GIÁO THUYẾT CỦA NHÓM LỤC SƯ NGOẠI ĐẠO.

Nói về tiểu sử các vị đạo tổ của sáu phái này như chúng ta đã được biết ít nhiều trong kinh điển PG thì còn nhiều điểm thiếu sót. Ta chỉ cần biết đại khái là giáo thuyết của họ hầuy như đều thuộc quan điểm duy vật. Cả sáu giáo thuyết đều được truyền bá rộng rãi, có số tín đồ sùng mộ đông đảo nhưnhau. Trong thời kỳ ra đời của sáu giáo thuyết này, tại Ấn Độ có đến 62 quan điểm tri kiến đối chọi nhau qua những cuộc tranh luận sôi nổi xoay quanh hai vấn đề Tâm và Vật. Sáu vị đạo tổ của sáu giáo thuyết này là những người cùng thời kỳ với Đức Phật nhưng tuổi tác của họ thì hơn Ngài, hoặc có những vị đã chết rồi nhưng các đệ tử của họ cũng được gọi bằng tên của thầy mình. Quan điểm của sáu vị giáo chủ này đã được nói rõ trong bài Kinh Sa-môn quả – Trường bộ như sau:

1) Chủ trương của phái Purānakassapa: Thuộc vô hành kiến (Akiriyādiṭṭhi), cho rằng không có nghiệp báo, dầu làm ác hay làm thiện cũng đều không có kết quả gì.

2) Chủ trương vô nhân kiến của phái Makkhaligosāla (thuộc Ahetukadiṭṭhi): Tự nhiên mà con người thanh tịnh hay uế nhiễm, không có sự trau dồi đào luyện gì cả. Kẻ ngu hay người trí gì thì sau một quá trình luân hồi đều cũng như nhau nghĩa là cũng thoát khổ cả. Giống như một cuộn chỉ rối khi được vất đi một lúc nào đó rồi tự nó sẽ bung xổ ra thôi.

3) Chủ trương hư vô kiến (Natthikadiṭṭhi) và đoạn kiến (Ucchedadiṭṭhi) của pah1i Ajitakesakambali: Việc bố thí cúng dường, nghiệp báo, đời này, đời sau, loài hóa sanh, kẻ xấu người tốt…, tất cả những cái đó đều không có, khi con người chết đi rồi sẽ không còn gì nữa, sự lìa đời là chung cuộc vĩnh viễn cho một con người.

4) Chủ trương hư vô kiến (Natthikadiṭṭhi) của Pakuddhakaccāyana: Bảy thực thể: đất, nước, gió, lửa, sự an lạc, đau khổ và sinh mạng đều không do hành động tạo nên, chúng là những chủ thế bất hoại vĩnh hằng, bất động, vô ảnh hưởng, bất tác động, không có nghiệp báo gì cả. Bảy nguyên tố vừa kể đều từ vật chất sản sinh ra và bị ảnh hưởng, tác động từ vật chất nên mới tồn tại.

5) Chủ trương ngụy biện kiến (Amarāvikkhepadiṭṭhi) của phái Sañjayabelatthiputta: khi có ai đặt vấn đề để hỏi thì giáo phái này trả lời quanh co tránh né, hoặc trườn uốn như lươn: Không phải như vậy, cũng chẳng phải thế kia; đúng cũng không phải, sai cũng không phải, vừa đúng vừa sai càng không phải…” Họ cho rằng lập luận như vậy sẽ tốt hơn hết vì sẽ không bị kẹt trong quan điểm nào cả.

6) Chủ trương của phái Nigaṇṭhanāputta có quan điểm tổng hợp như sau:

Đạo tổ của phái này là ông Mahāvira. Chủ trương của Mahāvira cũng có đôi nét tương tự Phật Giáo, nhất là về quan điểm vô thần (Adevaniyama) và nhiều điều quan trọng khác. Theo kinh sách Phật giáo thì giáo chủ Mahāvira vốn xuất thân từ một gia đình diễn viên múa rối nên ông mới có thêm tên Nātaputta (con trai của người múa rối) mà kỳ thật thì ông là một người trong dòng họ Licchavī xứ Vajjī, cuộc đời ông có nhiều điểm rất giống với Đức Phật, chủ thuyết của ông phần lớn dựa vào Phật giáo, chỉ khác Phật giáo những điểm quan trọng là giáo phái Nigaṇṭha (Ni kiền Tử) chủ trương chấp nhận một bản ngã trong cứu cánh niết-bàn và Mahāvira còn chủ trương đường lối khổ hạnh, ép xác mà Phật giáo vốn không chấp nhận. Có thể nói rằng quan điểm tri thức của phái Nigaṇṭha là những gì vay mượn và góp nhặt từ phái Sankhyā với Phật Giáo. Thế nhưng phái Nigaṇṭha lại cho rằng đạo của họ đã có từ 84.000 năm trước và do 24 vị đạo tổ thay phiên nhau truyền thừa, mà vị sơ tổ khai sáng là ẩn sĩ Isbhadeva; vị tổ sư cuối cùng trước khi tới phiên Mahāvira tên là Pāravivanātha, người đã ra trước thời kỳ Đức Phật 400 năm. Ông Mahāvira chỉ củng cố và triển khai những gì đã có sẵn. Giáo phái Nigaṇṭha đồng quan điểm với Phật giáo ở chỗ họ không chấp nhận một sáng tạo chủ của thế giới, không chấp nhận một linh thần nào là tối tôn chí thượng, họ chủ trương đường lối bác ái, bất bạo động, nhưng lại nhìn nhân môt bản ngã giống như Bà-la-môn giáo. Ngoài ra, họ còn cho rằng việc tự sát là một hành động cao cả thiêng liêng nhất.

Phái Nigaṇṭha cho răng con người gồm có hai thành phần tâm linh và vật chất (Jiva, Ajiva theo định nghĩa của phái này). Vì phần tâm linh bị trói buộc, hệ lụy bởi ảnh hưởng của vật chất nên mới sinh ra sự đau khổ trong đời, nếu muốn được thoát khổ thì phải giải phóng tâm linh ra khỏi vòng cương tỏa của vật chất. Thực thể của tâm linh vốn tuần tịnh, tinh anh, nhưng vì bị ràng buộc trong vật chất nên mới có phiền não. Và thế là phần tâm linh bị vấy bẩn, hoen ố; khi người ta chết đi, thân thể tan rã, nhưng phần tâm linh vẫn tồn tại và nó đi nương gá vào một thể xác vật chất mới; do nhờ năng lực của những hành động quá khứ  mà những hành động này là do phiền não tác động, cái phiền não này nằm ngoài phần chủ thể của tâm linh.

Để có con đường thoát khổ, ông Mahavira đưa ra đường lối thực hành pháp môn Yoga để tách rời phần tâm linh ra khỏi thể xác vật chất, nhờ vậy tâm linh sẽ trở lại bản thể thuần tịnh cũ của mình và lúc ấy được xem như đã thể nhập vào giải thoát tính, Niết-bàn. Bậc chứng ngộ trình độ này xong sẽ có được Toàn trí (Kevalañaṇa) và được gọi là bậc Toàn diện (Kelavi). Sau khi lâm chung, bậc Toàn diện sẽ nhập vào Siêu thế giới (Aloka) bất sanh bất diệt, không còn sinh tử luân hồi nữa.

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app