghe lại của người khác.

Để đạt được sự hiểu biết trực tiếp giáo lý, ta phải thực hành. Qua sự thực hành, mới có thể nói,”Tôi không cần phải làm do đức tin.” Ở trung tâm nầy các thiền sư có thể giúp quí vị đạt đến trạng thái đó. Có thể đi dự những khóa tu học ở nhiều thiền đường khác, nhưng thiền đường nầy quí vị có thể đạt được trạng thái mà có thể nói rằng, “tôi không cần dựa vào đức tin.” Nếu nói được như vậy thì rất tốt. Nhưng xin đừng bị dính mắc trong việc quá tự hãnh diện.

Hôm nay là ngày cuối cùng của khóa thiền, và đây là ngày mãn khóa. Sư rất mừng quí vị có thể tham dự khóa thiền, và Sư hy vọng quí vị đạt được một cái gì để có thể nói ”tôi không dựa vào đức tin.” Mỗi ngày thiền sinh trình pháp với Sư, và phần lớn có những kinh nghiệm thật đáng khích lệ. Cho nên Sư rất mừng thấy quí vị gặt hái kết quả trong sự thực tập.

Tuy Sư thường khuyên nên cẩn thận không nên mong  cầu kết quả, nhưng bây giờ quí vị có thể nghĩ đến kết quả. Trong khi hành thiền, mong muốn kết quả không tốt, nhưng bây giờ thì có thể mong muốn kết quả.  Sư hy vọng quí vị đạt được những giây phút an lạc và đạt được trí tụê thấy ngũ uẩn thủ hay thân tâm, và quí vị đi gần đến mục đích.

Hòa Thượng Mahasi có lần nói, “Giả thử quí vị niệm một trăm ngàn niệm sẽ đạt chứng ngộ. Nếu niệm được một ngàn niệm, có nghĩa là quí vị được một ngàn lần gần đến sự giải thoát.”

Sư hy vọng quí vị đi càng gần đến mục tiêu. Điều quan trọng là nên cố gắng tiếp tục hành thiền minh sát. Sư cũng đã nói rất nhiều lần là sự hành thiền nầy không phải chỉ để thỉnh thoảng mới làm. Hành thiền phải là sự thực hành suốt đời, cho nên phải làm hằng ngày. Cũng như ăn uống mỗi ngày, và ngủ mỗi ngày, quí vị phải thực tập mỗi ngày.

Có nhiều vị hỏi Sư phải thực hành thế nào khi họ về nhà sau khóa thiền. Sự hành thiền tích cực thực tập ở đây rất khó để thực hành, nhứt là khi ở nhà phải lo cho những sinh hoạt hằng ngày. Sư khuyên nên giữ hai mức độ thực hành mỗi ngày. Một mức độ thực hành tích cực, như ngồi thiền ở đây. Phải ngồi thiền một giờ hay nửa giờ.

Sư muốn quí vị phải để thì giờ làm việc nầy. Xin đừng nói rằng, “Tôi bận, tôi không có thời giờ.” Nếu thật tình muốn thực hành, quí vị sẽ tìm thời giờ. Có thể bớt thời gian dùng để nói chuyện vô ích, xem truyền hình, ngủ trể vân vân…Không khó để tìm nửa giờ đồng hồ trong ngày. Một giờ cũng không khó. Trong thời gian đó có thể hành chánh niệm tích cực cũng như quí vị làm ở đây vậy trong khóa thiền.

Những giờ khác có thể thực hành chánh niệm ở mức độ bình thường thấp hơn. Nghĩa là chánh niệm những gì đang làm trong khoảnh khắc hiện tại, nhưng không đi vào chi tiết của sự sinh hoạt. Thí dụ, khi lái xe, chánh niệm trong lái xe, không đi vào chi ti ết như bánh xe vận chuyển nhìn xem phong cảnh, nhìn đồng hồ vân vân…Nếu chú ý vào những chi tiết nhỏ, có thể gây ra tai nạn. Nhưng có thể chánh niệm sự lái xe, chỉ lái xe mà thôi. Thí dụ rửa chén. Có thể chánh niệm rửa chén mà không đi vào chi tiết. Nếu quét dọn nhà cửa, chỉ chánh niệm về việc quét dọn mà thôi.

Tuy đó không phải chánh niệm sâu sắc và tích cực nhưng nếu có thể giữ chánh niệm được như vậy, nó có thể cho nhiều kết quả lợi ích trong cuộc đời nầy. Có thể làm xong công việc tốt hơn khi chánh niệm vào những việc ấy.

Quí vị bớt sai sót khi làm việc. (Sư xấu hổ để thú tội một việc. Sư dạy chánh niệm, mà Sư quên mang theo vài bài vở, chốc nữa Sư sẽ đem sau.)

Xin hãy ráng thực hành chánh niệm trong những sinh hoạt hằng ngày. Cố gắng mỗi ngày như vậy, nó sẽ trở thành thói quen. Khi có cơ hội dự khóa thiền như vầy hay nhiều ngày hơn, quí vị sẽ đi vào thiền dễ dàng. Nhiều thiền sinh phải mất mấy ngày đầu khóa thiền mới vào sự thực hành. Họ rất mệt mõi buồn ngủ, hay tâm phóng nhiều quá, cho nên họ phải tranh đấu với sự thực tập trong hai hay ba ngày đầu. Nếu khóa thiền một tuần, thì chỉ còn có vài ngày còn lại, nên tâm của họ ở cuối khóa. Nhưng nếu thực tập hằng ngày, quí vị sẽ mang theo cái đà đó, và khi đi dự khóa thiền tích cực quí vị đi ngay vào sự thực tập dễ dàng.

Phải luôn luôn giữ chánh niệm, cả những lúc không ngồi thiền. Thực sự, nó rất lợi ích, có khi nó còn cứu được mạng sống của mình. Thí dụ trong những ngày nghỉ lễ có nhiều tai nạn xe cộ và có nhiều người chết. Tại sao có nhiều tai nạn như vậy? Tại vì người lái xe không chánh niệm. Nếu họ chánh niệm, sẽ có rất ít tai nạn. Ta không thể kiểm soát máy móc hư, nhưng nếu các người lái xe chánh niệm, sẽ có ít tai nạn trên đường và sẽ có ít người chết. Nếu là một người lái xe có chánh niệm quí vị có thể giữ sanh mạng của mình và sanh mạng của người khác.

Chánh niệm có thể cho quí vị nhiều kết quả tốt.

Để thực hành chánh niệm quí vị không phải tốn một xu. Nó là của quí vị, nó đi theo quí vị, quí vị có thể thực hành lúc nào cũng được và nó không tốn kém gì cả. Xin đừng nói rằng phải trả tiền để dự khóa thiền. Sự tốn kém nầy không phải trả cho sự giảng dạy, không phải cho sự thực tập—mà cho những phương tiện dùng ở thiền viện. Thực ra hành thiền không tốn kém gì cả, và đạt được nhiều kết quả dồi dào.

Chánh niệm phải được phối hợp vào trong sinh hoạt hằng ngày, và phải là lối sống của chúng ta. Đức Phật Ngài vô cùng trí tụê mới khám phá ra giá trị của chánh niệm. Tuy nó có thể là tài sản của mọi người, nó vô cùng giản dị và bình thường, người đời không nhận biết giá trị của nó.

Nhưng Đức Phật đã khám phá ra tầm quan trọng của nó, và dạy cho chúng ta cách dùng chánh niệm để làm lợi ích cho ta và lợi ích cho kẻ khác.

Chính bằng sự dùng chánh niệm mà đặc tướng của sự vật, sự bí mật của thân tâm có thể được khám phá ra. Qua chánh niệm ta vung bồi định tâm, và qua định tâm, đặc tánh thật của các pháp được trở nên rõ ràng. Khi việc ấy xảy ra, chúng ta sẽ đạt được mục đích tối hậu. Xin đừng bỏ nó, xin đừng máng nó lại trên cửa cổng thiền viện khi rời khóa thiền.

Thẻ tín dụng (credit card quảng cáo trên TV) có câu “Xin đừng đi khỏi nhà mà không mang nó theo.” Sư muốn nói giống như vậy đối với chánh niệm—xin đừng đi ra khỏi nhà mà không mang theo chánh niệm. Luôn luôn đem theo chánh niệm với mình, ở mọi nơi. Nó có thể trả quí vị nhiều lời. Lời khuyên của Sư là đừng ngưng giữ chánh niệm sau khi rời khóa thiền. Hãy nên tiếp tục, hãy giữ nó mới mẻ và sống động, và khi cơ hội đến quí vị sẽ bắt được cơ hội ngay và thực tập một cách nghiêm túc.

Giáo Pháp thực hành nầy do Đức Phật dạy, vô cùng lợi ích cho tất cả những người nào thực hành nó. Chúng ta vô cùng may mắn có cơ hội hiểu biết giá trị của chánh niệm và áp dụng nó vào trong thực hành. Nếu Đức Phật không có dạy ta chánh niệm, thử hỏi ai có khả năng dạy chúng ta? Chúng ta không thể tìm sự thực tập chánh niệm trong các giáo pháp nào khác.

Hiện nay nhờ có máy vi tính, nhiều giáo lý của các tôn giáo, gồm cả bộ Thánh Kinh, đã được đưa vào đĩa CD- ROM. Tò mò để xem coi từ ngữ chánh niệm có nằm trong những giáo lý trên không, Sư đi tìm trong bộ Thánh Kinh mà không thấy. Trong cả bộ Kinh Thánh, không có một trường hợp nhỏ nào có chữ chánh niệm trong đó.

Chữ “mindful” hiện ra trong vài trang sách, nhưng “mindful” ở đây chỉ có nghĩa là hay biết, hiểu, hay hiểu biết một việc gì. Đó không phải là chánh niệm mà chúng ta thực hành.

Cho nên đừng nghĩ rằng rất dễ để biết về chánh niệm hay để có cơ hội để thực hành. Chỉ khi nào gặp được Đức Phật hay khi sanh ra vào thời kỳ có giáo lý của Đức Phật, và chỉ khi nào có giảng sư để dạy, quí vị mới có thể học về chánh niệm, thực hành chánh niệm, và hưởng kết quả của sự thực hành. Thật là một cơ hội hiếm có để có thể thực tập chánh niệm.

Sau vài năm nữa chúng ta sẽ chết, và cũng không biết chúng ta sẽ tái sanh về đâu. Chúng ta có thể không có cơ hội để thực tập chánh niệm trong nhiều năm hay những kiếp tái sanh tới. Cho nên đây là thời gian để thực tập – không nên bỏ qua vì nghĩ rằng ta sẽ thực tập khi tái sanh làm trời. Đời sống nầy là một cơ hội rất hiếm hoi để làm lợi ích cho chính mình và cho những người xung quanh.

Có người cho rằng hành thiền chỉ làm lợi ích riêng cho mình, như vậy rất ích kỷ. Là thiền sinh, chúng ta phải công nhận rằng chúng ta muốn cầu tiến, cải thiện trau dồi chính mình, nhưng làm như vậy chúng ta đồng thời cũng làm một việc giúp ích xã hội. Chúng ta trở thành người tốt, và là người tốt ta không gây trở ngại cho người khác. Quí vị không phạm tội hay là một gánh nặng cho xã hội cho chánh phủ. Không nên phí thời giờ lo nghĩ về việc có ích kỷ hay không khi thực tập cho riêng mình. Chỉ nên thực tập.

Phải toàn thiện trước khi làm cho người khác toàn thiện. Phải làm bác sĩ trước khi chữa bịnh cho bịnh nhân. Đó là cách mà ta phải làm việc gì. Khi có cơ hội hiếm hoi để tự giúp mình và giúp người, đừng nên để mất cơ hội đó.

Đừng để mất cơ hội bây giờ để hành thiền minh sát, nhưng phải giữ nó bằng cách thực tập liên tục trong suốt cuộc đời.

Giờ đây Sư cầu chúc cho tất cả quí vị sớm thực hiện được mục đích. Cầu xin quí vị có thể đạt được mục đích một cách dễ dàng, và cầu xin cho quí vị được an vui hạnh phúc.

 

 

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app