Trí-Tuệ-Thiền-Tuệ

Hành-giả nào là hạng người tam-nhân đã từng tích-luỹ đầy đủ các pháp-hạnh ba-la-mật từ vô số kiếp trong thời quá-khứ, có giới-hạnh trong sạch trọn vẹn, khi thực-hành pháp-hành tứ-niệm-xứ hoặc pháp-hành thiền-tuệ có 1 trong 21 đối-tượng tứ-niệm-xứ ấy, nếu có yoniso-manasikāra hỗ-trợ thì hành-giả ấy thực-hành đúng theo pháp-hành trung-đạo, có chánh-niệm trực nhận đối-tượng sắc-pháp ấy hoặc danh-pháp hiện-tại ấy, có trí-tuệ tỉnh-giác trực giác thấy rõ, biết rõ thật-tánh của sắc-pháp hiện-tại ấy hoặc danh-pháp hiện-tại ấy dẫn đến phát sinh trí-tuệ-thiền-tuệ theo tuần tự trải qua 16 loại trí-tuệ-thiền-tuệ từ trí-tuệ-thiền-tuệ tam-giới cho đến trí-tuệ-thiền-tuệ siêu-tam-giới như sau:

Trí-tuệ-thiền-tuệ có 16 loại

1- Trí-tuệ thứ nhất Nāmarūpaparicchedañāṇa

Hành-giả thực-hành thuộc về hạng người tam-nhân đã từng tích-luỹ đầy đủ 10 pháp-hạnh ba-la-mật từ vô số kiếp trong thời quá-khứ, có giới-hạnh trong sạch trọn vẹn, thực-hành pháp-hành thiền-tuệ có đối-tượng thiền-tuệ sắc-pháp, hoặc đối-tượng danh-pháp thuộc về chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma), thực-hành đúng theo pháp-hành trung-đạo, có khả năng dẫn đến phát sinh trí-tuệ thứ nhất gọi là nāmarūpapariccheda-ñāṇa: trí-tuệ thấy rõ, biết rõ, phân biệt rõ thật-tánh của mỗi sắc-pháp hiện-tại, mỗi danh-pháp hiện-tại đều là pháp-vô-ngã (anattā) không phải ta, không phải người, không phải đàn ông, không phải đàn bà, không phải chúng-sinh nào, vật này, vật kia, v.v… đều chỉ là sắc-pháp, danh-pháp đúng theo chân-nghĩa-pháp mà thôi.

Trí-tuệ thứ nhất nāmarūpaparicchedañāṇa không chỉ thấy rõ, biết rõ đối-tượng thiền-tuệ sắc-pháp hoặc danh-pháp hiện-tại, mà còn thấy rõ, biết rõ chủ-thể tâm biết đối-tượng cũng là danh-pháp mà thôi.

Vậy, trí-tuệ thứ nhất nāmarūpapariccheda-ñāṇa này thấy rõ, biết rõ thật-tánh của đối-tượng thiền-tuệ và chủ-thể tâm biết đối-tượng, liên quan với nhau chỉ là sắc-pháp và danh-pháp đều là pháp-vô-ngã (anattā) mà thôi.

Trước kia, thật-tánh của sắc-pháp, danh-pháp bị màn vô-minh (avijjā) che phủ, nên không thấy rõ, biết rõ thật-tánh của sắc-pháp, danh-pháp, lại còn tà-kiến theo chấp ngã (attānudiṭṭhi) thấy sai chấp lầm nơi sắc-pháp, nơi danh-pháp cho là ta (ngã), người, người nam, người nữ, chúng-sinh, v.v…

Bây giờ, hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ có đối-tượng thiền-tuệ sắc-pháp hiện-tại hoặc danh-pháp hiện-tại, trí-tuệ thứ nhất nāmarūpa-paricchedañāṇa phát sinh, thấy rõ, biết rõ, phân biệt rõ thật-tánh của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp đúng theo chân-nghĩa-pháp (paramattha-dhamma) là:

– Sắc-pháp chỉ là sắc-pháp.

– Danh-pháp chỉ là danh-pháp.

– Sắc-pháp là một, danh-pháp là một.

Khi trí-tuệ thứ nhất này thấy rõ, biết rõ đối-tượng thiền-tuệ sắc-pháp nào thì cũng biết đến chủ-thể tâm biết đối-tượng sắc-pháp ấy, hoặc thấy rõ, biết rõ đối-tượng thiền-tuệ danh-pháp nào thì cũng biết đến chủ-thể tâm biết đối-tượng danh-pháp ấy, bởi vì đối-tượng thiền-tuệ và chủ-thể tâm biết đối-tượng ấy liên quan với nhau.

Tất cả mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp đều là pháp-vô-ngã (anattā), không phải ngã (ta), không phải người, không phải người nam, không phải người nữ, không phải chúng-sinh nào cả, … mà chỉ là sắc-pháp, danh-pháp mà thôi. Khi ấy, trí-tuệ diệt-từng-thời (tadaṅgappahāna) được tà-kiến theo chấp ngã (attānudiṭṭhi) hoặc tà-kiến chấp ngã trong ngũ-uẩn (sakkāyadiṭṭhi) trong đối-tượng lẫn chủ-thể, nên gọi là chánh-kiến thiền-tuệ (vipassanāsammā-diṭṭhi), đạt đến pháp-thanh-tịnh thứ 3 gọi là diṭṭhivisuddhi: chánh-kiến thanh-tịnh là pháp-thanh-tịnh thứ nhất của pháp-hành thiền-tuệ.

Ví dụ: Trước kia, ông A đi trên đường vào ban đêm có ánh sáng trăng lờ mờ, thấy sợi dây ngoằn ngoèo giống như con rắn nằm giữa đường, ông A thấy sai, tưởng lầm sợi dây ngoằn ngoèo kia cho là con rắn độc, ông phát sinh tâm sợ hãi, nên tránh xa con rắn độc ấy mà đi.

Sau đó, ông A gặp được bậc thiện-trí giảng dạy cho ông biết rõ sự-thật đó chỉ là sợi dây không phải là con rắn độc như ông đã thấy sai, tưởng lầm. Bậc thiện-trí trao cho ông cây đèn, dẫn ông trở lại chỗ sợi dây ngoằn ngoèo ấy. Ông A rọi đèn chiếu sáng đến sợi dây ngoằn ngoèo ấy, tận mắt thấy rõ, biết rõ đúng sự-thật là sợi dây ngoằn ngoèo này chỉ là sợi dây ngoằn ngoèo mà thôi, không phải con rắn độc như trước kia ông đã thấy sai, tưởng lầm, nên tâm của ông trở lại tự nhiên, không còn sợ hãi như trước nữa.

Qua ví dụ trên nên hiểu rằng:

– Sợi dây ám chỉ đến sắc-pháp, danh-pháp.

– Thấy sai, tưởng lầm nơi sợi dây cho là con rắn độc nghĩa là thấy sai, tưởng lầm nơi sắc-pháp, nơi danh-pháp cho là ngã (ta), là người, là người nam, là người nữ, là chúng-sinh, là vật này, vật kia, v.v…

Rọi đèn chiếu sáng, tận mắt thấy rõ sợi dây chỉ là sợi dây mà thôi, nghĩa là trí-tuệ thứ nhất phát sinh thấy rõ, biết rõ thật-tánh của đối-tượng thiền-tuệ sắc-pháp, danh-pháp và chủ-thể (tâm biết đối-tượng thuộc về danh-pháp) liên quan với nhau đều là sắc-pháp, danh-pháp là pháp-vô-ngã (anattā), không phải ngã (ta), không phải người, không phải người nam, không phải người nữ, không phải chúng-sinh nào cả,…

Vai trò trí-tuệ thứ nhất

Trong 16 loại trí-tuệ-thiền-tuệ của pháp-hành thiền-tuệ, thì trí-tuệ thứ nhất nāmarūpa-paricchedañāṇa có vai trò tối ư thiết yếu, làm nền tảng cho các trí-tuệ-thiền-tuệ tuần tự phát sinh, bởi vì trí-tuệ thứ nhất này thấy rõ, biết rõ thật-tánh của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp tam-giới thuộc về chân-nghĩa-pháp, thấy rõ, biết rõ sự-thật chân-lý của sắc-pháp, danh-pháp tam-giới đều là khổ-đế (dukkhasacca).

Cho nên, hành-giả có được trí-tuệ thứ nhất nāmarūpaparicchedañāṇa này ví như gặp được vị Chân-sư đó là đối-tượng sắc-pháp, danh-pháp thật sự.

Từ nay, vị Chân-sư đối-tượng sắc-pháp, danh-pháp tam-giới trực tiếp dẫn dắt phát sinh tuần tự

13 loại trí-tuệ-thiền-tuệ tam-giới.

* Đối-tượng danh-pháp Niết-bàn siêu-tam-giới dẫn dắt phát sinh 2 loại trí-tuệ-thiền-tuệ siêu-tam-giới.

Trí-tuệ thứ nhất nāmarūpaparicchedañāṇa làm nền tảng, làm nhân-duyên để cho trí-tuệ thứ nhì nāmarūpapaccayapariggahañāṇa của pháp-hành thiền-tuệ phát sinh liền tiếp theo sau.

2- Trí-tuệ thứ nhì Nāmarūpapaccayapariggaha-ñāṇa

Hành-giả tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, có trí-tuệ thứ nhất nāmarūpapariccheda-ñāṇa làm nền tảng, làm nhân-duyên phát sinh trí-tuệ thứ nhì nāmarūpapaccayapariggaha-ñāṇa: trí-tuệ thấy rõ, biết rõ nhân-duyên-sinh của mỗi sắc-pháp, của mỗi danh-pháp.

Trí-tuệ thứ nhì này phát sinh do nương nhờ trí-tuệ thứ nhất làm nền tảng, làm nhân-duyên:

– Trí-tuệ thứ nhất thấy rõ, biết rõ, phân biệt rõ thật-tánh của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp đúng theo chân-nghĩa-pháp.

– Trí-tuệ-thứ nhì nāmarūpapaccayapariggaha-ñāṇa nương nhờ trí-tuệ thứ nhất làm nền tảng, làm nhân-duyên phát sinh thấy rõ nhân-duyên-sinh của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp khác nhau, tuỳ theo quan điểm của mỗi hành-giả, song chắc chắn có kết quả giống nhau là diệt-từng-thời (tadaṅgappahāna) được tâm hoài-nghi về nhân-duyên-sinh của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp bên trong của mình và bên ngoài mình, của người khác, chúng-sinh khác trong thời hiện-tại, thời quá-khứ và thời vị-lai.

* Nhân-duyên phát sinh mỗi danh-pháp

Mỗi danh-pháp nào phát sinh do hội đủ nhân-duyên riêng biệt của chính danh-pháp ấy như sau:

I-Đối-tượng sắc (hình dạng) tiếp xúc với nhãn-tịnh-sắc (mắt), khi hội đủ 2 nhân-duyên này, thì nhãn-thức-tâm phát sinh làm phận sự thấy đối-tượng sắc ấy.

Theo bộ Vi-Diệu-Pháp Yếu-Nghĩa, 2 nhãn-thức-tâm phát sinh do hội đủ 4 nhân-duyên:

1- Nhãn-tịnh-sắc (mắt) tốt (không bị bệnh mù),

2- Đối-tượng sắc rõ ràng tiếp xúc với nhãn-tịnh-sắc.

3- Ánh sáng đủ thấy được.

4- Ngũ-môn-hướng-tâm tiếp nhận đối-tượng sắc ấy.

Khi hội đủ 4 nhân-duyên này thì nhãn-thức-tâm phát sinh làm phận sự thấy đối-tượng sắc ấy.

II-Đối-tượng thanh (âm thanh) tiếp xúc với nhĩ-tịnh-sắc (tai), khi hội đủ 2 nhân-duyên này, thì nhĩ-thức-tâm phát sinh làm phận sự nghe đối-tượng thanh ấy.

Theo bộ Vi-Diệu-Pháp-Yếu-Nghĩa, 2 nhĩ-thức-tâm phát sinh do hội đủ 4 nhân-duyên:

1- Nhĩ-tịnh-sắc (tai) tốt (không bị bệnh điếc).

2- Đối-tượng thanh rõ ràng tiếp xúc với nhĩ-tịnh-sắc.

3- Không gian không bị vật cản bao kín.

4- Ngũ-môn-hướng-tâm tiếp nhận đối-tượng thanh ấy.

Khi hội đủ 4 nhân-duyên này thì nhĩ-thức-tâm phát sinh làm phận sự nghe đối-tượng thanh (âm thanh ấy).

III-Đối-tượng hương (các mùi) tiếp xúc với tỷ-tịnh-sắc (mũi), khi hội đủ 2 nhân-duyên này, thì tỷ-thức-tâm phát sinh làm phận sự ngửi đối-tượng hương.

Theo bộ Vi-Diệu-Pháp-Yếu-Nghĩa, 2 tỷ-thức-tâm phát sinh do hội đủ 4 nhân-duyên:

1- Tỷ-tịnh-sắc (lỗ mũi) tốt (không bị bệnh).

2- Đối-tượng hương rõ ràng tiếp xúc với tỷ-tịnh-sắc.

3- Chất gió đưa mùi hương đến lỗ mũi.

4- Ngũ-môn-hướng-tâm tiếp nhận đối-tượng hương ấy.

Khi hội đủ 4 nhân-duyên này thì tỷ-thức-tâm phát sinh làm phận sự ngửi đối-tượng hương (mùi ấy).

IV-Đối-tượng vị (các vị) tiếp xúc với thiệt-tịnh-sắc (lưỡi), khi hội đủ 2 nhân-duyên này, thì thiệt-thức-tâm phát sinh làm phận sự nếm đối-tượng vị.

Theo bộ Vi-Diệu-Pháp-Yếu-Nghĩa, 2 thiệt-thức-tâm phát sinh do hội đủ 4 nhân-duyên:

1- Thiệt-tịnh-sắc (lưỡi) tốt (không bị bệnh).

2- Đối-tượng vị rõ ràng tiếp xúc với thiệt-tịnh-sắc.

3- Chất nước miếng.

4- Ngũ-môn-hướng-tâm tiếp nhận đối-tượng vị ấy.

Khi hội đủ 4 nhân-duyên này thì thiệt-thức-tâm phát sinh làm phận sự nếm đối-tượng vị ấy.

V-Đối-tượng xúc (cứng, mềm, nóng, lạnh, …) tiếp xúc vơí thân-tịnh-sắc (thân), khi hội đủ 2 nhân-duyên này, thì thân-thức-tâm phát sinh làm phận sự xúc giác đối-tượng xúc.

Theo bộ Vi-Diệu-Pháp-Yếu-Nghĩa, 2 thân-thức-tâm phát sinh do hội đủ 4 nhân-duyên:

1-Thân-tịnh-sắc (thân) tốt (không bị bệnh liệt).

2- Đối-tượng xúc rõ ràng tiếp xúc với thân-tịnh-sắc.

3- Chất đất cứng, mềm, nóng lạnh, …

4- Ngũ-môn-hướng-tâm tiếp nhận đối-tượng xúc ấy.

Khi hội đủ 4 nhân-duyên này thì thân-thức-tâm phát sinh làm phận sự xúc giác đối-tượng xúc (cứng, mềm, nóng, lạnh, … ấy).

VI-Đối-tượng pháp tiếp xúc với sắc-ý-căn (hadayavatthurūpa), khi ý-thức-tâm nào hội đủ nhân-duyên thì ý-thức-tâm ấy phát sinh làm phận sự biết đối-tượng pháp ấy.

Theo bộ Vi-Diệu-Pháp-Yếu-Nghĩa, 75 ý-thức-tâm phát sinh do hội đủ 3 nhân-duyên:

1- Hadayavatthurūpa: Sắc-pháp là nơi sinh của ý-thức-tâm).

2- Đối-tượng pháp ấy tiếp xúc với hadayavatthurūpa.

3- Ý-môn-hướng-tâm tiếp nhận đối-tượng pháp ấy.

Khi hội đủ 3 nhân-duyên của ý-thức-tâm nào thì ý-thức-tâm ấy phát sinh làm phận sự biết đối-tượng pháp ấy.

 Như vậy, mỗi danh-pháp phát sinh do hội đủ nhân-duyên của nó, nếu thiếu nhân-duyên nào thì danh-pháp ấy không thể phát sinh được.

* Sắc-pháp phát sinh do 4 nhân-duyên

Số hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, khi trí-tuệ thứ nhì Nāmarūpapaccayapariggaha-ñāṇa phát sinh thấy rõ sắc-pháp phát sinh do 4 nhân-duyên là:

1- Kamma: Nghiệp làm nhân-duyên phát sinh sắc-pháp, đó là 25 loại nghiệp, ngoại trừ 4 vô-sắc-giới thiện-nghiệp và 4 siêu-tam-giới thiện-nghiệp.

Nghiệp làm nhân-duyên phát sinh sắc-pháp gọi là kammajarūpa: sắc-pháp phát sinh do nghiệp này trong thân của mỗi chúng-sinh suốt mỗi sát-na-tâm (khaṇacitta) kể từ khi tái-sinh v.v…

2- Citta: Tâm làm nhân-duyên phát sinh sắc-pháp, đó là 75 tâm (trừ 4 vô-sắc-giới quả-tâm).

Tâm làm nhân-duyên phát sinh sắc-pháp gọi là cittajarūpa: sắc-pháp phát sinh do tâm trong thân của mỗi chúng-sinh suốt mỗi sát-na-sinh (uppādakkhaṇa) của tâm kể từ hộ-kiếp-tâm đầu tiên sau tái-sinh-tâm, v.v…

3- Utu: Thời tiết làm nhân-duyên phát sinh sắc-pháp, đó là sự lạnh, sự nóng bên trong và bên ngoài thân.

Thời tiết nóng, lạnh làm nhân-duyên phát sinh sắc-pháp, gọi là utujarūpa: sắc-pháp phát sinh do nóng hoặc lạnh trong thân của chúng-sinh suốt mỗi sát-na-trụ (ṭhitikhaṇa) của tâm kể từ tái-sinh-tâm, v.v…

4- Āhāra: Vật-thực làm nhân-duyên phát sinh sắc-pháp, đó là chất bổ trong các món vật-thực đã dùng vào trong sắc-thân của chúng-sinh.

Vật thực làm nhân-duyên phát sinh sắc-pháp, gọi là āhārajarūpa: sắc-pháp phát sinh do vật-thực trong sắc-thân của chúng-sinh suốt mỗi sát-na-tâm, …

Sắc-pháp phát sinh do tâm

Tứ-oai-nghi là sắc-pháp phát sinh do tâm (cittajarūpa).

1- Nhân-duyên phát sinh oai-nghi đi

Oai-nghi đi phát sinh do tâm qua quá trình diễn biến do nhiều nhân-duyên liên tục như sau:

– Tâm nghĩ “đi”.

– Do tâm nghĩ đi, nên phát sinh chất gió.

– Chất gió phát sinh do tâm ấy làm cho toàn thân cử động.

– Toàn thân di chuyển bước đi mỗi tư thế đi, mỗi dáng đi do năng lực của chất gió phát sinh do tâm ấy.

 Vì vậy, gọi là “thân đi” hoặc “sắc đi” là sắc-pháp phát sinh do tâm (cittajarūpa).

2- Nhân-duyên phát sinh oai-nghi đứng

Oai-nghi đứng phát sinh do tâm qua quá trình diễn biến do nhiều nhân-duyên liên tục như sau:

– Tâm nghĩ “đứng”.

– Do tâm nghĩ đứng, nên phát sinh chất gió.

– Chất gió phát sinh do tâm ấy làm cho toàn thân cử động.

– Toàn thân từ chân đến đầu đứng yên theo mỗi tư thế đứng, mỗi dáng đứng do năng lực của chất gió phát sinh do tâm ấy.

Vì vậy, gọi là “thân đứng” hoặc “sắc đứng” là sắc-pháp phát sinh do tâm (cittajarūpa).

3- Nhân-duyên phát sinh oai-nghi ngồi

Oai-nghi ngồi phát sinh do tâm qua quá trình diễn biến do nhiều nhân-duyên liên tục như sau:

– Tâm nghĩ “ngồi”.

– Do tâm nghĩ ngồi, nên phát sinh chất gió.

– Chất gió phát sinh do tâm ấy làm cho toàn thân cử động.

– Toàn thân, thân phần trên ngồi yên, thân phần dưới co theo mỗi tư thế ngồi, mỗi dáng ngồi do năng lực của chất gió phát sinh do tâm ấy.

Vì vậy, gọi là “thân ngồi” hoặc “sắc ngồi” là sắc-pháp phát sinh do tâm (cittajarūpa).

4- Nhân-duyên phát sinh oai-nghi nằm

Oai-nghi nằm phát sinh do tâm qua quá trình diễn biến do nhiều nhân-duyên liên tục như sau:

– Tâm nghĩ “nằm”.

– Do tâm nghĩ nằm nên phát sinh chất gió.

– Chất gió phát sinh do tâm ấy làm cho toàn thân cử động.

– Toàn thân nằm yên trên mặt phẳng theo mỗi tư thế nằm, mỗi dáng nằm do năng lực của chất gió phát sinh do tâm ấy.

Vì vậy, gọi là “thân nằm” hoặc “sắc nằm” là sắc-pháp phát sinh do tâm (cittajarūpa).

Các oai-nghi phụ quay bên phải, quay bên trái, co tay vào, co chân vào, duỗi tay ra, duỗi chân ra, v.v… đều là sắc-pháp phát sinh do tâm.

Sở dĩ người bị bệnh bại liệt dù tâm muốn đi, đứng, ngồi, nằm cũng không thể đi, đứng, ngồi, nằm như ý được, bởi vì chất gió phát sinh do tâm ấy không đủ năng lực làm cho toàn thân cử động theo ý muốn của người ấy được vì chất đất và chất nước nặng nề

Như vậy, mỗi danh-pháp mỗi sắc-pháp phát sinh đều do nhân-duyên, nên mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp đều là pháp-vô-ngã, không do một ai có quyền năng tạo ra một sắc-pháp nào, một danh-pháp nào được.

Trí-tuệ thứ nhì này thấy rõ nhân-duyên-sinh của mỗi danh-pháp, của mỗi sắc-pháp, cho nên có khả năng diệt-từng-thời (tadaṅgappahāna) tâm hoài-nghi trong mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp.

Trí-tuệ thứ nhì nāmarūpapaccayapariggaha-ñāṇa làm nền tảng với paccakkhañāṇa: trí-tuệ trực-tiếp thấy rõ nhân-duyên-sinh của mỗi danh-pháp, của mỗi sắc-pháp hiện-tại bên trong của mình (ajjhatta) như thế nào, và với anumāna-ñāṇa: trí-tuệ gián-tiếp biết rõ nhân-duyên-sinh của mỗi danh-pháp, của mỗi sắc-pháp bên ngoài mình (bahiddhā), của người khác, chúng-sinh khác cũng như thế ấy.

Hơn nữa trí-tuệ thứ nhì này còn có khả năng thấy rõ mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp trong hiện-tại phát sinh do nhân-duyên-sinh như thế nào, thì mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp trong quá-khứ, trong vị-lai cũng phát sinh do nhân-duyên-sinh như thế ấy.

Cho nên, trí-tuệ thứ nhì này có khả năng diệt-từng-thời (tadaṅgappahāna) tâm hoài-nghi trong thời hiện-tại, thời quá-khứ, thời vị-lai. Có 16 điều hoài-nghi như sau:

* Diệt 5 điều hoài-nghi trong thời quá-khứ

1- Trong quá-khứ ta đã có hay không?

2- Trong quá-khứ ta đã không có phải không?

3- Trong quá-khứ ta đã là gì?

4- Trong quá-khứ ta đã là thế nào?

5- Trong quá-khứ ta đã là thế nào, sinh đến đây như thế này?

* Diệt 5 điều hoài-nghi trong thời vị-lai

1- Trong thời vị-lai ta sẽ có hay không?

2- Trong thời vị-lai ta sẽ không có phải không?

3- Trong thời vị-lai ta sẽ là gì?

4- Trong thời vị-lai ta sẽ là thế nào?

5- Trong thời vị-lai ta sẽ là thế nào, sau kiếp này?

* Diệt 6 điều hoài-nghi trong thời hiện-tại

1- Trong thời hiện-tại ta có hay không?

2- Trong thời hiện-tại ta không có phải không?

3- Trong thời hiện-tại ta là gì?

4- Trong thời hiện-tại ta là thế nào?

5- Ta từ đâu đến đây?

6- Rồi sau khi ta chết, sẽ sinh ở cõi-giới nào?

Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, khi trí-tuệ thứ nhì phát sinh, nên diệt được 16 điều hoài-nghi này.

Tóm lại, hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, đến khi trí-tuệ thứ nhì phát sinh, thấy rõ, biết rõ nhân-duyên-sinh của mỗi sắc-pháp, của mỗi danh-pháp bằng nhiều đối-tượng khác nhau, nhưng chắc chắn đều có kết quả giống nhau là trí-tuệ thứ nhì này có khả năng diệt-từng-thời (tadaṅgappahāna) được tâm hoài-nghi về nhân-duyên-sinh của mỗi danh-pháp, của mỗi sắc-pháp, hoặc thoát ly khỏi sự hoài-nghi về nhân-duyên-sinh của sắc-pháp, của danh-pháp trong thời hiện-tại, thời quá-khứ, thời vị-lai nữa.

Cho nên, trí-tuệ thứ nhì nāmarūpapaccaya-pariggahañāṇa này đạt đến pháp-thanh-tịnh thứ 4 gọi là kaṅkhāvitaraṇavisuddhi: trí-tuệ-thoát-ly hoài-nghi thanh-tịnh, cũng là pháp-thanh-tịnh thứ nhì của pháp-hành thiền-tuệ, nên diệt-từng-thời (tadaṅgappahāna) được tâm hoài-nghi về nhân-duyên-sinh của mỗi danh-pháp, của mỗi sắc-pháp. Trí-tuệ thứ nhì này chưa có khả năng diệt tận được (samucchedap-pahāna) tâm hoài-nghi.

Trí-tuệ thứ nhì nāmarūpapaccayapariggaha-ñāṇa này đạt đến pháp-thanh-tịnh thứ 4 gọi là kaṅkhāvitaraṇavisuddhi: trí-tuệ thoát-ly hoài-nghi thanh-tịnh, cũng gọi là dhammaṭṭhitiñāṇa: trí-tuệ thấy rõ vững chắc thật-tánh-pháp do nhân-duyên-sinh, hoặc gọi là yathābhūtañāṇa: trí-tuệ thấy rõ sắc-pháp, danh-pháp đúng theo sự thật chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma) hoặc gọi là sammādassana: chánh-kiến thấy đúng theo chánh-pháp.

* Trí-tuệ thứ nhất nāmarūpaparicchedañāṇa và trí-tuệ thứ nhì nāmarūpapaccayapariggaha-ñāṇa thuộc về ñātapariññā: trí-tuệ có khả năng thấy rõ trạng-thái riêng của mỗi danh-pháp, mỗi sắc-pháp.

Quả báu của 2 trí-tuệ đầu pháp-hành thiền-tuệ

Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, có khả năng làm phát sinh trí-tuệ-thiền-tuệ theo tuần tự như sau:

* Khi trí-tuệ thứ nhất nāmarūpapariccheda-ñāṇa: trí-tuệ thấy rõ, phân biệt rõ thật-tánh của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp đúng theo chân-nghĩa-pháp đều là pháp-vô-ngã, không phải ta, không phải người, không phải đàn ông, không phải đàn bà, không phải chúng-sinh nào cả, … nên có chánh-kiến thiền-tuệ (vipassanāsammādiṭṭhi), đạt đến pháp-thanh-tịnh thứ 3 gọi là diṭṭhi-visuddhi: chánh-kiến-thanh-tịnh, cũng là pháp-thanh-tịnh thứ nhất của pháp-hành thiền-tuệ diệt-từng-thời được (tadaṅgappahāna) tà-kiến (chưa diệt tận được tà-kiến).

* Trí-tuệ thứ nhì nāmarūpapaccayapariggaha-ñāṇa: trí-tuệ thấy rõ nhân-duyên-sinh của mỗi sắc-pháp, của mỗi danh-pháp bên trong của mình (ajjhatta) với paccakkhañāṇa như thế nào, và với anumānañāṇa: trí-tuệ gián-tiếp biết rõ nhân-duyên-sinh của mỗi sắc-pháp, của mỗi danh-pháp bên ngoài mình (bahiddhā), của người khác, của chúng-sinh khác, thậm chí tất cả mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp thời hiện-tại, thời quá-khứ, thời vị-lai phát sinh cũng do nhân-duyên-sinh của chúng cũng như thế ấy.

Cho nên, trí-tuệ thứ nhì nāmarūpapaccaya-pariggahañāṇa này đạt đến pháp-thanh-tịnh thứ 4 gọi là kaṅkhāvitaraṇavisuddhi: trí-tuệ thoát-

ly hoài-nghi thanh-tịnh, là pháp-thanh-tịnh thứ nhì của pháp-hành thiền-tuệ, nên diệt-từng-thời (tadaṅgappahāna) được hoài-nghi, (chưa diệt tận được hoài-nghi).

Tiểu-Nhập-Lưu Cūḷasotāpanna

Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, khi trí-tuệ thứ nhất phát sinh, đạt đến chánh-kiến-thanh-tịnh, nên diệt-từng-thời được tà-kiến trong ngũ-uẩn, tiếp theo trí-tuệ thứ nhì phát sinh, đạt đến trí-tuệ thoát-ly hoài-nghi thanh-tịnh, nên diệt-từng-thời được hoài-nghi trong mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp.

Như vậy, hành-giả có 2 trí-tuệ đầu (trong 16 loại trí-tuệ-thiền-tuệ) của pháp-hành thiền-tuệ: trí-tuệ thứ nhất và trí-tuệ thứ nhì đạt đến 2 pháp-thanh-tịnh có khả năng diệt-từng-thời được tà-kiến và hoài-nghi, nên hành-giả được gọi là cūḷasotāpanna: Tiểu-nhập-lưu. Cūḷasotāpanna vẫn còn là hạng thiện-trí phàm-nhân, chưa phải là bậc Thánh-Nhập-lưu, bởi vì hành-giả chưa chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chưa chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả và Niết-bàn, chưa diệt tận được (samucchedap-pahāna) tà-kiến và hoài-nghi.

Hành-giả vẫn là người có giới hạnh trong sạch trọn vẹn, có định tâm vững vàng, vẫn duy trì thực-hành pháp-hành thiền-tuệ như vậy, nếu kiếp hiện-tại chưa trở thành Thánh-nhân bậc nào thì sau khi chết sẽ không bị sa đoạ trong 4 cõi ác-giới: địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh; mà chỉ có đại-thiện-nghiệp sẽ cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi thiện-dục-giới: cõi người hoặc cõi trời dục-giới, an hưởng mọi sự an-lạc trong cõi ấy cho đến hết tuổi thọ.

Trí-tuệ thứ nhì Nāmarūpapaccayapariggaha-ñāṇa làm nền tảng, làm nhân-duyên để cho trí-tuệ-thiền-tuệ thứ 3 sammasanañāṇa phát sinh.

3- Trí-tuệ-thiền-tuệ thứ 3 Sammasanañāṇa

Hành-giả tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, có trí-tuệ thứ nhì nāmarūpapaccayaparig-gahañāṇa làm nền tảng, làm nhân-duyên, để phát sinh trí-tuệ-thiền-tuệ thứ ba sammasana-ñāṇa: trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự diệt của sắc-pháp hoặc của danh-pháp do nhân-duyên-diệt, nên hiện rõ trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp.

Trí-tuệ-thiền-tuệ thứ ba Sammasanañāṇa (1) này phát sinh do nương nhờ trí-tuệ thứ nhất và trí-tuệ thứ nhì làm nền tảng, làm nhân-duyên như sau:

– Trí-tuệ thứ nhất thấy rõ, biết rõ thật-tánh của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp đúng theo chân-nghĩa-pháp.

– Trí-tuệ thứ nhì thấy rõ, biết rõ sự sinh của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp do nhân-duyên-sinh.

Trí-tuệ-thiền-tuệ thứ 3 là tổng hợp trí-tuệ thứ nhất và trí-tuệ thứ nhì làm nền tảng, làm nhân-duyên để cho phát sinh trí-tuệ-thiền-tuệ thứ 3 gọi là sammasanañāṇa: trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự diệt của mỗi sắc-pháp, của mỗi danh-pháp do nhân-duyên-diệt, nên đặc biệt thấy rõ, biết rõ trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp.

Trí-tuệ-thiền-tuệ thứ ba sammasanañāṇa này là trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ thấu suốt sự diệt của các đối-tượng thiền-tuệ từng phần, mỗi phần có số pháp, mỗi pháp có 3 trạng-thái chung: trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã, mà mỗi trạng-thái của mỗi pháp là mỗi trí-tuệ-thiền-tuệ thứ 3 sammasanañāṇa.

Trạng-thái-chung có 3 loại:

1- Trạng-thái vô-thường.

2- Trạng-thái khổ.

3- Trạng-thái vô-ngã.

Khi khai triển 3 trạng-thái-chung thì có 40 trạng-thái chi-tiết của trí-tuệ-thiền-tuệ thứ ba sammasanañāṇa.

1- Trạng-thái vô-thường có 10 trạng-thái chi tiết.

2- Trạng-thái khổ có 25 trạng-thái chi tiết.

3- Trạng-thái vô-ngã có 5 trạng-thái chi tiết.

Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, đến khi trí-tuệ-thiền-tuệ thứ 3 sammasanañāṇa phát sinh, thấy rõ, biết rõ sự diệt của mỗi sắc-pháp, của mỗi danh-pháp, hiện rõ trạng-thái vô-thường có 10 trạng-thái chi tiết; hiện rõ trạng-thái khổ có 25 trạng-thái chi tiết; hiện rõ trạng-thái vô-ngã có 5 trạng-thái chi tiết tuỳ theo khả năng của mỗi hành-giả.

Để cho trí-tuệ-thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānu-passanāñāṇa và các trí-tuệ-thiền-tuệ bậc cao được phát triển, hành-giả đã có trí-tuệ-thiền-tuệ thứ 3 sammasanañāṇa, còn cần phải thực-hành đầy đủ 9 pháp-hỗ-trợ cho 5 pháp-chủ (indriya): tín-pháp-chủ, tấn-pháp-chủ, niệm-pháp-chủ, định-pháp-chủ, tuệ-pháp-chủ tăng thêm nhiều năng lực hỗ-trợ cho trí-tuệ-thiền-tuệ thứ 4 udayab-bayānupassanāñāṇa phát sinh.

Trí-tuệ-thiền-tuệ thứ 3 sammasanañāṇa làm nền tảng, làm nhân-duyên để trí-tuệ-thiền-tuệ thứ 4 udayabbayānupassanāñāṇa phát sinh liền tiếp theo sau.

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app