Con Đường Đến Niết Bàn 

Chúng ta chưa nói hết về Tu Đà Huờn, là một vị đã đạt đến tầng giác ngộ đầu tiên; tận diệt thân kiến, hoài nghi và giới cấm thủ; và chỉ còn có nhiều nhứt là bảy kiếp trong vòng luân hồi.

Trong kinh tạng cũng như trong Vi Diệu Pháp thường nhắc đến ba hạng Tu Đà Huờn. Hạng thứ nhứt là “Tu Đà Huờn tối đa là bảy kiếp.” Hạng thứ hai là “Tu Đà Huờn từ gia đình đến gia đình,” và hạng thứ ba là “Tu Đà Huờn một hạt giống.”

Tu Đà Huờn hạng thứ nhứt được gọi là “tối đa bảy kiếp” vì vị nấy tái sanh nhiều nhứt là bảy kiếp, và cuối cùng sẽ đạt được giải thoát. Sau khi trở thành Tu Đà Huờn trong kiếp nầy, vị ấy sẽ tái sanh bảy lần nữa, hoặc trong cảnh người hay trong cảnh trời. Vị ấy sẽ không đạt đến tầng thánh cao hơn cho đến lần tái sanh thứ bảy. Trong kiếp sống cuối cùng vị ấy hoặc sẽ lần lượt đạt được ba tầng thánh chứng ngộ hoặc sẽ trở thành A La Hán đạt đến sự giải thoát cuối cùng.

Các vị Tu Đà Huờn chỉ tái sanh vào gia đình đạo đức. Như tên gọi hạng thứ hai là “Tu Đà Huờn gia đình đến gia đình.” sanh từ gia đình nầy đến gia đình khác. Ở đây “gia đình” có nghĩa gia đình cõi chư thiên hay gia đình cõi thế gian. Theo trong kinh sách, vị Tu Đà Huờn nầy sẽ tái sanh hai hay ba lần nữa và sẽ đạt giải thoát rốt ráo.

Chú giải nói rằng hai hay ba kiếp tái sanh chỉ là một cách nói mà thôi. Thực ra ta phải hiểu rằng không phải từ hai hay ba kiếp, nhưng đến sáu kiếp. Tu Đà Huờn hạng thứ nhứt phải qua bảy kiếp, hạng Tu Đà Huờn thứ ba có một kiếp, hạng thứ hai phải có từ hai đến sáu kiếp tái sanh, trong thế gian hay trong cảnh trời hai, ba, bốn, năm hay sáu lần. Và trong kiếp tái sanh lần thứ sáu vị nầy chắc chắn sẽ đạt đến các tầng thánh chứng ngộ cao hơn và sẽ chấm dứt khổ ở cảnh đó.

Hạng thứ ba gọi là “Tu Đà Huờn một hạt giống,” nghĩa là chỉ còn lại có một hạt giống của tái sanh. Theo kinh điễn vị Tu Đà Huờn nầy chỉ còn một kiếp tái sanh, sẽ sanh vào thế gian của người hay trời. Nhưng theo trong chú giải vị nầy chỉ tái sanh một kiếp thôi, và trong kiếp đó vị nầy sẽ đạt được ba tầng thánh kế tiếp và chấm dứt mọi đau khổ. Nghĩa là vị ấy sẽ trở thành A la Hán và đạt giải thoát cuối cùng.

Như vậy có ba hạng Tu Đà Huờn: một hạng còn bảy kiếp tái sanh, một hạng còn hai đến sáu kiếp tái sanh, và một hạng chỉ còn một kiếp tái sanh. Khi ta nói vị Tu Đà Huờn sẽ tái sanh tối đa là bảy lần, nhưng không phải vị nào cũng tái sanh bảy lần, mà có thể từ hai lần, ba lần vân vân…

Tại sao có ba hạng? Chú giải nói rằng đó là tùy theo sức mạnh của sự hành thiền minh sát. Có vị có tuệ minh sát còn yếu nên sẽ còn bảy kiếp tái sanh nữa. Các vị có tuệ minh sát trung bình sẽ còn từ hai đến sáu kiếp tái sanh, và các vị có tuệ minh sát mạnh sẽ còn chỉ có một kiếp tái sanh. Cho nên tùy theo sức mạnh của sự hành thiền minh sát, có ba hạng Tu Đà Huờn.

Nhưng cũng có những vị Tu Đà Huờn khác không nằm trong ba hạng trên. Chú giải ghi rằng Trưởng giả Cấp Cô Độc Anathapindika, nữ thí chủ Visakha, và Trời Đế Thích Sakka, thuộc vào hạng nầy vì họ còn hoan hỉ trong vòng sanh tử. Họ chưa muốn sớm thoát khỏi vòng luân hồi và muốn ở lại càng lâu càng tốt. Cho nên họ sẽ chứng ngộ Niết Bàn trể nhiều hơn bảy kiếp tái sanh.

Những vị Tu Đà Huờn nầy trước hết phải trải qua các kiếp tái sanh ở mỗi nơi của sáu cảnh trời và của năm cảnh trời Phạm Thiên (Tịnh cư thiên), nơi mà các Ngài sẽ đạt được sự giải thoát trong cảnh giới Phạm thiên cao nhứt. Nhưng cũng phải mất nhiều thời gian. Cảnh trời Phạm thiên là cõi giới mà kiếp sống chúng sanh rất dài– hằng triệu tuổi quả địa cầu. Nếu ta có thể viên mãn được quả vị A la Hán trong kiếp nầy, ta sẽ chứng ngộ Niết Bàn trước các vị Tu Đà Huờn nầy, vì họ hiện vẩn còn ở vòng luân hồi rất lâu.

Khi một vị trở thành Tu Đà Huờn, có nghĩa là Tu đà huờn Đạo sotapatti-magga và Tu đà huờn Quả sotapatti- phala sanh khởi trong tâm. Tu đà huờn Đạo phát sanh chỉ một lần, trong một khoảng thời gian vô cùng ngắn, có lẻ chỉ một phần tỉ của một giây đồng hồ. Kế đó Tu đà huờn Đạo được lập tức theo sau bởi hai hay ba chặp của Tu đà huờn Quả (tâm Quả). Khi ta nói tỉ tỉ của chặp tư tưởng trong một giây, hai hay ba chặp không đáng kể gì cả. Do đó khoảnh khắc giác ngộ chỉ lóe lên như ánh chớp. Sau đó, tâm trở lại trạng thái tâm bình thường.

Những vị đã đạt được Đạo và Quả có thể hưởng lại Quả tâm lần nữa. Khi tâm lấy Niết Bàn làm đối tượng, tâm vô cùng an lạc. Những vị nào được chứng ngộ luôn luôn muốn được an lạc nơi tâm bằng cách lấy Niết Bàn làm đối tượng. Khi nhập vào Quả tâm, thời gian nầy giống như một khoảng nghĩ ngơi cho các Ngài sau khi đạt giác ngộ.

Những vị đã đạt đến tầng thánh đầu tiên, hay các tầng thánh khác, thường muốn nhập vào Quả tâm nầy. Muốn được như vậy, vị Tu Đà Huờn phải hành thiền minh sát. Mục tiêu của các vị ấy bây giờ không phải để đạt đến tầng chứng ngộ cao hơn, mà là để đạt tới trạng thái an lạc mà các vị kinh nghiệm trước đây. Với mục đích trên, các vị ấy hành thiền minh sát, và đi qua các giai đoạn của minh sát tụê như các vị ấy đắc Đạo tâm Tu đà huờn. Khi minh sát tụê thành tựu, thì Quả tâm phát sanh thay vì Đạo tâm như trước đây.

Đó gọi là hưởng Quả giải thoát phala-samapatti, nhập diệt thọ tưởng định. Trong khi hưởng Quả chứng ngộ, chỉ có Quả tâm phát sanh. Một Quả tâm theo sau Quả tâm khác, hằng tỉ tỉ lần, kéo dài tùy theo hành giả muốn kéo dài—có thể một giờ, hai giờ, hay nguyên cả ngày.

Sau khi thành Tu Đà Huờn, ta phải làm gì? Ngưng hành thiền, hay tiếp tục hành thiền? Trong cả hai kinh Silavanta và Sutavanta, Đại Đức Mahakotthika đặt câu hỏi đó: “Hiền Huynh Xá Lợi Phất, một vị tỳ khưu Nhập Lưu phải quán sát những gì? Những gì mà một vị Tu đà huờn phải chú tâm quán tưởng?

Đại Đức Xá Lợi Phất trả lời: “Hiền huynh Kotthika, vị tỳ khưu Nhập Lưu phải cẩn trọng quán sát ngũ uẩn thủ là vô thường, khổ…là vô ngã. Khi vị tỳ khưu Nhập Lưu quán sát ngũ uẩn thủ, vị ấy có tiềm năng chứng ngộ quả của vị Nhất Lai.”

Theo Đại Đức Xá Lợi Phất, vị Tu Đà Huờn phải chánh niệm trên các uẩn thủ cùng những đề mục trước khi vị nầy đạt đến tầng thánh hiện tại. Như vậy một người thường do hành thiền minh sát trên ngũ uẩn thủ đạt được tầng thánh Tu Đà Huờn, và nếu vị Tu Đà Huờn ấy tiếp tục hành thiền cũng trên đề mục ngũ uẩn thủ, sẽ dẩn đến tầng giác ngộ kế tiếp.

Nếu một người đã đạt được tầng giác ngộ thứ nhứt, muốn đạt đến tầng giác ngộ thứ hai phải làm gì? Vị nầy phải hành thiền minh sát nữa. Thế nên thiền minh sát không phải là chỉ thực hành thỉnh thoảng một lần, rồi quên lãng đi. Sau khi đạt đưọc tầng thánh đầu tiên, hành giả vẫn hành thiền minh sát. Do kết quả của sự hành thiền minh sát, vị nầy có tiềm năng để đạt đến tầng thánh thứ hai, gọi là Nhứt lai.

Vị Nhứt Lai gọi là Tư Đà Hàm Sakadagami trong tiếng Pali. Sakadagami gồm có saka “một lần” và agami “trở lại.” “Trở lại một lần” ở đây có nghĩa là trở lại chỉ một lần nữa thôi. Người thiền sinh đạt được tầng thánh thứ hai phải trở lại thế gian chỉ một lần mà thôi. Nhưng trước hết vị ấy sẽ tái sanh vào cảnh trời. Sau khi mạng chung ở cảnh trời vị ây sẽ tái sanh vào cảnh người.

Vì chỉ trở lại thế gian một lần thôi nên được gọi là Nhứt lai. Vị Nhứt Lai thực sự có hai kiếp tái sanh, chớ không phải một– một kiếp ở cõi trời, và kiếp kế làm người. Ở kiếp nầy vị ấy sẽ đạt đến tầng chứng ngộ cao hơn, và sẽ chấm dứt đau khổ.

Một vị Tư Đà Hàm sẽ tận diệt những ô nhiễm gì? Khác với vị Tu Đà Huờn diệt tận ba thằng thúc, vị Tư Đà hàm không diệt trừ một thằng thúc nào đặc biệt cả. Sự thành đạt của vị ấy là ở chổ làm cho những ô nhiễm còn lại yếu đi hay nhẹ đi, nhứt là tham ái và sân hận.

Vị Tư Đà Hàm vẫn còn tham ái và sân hận, nhưng hai ô nhiễm nầy và những ô nhiễm còn lại phát sanh nơi tâm các vị ấy không thường xuyên—như chúng ở trong tâm người thường, hay vị Tu Đà Huờn. Khi có ô nhiễm sanh khởi, rất rải rác và yếu ớt, mỏng manh, như một áng mây bay hay cánh mỏng của con ruồi cho nên mặc dù nói rằng các vị Tu Đà Hàm còn ô nhiễm, tâm của các vị ấy vô cùng trong sạch.

Trong tỉnh nhà của Sư, ở Mandalay, có một nhà sư hoàn tục. Ông ấy cho ông là Tư Đà Hàm, và thông báo cho bạn bè của ông, những nhà sư huờn tục tinh thông Phật Pháp. Một trong các ông nầy nói rằng,” Không, ông không thể là Tư Đà Hàm, vì ông còn sống tại gia, ông có gia đình.”

Vị sư huờn tục ảo tưởng kia nói rằng, “Một người Tư Đà Hàm vẫn còn ái dục và sân hận, vẫn có thể được phép có gia đình.” Bạn của ông ấy trích dẫn cho ông xem vài đoạn trong chú giải. Theo một vài chú giải, nếu loại ái dục thô tục nầy còn phát sanh nơi tâm của một vị Tư Đà Hàm, thì vị nầy không nên sống tại gia hay có vợ chồng.

Các nhà chú giải có hai quan niệm khác nhau. Quan niệm thiểu số cho rằng khi một vị Tư Đà Huờn có gia đình và sống đời tại gia, vị nầy tất phải còn ái dục. Nhưng quan niệm đa số nói rằng “ Không, những ô nhiễm phát sanh trong tâm của vị Tư Đà Hàm rất nhẹ nên không thể nào có ái dục trong tâm của vị Tư Đà Hàm.”

Và những người bạn ấy suy đoán về việc có gia đình và có con cái. Chú giải cho biết có nhiều cách để thụ thai, như là, thụ thai có thể xảy ra chỉ bằng sự đụng chạm, hay chỉ bằng cách nghe tiếng, vân vân…Những người bạn vạch ra điều nầy cho ông ta và nói rằng một vị Tư Đà Hàm không thể còn những ái dục thô thiển như vậy trong tâm.

Hòa Thượng Mahasi không có ý kiến quyết định gì về vấn đề nầy. Ngài nói rằng, “Rất khó cho những nhà khoa học hiện đại chấp nhận sự thụ thai có thể xảy ra chỉ bằng cách đụng chạm hay nghe tiếng, nhưng quan niệm của các giảng sư cũng phải được chú ý, không nên bác bỏ hoàn toàn.

Những vị đã chứng ngộ có biết được những ô nhiễm nào các Ngài đã tận diệt và những ô nhiễm nào còn lại phải được tận diệt? Sau khi hành giả mới đắc Đạo, được trải qua tiến trình tâm, trong đó vị nầy quán chiếu lại sự chứng đạt của mình. Những tiến trình nầy luôn luôn sanh khởi ngay sau giây phút chứng đắc dẫn đến sự quán chiếu trên năm điều: Đạo, Quả, Niết Bàn, những ô nhiễm đã được tận diệt, và những ô nhiễm còn lại phải được tận diệt.

Không có một quy luật nhứt định nào cho rằng tất cả năm điều quán chiếu trên phải xảy ra trong tâm các vị vừa chứng ngộ. Trong kinh nói rằng có những vị nhứt định quán chiếu trên ba thứ đầu — Đạo, Quả và Niết Bàn.

Nhưng các vị có thể hay không quán chiếu hai thứ sau— ô nhiễm đã được tận diệt, và ô nhiễm còn lại. Nếu các vị nầy không quán chiếu được hai thứ tâm nầy, thì không thể nào biết ô nhiễm nào được tận diệt và ô nhiễm nào còn lại.

Người anh họ của Đức Phật là Mahanama là một vị Tư Đà Hàm. Tuy nghĩ rằng Ngài đã diệt trừ mọi ô nhiễm, Ngài thấy còn vài thứ sanh khởi trong tâm. Khi chúng phát sanh, Ngài biết là chúng phát sanh và Ngài trình với Đức Phật và hỏi tại sao chúng vẫn còn sanh khởi. Đức Phật dạy rằng tại vì Ngài không quán chiếu về những ô nhiễm đã tận diệt và những ô nhiễm còn lại sau khi giác ngộ.

Do đó người giác ngộ có thể không biết ô nhiễm nào tận diệt và ô nhiễm nào còn lại. Chỉ khi nào biết trước và quán chiếu hai thứ tâm đó mới biết thôi. Ở đây, biết trước nghĩa là một người đã có sẵn kiến thức học từ trong kinh sách để hiểu sự cần thiết của sự quán chiếu hai thứ trên.

Vậy một vị Nhứt lai phải làm gì? Câu hỏi của Đại Đức Mahakotthika là, “một vị Nhứt lai phải quán sát những gì?” Và câu trả lời vẩn như nhau:

“Hiền huynh Kotthika, một vị tỳ khưu là Nhứt lai phải cẩn trọng quán sát ngũ uẩn thủ là vô thường, khổ…là vô ngã. Khi vị tỳ khưu là Nhứt lai cẩn trọng quán sát ngũ uẩn thủ, có thể vị ấy sẽ chứng nghiệm Quả của Bất lai.”

Thế nên sau khi trở thành Tư Đà Hàm, nếu tiếp tục hành thiền minh sát, các Ngài có tiềm năng để đạt đến tầng thánh chứng ngộ cao hơn. Đó là Bất lai tầng giác ngộ thứ ba.

Vị Nhất lai trở lại thế gian chỉ một lần thôi. Nhưng vị bất lai không trở lại thế gian loài người hay cảnh giới chư thiên. Các vị không tái sanh làm người hay cảnh trời dục giới. Vị Bất lai sẽ còn một kiếp tái sanh làm Phạm thiên trong cõi trời Phạm thiên, (Tịnh cư thiên) và có thể có năm kiếp tái sanh, mỗi kiếp trong mỗi cảnh của cảnh trời Phạm Thiên. Trong cảnh giới Tịnh cư thiên, Ngài trở thành A La Hán và đạt đạo giải thoát cuối cùng.

Một vị Bất lai gọi là A Na Hàm Anagami trong tiếng Pali. Chữ nầy gồm có na, nghĩa là “không” và agami, nghĩa là “trở lại. “Nhập chung lại, chúng có nghĩa là “không trở lại.” Vị A Na Hàm tận diệt thêm vài ô nhiễm, trong đó có sự tận diệt hoàn toàn của ái dục và sân hận. Sau khi trở thành A Na Hàm, vị nầy sẽ không bao giờ dính mắc vào trong tham ái. Ngài không thể tiếp tục sống một cuộc đời có gia đình, và không thể nào nổi sân.

Đi cùng với sân hận, vị nầy tận diệt sợ hãi cũng cùng một loại với sân hận. Thế nên vị nầy không sợ hãi việc gì cả, và sẽ không nổi sân khi có sự khiêu khích. Không dính mắc những gì trong thế gian loài người và thế giới trời dục giới. Đó là những biểu hiệu của những vị đã tận diệt ái dục và sân hận.

Có hai câu chuyện để chứng minh việc một vị A Na Hàm đã diệt bỏ hay tận diệt ái dục. Có người kia tên là Ugga mới đạt quả A Na Hàm. Vị nầy có bốn bà vợ. Sau khi trở thành A Na Hàm, vị nầy gọi tất cả bốn bà và bảo rằng, “Nầy các chị em, giờ đây tôi giữ năm giới, với sự kiêng cữ tình dục là giới thứ năm.”

Nghĩa là vị nầy giữ năm giới nhưng thay vì giới thứ ba, vị nầy dời giới nầy sang thứ năm. Đó gọi là giới cao thượng là giới thứ năm.’ Là A Na Hàm tự nhiên giữ giới trong sạch và nói rằng ” Tôi nay giữ năm giới với sự kiêng cữ tình dục là giới thứ năm. Bây giờ các chị em có thể tiếp tục sống ở đây, hay muốn lấy cái gì thì lấy và về lại gia đình cha mẹ. Hay cứ cho tôi biết nếu muốn lấy chồng khác, tôi sẽ bằng lòng cho người đàn ông đó cưới chị hay em.” Người vợ cả nói rằng, “Được, xin gã tôi cho người đàn ông đó.”

Vị nầy bèn nắm tay trái bà vợ và tay phải cầm một chén nước, và trao bà vợ cả cho người đàn ông đó. Vị ấy nói rằng, “Thật là kỳ lạ ta không cảm thấy hối hận, hay ganh tị hay sân hận khi ta cho vợ đi như vậy.” Một vị A Na Hàm, không còn thú vị về dục lạc giác quan.và cả những đối tượng vật chất của giác quan. Thế nên vị ấy mới có thể cho các người vợ một cách dễ dàng, và nói,” Đây là một điều kỳ lạ trong tôi.”

Câu chuyện thứ hai hơi dài dòng một chút, nên Sư sẽ nói vắn tắt. Trong thời kỳ Đức Phật ở thành phố Rajagaha, có một người thiện nam tên là Visakha. Xin chú ý là tên nầy giống y như tên của vị thí chủ có cùng một tên Visakha.

Nếu người đó là người nữ, thì chữ nầy đọc là Vi-sa-kha với vần “a” dài. Nếu là người nam, thì chữ nầy đọc là Vi- sa-kha với vần “ă” ngắn.

Sau khi giảng xong thời pháp đầu tiên tại Isipatana và nhập hạ ở đó, Đức Phật tiếp tục cuộc hành trình đi đến Rajagaha, nơi đó Ngài nhập hạ lần thứ hai. Sau khi đến thành phố, Ngài giảng pháp cho nhiều người trong đó có vua Bình Sa Vương. Vua Bình Sa Vương và nhiều người hầu cận gồm cả Visakha, trở thành Tu Đà Huờn trong lần đầu tiên nghe Đức Phật giảng.

Sau đó Visakha nghe Đức Phật thuyết pháp và đạt quả Tư Đà Hàm. Và một lần sau đó ông nghe một bài pháp khác ông trở thành A Na Hàm. Khi trở về nhà ông hoàn toàn thay đổi. Trước kia khi về tới nhà ông vui cười và gọi vợ, nhưng lần nầy ông về nhà như một nhà sư.

Lúc ông về gần tới nhà, vợ ông nhìn qua cửa sổ. Thấy cử chỉ lạ lùng của chồng, bà vợ phân vân nghĩ có gì xảy ra cho ông: “Ông có người khác ở ngoài hay là có ai đã nói những lời chia rẻ với ông?” Khi ông vào nhà, thì bà vợ đưa tay cho chồng, như thường lệ khi ông vô nhà, nhưng Visakha không nắm lấy tay bà vợ. Ông giữ tay của ông lại, bà vợ rất thất vọng. Và bà nghĩ rằng, “thôi được, để xem coi tới bữa ăn có gì khác không..”

Nhưng đến bữa ăn, ông không ngồi cùng bàn với vợ. Ông lấy thức ăn rồi đi kiếm chỗ khác ngồi ăn như một nhà sư. Thấy vậy, bà vợ tự nói rằng, “cũng được, ta sẽ biết tối nay.” Nhưng tối đến, ông không vào phòng ngủ. Ông vào một phòng khác và ngủ trên một cái giường nhỏ. Và tiếp tục như vậy hai hay ba ngày sau. Khi không thể chịu đựng nữa, bà mới hỏi chồng tại sao ông thay đổi như vậy. Visakha mới quyết định nói với vợ, mặc dù theo luật không nên tuyên bố sự giác ngộ của mình, ông phải nói với vợ ông. Nếu ông không nói sự thật, bà vợ sẽ chết vì đau khổ

Và ông nói rằng, “Tôi đã đạt được Giáo Pháp,và không thể sống đời sống gia đình. Bà có bốn trăm triệu, và tôi có bốn trăm triệu. Bây giờ tất cả là của bà; bà muốn làm gì thì làm. Nếu bà muốn tiếp tục ở nhà nầy, bà có thể ở nhà nầy, nhưng bà sẽ giống như là mẹ hay chị tôi vậy.” Và ông tiếp tục.” nếu bà muốn lấy chồng khác, bà tự do làm việc ấy.”

Bà nghĩ, “một người thường không thể nói như vậy, nên sự chứng ngộ giáo pháp của ông ấy phải rất cao quý.” Và bà vợ hỏi, “Chỉ có đàn ông mới đạt được giáo pháp”?

Khi ông trả lời rằng, “không, đàn ông hay đàn bà ai cũng có thể chứng ngộ cả,” thì bà vợ nói rằng, “nếu vậy, tôi cũng muốn được xuất gia.”

Visakha rất vui mừng, và sắp xếp cho bà xuất gia. Ông báo tin cho vua Kosala, lấy một cái kiệu, nhóm lại vài người đàn ông, và với nghi lễ chỉnh tề khiêng kiệu bà vợ đến nữ tu viện của những vị tu nữ tu ở đó. Ông xin ni sư trưởng làm lễ xuất gia cho bà vợ. Nhưng vị ni sư trưởng tưởng rằng ông chỉ là một ông chồng giận vợ nên gởi bà vợ vào tu viện. Cho nên, vị sư nữ hỏi, “thưa ông, ông cũng nên khoan hồng cho một hay hai lỗi lầm nên tha thứ –xin đừng nên làm như thế..” Ông trả lời rằng, “không, bà ấy muốn trở nên một tu nữ do đức tin.” Và bà vợ được xuất gia và có pháp danh là Dhammadinna.

Sau khi xuất gia có nhiều người đến tu viện thăm viếng nên bà không có nhiều thì giờ để thực tập. Cho nên bà cùng vị thầy của bà đi đến nơi khác để hành thiền. Vì bà là một người có năng khiếu và đã tích trữ nhiều ba la mật trong kiếp trước, chỉ mất có hai hay ba ngày, bà trở thành A La Hán.

Khi người chồng nghe tin bà trở lại thành phố, ông nghĩ, “Ồ, bà đã xuất gia, và chỉ mới có vài ngày sau, bà trở về. Phải chăng bà muốn trở lại đời cư sĩ.” Để thử bà, ông bèn đến và hỏi đạo. Cuộc pháp đàm nầy được ghi lại trong bộ Trung A Hàm Majjhima Nikaya.

Câu hỏi của ông rất cao sâu, nhưng bà trả lời trôi chảy. Ông rất hoan hỉ, đến hầu Đức Phật và trình lại những câu trả lời của bà. Đức Phật dạy, “nếu ông hỏi Như Lai những câu hỏi đó, Như Lai cũng trả lời giống như vậy.” Những lời của Đức Phật tán thán làm bà rất được vinh hạnh.

Khi Visakha trở thành A Na Hàm, ông biết rằng ông sẽ không tiếp tục sống đời sống của một người chồng, trong gia đình, nên ông dễ dàng từ bỏ vợ, tài sản, và những thứ ông sở hữu. Đó là những thứ vật chất, một vị A Na Hàm không thích thú vào những thứ vật chất đó. Cho nên nếu trở nên vị A Na Hàm, vị nầy không màng gì ở thế gian cả, cả đến người vợ yêu quý.

Hòa Thượng Mahasi thêm rằng một vị A Na Hàm tận diệt mọi tham ái, nếu nghĩ rằng quí vị là A Na Hàm, thì không nên hút thuốc hay nhai trầu. Có lẽ Ngài đã thấy có ai cho rằng họ là A Na Hàm, nhưng vẩn còn chưa dứt những thói xấu đó, cho nên Ngài thêm phần nầy vào trong bài giảng của Ngài.

 

 

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app