Giới hạnh 

  1. Hãy thận trọng trong việc giữ gìn giới luật. Cốt tủy của giới luật là sự hổ thẹn. Nếu còn hoài nghi thì hãy khoan phát biểu ý kiến, khoan làm. Đó là giới luật. Không còn hoài nghi thì mới trong sạch, thanh tịnh. 
  2. Có hai trình độ thực hành giáo pháp. Gìn giữ giới luật là phần căn bản đầu tiên. Giới luật đem lại hạnh phúc, thoải mái và hòa hợp. Thứ đến – tích cực hơn – không liên quan đến sự thoải mái – đó là thực hành giáo pháp để tỉnh thức và giải thoát tâm mình ra khỏi mọi ràng buộc. Giải thoát tâm là cội nguồn của từ bi và trí tuệ. 
  3. Giới hạnh là cha mẹ của giáo pháp nảy nở trong chúng ta. Giới hạnh cung cấp thức ăn bổ dưỡng và chỉ cho ta hướng đi đích thực.
  4. Giới hạnh là điều kiện căn bản để tạo nên một thế giới hài hòa, trong đó con người thực sự sống như một con người chứ không phải như loài cầm thú. Giữ gìn giới luật là điều chính yếu trong việc hành thiền. Giữ gìn giới luật, phát triển lòng từ ái, tôn trọng tha nhân, thận trọng trong lời nói và hành động; đó là gia tài của bạn. Nếu dùng giới luật làm căn bản cho mọi hành động thì tâm bạn sẽ hiền hòa, trong sáng và yên tĩnh. Thiền sẽ dễ dàng phát triển trên mảnh đất này. 
  5. Săn sóc và giữ gìn giới luật như người làm vườn săn sóc và giữ gìn cây cối. Không bị dính mắc vào cây lớn, cây nhỏ, cây quan trọng và cây không quan trọng. Một số người muốn đi đường tắt. Họ nói: “Bỏ qua thiền định, đi ngay vào thiền minh sát; bỏ qua giới luật, đi ngay vào thiền định”. Chúng ta có nhiều lý do để bào chữa cho lòng tham ái của chúng ta. 
  6. Chánh tinh tấn và trí tuệ không phải là chuyện bên ngoài mà là sự bền tâm tỉnh thức và tự chế bên trong. Thế nên, sự bố thí, nếu được làm với ý tốt có thể đem lại hạnh phúc cho mình và cho người. Nhưng giới hạnh phải là gốc rễ thì lòng từ thiện này mới trong sáng, thanh tịnh. 
  7. Đức Phật dạy chúng ta làm điều lành, lánh xa điều ác, giữ tâm trong sạch. Việc hành thiền của chúng ta cũng vậy: “làm lành, lánh dữ”.  

Những điều xấu xa có còn tồn tại trong tâm bạn không? Dĩ nhiên là còn! Thế thì tại sao không quét dọn nhà cửa cho sạch sẽ.  

Trong việc thực hành đúng đắn thì làm lành lánh dữ là việc làm tốt đẹp, nhưng có hạn chế, vì cuối cùng chúng ta phải bước qua cả tốt lẫn xấu. Giải thoát bao gồm tất cả, nhưng không dính mắc gì cả. Từ sự không dính mắc này, tình thương và trí tuệ lưu chuyển một cách tự nhiên. 

  1. Chúng ta phải bắt đầu ngay nơi chúng ta hiện đang có mặt, trực tiếp và đơn giản. Hai bước đầu tiên là hoàn thành giới luật và chánh kiến. Rồi bước thứ ba là trí tuệ, nhổ gốc rễ phiền não, sẽ tự nhiên xuất hiện. Cũng như lúc đèn được thắp sáng thì chẳng cần phải lo lắng đến việc xóa tan bóng tối. Chẳng cần thắc mắc bóng tối đã đi phương nào. Chúng ta chỉ biết đang có ánh sáng.
  2. Có ba mức độ giữ giới. Đầu tiên là thọ giới từ vị thầy. Thứ đến là giữ giới và sống trong giới. Cuối cùng, ở mức cao nhất – bậc thánh nhân – các Ngài chẳng cần nghĩ đến giới luật, đến đúng sai. Chân giới hạnh đến từ trí tuệ, hiểu thấu đáo Tứ Diệu Đế. Hành động của các Ngài phát xuất một cách tự nhiên từ sự chứng ngộ này. 
  3. Nhiều nhà sư hoàn tục đi vào chiến trận, lăn mình vào đầu tên mũi đạn. Họ muốn như vậy. Họ muốn đi. Hiểm nguy đến từ mọi phía nhưng họ vẫn chuẩn bị để đi. Họ sẵn sàng chết trong bom đạn nhưng không ai chịu chết vì giữ gìn giới luật. Lạ lùng thật.

 

AUDIOS VÀ CÁC BÀI VIẾT TRONG CUỐN SÁCH

 

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app